Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Lý luận và thực tiễn xét xử
TÓM TẮT
Mặc dù Công ước Vienna 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) có quy định về bồi thường thiệt hại từ Điều 74 đến Điều 78, thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề này cho thấy một số dạng thiệt hại không được quy định rõ ràng trong Công ước. Ví dụ như vấn đề bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần, bồi thường thiệt hại do danh tiếng thương mại bị ảnh hưởng hoặc bồi thường thiệt hại do mất lợi thế thương mại, được gọi chung là các thiệt hại phi vật chất. Bài viết trình bày khía cạnh pháp lý và thực tiễn của việc bồi thường thiệt hại phi vật chất thông qua phân tích các văn bản pháp luật có liên quan, có tham khảo quan điểm của các cơ quan chuyên môn và thực tiễn giải quyết tranh chấp về vấn đề này nhằm đảm bảo mục tiêu áp dụng thống nhất Công ước tại các quốc gia thành viên.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980 – ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
- Về Điều 6 Công ước VIENNA 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – ThS. Huỳnh Thị Thu Trang & ThS. Lê Tấn Phát
- Biện pháp giảm giá trong mua bán hàng hóa quốc tế phân tích từ điều 50 Công ước Vienna 1980 – ThS. Nguyễn Chí Thắng
- Bàn về khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Điều 3 của Công ước Vienna 1980 – ThS. Lê Tấn Phát & ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy
- Tính phù hợp của hàng hóa theo điều 35 công ước Vienna 1980 (CISG) – ThS. Trần Lê Quốc Công – ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy
- An toàn, sức khỏe tại nơi làm việc trong hệ thống tiêu chuẩn lao động cốt lõi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ tai nạn lao động – ThS. Đoàn Công Yên
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp đầu tư quốc tế – ThS. Phạm Thị Hiền
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Trương Tín
- Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trần Thu Nga
TỪ KHÓA: Bồi thường thiệt hại, CISG, Công ước Vienna 1980,
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) trong hợp đồng là việc pháp luật yêu cầu bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền nhất định để bù đắp cho những thiệt hại, tổn thất mà mình đã gây ra.[1]Trách nhiệm BTTH nhắm tới mục đích quan trọng nhất là bồi hoàn, bù đắp, khôi phục lợi ích vật chất bị thiệt hại cho bên bị vi phạm. Đây có thể xem là chế tài quan trọng và cơ bản nhất nhằm bảo đảm lợi ích của các bên khi hợp đồng bị vi phạm. Trong Công ước Vienna 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), vấn đề BTTH được ghi nhận từ Điều 74 đến Điều 77. Theo đó, BTTH do vi phạm hợp đồng bởi một bên bao gồm tổn thất hàng hóa và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia phải gánh chịu do sự vi phạm hợp đồng. Khoản tiền này không được cao hơn tổn thất mà bên bị vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc giao kết hợp đồng, có tính đến các tình tiết và yếu tố mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết.
Trong thực tiễn tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (HĐMBHHQT), một trong những vấn đề mà các bên quan tâm là loại thiệt hại nào sẽ được yêu cầu bồi thường. Thông thường, thiệt hại bao gồm bất kỳ tổn thất nào cho người hoặc cho tài sản của bên bị vi phạm, và bất kỳ tổn thất nào ảnh hưởng đến vị thế kinh tế của bên này.[2]Mặc dù có nhắc đến thiệt hại bao gồm các loại “tổn thất”, nhưng Điều 74không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức để tính toán thiệt hại hay giải thích những loại thiệt hại nào sẽ được bồi thường. Do đó, cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền sẽ xác định “tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ” dựa vào từng trường hợp cụ thể.[3]Việc những vấn đề trên bị bỏ ngỏ dẫn đến nhiều tranh luận trong một thời gian dài[4]và thực tế cũng cho thấy các kết luận trái ngược nhau trong thực tiễn xét xử của các cơ quan giải quyết tranh chấp.[5]Vì vậy, việc làm rõ BTTH phi vật chất và các vấn đề liên quan có được điều chỉnh bởi chế định BTTH của CISG hay không là cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu áp dụng thống nhất Công ước tại các quốc gia thành viên và tăng khả năng dự liệu cũng như tự bảo vệ quyền lợi của các thương nhân khi rơi vào các tình huống này.
1. Quy định về bồi thường thiệt hại phi vật chất trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế
Trước hết, trách nhiệm BTTH phi vật chất thường phổ biến hơn trong pháp luật quốc gia về BTTH ngoài hợp đồng – tort law. Tuy nhiên, CISG chỉ điều chỉnh hợp các đồng thương mại, do đó, bài viết này chỉ bàn đến các thiệt hại phi vật chất phát sinh trực tiếp từ quan hệ hợp đồng mà thôi.
Nhìn chung trong pháp luật quốc gia, thiệt hại phi vật chất được hiểu là sự mất mát, phát sinh từ một chấn thương hoặc thiệt hại các giá trị phi vật chất. Trong đó, giá trị phi vật chất, được hiểu là các giá trị không mang tính kinh tế và không thể tách rời khỏi cá nhân mang các giá trị này, bao gồm: tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín… và thiệt hại phi vật chất là thiệt hại phát sinh từ các tổn thương nêu trên.[6]Tuy nhiên việc thừa nhận loại tổn thất này trong quan hệ hợp đồng lại rất khác nhau giữa các hệ thống pháp luật.[7]
Trong pháp luật Việt Nam, văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về BTTH ngoài hợp đồng của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại điểm 1.1 khoản 1 ghi nhận về thiệt hại do tổn thất tinh thần của cá nhân và pháp nhân như sau:[8]
“Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm… Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân… là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.”
Ngoài ra, Điều 307 Bộ luật Dânsự Việt Nam (BLDS) năm 2005 cóđề cập trách nhiệm BTTH bao gồm hai dạng: trách nhiệm BTTH về vật chất và trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần. Bên cạnh đó, Điều 361 BLDS năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) cũng quy định:
“1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần…
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.”
Như vậy, trước hết, pháp luật Việt Nam sử dụng khái niệm “thiệt hại do tổn thất về tinh thần” vốn hẹp hơn thuật ngữ “thiệt hại phi vật chất” được quy định trong pháp luật các nước. Điểm đáng lưu ý là pháp luật Việt Nam không chỉ đưa ra định nghĩa mà còn đặt ra yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại này nếu có. Đặc biệt, pháp luật Việt Nam thừa nhận các pháp nhân cũng có thể phải chịu các thiệt hại về tinh thần và loại thiệt hại này có thể được bồi thường. Quy định mới của BLDS năm 2015 cho thấy vấn đề BTTH về tinh thần cũng được áp dụng đối với trách nhiệm BTTH phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ quy định trong hợp đồng.
Trong pháp luật quốc tế, Bộ nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế ghi nhận về vấn đề này như sau: “Những thiệt hại, kể cả những thiệt hại trong tương lai, chỉ có thể được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ hợp lý về tính xác thực… Khi không thể thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thì thiệt hại được xác định tùy theo toà án.”(Điều 7.4.3). Như vậy điều luật này trước hết thừa nhận các thiệt hại xảy ra trong tương lai có thể được bồi thường. Tuy nhiên, quy định này nhấn mạnh một yêu cầu phổ biến trong các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đó là tính chắc chắn của thiệt hại. Tất nhiên sẽ không công bằng cho bên vi phạm nếu buộc bên này phải bồi thường các tổn thất sẽ không chắc chắn xảy ra. Nhưng nếu có cơ sở hợp lý để tin rằng các tổn thất trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra, dù các cơ sở này không hoàn toàn rõ ràng, thì bên chịu thiệt hại vẫn nên được bồi thường. Đây là cách tiếp cận hợp lý để đảm bảo bên bị vi phạm được bảo vệ quyền lợi thích đáng mà không phải chịu gánh nặng chứng minh quá lớn. Theo quy định này, hai yêu cầu cần được đáp ứng là: (1) các thiệt hại trong tương lai cần được chứng minh ở mức độ hợp lý rằng chúng chắc chắn sẽ xảy ra và (2) trách nhiệm chứng minh tính “xác thực” này không hoàn toàn nằm về phía bên đòi bồi thường mà các biện pháp tư pháp sẽ giúp đưa ra kết quả hợp lý trong trường hợp mức độ thiệt hại không thể được xác định cụ thể. Điều 9.501 (2) (a) Bộ Nguyên tắc về Luật hợp đồng Châu Âu (PECL) cơ bản tương đồng với văn bản kể trên. Điều luật này nêu rõ loại thiệt hại do vi phạm hợp đồng bao gồm cả các thiệt hại phi vật chất[9]và vẫn có thể được bồi thường dù quy định này không đưa ra định nghĩa về loại thiệt hại này. PECL cho phép bồi thường đối với các thiệt hại xảy ra trong tương lai và đòi hỏi cơ quan giải quyết tranh chấp đánh giá hai điểm sau đây: (1) khả năng xảy ra của các thiệt hại trong tương lai, và (2) mức độ của các thiệt hại này.
Như vậy, khoảng trống mà CISG tạo ra trong quy định về vấn đề BTTH đã được bổ sung bằng các quy định trong một số văn bản quốc tế kể trên. Dù vậy, liệu các văn bản này có thể được sử dụng như một nguồn bổ khuyết cho CISG hay không và nếu có, ở mức độ nào vẫn là việc cần phải làm rõ. Phần dưới đây trình bày về các yêu cầu của CISG liên quan đến việc giải thích Công ước cũng như ý kiến của các học giả và Hội đồng tư vấn CISG liên quan đến vấn đề này.
2. Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất trong Công ước Vienna 1980
Để giải thích Điều 74 CISG, cần lưu ý các yêu cầu đặt ra theo Điều 7 về giải thích công ước như sau: việc giải thích Điều 74, cũng như mọi điều khoản khác của CISG, cần đảm bảo “tính chất quốc tế”vàyêucầu“áp dụng thống nhất” Công ước. Trong trường hợp một vấn đề cụ thể không được quy định rõ ràng, vấn đề đó sẽ được xem xét phù hợp với các nguyên tắc chung mà CISG dẫn chiếu hoặc nếu không tồn tại nguyên tắc chung này thì chiếu theo luật được áp dụng theo quy phạm của tư pháp quốc tế. Trong trường hợp này, Điều 74 CISG không ghi nhận rõ ràng về BTTH phi vật chất; các tài liệu về lịch sử soạn thảo Điều 74 và các bình luận của Ban thư ký CISG cũng không đề cập vấn đề này. Vì vậy, việc giải thích Điều 74 sẽ được xem xét theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 CISG. Đến đây, cần xác định các nguyên tắc chung mà Công ước dẫn chiếu làcácnguyên tắc cụ thể nào hoặc các quy phạm của tư pháp quốc tế có liên quan là quy phạm nào. Kết quả xem xét theo các yêu cầu kể trên mới cho phép xác định nguồn luật giúp giải thích vấn đề này. Tuy nhiên, chính các quy định này tại Điều 7 cũng không được hướng dẫn rõ ràng, vì vậy mà các tranh chấp cụ thể cho thấy, các trọng tài hoặc thẩm phán chủ yếu giải thích Điều 74 căn cứ vào hiểu biết của họ về Công ước và ít nhiều quyết định của họ bị ảnh hưởng bởi truyền thống pháp luật của quốc gia nơi giải quyết tranh chấp. Các nhà nghiên cứu và các tòaán cơ bản thừa nhận các cơ quan, tổ chức quốc tế khác và luật so sánh là các công cụ hợp lý và hiệu quả giúp hỗ trợ việc giải thích cũng như lấp đầy các khoảng trống của CISG. UNIDROIT hay PECL là các văn bản như vậy bởi các văn bản này chia sẻ một số đặc điểm và mục tiêu tương đồng với CISG đó là hướng đến việc hài hòa hóa các quy định về hợp đồng ở cấp độ quốc tế.[10]
Đến nay, cáchọc giả trên thế giới có những quan điểm khác nhau về việc thiệt hại phi vật chất có được bồi thường theo CISG hay không. Một số học giả cho rằng, nhìn chung CISG không bao gồm thiệt hại loại này[11]vì các lý do sau: Một là, CISG chủ yếu điều chỉnh các quan hệ mang tính chất thương mại mà quan hệ này nói chung hướng đến các lợi ích vật chất hoặc mục đích tiền tệ vốn không được xem là bao gồm các giá trị phi vật chất đã đề cập ở trên. Do đó, thiệt hại phi vật chất không thể phát sinh và không thể bị khiếu kiện trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.[12]Hai là,hầu hết các thương nhân tham gia hoạt động thương mại là các pháp nhân và nhìn chung pháp nhân không nên được coi là có phi vật chất vàcácbênđều nhận thứcđược mụcđích khả năng gặpphải thiệt hại phi vật chất. Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng vẫn có trường hợp thiệt hại phi vật chất có thể được bồi thường, đó là khi mục đích của giao dịch hoàn toàn là này.[13]Một tác giả khác cho rằng thiệt hại phi vật chất (ở dạng tổn thất về danh tiếng) nên được bồi thường vì các lý do sau:[14]Một là, trong hoạt động thương mại nói chung và hoạt động MBHHQT nói riêng, danh tiếng thương mại đóng vai trò rất quan trọng và có thể tác động lớn tới hiệu quả kinh doanh trong tương lai, do đó, dạng thiệt hại này nên được điều chỉnh để đảm bảo bù đắp những tổn thất cho bên bị thiệt hại. Hai là, về mặt lý luận, thiệt hại phi vật chất ở dạng tổn thất danh tiếng cũng được xem là một dạng thiệt hại và có thể được bồi thường theo nguyên tắc bồi thường đầy đủ.
Hội đồng tư vấn CISG cho rằng Điều 74 không cho phép bồi thường đối với thiệt hại phi vật chất, dù vậy: “thiệt hại vật chất gây ra bởi sự mất lợi thế thương mại (theo nhóm tác giả, là một hình thức thiệt hại phi vật chất), về nguyên tắc vẫncó thể được bồi thường. Tuy nhiên, cần đảm bảo điều kiện là bên bị thiệt hại có sự giải thích hợp lý chắc chắn về sự tổn thất tài chính do vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, loại thiệt hại này sẽ có thể được cho phép bồi thường dựa trên nguyên tắc bồi thường đầy đủ.”[15]Đâylà nguyên tắc nền tảng trong pháp luật về BTTH của nhiều hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế (như UNIDROIT, PECL) bao gồm cả CISG và cũng phù hợp với nhiều kết luận của các cơ quan xét xử quốc tế. Theo nguyên tắc này, bên bị vi phạm có thể được bồi thường đầy đủ như trong tình huống hợp đồng đã được đảm bảo thực hiện đúng. Và nếu được áp dụng chặt chẽ, nguyên tắc này không chỉ cho phép mà còn yêu cầu việc BTTH phi vật chất. Dù vậy, như đã đề cập ở trên, Hội đồng tư vấn CISG không thừa nhận thiệt hại phi vật chất là dạng thiệt hại được bồi thường mà chỉ cho phép bồi thường đối với các thiệt hại vật chất, tức là các thiệt hại có thể tính toán được, gây ra bởi các tổn thất phi vật chất.[16]Trên thực tế, bản thân thiệt hại phi vật chất (ví dụ như thiệt hại về uy tín) rất khó có thể được bồi thường vì sự khó khăn trong chứng minh thiệt hại và đáp ứng các điều kiện của Điều 74. Ngay cả khi thiệt hại đã xảy ra thì việc tính toán khoản thiệt hại cũng rất khó khăn. Về mặt lý luận, mất mát hoặc tổn thất phi vật chất có thể dẫn đến thiệt hại vật chất tồn tại dưới dạng mất lợi nhuận nêu tại Điều 74. Đây được gọi là “biểu hiện vật chất của tổn thất phi vật chất”[17]màcơ quan này cho rằng, dạng thiệt hại này có thể được bồi thường theo nguyên tắc bồi thường đầy đủ. Thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấymột số Tòa án cho phép bồi thường đối với dạng thiệt hại này như trình bày trong phần dưới đây.[18]
3. Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước Vienna 1980
Thực tiễn xét xử cho thấy, các bên thường tranh chấp về những dạng thiệt hại phi vật chất cụ thể như (1) tổn thất tinh thần, (2) thiệt hại về mất lợi thế thương mại và (3) thiệt hại về danh tiếng, hình ảnh công ty. Các tranh chấp được phân tích dưới đây thể hiện rõ khuynh hướng xét xử và quan điểm của các tòa án có thẩm quyền khi xác định vấn đề này.
3.1. Bồi thường tổn thất tinh thần
Vụ việc liên quan đến thiệt hại về tinh thần đượcgiải quyết tại Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban thương mại và công nghiệp Liên bang Nga.[19]Trong vụ này, bênbántừ chối giao cáclôhàng tiếp theovới lý do hợp đồng chưa được kết lập. Hậu quả là, bên mua không thanh toán đầy đủ tiền hàng đối với những lô hàng đã giao mà yêu cầu hàng hóa phải được tiếp tục giao đầy đủ. Bên bán khởi kiện về số tiền nợ mà bên mua chưa thanh toán. Ngược lại, bên mua yêu cầu bên bán BTTH do không giao hàng đầy đủ và yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần. Trọng tài đã từ chối yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do không có cơ sở vì các lý do sau: Thứ nhất, yêu cầu phản tố chưa đáp ứng yêu cầu về thủ tục vì yêu cầu này không dựa trên cùng một hợp đồng như khiếu nại chính. Thứ hai, số tiền yêu cầu bồi thường cũng là bất hợp lý. Thứ ba, trọng tài cho rằng cả CISG và pháp luật quốc gia đều không có quy định nào cho phép bồi thường tổn thất tinh thần đối với pháp nhân.[20]Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra cơ sở lý giải vì sao họ lại lập luận như vậy.
Vụ việc này đặt ra câu hỏi liệu pháp nhân có gặp phải tổn thất tinh thần hay không và CISG có cho phép bồi thường đối với loại thiệt hại này không. Lịch sử soạn thảo và ý kiến của Ban thư ký CISG đều khôngđề cập cụ thể vấnđề này. Phápluật một số quốc gia, vídụ:Điều 1099 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga quy định thiệt hại tinh thần chỉ áp dụngđối với cá nhân mà không áp dụng đối với pháp nhân.[21]Trong khi đó, pháp luật Hy Lạp thừa nhận pháp nhân cũng có thể bị tổn thất tinh thần nếu danh tiếng, uy tín thương mại hoặc tên pháp nhân bị vi phạm.[22]Quy định này tương đồng với quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam đã được trình bày ở bài viết này.
3.2. Bồi thường thiệt hại do mất lợi thế thương mại
Về cơ bản, thiệt hại do mất lợi thế thương mại có thể được bồi thường nếu bên bị vi phạm đưa ra giải thích hợp lý cho những tổn thất tài chính do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Trên thực tế rất khó xác định một thương nhân có bị mất lợi thế thương mại hay không và cũng khó có thể tính toán được thiệt hại gây ra bởi việc này. Việc mất lợi thế thương mại có thể được xem xét ở khía cạnh bên bị vi phạm bị mất lợi nhuận trong tương lai; bị suy giảm danh tiếng, hình ảnh trong kinh doanh hoặc khả năng giữ khách hàng. Vì không có một định nghĩa thống nhất nên trong thực tiễn xét xử, một số tòa án thường yêu cầu mức độ cao hơn đối với nghĩa vụ chứng minh các thiệt hại do mất lợi thế thương mại. Tòa án Thương mại Tiểu bang Zürich cho rằng thiệt hại do mất lợi thế thương mại chắc chắn được bồi thường theo quy định của CISG, tuy nhiên tòa án không đưa ra cơ sở để giải thích cho quyết định của mình. Tòa án cũng cho rằng, bên yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ “chứng minh và giải thích cụ thể” đối với yêu cầu của mình[23]và vì bên yêu cầu bồi thường (bên mua) đã không đưa rađược sự giải thích hợp lývềmối quan hệ giữa các chi phí ràng buộc và thiệt hại do mất lợi thế thương mại và không thể cung cấp các bằng chứng rõ ràng cho yêu cầu của họ, nên tòa án từ chối yêu cầu này.
Về cách thức xác định thiệt hại dưới dạng mất lợi thế thương mại, trong một số trường hợp, việc mất lợi thế thương mại có thể được tính toán bằng khoản lợi nhuận bị mất. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc bồi thường gấp đôi vì có sự chồng lấn giữa thiệt hại do mất lợi thế thương mại và thiệt hại do mất lợi nhuận. Điều này xảy ra là do thiệt hại do mất lợi thế thương mại có thể được tính bằng những thiệt hại do mất khoản lợi nhuận có thể nhận được trong tương lai. Vấn đề này được đề cập trong quyết định của Tòa Landgericht Darmstadt, Đức về tranh chấp hợp đồng mua bán máy quay video và các thiết bị điện tử khác.[24]Tòa áncho rằng“bên mua không thể vừa yêu cầu BTTH về doanh thu vừa cố gắng bổ sung thêm yêu cầu bồi thường do danh tiếng bị tổn hại. Thiệt hại về danh tiếng là hoàn toàn không đáng kể nếu không dẫn đến việc mất doanh thu.” Tòa án cũng yêu cầu bên bị vi phạm phải chứng minh cho yêu cầu BTTH về danh tiếng của mình. Trong vụ này, tòa án đồng ý với lập luận của bên bán chỉ ra rằng bên mua đã không hoàn thành nghĩa vụ chứng minh kể trên vì những tuyên bố chung chung của bên mua rằng khách hàng đã chuyển sang mua hàng của đối thủ không đủ để xem là bằng chứng cho việc họ đã bị mất đi lợi thế thương mại. Cuối cùng, tòa án từ chối yêu cầu BTTH vì bên yêu cầu đã không thể “tính toán chính xác thiệt hại bị mất do danh tiếng bị tổn hại.”
Nhìn chung, các tranh chấp trên đây cho thấy quan điểm của các tòa án là thừa nhận quyền yêu cầu bồi thường do mất lợi thế thương mại của bên bị vi phạm. Nói cách khác, các tòa án đã gián tiếp thừa nhận BTTH được quy định bởi CISG bao gồm cả các thiệt hại phi vật chất. Tuy nhiên, đa số các tòa án đều đặt ra yêu cầu rất cao đối với nghĩa vụ chứng minh và tính toán thiệt hại do mất lợi thế thương mại. Điều này đặt ra khó khăn rất lớn cho bên yêu cầu bồi thường.
3.3. Bồi thường thiệt hại do danh tiếng thương mại bị ảnh hưởng
Trong hoạt động thương mại nói chung, danh tiếng có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân vì nó có thể tác động hoặc đôi khi xác định trước vị thế trong buôn bán kinh doanh của các chủ thể này. Ví dụ như, việc suy giảm danh tiếng thương mại có thể dẫn đến việc mất đi khách hàng, hoặc phải chịu những điều kiện khó khăn hơn để được cho nợ. Mặt khác, danh tiếng thương mại đôi khi được xem như một điều kiện để đảm bảo rằng một thương nhân sẽ vẫn “thịnh vượng” ngay cả khi việc kinh doanh đi xuống.[25]Vì vậy, việc nghiên cứu thực tiễn xét xử nhằm xác định liệu thiệt hại về danh tiếng có thể được bồi thường theo CISG hay không là một vấn đề quan trọng.
Trong vụ kiện Sté Calzados Magnanni v. SARL Shoes General International[26]giữa bênbán- Tây Ban Nha (nguyên đơn), và bên mua- Pháp (bị đơn) về hợp đồng mua bán giày dép được xét xử bởi Tòa Phúc thẩm Grenoble (Pháp). Bên mua đặt mua 8651 đôi giày từ bên bán nhưng bên bán phủ nhận nhận được đơn đặt hàng và từ chối cung cấp hàng khiến bên mua phải tìm nhà cung cấp thay thế dẫn đến hậu quả là bên mua đã cung cấp hàng trễ hạn cho các nhà bán lẻ và 2125 đôi giày không bán được đã bị trả lại. Bên mua khiếu kiện đòi yêu cầu bồi thường cho 2125 đôi giày không bán được đồng thời yêu cầu BTTH mất hình ảnh thương hiệu công ty do phải giao hàng trễ cho các nhà bán lẻ. Để chứng minh, bên mua đã cung cấp bản khai có tuyên thệ của hai đại diện làm chứng cho sự không hài lòng của các nhà bán lẻ và những khó khăn cho bên mua về việc giữ hình ảnh tốt trong tương lai. Bản khai có tuyên thệ đã chỉ ra rằng khách hàng cho mùa bán hàng trong tương lai đã giảm và công ty này đã phải giảm giá để giữ khách hàng. Ở phiên tòa sơ thẩm, tòa án đã yêu cầu bên bán phải bồi thường cho bên mua 100.000 FF (Franc Pháp) vì bên mua bị mất hình ảnh thương hiệu và bị ảnh hưởng về danh tiếng. Bên bán kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm đối với các thiệt hại về việc từ chối giao hàng nhưng tòa này không đồng ý với phán quyết về BTTH do mất hình ảnh, danh tiếng của bên mua tại cấp sơ thẩm. Tòa phúc thẩm cho rằng bồi thường do sự ảnh hưởng uy tín, hình ảnh thương hiệu không được điều chỉnh bởi CISG. Theo tòa án, Điều 74 Công ước không cho phép bồi thường các tổn thất về hình ảnh thương hiệu hoặc danh tiếng nếu không chứng minh được điều này dẫn đến thiệt hại vật chất và bản khai tuyên thệ của bên mua đơn thuần chỉ là giả thiết.
Ở đây, cần phân biệt giữa thiệt hại về danh tiếng chỉ đơn thuần là thiệt hại phi vật chất và thiệt hại vật chất nhưng xuất phát từ việc mất danh tiếng, hình ảnh thương hiệu. Có ý kiến cho rằng, về mặt lý luận, bản thân thiệt hại về danh tiếng nên được công nhận là một dạng thiệt hại phi vật chất được bồi thường theo Điều 74 trên cơ sở nguyên tắc bồi thường đầy đủ.[27]Trong khi đó, về mặt thực tiễn, thiệt hại do tổn thất danh tiếng thường rất khó được bồi thường vì rất khó chứng minh thiệt hại và tính toán thiệt hại theo các yêu cầu của Điều 74.
Một trường hợp khác được giải quyết tại Trọng tài thương mại quốc tế Liên bang Nga giữa bên mua là thương nhân Hoa Kỳ (nguyên đơn) và bên bán là thương nhân Liên bang Nga (bị đơn) cho thấy một khía cạnh khác của thiệt hại về danh tiếng, đó là danh tiếng không phải của thương nhân kinh doanh mà là của hàng hóa.[28]Nguyên đơn khiếu nại do hàng hóa được giao bị lỗi dẫn đến thiệt hại về danh tiếng của sản phẩm trên thị trường. Trọng tài cho rằng các quy định của Điều 74 được áp dụng cho yêu cầu bồi thường tổn thất gây ra bởi lần giao hàng thứ hai vì hàng giao không đúng quy cách khiến người mua phải bán hàng thấp hơn giá thông thường và gây thiệt hại đến danh tiếng của mặt hàng trên thị trường. Trọng tài thừa nhận yêu cầu bồi thường những khoản lợi bị bỏ lỡ do việc mất uy tín của hàng hóa trên thị trường của bên bị vi phạm.[29]Tuy nhiên, cơ quan này từ chối yêu cầu bồi thường của bên mua vì một số lý do: thứ nhất, thiệt hại không có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm; thứ hai, nguyên đơn cũng không chứng minh được tính tương xứng của số tiền yêu cầu bồi thường với hành vi vi phạm và thứ ba, các yêu cầu về tính dự đoán trước không được thỏa mãn.Vụ việc này cho thấy, nếu các điều kiện trên được đáp ứng thì thiệt hại do mất lợi nhuận xuất phát từ việc ảnh hưởng danh tiếng của mặt hàng sẽ có thể được bồi thường. Dù vậy, các vấn đề về mối tương quan giữa danh tiếng của thương nhân và danh tiếng của chính hàng hóa cần phải được giải thích kỹ hơn.
Kết luận
Việc BTTH phi vật chất ít được thừa nhận có thể xuất phát từ một số trở ngại. Trở ngại phổ biến nhất là mối lo ngại khoản bồi thường được yêu cầu bởi phía bị vi phạm vượt quá thiệt hại thực tế. Vì vậy mà các quy định về vấn đề này thường chú trọng việc giới hạn trách nhiệm bồi thường (Điều 74 và 77 CISG là một ví dụ). Thực ra, điều cần quan tâm hơn là khái niệm thiệt hại vượt ra ngoài phạm vi những thiệt hại tài chính đơn thuần và cần tập trung vào hành động mà người khiếu nại đã thực hiện để hạn chế tổn thất tài chính đó. Hơn nữa, trong quan hệ hợp đồng ngày nay, các yếu tố như uy tín, danh tiếng của các chủ thể tham gia vào quan hệ này cũng quan trọng không kém mục tiêu lợi nhuận; thậm chí các yếu tố đó cũng có khả năng làm gia tăng lợi nhuận. Vìvậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên bị vi phạm, các hệ thống pháp luật cụ thể cần cân nhắc kỹ lưỡng các hoàn cảnh mà các thiệt hại dạng này có thể được bồi thường.
Thực tiễn xét xử cho thấy có khá nhiều tranh chấp đưa ra yêu cầu bồi thường các thiệt hại phi vật chất nhưng các kết luận của các tòa án trong các hệ thống pháp luật khác nhau đãcho thấy những kết quả khác nhau. Thứ nhất, tòa án thường không cho phép bồi thường đối với thiệt hại phi vật chất dạng tổn thất tinh thần.Thứ hai, đối với thiệt hại phi vật chất ở dạng mất lợi thế thương mại và mất danh tiếng hầu hết các cơ quan xét xử đều có khuynh hướng nhất trí rằng dạng thiệt hại này có thể được bồi thường theo Điều 74 CISG khi thỏa mãn yêu cầu có sự tổn thất tài chính xảy ra do mất lợi thế thương mại hay mất danh tiếng được tính toán và dự đoán trước.[30]Đồng thời, giống như các dạng thiệt hại khác, bên yêu cầu phải chứng minh và đưa ra được lý do hợp lý cho yêu cầu của mình. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy các tòa ánchấp nhận yêu cầu BTTH về danh tiếng của chính bản thân hàng hóa mặc dù cơ quan xét xử chưa nêu rõ được sự khác biệt giữa thiệt hại danh tiếng thương nhân và thiệt hại danh tiếng chính bản thân hàng hóa là gì.
Mặc dù các vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần không phổ biến so với các tranh chấp yêu cầu bồi thường các thiệt hại phi vật chất khác như mất lợi thế thương mại hoặc mất danh tiếng, chúng tôi cho rằng CISG không quy định rõ không có nghĩa là Công ước không cho phép bồi thường như lập luận của cơ quan giải quyết tranh chấp trong một số vụ việc nêu ở trên. Điều 74 cho thấy, nếu bên bị vi phạm chứng minh được có tổn thất tinh thần xảy ra thì nên cho phép bồi thường. Bên cạnh đó, đối với vấn đề liệu pháp nhân có thể bị tổn thất tinh thần hay không, quan điểm của chúng tôi là pháp nhân vẫn có thể bị thiệt hại về tinh thần khi danh tiếng, uy tín thương mại của pháp nhân bị ảnh hưởng.
Về mặt lý luận, chúng tôi cho rằng: thứ nhất, Điều 74 CISG rõ ràng không loại trừ những loại thiệt hại nào thì không được phép bồi thường. Do đó, có thể suy ra rằng, tất cả các loại thiệt hại đều có thể được bồi thường theo nguyên tắc bồi thường đầy đủ (tất nhiên kèm theo điều kiện thỏa mãn tính dự liệu trước nêu trong câu thứ hai điều này).[31]Theo nguyên tắc này, việc bồi thường không chỉ dừng lại ở các lợi nhuận đã bị mất đi trước khi kết quả giải quyết tranh chấp được đưa ra mà cả đối với bất kỳ khoản lợi nhuận có thể dự đoán trước và tính toán được trong tương lai sau thời điểm phán quyết được ban hành.[32]Do đó, có thể hiểu “tổn thất” ở đây không chỉ đơn thuần là các thiệt hại thực tếmàcònbao gồm cả cácthiệt hại sẽ xảy ra trong tương lai hoặc thiệt hại do mất cơ hội.Như vậy, việc phân chia các loại thiệt hại không thể xem là tiêu chí rõ ràng để quyết định một loại thiệt hại nhất định có thể được bồi thường hay không, mà theo đúng “nguyên tắc bồi thường đầy đủ”, tất cả các loại thiệt hại đều có thể được bồi thường nếu thỏa mãn các điều kiện của CISG. Thứ hai, Điều 74 nêu rõ “tiền BTTH xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng là khoản tiền tương đương với những thiệt hại, bao gồm thiệt hại về lợi nhuận…”. Theo “nguyên tắc bồi thường đầy đủ” là nền tảng của Điều 74, cũng như câu chữ mà CISG sử dụng “bao gồm” – “including”.quy định này nên được hiểu là thiệt hại về lợi nhuận chỉ đơn thuần là một sự giải thích hay dẫn chứng thêm,[33]chứ không được hiểu là CISGchỉ cho phép bồi thường đối với thiệt hại về lợi nhuận nói riêng và thiệt hại vật chất nói chung.[34]Thứ ba, các thiệt hại phi vật chất chỉ nên được bồi thường nếu thỏa mãn yêu cầu có sự tổn thất tài chính xảy ra; bởi lẽ, bản gốc bằng tiếng Anh của CISG đã chỉ rõ rằng việc bồi thường thiệt hại theo CISG phải được thực hiện bằng tiền (a sum equal to the loss). Do đó, nếu các thiệt hại phi vật chất không dẫn đến thiệt hại về tài chính thì không thể được bồi thường do không thỏa mãn yếu tố thiệt hại phải tính toán được bằng tiền.
Về mặt thực tiễn, có thể việc các cơ quan xét xử hạn chế cho phép bồi thường đối với các thiệt hại phi vật chất một phần do những khó khăn trong vấn đề chứng minh hoặc cũng có thể vì các quan điểm riêng của từng hệ thống pháp luật về vấn đề này. Thẩm phán Nguyễn Công Phú (Phó Chánh tòa Kinh tế – Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng: bản chất của thiệt hại là bù đắp những gì đã mất, do đó những tổn thất trong tương lai rất khó có cơ sở bồi thường. Thêm nữa, thiệt hại phi vật chất cần gây ra thiệt hại vật chất để có thể tính toán được số tiền bồi thường cụ thể. Thực tiễn xét xử tại một số tòa án Việt Nam cho thấy nếu không thể tính toán cụ thể và hợp lý về thiệt hại, tòa ánthường không chấp nhận yêucầu này.[35]Về vấn đề này, chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận của Điều 7.4.3 UNIDROIT: nếu có thể chắc chắn ở mức độ nào đó các tổn thất trong tương lai sẽ xảy ra thì yêu cầu bồi thường vẫn nên được chấp nhận. Và nếu bên đưa ra yêu cầu gặp khó khăn trong việc xácđịnh khoản thiệt hại chắc chắn sẽ xảy ra thì tòa án có thể giúp xác định vấn đề này chứ không nên vì những khó khăn trong tính toán và chứng minh mà bác yêu cầu chính đáng của bên này.[36]Tóm lại, CISG cần được giải thích theo hướng cho phép BTTH vật chất gây ra bởi tổn thất phi vật chất nếu bên bị vi phạm chứng minh được có thiệt hại phi vật chất xảy ra dẫn đến các tổn thất vật chất cũng như thỏa mãn các yêu cầu về mối quan hệ nhân quả, tính dự đoán trước của thiệt hại theo Điều 74 Công ước. Tất nhiên, tòa án hoàn toàn có thể từ chối nếu thiệt hại phi vật chất mà bên yêu cầu đưa ra chỉ đơn thuần là sự tính toán giả định số tiền bồi thường dù không dẫn đến tổn thất tài chính thực tế đã xảy ra./.
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
** Giảng viên Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Hale, William B., Handbook on the Law of Damages, St. Paul, Minnesota, West Publishing, 1896, tr. 2.
[2]Trần Thùy Linh , Damages for non–conforming Goodsunder Vienna Convention, A Comparison with Vietnamese Law, Luận văn thạc sĩLuật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2009, tr. 26.
[3]CISG advisory council opinion No. 6, Calculation of Damages under CISG Article 74, mục 1.1.http://cisgw3.law.pace.edu/cisg/CISG-AC-op6.html#109.
[4]Một số nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm thiệt hại phi vật chất không được bồi thường trong các HĐMBHH, một số học giả khác lại cho rằng loại thiệt hại này nên được bồi thường. Vấn đề này sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau của bài viết.
[5]Một số phán quyết công nhận quyền BTTH đối với thiệt hại phi vật chất như mất danh tiếng hay mất lợi thế thương mại tại Tòa án Phần Lan (Helsingin hoviokeus 26 October 2000); và Thụy Sĩ(Handelsgericht des Kantons Zürich 10 February 1999) nhưng ít nhất một phán quyết đã từ chối yêu cầu bồi thường này, đó là kết luận của cơ quan trọng tài tại Nga (Tribunal of International Commercial Arbitration at the Russian Federation Chamber of Commerce 3 March 1995 (Arbitral award No. 304/93). Xem thêm 2012 UNCITRAL Digest of case law on the United Nations Convention on the International Sale of Goods, http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/digest-2012-74.html#29.
[6]Djakhongir Saidov (2001), Methods of Limiting Damages under the Vienna Convention on Contracts for the International Sale of Goods, mục d “The Problem of Non-Material Loss”.http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/saidov.html.
[7]Phápluật Anh cho phép bồi thường thiệt hại phi vật chất trong các quan hệ ngoài hợp đồng trong khi việc yêu cầu dạng BTTH này xuất phát từ sự vi phạm trực tiếp các nghĩa vụ trong hợp đồng lại hạn chế hơn. Pháp luật Hoa Kỳ cũng cho thấy các nhà làm luật rất hạn chế việc chấp thuận các yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại phi vật chất phát sinh từ vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, Điều 1382 Bộ luật Dân sự Pháp cho phép bồi thường đối với tất cả các loại tổn thất không phụ thuộc bản chất của tổn thất là gì và nguyên tắc chung này được áp dụng đối với các thiệt hại về đạo đức hay danh tiếng. Nguyên tắc tương tự cũng được đưa ra trong Điều 1149 của Bộ luật này điều chỉnh vấn đề thiệt hại do vi phạm hợp đồng và kể từ khi giải thích này được thừa nhận, các khái niệm về tổn thất phi vật chất đã không ngừng được mở rộng. Xem thêmAlain Dupont, Non-Pecuniary loss in commercial contracts, with special emphasis on United Nation convention on contracts for the international sale of goods (CISG), Minor dissertation, University Of Cape Town, tr. 17, 18.
[8]Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
[9]Điều 9.501 quy định: “(1) The aggrieved party is entitled to damages for loss caused by the other party’s non-performance which is not excused under Article 8:108. (2) The loss for which damages are recoverable includes: (a) non-pecuniary loss; and (b) future loss which is reasonably likely to occur.”
[10]Xem Sleg Eiselen, “Unresolved damages issues of the CISG: a comparative analysis”, 38 Comp. & Int’l L.J. S. Afr. 32 2005, tr. 34.
[11]Xem Peter Schlechtriem, Non-Material Damages — Recovery Under the CISG,chú thích số 3, dẫn chứng các học giả theo quan điểm này như: Fritz Enderlein & Dietrich Maskow, International Sales Law: United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods,Oceana, 1992; Cesare Massimo Bianca & Michael Joachim Bonell, Commentary on the International Sales Law The Vienna Sales Convention,Giufree ed., 1987.
[12]Xem Djakhongir Saidov chú thích số 6.
[13]Học giả Schlechtriem dẫn chứng trường hợp nếu cả hai bên đều hiểu rằng mục đích của hợp đồng mua bán xe motor là để bên mua có thể thực hiện được chuyến đi nghỉ dưỡng của mình. Và như vậy, hành vi vi phạm hợp đồng có thể làm suy yếu hoàn toàn mục đích (phi vật chất) của giao dịch, đo đó, bên bị vi phạm có thể được bồi thường. Tuy nhiên, loại giao dịch thương mại này không phổ biến. Xem Pace International Law Review, “Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)”,European Law Publishers, tr. 50.
[14]Xem Djakhongir Saidov (2001), chú thích số 6.
[15]CISG Advisory Council Opinion No. 6, Calculation of Damages under CISG Article 74, mục 7.1, “pecuniary damages caused by a loss of goodwill also are, in principle, compensable under Article 74.However, Article 74 does not permit recovery of non-material loss”. http://cisgw3.law.pace.edu/cisg/CISG-AC-op6.html#109
[16]Xem Djakhongir Saidov, chú thích số 6.
[17]Xem Djakhongir Saidov, chú thích số 6.
[18] Digest of Article 74 case law, Truy cập http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/digest-2012-74.html#29
Một số phán quyết đã công nhận quyền bồi thường thiệt hại thiệt hại phi vật chất như mất danh tiếng hay mất lợi thế thương mại như Tòa án Phần Lan (Helsingin hoviokeus 26 October 2000); Tòa án Thụy Sĩ (Handelsgericht des Kantons Zürich 10 February 1999).
[19] Tribunal of International Commercial Arbitration at the Russian Federation Chamber of Commerce and Industry, Case 304/1993, 3 March 1995, Truy cập: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950303r2.html
[20]Case No 304/1993, chú thích 19, điểm (i).
[21]Anna V. Shashkova Study Manual on the bases of Russian Law, Cambridge Sholars Publishing, 2015, tr. 114.
[22]Vernon V. Palme (2015), The Recovery of Non-Pecuniary Loss in European Contract Law, Cambridge University Press, tr. 340.
[23]Art books case, Case No. HG 970238.1, HG Zürich (Thụy Sĩ), 10/2/1999,http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990210s1.html.
[24]Video recorders case, Case No. 10 O 72/00, Tòa LG Darmstadt, 9/5/2000, http://cisgw3.law.pace.edu/cases/000509g1.html.
[25]Xem Djakhongir Saidov (2001), chú thích số 6.
[26]Calzados Magnanni v. Shoes General International,Case No. 97/03974, Tòa Appeal Court Grenoble (Pháp), 21/10/1999, http://cisgw3.law.pace.edu/cases/991021f1.html.
[27]Xem Djakhongir Saidov (2001), chú thích số 6.
[28]Case No. 054/1999 International Court of Commercial Arbitration Chamber of Commerce & Industry of the Russian Federation, 24/1/2000, http://cisgw3.law.pace.edu/cases/000124r1.html.
[29]Alain Dupont, chú thích số 7, tr. 50.
[30]Corinna Buschtöns , Damages under the CISG, Selected problems, Minor dissertation for the Masters Degree in Commercial Law, University of Cape Town, 2005tr. 42.
[31]Peter Huber, Alastair Mullis, The CISG – A new textbook for students and practitioners,European law publishers, 2007, tr. 268.
[32]Xem John Honnold, Uniform law for International Sales under the 1980 United Nations Convention – Art.74, 403, 3d ed. 1999.
[33]Việc dẫn chứng thêm “thiệt hại về lợi nhuận” là cần thiết vì trong một số hệ thống pháp luật, từ “thiệt hại” đứng riêng lẻ sẽ không bao gồm thiệt hại về lợi nhuận. Xem thêm Secretariat Commentary, Guide to CISG Article 74, http://cisgw3.law.pace.edu/cisg/text/secomm/secomm-74.html.
[34]Xem thêm Peter Huber, Alastair Mullis, chú thích số 31, tr. 269.
[35]Phát biểu tại Tọa đàmThực tiễn áp dụng Công ước Vienna 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam- Tọađàmbáocáokết quả của nhómnghiêncứuĐề tàiNCKH của Bộ mônLuật Thương mạiQuốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, 20/1/2016.
[36]Điều 7.4.3 UNIDROIT đề cập đến các thiệt hại xảy ra trong tương lai chứ không ghi nhận về thiệt hại phi vật chất được bàn đến trong bài này, tuy nhiên, các thiệt hại phi vật chất cũng có thể mang tính chất của các thiệt hại “xảy ra trong tương lai.”
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – ThS. Phạm Thị Hiền
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(102)/2016 – 2016, Trang 71-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý