Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về các hình phạt chính không tước tự do
Xem thêm bài viết về “Hình phạt“, “Hình phạt chính”
- Hình phạt là gì? Đặc điểm, mục đích và hệ thống các hình phạt? – ThS.LS. Phạm Quang Thanh
- Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt chính không tước tự do – TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
TÓM TẮT
Bài viết tập trung vào ba nội dung: xác định các định hướng chung và cụ thể cho việc hoàn thiện quy định của BLHS về các hình phạt chính không tước tự do; đánh giá quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, thực tiễn áp dụng và quy định của Dự thảo về các hình phạt chính không tước tự do; qua đó đề xuất các kiến nghị cụ thể hoàn thiện quy định của BLHS về các hình phạt chính không tước tự do.
Khái niệm hình phạt chính không tước tự do là một khái niệm khoa học[1] mang tính chất tích hợp giữa hai khái niệm là hình phạt chính và hình phạt không tước tự do. Hình phạt chính là nhóm hình phạt được xác định dựa trên căn cứ phân loại là mối quan hệ giữa các hình phạt[2] hoặc có tác giả gọi là vai trò, ý nghĩa, tính chất và khả năng tác động của chúng đối với tội phạm[3] với kết quả là có hình phạt chính và hình phạt bổ sung.[4] Theo đó hình phạt chính là loại hình phạt được áp dụng chính thức cho tội phạm và được Tòa án tuyên một cách độc lập, đối với trường hợp phạm tội cụ thể thì chỉ được áp dụng một hình phạt chính.[5] Khái niệm hình phạt không tước tự do là khái niệm chỉ nhóm hình phạt được xác định dựa trên căn cứ tính chất các quyền bị hình phạt làm tổn thương[6] hay nội dung tước bỏ của hình phạt với kết quả gồm nhiều nhóm hình phạt như hình phạt tước bỏ quyền sống (tử hình), tước quyền tự do thân thể (tù chung thân, tù có thời hạn), hạn chế tự do (cải tạo không giam giữ, trục xuất, quản chế, cấm cư trú), tước bỏ tài sản (phạt tiền, tịch thu tài sản)… Căn cứ vào quy định của BLHS năm 1999 về hệ thống hình phạt tại Điều 28 BLHS năm 1999, các hình phạt chính không tước tự do được xác định là một nhóm các hình phạt chính không có tính chất tước bỏ quyền sống hoặc quyền tự do thân thể, bao gồm 4 hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.
1. Đánh giá quy định của pháp luật hình sự hiện hành, thực tiễn áp dụng và Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về các hình phạt chính không tước tự do[7]
1.1. Việc quy định biện pháp cảnh cáo trong BLHS năm 1999 và trong Dự thảo là hình phạt chính chưa thực sự thỏa đáng
Hình phạt phải là sự cưỡng chế nghiêm khắc nhất tương xứng với tính nguy hiểm cao nhất của tội phạm. Trong khi đó cảnh cáo chỉ là sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người bị kết án.[8] Vì chỉ mang tính chất khiển trách nên hình phạt cảnh cáo không có khả năng tước bỏ về tài sản hoặc hạn chế tự do người phạm tội. Tính nghiêm khắc của hình phạt cảnh cáo chỉ tác động về tinh thần đối với người phạm tội. Về mặt lý luận, liệu sự tác động này có tương xứng với tính nguy hiểm của tội phạm hay không, đặc biệt khi với tư cách là một hình phạt chính? Đặc trưng đầu tiên của hình phạt phải là tính nghiêm khắc, nghĩa là hình phạt phải mang lại một tổn thất nhất định cho người phạm tội và tổn thất đó phải cao hơn các biện pháp trách nhiệm pháp lý khác vì tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật có tính nguy hiểm cao nhất. Khi được quy định là hình phạt chính, bản thân hình phạt cảnh cáo phải có đủ tính cưỡng chế nghiêm khắc của hình phạt để đạt được các mục đích của hình phạt. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cảnh cáo là một biện pháp xử phạt hành chính[9] nhẹ nhất trong các hình thức xử phạt. Trên thực tế, biện pháp cảnh cáo chỉ được áp dụng nhiều trong xử lý kỷ luật. Có ý kiến cho rằng cảnh cáo là loại hình phạt không thể lượng hóa, về mặt pháp lý nó là hình phạt nhưng về thực tế nó lại hình như không phải hình phạt, trong nhận thức của nhân dân “cảnh cáo là tha bổng”,[10] có tác giả cho rằng cảnh cáo hầu như thiếu tính cưỡng chế.[11] Quy định về điều kiện áp dụng của hình phạt cảnh cáo ở BLHS năm 1999 (Điều 29) và Dự thảo (Điều 34)[12] thiếu cụ thể, rõ ràng khi quy định. Điều kiện “chưa đến mức được miễn hình phạt” mang tính chất chung chung, thiếu cụ thể, rõ ràng, khó phân biệt với việc áp dụng hình phạt khác.[13]
Trong Dự thảo, hình phạt cảnh cáo vẫn được quy định là hình phạt chính và áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên trong Dự thảo vẫn có trường hợp hình phạt cảnh cáo được quy định cho cả trường hợp loại tội nghiêm trọng như ở Điều 189 “Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (mới).[14]
1.2. Quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng của hình phạt tiền còn nhiều hạn chế
Điều 30 BLHS 1999 quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính cho người phạm tội ít nghiêm trọng trong một số nhóm tội phạm nhất định. Trong tổng số 82 khung hình phạt có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, có 57 khung hình phạt thuộc trường hợp loại tội ít nghiêm trọng và có đến 25 khung hình phạt thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng (tỷ lệ 30,48%).[15] Việc không thống nhất trong quy định tại Phần chung và Phần các tội phạm đã không đảm bảo được tính chặt chẽ, tính pháp chế trong quy định của BLHS năm 1999. Việc giới hạn phạm vi áp dụng của hình phạt tiền chỉ áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng là chưa phát huy hết vai trò, ý nghĩa của hình phạt tiền. Hình phạt tiền là hình phạt mang tính chất tước bỏ về tài sản, tác động trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của người bị kết án nên có khả năng đạt được các mục đích của hình phạt. Xét trên sự phù hợp giữa tính nghiêm khắc của hình phạt và tính nguy hiểm của tội phạm, hình phạt tiền cần được mở rộng phạm vi áp dụng cho người phạm những loại tội phạm có tính nguy hiểm cao hơn.
Hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính trong các tội phạm thuộc 7 chương,[16] có tác giả cho rằng phạt tiền được áp dụng cho ba nhóm tội phạm là nhóm tội phạm có tính chất vụ lợi, nhóm tội phạm dùng tiền làm phương tiện phạm tội và nhóm tội phạm khác.[17] Về lý luận, hình phạt tiền phù hợp quy định là hình phạt chính cho những nhóm tội phạm nào? Trong tác phẩm Về tội phạm và hình phạt, Beccaria đã cho rằng “tội xâm phạm về tài sản nên trừng phạt bằng tiền”.[18] Phạt tiền thường được sử dụng như là một hình phạt ở Mỹ nhưng hiếm khi được xem như là một chế tài duy nhất cho những trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc những bị cáo tái phạm. Ngược lại ở châu Âu, hình phạt tiền được áp dụng thường xuyên nhất, cho hầu hết các tội phạm bao gồm cả những tội phạm nghiêm trọng, và trong chính sách của một số quốc gia hình phạt tiền còn là giải pháp chính để thay thế cho hình phạt tù.[19] Nghiên cứu quy định của pháp luật hình sự một số nước, tác giả nhận thấy điều luật quy định hình phạt tiền ở Phần chung thường không giới hạn bởi nhóm tội phạm cụ thể. BLHS của Cộng hòa Liên bang Đức quy định hình phạt tiền cho cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia như Điều 99 về Hoạt động tình báo mật vụ.[20] Trong các tội phạm cụ thể nhà làm luật cân nhắc quy định hình phạt tiền trong từng tội danh mà nhà làm luật nhận thấy hình phạt tiền là phù hợp và cần thiết. Do vậy, việc giới hạn phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong một số nhóm tội phạm như Điều 30 BLHS năm 1999 cần phải được thay đổi.
Khắc phục hạn chế của BLHS năm 1999, Dự thảo đề xuất các trường hợp áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính ở khoản 1 Điều 35 “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây: a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do Bộ luật này quy định; b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường do Bộ luật này quy định”. Với quy định này phạm vi áp dụng của hình phạt tiền mở rộng hơn BLHS năm 1999 rất nhiều khi phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính cho cả ba loại là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng (đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường). Việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là cần thiết nhưng liệu rằng tính nghiêm khắc của hình phạt tiền có thể phù hợp với tính nguy hiểm của loại tội rất nghiêm trọng? Theo quan điểm của tác giả, xét về tính nghiêm khắc và đặc trưng trong hệ thống hình phạt, hình phạt tiền phù hợp với tính nguy hiểm của loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Tính nghiêm khắc của các hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam tăng dần theo sự tước bỏ gồm khiển trách công khai (cảnh cáo), tước bỏ tài sản (phạt tiền), hạn chế tự do (cải tạo không giam giữ), tước quyền cư trú trên lãnh thổ Việt Nam của người nước ngoài (trục xuất), tước quyền tự do có thời hạn (tù có thời hạn), tước quyền tự do vĩnh viễn (tù chung thân), tước bỏ quyền sống (tử hình). Bảy hình phạt chính này được bố trí tương thích cho 4 loại tội phạm là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Theo Điều 35 Dự thảo quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính cho người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường, và các tội phạm này là các tội phạm có lỗi cố ý. Trong khi đó Điều 36 Dự thảo quy định “hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng cho người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng và phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý”. Một hình phạt nghiêm khắc hơn lại chỉ được áp dụng cho loại tội phạm ít nguy hiểm hơn là quy định không phù hợp về mặt lý luận.
Điều 35 Dự thảo không giới hạn phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính bởi nhóm tội phạm như trong BLHS năm 1999. Đây là một ưu điểm của Dự thảo nhằm mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền. Nghiên cứu Phần các tội phạm của Dự thảo, tác giả nhận thấy hình phạt tiền được quy định trong 11/14 chương của Phần các tội phạm. Ba chương không quy định phạt tiền là hình phạt chính gồm Chương XIII Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XXV Các tội xâm phạm hoạt động quân sự và Chương XXVI Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. So với BLHS năm 1999, Dự thảo đã có sự tiến bộ rất lớn khi mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền là hình phạt chính cả về loại tội phạm và nhóm tội phạm, khi hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính cho cả nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, các tội phạm về chức vụ, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Hình phạt tiền vẫn có thể quy định là hình phạt chính cho các tội xâm phạm hoạt động quân sự. Các nhóm tội phạm có tỷ lệ quy định phạt tiền là hình phạt chính cao nhất là nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, và tỷ lệ quy định thấp nhất là Chương Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, Các tội phạm về ma túy và Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (mỗi chương chỉ có 1 tội). Ngoài ra, so với BLHS năm 1999, Dự thảo mở rộng đối tượng bị áp dụng phạt tiền là hình phạt chính cho người chưa thành niên phạm tội kể cả người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.[21]
Khảo sát chi tiết các quy định về hình phạt tiền là hình phạt chính trong Phần các tội phạm của Dự thảo, chúng tôi nhận thấy điểm tiến bộ của Dự thảo là mạnh dạn quy định hình phạt tiền là hình phạt chính trong rất nhiều tội và xây dựng rất nhiều khung hình phạt mà phần chế tài chỉ có các hình phạt chính không tước tự do, không quy định hình phạt tù.[22] Nếu so với quy định của BLHS năm 1999 chỉ có 6 khung hình phạt không quy định hình phạt tù trong chế tài, thì Dự thảo đã có sự đột phá rất lớn, khắc phục được hạn chế của BLHS năm 1999. Đây là sự đảm bảo về luật để hình phạt chính không tước tự do nói chung và hình phạt tiền nói riêng được áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:
Thứ nhất: Sự không thống nhất trong quy định của Phần chung và Phần các tội phạm về điều kiện áp dụng của hình phạt tiền. Hình phạt tiền là hình phạt chính được quy định trong Phần các tội phạm chủ yếu cho người phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có 6 trường hợp,[23] các tội phạm về môi trường lại không có trường hợp nào. Trong khi đó hình phạt tiền lại được quy định là hình phạt chính đối với các trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng ở các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.[24] Đây là những hạn chế cần phải được khắc phục bởi quy định hình phạt trong chế tài phải thống nhất với quy định Phần chung và việc quy định hình phạt tiền trong chế tài của từng quy phạm pháp luật hình sự cần phải được cân nhắc, tính toán một cách kỹ lưỡng. Theo tác giả việc quy định phạt tiền là hình phạt chính trong các trường hợp nêu trên (kể cả 6 trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng ở Chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế) là không phù hợp với tính nguy hiểm của hành vi, chưa đảm bảo tính răn đe và khó đạt được các mục đích của hình phạt.
Thứ hai: Việc quy định hình phạt tiền trong các tội phạm cụ thể còn hạn chế. Cụ thể như quy định phạt tiền là hình phạt chính trong các tội xâm phạm về sức khỏe với cả lỗi cố ý và vô ý cần phải cân nhắc (Điều 134; 135; 136; 137; 138 Dự thảo), các trường hợp cố ý xâm phạm sức khỏe cần sử dụng hình phạt mang tính chất hạn chế tự do là hình phạt chính sẽ phù hợp hơn và nên quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Vì, khách thể trực tiếp của các tội phạm này là quyền được bảo vệ và tôn trọng về sức khỏe khó phù hợp với tính cưỡng chế là tước bỏ về tài sản nhìn từ góc độ công bằng xã hội. Trong khi đó một số tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng lại không quy định hình phạt tiền như Điều 332 về Tội đánh bạc (sửa đổi); Điều 339 về Tội chứa mại dâm (sửa đổi); Điều 340 về Tội môi giới mại dâm (sửa đổi); hoặc có những tội giống nhau về tính chất nhưng tội nặng hơn lại có quy định hình phạt tiền nhưng tội nhẹ hơn lại không quy định. Cụ thể như Điều 178 về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (sửa đổi) có quy định hình phạt tiền nhưng Điều 179 về Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (sửa đổi) lại không được quy định…
Thứ ba: Dự thảo quy định mức tiền phạt tối thiểu 1 triệu đồng giống với BLHS năm 1999 là quá thấp, không đảm bảo tính chất răn đe đối với hình phạt chính. Theo BLHS 1999 mức tối thiểu 1 triệu đồng chỉ được quy định trong ba trường hợp là khoản 1 Điều 245, khoản 1 Điều 266 và khoản 1 Điều 268. Nghiên cứu trong Phần các tội phạm cụ thể, tác giả không tìm thấy trường hợp nào quy định hình phạt tiền tối thiểu 1 triệu đồng mà chỉ có mức tối thiểu 5 triệu đồng ở một số tội. Mức tối thiểu phổ biến trong các tội phạm cụ thể thường gặp là 10 triệu đồng. Đối với mức tối đa của hình phạt tiền, so với BLHS năm 1999 Dự thảo quy định mức tối đa cao hơn với cách thức quy định linh hoạt hơn là hợp lý.
1.3. Quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng của hình phạt cải tạo không giam giữ còn nhiều hạn chế
Quy định của BLHS năm 1999 về hình phạt cải tạo không giam giữ ở cả Phần chung và Phần các tội phạm về cơ bản là hợp lý, nhưng vẫn còn những hạn chế.[25] Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã có những thay đổi nhất định cho hình phạt cải tạo không giam giữ. Phạm vi áp dụng được mở rộng hơn so với BLHS năm 1999 cho cả trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, các điều kiện khác không thay đổi,[26] phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi được mở rộng đến loại tội rất nghiêm trọng do cố ý.[27] Khi nghiên cứu quy định trong Phần các tội phạm cụ thể tác giả không tìm thấy trường hợp nào quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý mà chủ yếu vẫn quy định cho trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Nếu nhà làm luật vẫn giữ phương án mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì việc mở rộng này phải được cụ thể hóa trong Phần các tội phạm.
1.4. Quy định về việc chuyển đổi hình phạt tiền sang hình phạt tù, chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù trong Dự thảo còn nhiều bất cập
Trong bảy hình phạt chính được quy định tại khoản 1 Điều 28 BLHS năm 1999, có đến 4 hình phạt chính không tước tự do. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các hình phạt không tước tự do ở Việt Nam trong thời gian qua rất hạn chế. Khoảng 90% người bị kết án ở nước ta bị kết án phạt tù, trong đó khoảng 20% người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Số 10% người bị kết án còn lại bị áp dụng hình phạt tử hình, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo.[28] Thực tiễn áp dụng hình phạt chính không tước tự do còn hạn chế xuất phát từ các bất cập trong quy định của BLHS năm 1999, đồng thời tâm lý người áp dụng pháp luật e ngại về khả năng đảm bảo thi hành các hình phạt này.
Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo đề xuất việc quy định chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù đã thu hút sự quan tâm của xã hội và gây nên sự tranh luận lớn. Cách thức này cũng được đề xuất áp dụng cho hình phạt cải tạo không giam giữ. Phương án chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù quy định ở khoản 4 Điều 35 Dự thảo còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ về lý luận.
Điều quan trọng đầu tiên cần xác định là việc chuyển đổi hình phạt này sang hình phạt khác dựa trên cơ sở lý luận nào? Đây có phải là quy tắc đặc biệt khi quyết định hình phạt nhằm bảo đảm chấp hành hình phạt? Nghĩa là khi quyết định hình phạt chính cho người phạm tội, Tòa án có thể tuyên một hình phạt chính đồng thời tuyên hình phạt chính thứ hai mang tính chất dự phòng, nếu hình phạt chính thứ nhất không được chấp hành thì sẽ chuyển sang hình phạt chính thứ hai. Quy định này dẫn đến hai khả năng hiểu khác nhau:
– Khả năng thứ nhất là hành vi của người phạm tội chỉ cần xử phạt tiền là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhưng vì người phạm tội không chấp hành hình phạt nên bị chuyển sang hình phạt khác nặng hơn là hình phạt tù. Nghĩa là dùng hình phạt tù như một biện pháp bảo đảm cho việc chấp hành hình phạt tiền. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính cho người phạm tội, Tòa án đồng thời phải tuyên kèm hình phạt tù như phương án dự phòng. Điều 35 Dự thảo BLHS đi theo hướng này khi quy định “Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành, thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành” Tiếp đó, điểm a khoản 4 Điều 35 Dự thảo quy định “Nếu khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù thì mức phạt tù chuyển đổi cao nhất không quá 03 năm tù”. Tương tự như cách thức quy định hình phạt tiền, khoản 5 Điều 36 Dự thảo quy định “Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù”. Liệu rằng Tòa án có thể tuyên một hình phạt nặng hơn và không được quy định trong chế tài cho người phạm tội? Điều này có trái với các căn cứ quyết định hình phạt và các nguyên tắc quyết định hình phạt? Dự thảo quy định chỉ cần sau 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền chuyển đổi thành hình phạt tù là chưa tính đến các nguyên nhân dẫn đến việc người bị kết án không chấp hành hình phạt như điều kiện khó khăn về kinh tế, hoàn cảnh khách quan. Quy định này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người phạm tội khi tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội chỉ tương xứng với các hình phạt chính không tước tự do nhưng họ đã bị buộc phải chịu hình phạt tước tự do vì không có khả năng về tài sản.
– Khả năng thứ hai là hành vi của người phạm tội là tương xứng với hình phạt tù nhưng để hạn chế áp dụng hoặc thi hành hình phạt tù, Tòa án tuyên hình phạt tiền nhằm thay thế cho việc phải chấp hành hình phạt tù và nếu người phạm tội không chấp hành thì sẽ buộc phải chấp hành hình phạt tù. Nghĩa là dùng hình phạt tiền để hạn chế việc áp dụng hoặc chấp hành hình phạt tù. Khi đó, chuyển đổi hình phạt là quy định mang tính chất khoan hồng của Nhà nước. Đối với trường hợp này, việc chuyển đổi chỉ có thể xảy ra khi trong chế tài của quy phạm pháp luật phải quy định chế tài lựa chọn có hình phạt tù và hình phạt tiền. Tuy nhiên, với cách tiếp cận này thì chỉ có người có khả năng về tài sản mới nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Chuyển đổi hình phạt cho dù dựa trên nền tảng lý luận là biện pháp bảo đảm thi hành hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ hay biện pháp khoan hồng của Nhà nước để giảm thiểu hình phạt tù thì đều cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, xây dựng nền tảng lý luận vững chắc vì khi quy định sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nguyên tắc và quy định cụ thể về quyết định hình phạt.
Tác giả nhận thức rằng Dự thảo đề nghị quy định chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ chuyển thành hình phạt tù là quy định biện pháp bảo đảm thi hành cho hai hình phạt này. Ban soạn thảo đã giải thích rằng “để tăng tính cưỡng chế của hình phạt tiền, tạo niềm tin cho Hội đồng xét xử khi quyết định tuyên án, Điều 35 dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định trường hợp người bị kết án phạt tiền cố tình trốn tránh không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt tù có thời hạn được quy định trong điều khoản tương ứng đó. Như vậy, khi tuyên án, Tòa án sẽ tuyên hình phạt tiền đối với người bị kết án, đồng thời tuyên luôn hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền”.[29] Ban soạn thảo cũng giải thích tương tự cho quy định chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ.[30] Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành hình phạt có thể dùng nhiều cách thức khác nhau hoặc các biện pháp kỹ thuật khác, không nhất thiết phải chuyển đổi từ việc không tước tự do sang tước tự do.
1.5. Quy định trục xuất là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt cần được nghiên cứu và đánh giá thêm
Trục xuất cùng với hình phạt tiền là hai hình phạt không tước tự do có tính lịch sử lâu đời và có tính đặc thù. So với hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ mang tính chất hạn chế quyền tự do, hình phạt trục xuất có tính nghiêm khắc cao hơn vì đã tước đi quyền được cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Điều 32 BLHS năm 1999 quy định “Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể”, nghĩa là tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể mà Tòa án cân nhắc quyết định hình phạt chính trục xuất hoặc áp dụng hình phạt chính khác kết hợp với hình phạt bổ sung trục xuất nếu cần thiết. Một số ý kiến cho rằng tính tùy nghi của Tòa án trong trường hợp này chưa đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự.[31] Một vấn đề khác cũng được đặt ra là liệu rằng hình phạt trục xuất có nên quy định là hình phạt chính, và có thể áp dụng cho người nước ngoài là người chưa thành niên phạm tội. Tính cưỡng chế của hình phạt trục xuất là tước quyền cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và chủ yếu là để loại trừ điều kiện mà người nước ngoài sử dụng để thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, mà không thể hiện rõ tính răn đe hoặc giáo dục, cải tạo người phạm tội. Dự thảo hiện nay đưa ra hai phương án là giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999 hoặc bỏ quy định này nghĩa là chỉ quy định trục xuất là hình phạt bổ sung (Điều 37). Xét về bản chất, trục xuất phù hợp để quy định là hình phạt bổ sung hơn là hình phạt chính. Tuy nhiên, việc quy định trục xuất là hình phạt chính cũng có ưu điểm là tạo ra sự linh hoạt trong hệ thống hình phạt, khi người nước ngoài phạm những tội mang tính chất chính trị thì áp dụng hình phạt chính trục xuất là phù hợp hơn cả. Theo tác giả, việc quy định hoặc loại bỏ trục xuất ra khỏi hệ thống hình phạt chính không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của hệ thống hình phạt hoặc yêu cầu đấu tranh tội phạm do người nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
2. Các kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về các hình phạt chính không tước tự do
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của BLHS năm 1999, đánh giá thực tiễn áp dụng, đánh giá quy định của Dự thảo và tham khảo kinh nghiệm một số nước, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, không quy định cảnh cáo là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt vì tính chất cưỡng chế của hình phạt cảnh cáo không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Việc loại bỏ cảnh cáo ra khỏi hệ thống hình phạt không ảnh hưởng đến nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự vì pháp luật hình sự Việt Nam có hệ thống các biện pháp miễn giảm đa dạng như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt…
Thứ hai, hoàn thiện quy định của BLHS năm 1999 ở Phần chung và Phần các tội phạm về hình phạt tiền. Về phạm vi áp dụng, phạt tiền là hình phạt chính chỉ nên quy định cho tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Bởi vì xét trên tính chất cưỡng chế của hình phạt tiền, đặc thù trong hệ thống hình phạt, hiệu quả của các hình phạt và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, hình phạt tiền không phù hợp cho những tội phạm có tính nguy hiểm quá cao. Trong giai đoạn hiện nay, thực tiễn áp dụng hình phạt tiền ở Việt Nam chưa cung cấp đủ cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của hình phạt tiền, nên việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền nên tiến hành theo lộ trình thích hợp. Theo đó không quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với những tội rất nghiêm trọng ở Chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, một số trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ở chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Cụ thể không quy định phạt tiền là hình phạt chính ở các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 190; khoản 3 Điều 191; khoản 2 Điều 192; khoản 3 Điều 192; khoản 3 Điều 193; khoản 3 Điều 198; khoản 2 Điều 268; khoản 3 Điều 292; khoản 3 Điều 294; khoản 3 Điều 304 Điều 304; khoản 3 Điều 328 và khoản Điều 328 Dự thảo. Quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền là 5 triệu đồng để đảm bảo tính nghiêm khắc của hình phạt. Mặt khác, nhà làm luật cần rà soát một cách chi tiết quy định hình phạt tiền trong từng tội phạm cụ thể, không quy định hình phạt tiền trong những tội phạm trực tiếp gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, đồng thời bổ sung thêm hình phạt tiền là hình phạt chính trong một số tội xâm phạm sở hữu hoặc các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Thứ ba, hoàn thiện quy định ở phần chung và phần các tội phạm về hình phạt cải tạo không giam giữ. Phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ có thể mở rộng ra đến loại tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý nhưng phải thống nhất cả phạm vi này đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong trường hợp đặc biệt nếu cần sự giảm nhẹ riêng cho người chưa thành niên tham gia vào một tội phạm cụ thể, nhà làm luật có thể lựa chọn phương thức quy định cấu thành tội phạm giảm nhẹ trong tội phạm đó riêng cho người chưa thành niên. Theo đó, sửa Điều 100 Dự thảo theo hướng chỉ quy định riêng mang tính chất giảm nhẹ về thời gian và các nghĩa vụ cho người chưa thành niên bị kết án về hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo Dự thảo, cần quy định bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.
Thứ tư, không quy định hình thức chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù khi người phạm tội không chấp hành hình phạt hoặc chuyển đổi sang hình phạt tù khi người bị kết án cải tạo không giam giữ vi phạm nghĩa vụ thực hiện của hình phạt cải tạo không giam giữ vì chưa xây dựng hoàn thiện về cơ sở lý luận cho việc chuyển đổi hình phạt. Nếu nhằm mục đích bảo đảm thi hành cho các hình chính không tước tự do, nhà làm luật cần cân nhắc đến các biện pháp sau:
Để cưỡng chế thi hành hình phạt tiền có thể sử dụng các biện pháp như phong tỏa tài sản, kê biên tài sản để thi hành án. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước tác giả nhận thấy để hình phạt tiền được áp dụng rộng rãi và có hiệu quả, trong quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền thường áp dụng các biện pháp ngăn chặn mang tính chất tài sản như bảo lĩnh hoặc đặt tiền, tài sản để bảo lĩnh, đồng thời nhà nước xây dựng được cơ chế kiểm soát tài sản hoặc thu nhập cá nhân rất hiệu quả. Khi quyết định phạt tiền là hình phạt chính cho người phạm tội, Tòa án phải cân nhắc đến tình hình tài chính của họ để đảm bảo họ có khả năng để thực hiện hình phạt. Bên cạnh đó pháp luật hình sự cần quy định một cách cụ thể và chặt chẽ các biện pháp cưỡng chế cần thiết để đảm bảo thi hành hình phạt tiền. Nếu người phạm tội cố tình không chấp hành án thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Trong trường hợp này, để đảm bảo tính hiệu quả của hình phạt, BLHS phải quy định quy tắc tổng hợp hình phạt trong trường hợp có nhiều bản án cho phép tổng hợp hình phạt tiền với hình phạt tù nếu bản án trước đó người phạm tội cố tình không chấp hành hình phạt tiền. Tỷ lệ quy đổi có thể tính trên bình quân thu nhập đầu người, lương tối thiểu do Nhà nước quy định và bị khống chế mức tối đa. Theo tác giả nếu cho phép quy đổi hình phạt tiền sang hình phạt tù trong trường hợp có nhiều bản án thì mức tối đa khi quy đổi là không quá 7 năm tù (đây là mức tối đa của loại tội phạm nghiêm trọng).
– Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, chỉ cần xác định các nghĩa vụ cụ thể, các biện pháp cưỡng chế cần thiết và khi người phạm tội cố tình không thực hiện các nghĩa vụ sau khi đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Khi xét xử sẽ tổng hợp hình phạt theo quy định đã có trong BLHS bằng việc quy đổi hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù.
Để khắc phục nhược điểm của hình phạt tiền là khó đảm bảo tính công bằng giữa người có tài sản và người không có tài sản, pháp luật hình sự một số nước quy định hình thức phạt tiền theo ngày (“day – fine”[32]). Hình phạt tiền phải được quy định hướng đến việc bảo đảm sự công bằng trong hình phạt, bằng cách cân nhắc đến khả năng tài sản của người bị kết án hơn là đưa ra một khoản tiền cụ thể.[33] Ngày nay khi mục đích cơ bản và quan trọng nhất của hình phạt là cải tạo người phạm tội thì tư tưởng “hãy để hình phạt phù hợp với người phạm tội” đang dần thay thế tư tưởng “hãy để hình phạt phù hợp với tội phạm”.[34] Pháp luật hình sự một số nước quy định trường hợp phạt tiền theo ngày, cụ thể như Điều 40 BLHS của Cộng hòa liên bang Đức quy định phạt tiền tuyên theo đơn vị thu nhập ngày trên cơ sở xem xét hoàn cảnh cá nhân và kinh tế của người thực hiện tội phạm,[35] hoặc Điều 46 BLHS CHLB Nga quy định “phạt tiền được quy định ở mức từ 2500 rúp đến 1 triệu rúp hoặc bằng lương hay thu nhập khác của người bị kết án từ hai tuần đến 5 năm”.[36] Pháp luật hình sự Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm về phạt tiền theo ngày của các nước để hoàn thiện quy định về hình phạt tiền.
Thứ năm, nghiên cứu hệ thống hình phạt của một số nước, tác giả nhận thấy để tăng thêm tính linh hoạt và hiệu quả trong hệ thống hình phạt, pháp luật hình sự các nước thường xây dựng một hình phạt trung gian giữa nhóm các hình phạt không tước tự do và nhóm các hình phạt tước tự do. Hình phạt đó mang tính chất hạn chế tự do và được kiểm soát chặt chẽ. Pháp luật hình sự Việt Nam đã có hình phạt cải tạo không giam giữ mang tính chất hạn chế tự do nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, các nhà lập pháp có thể nghiên cứu bổ sung thêm hình phạt chính không tước tự do mang tính chuyển tiếp giữa hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù như hình phạt tù nhưng chấp hành tại gia đình; hình phạt quản chế đặc biệt hoặc hình phạt tù có điều kiện./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009)”
- Hoàn thiện quy định về hiệu lực theo không gian của Bộ luật Hình sự 1999 – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
- Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Hình sự 1999 theo Công ước về chống tra tấn 1984 – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999 – ThS. Vũ Thị Thúy
CHÚ THÍCH
* NCS. ThS, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Về tên gọi các hình phạt không tước tự do tuy hiện nay khái niệm các hình phạt không tước tự do chưa được quy định trong BLHS nhưng đã được thừa nhận về mặt khoa học. Cụ thể được sử dụng làm đề tài nghiên cứu khoa học của nhiều trường Đại họcnhư Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật – trực thuộc Đại học Huế, được sử dụng trong tên các bài viết tạp chí, Hội thảo khoa học. Cần lưu ý rằng sự phân chia hình phạt thành hai nhóm hình phạt chính và hình phạt bổ sung không mang tính chất tất yếu trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự các nước.
[2] Nguyễn Huy Chiểu, Hình luật, Viện Đại học Sài Gòn (Luật Khoa Đại học đường), Sài Gòn 1972, tr. 327.
[3] Nguyễn Sơn , “Các hình phạt chính trong luật hình sự Việt Nam”. Luận án tiến sĩ luật học, Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật, 2002, tr. 38.
[4] Điều 28 BLHS năm 1999.
[5] Trường ĐH Luật Tp.Hồ Chí Minh, Trần Thị Quang Vinh (chủ biên) , Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia, 2012, tr. 272.
[6] Nguyễn Huy Chiểu, sđd, tr. 331.
[7] Trong phạm vi bài, tác giả chủ yếu tập trung đánh giá các quy định về phạm vi, điều kiện, giới hạn của các hình phạt chính không tước tự do mà chưa đề cập nhiều vấn đề quyết định hình phạt, các biện pháp miễn giảm và xóa án tích đối với các hình phạt này.
[8] Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Trần Thị Quang Vinh (chủ biên) , Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia, 2012, tr . 276.
[9] Điểm a, khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[10] Đinh Văn Quế , Tìm hiểu về hình phạt và quyết định hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam, Nxb. CTQG, 2000, tr. 35.
[11] Trần Văn Độ, “Hoàn thiện hệ thống hình phạt đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay”; Tham luận Hội thảo “Hoàn thiện quy định của BLHS về hệ thống hình phạt không tước tự do” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/7/2014.
[12] Điều 29 BLHS 1999 và Điều 34 Dự thảo quy định“Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”
[13] Trần Văn Độ, tlđd , tr. 4.
[14] Điều 189. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (mới) “1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”.
[15] Các trường hợp nêu trên chủ yếu tập trung ở các tội xâm phạm an toàn công cộng (18 trường hợp), các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (4 trường hợp) và các tội phạm về môi trường (2 trường hợp), các tội phạm về ma túy (1 trường hợp).
[16] Chương XIII, XIV, XVI, XVII, XVIII, XIX, XX BLHS năm 1999.
[17] Phạm Quý Tỵ , “Hoàn thiện quy định của BLHS về hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ theo hướng mở rộng khả năng áp dụng các hình phạt này”, Tham luận Hội thảo Hoàn thiện quy định của BLHS về hệ thống hình phạt không tước tự do” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/7/2014.
[18] Dương Tuyết Miên, Tội phạm học đương đại, Nxb. Chính trị – Hành chính, 2013, tr. 266.
[19] Sally T. Hillsman, Fines and Day Fines, Crime & Just (49), the University of Chicago, 1990, tr. 49.
[20] Trường ĐH Luật Hà Nội, BLHS CHLB Đức, Nxb. CAND, 2011, tr. 198.
[21] Điều 99. Phạt tiền (sửa đổi) “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng”.
[22] Cụ thể như chỉ riêng Chương Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đó có sáu khung hình phạt chỉ quy định chế tài là các hình phạt chính không tước tự do, không quy định hình phạt tù.
[23] Khoản 3 Điều 190; khoản 3 Điều 190; khoản 2 Điều 192 ; khoản 2 Điều 192; khoản 3 Điều 193; khoản 3 Điều 198 Dự thảo.
[24] Đó là các trường hợp: khoản 2 Điều 268 (Dự thảo) Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; khoản 3 Điều 292 (Dự thảo) Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước CHXHCN Việt Nam; Khoản 3 Điều 294 (Dự thảo) Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; khoản 3 Điều 304 (Dự thảo) Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng (mới); khoản Điều 328 (Dự thảo) Tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn (sửa đổi) là những tội rất nghiêm trọng và thậm chí như trường hợp khoản 4 Điều 328 là trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
[25] Xem thêm Nguyễn Thị Ánh Hồng, “Hình phạt cải tạo không giam giữ trong Luật Hình sự Việt Nam và vấn đề bảo đảm quyền con người”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường tại Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 85.
[26] Điều 36. Cải tạo không giam giữ (sửa đổi)
“1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 05 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng và phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
[27] Điều 100. Cải tạo không giam giữ (sửa đổi)
“1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này”.
[28] Trần Văn Độ, tlđd, tr. 4.
[29] Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), 2015, tr .13.
[30] Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), 2015, tr. 13. “tăng tính cưỡng chế của hình phạt này bằng quy định trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành các điều kiện của hình phạt cải tạo không giam giữ thì hình phạt này sẽ chuyển thành phạt tù có thời hạn theo công thức cứ một ngày tù bằng ba ngày cải tạo không giam giữ”.
[31] Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Cửu Đức Bình, “Một số ý kiến về hình phạt trục xuất”, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 4/2003.
[32] Pat O’Malley, Theorizing Fines, The University of Sydney, Sydney Law School Legal Studies Research Paper (85), 2009, tr. 4. (Electronic copy of this paper is available at: http://ssrn.com/abstract=1472901), truy cập ngày 5/3/2014.
[33] Pat O’Malley 2009, tlđd, 2009. tr. 4.
[34] A. Krishna Kumari, Role of theories of punishment on the policy of sentencing, ICFAI University, Hyderabad, A.P India; (Electronic copy of this paper is available at: http://ssrn.com/abstract=956234) 2007, tr. 28.
[35] Trường ĐH Luật Hà Nội, BLHS CHLB Đức, Nxb. CAND, 2011, tr. 36.
[36] Trường ĐH Luật Hà Nội, BLHS CHLB Nga, Nxb. CAND, 2011, tr. 58.
Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Hồng* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2015 (93)/2015 – 2015, Trang 47-56
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời