Mục lục
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Khái niệm, các mô hình và kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp
TÓM TẮT
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) được thực hiện rộng rãi ở các nước, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển từ những thập niên cuối của thế kỷ XX. Nội hàm của phạm trù CSR bao gồm không chỉ trách nhiệm pháp lý mà cả trách nhiệm về đạo đức của doanh nghiệp trong việc tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ được cộng đồng ủng hộ, uy tín được nâng cao và cuối cùng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, thông thường, đạt được cao hơn.
Xem thêm:
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vấn đề bảo đảm an ninh môi trường ở Việt Nam – ThS. Nguyễn Tuấn Vũ
- Cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo pháp luật Liên Bang Nga – TS. Morozov Pavel
- Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015 – ThS. Lê Nhật Bảo
TỪ KHÓA: Doanh nghiệp xã hội,
1. Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trong xã hội hiện đại, cùng với việc đề cao giá trị nhân văn, các doanh nghiệp không thể tổ chức sản xuất kinh doanh chỉ đơn thuần vì lợi ích của mình mà phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội được thể hiện trong khái niệm “trách nhiệm xã hội” (TNXH) của doanh nghiệp (CSR). Khái niệm này được sử dụng rất phổ biến ở các nước trên thế giới, nhất là trong hai thập niên gần đây.[1]
Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) có lịch sử ra đời và kinh nghiệm áp dụng nhiều năm ở các nước phát triển. Trong báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan năm 2002 “Về việc xây dựng các nguyên tắc chủ đạo liên quan đến vai trò và trách nhiệm xã hội của thành phần tư nhân” đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của các quy tắc về CSR đối với sự thành công của doanh nghiệp.[2]
Trước tiên, “doanh nghiệp” được hiểu trong khái niệm nêu trên là một chủ thể kinh doanh hoặc nhóm các chủ thể kinh doanh trong một vùng, lĩnh vực, quốc gia (cộng đồng doanh nghiệp). Doanh nghiệp là bộ phận của xã hội, không thể tách rời khỏi xã hội, có trách nhiệm với xã hội như bất kỳ thành viên nào khác.
Trách nhiệm xã hội có thể được hiểu theo 2 nghĩa khác nhau. Theo nghĩa hẹp, đó là mục tiêu chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp – thu lợi nhuận và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.[3] TNXH cũng bao gồm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà nước, đối với người lao động, chẳng hạn, trách nhiệm nộp thuế, trả lương đầy đủ và xứng đáng với công sức của người lao động và hiệu quả của doanh nghiệp, đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động, thực hiện đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật. Theo nghĩa rộng,ngoài những trách nhiệm đã nêu trên, TNXH còn bao gồm cả những hoạt động không mang tính bắt buộc đối với doanh nghiệp và việc thực hiện những hoạt động đó không nhằm mục đích lợi nhuận, chẳng hạn tạo những điều kiện lao động thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật cho người lao động, đóng những khoản tiền bảo hiểm khác ngoài các quy định bắt buộc của pháp luật, có chính sách hỗ trợ vật chất cho thân nhân của người lao động, thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường ngoài các yêu cầu do pháp luật quy định, tham gia vào việc thực hiện các chương trình xã hội do địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động tổ chức nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư ở địa phương đó…
Theo tác giả, chỉ có cách hiểu ở nghĩa rộng mới thực sự bao trùm toàn bộ nội hàm khái niệm TNXH, bởi lẽ tất cả những hoạt động ở cấp độ (nghĩa) hẹp đều thuộc trách nhiệm mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện, nếu không thực hiện nó doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài do nhà nước quy định.[4] Nói cách khác, đó là trách nhiệm mang tính bắt buộc, trong khi đó TNXH đúng nghĩa phải được hiểu kể cả những hoạt động mang tính tự nguyện của doanh nghiệp, ngoài quy định bắt buộc của pháp luật,[5] là trách nhiệm về mặt đạo đức của doanh nghiệp.[6]
Từ cách hiểu trên, một số nhà nghiên cứu còn khẳng định rằng TNXH là sự phù hợp giữa hành động (hoạt động) của doanh nghiệp và những mong đợi của xã hội trong lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đạo đức, môi trường: thể hiện trong việc các doanh nghiệp hiện thực hóa các chính sách xã hội nhằm cân bằng lợi ích của họ và của toàn xã hội.[7] Điều đó có nghĩa: cơ sở của CSR là triết lý, theo đó về việc thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh phải phù hợp với những nguyên tắc về đạo đức và tư tưởng về công bằng xã hội; còn trách nhiệm đó được thể hiện thông qua các hành động cụ thể có ý nghĩa quan trọng cho xã hội. Từ đó, tính chất “xã hội” trong trách nhiệm của doanh nghiệp không những chỉ thể hiện trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn trong việc thực hiện đạo đức đối với xã hội.
Như vậy, TNXH là hệ thống các quan hệ của các doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, đó là trách nhiệm của người sử dụng lao động, của đối tác, của công dân, của thành viên cộng đồng xã hội; nhằm tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trong các hoạt động xã hội, hỗ trợ tích cực đối với cộng đồng.
Từ cách hiểu trên, cho thấy có 3 hướng chính trong hoạt động nhằm thực hiện TNXH của doanh nghiệp. Đó là: bảo hộ lao động, tạo những điều kiện lao động thuận lợi cho người lao động; bảo vệ môi trường và tham gia vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Cụ thể như sau:
– Trong mối quan hệ với người lao động, doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện các hoạt động theo cơ chế 2 bên, chẳng hạn: tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động để tiến tới việc ký kết các thỏa thuận; tổ chức tham vấn về những vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động, đến lợi ích của người lao động; thành lập các tổ chức để giải quyết vấn đề về bảo hộ lao động, đảm bảo việc làm,…
– Để thực hiện việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp, chính quyền địa phương để thực hiện trách nhiệm đó bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cần lưu ý rằng, ngay từ khi mới thành lập, trong Lời nói đầu của Điều lệ 1919, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nêu những vấn đề liên quan đến đạo đức của doanh nghiệp và ý nghĩa của công bằng xã hội đối với sự phát triển bền vững của thế giới.[8] Và tinh thần đó vẫn được giữ nguyên trong Tuyên bố Philadelphia 1944 của ILO như nền tảng ý thức trong hoạt động của tổ chức này.[9]
Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng, nếu các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động được hiểu là TNXH vì mong muốn đạt được lợi nhuận cao hơn trong tương lai do tạo được uy tín trong xã hội thì đó không còn là trách nhiệm mang tính “xã hội” đúng nghĩa, mà đó là khoản đầu tư lâu dài, hướng đến lợi ích của doanh nghiệp.[10] Thiết nghĩ, quan điểm đó thực sự không khách quan, và xét đến cùng là không thực sự hợp lý, bởi lẽ trong TNXH, có những trách nhiệm không mang tính bắt buộc, được các doanh nghiệp thực hiện một cách tự nguyện, mang đến lợi ích cho xã hội, để xã hội phát triển bền vững. Còn doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH, được xã hội ghi nhận và tôn vinh, từ đó có thể dẫn đến việc kinh doanh của họ đạt hiệu quả cao hơn, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng của họ. Chính vì vậy, sẽ thực sự công bằng nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã thực hiện tốt TNXH của mình. Hiệu ứng ngược lại của xã hội, sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp trong những trường hợp này hoàn toàn không làm mất đi giá trị đạo đức của doanh nghiệp đối với những việc làm tự nguyện của họ trước đó.
Tóm lại, TNXH dần trở thành triết lý mới của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp được thành lập, hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn góp sức vào việc nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường để quốc gia, địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động phát triển bền vững.
2. Mô hình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và kinh nghiệm tại một số nước
Trên thế giới tồn tại nhiều mô hình khác nhau về CSR, mỗi mô hình là sự thể hiện đặc điểm của nền kinh tế ở mỗi quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho rằng có 5 mô hình như sau:[11]
(i) Mô hình châu Âu, được hình thành và phát triển rộng rãi tại các nước thuộc Liên minh châu Âu – EU. Đặc điểm của mô hình này là TNXH không được xem là trách nhiệm tự nguyện của các doanh nghiệp, mà có sự can thiệp sâu từ nhà nước, TNXH được quy định mang tính bắt buộc bởi pháp luật quốc gia, thông qua các quy định, các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp phải đáp ứng. Chính vì vậy, ở EU, những vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, lương hưu và hàng loạt các vấn đề xã hội quan trọng khác được quy định chi tiết hơn nhiều so với ở Mỹ. Cũng vì cách thức quy định như vậy mà mô hình CSR ở EU được xem là mô hình “đóng”. Tuy nhiện, ngoài những trách nhiệm mang tính bắt buộc do nhà nước quy định, ở EU, nhiều doanh nghiệp cũng tự nguyện thực hiện các hoạt động xã hội khác mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội[12] .
(ii) Mô hình Mỹ, được phổ biến ở Mỹ, các nước châu Mỹ La tinh và các nước châu Phi sử dụng tiếng Anh. Điểm mấu chốt trong mô hình này là sự đề cao yếu tố con người, định hướng cho sự phát triển năng lực của con người (trong doanh nghiệp và cả xã hội). Từ định hướng chủ đạo đó, các hoạt động trong TNXH của doanh nghiệp nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho người lao động, để họ có thể yên tâm làm việc đạt hiệu quả cao nhất, nhận thức được mối liên hệ chặt chẽ giữa kỷ luật lao động và năng suất lao động, giữa chất lượng lao động của họ với lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập, từ đó tạo sự hứng thú, quan tâm đối với hoạt động của doanh nghiệp nơi mình làm việc. Ngoài ra, nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH, chẳng hạn: ưu đãi trong việc nộp thuế lợi tức, chi phí cho việc thực hiện TNXH được xem xét khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp,… Cho nên thực ra, đầu tư cho phát triển xã hội do doanh nghiệp thực hiện, chính là khoản đầu tư của nhà nước. Mô hình này được đánh giá là có hiệu quả ở Mỹ trong thời gian dài gần đây.
Mô hình CSR của Mỹ được xem là mô hình “mở”, có nghĩa là vấn đề về CSR được thực hiện tự nguyện, do doanh nghiệp tự quyết định thực hiện xuất phát từ nhận thức về trách nhiệm của mình đối với các vấn đề xã hội cần giải quyết và chiến lược kinh doanh của họ.
(iii) Mô hình Anh quốc – là sự kết hợp giữa mô hình Mỹ và châu Âu. Mô hình này có những nét đặc trưng là nhà nước tham gia tích cực vào việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua việc trong bộ máy nhà nước có chức danh Bộ trưởng về CSR,[13] việc nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về chế độ ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội, đặc biệt là trong việc tiết kiệm năng lượng, tái chế rác thải công nghiệp,…; công bố thường xuyên chỉ số TNXH của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.[14] Bên cạnh đó, nguyên tắc tự nguyện trong việc thực hiện TNXH được tôn trọng.
(iv) Mô hình Canada: Ở quốc gia này, nhiều doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với Viện Chất lượng quốc gia Canada – Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn CSR ở Canada như một mô hình hoàn thiện môi trường làm việc chất lượng và lành mạnh.[15] Mô hình nhằm mục tiêu: (i) tạo ra sự đồng thuận cao của người lao động về việc doanh nghiệp thực hiện các TNXH; (ii) hiện thực hóa các nguyên tắc của TNXH, xem môi trường làm việc là hình ảnh của doanh nghiệp; (iii) tạo lập và nhân đôi giá trị của doanh nghiệp; (iv) đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe của người lao động, xem đó là thước đo giá trị của doanh nghiệp.
(v) Mô hình Nhật Bản: Nhật Bản không áp dụng các tiêu chuẩn châu Âu trong việc thực hiện TNXH, mà thực hiện mô hình riêng với những đặc điểm sau: (i) bảo đảm bình đẳng giới ở mức độ cao; (ii) khuyến khích phát triển sự tự nguyện của các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động mang lợi ích cho cộng đồng, để mọi người xem đó là trách nhiệm của công dân; (iii) quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường; (iv) bảo đảm cho cơ chế đối tác thân thiện phát huy hiệu quả cao nhất.
Nhìn chung, trong những thập niên gần đây, bằng mọi biện pháp, các quốc gia dần tạo ra nhận thức của bản thân doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, tôn trọng quyền con người, giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng khác. Mặc dù có nhiều phương thức khác nhau để xây dựng một hệ thống CSR ở mỗi quốc gia, nhưng điểm chung nhất là mục tiêu của các hoạt động này – đó là đảm bảo cho xã hội được phát triển bền vững.
3. Tiêu chuẩn hóa trách nhiệm xã hội ở một số nước trên thế giới
Thông qua thực tiễn là CSR được áp dụng rộng rãi, hàng loạt tiêu chuẩn được xây dựng, ban hành và áp dụng khá phổ biến ở một số nước, có thể liệt kê một số Bộ tiêu chuẩn như sau:
– Bộ Tiêu chuẩn ISO 26000 – 2010 (phiên bản cuối cùng cho đến thời điểm hiện nay): Tiêu chuẩn quốc tế về Trách nhiệm xã hội
được ban hành, với mục tiêu thực hiện CSR đúng yêu cầu, theo mong đợi của các tổ chức hoạt động trong mọi loại hình, lĩnh vực và giúp họ đạt được những lợi ích kinh kế lâu dài với chi phí xã hội tối thiểu đồng thời giảm thiểu tác động không có lợi tới môi trường.
– Bộ tiêu chuẩn SA 8000 (Social Accountability 8000) được Hội đồng Công nhận quyền ưu tiên kinh tế thuộc Hội đồng Ưu tiên kinh tế CEPAA (Council on Economic Priorities Accreditation Agency) – nay được gọi là SAI (Social Accountability International)[16] xây dựng, dựa trên 12 Công ước của Tổ chức lao động quốc tế ILO (International Labor Organization), Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Tuyên bố toàn cầu về nhân quyền..
Lần đầu tiên, SA 8000 được ban hành năm 1997, đưa ra các yêu cầu về quản trị trách nhiệm xã hội nhằm cải thiện điều kiện làm việc trên toàn cầu. SA 8000 khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và các tổ chức khác xây dựng, duy trì và áp dụng việc thực hành CSR tại nơi làm việc mà xã hội có thể chấp nhận.[17] Hiện tại, đã có phiên bản SA 8000:2014.
Bên cạnh đó, còn có các bộ tiêu chuẩn về CSR, mặc dù không phải là tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn:
– Bộ tiêu chuẩn AA 1000:1999 “Trách nhiệm”[18] : Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng bởi Viện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đạo đức của Anh quốc. Theo tiêu chuẩn này, kết quả hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá từ góc độ đạo đức, bao gồm những tiêu chí khác nhau.
– Bộ tiêu chuẩn OHSAS 18001:1999[19] : “Hệ thống đánh giá an toàn nghề nghiệp và sức khỏe” được các tổ chức về chất lượng của Tây Ban Nha, Na Uy, Nam Phi,… xây dựng. Tiêu chuẩn này đưa ra các quy định để đạt được sự an toàn trong sản xuất công nghiệp và sức khỏe đối với từng doanh nghiệp.
– Bộ tiêu chuẩn OHSAS 18002:2000 “Hệ thống quản lý trong lĩnh vực bảo hộ lao động và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp. Hướng dẫn thực hiện OHSAS 18001” bao gồm các quy định giải thích cho việc xây dựng và áp dụng Bộ tiêu chuẩn OHSAS 19001:1999.
4. Trách nhiệm xã hội ở Việt Nam
Ở nước ta, nhằm hướng dẫn về khái niệm, thuật ngữ, định nghĩa liên quan đến TNXH, nền tảng, xu hướng, đặc điểm, nguyên tắc và thực tiễn thực hiện TNXH, những chủ đề cốt lõi về TNXH, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố TCVN ISO 26000:2013 theo đề nghị của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.[20] Bộ tiêu chuẩn này được xem tương đương với ISO 26000:2010.[21] Theo đó, “trách nhiệm xã hội” được quy định là trách nhiệm của tổ chức đối với những tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức đến xã hội và môi trường thông qua sự minh bạch trong hành vi đạo đức nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững bao gồm cả sự lành mạnh và thịnh vuợng của xã hội; trong đó: i) tính dến những mong muốn của các bên liên quan; ii) phù hợp với luật pháp và nhất quán với chuẩn mực ứng xử quốc tế. Cần lưu ý rằng, đặc điểm quan trọng của trách nhiệm xã hội theo TCVN ISO 26000:2013 là sự tự nguyệncủa tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động của họ đối với xã hội và môi trường.
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện TNXH của các doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với một số bộ, ngành liên quan, hiệp hội nghề cùng một số đối tác quốc tế tổ chức lễ phát động Giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp năm và công bố các tiêu chí CSR. Các tiêu chí cho một doanh nghiệp đạt giải trong lĩnh vực CSR căn cứ theo từng lĩnh vực kinh doanh và dựa trên TCVN ISO 26000:2013.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã nhận thấy rõ rằng, việc thực hiện CSR là thiết yếu cho sự phát triển của họ, bởi lẽ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu không tuân thủ trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.[22] Nhiều doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm xã hội đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh.[23]
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện một cách nghiêm túc TNXH, thậm chí trách nhiệm pháp lý của mình. Đó là các vụ vi phạm của Công ty TNHH Vedan Việt Nam, Công ty Miwon Phú Thọ (xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông), vụ vi phạm nhập khẩu rác thải của Công ty Tung Kuang (Hải Dương)… và điển hình nhất vụ xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho vùng biển 4 tỉnh miền Trung của Công ty Formosa. Còn tình trạng các doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, vấn đề an toàn lao động, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trở nên khá phổ biến.[24]
Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc không thực hiện đầy đủ TNXH của các doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ bản thân doanh nghiệp và người lao động của doanh nghiệp. Có thể nêu một số nguyên nhân sau đây:
– Hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều tính toán được việc thực hiện TNXH, tùy thuộc vào quy mô và tính chất của các hoạt động đó, tốn nhiều chi phí, mâu thuẫn với mục tiêu cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận, không phù hợp với mục tiêu kinh doanh. Thậm chí, dù nhận thức được lợi ích lâu dài của việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về TNXH, chẳng hạn SA 8000, nhưng nhiều công ty vẫn không muốn bỏ ra chi phí trước mắt cho lợi ích lâu dài. Điều này cũng còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, nhận thức về TNXH của lãnh đạo doanh nghiệp.
– Nhà nước chưa có chính sách đủ mạnh để các doanh nghiệp thực hiện tốt TNXH được ưu tiên, hỗ trợ đặc biệt trong những thời điểm kinh tế bị khủng hoảng, nên luôn có tâm lý tích lũy lợi nhuận để phòng ngừa rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
– Doanh nghiệp thường không nhận được sự đồng thuận từ phía người lao động trong việc cắt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường do thu nhập của họ còn đang rất thấp, và xuất phát từ đặc thù của lực lượng lao động nước ta hiện nay là đa số người lao động không phải là người địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động.
Từ những thực tế trên, thiết nghĩ, để nâng cao TNXH của doanh nghiệp, Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần thực hiện những giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng các quy phạm pháp luật (mang tính bắt buộc) để doanh nghiệp phải thực thi TNXH một cách đầy đủ và nghiêm túc. Nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm pháp lý đó, doanh nghiệp phải chịu hậu quả nặng nề (theo mô hình được áp dụng ở các nước châu Âu).
Hai là, tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các chủ doanh nghiệp, người lao động để việc thực hiện TNXH trở thành động lực của từng thành viên làm việc trong doanh nghiệp. Việc thực hiện TNXH cần được xem là một hành vi đạo đức. Trong việc này, vai trò của tổ chức công đoàn là vô cùng to lớn.
Ba là,cần tổ chức bộ phận quản lý chuyên nghiên cứu và thực hiện các chính sách thuộc TNXH của doanh nghiệp.
Bốn là, liên kết chặt chẽ với các tổ chức hữu quan nhằm thực hiện chính sách có hiệu quả nhất cho xã hội và doanh nghiệp, tránh những rủi ro cho doanh nghiệp.
Năm là, xây dựng chính sách tổng thể, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, hình thức thực hiện TNXH theo định hướng chung của nhà nước trong phạm vi quốc gia và địa phương;
Sáu là, có hệ thống đánh giá kết quả của việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp.
Bảy là, công khai, minh bạch tất cả thông tin cho người lao động và xã hội về chi phí và hiệu quả thực hiện TNXH của doanh nghiệp.
Kết luận
Thực hiện trách nhiệm cho xã hội, cộng đồng là vấn đề về đạo đức, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận lợi ích kinh tế của hoạt động này đối với nhiều doanh nghiệp. Giáo sư Richard Stekel hoàn toàn có cơ sở để cho rằng: “Đối với doanh nghiệp đơn thuần chỉ muốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình thì việc thực hiện TNXHtrở thành nhiệm vụ khó thực hiện. Những doanh nghiệp nào không phù hợp với vấn đề TNXHsẽ thua cuộc trong cuộc cạnh tranh. Những doanh nghiệp nào cố gắng thực hiện TNXHthông qua chính sách hợp tác với các tổ chức phi kinh doanh, phi lợi nhuận sẽ giành được công cụ mạnh mẽ đảm bảo lợi nhuận và sư sống còn của việc kinh doanh trong tương lai xa”[25]
Cũngcần lưu ý rằng giữa nhận thức về việc thực hiện TNXH và việc thực hiện trách nhiệm đó là một khoảng cách, đòi hỏi doanh nghiệp phải có bản lĩnh, phải biết chấp nhận trong giai đoạn trước mắt dành một phần lợi nhuận của mình cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, bằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bằng hiệu quả mang lại sau đó cho doanh nghiệp, việc thực hiện TNXH sẽ trở thành xu thế tích cực trong việc phát triển hài hòa kinh tế và xã hội ở các nước, trong đó có Việt Nam.
CHÚ THÍCH
*PGS-TS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Глебова И.С., Социальная ответственность бизнеса в России и за рубежом, Учеб. Пособие, Казань, 2008. [Trans: Glebova I.S., Social responsibility of business in Russia and abroad, Textbook, Kazan, 2008] .
[2] .http://studme.org/1857031419282/etika_i_estetika/sotsialnaya_otvetstvennost_biznesa(truycậplúc07:45 ngày13/9/2016).
[3] Cũng có tác giả cho rằng mục tiêu kinh tế chỉl à một trong 4 trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Kim tự tháp của CSR gồm 4 tầng (lớp) theo thứ tự từ dướil ên: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm từ thiện. Xem: Archie B. Carroll, “The Pyramid of Corporate Social Responsibility: Toward the Moral Management of Organizational Stakeholders”, Business Horizons,34(4), p. 39-48.
[4] Ở nước ta, việc thực hiện một số yêu cầu về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được quy định tạiLuật bảo vệ môi trường 2014. Cụ thể, “Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác tác động đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học liên quan đến rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đa dạng sinh học, về bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật có liên quan” (Điều 36). Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (chẳng hạn, theo điều 4, 8 Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
[5] .ЧеркаевД., “Корпоративнаясоциальная ответст-венностьиэтика: проблемысоотношениясроссийскимправом”, www.incorpore.ru/ru/materials/our/korp/material32.html [Trans: Cherkaev D., “Corporate social responsibility and ethics: The problem of correlation with Russian law, www.incorpore.ru/ru/materials/our/korp/material32.html] .; Савичева Е.Ю., “К вопросу о дефиниции категории “социальная ответственность бизнеса», Российское предпринимательство, 2011, N8. Вып. 1, С. 18 – 19. [Trans: SavichevaE. Iu., “On the question of the definition of the category of «corporate social responsibility”, Rossyiskoe Predprinimatelstvo, 2011, Issue 1, p. 18 – 19] ; Davis K., “The Meaning and Scope of Social Responsibility”, Contemporary Management. Issues and Viewpoints, Englewood Cliffs, 1974. p. 23.
[6] Carroll A. “The Pyramid of Corporate Social Responsibility: Toward the Moral Management of Organizational Stakeholders” // Business Horizons. 1991. Vol. 34. Issue 4. p. 42.
[7] .Благов Ю.Е.,“Генезис концепции корпоративной социальной ответственности”, ВестникСанкт-Петербургскогоуниверситета, 2006,Серия 8,Вып. 2,С. 6 [Trans: Blagov Iu.E.,“Thegenesisoftheconceptofcorporatesocialresponsibility”, Journal of Saint – Peterbourg University, 2006, 8, Issue 2, p. 6] .
[8] .Преамбула, Устав Международной организации труда и Регламент Международной конференции труда. [Trans: Preamble of the ILO Constitution] .
[9] ..Xem:.http://blue.lim.ilo.org/cariblex/pdfs/ILO_dec_philadelphia.pdf (truycậplúc11:37 ngày06/9/2016).
[10] Trong bài viết:“DoesCorporateSocialResponsibilityIncreaseProfits?”, Ron Robin nêurõ: “Vềnguyêntắc, ngườitachorằng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể làm gia tăng lợi nhuận, và vì vậy, trong thực tế đasốcác công ty lớn luôn tích cực tham gia vào hoạt độngnày. Cũng có một số ít các nhà lãnh đạo và quản lý ý thức trong việc nghiên cứu vấn đề quan trọng này. Nghiên cứu thực tế chứng tỏ rằng điều đó có thể nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu liên kết việc tăng trưởng lợi nhuận với các biến trừu tượng, mà thường rất khó để xác định, là một thách thức”.
Xem: http://investingforthesoul.com/Editorials/does-corporate-social-responsibility-increase-profits.htm (truy cập lúc 16:10 ngày 20/9/2016).
[11] .Xem:.http://csrjournal.com/modeli-korporativnoj-socialnoj-otvetstvennosti (truy cập lúc 08:55 ngày 07/9/2016).
[12] Theo khảo sát của Warwick Business School đối với 500 doanh nghiệp châu Âu, được tiến hành vào năm 1999 nhận được kết quả như sau: 74% doanh nghiệp tự nguyệntham gia tích cực vào hoạt động giải quyết việc làm; 26% – vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng thành phố nơi họ hoạt động; 41% tham gia vào chương trình phát triển ở địa phương. Xem: Mardsen C., Mohan A, Research on 500 Business Best Practices in Europe, Warwick Business School, June, 1999.
[13] .Xem:.http://ethicalperformance.com/news/article/466 (truy cập lúc 08:15 ngày 13/9/2016).
[14] Hàng tuần, báoTimescông bố chỉ số Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
[15] Corbett D., “Building Sustainable Value Trust: Canadian Excellence Framework”, Pre-Conference: EFQM Learning Edge: Social Dimensions Organizational Excellence, 2003, June, The Hague.
[16] SAI là tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động về các lĩnh vực hợp tác trách nhiệm xã hội, được thành lập năm 1969, trụ sở tại New York.
[17] Xem: http://www.tieuchuanhoinhap.com/tu-van-quan-ly/index.php/vi/9-tin-tuc/228-tieu-chuan-sa-8000-la-gi (truy cập lúc 13:50 ngày 20/9/2016).
[18] .Xem:.http://libraryno.ru/5-standartizaciya-korporativnoy-social-noy-otvetstvennosti-2013_usanov_korp/ (truy cập lúc 14:50 ngày 31/8/2016).
[19] OHSAS 18001:1999 (Occupational Health and Safety Assessment Series- Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp do Viện tiêu chuẩn Anh (BSI) xây dựng, ban hànhvào năm 1999 và sửa đổi năm 2007, là tiêu chuẩn để một tổ chức có thể được cấp giấy chứng nhận phù hợp. Việc chứng nhận OHSAS khẳng định việc thực hiện tự nguyện một hệ thống đảm bảo giám sát đầy đủ về an toàn và sức khỏe của người lao động trong tổ chức, ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc. Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/OHSAS_18001 (truy cập lúc 15:10 ngày 31/8/2016).
[20] Xem: http://thuvienphapluat.vn/TCVN/Linh-vuc-khac/TCVN-ISO-26000-2013-Huong-dan-ve-trach-nhiem-xa-hoi-911768.aspx (truy cập lúc 09:15 ngày 13/9/2016).
[21] Xem: http://nilp.vn/Details/id/4871/Tieu-chuan-quoc-gia-ISO-26000-2013-Huong-dan-ve-trach-nhiem-xa-hoi (truy cập lúc 14:06 ngày 13/9/2016).
[22] Ở Việt Nam, Tiêu chuẩn SA 8000 được nhiều doanh nghiệp biết đến. Nhưng không nhiều doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn này. Điều này dẫn tới việc họ khó có thể tiêu thụ hàng hóa trước các đối tác nước ngoài. Theo nhận định của bà Alice Tepper Marlin – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Trách nhiệm xã hội quốc tế (SAI): “Người tiêu dùng tại Bắc Mỹ và châu Âu đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của công nhân và trẻ em nên họ đã tỏ ra khá dè dặt khi mua các sản phẩm có nguồn gốc từ những doanh nghiệp, những quốc gia mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin ngược đãi công nhân, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động trẻ em…Và thực tế nhiều công ty trước khi đặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã trực tiếp sang tận nơi để chứng kiến điều kiện làm việc của công nhân, kiểm tra nhà máy đối xử với người lao động như thế nào sau đó mới đưa ra quyết định chính thức. Nếu những hàng hóa mà doanh nghiệp, nhà máy của các bạn đạt được tiêu chuẩn SA 8000 đồng nghĩa với việc chúng đã có giấy thông hành vào nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo trách nhiệm xã hội”. Xem: http://www.iso-vn.com/en/sa-8000/133-sa-8000-uu-the-cho-hang-viet-nam-vao-thi-truong-kho-tinh.html (truy cập lúc 11:10 ngày 20/9/2016).
[23] Kết quả khảo sát gần đây do Viện Khoa học lao động và xã hội tiến hành trên 24 doanh nghiệp (DN) thuộc hai ngành giày da và dệt may cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội của DN, doanh thu của các DN này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 triệu đồng lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, các DN còn củng cố được uy tín với khách hàng, tạo được sự gắn bó và hài lòng của người lao động đối với DN, thu hút được lực lượng lao động có chuyên môn cao. Xem: https://luatminhkhue.vn/kien-thuc-luat-doanh-nghiep/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-o-viet-nam-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-cap-bach.aspx (truy cập lúc 10:40 ngày 12/9/2016).
[24] Tỉ lệ trung bình số DN đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trên tổng số DN đăng ký hoạt động chỉ chiếm 40% và tỉ lệ DN nợ BHXH trên số DN tham gia đóng BHXH là 44,9%. Số liệu này cho thấy cứ 100 DN hoạt động thì chỉ có 40 DN đăngký đóng BHXH và trong số 40 DN đóng BHXH thì có đến 18 DN nợ BHXH. Xem: http://cafef.vn/thoi-su/hang-ngan-nguoi-lao-dong-bi-doanh-nghiep-no-dong-bhxh-20160324093918578.chn (truy cập lúc 15:20 ngày 16/9/2016). Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, gần 3.000 tỷ đồng là tổng mức nợ đọng bảo hiểm xã hội trong 5 tháng đầu năm 2016. Đáng chú ý, con số này tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2015. Xem: http://cafef.vn/no-tien-bhxh-tai-tphcm-ngay-cang-nhieu-va-kho-doi-20160624162943612.chn (truy cập lúc 15:21 ngày 16/9/2019).
[25] Richard Stekel, Robin Simons, Jeffrey Simons and Norman Tanen, Making Money While Making A Difference. – How to Profit with a Nonprofit Partner. High Trade Press, 1999.
- Tác giả: PGS.TS. Trần Hoàng Hải
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(101)/2016 – 2016, Trang 3-10
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời