Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại
Tác giả: Trần Thị Thanh Thủy
TÓM TẮT
Hợp đồng thương mại được ký kết nhằm mục đích ghi nhận sự thoả thuận của các bên trong giao dịch thương mại. Tuy nhiên, thực tế thực hiện hợp đồng luôn tiềm ẩn sự vi phạm hợp đồng đến từ phía các bên trong giao dịch. Hành vi vi phạm này có thể xuất phát từ chính những kẽ hở của các thoả thuận trong hợp đồng nhưng cũng có thể xuất phát từ việc cố tình vi phạm các thoả thuận đã ký giữa các bên. Để đảm bảo cho một môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng các bên đến việc tuân thủ các quy định của pháp luật, các nhà làm luật Việt Nam đã quy định các chế tài mà bên vi phạm có nguy cơ phải gánh chịu khi vi phạm hợp đồng. Bồi thường thiệt hại là một trong các chế tài được xây dựng với mục đích bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm, nhằm bù đắp thiệt hại vật chất, góp phần khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên. Bài viết phân tích các căn cứ, nguyên tắc và cách xác định thiệt hại mà bên vi phạm phải bồi thường do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 và Luật thương mại (LTM) năm 2005.
1. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường, các thương nhân thông qua các hoạt động thương mại để thực hiện mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Theo quy định của pháp luật, hoạt động thương mại là hoạt nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Để thực hiện các quan hệ hợp tác, các thương nhân thường giao kết hợp đồng để ghi nhận sự thoả thuận giữa các bên với nhau và coi đó là “luật” điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các bên. Hợp đồng có thể được giao kết bởi các hình thức như: hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó hợp đồng bằng văn bản là hình thức được ưu tiên lựa chọn để thực hiện nhằm ghi nhận sự thoả thuận các bên và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các giao dịch thương mại.
Pháp luật hiện hành không có khái niệm về hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, hoạt động thương mại với tính chất là một giao dịch dân sự đặc thù giữa các thương nhân hoặc ít nhất một bên trong giao dịch là thương nhân nên việc giao kết và thực hiện các hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi BLDS năm 2015 và LTM năm 2005. Do đó có thể hiểu hợp đồng thương mại là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên để thực hiện hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.
Trong quá trình thực hiện các giao dịch thương mại, các tranh chấp đặc biệt là các tranh chấp phát sinh từ vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại diễn ra ngày càng nhiều. Không ít thương nhân đã phải gánh chịu thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng từ phía bên kia hoặc do chính những điều khoản bất lợi trong hợp đồng gây ra do đối tác lợi dụng những kẻ hở trong hợp đồng đã ký kết hoặc cố tình không thực hiện các cam kết đã thoả thuận trong hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại có thể là không thực hiện hợp đồng, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thương mại hoặc theo quy định của pháp luật . Do đó, để đảm bảo cho một môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo cho các bên khi đã giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật thì phải tuân thủ và thực hiện theo, các nhà làm luật đã xây dựng chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại . Theo đó, bên vi phạm sẽ đối diện với nguy cơ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Bồi thường thiệt hại (BTTH) là một trong các chế tài mà bên vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện khi vi phạm hợp đồng. Chế tài này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm, nhằm bù đắp thiệt hại vật chất và hướng đến việc góp phần khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên. Hiện nay BLDS năm 2015, LTM năm 2015 chưa có quy định về khái niệm BTTH nhưng với tính chất là một chế tài có tính bù đắp tổn thất cho bên bị vi phạm, có thể hiểu BTTH hai do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại là biện pháp khắc phục hậu quả gây ra bởi hành vi vi phạm của bên vi phạm hợp đồng, nhằm bảo đảm cho trách nhiệm dân sự theo hợp đồng được thực hiện bằng cách bù đắp những tổn thất là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng bên vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm.
Pháp luật điều chỉnh các hoạt động thương mại bao gồm BLDS năm 2015, LTM năm 2005 với tư cách là luật chung và các luật chuyên ngành (Luật xây dựng năm 2014, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2020, Luật kinh doanh bất động sản…) điều chỉnh các hành vi thương mại cụ thể. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ phân tích các quy định của pháp luật điều chỉnh về vấn đề BTTH do vi phạm hợp đồng ký kết bằng văn bản trong hoạt động thương mại theo quy định của BLDS năm 2015 và LTM năm 2005 để làm rõ các căn cứ, điều kiện, mức bồi thường khi áp dụng chế tài này. Đây là những nội dung mà luật sư và những người tiến hành tố tụng (kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân) cần hiểu rõ thì mới có thể góp phần vào việc giải quyết được tranh chấp giữa các bên.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại
Dưới góc độ pháp lý, khi một chủ thể vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình, làm thiệt hại cho phía bên kia trong quan hệ hợp đồng sẽ có nguy cơ phải chịu sự bất lợi do hành vi vi phạm của mình gây ra. Theo quy định của LTM năm 2005, ngoài các trường hợp được miễn trách nhiệm , BTTH do hành vi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại với tính chất là bên vi phạm phải bồi thường cho những tổn thất mình gây ra cho bên bị vi phạm sẽ mặc nhiên phát sinh dù không tồn tại thỏa thuận về BTTH giữa các bên trong hợp đồng khi hội tụ đủ các căn cứ sau: có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra .
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng.
Đây là điều kiện tiên quyết để áp dụng các chế tài thương mại trong đó có chế tài BTTH. Theo đó, hành vi vi phạm phải xuất phát từ một nghĩa vụ đã được các bên thoả thuận trong hợp đồng, nghĩa vụ này phải thuộc về bên vi phạm và không thuộc vào các trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định tại Điều 249 LTM năm 2005. Hơn thế nữa hợp đồng mà các bên ký kết phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự, các bên trong hợp đồng phải có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện đúng thoả thuận.
Hành vi vi phạm nghĩa vụ là việc người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ như cam kết trong thỏa thuận đã ký kết hoặc hành vi này trái với quy định của pháp luật. Trong các giao dịch thương mại, hành vi vi phạm thông thường được thể hiện dưới các hình thức sau:
Từ chối thực hiện nghĩa vụ (ví dụ trong một giao dịch mua bán hàng hoá thì bên bán từ chối giao hàng hoặc bên mua từ chối thanh toán);
Chậm thực hiện nghĩa vụ (ví dụ trong giao dịch mua bán hàng hoá các bên thoả thuận về việc bên bán có nghĩa vụ giao hàng vào ngày 01/9/2021 nhưng bên thực tế thực hiện hợp đồng bên bán lại giao hàng vào ngày 15/9/2021 mà không được sự đồng ý của bên mua và việc giao hàng không đúng thời gian thoả thuận cũng không thuộc các trường hợp bất khả kháng mà các bên đã quy định trong hợp đồng);
Thực hiện không đúng nghĩa vụ (có thể giao hàng không đúng đối tượng hoặc thực hiện một công việc mà không phải là đối tượng mà các bên thoả thuận trong hợp đồng);
Không thực hiện nghĩa vụ (ví dụ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc nghĩa vụ giao hàng trong giao dịch mua bán hàng hoá).
Thứ hai, có thiệt hại thực tế phát sinh.
BTTH được các nhà làm luật xây dựng với tư cách là một biện pháp khắc phục thiệt hại về mặt vật chất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Do đó, những thiệt hại xuất phát từ hành vi vi phạm của bên vi phạm phải xác định được và phải tính được bằng tiền. Tuy nhiên, khác với quy định của BLDS năm 2015 khi xác định các loại thiệt hại được bồi thường11, bên vi phạm trong hợp đồng thương mại chỉ phải bồi thường các tổn thất thực tế, trực tiếp xuất phát từ hành vi của bên vi phạm hoặc là các khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi của bên vi phạm . Để có căn cứ yêu cầu BTTH thì bên vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, tổn thất mà mình phải gánh chịu xuất phát trực tiếp từ nguyên nhân là hành do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia gây ra .
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra.
Những thiệt hại này phải là thiệt hại thực tế, trực tiếp xuất phát từ hành vi vi phạm của bên kia. Do đó sẽ không phát sinh trách nhiệm BTTH nếu không có thiệt hại xảy ra trên thực tế. Các loại thiệt hại gián tiếp sẽ không được xem xét đến khi tính toán mức bồi thường. Khi xác định các căn cứ để áp dụng BTTH đối với các hành vi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại, LTM năm 2005 không yêu cầu người bị vi phạm phải chứng minh lỗi của bên vi phạm.
3. Nguyên tắc và cách xác định thiệt hại được bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại
Ngoài các trường hợp được miễn trách nhiệm do hành vi vi phạm không xuất phát từ lỗi của bên vi phạm thì việc xác định mức độ phải BTTH của bên vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng thương mại phải dựa trên các nguyên tắc và cách thức nhất định.
Các trường hợp miễn trách nhiệm BTTH.
Về nguyên tắc khi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại, bên vi phạm phải có trách nhiệm BTTH cho bên bị vi phạm tùy thuộc vào thoả thuận hoặc tùy thuộc vào mức độ thiệt hại thực tế đã xảy ra mà bên bị phạm chứng minh được. Tuy nhiên nhà làm luật cũng quy định một số trường hợp mà bên vi phạm được miễn trách nhiệm BTTH nếu hành vi vi phạm xảy ra: do sự kiện bất khả kháng, thuộc trường hợp miễn trách nhiệm do các bên đã thoả thuận trong hợp đồng, do lỗi của bên bị vi phạm hợp đồng, do cơ quan Nhà nước quyết định mà tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên không biết được . Trong trường hợp này, người có hành vi vi phạm phải có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho bên kia biết và phải chứng minh hành vi vi phạm của mình rơi vào các trường hợp được miễn trách nhiệm BTTH.
Nguyên tắc BTTH.
Về nguyên tắc bên vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ và phải kịp thời để nhằm bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
Bồi thường toàn bộ với ý nghĩa bù đắp tổn thất do đó không ai được lợi từ việc vi phạm hợp đồng, không ai được nhiều hơn số thực tế bị thiệt hại và bên vi phạm chỉ phải bồi thường những thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Để được BTTH bên bị vi phạm phải chứng minh được thiệt hại này là kết quả do hành vi vi phạm của bên kia gây ra. BTTH có ý nghĩa thay thế nghĩa vụ phải thực hiện đúng hợp đồng bằng nghĩa vụ phải trả một khoản tiền tương ứng với thiệt hại mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu trong trường hợp bên có nghĩa vụ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ mà đáng lẽ bên này phải thực hiện – bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Ngoài ra bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường kịp thời nhằm bù đắp những mất mát về vật chất để bên bị vi phạm sớm ổn định, không bị xáo trộn về thời gian, công việc, các dự định cho công việc ở hiện tại hoặc tương lai. Việc bồi thường kịp thời cũng có ý nghĩa giảm bớt thiệt hại phải bồi thường đối với bên vi phạm vì đối với thiệt hại thì càng để lâu thiệt hại càng gia tăng.
Cách xác định mức thiệt hại.
Việc xác định mức BTTH do hành vi vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại có thể được thực hiện thông qua các cách thức sau:
Trường hợp 1: Các bên thoả thuận được về mức bồi thường sau khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Với tính chất hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự và mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cũng là một nội dung mà các bên có thể thoả thuận. Pháp luật dân sự tôn trọng sự thoả thuận của các bên, do đó trong trường hợp sau khi có hành vi vi phạm mà các bên thoả thuận được về: mức bồi thường và phương thức, thời hạn thực hiện bồi thường thì thực hiện theo thoả thuận của các bên .
Trường hợp 2: Các bên không thoả thuận được về mức bồi thường sau khi có hành vi vi phạm hợp đồng.
Nếu các bên không thoả thuận được về mức bồi thường sau khi có hành vi vi phạm thì việc xác định thiệt hại phải bồi thường thực hiện theo thoả thuận bồi thường định trước của các bên tại hợp đồng hoặc căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại được yêu cầu bồi thường.
– Trường hợp các bên thoả thuận về một mức bồi thường thiệt hại định trước được thực hiện tại thời điểm các bên kí kết hợp đồng . Điều đó có nghĩa là các bên có thể thoả thuận cho phép bên có quyền được nhận một khoản tiền được xác định trước trong trường hợp bên có nghĩa nghĩa vụ vi phạm hợp đồng. Với tính chất là một giao dịch dân sự nên khi LTM năm 2005 với tư cách là luật chuyên ngành không quy định về khoản bồi thường thiệt hại định trước thì các bên có quyền áp dụng quy định của BLDS năm 2015 với tư cách là luật chung để ghi nhận sự thoả thuận này giữa các bên. Khi có hành vi phạm hợp đồng từ phía bên kia, bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh có hành vi vi phạm, có thiệt hại xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thì được quyền yêu cầu bên vi phạm phải trả khoản tiền bồi thường thiệt hại định trước mà không phải chứng minh mức độ thiệt hại là bao nhiêu.
– Trường hợp các bên không thể thoả thuận về khoản BTTH sau khi có hành vi vi phạm hoặc hợp hợp đồng cũng không có thoả thuận khoản BTTH định trước thì mức BTTH được xác định dựa trên các yếu tố: thiệt hại được bồi thường, việc thực hiện nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên có quyền bị vi phạm.
Thiệt hại được bồi thường:
Theo nguyên tắc thì khi có hành vi vi phạm xảy ra thì bên vi phạm đối diện với việc phải thực hiện việc bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác . Mặt khác theo quy định của LTM năm 2005 thì giá trị bồi thường thiệt hại được xác định gồm:
+ Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra;
+ Khoản lợi trực tiếp bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm .
Trách nhiệm hạn chế tổn thất của bên có nghĩa vụ bị vi phạm:
Theo quy định của LTM năm 2005, khi có hành vi vi phạm của đối tác gây ra, người có quyền lợi bị vi phạm phải có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế thiệt hại để được xem xét về mức bồi thường khi giải quyết tranh chấp . Trách nhiệm hạn chế tổn thất được quy định nhằm đảm bảo bên bị vi phạm không dựa vào hoàn cảnh để trục lợi và thể hiện tinh thần thiện chí của các bên trong việc cùng ngăn chặn và hạn chế thiệt hại xảy ra. Do đó, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ không chấp nhận yêu cầu BTTH của người bị vi phạm về những thiệt hại lẽ ra có thể tránh hoặc hạn chế được nếu bên bị vi phạm có hành động hạn chế thiệt hại.
4. Vướng mắc trong quá trình thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Như đã đề cập ở trên, vấn đề BTTH do vi phạm hợp đồng trong hoạt động thương mại được điều chỉnh chủ yếu bởi hai đạo luật quan trọng là: BLDS năm 2015, LTM năm 2005. Tuy nhiên trong thực tế giải quyết tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng thương mại cho thấy có nhiều bất cập trong các quy định về vấn đề này và cần phải được sửa đổi trong thời gian tới để tạo ra sự thống nhất, tôn trọng sự thoả thuận của các bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển.
Thứ nhất, cần có căn cứ pháp lý rõ ràng và thống nhất trong quy định của BLDS và LTM về khoản BTTH định trước.
Hiện nay, nhằm tôn trọng sự thoả thuận của các bên trong các giao dịch dân sự, BLDS năm 2015 đã có quy định về khoản BTTH định trước . Các bên trong giao dịch khi giao kết và thực hiện các giao dịch thương mại, ngoài việc chịu sự điều chỉnh chung của BLDS năm 2015 thì còn chịu sự điều chỉnh của LTM năm 2005 với tư cách là luật chuyên ngành. Tuy nhiên, với các quy định hiện hành về vấn đề BTTH, LTM năm 2005 chỉ quy định về khoản thiệt hại thực tế và trực tiếp và khoản lợi trực tiếp bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm mà không có quy định về việc ghi nhận khoản BTTH định trước của các bên. Quy định không thống nhất trên có thể dẫn đến hai cách hiểu:
Một là, LTM năm 2005 chỉ cho phép việc xác định thiệt hại là các tổn thất trực tiếp và bên yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ chứng minh tổn thất.
Hai là, với tư cách là luật chung thì những gì về vấn đề BTTH không được quy định trong LTM năm 2005 sẽ được áp dụng các quy định tại BLDS năm 2015.
Với các cách hiểu khác nhau như trên đã dẫn đến thực tế xét xử, Toà án đã không công nhận thoả thuận về khoản BTTH định trước. Ví dụ: Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/2020/KN- KDTM ngày 09/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) về tranh chấp giữa Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn với Công ty cổ phần Yến Việt, theo đó TANDTC cho rằng việc Công ty cổ phần Yến Việt phải bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn dựa trên mức ấn định bồi thường thiệt hại quy định trong hợp đồng theo bản án sơ thẩm và quyết định giám đốc thẩm là không phù hợp; thiệt hại được bồi thường phải được tính toán dựa trên thiệt hại thực tế và trực tiếp theo quy định của LTM năm 2005 .
Do đó quy định về BTTH định trước cần được ghi nhận tại LTM năm 2005 hoặc dẫn chiếu áp dụng các quy định của BLDS năm 2015 để nhằm ghi nhận sự thoả thuận của các bên trong các giao dịch kinh doanh thương mại.
Thứ hai, về mối quan hệ giữa thoả thuận phạt vi phạm và BTTH.
Theo quy định của BLDS năm 2015 trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm . Tuy nhiên theo quy định của LTM năm 2005: “Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác” . Với nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của các bên, các quy định của LTM năm 2005 cần có sửa đổi bổ sung để phù hợp với các quy định của BLDS năm 2015 và đảm bảo quyền tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng…
Thứ ba, về xác định thiệt hại có thể được bồi thường.
Theo quy định của LTM năm 2005 thì thiệt hại được xác định bao gồm: thiệt hại thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của bên vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên quy định này còn nhiều điểm chưa phù hợp, không tương thích với pháp luật quốc tế. Do đó LTM năm 2005 cần có quy định rõ về những thiệt hại phi tiền tệ (như thiệt hại do mất uy tín, giá trị thương hiệu, ảnh hưởng thị trường…) để đảm bảo quyền lợi cho bên bị vi phạm.
Ngoài ra LTM năm 2005 cũng cần quy định về một số khoản thiệt hại gián tiếp mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho bên bị vi phạm như: chi phi đã bỏ ra không thu hồi lại được, chi phí đi lại đàm phán đê giải quyêt vi pham, chi phí giám định hàng hoá, chi phi thuê luật sư để tư vấn, khởi kiện… Để có cơ sở yêu cầu đối với khoản thiệt hại gián tiếp, cần phải quy định nguyên tăc: những thiệt hại gián tiếp này có thê tinh toán được, là hậu quả tât yêu của hành vi vi phạm hợp đồng.
Trước bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại đang là yêu cầu cấp bách, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất theo hướng ghi nhận nguyên tắc tự do thoả thuận của các bên và tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại được phát triển thuận lợi trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bùi Thị Thanh Hằng (2017), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Luận án tiến sỹ luật học.
- Nguyễn Thị Hồng Điệp (2020), Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại và thực tiễn áp dụng, Luận văn thạc sỹ luật học.
- TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp, Một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng và một số vấn đề lưu ý khi giao kết, chứng nhận hợp đồng.
- http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet. aspx? tintucid=210741.
- https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=8c4e8619-fd26-452a- 89df-030441367f75.
Trả lời