Quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng theo Công ước viên năm 1980 và giải pháp sửa đổi Luật Thương mại của Việt Nam
Tác giả: Vũ Huy Hoàng [1]
TÓM TẮT
Công ước của Liên hợp quốc năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), tên gọi khác là Công ước Viên năm 1980, bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ 01/01/2017. Việc áp dụng CISG có tác động tích cực tới việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực mua bán hàng hóa. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích các quy định của CISG về quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng, bài viết chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật thương mại Việt Nam hiện hành và định hướng khắc phục những bất cập đó.
1. Khái quát về chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong CISG
Theo quy định của CISG, khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, có nhiều chế tài khác nhau mà bên còn lại có thể lựa chọn để áp dụng. Bên có quyền có thể tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại,… Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, hủy bỏ hợp đồng hay các chế tài khác không thể đáp ứng những mong muốn ban đầu mà bên có quyền mong đợi từ việc giao kết hợp đồng. Một hợp đồng được ký kết không phải để bị hủy bỏ, mà để được thực hiện, nhằm đem lại cho các bên giao kết những lợi ích nhất định mà họ mong đợi, hướng tới.
Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong CISG đảm bảo cho hợp đồng được thực hiện đúng như thỏa thuận đã ký kết: bên mua nhận được hàng và bên bán nhận được tiền. Với vai trò như vậy, buộc thực hiện đúng hợp đồng thường là biện pháp được các bên ưu tiên áp dụng khi xảy ra tranh chấp.
Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong CISG bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, “pacta sunt servanda”, (tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế)2. Nguyên tắc này hướng các bên trong hợp đồng tuân thủ nghĩa vụ đã cam kết, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trên cơ sở tự nguyện, tận tâm và thiện chí. Với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, quan hệ hợp đồng được thiết lập lại trạng thái cân bằng về quyền và nghĩa vụ, và các bên cần tận tâm, thiện chí để hoàn thành hợp đồng một lần nữa. Buộc thực hiện đúng hợp đồng thể hiện sự thiện chí của bên bị vi phạm khi họ cho bên vi phạm thêm cơ hội để hoàn thành nghĩa vụ. Vì sự thiện chí này, bên vi phạm cũng cần thể hiện sự tận tâm, thiện chí của mình trong việc khắc phục hành vi vi phạm một cách tự nguyện.
2. Quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng theo quy định của CISG và thực tiễn thực thi CISG
2.1. Điều kiện để bên mua áp dụng quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng.
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, hành vi vi phạm của bên bán là điều kiện tiên quyết để bên mua có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Có thể hiểu vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Từ quy định tại phần 3, Chương II CISG về nghĩa vụ của người bán, có thể xác định được những hành vi của bên bán được coi là vi phạm hợp đồng, đó là:
– Vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng thời gian, địa điểm. Các vi phạm điển hình có thể là: bên bán không giao hàng; giao không đúng địa điểm; chậm giao hàng hóa, chứng từ so với thời gian đã thỏa thuận, không giao sau khoảng thời gian hợp lý được gia hạn…
– Vi phạm nghĩa vụ giao hàng phù hợp với hợp đồng. Về nguyên tắc, các bên sẽ căn cứ các nội dung cụ thể đã thỏa thuận trong hợp đồng để xác định hàng hóa có phù hợp hay không, và nếu không thể xác định được theo hợp đồng thì căn cứ vào quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 35.2 CISG quy định bốn trường hợp hàng hóa bị coi là không phù hợp với hợp đồng: (i) hàng hóa không thích hợp cho mục đích sử dụng mà các hàng hóa cùng loại vẫn thường đáp ứng; (ii) hàng không thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào mà người bán đã trực tiếp hoặc gián tiếp biết được vào lúc ký hợp đồng; (iii) hàng không có các tính chất của hàng mẫu hoặc kiểu dáng mà người bán đã cung cấp cho người mua; (iv) hàng không được bao bì theo cách thông thường cho những hàng cùng loại hoặc, nếu không có cách thông thường, thì bằng cách thích hợp để giữ gìn và bảo vệ hàng hoá đó.
Thứ hai, vi phạm cơ bản hợp đồng.
Có nhiều biện pháp khác nhau để bên mua áp dụng quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng, và điều kiện áp dụng mỗi biện pháp cũng không giống nhau. Ví dụ, yêu cầu giao hàng thay thế chỉ được chấp nhận khi bên mua chứng minh được rằng hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng và sự không phù hợp đó cấu thành một vi phạm cơ bản. Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng được quy định tại Điều 25 CISG, theo đó: “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”. Có thể thấy, khái niệm vi phạm cơ bản tại Điều 25 CISG khá trừu tượng. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về vấn đề này cho thấy, có một số căn cứ thường được sử dụng để xác định xem sự không phù hợp của hàng hóa đã cấu thành một vi phạm cơ bản hay chưa, đó là: (1) Các bên đã có thỏa thuận về vi phạm cơ bản trong hợp đồng; (2) Khả năng bán lại được/ sử dụng được của hàng hóa không phù hợp hợp đồng.
(1) Các bên đã có thỏa thuận về vi phạm cơ bản trong hợp đồng.
Trong hợp đồng, nếu bên mua và bên bán đã thỏa thuận hàng hóa không phù hợp sẽ làm cho bên mua không đạt được một mục đích cụ thể nào đó, thì bất kỳ sự khiếm khuyết nào của hàng hóa làm ảnh hưởng tới mục đích đó đều cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng.
Trong vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hạt tiêu giữa bên bán (Tây Ban Nha) và bên mua (Đức)3, số hạt tiêu chứa khoảng 150% lượng ethylene oxide, vượt mức tối đa cho phép theo quy định của luật về dược phẩm và thực phẩm ở Đức. Bên bán khởi kiện bên mua đòi thanh toán số tiền mua hàng, bên mua phản tố cho rằng hành vi giao hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở Đức cấu thành vi phạm cơ bản. Theo phán quyết của Tòa án, hai bên đã thỏa thuận minh thị trong hợp đồng về việc hàng hóa phải phù hợp cho người dân ở Đức tiêu dùng và Tòa án nhấn mạnh rằng bên bán đã biết trước các quy định này. Hành vi giao hàng không phù hợp với hợp đồng của bên bán cấu thành vi phạm cơ bản.
Khi các bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng về vi phạm cơ bản thì Tòa án sẽ căn cứ vào thỏa thuận đó của các bên để quyết định hành vi vi phạm của một bên có phải là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không. Tuy nhiên, nếu các bên không có thỏa thuận thì việc xác định có vi phạm cơ bản sẽ phức tạp hơn, Tòa án sẽ dựa vào căn cứ khác để xác định vấn đề này.
(2) Khả năng bán lại được/ sử dụng được của hàng hóa không phù hợp hợp đồng.
Thông thường, mục đích khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa của bên mua là để sử dụng hàng hóa hoặc bán lại hàng hóa (nhằm thu lợi nhuận). Chất lượng hàng hóa không phù hợp sẽ không cấu thành một vi phạm cơ bản nếu bên mua vẫn có thể sử dụng hàng hoá hoặc bán lại chúng (kể cả bán lại với giá thấp hơn). Trong vụ tranh chấp hợp đồng mua bán thịt đông lạnh giữa bên bán (Đức) và bên mua (Thụy Sỹ)4, sau khi nhận được hàng, vì chất lượng thịt không phù hợp nên bên mua đã từ chối thanh toán. Theo phán quyết của Tòa, mặc dù thịt được giao có tỷ lệ nước và chất béo cao hơn 25,5% so với chất lượng được thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng bên mua hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp phù hợp để xử lý lô thịt này hoặc vẫn có thể bán lại chúng với giá thấp hơn. Do đó, vi phạm của bên bán không cấu thành vi phạm cơ bản. Với hành vi vi phạm của bên bán, bên mua có thể yêu cầu bên bán giảm giá tương ứng với mức 25.5% không phù hợp, thay vì từ chối thanh toán hoặc yêu cầu thay thế hàng hóa.
Thứ ba, kết hợp sử dụng các biện pháp bảo hộ pháp lý một cách phù hợp.
Để có thể áp dụng quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng, Điều 46.1 CISG đặt ra hạn chế bên mua không được sử dụng một biện pháp bảo hộ pháp lý khác không phù hợp với quyền này. Biện pháp không phù hợp ở đây có thể là chế tài hủy bỏ hợp đồng (Điều 49 CISG) hoặc biện pháp giảm giá (Điều 50 CISG). Khi bên mua áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ những khoản bồi thường thiệt hại có thể có. Và việc yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng sau khi đã hủy bỏ hợp đồng là điều không thể. Với trường hợp bên mua yêu cầu giảm giá hàng hóa, nếu bên bán chấp nhận giảm giá để bù đắp cho phần sự không phù hợp của hàng hóa, có thể coi như hai bên đã có những thỏa thuận mới về chất lượng hàng hóa và giá cả trong hợp đồng. Khi thỏa thuận mới đã được thiết lập, bên bán không bị buộc thực hiện đúng nghĩa vụ trước đây.
2.2. Biện pháp cụ thể để bên mua áp dụng quyền buộc thực hiện hợp đồng
Khi bên bán vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, các quy định Điều 46, 47 CISG đưa ra những biện pháp cụ thể mà người mua có thể áp dụng, đó là:
– Yêu cầu người bán giao hàng thay thế, nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng và sự không phù hợp đó cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng (Điều 46.2);
– Yêu cầu người bán tiến hành loại trừ sự không phù hợp của hàng hóa, nếu hàng giao không phù hợp với hợp đồng (Điều 46.3);
– Cho người bán thêm một thời hạn bổ sung hợp lý để thực hiện nghĩa vụ (Điều 47.1).
Sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa.
Khi hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng, CISG cho phép bên mua lựa chọn một trong hai biện pháp: yêu cầu bên bán sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa. Hai biện pháp này sẽ được áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thường có sự dịch chuyển hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác, chi phí vận chuyển thường không hề nhỏ, các thủ tục xuất nhập khẩu cũng phức tạp. Vì thế, yêu cầu thay thế hàng hóa có thể đem đến cho bên bán những thiệt hại vật chất lớn hơn là yêu cầu sửa chữa hàng hóa. Nếu bên bán phải nhận lại hàng hóa không phù hợp mang về nước, rồi từ đó vận chuyển hàng hóa mới trở lại, họ phải đối mặt với rủi ro vận chuyển, rủi ro bán lại hàng hóa và những chi phí đi kèm… Chính vì vậy, CISG đặt ra điều kiện khắt khe hơn để bên mua có thể áp dụng yêu cầu thay thế hàng hóa. Theo Điều 46.2 CISG, nếu bên mua muốn thay thế hàng hóa không phù hợp, bên mua phải chỉ ra được sự không phù hợp này cấu thành một vi phạm cơ bản theo quy định tại Điều 25 CISG.
Không bị giới hạn khắt khe như yêu cầu thay thế hàng hóa, Điều 46.3 CISG cho phép bên mua được áp dụng yêu cầu sửa chữa cho bất kỳ sự không phù hợp nào của hàng hóa mà không cần là một vi phạm cơ bản. Ngoài điều kiện hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, Điều 46.3 quy định thêm một điều kiện nữa để bên mua được áp dụng yêu cầu sửa chữa hàng hóa, đó là yêu cầu này phải hợp lý. Tính hợp lý này được xem xét dựa trên chi phí phát sinh và hoàn cảnh thực tế của các bên. Ví dụ, có những trường hợp chi phí sửa chữa hàng hóa còn cao hơn cả chi phí thay thế hàng hóa. Trường hợp mà người mua có thể dễ dàng sửa chữa, đặc biệt khi cơ sở sửa chữa của người bán ở một quốc gia xa xôi; theo đó, người mua sẽ không có quyền yêu cầu người bán thực hiện những khiếm khuyết nhỏ mà họ có thể sửa chữa được, nhưng người bán vẫn phải chịu bất kỳ chi phí nào của việc sửa chữa đó5;… Có thể dựa vào một số yếu tố sau để xác định yêu cầu sửa chữa hàng hóa của bên mua có hợp lý hay không: tính chất của hàng hóa, khả năng sửa chữa, mức độ sai hỏng, chi phí và thời gian sửa chữa,…
Ngoài những trường hợp ngoại lệ tại Điều 40 CISG, bên mua còn phải tuân thủ các yêu cầu thông báo tại Điều 39 CISG khi họ muốn bên bán thay thế hoặc sửa chữa hàng hóa. Điều 46.2, 46.3 CISG quy định thêm rằng những thông báo này cần được gửi đến người bán trong thời hạn hợp lý. Yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng cần được thông báo trong một thời hạn hợp lý là bởi: với người mua, yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng chỉ thực sự có ý nghĩa khi họ nhận được hàng hóa phù hợp trong một khoảng thời gian thích hợp kể từ khi sự không phù hợp của hàng hóa được phát hiện; và việc đưa ra thông báo trong một thời hạn hợp lý cũng thể hiện sự thiện chí của bên mua trong việc duy trì hợp đồng. Dựa vào hoàn cảnh của vi phạm trong từng vụ việc, tính hợp lý này cũng được xác định theo nhiều góc độ. Sự cân bằng về lợi ích kinh tế, tính chất của hàng hóa, số lượng hàng hóa cần kiểm tra, khả năng thực hiện nghĩa vụ của các bên được cân nhắc để đánh giá thời hạn hợp lý.
Cần lưu ý, nếu bên bán chỉ cần sửa chữa nhưng lại muốn được thay thế hàng hóa vì điều này có lợi hơn cho họ thì họ vẫn có thể thực hiện, với điều kiện là điều này không gây bất tiện hơn cho bên mua. Hoặc ngay cả trường hợp vi phạm là cơ bản và bên mua có quyền yêu cầu thay thế hàng hóa, nhưng họ thấy việc sửa chữa có lợi hơn cho mình thì họ vẫn có thể yêu cầu bên bán sửa chữa, trừ khi yêu cầu đó là không có lợi cho bên bán. Chúng ta cũng cần hiểu rằng, yêu cầu thay thế hay sửa chữa hàng hóa là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bên mua, bên mua được áp dụng chế tài này khi đáp ứng một số điều kiện nhất định, chứ không áp đặt bên mua phải sử dụng chế tài này trước tiên khi bên bán có hành vi vi phạm hợp đồng.
Gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Điều 47 CISG quy định bên mua có thể cho bên bán một khoảng thời gian bổ sung hợp lý để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Quy định này tương tự với quy định “Nachfrist” trong pháp luật Đức6. Nói một cách ngắn gọn, thủ tục Nachfrist cho phép thêm một khoảng thời gian bổ sung để thực hiện hợp đồng bởi bên không thực hiện vào ngày đến hạn theo hợp đồng7. Từ “có thể” cho thấy bên bị vi phạm có quyền chứ không bắt buộc phải ấn định thời hạn bổ sung, việc ấn định hay không là tùy thuộc vào ý chí của họ. Thời gian gia hạn phải là một khoảng thời gian “hợp lý”. Tính “hợp lý” được tính toán theo các yếu tố như: hoàn cảnh vi phạm, mức độ không phù hợp của hàng hóa, khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên vi phạm, khoảng cách địa lý giữa các bên, thời gian các bên thỏa thuận ban đầu, thói quen thương mại giữa các bên,… và các yếu tố khác tùy từng trường hợp, để đảm bảo rằng bên vi phạm hoàn toàn đủ khả năng và bằng nỗ lực của mình hoàn thành nghĩa vụ bị vi phạm trong thời gian gia hạn.
Việc gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ vừa thể hiện sự thiện chí của bên mua trong quá trình thực hiện hợp đồng, vừa là sự hỗ trợ cho chế tài hủy bỏ hợp đồng. Theo CISG, nếu bên bán vi phạm cơ bản hợp đồng, bên mua có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng (Điều 49.1.a CISG). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bên mua không chắc chắn việc vi phạm của bên bán có cấu thành một sự vi phạm cơ bản hay không. Thông thường, việc giao hàng chậm trễ không được coi là vi phạm cơ bản, người mua có thể cho người bán một cơ hội khác bằng cách đặt thêm một khoảng thời gian8. Sau thời gian đó, bên mua có thể tuyên bố huỷ hợp đồng mà không cần chứng minh nó là vi phạm cơ bản (Điều 49.1.b CISG).
Khi bên mua gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ cho bên bán, ngoại trừ chế tài bồi thường thiệt hại, bên mua sẽ không được viện, dẫn bất kỳ biện pháp bảo hộ pháp lý nào khác (hủy bỏ hợp đồng, giảm giá hàng hóa,…) trong thời hạn bổ sung này. Cũng cần lưu ý rằng, trong trường hợp bên bán đưa ra thông báo rằng người bán sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn bổ sung đó, thì bên mua sẽ không còn bị ràng buộc về thời gian gia hạn, không bị ràng buộc về các chế tài có thể áp dụng, họ sẽ được áp dụng bất cứ chế tài nào phù hợp với hành vi vi phạm của bên bán. Thời điểm kết thúc thời gian được gia hạn hoặc thời điểm bên bị vi phạm nhận được câu trả lời về việc bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ chính là thời điểm chấm dứt tính khả thi của yêu cầu buộc thực hiện hợp đồng.
3. Quy định của Luật thương mại Việt Nam về quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng và kiến nghị sửa đổi bổ sung
3.1. Quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng theo Luật thương mại Việt Nam
Buộc thực hiện đúng hợp đồng là chế tài được ưu tiên trong pháp luật Việt Nam. Trong danh sách các chế tài được áp dụng theo quy định tại Điều 292 Luật thương mại (Luật TM) năm 2005, chế tài này được quy định đầu tiên. Điều 297.1 Luật TM năm 2005 định nghĩa: “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh”.
Trên cơ sở định nghĩa tại Điều 297.1, Luật TM năm 2005 cụ thể hóa hai cách thức áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng tại Khoản 2, 3 Điều 297. Theo đó, nếu bên bán giao hàng kém chất lượng, trước tiên bên mua phải yêu cầu bên bán thực hiện đúng hợp đồng, loại trừ khuyết tật của hàng hoá hoặc giao hàng khác thay thế. Tuy nhiên, Điều 297.2 không quy định việc sửa chữa hay thay thế hàng hóa sẽ tương ứng với mức độ vi phạm nào: vi phạm cơ bản hay không cơ bản. Như vậy, có thể hiểu bên mua có quyền lựa chọn áp dụng một trong hai biện pháp: yêu cầu bên bán sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa đối với bất kỳ vi phạm nào mà không cần phải xác định đó có là vi phạm cơ bản hay không. Và chỉ khi bên bán không thực hiện yêu cầu sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa, bên mua mới có quyền tự mua hàng hoặc tự sửa chữa khuyết tật của hàng hóa và yêu cầu bên bán thanh toán các chi phí phát sinh.
Trong trường hợp yêu cầu bên bán thực hiện đúng hợp đồng theo Điều 297, bên mua có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian hợp lý để bên bán tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo Điều 298 Luật TM năm 2005. Quy định tại Điều 298 cũng tương tự với quy định tại Điều 47 CISG, thể hiện sự thiện chí của bên mua trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Ngoài chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên mua vẫn có quyền áp dụng những chế tài khác trong khoảng thời gian gia hạn thực hiện nghĩa vụ. Điều 299.1 Luật TM năm 2005 quy định bên mua có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu chứng minh được có tổn thất thực tế), phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận về phạt vi phạm) đồng thời với quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng. Ngoài các chế tài nêu trên, bên mua không có quyền áp dụng các chế tài khác trong khoảng thời gian gia hạn thực hiện nghĩa vụ cho bên bán. Theo Điều 299.2 Luật TM năm 2005, khi hết thời gian gia hạn tại Điều 298, nếu bên bán vẫn không thực đúng hợp đồng, bên mua có quyền áp dụng các chế tài khác như tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng. Theo quy định của Luật TM năm 2005, các chế tài tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận trước hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Việc gia hạn thêm thời gian thực hiện nghĩa vụ theo Điều 298 Luật TM năm 2005 đã mở ra cho bên mua quyền được áp dụng các chế tài nêu trên mà không cần chứng minh hành vi vi phạm của bên bán có phải là vi phạm cơ bản hay không.
Mặc dù Luật TM năm 2005 đã có quy định về điều kiện cũng như cách thức áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, trên thực tế, việc vận dụng quy định pháp luật tại cơ quan tài phán vẫn để lại những vấn đề nhất định.
“Tranh chấp hợp đồng mua bán giữa công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xây dựng Phượng Lâm và Cửa hàng Âm thanh – Ánh sáng – Nhạc cụ Huy Quang9.
Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xây dựng Phượng Lâm (Phượng Lâm) và Cửa hàng Âm thanh – Ánh sáng – Nhạc cụ Huy Quang (Huy Quang) ký kết Hợp đồng kinh tế số 1905 HQ06 ngày 19/5/2006 và Phụ lục hợp đồng số 1905 PLHQ ngày 27/6/2006 về việc mua bán hàng hóa. Theo hợp đồng, Huy Quang bán cho Phượng Lâm 08 thiết bị điện tử (âm thanh, ánh sáng) với tổng giá trị là 190.366.000 đồng. Sau khi nhận hàng khoảng 1 tháng, Phượng Lâm phát hiện 3/8 thiết bị nhập về không đúng xuất xứ như thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Ngày 5/9/2006, Phượng Lâm có Công văn số 09/PL-CTPL yêu cầu Huy Quang thay thế toàn bộ thiết bị tương đương. Ngày 27/9/2006, Huy Quang có văn bản trả lời không đồng ý. Ngày 01/11/2006, Phượng Lâm khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Huy Quang tiếp tục thực hiện việc khắc phục hậu quả do đã vi phạm hợp đồng: thay thế toàn bộ thiết bị đã cung cấp cho Phượng Lâm hoặc nhận lại thiết bị, trả lại tiền; bồi thường thiệt hại cho Công ty Phượng Lâm do phải thuê thiết bị thay thế.
Bản án sơ thẩm số 06/2007/KSTM-ST ngày 23/7/2007 của Tòa án nhân dân Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) và Bản phúc thẩm số 1511/2007/KSTM-ST ngày 26/12/2007 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đều không chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn. Bản án sơ thẩm lại yêu cầu bị đơn hoàn trả số tiền chênh lệch trị giá của 03 mặt hàng giao sai xuất xứ (không nằm trong yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn)”.
Trong vụ việc này, Huy Quang giao hàng không đúng xuất xứ khiến Phượng Lâm phải tốn chi phí thuê thiết bị thay thế; điều này cho thấy hàng hóa giao sai không đảm bảo mục đích sử dụng của Phượng Lâm. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm dường như không chú trọng đến về vấn đề này. Từ việc không chú trọng đến vi phạm hợp đồng là vi phạm cơ bản hay không cơ bản, Tòa án hai cấp đưa ra phán quyết Phượng Lâm không được trả lại hàng mà còn bị buộc thanh toán tiền hàng theo hợp đồng cho Huy Quang, Đồng thời, Tòa án còn giải quyết những vấn đề không thuộc phạm vi khởi kiện của nguyên đơn. Phán quyết này có lẽ không bảo vệ được lợi ích chính đáng cho bên mua hàng khi hàng hóa được giao không phù hợp với những gì các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
3.2. Một số kiến nghị sửa đổi Luật Thương mại 2005 về quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng của bên mua khi bên bán vi phạm hợp đồng
Từ những quy định của CISG, có thể thấy pháp luật Việt Nam cần có thêm các quy định để điều chỉnh chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi Điều 297.2 Luật năm TM 2005 theo hướng, bên mua có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa đối với mọi khiếm khuyết của hàng hóa, nhưng chỉ có quyền yêu cầu bên bán thay thế khi sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành một vi phạm cơ bản.
Như đã phân tích, Điều 297.2 Luật TM năm 2005 không quy định việc sửa chữa hay thay thế hàng hóa sẽ tương ứng với mức độ vi phạm nào: vi phạm cơ bản hay không cơ bản. Trong một số trường hợp, việc tranh cãi về lựa chọn phương án sửa chữa hay thay thế hàng hóa có thể khiến các bên trong hợp đồng phát sinh những tranh chấp không đáng có. Như vậy, Luật TM năm 2005 nên có quy định tương tự Điều 46.2 CISG trong việc áp dụng yêu cầu thay thế hàng hóa với điều kiện khắt khe hơn so với áp dụng yêu cầu sửa chữa hàng hóa. Theo đó, bên mua chỉ có quyền yêu cầu bên bán thay thế khi sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành một vi phạm cơ bản. Luật TM năm 2005 đã có định nghĩa về vi phạm cơ bản tại Điều 3.13, với nhiều điểm tương đồng với Điều 25 CISG.
Thứ hai, sửa đổi bổ sung một số nội dung của Điều 299 Luật TM năm 2005.
Đầu tiên, cần sửa đổi Điều 299.1 Luật TM năm 2005 theo hướng, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có thêm quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng bên cạnh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
Luật TM năm 2005 đang tồn tại hai quy định mâu thuẫn nhau. Điều 51.3 quy định: “Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó”, bản chất của việc tạm ngừng thanh toán chính là quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng của bên mua. Trong thời gian chờ bên bán khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa, bên mua có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, Điều 299.1 lại không cho phép bên mua áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Theo tác giả, việc bên mua tạm ngừng thực hiện hợp đồng không hề mâu thuẫn với việc buộc bên bán thực hiện đúng hợp đồng, hai chế tài này hoàn toàn có thể áp dụng đồng thời. Việc tạm ngừng thanh toán của bên mua còn thúc đẩy bên bán khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa một cách nghiêm túc và nhanh chóng, để có thể sớm nhận được các lợi ích từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng này (chủ yếu nhất là lợi ích về mặt kinh tế).
Ngoài ra, tương tự Điều 47.2 CISG, cần bổ sung vào Điều 299 Luật TM năm 2005 nội dung: “Trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền áp dụng các chế tài khác ngoài quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm, nếu bên vi phạm thông báo sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn được bổ sung đó”. Thực tế trong một số trường hợp, khi có sự không phù hợp của hàng hóa, bên mua cho bên bán một khoảng thời gian hợp lý (ví dụ 15 ngày) để khắc phục sự không phù hợp này. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu tiên của thời hạn 15 ngày, bên bán đã thông báo với bên mua sẽ không khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa. Theo Điều 299 Luật TM năm 2005, dù bên bán có tuyên bố không khắc phục từ ngày đầu tiên của thời hạn bổ sung được ấn định, bên mua cũng phải chờ đến khi kết thúc thời hạn này mới có quyền áp dụng các chế tài như đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng, đây là một điều không hợp lý. Nếu không phải chờ đợi 15 ngày và được chấm dứt hợp đồng ngay lập tức, bên mua sẽ sớm đi tìm người bán khác để có được số lượng hàng cần mua nhằm đáp ứng được nhu cầu của mình, qua đó ngăn chặn thiệt hại cho chính mình, cũng như có thể giảm mức bồi thường thiệt hại cho bên bán.
Một hợp đồng mua bán đã được giao kết đều thể hiện ý chí, mong muốn của các bên; bên mua thì mong muốn nhận được hàng, bên bán thì mong muốn thu được tiền. Khi bên bán đã tạo ra một căn cứ rõ ràng cho thấy sẽ không thực hiện nghĩa vụ trong thời gian gia hạn, không thể bắt buộc bên mua phải ở trong trạng thái chờ đợi vô ích. Đối với các thương nhân, thời gian chính là tiền bạc; việc chờ đợi hết thời hạn bổ sung đã ấn định sẽ làm mất khá nhiều thời gian và tất nhiên cũng sẽ đem lại ít nhiều tổn thất. Như vậy, Luật TM năm 2005 nên có quy định tương tự Điều 47.2 CISG, cho phép bên mua được áp dụng các chế tài như hủy bỏ hợp đồng khi bên bán thông báo sẽ không thực hiện nghĩa vụ khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa dù chưa hết thời hạn bổ sung mà bên mua đã ấn định.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung Luật TM năm 2005 không phải là câu chuyện một sớm, một chiều; bởi để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cần rất nhiều thời gian. Do đó, khi soạn thảo, ký kết hợp đồng, bên mua cần vận dụng hợp lý các quy định pháp luật hiện hành để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Với Điều 299.1 Luật TM năm 2005, pháp luật cho phép các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận khác với quy định tại điều luật này. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Về nguyên tắc, khi giao kết hợp đồng, các bên có quyền đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào trong hợp đồng, miễn là những thỏa thuận đó có nội dung khả thi, không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội10. Như vậy, khi giao kết hợp đồng, bên mua hoàn toàn có quyền thỏa thuận thêm một số nội dung khác với quy định tại Điều 299 Luật TM năm 2005. Bên mua có thể thỏa thuận thêm quyền tạm ngừng thanh toán trong thời gian buộc bên bán thực hiện đúng hợp đồng; và cũng có thể thỏa thuận quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng ngay lập tức khi bên bán đã thông báo sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn bổ sung được ấn định để khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa.
Trên cơ sở quy định của CISG về buộc thực hiện đúng hợp đồng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật thương mại sẽ góp phần giúp pháp luật Việt Nam tiệm cận hơn với các quy định trong pháp luật quốc tế, tạo hành lang pháp lý an toàn và thuận lợi cho các chủ thể trong hoạt động giao dịch kinh doanh thương mại và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại Việt Nam tiến gần đến một môi trường công bằng và văn minh; một môi trường bảo vệ quyền lợi của bên bị vi phạm nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên vi phạm, một môi trường quan tâm đến lợi ích của tất cả các bên trong hợp đồng./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp.
- Nguồn: https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/peclcomp46.html.
- Nguồn: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950821g2.html.
- Nguồn: http://www.uncitral.org/clout/clout/data/che/clout_case_248_leg-1471.html.
- Nguồn: https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/chengwei3.html#spv.
- Nguồn: https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/DiPalma.html.
- Nguồn: https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/liu4.html#iv.
- Nguồn: https://cisgw3.law.pace.edu/cisg/biblio/will-bb47.html.
- Quyết định giám đốc thẩm số 12/2009/KDTM-GĐT ngày 22/04/2009 của Tòa Kinh tế TANDTC về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, http://www.vinalaw.vn/forum/index.php/home/detail/522/.
- Quyết định giám đốc thẩm số 12/2009/KDTM-GĐT ngày 22/04/2009 của Tòa Kinh tế TANDTC về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, http://www.vinalaw.vn/forum/index.php/home/detail/522/.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
- Sách “101 Câu hỏi – đáp về Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)”, Trường Đại học ngoại thương và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), năm 2016.
- Sách “Tìm hiểu chung về CISG từ các án lệ tiêu biểu”, Vụ Pháp chế, Bộ Công thương, năm 2018.
- Đặng Hoa Trang (2015), “Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng theo Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và pháp luật thương mại Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Trả lời