Mục lục
Bảo đảm quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và vấn đề sửa đổi Hiến pháp: Cần thừa nhận sự tồn tại của LGBT trong Hiến pháp với các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như những người thuộc giới tính tính khác để làm cơ sở pháp lý cho các văn bản pháp luật liên quan có những quy định cụ thể phù hợp.
- Bình luận về Quyền lập hiến và quy trình lập hiến theo Hiến pháp 2013 – ThS. Lưu Đức Quang
- Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – TS. Phan Nhật Thanh
- Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo
- Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
- Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Chuyển giới, Đồng tính, Song tính,
TÓM TẮT
Người đồng tính, song tính, chuyển giới (viết tắt là LGBT) là một nhóm người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội, sự tồn tại của họ mang tính tự nhiên, do bẩm sinh, họ không bị bệnh nên không cần và không thể điều trị. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa thừa nhận nên LGBT thường bị xếp vào một trong hai nhóm: nam hoặc nữ. Việc phân loại này dẫn đến tình trạng một số quyền và lợi ích chính đáng của họ không được bảo đảm như quyền kết hôn, quyền bảo vệ nhân phẩm… và các cơ quan nhà nước cũng gặp khó khăn khi bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc xử lý hành vi vi phạm của LGBT. Vì vậy, cần thừa nhận sự tồn tại của LGBT trong Hiến pháp với các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như những người thuộc giới tính tính khác để làm cơ sở pháp lý cho các văn bản pháp luật liên quan có những quy định cụ thể phù hợp.
Theo Hiến pháp năm 1992, Nhà nước chỉ thừa nhận hai giới tính là nam và nữ. Điều 63 Hiến pháp quy định: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.” Điều 27 Dự thảo Hiến pháp năm 1992[1] quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực.” Do Hiến pháp không thừa nhận sự tồn tại của LGBT nên trong các văn bản pháp luật khác như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… chúng ta cũng chỉ thừa nhận và quy định quyền và nghĩa vụ đối với hai giới tính cơ bản là nam và nữ. Tuy nhiên, trên thực tế cũng như trong y học hiện nay đã thừa nhận có một nhóm người thuộc giới tính thiểu số như cộng đồng LGBT. Nhưng về mặt pháp lý, họ chưa được Nhà nước chính thức thừa nhận như là sự tồn tại tự nhiên của chính họ, khi sinh ra đã là LGBT; họ không phải là người bệnh hoạn hay có lối sống trụy lạc. Dù Nhà nước có thừa nhận hay không thì LGBT vẫn sống, tồn tại và có những mưu cầu hạnh phúc của riêng họ. Vì vậy, việc không thừa nhận những người này đã gây ra những khó khăn cho chính Nhà nước trong việc quản lý xã hội và không bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Ở nước ta, trong thời gian gần đây, nhiều người đã công khai xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình là LGBT; đồng thời xã hội đã có phần bớt cái nhìn khắt khe, định kiến đối với những người này. Tuy nhiên, phần lớn những LGBT vẫn phải sống trong sự kỳ thị của xã hội, họ bị coi là những người “biến thái”, “suy đồi”, “bệnh hoạn”… Vì vậy, việc Hiến pháp ghi nhận LGBT là một bộ phận người tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội, bên cạnh hai giới tính truyền thống là nam giới và nữ giới dị tính, sẽ thể hiện sự tôn trọng và công nhận họ như một thành tố bình đẳng trong xã hội. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm tiền đề để các ngành luật khác (dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự…) có những quy định cụ thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của LGBT.
Tại kỳ họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 04.01.2011, đã nêu nhiệm vụ trước hết là tổng kết việc thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân[2]; sau đó Dự thảo Luật sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo cũng đã đề cập đến vấn đề hôn nhân đồng tính[3]. Đây thực sự được xem là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam.
1. Khái niệm LGBT
Theo cách tiếp cận truyền thống và được nhiều người chấp nhận, giới tính của con người được chia thành hai nhóm là nam giới và nữ giới; và những người này đều có xu hướng tính dục dị tính (bị hấp dẫn về tình dục đối với người khác giới). Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại vẫn tồn tại một nhóm người thiểu số có xu hướng tính dục khác so với hầu hết những người còn lại trong xã hội, đó là LGBT. Ngày nay, các nhà khoa học đều thống nhất rằng: LGBT sinh ra và tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội, giống như nam giới và nữ giới, họ không bị bệnh và tình trạng này không có nguyên nhân từ những suy nghĩ hay lối sống bệnh hoạn, lệch lạc về tình dục. Dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới[4], các nhà khoa học đã định nghĩa về LGBT như sau:
– Người đồng tính[5](Homosexual): là một người nam hoặc nữ, có sự hấp dẫn về cảm xúc, tình cảm hoặc tình dục với người cùng giới. Người đồng tính nam thường được gọi là “gay”, người đồng tính nữ thường được gọi là “les” hay “lesbian”. [6]
– Người song tính (Bisexual): là một người nam hoặc nữ, có sự hấp dẫn về cảm xúc, tình cảm hoặc tình dục với cả hai giới nam và nữ nhưng không nhất thiết cùng một lúc hoặc ngang bằng nhau. Song tính không phải là một giai đoạn nhất thời hay đang chần chừ mà là một xu hướng tính dục tự nhiên của con người.[7]
– Người chuyển giới (Trans-sexual): là những người có bản dạng giới hay thể hiện giới khác với những quy ước và mong đợi chung dành cho giới tính sinh học của họ. Người chuyển giới bao gồm người chuyển đổi giới tính (từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam, có thể đã phẫu thuật chuyển giới hoặc chưa phẫu thuật chuyển giới) và người ăn mặc chuyển giới (nam ăn mặc như nữ hoặc nữ an mặc như nam)[8].
Người chuyển giới có suy nghĩ về việc mình mang giới tính trái với “giới tính sinh học” của mình. Họ mong muốn được xã hội thừa nhận giới tính khác nên có khuynh hướng nhờ đến sự can thiệp của y học để phẫu thuật chuyển đổi giới tính, “mong muốn tìm lại giới tính thật của mình”. Họ tin rằng giới tính được sinh ra của họ là sai lệch so với con người thật của họ[9].
Theo các nghiên cứu xã hội học, tỉ lệ cộng đồng LGBT gần như không thay đổi ở mọi xã hội, thời đại: chiếm khoảng 3-5% dân số mỗi quốc gia – tỉ lệ này gồm cả người có quan hệ luyến ái với người cùng giới ở mức độ không thường xuyên[10]. Nếu lấy tỷ lệ trung bình an toàn mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số là LGBT thì số LGBT ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 59 tạm tính khoảng 1,65 triệu người (tính theo dân số Việt Nam năm 2007 có 55,38 triệu người trong độ tuổi 15-59)[11].
Trước đây, LGBT bị xã hội coi là “lệch lạc tình dục”, “bệnh hoạn” và cần chữa trị. Năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học của Mỹ đã đưa LGBT khỏi danh sách các bệnh tâm thần[12] và xếp vào nhóm “rối loạn định hướng tình dục”. Năm 1983, họ chia LGBT thành 2 nhóm: nhóm hài lòng với chính mình và nhóm không hài lòng với chính mình và các nhà khoa học cho rằng có thể chữa trị cho nhóm không hài lòng với chính mình để họ trở nên yêu người khác giới[13]. Năm 1990, Hiệp hội Tâm thần học của Mỹ đưa ra những bằng chứng khoa học khẳng định những liệu pháp chữa trị là không có tác dụng và có hại hơn là có lợi. Cũng năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần của loài người. Vì không phải là bệnh nên y học không thể chữa trị và không phải chữa trị cho họ mà nên hỗ trợ tâm lý để giúp họ sống tự tin và yêu đời.
LGBT là những người có cấu trúc gen, sinh học, nội tiết tố bình thường; hình thể là nam hay nữ bình thường; và họ có cảm nhận về giới là nam hay nữ rõ ràng. Họ chỉ khác với đa số người khác ở xu hướng tính dục. Nguyên nhân vì sao một người có xu hướng tính dục khác so với phần lớn người trong xã hội thì y học ngày nay không rõ. Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chọn do ý thức cá nhân vì xu hướng tính dục này hình thành từ rất sớm, cá nhân người đó và cha mẹ họ hoàn toàn không thể kiểm soát được và không chịu trách nhiệm về xu hướng này.
LGBT không phải là người có bệnh lý tâm thần hay rối loạn nhân cách, hành vi tình dục đồng giới của họ không thể lây nhiễm cho người có xu hướng tình dục dị tính. Vì vậy, không thể ép buộc, điều trị hoặc áp dụng liệu pháp tâm lý để xóa bỏ được xu hướng tính dục đồng giới; cũng như không thể làm một người có xu hướng tính dục khác giới thành một người có xu hướng tính dục đồng giới. Việc cố gắng điều trị nhằm làm thay đổi xu hướng tính dục không những không có tác dụng mà còn có những tác hại rất lớn.
Như vậy, LGBT là một nhóm người có xu hướng tính dục thiểu số trong xã hội. Họ không bị bệnh nên không thể chữa trị và xu hướng tính dục này không thể lây lan. Họ là người bình thường và xu hướng tính dục của họ tồn tại một cách tự nhiên ngay từ khi sinh ra; môi trường sống, giáo dục không ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của LGBT trong xã hội. Tuy nhiên, vì xu hướng tính dục của họ khác phần lớn mọi người trong xã hội nên hiện nay họ đang bị xã hội kỳ thị, không tôn trọng cũng như không được đảm bảo các quyền con người tối thiểu (như kết hôn, bình đẳng trong công việc, được hưởng thừa kế khi bạn đời mình chết…). Vì vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể để họ có cơ hội bình đẳng như những người khác trong xã hội, quyền lợi của họ được bảo vệ.
2. Xu hướng thừa nhận và bảo vệ quyền của LGBT trong các văn kiện pháp lý quốc tế
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 của Liên hợp quốc[14] là công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên tập trung vấn đề nhân quyền, với nội dung không phân biệt đối xử và công bằng, như là một thành phần cơ bản của luật nhân quyền quốc tế. Điều luật đầu tiên đã xác định “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và công bằng về quyền và nhân phẩm”, và ở Điều 2 của Tuyên ngôn đã ngăn cấm các quốc gia có sự định kiến cá nhân chống lại những cá nhân khác, căn cứ vào các tiêu chuẩn như: “…chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, hoặc các chính kiến và quan niệm khác, quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc tình trạng khác”. Quy định này đã tạo ra một khoảng “mở” đó là “tình trạng khác” trở thành một dạng được bảo vệ, có nghĩa rằng đồng tính có thể được lý giải như một loại “tình trạng khác”. Hơn nữa, từ “mọi người” được lặp lại nhiều lần trong hầu hết các quy định của Tuyên ngôn nhân quyền và các cụm từ như “sự tự do”, “không phân biệt đối xử” và “các quyền về sự công bằng” được xem như gắn liền với mọi cá nhân.
Tuy nhiên, sự lý giải này không thể đảm bảo vững chắc cho cộng đồng LGBT khi tồn tại những giới hạn trong Điều 29 của Tuyên ngôn: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Thực tế, những người đồng tính hiện nay được đối xử như thế nào phụ thuộc và quan niệm xã hội của mỗi quốc gia, vì thế những quốc gia có thể sử dụng điều khoản này để tiếp tục cản trở những người đồng tính khỏi việc đạt được quyền bình đẳng của họ. Tuy nhiên, Điều 30 của Tuyên ngôn đã nói rõ “không có một điều luật nào trong Tuyên ngôn này có thể được giải thích với hàm ý cho phép bất kì nhà nước, nhóm hoặc cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hoạt động nào nhằm mục đích hủy hoại bất kì quyền hoặc tự do đã được nêu trong tuyên ngôn này”. Vì thế, quyền cơ bản của cộng đồng LGBT không thể bị phủ nhận bởi Điều 29 Tuyên ngôn.
Sau nhiều thập kỷ mà “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới” ít khi được bàn luận một cách chính thức, những lo ngại về sự vi phạm nhân quyền đã khiến Hội đồng Nhân quyền coi đây là vấn đề ưu tiên để thảo luận, và chính thức đưa ra những tuyên bố chung về quyền của người LGBT.
– Một trong những văn kiện Quốc tế đầu tiên liên quan trực tiếp đến quyền của LGBT là Tuyên bố của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Commission on Human Right) về Xu hướng tính dục và quyền con người (Sexual Orientation ang Human rights), văn kiện này được thông qua vào tháng 3.2005 do New Zealand đề xướng và nhận được sự ủng hộ của 31 quốc gia thành viên của Ủy ban.
– Tiếp theo là Tuyên bố chung về những vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản giới (Human rights violations based on sexual orientation and gender identity), do Nauy khởi xướng với sự ủng hộ của 54 quốc gia và Tuyên bố chung về quyền con người, xu hướng tình dục và bản dạng giới do Achentina khởi xướng với sự ủng hộ của 66 quốc gia được công bố trong các phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2006 và năm 2008.
– Sau đó, ngày 26/03/2007, một nhóm chuyên gia nhân quyền đưa ra bộ Nguyên tắc Yogyakarta để áp dụng Luật Nhân quyền cho những vấn đề có liên quan đến khuynh hướng/xu hướng tính dục (sexual orientation) và bản dạng giới (gender identity). Các nguyên tắc này xác định nghĩa vụ của các quốc gia là phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền của tất cả mọi người bất kể khuynh hướng tình dục hoặc giới tính của họ. Hiện nay một số quốc gia đang vận động để đưa những Nguyên tắc Yogyakarta vào trong pháp luật của họ. Trong đó có các quyền tự do dân chủ của công dân, ban hành các luật về những quyền chưa được cụ thể hóa như: quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền được trưng cầu dân ý, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin… Quyền của người đồng tính được thể hiện rõ nhất trong 3 nguyên tắc đầu tiên của bộ nguyên tắc này: Quyền được hưởng sự hưởng thụ phổ quát của quyền con người; Quyền bình đẳng và không phân biệt; Quyền được thừa nhận trước pháp luật.
– Năm 2011 và 2012 vấn đề về quyền của người LGBT đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Tháng 3.2011, 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng ký vào bản Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI). Tháng 6.2011, một bản Nghị quyết (Resolution 17.19) đề cập đến bạo lực với LGBT đã được thông qua tại Phiên họp thứ 17 của Hội đồng Nhân quyền khẳng định: “mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào”[15]. Sự ủng hộ của các thành viên Hội đồng ở khắp nơi đã tạo điều kiện cho sự ra đời một bản báo cáo chi tiết đầu tiên của Văn phòng Hội đồng Cao Ủy Nhân quyền (A.HRC.19.41) vào tháng 11.2011, tổng kết lại vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử đối với LGBT trên khắp thế giới. Báo cáo đã đưa ra các bằng chứng cho thấy những hình thức bạo lực và phân biệt đối xử mang tính hệ thống đối với các cá nhân ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với các quốc gia nhằm bảo vệ quyền của LGBT. Nội dung của báo cáo này đã trở thành các vấn đề cơ bản được thảo luận tại tiểu ban của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3/2012 – lần đầu tiên cơ quan Liên Chính phủ Liên hợp quốc tranh luận chính thức về vấn đề này.
– Tháng 3/2013, tại phiên họp thứ 19 của Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy viên Liên hợp quốc về quyền con người, Navi Pillay, đã yêu cầu các nước viết lên “một chương mới” trong lịch sử Liên hợp quốc, đóng góp vào việc chấm dứt ngay bạo lực và phân biệt đối xử đối với người LGBT. Tại phiên họp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã có bài phát biểu[16], mô tả những hành vi bạo lực và phân biệt đối xử với LGBT là “tấn bi kịch lớn đối với những ai có lương tri và là vết nhơ đối với lương tâm của chúng ta”, ông kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới phi hình sự hóa đồng tính, chấm dứt kỳ thị LGBT. Lần đầu tiên, người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã đưa ra một thông điệp rõ ràng và đầy tính ủng hộ đối với vấn đề LGBT, và đây cũng là quan điểm của cả Liên hợp quốc khi gần đây liên tiếp có những động thái để giải quyết vấn đề kỳ thị phân biệt dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Như vậy, có thể thấy cho tới nay, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã có nỗ lực từng bước trong việc chỉ ra những vi phạm nhân quyền đối với LGBT, cũng như yêu cầu các quốc gia có những hành động cụ thể tuân theo các điều luật Nhân quyền quốc tế để chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền. Với quan điểm rõ ràng và có lương tri trên khắp thế giới, LGBT có quyền hy vọng vào một tương lai tự do, bình đẳng và không còn phải chịu những sự phân biệt đối xử không đáng có. Vấn đề bảo vệ quyền của người đồng tính đang thực sự dần trở thành một trong những mối quan tâm, lo ngại của các quốc gia trên thế giới, trong đó quyền được sống, được hưởng chính sách an sinh xã hội bình đẳng như các chủ thể khác trong xã hội và quyền được kết hôn là những quyền đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nhân quyền của những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Ngoài các văn kiện pháp lý quốc tế nêu trên, pháp luật một số quốc gia đã dần thừa nhận các quyền và lợi ích chính đáng LGBT. Hiện nay, trên thế giới đã có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ coi hành vi tình dục đồng giới không trái pháp luật; 52 quốc gia cấm phân biệt đối xử về việc làm dựa trên cơ sở định hướng tính dục; 19 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm phân biệt đối xử về việc làm dựa trên cơ sở nhận dạng giới; 10 quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới; 14 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới song các cặp đồng giới được thừa nhận; 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quy định trong Hiến pháp cấm mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên định hướng tính dục (Nam phi, Kosovo, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy sĩ, Ecuador)[17], như khoản 3 Điều 9 Chương 2 Hiến pháp Nam Phi[18] quy định: nhà nước không được phân biệt đối xử trực tiếp hoặc gián tiếp đối với bất kỳ ai dựa trên chủng tộc, giới tính, quan hệ tình dục, mang thai, tình trạng hôn nhân, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, màu da, xu hướng tính dục, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ và nơi sinh. Tương tự, Hiến pháp Thụy Điển tại Điều 2 Chương 1[19] cũng nghiêm cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục.
3. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến người đồng tính, người chuyển giới, người song tính
Hiến pháp 1992 không có điều khoản nào đề cập đến LGBT, mà chỉ có hai điều khoản mà nội dung thừa nhận có hai thành phần giới tính ở Việt Nam là nam và nữ (Điều 54 và Điều 63). Điều 54 đề cập đến quyền bầu cử và ửng cử không phân biệt công dân nam và nữ; Điều 63 khẳng định công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình… Còn lại các điều khoản khác đề cập đến từ “công dân” chứ không phân biệt giới tính. Vì chỉ thừa nhận hai giới tính nam và nữ trong Hiến pháp, nên các văn bản Luật, Pháp lệnh cũng không thể thừa nhận nhóm giới tính khác, cụ thể:
– Luật Hôn nhân gia đình 2000 xác định: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (khoản 2 Điều 8). Và cũng trong Luật này quy định về những trường hợp cấm kết hôn, trong đó có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (khoản 5 Điều 10). Tuy nhiên, quy định này mâu thuẫn với quy định cấm cưỡng ép hôn nhân, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn (khoản 2 Điều 4) vì nếu người đồng tính chấp thuận theo áp lực gia đình kết hôn với người dị tính thì sẽ mâu thuẫn với quy định cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn. Như vậy, pháp luật hiện hành đã tước đi một trong số những quyền cơ bản của con người, đó là quyền được mưu cầu hạnh phúc cho những người trong cộng đồng LGBT.
Những quy định trên đã thể hiện ý chí của Nhà nước trong việc cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, mặc dù pháp luật cấm nhưng trên thực tế nhiều người đồng tính vẫn công khai hoặc “bí mật” tổ chức đám cưới[20], vẫn chung sống với nhau như vợ như chồng, có tài sản chung, hoặc nhận nuôi con nuôi trong sự kỳ thị của xã hội và có thể bị Nhà nước xử phạt hành chính. Đã từng có nhiều ý kiến khác nhau về việc cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính[21] các cá nhân đã tổ chức đám cưới đồng tính[22] là không phù hợp với quy định pháp luật vì giữa việc đăng ký kết hôn và việc tổ chức đám cưới khác nhau.
Chính vì không được Nhà nước thừa nhận nên khi phát sinh những hậu quả đáng tiếc như: người đang có vợ có chồng (nam – nữ) mà lại đi sống chung với người cùng giới khác thì Nhà nước không thể xử lý về hành chính; hoặc khi hai người đồng tính nhận con nuôi thì họ không được công nhận là cha – mẹ nuôi nên ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái; không được kết hôn nên sẽ không có quyền ly hôn, tài sản chung trong thời kỳ chung sống chung cũng không thể áp dụng Luật Hôn nhân gia đình để giải quyết mà áp dụng Bộ luật Dân sự…
– Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính (Điều 36). Để quy định chi tiết Điều 36 BLDS, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2008/NĐ-CP, trong đó có quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính và cấm phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính” nên việc chuyển đổi giới tính để được trở về đúng với sự mong muốn của chính họ là không được. Nhiều ý kiến cho rằng những người được coi là đồng tính về tâm lý mà không có các khuyết tật bẩm sinh thì không được xác định lại giới tính vì liên quan đến vấn đề đạo đức. Nghị định chỉ quy định là xác định lại giới tính cho những người khuyết tật về giới hay chưa phân biệt được là nam hay nữ chứ không phải là chuyển đổi giới tính cho những người đã hoàn thiện về giới bởi có thể đó là những trường hợp có sự lệch lạc về tâm lý. Như vậy, những người không có khuyết tật về giới tính nhưng đã chuyển giới ở nước ngoài sẽ không được công nhận hoặc người dù đã chuyển đổi giới tính nhưng kiểm tra vẫn không có khiếm khuyết về nhiễm sắc thể mà tự ý chuyển đổi giới tính thì những hệ lụy pháp lý liên quan đến chính họ rất phức tạp.
– Luật Bình đẳng giới 2006 cũng xác định Việt Nam chỉ có hai nhóm giới tính đó là nam và nữ, không có quy định nào xác định giới tính khác (”giới” chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội, ”giới tính” chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ – Điều 5).
– Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003: bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu; mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm. Như vậy trong hoạt đông mua bán dâm đòi hỏi phải có hành vi giao cấu nên người mua dâm và người bán dâm phải là người khác giới (nam mua dâm nữ hoặc nữ mua dâm nam).
Hiện nay đang xảy ra tình trạng một người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người đồng giới khác để thực hiện hành vi xét về tính chất hoặc hoàn cảnh tương tự như hành vi giao cấu (như quan hệ tình dục bằng đường hậu môn) – xã hội thường gọi là “mại dâm” đồng giới. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thì hành vi trên không bị coi là hoạt động “mại dâm” theo đúng nghĩa luật định vì không có hành vi giao cấu. Theo đánh giá của ủy ban phòng chống AIDS, tỉ lệ lây nhiễm ở đồng tính nam cao hơn gấp 20 lần so với đối tượng mại dâm nữ và ma túy.[23] Tuy nhiên, thên thực tế chúng ta không thể xử lý hành chính hoặc hình sự đối với người người môi giới hoặc chứa mại dâm đồng giới; người mua dâm hoặc người bán dâm đồng giới vì giữa người mua và bán dâm không có hành vi giao cấu. Thực trạng đó đòi hỏi Nhà nước cần chính thức ghi nhận trong Hiến pháp người đồng tính và người chuyển giới là một bộ phận người trong xã hội, từ đó làm cơ sở để chúng ta có thể sửa đổi Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm theo hướng quy định bổ sung hành vi của người nào dùng tiền hoặc lợi ích vật chất để được quan hệ tình dục với người cùng giới cũng bị coi là hành vi mua dâm. Quy định này sẽ làm căn cứ pháp lý để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với các hành vi hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm đồng giới; mua dâm hoặc bán dâm đồng giới.
– Bộ luật Hình sự hiện nay không có quy định nào liên quan đến người LGBT với tư cách là chủ thể hay nạn nhân của tội phạm, nhất là các tội xâm phạm tình dục hoặc có liên quan đến hành vi giao cấu như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thanh niên… Điều đó đã gây ra những trở ngại trong việc xử lý những hành vi nguy hiểm cho xã hội có liên quan đến LGBT trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, hành vi giao cấu trái phép với người đã chuyển đổi giới tính[24]
Trên thực tế, có nhiều người Việt Nam đã phát triển hoàn thiện về giới tính (là nam hoặc nữ) đã ra nước ngoài để phẫu thuật chuyển đổi giới tính, kể cả phẫu thuật bộ phận sinh dục (từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam). Những người này, khi về Việt Nam, theo quy định hiện nay họ không được phép xác định lại giới tính nên xảy ra thực trạng một số người đã được phẫu thuật chuyển giới có hình dạng bên ngoài và cơ quan sinh dục là nữ nhưng trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu và giấy khai sinh, hộ khẩu của họ vẫn nghi là “nam” và ngược lại. Vì vậy, khi một người phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ bị nam giới khác thực hiện hành vi giao cấu trái phép với người đó sẽ gây nên những khó khăn trong việc xử lý hình sự.
Thứ hai, hành vi tình dục trái phép giữa những người đồng giới[25]
Trong luật hình sự Việt Nam hiện nay, không có quy định nào cấm hành vi tình dục thuận tình giữa những người đồng giới đủ 16 tuổi trở lên. Vì vậy, hành vi tình dục trái phép giữa những người đồng giới ở đây được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác khiến người đồng giới khác phải quan hệ tình dục trái ý muốn của họ; hoặc dùng mọi thủ đoạn khiến người đồng giới lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng quan hệ tình dục; hoặc quan hệ tình dục với người đồng giới chưa đủ 16 tuổi.
Do “giao cấu” là hành vi giao tiếp giữa bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật[26] nên giữa những người đồng giới không có hành vi giao cấu, nhưng họ có thể có các hành vi tình dục khác như kích thích vào các cơ quan sinh dục của nhau, quan hệ tình dục qua đường miệng (oral sex) hoặc đường hậu môn (sau đây gọi chung là hành vi tình dục giữa những người đồng giới). Theo quy định của BLHS hiện hành, các tội phạm như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em đều đòi hỏi hành vi khách quan là giao cấu trái phép. Vì vậy, trên thực tế có một số hành vi dùng vũ lực tấn công hoặc dùng thủ đoạn khác khiến người đồng giới khác phải có hành vi tình dục trái ý muốn của họ hoặc có hành vi tình dục trái phép với trẻ em đồng giới chúng ta không thể xử được về những tội phạm trên.
Nếu Hiến pháp ghi nhận LGBT là một thành phần trong xã hội có xu hướng tính dục riêng sẽ làm căn cứ pháp lý để luật hình sự có quy định cụ thể nhằm xử lý khi người LGBT có hành vi vi phạm; hoặc bảo vệ khi họ bị xâm phạm trong những trường hợp nêu trên.
– Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Luật thi hành án hình sự (LTHAHS)[27]
Khi áp dụng một số quy định của BLTTHS và LTHAHS, cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào giới tính của người bị áp dụng như: khám người, xem xét dấu vết trên cơ thể, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù… Thực tiễn cho thấy khi áp dụng các biện pháp này đối với LGBT đã có một số khó khăn nhất định và nếu xử lý không tốt có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của những người này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi áp dụng biện pháp khám người hoặc xem xét dấu vết trên cơ thể, theo quy định của BLTTHS hiện nay: nam khám xét nam, nữ khám xét nữ và phải có người cùng giới chứng kiến (Điều 142, 152 BLTTHS). Đối với những người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính (từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam) nhưng do Nhà nước không cho phép chuyển giới nên trên các giấy tờ nhân nhân vẫn ghi giới tính cũ của họ. Khi khám người, cơ quan tiến hành tố tụng bố trí người khám và người chứng kiến đều là người cùng giới với giới tính cũ của họ sẽ xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người bị khám. Nếu Hiến pháp công nhận người chuyển giới thì BLTTHS sẽ có quy định cụ thể về việc khám xét người chuyển giới nhằm đảm bảo tốt hơn sự tôn trọng quyền con người của mọi công dân trong xã hội.
Thứ hai, theo quy định của BLTTHS và LTHAHS, khi tạm giữ, tạm giam hoặc thi hành hình phạt tù, chúng ta bố trí, phân loại khu vực giam giữ bị can, bị cáo, người phạm tội theo giới tính: nam giam, giữ riêng; nữ giam, giữ riêng. Đối với LGBT, nếu chúng ta giam giữ họ chung với người dị tính thường sẽ gây nên sự phân biệt, kỳ thị, nhạo báng của những người dị tính chung phòng giam, giữ; thậm chí những người khác có thể tấn công xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của họ. Chúng ta không thể giam giữ một người đã phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ (trên giấy tờ vấn ghi là “nam”) chung phòng với những người dị tính nam.
Vì vậy, Hiến pháp cần thừa nhận LGBT để làm tiền đề cho BLTTHS và LTHAHS có những quy định cụ thể bảo vệ tốt hơn quyền con người của LGBT trong khi bị giam giữ.
4. Vấn đề sửa đổi Hiến pháp nhằm bảo vệ người đồng tính, người chuyển giới và người song tính
Người đồng tính và người chuyển giới là một nhóm người chiếm tỷ lệ nhỏ trong xã hội, nhưng với số dân 90 triệu người ở Việt Nam hiện nay thì con số LGBT lên đến hàng triệu người. Tuy nhiên, quyền lợi chính đáng của họ chưa được nhà nước và xã hội quan tâm một cách đúng mực dẫn đến việc nhiều người phải sống tủi nhục trong sự kỳ thị của xã hội và chính gia đình họ.
Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, được coi là đạo luật “gốc” vì tất cả các quy định của các ngành luật khác bắt buộc phải phù hợp với Hiến pháp. Vì hiện nay Hiến pháp chỉ quy định hai giới tính là nam hoặc nữ nên các quy định của các ngành luật khác cũng chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của hai giới tính này, làm cho một số người thuộc nhóm giới tính thiểu số bị đặt ra “ngoài vòng pháp luật” – vi phạm không vị xử lý, bị xâm phạm không được bảo vệ, tạo ra những khó khăn cho Nhà nước trong quản lý xã hội. Vì vậy, chúng tôi đề nghị trong Hiến pháp cần quy định người chuyển giới, người đồng tính, người song tính là một bộ phận người trong xã hội để các ngành luật khác có căn cứ pháp lý quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của LGBT, từ đó có thể tháo gỡ được một số khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật như:
– Trong luật hôn nhân và gia đình: nên công nhận hôn nhân đồng tính hoặc công nhận hình thức chung sống có đăng ký của người đồng tính để đảm bảo các quyền của người đồng tính và phù hợp với xu hướng trên thế giới[28]. Khi vấn đề này được công nhận, thì cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung này vào các văn bản liên quan như Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bình đẳng giới…
– Trong pháp luật về phòng chống mại dâm, chúng ta có thể quy định việc dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi lấy hoạt động tình dục giữa những người đồng giới là hành vi mua dâm, từ đó có căn cứ pháp lý để xử lý đối với hành vi mua, bán dâm; môi giới hoặc chứa mại dâm đồng giới. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm khác nhau mà các hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
– Trong luật hình sự, chúng ta có sơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với hành vi giao cấu trái phép với người đã chuyển đổi giới tính và hành vi tình dục trái phép với người đồng giới.
– Trong luật tố tụng hình sự và thi hành án hình sự, chúng ta cụ thể hóa các quy định về khám người, tạm giữ, tạm giam người để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của LGBT.
Mặt khác, ở Việt Nam cũng như phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay, LGBT là là những người thuộc nhóm giới tính thiểu số trong xã hội, trong cuộc sống họ vẫn thường bị kỳ thị và phân biệt đối xử; tương tự như nữ giới, họ dễ bị tổn thương, quyền và lợi ích của họ dễ bị xâm hại. Vì vậy, Hiến pháp cần quy định họ có quyền bình đẳng như những người nam và nữ dị tính khác; đồng thời Nhà nước cần có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa LGBT trên mọi lĩnh vực; Nhà nước, xã hội và gia đình cần tạo điều kiện để LGBT phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
Xét về ngữ nghĩa, giới (gender) được sử dụng để chỉ giống đực và giống cái ở động vật nói chung và chỉ nam và nữ ở con người nói riêng. Giới hàm nghĩa biểu hiện về mặt hình thức, thực thể xã hội của nam và nữ. Tính hoặc giới tính (sex), ngoài sự bao hàm giới còn được bổ sung về mặt tâm lý học, ý thức và ý chí tính dục (gọi chung là xu hướng tính dục) bao gồm: nam giới, nữ giới và những người thuộc giới tính thứ ba gồm LGBT. Vì vậy, trong Dự thảo Hiến pháp hiện nay quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới” mới chỉ cấm việt phân biệt đối xử giữa nam và nữ mà không cấm việc phân biệt đối xử và kỳ thị đối với LGBT. Điều đó không hợp lý và không công bằng cho những người thuộc nhóm giới tính thiểu số. Chúng tôi đề nghị sửa đổi quy định trên thành: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới tính”. Bởi vì khi sử dụng từ “giới tính” đã bao gồm trong đó những người có giới và các xu hướng tính dục khác nhau như nam giới, nữ giới, người đồng tính, người song tính và người chuyển giới.
Khi Hiến pháp thừa nhận sự tồn tại của cộng đồng LGBT thì cần cho phép họ có quyền rất quan trọng của con người là quyền kết hôn. Vì vậy, Hiến pháp không nên quy định chỉ nam, nữ mới có quyền kết hôn và ly hôn (Điều 39 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi) mà cần quy định mọi công dân đều có quyền kết hôn và ly hôn vì kết hôn và ly hôn không chỉ là nhu cầu, đặc quyền của nam và nữ mà là quyền lợi chung của mọi công dân. Quy định này sẽ làm tiền đề để Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) quy định cụ thể về vấn đề hôn nhân đồng tính ở Việt Nam.
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi đề nghị nên sửa đổi một số điều trong Dự thảo Hiến pháp như sau:
Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63)
1- Mọi công dân có quyền bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
2- Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ, LGBT phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3- Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới tính. Nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, LGBT”.
Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64)
1- Mọi công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2- Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.
CHÚ THÍCH
[1] Sau đây gọi tắt là: Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
[2] Báo cáo kế hoạch 900 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900/UBTVQH thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị.
[3].http://moj.gov.vn/ct/tintuc/lists/hdlanhdaobo/view_detail.aspx?ItemID=5754.
[4] Xu hướng tính dục là một yếu tố trong tính dục thể hiện sự hấp dẫn có tính bền vững về cảm xúc, tình cảm hặc tình dục hướng tới người cùng giới, khác giới hay cả hai. Từ đó có các xu hướng tính dục như dị tính, đồng tính hay song tính. Bản dạng giới là một yếu tố trong tính dục, thể hiện qua cảm nhận về giới tính của mình là nam hay nữ. Bản dạng giới không nhất thiết phải tròng với giới tính sinh học. abnr dạng giới cũng độc lập với xu hướng tính dục, vì bản dạng giới liên quan đến việc một người nghĩ mình là ai, còn xu howngs tính dục liên quan đến việc một người bị hấp dẫn bởi ai. (Phạm Quỳnh Phương (2013), Sđd, tr. 21).
[5] Đồng tính luyến ái là vấn đề đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng mãi đến giữa thế kỉ thứ 19, thuật ngữ đồng tính luyến ái “homosexuality” mới lần đầu tiên được biết đến bởi một bác sĩ người Hungary, Benkart (với bút danh là K.M.Kertbeny). Xem: J.Lauritsen and D.Thorstad, The Early Homosexual Rights Movement (1864 – 1935).
[6] Phạm Quỳnh Phương, 2013, Sđd, tr. 22.
[7] Phạm Quỳnh Phương, 2013, Sđd, tr. 22.
[8] PFLAG Việt Nam, Những đứa con của chúng ta – Hỏi đáp dành cho phụ huynh của người chuyển giới, Tài liệu lưu hành nội bộ, tr. 8.
[9] Phạm Quỳnh Phương, 2013, Sđd, tr. 80.
[10] www.tienphong.vn.Cong-bang-cho-gioi-dong-tinh.2456879.epi.
[11] http://www.phapluatvn.vn.doi-song.201207.Ket-hon-dong-tinh-cuoc-dau-tranh-giua-luat-va-quyen-yeu-duong-2068977.
[12] http://psychology.ucdavis.edu/rainbow/html/facts_mental_health.html.
[13] http://sgtt.vn/oldweb/camnangtieudung/2005_1_2/p82_83_dongtinhcophailabenh.htm .
[14] http://www.un.org/en/documents/udhr/
[15] Phiếu thuận bỏ cho việc thông qua nghị quyết này bao gồm các quốc gia: Argentina, Belgium, Brazil, Chile, Cuba, Ecuador, France, Guatemala, Hungary, Japan, Mauritius, Mexico, Norway, Poland, Republic of Korea, Slovakia, Spain, Switzerland, Ukraine, Thailand, UK, USA, Uruguay; Phiếu chống bỏ cho việc thông qua nghị quyết này bao gồm các quốc gia: Angola, Bahrain, Bangladesh, Cameroon, Djibouti, Gabon, Ghana, Jordan, Malaysia, Maldives, Mauritania, Nigeria, Pakistan, Qatar, Moldova, Russian Federation, Saudi Arabia, Senegal, Uganda; Phiếu trắng gồm: Burkina Faso, China, Zambia.
[16] http://www.ohchr.org.EN.Issues.Discrimination.Pages.LGBTSpeechesandstatements.aspx.
Bài phát biểu: “Xin gửi tới những người đồng tính nam và nữ, song tính và chuyển giới, cho tôi được phép nói rằng: Bạn không hề đơn độc. Nỗ lực của các bạn để chấm dứt sự xâm phạm và kỳ thị cũng là nỗ lực chung của chúng ta. Hôm nay, tôi đứng cùng với các bạn và kêu gọi tất cả quốc gia và nhân dân trên toàn thế giới cùng đứng về phía các bạn. Một nấc thang lịch sử đang tới. Chúng ta phải ngăn chặn sự xâm phạm, phi hình sự hóa đồng tính, cấm kỳ thị và giáo dục công chúng”. Sau bài phát biểu, nhiều quốc gia Hồi giáo và Châu Phi đã giận dữ rời khỏi phòng họp để phản đối. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của ông Ban Ki-moon.
[17] http://ilga.org/ilga/en/erticle/1161(ngày 19/10/2013).
[18] www.gov.za/documents/constitution/1996/a108-96.pdf.
[19] Được quy định trong The Instrument of Goverment (một trong bốn đạo luật tạo thành Hiến pháp Thụy Điển). của The Instrument of Goverment.
[20] www.baovanhoa.vn/Xung-quanh-viec-dam-cuoi-dong-tinh-to-chuc-cong-khai-o-Ha-Noi-Day-la-van-de-moi-chua-co-che-tai-de-xu-ly/5422969.epi và http://www.tinmoi.vn/dam-cuoi-dong-tinh-thu-4-cong-khai-tai-viet-nam-12912359.html.
[21] Điểm e, Khoản 1, Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình và buộc phải chấm dứt quan hệ hôn nhân này.
[22] http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/74234/xu-phat-dam-cuoi-dong-tinh–bieu-hien-cua-su-ky-thi.html.
[23] http://vnmedia.vn/NewsDetail.asp?NewsId=310682&CatId=22 (ngày 2/11/2012).
[24] Thái Thị Tuyết Dung, Vũ Thị Thúy, “Bảo đảm quyền của người đồng tính, người chuyển giới trong tư pháp hình sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (250)/Tháng 9/2013.
[25] Thái Thị Tuyết Dung, Vũ Thị Thúy, tlđd.
[26] Từ Điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn Ngữ Việt Nam, 1992, tr. 394.
[27] Thái Thị Tuyết Dung, Vũ Thị Thúy, tlđd.
[28] Đến nay trên thế giới đã có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới; 14 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới song các cặp đồng giới được thừa nhận (http://ilga.org/ilga/en/erticle/1161, ngày 19/10/2013).
Tác giả: Thái Thị Tuyết Dung – Vũ Thị Thúy
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 03/2013 – 2013, Trang 24-33
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời