Mục lục
Bàn về khái niệm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Điều 3 của Công ước Vienna 1980
TÓM TẮT
Tính linh hoạt và khái quát cao của quy phạm tại Điều 3 Công ước Vienna nhằm mục đích mở rộng phạm vi điều chỉnh của Công ước này đến các loại hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mang tính chất hỗn hợp. Tuy nhiên, mặt khác quy định này cũng dẫn đến hệ quả việc áp dụng và giải thích không thống nhất phạm vi áp dụng Công ước Vienna về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (CISG). Thông qua việc phân tích các tiêu chí của quy định trên, tác giả cố gắng tìm ra xu hướng giải thích một cách chung nhất phạm vi áp dụng theo nội dung (ratione materiae) của CISG.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980 – ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
- Về Điều 6 Công ước VIENNA 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – ThS. Huỳnh Thị Thu Trang & ThS. Lê Tấn Phát
- Biện pháp giảm giá trong mua bán hàng hóa quốc tế phân tích từ điều 50 Công ước Vienna 1980 – ThS. Nguyễn Chí Thắng
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – lý luận và thực tiễn xét xử – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương & ThS. Phạm Thị Hiền
- Tính phù hợp của hàng hóa theo điều 35 công ước Vienna 1980 (CISG) – ThS. Trần Lê Quốc Công – ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy
- Hiệu lực của hợp đồng theo Công ước Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: “Khoảng xám” cho xu hướng quay về áp dụng pháp luật quốc gia? – TS. Trần Thị Thuận Giang
TỪ KHÓA: Công ước Vienna 1980, Hợp đồng, Mua bán hàng hóa quốc tế,
Công ước Vienna về Hợp đồng mua bán hàng hóaquốc tế của Liên hợp quốc (CISG)[1] , được thông qua năm 1980, là một mô hình hữu ích cho các nước đang phát triểntrong việc ban hành luật hợp đồngnói chung vàluậtđiều chỉnh hợpđồng mua bán hàng hóa nói riêng. Về cơ bản, CISG điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ theo đó người bán thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa, quyền sở hữu và nhận tiền còn người mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các hợp đồng mua bán hàng hóa đơn thuần ngày càng ít được thiết lập. Ngày càng có nhiều sự can thiệp của người bán vào hợp đồng mua bán hàng hóa dưới dạng cung ứng dịch vụ, ví dụ dưới dạng chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực…[2] .
Từ đó, Điều 3 CISG được xây dựng để mở rộng phạm vi điều chỉnh của điều ước quốc tế này bằng cách mở rộng khái niệm “hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”cho phù hợp với thực tiễn nói trên. Nhưng đồng thời, Điều 3 cũng đặt ra sự phân biệt giữa “hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”với các hợp đồng đặc thù khác (như hợp đồng gia công, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ)… vốn là những hợp đồng có những đặc trưng khác biệt và đòi hỏi những quy phạm điều chỉnh khác với hợp đồng mua bán hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, cần phải nhắc lại quy định tại Điều 3 CISG:[3]
“1. Các hợp đồng cung cấp hàng hóa sẽ được sản xuất hoặc chế tạo sẽ được coi là hợp đồng mua bán hàng hoá trừ khi bên đặt hàng có nghĩa vụ cung cấp phần lớn các nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hay sản xuất hàng hóa đó.
2. Công ước này không áp dụng cho các hợp đồng trong đó phần lớn nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hoá là cung ứng lao động hoặc thực hiện các dịch vụ khác.”
Khi nghiên cứu các quy phạm tại Điều 3 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí để xác định thếnào là“cung cấp phần lớn các nguyên liệu” (1) và “phần lớn nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hóa là cung ứng lao động hoặc thực hiện các dịch vụ khác” (2) là những vấn đề mấu chốt cần làm rõ nếu muốn xác định chính xác phạm vi áp dụng theo nội dung của CISG. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu là phân tích Điều 3 thông qua tham khảo các văn kiện chính thức của Ủy ban Soạn thảo Công ước, bài viết khoa học của các học giả trên thế giới và nhất là thực tiễn giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán quốc tế cũng như quốc gia liên quan đến việc giải thích Điều 3 CISG.
1. Khái niệm “cung cấp phần lớn các nguyên liệu”
Trước khi tìm hiểu các tiêu chí để xác định khái niệm “cung cấp phần lớn nguyên liệu”, việc làm rõ khái niệm “nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hay sản xuất” quy định tại điều luật này là điều kiện tiên quyết. Về cơ bản, nguyên liệu là một phần thô cấu thành nên thành phẩm, giá trị của nguyên liệu chuyển hóa hết vào trong giá trị thành phẩm. Như vậy, đối với những vật liệu hữu hình (kim loại đồng, bông sợi, phôi thép, đất sét…), không có vấn đề tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp nếu như nguyên liệu này không thể cảm nhận bởi các giác quan thông thường hay nói cách khác, vật liệu vô hìnhcóthể được xem là“nguyên liệu” thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều 3 CISG hay không.
Từ khi xây dựng CISG, các quốc gia tham gia soạn thảo đã muốn xem “nguyên liệu”không chỉ tồn tại dưới dạng hữu hình mà còn tồn tại dưới các hình thức khác nhưcác kiến thức bíquyết, bímật kinh doanh(know-how).[4] Ngoài ra, không có điều khoản của CISG loại bỏ các giao dịch này khỏi phạm vi áp dụng.[5] Hơn nữa, trong khái niệm hàng hóa cũng không loại bỏ các hợp đồng mua bán phần mền (software). Như vậy, khái niệm “nguyên liệu cần thiết” quy định tại Điều 3.1 được hiểu rất rộng bao gồm cả nguyên liệu vô hình và nguyên liệu hữu hình.
Sau khi xác định được những yếu tố sản xuất nào do người mua cung cấp là “nguyên liệu cần thiết” theo nghĩa của Điều 3 CISG, chúng tôi tập trung vào việc xác định thế nào là “cung cấp phần lớn nguyên liệu”. Đáng tiếc, bản thân văn kiện CISG không đưa ra một nguyên tắc hay tiêu chí để xác định. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến Điều 3 CISG tại các cơ quan tài phán đã cung cấp các tiêu chí như sau: (1) Tiêu chí định lượng; và trong một số trường hợp đặc biệt mà tiêu chí định lượng không thể được áp dụng thì (2) Tiêu chí về tính cơ bản của nguyên liệu. Việc sử dụng tiêu chí nào sẽ căn cứ theo từng hoàn cảnh và vụ việc khác nhau.
1.1. Tiêu chí định lượng
Quy phạm tại Điều 3.1 CISG không nêu bất cứ tiêu chí cụ thể nào để xác định bên đặt hàng hay bên mua có “nghĩa vụ cung cấp phần lớn các nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hay sản xuất hàng hóa đó” hay không.[6] Trong bối cảnh thiếu vắng một nguyên tắc chung của CISG để giải thích Điều 3, chúng tôi thấy cần phải tham khảo thực tiễn giải quyết tranh chấp. Trong thực tiễn, các cơ quan tài phán đã áp dụng phương pháp định lượng dựa trên giá trị kinh tế để xác định khái niệm “phần lớn”. Điển hình trong một tranh chấp được giải quyết tạiTòa Trọng tài trực thuộc Phòng thương mại vàcông nghiệpBudapest,[7] bên mualàthương nhânHungary đã cung cấp một số lượng kim loại và phụ tùng cho bên bánlàthương nhâncủa Áođể sản xuất 12 container cho bên mua. Số lượng kim loại và phụ tùng này có giá trị 23.000 sA,[8] như vậy, chia trung bình cho mỗi container, bên mua đã cung cấp một số lượng nguyên liệu có giá trị chưa tới 2000 sA cho việc sản xuất của một đơn vị hàng hóa. Trong khi đó, để sản xuất một container, bên bán phải sử dụng một lượng kim loại và phụ tùng có giá trị vào khoảng từ 12.000 sAđến 20.000. Do đó, trọng tài đã kết luận số lượng kim loại mà bên mua cung cấp cho bên bán không cấu thành “phần lớn các nguyên liệu”. Kết quả, trọng tài vẫn áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Bên cạnh thực tiễn giải quyết tranh chấp, một trong những nguồn quan trọng khi nghiên cứu giải thích CISG là các ý kiến của Hội đồng tư vấn CISG.[9] Ý kiến số 4[10] của Hội đồng này ghi nhận rằng: “Việc giải thích khái niệm phần lớn phải được thực hiện dựa vào tiêu chí kinh tế. Tiêu chí về tính cơ bản (essential criterion) được áp dụng chỉ khi việc đánh giá dựa trên giá trị kinh tế là không thể hoặc không phù hợp, tùy theo từng trường hợp”.
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến trên về việc áp dụng một cách ưu tiên tiêu chí định lượng giá trị để giải thích ý nghĩa của khái niệm “phần lớn các nguyên liệu”. Việc xác định giá trị kinh tế đối với các loại nguyên liệu trong các hợp đồng mua bán hàng hóa trong phần lớn các trường hợp thường không quá phức tạp, do đó cơ quan tài phán có thể nhanh chóng xác định tỉ lệ chính xác của nguyên liệu (như trong trường hợp giải quyết bởi Tòa trọng tài của Phòng thương mại và công nghiệp Budapest là 10%). Nói cách khác, cơ quan giải quyết tranh chấp trong một vụ việc cụ thể sẽ tính tỉ lệ giữa giá trị của nguyên liệu mà bên đặt hàng/ bên mua cung cấp và giá trị tổng của hàng hóa thành phẩm, từ đó có thể kết luận nguyên liệu mà bên đặt hàng/ bên mua có chiếm “phần lớn các nguyên liệu cần thiết” hay không.
Liên quan đến mức tỉ lệ “phần lớn”,có quan điểm cho rằng ti lệ cần được ấn định minh thị là 50% và nếu giá trị của số nguyên liệu bên đặt hàng/ bên mua cung cấp vượt qua tỷ lệ này thì cấu thành “phần lớn các nguyên liệu cần thiết” theo Điều 3.1 CISG. Tuy nhiên, các quan điểm chiếm đa số lại cho rằng trên thực tế, việc xem xét để ấn định một tỷ lệ phù hợp với vụ việc này có thể sẽ không phù hợp với vụ việc khác vì hoàn cảnh, đối tượng hợp đồng, nguyên liệu được bên đặt hàng/ bên mua cung cấp trong từng trường hợp là không giống nhau.[11] Đồng thời, con số 50% rất dễ đạt được. Vì vậy, việc ấn định 50% để xác định “phần lớn” sẽ có tác động thu hẹp phạm vi áp dụng CISG và như vậy trái với mục đích hình thành Điều 3 Công ước.
Trong bối cảnh kiến nghị về mức tỷ lệ 50% không nhận được đồng thuận, việc xác định tỷ lệ căn cứ vào từng trường hợp tỏ ra phù hợp hơn và các cơ quan tài phán cần xác định tiêu chí định lượng về giá trị kinh tế dựa trên cơ sở đánh giá tổng thể các tình tiết và thông tin có liên quan.
1.2. Tiêu chí về tính cơ bản của nguyên liệu
Bên cạnh việc áp dụng tiêu chí định lượng, trên thực tế các cơ quan tài phán còn áp dụng một phương pháp khác để xác định khả năng áp dụng CISG: công dụng (thiết yếu) của nguyên liệu mà bên đặt hàng/ bên mua cung cấp (hay còn gọi là tiêu chí về tính cơ bản của nguyên liệu).[12] Tiêu chí này được áp dụng trong một số trường hợp khi việc áp dụng tiêu chí định lượng tỏ ra không hiệu quả. (ví dụ: tỉ lệ các phần nguyên liệu cung cấp và phần còn lại trong giá trị hàng hóa thành phẩm gần như bằng nhau hoặc liên quan đến các hợp đồng trong đó người mua phải cung cấp cho người bán các bản vẽ kỹ thuật, bí mật kinh doanh, công thức, code tin học…)
Như đã phân tích ở trên, về cơ bản, know-how và các kiến thức hiểu biết, bí quyết, bí mật sản xuất, kinh doanh…được xem là“nguyên liệu” theo quyđịnh tại Điều 3.1.CISG. Vấn đề cần xem xét tiếp theo là việc cung cấp các nguyên liệu này có cấu thành “phần lớn các nguyên liệu cần thiết” hay không. Bản án của Tòa Chambéry[13] , một trong những cơ quan tài phán đầu tiên áp dụng tiêu chí tính cơ bản của nguyên liệu để giải thích Điều 3.1, cho chúng ta những vấn đề thú vị để nghiên cứu: Bên mua là công ty được thành lập theo pháp luật Ý, chuyên sản xuất và buôn bán các thiết bị điện. Công ty này đã đặt hàng mua của người bán có trụ sở thương mại tại Pháp 40.000 bộ nối vào tháng 7 năm 1989 và 18.000 bộ nối khác vào tháng 2 năm 1990. Theo thỏa thuận các bộ nối này sẽ được sản xuất theo thiết kế và được quản lý bởi quy chuẩn kỹ thuật được cung cấp bởi người mua Ý. Tòa Phúc thẩm Chambéry, sau khi xem xét các tình tiết và lập luận của các bên, đã kết luận rằng hợp đồng trên không phải là hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của CISG vì người đặt hàng đã “cung cấp phần lớn các nguyên liệu cần thiết choviệc chế tạo hay sản xuất hàng hóa đó”theo Điều 3.1 CISG.
Bản án trên của Tòa Phúc thẩm Chambéry bị chỉ trích rất nhiều vì kết luận việc chuyển giao bản thiết kế và chỉ dẫn đã cấu thành việc “cung cấp phần lớn” các nguyên liệu cần thiết mà không đưa ra bất kỳ cơ sở và giải thích thỏa đáng nào. Do đó, về cơ bản, quyết định này có thể tạo ra một tiền lệ có ảnh hưởng tiêu cực đối với mục tiêu áp dụng thống nhất Điều 3.1. Cụ thể, việc suy đoán một cách tự động “chuyển giao các bản vẽ, thiết kế” chính là “cung cấp phần lớn nguyên liệu” dẫn đến hệ quả loại bỏ khỏi phạm vi áp dụng của CISG các hợp đồng trong đó một bên cung cấp các bản chỉ dẫn, hướng dẫn để sản xuất, chế tạo hàng hóa cho bên còn lại, từ đó gây ra tác động thu hẹp đáng kể khả năng áp dụng của CISG đối với các hợp đồng thương mại quốc tế hiện đại.[14]
Quan điểm này cũng đã được tiếp thu và ghi nhận bởi Hội đồng tư vấn của Công ước Viên, tại đoạn 5, Ý kiến số 4: “thuật ngữ : “ nguyên liệu cần thiết để phục vụ cho việc sản xuất” trong quy định của Điều 3.1 không bao gồm bản vẽ, hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ hoặc công thức, trừ khi những chúng làm tăng giá trị các nguyên liệu được cung cấp bởi các bên”. Như vậy, quan điểm chiếm đa số khi giải thích Điều 3 CISG là xem việc chuyển giao các bản vẽ kỹ thuật, bí quyết, bí mật kinh doanh…cấu thànhviệc “cung cấp phần lớn nguyên liệu” chỉ khi “có một tác động trực tiếpđến giá trị các nguyên liệu” hoặc“có vai trò quan trọng hơn các nguyên liệu”.
Như vậy, câu hỏi tiếp theo đặt ra là xác định thế nào là “tác động trực tiếp đến giá trị các nguyên liệu” hoặc“có vai trò quan trọng hơn bản thân các nguyên liệu”? Thực tiễn giải quyết tranh chấp, đặc biệt là thông qua Bản án số 23 U 4446/99 ngày 3 tháng 12 năm 1999 của Tòa Phúc thẩm Vùng München,[15] có thể giúp chúng ta làm rõ vấn đề trên: người mua có trụ sở thương mại tại Ý đặt hàng người bán Đức máy sản xuất cửa sổ theo mẫu chuẩn “System 5S”. Theo hợp đồng, “tất cả các thông số kỹ thuật và bản vẽ cuối cùng của loại cửa sổ nhằm mục đích sản xuất” phải được bên mua gửi trước khi kết thúc tháng 5 năm 1995 và hàng hóa đặt hàng sẽ được bên bán giao vào trước khi kết thúc tháng 2 năm 1996. Tòa án cho rằng các vật liệu mà bên mua đã gửi cho bên bán để sản xuất máy làm cửa sổ, nếu dựa trên giá trị và công dụng của chúng thì không chiếm phần lớn hay cụ thể không đóng vai trò quyết định đối với việc sản xuất hay chế tạo bộ máy nói trên. Các bản vẽ hay chỉ dẫn mà bên mua cung cấp chỉ là mẫu thông dụng đối với loại máy sản xuất cửa sổ nói trên, hoàn toàn không ảnh hướng đến chất lượng của sản phẩm cuối cùng.
Như vậy, theo bản án trên, tiêu chí được sử dụng để xác định việc “cung cấp bản vẽ kỹ thuật” có phải là “cung cấp phần lớn nguyên liệu” hay không đó là xem xét bản chất và vai trò của bản vẽ kỹ thuật. Nếu nó chỉ mang tính chất “thông thường”, không mang tính đặc định cho loại hàng hóa cụ thể sản xuất theo nhu cầu riêng của người mua thì khó có thể xem đó là sự “cung cấp phần lớn nguyên liệu” theo nghĩa của Điều 3.1. Ngoài ra, theo quan điểm chiếm đa số trong giới nghiên cứu CISG, trong trường hợp người mua hoặc người bán cung cấp tài liệu, bản vẽ, kiến thức bao hàm quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ: quyền sở hữu công nghiệp, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, …) thì những “nguyên liệu” này được xem là đã góp phần nâng cao giá trị của hàng hoá, từ đó cấu thành việc “cung cấp phần lớn nguyên liệu”[16] .
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tòaán nàođưa ra giải thích mang tính khái quát và rất ít cơ quan tài phánáp dụng tiêu chí tính cơ bản của nguyên liệu, thậm chínếuáp dụng thìlại không có bất kỳ giải thích nào (như bản án của Tòa phúc thẩm Chambéry năm 1995 đã phân tích ở trên). Như vậy, rõ ràng tiêu chí này tồn tại trên lý thuyết và không được củng cố bằng thực tiễn giải quyết tranh chấp. Từ đó việc các cơ quan tài phán áp dụng không thống nhất tiêu chí này sẽ là một rủi ro về mặt pháp lý đối với các bên tham gia một hợp đồng thương mại quốc tế cụ thể khi không thể chắc chắn liệu một tranh chấp liên quan đến hợp đồng có thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG hay không.
2. Khái niệm “phần lớn nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hóa là cung ứng lao động hay các nghĩa vụ khác”
Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, nội hàm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ngày càng được mở rộng hơn, có thể bao gồm các nghĩa vụ mà chúng ta thường thấy trong hợp đồng dịch vụ, hợp đồng kinh doanh liên quan đến sở hữu trí tuệ như nghĩa vụ nghiên cứu thiết kế, chuyển giao công nghệ, bí mật kinh doanh, lắp ráp, đào tạo nhân lực vận hành…[17] Trên thực tế, tranh chấp về các hợp đồng mà trong đó nghĩa vụ của bên giao hàng là sự kết hợp của chuyển giao hàng hóa và cung cấp công việc và dịch vụ được ghi nhận với số lượng đáng kể. Tuy nhiên, không phải mọi hợp đồng hỗn hợp có liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa và quyền sở hữu đều là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG. Do đó, việc xác định trên thực tế một hợp đồng hỗn hợp cụ thể có nằm trong phạm vi điều chỉnh của CISG hay không đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc xác định luật áp dụng, từ đó có thể ảnh hưởng đến an toàn pháp lý của các bên tham gia quan hệ.
Trong bối cảnh như vậy, quy phạm tại Điều 3.2 CISG cho chúng ta căn cứ để xác định vấn đề này: “Công ước này không áp dụng cho các hợp đồng trong đó phần lớn nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hóa là cung ứng lao động hoặc thực hiện các dịch vụ khác”. Tương tự với trường hợp tại Điều 3.1, thuật ngữ “phần lớn”trong Điều 3.2 có nội hàm rất rộng và hoàn toàn có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau bởi các cơ quan tài phán trên thế giới. Nhìn chung, theo các học giả và thực tiễn giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán, hai tiêu chí sau đây có thể được vận dụng: (1) tiêu chí định lượng và (2) tiêu chí về bản chất của hợp đồng.
2.1. Tiêu chí định lượng
Cũng tương tự Điều 3.1, để xác định thuật ngữ “phần lớn” được sử dụng tại Điều 3.2 CISG, các yếu tố liên quan mà các thẩm phán và trọng tài thương mại sử dụng để tiến hành định lượng có thể bao gồm: giá trị tiền tệ và toàn bộ nội dung của hợp đồng, cấu trúc về giá cả ghi nhận trong hợp đồng và tầm quan trọng của các nghĩa vụ khác nhau được ghi nhận bởi các bên. Trong trường hợp một tỷ lệ phần trăm được sử dụng để định lượng, một tỷ lệ bằng hoặc nhỏ hơn 50% sẽ không được xem xét để loại bỏ hợp đồng hỗn hợp ra khỏi phạm vi áp dụng của CISG. Thậm chí một tỷ lệ chỉ lớn hơn không đáng kể con số 50% cũng không thể là một yếu tố quyết định loại trừ khả năng áp dụng của CISG[18] . Tiêu chí định lượng quy về giá trị kinh tế của các nghĩa vụ hàng hóa – dịch vụ nói trên được công nhận bởi đa số nhà nghiên cứu và được các cơ quan tài phán ưu tiên áp dụng khi giải quyết tranh chấp liên quan đến Điều 3.2 đối với những hợp đồng có sự kết hợp giữa mua bán hàng hóa và cung ứng công việc, dịch vụ.[19] Điển hình, Tòa phúc thẩm Ghent, trong quyết định vào ngày 14 tháng 11 năm 2008[20] đã áp dụng phương pháp định lượng để giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán buồng đông lạnh giữa bên mua Bỉ và bên bán Đức. Cụ thể, Tòa đã nhận định rằng giá trị của nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hóa liên quan đến dịch vụ không chiếm phần lớn giá trị của toàn bộ hợp đồng (12,570 Euro so với 52,000 Euro chỉ bằng khoảng 24%). Do đó, việc áp dụng CISG để điều chỉnh hợp đồng này không thể bị loại trừ theo Điều 3.2.
Bên cạnh đó, Ý kiến số 4[21] của Hội đồng tư vấn CISGcũng làm rõvai tròcủa tiêu chínày khi ghi nhận rằng: “…Việc giải thích trong phần lớn trường hợp phải được thực hiện dựa vào tiêu chí kinh tế” tuy nhiên cũng kèm theo: “Tiêu chí về bản chất hợp đồng chỉ được áp dụng khi việc đánh giá dựa trên giá trị kinh tế là không thể hoặc không phù hợp, tùy theo từng trường hợp”. Như vậy, cũng tương tự với kết quả nghiên cứu tại Điều 3.1 nêu trên, tiêu chí kinh tế không phải là đáp số cho bài toán giải thích Điều 3.2 trong mọi trường hợp. Điều đó có nghĩa là trong một số trường hợp đặc biệt,người ta có thể phải áp dụng một tiêu chí khác, với tên gọi là tiêu chí bản chất của hợp đồng.
2.2. Tiêu chí bản chất của hợp đồng
Trong thực tiễn, các cơ quan giải quyết tranh chấp có thể giải thích “phần lớn” nghĩa vụ của bên giao hàng thông qua việc phân tích “mục đích” hay “ý định” của các bên. Về nguyên tắc, một hợp đồng mua bán hàng hóa phải thể hiện tính song vụ “đổi tiền trao vật” và chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, nếu cơ quan tài phán nhận thấy các bên khi giao kết hợp đồng mà nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa không phải là nghĩa vụ chủ yếu của bên giao hàng thì việc áp dụng CISG sẽ bị loại trừ bởi Điều 3.2. Quan điểm này đã được chứng thực trong thực tiễn giải quyết tranh chấp:[22] Bên mua có trụ sở thương mại tại Đức giao kết hợp đồng mua xy lanh sản xuất in khăn giấy với người bán Thụy Điển. Giá trị tổng cộng của toàn bộ hợp đồng là 2,450,000DEM.[23] Số tiền này bao gồm các chi phí vận chuyển, bốc xếp, lắp đặt và bảo hiểm cho đến khi kết thúc cài đặt, phá hủy đồng thời quản lý chất thải của xy lanh cũ và tất cả các công việc phụ theo các thỏa thuận bổ sung.
Tòa án nhận định cần phải xem xét nghĩa vụ trong việc phân phối xi lanh (hàng hóa) hay trong các dịch vụ đi kèm với việc cung cấp (cài đặt) có chiếm một phần lớn các nghĩa vụ của hợp đồng hay không. Vì không thể xác định giá trị của nghĩa vụ của người bán theo hợp đồng, các tài liệu hợp đồng và hoàn cảnh dẫn tới sự hình thành của hợp đồng phải được đưa vào để thực hiện xác định. Theo thỏa thuận trong hợp đồng và các tình tiết liên quan, “phần lớn” nghĩa vụ của hợp đồng là bán và phân phối các xilanhvàcác dịch vụ khác của người bán chiếm vai tròthấp hơn. Tòaáncho rằng trước khi hàng hóa được sản xuất cómột số lượng công việc như tư vấn, thiết kế đã được thực hiện theo yêu cầu của người mua. Tuy nhiên, những nỗ lực kỹ thuật đóng góp vào việc sản xuất và phân phối của hàng hóa không thay đổi một thực tế rằng trọng tâm của hợp đồng là xy lanh. Do đó các nghĩa vụ khác của người bán chỉchiếm phần nhỏ hơn so với việc sản xuất và chuyển giao hàng hóa. Như vậy, CISG được áp dụng.
Theo bản án, do gặp khó khăn trong việc xác định giá trị kinh tế của phần nghĩa vụ tương tự dịch vụ trong hợp đồng giữa các bên, Tòa sơ thẩm Mainz đã áp dụng phương pháp phân tích bản chất của hợp đồng.Như vậy, Tòa sơ thẩm Mainz trên thực tế đã góp phần vào việc giải thích Điều 3.2 CISG bằng cách khái quát điều kiện áp dụng tiêu chí bản chất của hợp đồng thành mộtnguyên tắc: Vì lý do không thể xác định giá trị của nghĩa vụ của người bán theo hợp đồng nên tòa án cần phải đi vào phân tích mục tiêu ký kết hợp đồng. Nguyên tắc này cũng được củng cố bởi Ý kiến số 4 của Hội đồng tư vấn CISG: “Việc giải thích phần lớn các nghĩa vụ quy định trong Điều 3.2 phải được thực hiện dựa trên tiêu chí kinh tế. Tiêu chí về bản chất hợp đồng chỉ được áp dụng khi việc đánh giá dựa trên giá trị kinh tế là không thể hoặc không phù hợp, tùy theo từng trường hợp”.
Đối với vụ việc cụ thể trên, chúng tôi chỉ đồng ý với quan điểm của Tòa trong trường hợp một số dịch vụ của bên bán cung cấp là đặc biệt, căn cứ vào nhu cầu của bên mua và trên thị trường không có dịch vụ tương tự để so sánh giá trị. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động thương mại quốc tế, các công ty cung cấp dịch vụ thường ấn định minh thị giá thành của từng dịch vụ do mình cung cấp. Do đó, lập luận của Tòa Sơ thẩm Mainz về việc không xác định được giá trị của phần dịch vụ trong tổng thể giá trị hợp đồng có phần không hợp lý.
Ngoài bản án trên, tiêu chí bản chất của hợp đồng còn được áp dụng bởi Tòa Thương mại Zurich. Tranh chấp được giải quyết liên quan đến một loại hợp đồng đặc biệt và rất phổ biến trong thực tiễn thương mại quốc tế hiện đại: hợp đồng “chìa khóa trao tay” (turnkey contract)[24] . Trong vụ này,[25] người bán Thụy Sĩ giao kết hợp đồng với người mua Đức, hàng hóa là nhà máy sản xuất. Tòa nhận định rằng CISG sẽ không được áp dụng đối với các hợp đồng mà nghĩa vụ của bên giao hàng chủ yếu là thực hiện một công việc hay dịch vụ khác.Trong vụ việc này, hợp đồng liên quan đến chuyển giao một nhà máy có quy mô vô cùng lớn. Rất nhiều các bộ phận cấu thành nên nhà máy cần được chuyển giao và sau đó kết hợp lại thành một khối duy nhất. Do đó, các công việc như lắp ráp, giám sát lắp đặt hay đưa vào vận hành đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong một dự án như vậy. Theo đó, lắp ráp, lắp đặt, hướng dẫn và các công việc tương tự chiếm một phần đáng kể của việc thực hiện hợp đồng. Tòa án nhận định rằng CISG không áp dụng cho hợp đồng chìa khóa trao tay, một dạng hợp đồng không liên hệ nhiều với việc trao đổi hàng hóa với thanh toán, nhưng thay vào đó cho một mạng lưới các nhiệm vụ xen kẽ lẫn nhau với mục đíchhợp tác và hỗ trợ bên còn lại của hợp đồng. Kết luận, pháp luật Thụy Sĩ được áp dụng cho hợp đồng.
Trong bản án trên, cơ quan tài phán đã đi thẳng vào áp dụng việc phân tích mục đích của hợp đồng mà không đưa ra căn cứ cho việc làm này, trong khi theo nguyên tắc được thừa nhận chung, tiêu chí định lượng phải được ưu tiên áp dụng. Do đó, mặc dù đã đưa ra được tiêu chí để xác định bản chất của hợp đồng: “không liên hệ nhiều với việc trao đổi hàng hóa và thanh toán, nhưng thay vào đó cho một mạng lưới các nhiệm vụ xen kẽ nhau với mục đích hợp tác và hỗ trợ bên còn lại của hợp đồng” nhưng giải pháp cũng chưa thực sự thuyết phục.Trên thực tế, hợp đồng tổng thầu “chìa khóa trao tay” là loại hợp đồng bao gồm nhiều nghĩa vụ mang tính dịch vụ mà người bán phải thiết kế, lắp ráp, lắp đặt… Nhiều chuyên gia cho rằng dịch vụ trong hợp đồng tổng thầu “chìa khóa trao tay” luôn chiếm phần lớn, do đó hợp đồng nàyđương nhiên bị loại trừ khỏi phạm vi áp dụngCISG[26] . Tuy nhiên, ở phía đối lập, việc xem xét áp dụng Điều 3.2 CISG phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Do đó, cơ quan tài phán cần phải xem xét liệu một hợp đồng tổng thầu “chìa khóatrao tay” cụ thể có đáp ứng tiêu chí của Điều 3.2 hay không. Chúng tôi đồng ý với quan điểm chiếm đa số này. Nó cũng phù hợp với mục tiêu và tinh thần mở rộng phạm vi áp dụng CISG đối với các hợp đồng hỗn hợp theocác văn bản, tài liệu trùbị(travaux préparatoires). Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, Tòa Kantonsgericht Zugcủa Thụy Sĩ đãkhẳngđịnh trong một bản án vào ngày 14 tháng 12 năm 2009,một hợp đồng “chìa khóa trao tay” thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG trong trường hợp giá trị kinh tế của phần mua bán hàng hóa lớn hơn phần dịch vụ khác.[27] Đáng tiếc là hiện nay mới chỉ có bản án của tòa Thụy Sĩ (được báo cáo và cập nhật tại các trang nghiên cứu CISG uy tín) đề cập loại hợp đồng đặc biệt này nên chưa thể kiểm tra và kết luận về xu hướng áp dụng nguyên tắc này.
3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện
Từ các phân tích trên, chúng tôi nhận thấy:
1/ Đối với các cơ quan tài phán Việt Nam, đặc biệt làTòaán cóthẩm quyền vàáp dụng CISG theo Điều 1.1(a), để xác định một hợp đồng theo đó bên đặt hàng có cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết để sản xuất chế tạo ra hàng hóa hay không, tiêu chí định lượng phải được ưu tiên áp dụng.Tiêu chí “tính cơ bản của nguyên liệu” hoặc “bản chất của hợp đồng” chỉ được áp dụng với tính chất bổ sung khi hoàn toàn không thể xác định được giá trị kinh tế của nguyên liệu (hoặc giá trị của phần các dịch vụ) xét theo mọi tình tiết, hoàn cảnh của vụ việc. Việc giải thích theo xu hướng chiếm đa sốvà hợp lý trong việc giải thích Điều 3 CISG là một đóng góp của cơ quan tài phán Việt Nam trong nỗ lực nhằm áp dụng thống nhất CISG. Ngoài ra, với tinh thần và mục tiêu xây dựng Điều 3 CISG như đã phân tích ở trên, tòa án Việt Nam nên tham khảo thêm kinh nghiệm của các cơ quan tài phán nước ngoài trong việc lập luận giải thích Điều 3 để đạt được mục tiêu mở rộng phạm vi áp dụng của CISG đến các loại hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hiện đại, từ đó đưa ra những quyết định mang tính thuyết phục, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong giao dịch thương mại quốc tế.
2/ Đối với các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mang tính hỗn hợp, để đảm bảo sự an toàn pháp lý cho chính mình, theo chúng tôi họ nên thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng về giá trị của từng nghĩa vụ cụ thể. Như vậy sẽ đảm bảo được nghĩa vụ chứng minh khi có tranh chấp xảy ra và cũng giúp tòa án xác định được phạm vi áp dụng CISG một cách chính xác dựa trên tiêu chí định lượng – giá trị kinh tế của nguyên liệu hay của các phần nghĩa vụ mang tính chất dịch vụ. Ngoài ra, bởi lẽ CISG có tính chất tùy nghi và được xây dựng trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên, nếu các bên mong muốn CISG được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng mang tính hỗn hợp của mình, tránh trường hợp rủi ro do việc diễn giải Điều 3, thì phải thỏa thuận chọn CISG làm luật áp dụng. Thỏa thuận chọn luật áp dụng có thể được thực hiện theo căn cứ tại Điều 1.1(b) của CISG và trên cơ sở thỏa thuận đó, các bên được xem là đã vận dụng quyền “làm khác hoặc thay đổi hiệu lực áp dụng của bất kỳ điều khoản nào của Công ước” theo Điều 6 CISG.
CHÚ THÍCH
[1] Sau đây gọi là CISG.
[2] Xem Phillipe Kahn, “La Convention de Vienne de 1980 sur les contrats de vente internationale de marchandises”, Tạp chíLuật So sánh, 1981.
[3] Bản dịch Công ước Vienna 1980 của Bộ Công thương.
[4] Trong quá trình soạn thảo Công ước, đại diện của Vương quốc Anh đã đưa ra kiến nghị liên quan tới việc chuyển giao bí quyết, bí mật kinh doanh rằng Công ước không nên điều chỉnh các hợp đồng mà bên đặt hàng phải cung cấp những kiến thức và hiểu biết chuyên môn để phục vụ cho việc sản xuất và chế tạo hàng hóa. Phần lớn đại diện các quốc gia khác chống lại kiến nghị này. Các quan điểm đối lập cho rằng nếu kiến nghị của Vương quốc Anhđược thông qua, CISG sẽ tự loại khỏi phạm vi áp dụng của mình những loại hợp đồng có sự chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật như chỉ dẫn để chế tạo chất hóa học, hay hướng dẫn kỹ thuật để chế tạo máy móc. Hệ quảlàsẽ có rất ít giao dịch được điều chỉnh bởi Công ước trên phạm vi toàn cầu. Kiến nghị (A/CONF.97/ C.1/L.26) củaVương quốc Anh sau đó đãđược thu hồi do không nhận được đồng tình từ các phái đoàn khác.
[5] .http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/ho3.html tham khảo ngày 10 tháng 12 năm 2015.
[6] Trong quá trình đàm phán soạn thảo Điều 3, đại diện Nauy đề xuất làm rõ quy định về khái niệm “cung cấp phần lớn của các nguyên liệu”màngười mua cung cấp cho người bán bằng cách chỉ rõ rằng nguyên liệu mà người đặt hàng hay người mua cung cấp phải lớn hơn 50% tổng nguyên liệu xét về mặt giá trị. Tuy nhiên, kiến nghị này không nhận được sự ủng hộ của các đại diện quốc gia tham gia soạn thảoCôngước
[7] Quyết định số VB/94131 của Tòa trọng tài Phòng thương mại và công nghiệp Budapest, có thể truy cập tại website: http://www.unilex.info/case.cfm?pid=1&do=case&id=181&step=FullText.
[8] Đơn vị tiền tệ của Hungary.
[9] Hội đồng tư vấn CISG là một tổ chức tư nhân được thành lập bởi Trường Đại học Pace và Trung tâm nghiên cứu về Luật thương mại Queen Mary ở London. Mục đích của Tổ chức này là nâng cao việc giải thích và áp dụng thống nhất CISG bằng cách đưa ra các kiến nghị dựa trên ý kiến của họ hoặc dựa trên yêu cầu của các thiết chế quốc tế, các tổ chức chuyên nghiệp hay của các cơ quan tài phán.
[10] Ý kiến số 4 của Ủy tư vấn của CISG, có thể truy cập tại : http://cisg.fr/avis.html?lang=fr, tham khảo ngày 5/2/2016.
[11] Xem phần Bình luận số 2 của Ý kiến số 4 của Ủy tư vấn của CISG, có thể truy cập tại: http://cisgw3.law.pace.edu/cisg/CISG-AC-op4.html, tham khảo ngày 12/2/2016.
[12] Trong bản tiếng Pháp của CISG, người ta sử dụng thuật ngữ “essentielle”, tạm dịch là “tính cơ bản” của nguyên liệu. Trong bản tiếng Anh, thuật ngữ được sử dụng là “substantial part”, với hàm ý tiêu chí định lượng theo giá trị kinh tế (economic value)phải được ưu tiên sử dụng. Tính cơ bản của nguyên liệu (essential criterion)chỉ được áp dụng mang tính chất bổ sung, khi tiêu chí định lượng không phù hợp.
[13] Bản án số 93-648 ngày 25/ 5/ 1995 của Tòa Phúc thẩm Chambéry. Có thể truy cập tại website: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/930525f1.htmltham khảo ngày 8/3/2016.
[14] Đồng tình với quan điểm này, Peter Schlechtriem cho rằng một hợp đồng mua bán trong đó có nghĩa vụ cung cấp bản vẽ công nghiệp để người bán chế tạo hay sản xuất vẫn sẽ được điều chỉnh bởi CISG trừ khi người mua chuyển cho người bán phần lớn các nguyên liệu cần thiết hoặc việc chuyển giao bí quyết, bí mật kinh doanhhay sự quản lý còn quan trọng hơn các nguyên liệu. Xem : http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/schlechtriem3.html#ps24, tham khảo ngày 9/ 3/2016.
[15] Quyết định số 23 U 4446/99 của Tòa Phúc thẩm München, xem http://cisgw3.law.pace.edu/cases/991203g1.html.
[16] Xem Thomas Bevilacqua,“L’article 3 de la Convention de Vienne et les contrats complexes dans le domaine de l’informatique : une lecture dela jurisprudence pertinente”, Tạp chí pháp lý McGill (McGill law journal), tr. 567 và tham khảo vụ việc số 8855 của Tòa trọng tài ICC.
[17] Trong nhận xét của mình về hợp đồng mua bán hàng hóa được làm theo yêu cầu và dịch vụ, GS. Franco Ferrari nhận xét mặc dù hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được định nghĩa như “hợp đồng thương mại hoàn hảo”, “các trụcột củatoàn bộ hệ thống các mối quan hệ thương mại” đang được đặtdưới một thay đổi lớn. Thay đổi này liên quan trực tiếp đến thực tiễn các hợp đồng mua bán hàng hóa hiện đại không chỉ là hợp đồng mua bán đối với các hàng hóa có sẵn (ready-made-goods) mà còn đối với các hàng hóa được làm dựa trên yêu cầu và tương tự đối với việc thầu và dịch vụ sản xuất. Như vậy sẽ hợp lý khi nói rằng hợp đồng mua bán hàng hóa ngày càng gần với dịch vụ sản xuất.
[18] Xem Bình luận về Ý kiến số 4 của Hội đồng tư vấn về CISG.
[19] Theo Ý kiến số 4 của Hội đồng tứ vấn của CISG, tiếu chí định lượng dựa vào giá trị kinh tế để xác định nghĩa vụ “chủ yếu” của bên giao hàng phải được ưu tiên áp dụng.
[20] Bản án số 2008/AaR/912 ngày 14/ 11/ 2008 Tòa phúc thẩm Ghent, có thể truy cập tại website: http://cisgw3.law.pace.edu/cases/081114b1.html.
[21] Truy cập tại: cisg.fr.
[22] Bản án số 12 HKO 70/97 ngày 26/11/1998 Tòa sơ thẩm Mainz.
[23] Đồng Mark – Đức.
[24] Hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay được hiểu là loại hợp đồng mà chủ đầu tư ký với một nhà tổng thầu thực hiện từ A đến Z tức là tổng thầu thực hiện từ khâu lập dự án, khảo sát, thiết kế, mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình, thi công xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành. Sau khi hoàn thành các công việc trên chủ đầu tư tiếp nhận dự án và đưa dự án vào khai thác sử dụng. Loại hợp đồng này thường được các nhà tổng thầu từ các nước phát triển có trình độ khoa học công nghệ cao thực hiện thông qua hợp đồng với các chủ đầu tư thuộc các nước phát triển.
[25] Bản án số HG 000120/U/zs ngày 9 tháng 7 năm 2002 của Tòa thương mại Zurich.
[26] Xem “A Commentary on Issues Arising under Articles 1 to 6 of the CISG” của David Fairlie truy cập tại : http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/fairlie.htmltham khảo ngày 4/4/ 2016.
[27] Có thể truy cập tại http://globalsaleslaw.com/content/api/cisg/urteile/2026.pdf.
- Tác giả: ThS. Lê Tấn Phát – ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(100)/2016 – 2016, Trang 56-64
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý