Nghĩa vụ hạn chế tổn thất và vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Pháp luật thương mại
TÓM TẮT
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiên cứu các quy định của Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và của pháp luật thương mại Việt Nam về nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nhằm làm rõ các vấn đề pháp lý sau: (i) biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất được xác định như thế nào; và (ii) nghĩa vụ hạn chế tổn thất có mối liên hệ như thế nào với cách thức xác định thiệt hại. Theo đó, những tổn thất đáng lẽ có thể khắc phục được một cách hợp lý và những tổn thất đã khắc phục được đều cần được tính đến khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này nhằm tránh trường hợp (a) bên bị vi phạm được bồi thường vượt quá mức thiệt hại hoặc (b) bằng chi phí của bên vi phạm, bên bị vi phạm được đặt vào vị trí tốt hơn vị trí mà lẽ ra bên này đạt được nếu không có hành vi vi phạm.
Xem thêm;
- Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án theo Pháp luật Việt Nam và các nước – TS. Phan Hoài Nam & TS. Võ Trung Tín
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Lý luận và thực tiễn xét xử – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương & ThS. Phạm Thị Hiền
- Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980 – ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
- Bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp đầu tư quốc tế – ThS. Phạm Thị Hiền
TỪ KHÓA: Bồi thường thiệt hại, Quyền và nghĩa vụ,
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất được quy định tại Điều 77 CISG. Theo đó, một bên viện dẫn vi phạm hợp đồng của bên kia phải áp dụng các biện pháp hợp lý căn cứ vào các tình huống cụ thể nhằm hạn chế tổn thất, kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định tương tự về nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Cụ thể, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Tuy Điều 77 CISG và Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 đều đề cập nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nhưng thực chất “nghĩa vụ” này, nếu không được thực hiện bởi bên bị vi phạm, cũng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của bên này. Mặt khác, bên vi phạm cũng không thể dùng các biện pháp buộc bên bị vi phạm thực hiện nghĩa vụ này (non-actionable duties). Thay vào đó, bên vi phạm chỉ có thể được giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.[1] Nghĩa vụ hạn chế tổn thất cũng chỉ giới hạn đối với những loại vi phạm mà bên bị vi phạm đã biết hoặc buộc phải biết.[2] Trong trường hợp đó, bên bị vi phạm phải thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Do vậy, nghĩa vụ hạn chế tổn thất được tiếp cận từ ba phương diện: (i) bên bị vi phạm không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại lẽ ra có thể hạn chế được nhưng bên đó đã không thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế (avoidable loss); (ii) bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại phát sinh do thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất; (iii) bên bị vi phạm không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại đã hạn chế được do thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất (avoided loss).[3]
Như vậy, đặt ra trường hợp bên bị vi phạm thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất nhưng việc thực hiện này làm phát sinh thiệt hại lớn hơn giá trị thiệt hại lẽ ra bên vi phạm phải chịu nếu không có việc thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất thì bên bị vi phạm có được yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại này không? Chính ý niệm về tính hợp lý sẽ giải thích vấn đề này. Theo đó, nếu các biện pháp được thực hiện để hạn chế tổn thất là hợp lý thì thiệt hại phát sinh do thực hiện các biện pháp này phải được bồi thường, cho dù trong một số trường hợp, thiệt hại này trong thực tế lớn hơn thiệt hại lẽ ra bên vi phạm phải chịu nếu không có việc thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất.[4] Yêu cầu về tính hợp lý buộc bên bị vi phạm thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất với chi phí thấp nhất, có tính đến sự cân bằng lợi ích giữa các bên.[5] Tuy nhiên, cũng có thể dẫn đến trường hợp biện pháp được thực hiện vào thời điểm hạn chế tổn thất là hợp lý nhưng thực tế lại không hạn chế được tổn thất hoặc hạn chế được tổn thất nhưng với chi phí cao hơn so với dự tính.[6] Như vậy, chi phí do việc thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất gây ra, cho dù không thực sự hạn chế được tổn thất, vẫn phải được đền bù miễn là các biện pháp hạn chế tổn thất mà bên bị vi phạm đã áp dụng là hợp lý.[7] Do vậy, câu hỏi thay thế trong trường hợp được đề cập ở trên là “biện pháp mà bên bị vi phạm đã thực hiện để hạn chế tổn thất có hợp lý không”?
Tính hợp lý này được xem xét trên cơ sở nào và các yếu tố nào tác động đến tính hợp lý khi bên bị vi phạm thực hiện biện pháp hạn chế tổn thất? Về nguyên tắc, tính hợp lý khi bên bị vi phạm thực hiện biện pháp hạn chế tổn thất dựa trên nền tảng của nguyên tắc thiện chí khi thực hiện hợp đồng (bona fide) và được đánh giá tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của giao dịch, mục đích của hợp đồng, thói quen và tập quán hình thành trong giao dịch giữa các bên, có tính đến sự cân bằng lợi ích của các bên trong giao dịch.[8] Nguyên tắc xác định tính hợp lý cũng giúp giới hạn trường hợp bên vi phạm khiếu nại rằng lẽ ra bên bị vi phạm nên thực hiện các biện pháp khác trên thực tế phát sinh thiệt hại thấp hơn cho bên vi phạm nếu thực sự bên bị vi phạm đã hành động hợp lý để hạn chế tổn thất, và do vậy có quyền yêu cầu bồi hoàn các chi phí cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục đó.[9] Nghĩa vụ chứng minh liên quan đến tính hợp lý của các biện pháp hạn chế tổn thất thuộc về bên vi phạm. Từ góc độ cân bằng lợi ích của các bên, cần lưu ý rằng bên bị vi phạm khi thực hiện các biện pháp để hạn chế tổn thất phải tính đến lợi ích của bên vi phạm, nhưng việc thực hiện các biện pháp này không buộc bên bị vi phạm phải gánh chịu các rủi ro pháp lý đáng kể liên quan đến tài chính, uy tín kinh doanh và các yếu tố khác.[10]
Một vấn đề khác, nếu bên bị vi phạm thực hiện hành vi ở mức nhiều hơn so với yêu cầu mà nghĩa vụ hạn chế tổn thất đặt ra và do vậy thiệt hại được hạn chế ở mức nhiều hơn thì bên vi phạm có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại đến mức thực tế đã hạn chế được bởi bên bị vi phạm không?[11] Như vậy, hai vấn đề pháp lý cần được giải quyết là: (1) biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất được xác định như thế nào và (2) nghĩa vụ hạn chế tổn thất có mối liên hệ như thế nào với cách thức xác định thiệt hại và nguyên tắc không buộc bên vi phạm bồi thường vượt quá mức thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm.
1. Biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất
Bên bị vi phạm có thể thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện cụ thể của giao dịch, có thể là việc xác lập một giao dịch thay thế trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện bởi một bên (bên bán không giao hàng hoặc bên mua không thanh toán). Trong trường hợp giao hàng kém chất lượng mà bên bị vi phạm vẫn nhận hàng thì việc bên này sửa chữa khiếm khuyết của hàng hóa cũng có thể được xem là một biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, nếu việc sửa chữa là không thể thì việc thực hiện giao dịch bán lại với mức giá giảm có thể được thực hiện. Trường hợp giao hàng trễ hạn, mà hàng hóa được mua là nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của bên mua và thời hạn giao hàng là yếu tố quan trọng, thì việc mua hàng khác thay thế có thể được thực hiện để hạn chế tổn thất của bên mua. Như vậy, vấn đề thứ nhất là cần xác định trong trường hợp nào một giao dịch thay thế được xem là biện pháp để hạn chế tổn thất. Giao dịch thay thế này nhằm vào việc thay thế hợp đồng ban đầu, vậy có thể hiểu rằng (i) chỉ khi hợp đồng ban đầu bị vi phạm thì giao dịch thay thế mới được xác lập với ý định thay thế hợp đồng ban đầu; hay (ii) chỉ cần giao dịch này thực hiện chức năng thay thế cho hợp đồng ban đầu với bên vi phạm, mà không chú trọng việc bên bị vi phạm vào thời điểm xác lập giao dịch thay thế có ý định dùng giao dịch này để thay thế cho hợp đồng bị vi phạm hay không.
Ví dụ 1: Bên mua là nhà sản xuất mua hàng để làm nguyên liệu trong quá trình sản xuất hàng hóa đã từ chối hàng do bên bán giao. Sau đó, bên mua đã sử dụng hàng hóa được mua trước đó (có thể là trước khi ký hợp đồng với bên bán hoặc trước khi bên bán thực hiện hành vi vi phạm) để thay thế cho hàng hóa lẽ ra được giao bởi bên bán. Như vậy, hàng hóa được mua trước đó, nếu xét vào thời điểm thực hiện giao dịch, không phải với ý định thay thế hàng hóa do vi phạm của bên bán. Tuy nhiên, hàng hóa được mua trước đó vẫn có thể được sử dụng để thay thế cho hàng hóa lẽ ra phải được bên bán giao theo đúng hợp đồng giữa các bên. Như vậy, miễn là giao dịch thay thế được thực hiện một cách hợp lý để hạn chế tổn thất mà không nhất thiết bên bị vi phạm phải có ý định gắn mục đích thay thế cho hợp đồng bị vi phạm vào thời điểm xác lập giao dịch đó.[12] Vậy, giao dịch thay thế có mối quan hệ như thế nào với hợp đồng ban đầu giữa các bên, bởi lẽ bên bị vi phạm cũng có thể lập luận rằng giao dịch được thực hiện không nhằm mục đích thay thế cho hợp đồng giữa các bên, mà chỉ là một giao dịch khác được thực hiện trong hoạt động kinh doanh thông thường của bên này (trường hợp bồi thường thiệt hại từ việc mất doanh thu bán hàng – lost volume situation).[13] Thiệt hại từ việc mất doanh thu bán hàng được bồi thường cho bên bán. Chẳng hạn như bên A ký hợp đồng bán cho bên B một lô hàng nhưng bên B không thực hiện hợp đồng. Bên A sau đó ký một hợp đồng mua bán hàng hóa với bên C với khối lượng hàng tương đương hàng hóa trong hợp đồng giao kết với bên B. Bên A đã lập luận rằng hợp đồng với bên C không thay thế hợp đồng với bên B, bởi lẽ nếu bên B thực hiện đúng hợp đồng thì bên A đồng thời bán được hai lô hàng, do vậy bên A thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại từ việc mất doanh thu bán hàng. Như vậy, khoản lợi nhuận được hình thành từ (a) hợp đồng với bên B và (b) hợp đồng với bên C là độc lập với nhau, cho nên hợp đồng giữa bên A và bên C không phải là giao dịch thay thế cho hợp đồng giữa bên A và bên B. Mối quan hệ giữa giao dịch thay thế và hợp đồng ban đầu càng trở nên khó xác định nếu bên bị vi phạm thực hiện các giao dịch liên tục với cùng một hàng hóa tương tự.
Trở lại với ví dụ 1, nếu bên mua thuộc “trường hợp bồi thường thiệt hại từ việc mất doanh thu bán hàng” và hàng hóa được mua trước đó là nhằm để thực hiện một đơn hàng tách biệt với đơn hàng lẽ ra được thực hiện từ hàng hóa do bên bán giao thì việc sử dụng hàng hóa được mua trước đó cho hoạt động sản xuất của bên mua không mang tính chất thay thế, do vậy cũng không xem là một biện pháp hạn chế tổn thất. Bởi lẽ, một giao dịch thay thế không làm cho bên bị vi phạm rơi vào tình huống mất đi một khoản lợi lẽ ra có thể có thêm bên cạnh khoản lợi từ hợp đồng với bên vi phạm. Như vậy, cần hiểu rằng một giao dịch đã được thực hiện trên thực tế chỉ được coi là giao dịch thay thế nếu (a) việc thực hiện giao dịch này là do giao dịch ban đầu bị vi phạm và (b) giao dịch thay thế sẽ không tồn tại nếu giao dịch ban đầu đã được thực hiện.
Vấn đề thứ hai, cần xác định tính hợp lý của giao dịch thay thế. Giao dịch thay thế phải được thực hiện xuất phát từ nguyên tắc thiện chí. Theo đó, giao dịch bán lại của người bán ở mức giá cao nhất có thể hoặc giao dịch mua hàng thay thế của người mua ở mức giá thấp nhất có thể. Ở đây, yếu tố giá thị trường được cân nhắc để xác định tính hợp lý của giao dịch thay thế. Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng có thể được xét đến khi đánh giá tính hợp lý của giao dịch.
Thứ nhất, về tính chất của giao dịch, liệu rằng giao dịch thay thế có cần phải được xác lập trên cơ sở những điều khoản tương tự như giao dịch ban đầu hoặc liệu rằng hàng hóa trong giao dịch thay thế phải tương thích với hàng hóa trong giao dịch ban đầu về loại hàng, chất lượng, số lượng hay không? Tùy điều kiện cụ thể của giao dịch, hàng hóa thay thế có thể không đồng nhất nhưng vẫn được xác định là có thể thay thế một cách hợp lý nếu tương đương về tính năng kỹ thuật, hoặc khác biệt không đáng kể với hàng hóa trong hợp đồng, thậm chí có thể khác biệt nếu hàng hóa trong hợp đồng ban đầu là duy nhất và việc tìm một hàng hóa khác loại để thay thế là lựa chọn hợp lý duy nhất để thay thế cho hàng hóa trong hợp đồng ban đầu.[14] Tương tự như vậy, đối với trường hợp bên bị vi phạm (bên mua) mua hàng tốt hơn hàng thỏa thuận trong hợp đồng để thay thế, nếu có hàng hóa giống hoặc tương tự sẵn có trên thị trường với giá thấp hơn thì việc mua hàng tốt hơn không phải là biện pháp hợp lý. Tuy nhiên, sẽ là ngược lại nếu việc mua hàng tốt hơn để thay thế là lựa chọn hợp lý duy nhất, với điều kiện lợi ích mà bên mua nhận được từ hàng hóa tốt hơn hàng hóa so với thỏa thuận trong hợp đồng cần được tính đến khi xác định thiệt hại phải bồi thường.
Thứ hai, mục đích của việc giao kết hợp đồng ban đầu mà bên bị vi phạm hướng đến cũng là một yếu tố quan trọng để xác định tính hợp lý của giao dịch thay thế. Bởi lẽ, việc xác lập một giao dịch thay thế với những điều khoản tương tự với hợp đồng ban đầu không phải lúc nào cũng có thể đạt được, do sự thay đổi về thị trường, giá cả, các điều kiện giao dịch. Vì vậy, bên bị vi phạm, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể, sẽ thực hiện giao dịch thay thế nhằm hạn chế tổn thất, mà vẫn phần nào đạt được mục đích mà bên này hướng đến khi xác lập hợp đồng ban đầu. Tuy nhiên, nếu mục đích mà bên này hướng đến khi xác lập hợp đồng ban đầu không đạt được thì việc xác lập giao dịch thay thế trở nên không cần thiết. Do vậy, bên bị vi phạm cũng không bị xem là vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất khi không thực hiện những giao dịch thay thế này. Chẳng hạn như trường hợp đối tượng trong hợp đồng bán lại bắt buộc phải là đối tượng trong hợp đồng mua bán và không sẵn có trên thị trường để bên bị vi phạm (bên mua) thực hiện giao dịch thay thế trong một khoảng thời hạn giới hạn.[15] Như vậy, bên mua không vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất khi không thực hiện giao dịch thay thế. Nếu trường hợp hàng hóa có tính chất mua bán theo mùa vụ, hoặc hàng hóa đặc định do được gắn nhãn hiệu, logo hay hình ảnh của bên mua và nếu do vậy mà không thể bán lại thì bên bán cũng không vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất.[16]
Thứ ba, khả năng dự liệu trong phạm vi hiểu biết của bên bị vi phạm cũng cần được xem xét. Chẳng hạn như trường hợp bên bán biết rõ rằng sau khi giao kết hợp đồng, bên mua sẽ không thể thực hiện hợp đồng, nhưng vẫn mua loại hàng hóa (dùng để giao cho bên mua) từ một nhà cung cấp và sau đó bán lại hàng hóa này cho bên thứ ba. Bên bán yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng mức chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá bán lại cho bên thứ ba.[17] Nếu bên bán không thuộc “trường hợp bồi thường thiệt hại từ việc mất doanh thu bán hàng” thì giao dịch bán lại chỉ có thể xem là biện pháp thay thế hợp lý nếu thiệt hại phát sinh từ giao dịch bán lại với bên thứ ba (chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá bán lại cho bên thứ ba cộng với các chi phí khác) nhỏ hơn thiệt hại phát sinh từ việc không mua hàng từ nhà cung cấp (chênh lệch giữa chi phí mua hàng từ nhà cung cấp và giá hợp đồng). Nếu không, yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bán không thể được chấp nhận vì bên bán vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất và thiệt hại được bồi thường chỉ bằng chênh lệch giữa chi phí mua hàng từ nhà cung cấp và giá hợp đồng. Vấn đề là, nếu bên bán ở vào vị trí có thể ước lượng hoặc so sánh thiệt hại phát sinh từ giao dịch bán lại tiềm năng với bên thứ ba (trước khi mua hàng hóa từ nhà cung cấp) thì biện pháp hạn chế tổn thất hợp lý phải là biện pháp nào dẫn đến chi phí thiệt hại thấp hơn. Điều này bắt nguồn từ nguyên tắc hạn chế tổn thất bằng việc thực hiện biện pháp có chi phí thấp nhất. Theo đó, để bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên, bên bị vi phạm phải thực hiện hành vi hạn chế tổn thất ở mức có thể trông đợi một cách hợp lý vào bên này.[18]
Thứ tư, hành vi thực tế của các bên trong giao dịch cũng tác động đến tính hợp lý của biện pháp thay thế. Cụ thể là, sau khi vi phạm, bên vi phạm đề nghị thực hiện hợp đồng với điều khoản khác với điều khoản trong hợp đồng ban đầu.
Ví dụ 2: Bên vi phạm hợp đồng (bên mua) đã đề nghị mua hàng với mức giá thấp hơn mức giá thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng. Bên bán đã từ chối đề nghị này và sau đó bán lại hàng hóa với mức giá thấp hơn giá thỏa thuận trong hợp đồng cũng như giá do bên mua đề nghị.[19] Vậy, giao dịch bán lại đó có được xem là biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất? Nếu việc chấp nhận đề nghị không dẫn đến việc bên bán phải từ bỏ quyền hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại thì việc bán cho bên mua với giá thấp hơn là biện pháp hạn chế tổn thất hợp lý, với điều kiện không có giao dịch tương tự nào khác với bên thứ ba đạt được mức giá cao hơn giá do bên mua đề nghị. Ngược lại, nếu việc chấp nhận đề nghị theo quy định cấu thành việc sửa đổi hợp đồng và không có cam kết của bên vi phạm về bồi thường thiệt hại thì không thể xem việc bán lại cho bên vi phạm là biện pháp hạn chế tổn thất hợp lý.[20]
Ví dụ 3: Bên mua (Việt Nam) và bên bán (Thụy Sĩ) ký hợp đồng mua bán 25.000 tấn phân Urea, xuất xứ hàng hóa từ Nga và/ hoặc Ukraina, giá 239 USD/ tấn, thời gian giao hàng chậm nhất là 31/01/2009. Ngày 8/1/2009, bên bán thông báo tình trạng bất khả kháng do nguồn khí thiên nhiên cho công nghiệp phân bón từ Nga cung cấp cho Ukraina bị ngưng nên bên bán không thể giao hàng theo hợp đồng. Bên mua không chấp nhận và cho rằng hợp đồng có xuất xứ mở (open origin). Theo đó, nguồn hàng có thể được cung cấp từ Nga và/ hoặc Ukraina nên bên bán, nếu không thể cung cấp hàng từ nguồn Ukraina, vẫn có thể giao hàng có xuất xứ từ Nga. Bên mua đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng với việc gia hạn thời hạn giao hàng. Ngày 9/1/2009, bên bán đề nghị giao cho bên mua lô hàng 15.000 tấn SA giá rẻ, dùng để thay thế lô hàng Urea như một sự bồi thường để hủy hợp đồng mua bán Urea. Bên mua không chấp nhận mua SA như là phương án đền bù cho lô Urea. Ngày 17/2/2009, bên bán thông báo cho bên mua về việc nhà cung cấp (DneproAzot) đang trong quá trình khởi động sản xuất Urea trở lại nên đề nghị bên mua tái thiết lập hợp đồng giao hàng tháng 3/2009 với điều kiện điều chỉnh giá hợp đồng là 345 USD/tấn. Nếu bên mua không đồng ý, bên bán sẽ hủy hợp đồng theo điều khoản bất khả kháng đã thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Cùng ngày, bên mua trả lời không chấp nhận thực hiện tiếp hợp đồng với giá điều chỉnh (345 USD/ tấn) và bên bán tuyên bố hủy hợp đồng. Bên mua khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc bên bán bồi thường thiệt hại là khoản lợi trực tiếp mà bên mua đáng lẽ được hưởng nếu không có vi phạm hợp đồng (bên mua chứng minh được thông qua các hợp đồng bán lại cho các bên thứ ba số lượng hàng hóa sẽ nhận từ nguồn nhập khẩu theo hợp đồng với bên bán). Quyết định của Tòa án cho thấy bên bán không thuộc trường hợp bất khả kháng và yêu cầu buộc bồi thường thiệt hại của bên mua được chấp nhận. Theo đó, thiệt hại được xác định bằng tổng doanh thu của các hợp đồng bán lại trừ đi giá hàng nhập khẩu theo hợp đồng, thuế và các chi phí cần thiết[21]. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trong số các lập luận của mình, bên bán cho rằng bên mua đã vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nếu thật sự có tổn thất, bởi hai lẽ: i. bên mua đã không mua phân Urea thay thế tại thị trường nội địa ở mức giá thấp để bán cho các bên mua lại vào thời điểm tháng 2/2009; ii. bên mua đáng lẽ nên chấp nhận lô hàng thay thế là phân SA theo đề nghị ngày 9/1/2009 của bên bán để hạn chế tổn thất vì mức giá SA rất cạnh tranh vào thời điểm đó.
Đối với lập luận thứ nhất, Tòa án đã chứng minh giá mua hàng hóa trong nước để thay thế cao hơn giá bán lại cho các bên thứ ba, nên không thể hạn chế tổn thất bằng việc mua hàng thay thế này. Mặt khác, việc chứng minh bên mua vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất thuộc về bên bán nhưng thực tế việc chứng minh này không thể khi chính bên bán đã đề nghị mức giá mới (345 USD/ tấn). Điều này cho thấy bên bán hoàn toàn có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng và nếu theo giá mới thì phần thiệt hại của bên mua còn nhiều hơn so với khoản yêu cầu. Đối với lập luận thứ hai, Tòa án chỉ nhận định việc không chấp nhận lô hàng phân SA là quyền của bên mua. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ở điểm này, nếu hiểu rằng việc chấp nhận đề nghị dẫn đến việc bên mua phải từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với lô hàng Urea thì không thể xem việc chấp nhận mua lô hàng phân SA là biện pháp hạn chế tổn thất hợp lý. Trong trường hợp này, bên bán đã đề nghị giao cho bên mua lô hàng phân SA như một sự bồi thường để hủy hợp đồng mua bán lô hàng phân Urea mà không có cam kết của bên bán về bồi thường thiệt hại đối với lô hàng phân Urea (kể cả sau khi đã thực hiện việc bù trừ lợi ích) thì bên mua cũng không phải chịu trách nhiệm đối với phần tổn thất đáng lẽ có thể khắc phục được bằng lợi ích thu được từ việc mua bán lô hàng phân SA. Như vậy, chỉ xem xét dưới góc độ nghĩa vụ hạn chế tổn thất nếu việc chấp nhận đề nghị không dẫn đến việc bên bị vi phạm phải từ bỏ quyền đối với vi phạm hợp đồng.
Thứ năm, thời hạn hợp lý để hạn chế tổn thất cũng là yếu tố quan trọng phải tính đến. Theo đó, nghĩa vụ này phải được thực hiện sớm nhất có thể, nhằm tránh buộc bên vi phạm phải gánh chịu thiệt hại do diễn biến ngày càng bất lợi của thị trường trong trường hợp bên bị vi phạm trì hoãn việc thực hiện giao dịch thay thế.[22] Vì vậy, việc xác định thời hạn hợp lý của giao dịch thay thế đặt ra yêu cầu phải đánh giá nỗ lực của bên bị vi phạm trong việc tiến hành đàm phán, giao kết hợp đồng thay thế hay tìm kiếm thị trường tiêu thụ … Như vậy, tính hợp lý của biện pháp hạn chế tổn thất phải được xem xét trong mắt xích diễn biến của các sự kiện, được kết nối và đánh giá một cách toàn diện, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của giao dịch và đặt trong điều kiện phải tính đến lợi ích của các bên trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc thiện chí khi thực hiện hợp đồng.
2. Mối quan hệ giữa nghĩa vụ hạn chế tổn thất và cách thức xác định thiệt hại
Nếu bên bị vi phạm hủy hợp đồng và thực hiện giao dịch thay thế thì theo quy định của Điều 75 CISG (cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi thực tế – concrete formula), thiệt hại được xác định là chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá trong giao dịch thay thế (giá mua hàng thay thế hay giá bán lại hàng) và các khoản thiệt hại khác có thể yêu cầu theo Điều 74 CISG. Nếu bên bị vi phạm hủy hợp đồng nhưng không thực hiện giao dịch thay thế thì theo Điều 76 CISG (cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định – abstract formula), thiệt hại được xác định là chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá hiện hành vào thời điểm hủy hợp đồng, cùng các khoản thiệt hại khác có thể yêu cầu theo Điều 74 CISG. Nguyên tắc hạn chế tổn thất cũng phụ thuộc vào việc áp dụng biện pháp nào để xác định thiệt hại:
- Nếu áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi thực tế” thì việc áp dụng quy định về nghĩa vụ hạn chế tổn thất phải dựa trên việc đánh giá hành vi thực tế của bên bị vi phạm.
- Nếu áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” thì hành vi xảy ra sau vi phạm không ảnh hưởng đến việc xác định thiệt hại. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất được viện dẫn trên cơ sở cho rằng bên bị vi phạm lẽ ra đã hạn chế tổn thất vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Do vậy, lợi ích đạt được hoặc tổn thất phát sinh sau thời điểm này sẽ không được tính đến. Điều này cũng có nghĩa là bên bị vi phạm có thể được bồi thường vượt quá thiệt hại thực tế hoặc không được bồi thường đầy đủ.
“Cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” được áp dụng khi (a) bên bị vi phạm không thực hiện giao dịch thay thế; hoặc (b) các điều kiện để áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi thực tế” không được đáp ứng;[23] hoặc (c) không thể xác định được giao dịch nào là giao dịch thay thế. Vậy, nếu “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” được áp dụng thì có khả năng nguyên tắc hạn chế tổn thất không được xét đến, bởi lẽ cách này dựa trên giao dịch thay thế mang tính giả định, trong khi bên bị vi phạm phải thực hiện các biện pháp thực tế để hạn chế tổn thất.
Trở lại với ví dụ 2 về trường hợp bên bị vi phạm (bên bán) từ chối đề nghị của bên vi phạm (bên mua) và sau đó bán lại hàng hóa cho bên thứ ba với giá thấp hơn giá mà bên mua đã đề nghị. Như phân tích ở trên, nếu áp dụng nguyên tắc hạn chế tổn thất thì mức bồi thường không vượt quá phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá được bên mua đề nghị, bởi lẽ nếu bên bán hành động một cách hợp lý thông qua việc chấp nhận đề nghị của bên mua thì thiệt hại sẽ được giới hạn ở mức thấp hơn. Nếu áp dụng theo “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” và trong trường hợp giá do bên mua đề nghị cao hơn giá hiện hành thì sẽ dẫn đến trường hợp bên bán được bồi thường vượt quá mức thiệt hại phải gánh chịu. Vậy, vấn đề đặt ra là, có nên hiểu rằng nguyên tắc hạn chế tổn thất trong trường hợp này cần được ưu tiên áp dụng so với “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định”.
Ví dụ 4: Sau khi bên vi phạm (bên mua) từ chối nhận hàng, bên bị vi phạm (bên bán) đã trì hoãn việc hủy hợp đồng và thực hiện giao dịch thay thế nhằm thăm dò sự biến động giá trên thị trường. Nếu việc thăm dò không đem lại kết quả (thị trường tiếp tục biến động theo hướng giảm mạnh), thì bên bán cuối cùng cũng quyết định hủy hợp đồng và bán lại hàng hóa cho bên thứ ba. Nếu nguyên tắc hạn chế tổn thất được áp dụng thì thiệt hại được xác định dựa trên việc lẽ ra bên bán phải hủy hợp đồng và thực hiện giao dịch thay thế vào thời điểm sớm hơn trên thực tế khi mà giá hàng hóa còn ở mức cao hơn mức giá trong giao dịch bán lại với bên thứ ba. Tuy nhiên, nếu áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” thì thiệt hại được bồi thường là phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá hiện hành vào thời điểm hủy hợp đồng. Do đó, khoản thiệt hại được bồi thường này cao hơn so với khoản thiệt hại được xác định dựa trên nguyên tắc hạn chế tổn thất.[24] Về vấn đề này, bên bán có thể chịu rủi ro do việc thăm dò thị trường nhưng không được tích tụ rủi ro đó vào chi phí của bên vi phạm. Nghĩa là, bồi thường thiệt hại không được vượt quá mức thiệt hại lẽ ra có thể hạn chế được.
CISG nghiêng về việc xác định thiệt hại dựa vào hành vi thực tế và đặt mục đích của việc bồi thường là để bù đắp thiệt hại cho bên bị vi phạm, trả bên này về vị trí mà lẽ ra đạt được nếu hợp đồng được thực hiện đúng. Với cách hiểu này, việc áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” cần được giới hạn nếu việc áp dụng dẫn đến một khoản lợi vượt quá mục đích bù đắp thiệt hại như đã đề cập.
Ví dụ 5: Bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Bên mua mua hàng hóa này để bán lại. Tuy nhiên, bên mua sau đó đã thuyết phục được bên mua lại chấp nhận hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mà không áp dụng biện pháp giảm giá cũng như không áp dụng chế tài dẫn đến phát sinh trách nhiệm của bên mua.[25] Nếu “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” được áp dụng thì bên mua được yêu cầu bồi thường thiệt hại với mức bằng phần chênh lệch giữa giá thị trường của hàng hóa phù hợp với hợp đồng và giá của hàng hóa thực giao. Tuy nhiên, nếu áp dụng nguyên tắc hạn chế tổn thất thì việc bên mua đã thuyết phục được bên mua lại chấp nhận hàng hóa không phù hợp với hợp đồng (mà không làm phát sinh trách nhiệm nào của bên mua) được xem là biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Trong trường hợp này, tổn thất đã được khắc phục toàn bộ nên bên mua không chịu thiệt hại thực tế nào và do vậy cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường của bên bán. Như vậy, với những phân tích ở trên, có thể nhận thấy CISG kết hợp “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi thực tế” và nguyên tắc hạn chế tổn thất để xác định mức thiệt hại bồi thường. “Cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định” chỉ nên được áp dụng trong trường hợp không thể áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi thực tế” và trong trường hợp đó, nguyên tắc hạn chế tổn thất sẽ đặt mức trần giới hạn cho khoản thiệt hại được bồi thường. Nói cách khác, nguyên tắc hạn chế tổn thất được ưu tiên áp dụng, bởi lẽ nguyên tắc này cho phép xác định tính hợp lý dựa trên hành vi thực tế của bên bị vi phạm.
Một vấn đề khác đặt ra là, nếu việc xác định mức bồi thường phải xét đến hành vi thực tế của bên bị vi phạm thì lợi ích đạt được sau thời điểm vi phạm có được bù trừ với thiệt hại được xác định để bồi thường không?
Ví dụ 6: Bên bán sau khi ký hợp đồng bán tòa nhà cho bên mua với một mức giá cao ($1,1 triệu, trong khi giá mua ban đầu nhằm mục đích làm trụ sở hoạt động là $375,000). Sau đó, bên bán đã mua một tòa nhà khác thay thế để làm trụ sở hoạt động (giá mua: $510,000). Tuy nhiên, bên mua không thực hiện hợp đồng và do vậy bên bán giữ lại tòa nhà thứ nhất cho mục đích ban đầu (làm trụ sở) và bán tòa nhà thứ hai (đã mua với mục đích thay thế tòa nhà thứ nhất làm trụ sở) với giá $3 triệu – hành vi này là hệ quả do vi phạm của bên mua. Bên bán yêu cầu bồi thường thiệt hại ở mức $400,000 – chênh lệch giữa giá hợp đồng ($1,1 triệu) và giá thị trường của tòa nhà vào thời điểm vi phạm ($700,000) (biết rằng giá tòa nhà thứ nhất tiếp tục tăng vào thời điểm tòa án xét xử tranh chấp vì lên đến $4 triệu).[26] Nếu nhìn từ góc độ nguyên tắc hạn chế tổn thất thì thiệt hại được xác định vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm hoặc một thời hạn hợp lý sau đó – thời hạn mà bên bị vi phạm lẽ ra phải hạn chế tổn thất bằng một giao dịch thay thế. Nếu giải thích như vậy thì thiệt hại đã được ấn định và giá trị tòa nhà tăng hoặc giảm sau đó được xem là rủi ro của bên bán. Cách giải thích này không phù hợp với nguyên tắc xác định thiệt hại thực tế nếu áp dụng cho trường hợp được đề cập. Bởi lẽ, bên bán đã hành động hợp lý trong việc không bán lại tòa nhà, nên yêu cầu bồi thường thiệt hại cần được xác định dựa trên thiệt hại thực tế có tính đến các hành vi sau vi phạm (subsequents events), chứ không phải chỉ được xác định vào thời điểm vi phạm (breach-date loss). Bên bán có nghĩa vụ hạn chế tổn thất nhưng không có nghĩa là phải thực hiện một giao dịch bán lại trên thực tế mà có thể hiểu rằng thiệt hại được xác định dựa trên cơ sở tòa nhà được bán với giá thị trường. Do vậy, lợi ích đạt được phải được bù trừ với thiệt hại, nhằm bảo đảm việc bồi thường toàn bộ thiệt hại không đặt bên bị vi phạm vào vị trí tốt hơn vị trí mà lẽ ra bên này đạt được nếu hợp đồng được thực hiện đúng.
Như vậy, việc xác định “thời điểm tính thiệt hại” (the date for assessment of damages) được đặt ra khi áp dụng nguyên tắc hạn chế tổn thất. Nếu việc xác định này không tính đến lợi ích mà bên bị vi phạm đạt được do các hành vi sau vi phạm thì việc chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại được xác định vào thời điểm vi phạm sẽ dẫn đến bồi thường vượt quá thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm.[27]
Ví dụ 7: Bên bán có nghĩa vụ giao hàng là máy phát điện cho bên mua với giá $250,000. Tuy nhiên, bên bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Bên mua, sau khi quá thời hạn yêu cầu khắc phục mà bên bán không thực hiện, đã mua máy khác thay thế (chi phí: $78,186). Máy được thay thế có tính năng vượt trội so với máy mà lẽ ra bên bán giao theo hợp đồng và đem lại lợi nhuận cho bên mua nhiều hơn so với việc được bên bán thay thế bằng một máy khác phù hợp với hợp đồng. Thực tế, lợi ích do máy mới đem lại lớn hơn chi phí phát sinh do mua máy mới thay thế và bên mua đã ở vào tình trạng tốt hơn nếu lẽ ra bên bán thay thế bằng một máy khác phù hợp với hợp đồng của các bên. Tuy nhiên, bên mua vẫn yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với (1) chi phí phát sinh do việc phải vận hành máy không phù hợp với hợp đồng cho đến khi được thay thế; và (2) chi phí mua và lắp đặt máy mới thay thế. [28] Khoản bồi thường (2) không được chấp nhận, bởi lẽ hành vi mà bên mua đã thực hiện (mua máy mới) phát sinh do vi phạm của bên bán. Hành vi này khắc phục được thiệt hại, do vậy cần được tính đến khi xác định mức thiệt hại bồi thường, nếu không sẽ đặt bên mua vào vị trí tốt hơn vị trí mà lẽ ra bên này đạt được nếu hợp đồng được thực hiện đúng.
Nếu chấp nhận quan điểm lợi ích đạt được sau thời điểm vi phạm được bù trừ với thiệt hại khi xác định mức bồi thường, thì vấn đề pháp lý khác đặt ra là phải giới hạn lợi ích được bù trừ, theo đó chỉ những lợi ích nào thỏa điều kiện “sẽ không đạt được nếu không có hành vi vi phạm” thì mới được tính đến. Một nguyên tắc cơ bản đã được khởi tạo từ án lệ British Westinghouse là: giao dịch được thực hiện sau vi phạm, nếu được tính đến để bù trừ thiệt hại, thì phải là giao dịch phát sinh do hậu quả của vi phạm và không phải là giao dịch độc lập (independent or disconnected transaction). Bổ sung cho nguyên tắc này, lợi ích phải phát sinh từ chính hành vi hạn chế tổn thất.[29] Như vậy, để xác định lợi ích phát sinh do hậu quả của vi phạm/ từ chính hành vi hạn chế tổn thất, có quan điểm cho rằng cần phân biệt lợi ích này với lợi ích phát sinh độc lập với hành vi vi phạm. Theo đó, lợi ích phát sinh độc lập với hành vi vi phạm trong trường hợp bên bị vi phạm thực hiện vượt mức so với yêu cầu mà nghĩa vụ hạn chế tổn thất đặt ra. Cụ thể, trong trường hợp bên vi phạm không giao hàng hoặc không nhận hàng, nếu bên bị vi phạm thực hiện giao dịch bán lại/ mua lại sau khi xảy ra hành vi vi phạm (vượt khỏi yêu cầu mà nghĩa vụ hạn chế tổn thất đặt ra) bởi vì điều kiện thị trường đang tiếp tục diễn biến theo hướng có lợi cho bên này thì đó là giao dịch độc lập, được thực hiện do việc đánh giá thị trường của bên bị vi phạm, mà không phải là việc thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Có thể nhận thấy rằng thiệt hại của bên bị vi phạm được ấn định (crystallization) vào thời điểm vi phạm do hành vi không giao hàng hoặc không nhận hàng, nên hành vi xảy ra tiếp sau thời điểm thiệt hại được ấn định (giao dịch thay thế) không được tính đến và không xem là phát sinh do hậu quả của vi phạm, hay do nguyên tắc hạn chế tổn thất.[30] Tuy nhiên, quan đểm này phản ánh sự tiếp cận theo “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định”, và do vậy không phù hợp với nguyên tắc xác định thiệt hại thực tế mà CISG hướng đến. Theo đó việc xác định thiệt hại được ưu tiên theo “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi thực tế” kết hợp với nguyên tắc hạn chế tổn thất. Vì lẽ đó, một quan điểm thay thế khác được đặt ra là không nhất thiết phải phân chia lợi ích đạt được theo cách như trên mà áp dụng nguyên tắc “hành vi mà bên bị vi phạm thực hiện, tuy không phải xuất phát từ yêu cầu của nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nhưng nếu hạn chế được tổn thất thì mức bồi thường thiệt hại cũng cần phải được bù trừ tương ứng với mức tổn thất đã hạn chế được”.[31]
Ví dụ 8: Bên bán vi phạm hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ giao hàng (giá hợp đồng của hàng hóa là 16s3d/ ton, trong khi giá thị trường của hàng hóa vào thời điểm vi phạm là 23s6d/ ton. Bên mua đã giao kết hợp đồng bán lại hàng hóa cho bên mua lại với giá 19s/ ton, trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận bên mua không có nghĩa vụ giao hàng nếu bên bán hàng cho mình cũng vi phạm nghĩa vụ giao hàng. Bên mua yêu cầu được bồi thường 7s3d/ ton (bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường của hàng hóa vào thời điểm vi phạm và giá hợp đồng của hàng hóa). Bên bán chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại thực tế là 2s9d/ ton (bằng mức chênh lệch giữa giá hợp đồng của hàng hóa và giá bán lại hàng hóa này cho bên thứ ba).[32] Lập luận cho việc bồi thường ở mức 7s3d/ ton là do thiệt hại đã được ấn định vào thời điểm vi phạm (crystallization). Theo đó, bên mua không được nhận hàng, do vậy bên mua có quyền được đặt vào vị trí mà lẽ ra đạt được nếu được giao hàng đúng hạn – tức là vị trí của bên có được hàng hóa với mức giá thị trường vào thời điểm hàng được giao đúng hạn. Cho nên hợp đồng bán lại được giao kết với mức giá thấp hơn giá thị trường vào thời điểm vi phạm không liên quan đến việc xác định thiệt hại. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục do bên mua đã không mua hàng thay thế với mức giá thị trường để hoàn thành giao dịch bán lại và trên thực tế được miễn trừ trách nhiệm trước bên mua lại do thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên. Trong trường hợp này, việc không tính đến giao dịch thay thế dẫn đến việc bồi thường quá mức thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu. Do vậy, thiệt hại cần được xác định là mức chênh lệch giữa giá hợp đồng của hàng hóa và giá bán lại hàng hóa cho bên thứ ba. Theo đó, mức giá bán lại được sử dụng thay cho giá thị trường để xác định thiệt hại.
Nghĩa vụ hạn chế tổn thất theo Điều 77 CISG hay Điều 305 Luật Thương mại năm 2005 đều buộc bên bị vi phạm phải áp dụng các biện pháp để giảm thiểu hoặc khắc phục thiệt hại trong chừng mực mà tính hợp lý đặt ra. Tính hợp lý này xét từ góc độ nguyên tắc thiện chí khi thực hiện hợp đồng yêu cầu bên bị vi phạm khi thực hiện phải tính đến sự cân bằng lợi ích của các bên trong giao dịch. Tuy nhiên, tính hợp lý không có nghĩa là chỉ chấp nhận các biện pháp hạn chế tổn thất nào có chi phí thấp hơn thiệt hại trong trường hợp mà thiệt hại này có thể được xác định nếu không áp dụng biện pháp hạn chế tổn thất. Như vậy, nếu tiêu chí tính hợp lý được bảo đảm thì chi phí do việc thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất phải được bên vi phạm bồi hoàn, cho dù chi phí này trong thực tế có thể lớn hơn thiệt hại lẽ ra bên vi phạm phải chịu nếu không có việc thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Về nguyên tắc, tính hợp lý được đánh giá tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của giao dịch, chẳng hạn như một giao dịch thay thế được xem là một biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất nếu i. được loại trừ khỏi tình huống “bồi thường thiệt hại từ việc mất doanh thu bán hàng” và ii. được thực hiện ở mức có thể trông đợi ở bên bị vi phạm một cách hợp lý, có tính đến lợi ích của bên vi phạm, trong đó bao gồm những yếu tố quan trọng cần xem xét như giá thị trường, tính chất của giao dịch, mục đích của việc giao kết hợp đồng ban đầu, khả năng dự liệu trong phạm vi hiểu biết của bên bị vi phạm, hành vi thực tế của các bên trong giao dịch và thời hạn hợp lý để hạn chế tổn thất. Mặt khác, nghĩa vụ hạn chế tổn thất được xác định như một biện pháp giới hạn thiệt hại. Theo đó, những tổn thất đáng lẽ có thể khắc phục được một cách hợp lý và những tổn thất đã khắc phục được đều cần được tính đến khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Lợi ích đạt được do thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất hoặc do hành vi thực tế của bên bị vi phạm có thể vượt mức mà nghĩa vụ hạn chế tổn thất đặt ra. Tuy nhiên, nếu việc thực hiện hành vi của bên này thực sự hạn chế được tổn thất thì phần hạn chế được cần được bù trừ khi xác định thiệt hại phải bồi thường. Bởi lẽ, nguyên tắc cơ bản trong việc ràng buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: một bên nếu phải chịu thiệt hại do vi phạm hợp đồng và nếu thiệt hại trong chừng mực có thể bù đắp bằng tiền, thì việc bồi thường phải đặt bên bị vi phạm vào vị trí lẽ ra đạt được nếu hợp đồng được thực hiện đúng.[33] Nếu theo nguyên tắc này, lợi ích đạt được phát sinh từ hành vi xảy ra sau vi phạm cần phải được tính đến nhằm tránh trường hợp bồi thường vượt quá mức mà bên bị vi phạm thực tế phải gánh chịu.
CHÚ THÍCH
[1] MA Eisenberg, “The Duty to Rescue in Contract Law”, 71 Fordham L Rev, 2002 – 2003, tr. 659; Harvey MCGregor QC, “The Role of Mitigation in the Assessment of Damages” in D Saidov and R Cunnington (eds), Contract Damages: Domestic and International Perspectives, Oxford, Hart Publishing, 2008, tr. 331; Lookofsky Joseph, Understanding the CISG, A Compact Guide to the 1980 United Nations Convention on contract for the International Sale of Goods, 3rd Edition (Worldwide), Kluwer Law International, 2008, tr. 135.
[2] Djakhongir Saidov, The Law of Damages in International Sales – The CISG and other International Instruments, Hart Publishing, 2008, tr. 132; Case No 18U 121/97 Appellate Court Köln (Germany) 21 August 1997 (aluminium hydroxide case), http://cisg3.law.pace.edu/cases/970821g1.html, truy cập ngày 17/06/2018.
[3] Harvey MCGregor (with contributons by Martin Spencer and Julian Picton), MCGregor on Damages (London: Sweet & Maxwell, 19th Ed, 2016) at paras 9-004-9-006, dẫn theo Katy Barnett, “Substitutive Damages and Mitigation in Contract Law”, 28 Singapore Academy of Law Journal 795, 2016, tr. 801.
[4] Katy Barnett, tlđd, tr. 808; Knapp, Victor, “Article 77” in Bianca, C.M. amd Bonell, M.J., Commentary on the International Sales Law – The 1980 Vienna Sales Convention, Milan 1987, tr. 561; Peter Riznik, “Some Aspects of Loss Mitigation in International Sale of Goods”, 14 Vindobona Journal of International Commercial Law and Arbitration, No. 2, 2010, tr. 279.
[5] Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 137.
[6] MA Eisenberg, tlđd, tr. 659-660; Harvey MCGregor QC, tlđd, tr. 336.
[7] Nghĩa vụ hạn chế tổn thất gắn với yêu cầu thực hiện hành vi (các biện pháp hợp lý), chứ không ràng buộc kết quả của việc thực hiện hành vi. Về vấn đề này, xem thêm Louis Thibierge, “The Obligation to Mitigate Loss”, 4 International Business Law Journal, Vol. 365, 2016, tr. 375.
[8] Opie Elizabeth, Commentary on the manner in which the UNIDROIT Principles may be used to interpret or supplement Article 77 of the CISG, January 2005, Section III, tr. 1; Stoll, H. and Gruber, G., “Article 77” in Schlechtriem, P. and Schwenzer, I., Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG), 2nd Edition, Oxford University Press, New York, 2005, tr. 790, dẫn theo Peter Riznik, tlđd, tr. 271-272.
[9] Harvey MCGregor QC, tlđd, tr. 332.
[10] Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr.133; Victor, “Article 77” in Bianca, C.M. amd Bonell, M.J., Commentary on the International Sales Law – The 1980 Vienna Sales Convention, Milan 1987, p.560; Stoll, H. and Gruber, G., “Article 77” in Schlechtriem, P. and Schwenzer, I., Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG), 2005, 2nd Edition, Oxford University Press, New York, tr.790, dẫn theo Peter Riznik, tlđd, tr. 272; Andrew Steinman, Michael Tersigni, Impecuniosity and the Duty to Mitigate in Breach of Contract, 39 The Advocates’Quarterly, No. 382, 2012, tr. 392-393.
[11] Về vấn đề này, có nhiều quan điểm khác nhau, xem thêm David McLauchlan, tlđd, tr. 366-367; Harvey MCGregor QC, tlđd, tr. 338; Adam Kramer, The Law of Contract Damages, Oxford: Hart Publishing, 2014, tr. 137-141; Harvey MCGregor (with contributons by Martin Spencer & Julian Picton), MCGregor on Damages (London: Sweet & Maxwell, 19th Ed, 2016) at paras 9-103, dẫn theo Katy Barnett, tlđd, tr. 801.
[12] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 175.
[13] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 135 – 136, 174 – 175.
[14] Case No 411 O 199/02 District Court Hamburg (Germany) 26 November 2003 (Phtalic anhydride case), http://cisg3.law.pace.edu/cases/031126g1.html, truy cập ngày 17/06/2018; ICC Arbitration Case No 8128 of 1995 (Chemical fertilizer case), http://cisg3.law.pace.edu/cases/958128i1.html, truy cập ngày 17/06/2018; Case No 419 O 48/01 District Court Hamburg (Germany) 21 December 2001 (Stones case), dẫn theo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 180, http://cisg3.law.pace.edu/cases/011221g1.html, truy cập ngày 17/06/2018.
[15] CIETAC Arbitration proceeding 17 October 1996 (Timplate case), http://cisg3.law.pace.edu/cases/961017c1.html, truy cập ngày 17/06/2018; CIETAC Arbitration proceeding 29 September 2004 (India rapeseed meal case), dẫn theo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 181, http://cisg3.law.pace.edu/cases/040929c1.html.
[16] Case No 17 U 146/93 Appellate Court Düsseldorf (Germany) 14 January 1994 (Shoes case),.http://cisg3.law.pace.edu/cases/940114g1.html, truy cập ngày 17/06/2018; Case No 7 O 43/01 District Court Göttingen (Germany) 20 September 2002 (Mattresses and bedding accessories case), dẫn theoDjakhongir Saidov, tlđd, tr. 135-136, http://cisg3.law.pace.edu/cases/020920g1.html, truy cập ngày 17/06/2018.
[17] CIETAC Arbitration proceeding 29 September 1997 (Aluminium oxide case), dẫn theoDjakhongir Saidov (2008), tlđd, tr. 136-137, http://cisg3.law.pace.edu/cases/970929c1.html, truy cập ngày 17/06/2018.
[18] Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 137.
[19] Xem International Jute Maatschappij BV v Marín Palomares SL Supreme Court (Spain) 28 January 2000, dẫn theo Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 183, http://cisg3.law.pace.edu/cases/000128s4.html, truy cập ngày 17/06/2018.
[20] Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 138-139.
[21] Bản án số 802/2012/KDTM-ST ngày 11/6/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” và Bản án số 14/2012/KDTM-PT ngày 17/10/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
[22] Honnold, O.John, Uniform Law for International Sales under the 1980 United Nations Convention, 3rd Edition, Kluwer Law International, 1999, tr. 457; Oberlandesgericht Düsseldorf (Germany) 14 January 1994,.http://www.cisg-online.ch/cisg/urteilel/119.htm, truy cập ngày 17/06/2018 và Kantonsgericht Zug (Switzerland) 12 December 2002, http://cisg3.law.pace.edu/cases/021212s1.html, truy cập ngày 17/06/2018, dẫn theo Peter Riznik (2009), Article 77 CISG: Reasonableness of the Measures Undertaken to Mitigate the Loss, Section 4.3, http://cisgw3.law.pace.edu/cisg/biblio/riznik.html, truy cập ngày 17/06/2018.
[23] Về các điều kiện này, xem thêm Điều 75 CISG và Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 174 – 185.
[24] Về quan điểm ủng hộ cho việc áp dụng “cách xác định thiệt hại dựa trên hành vi giả định”, xem thêm Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 194. Theo đó, rủi ro do việc thăm dò thị trường thuộc về bên bị vi phạm, nếu ngược lại thị trường biến động theo hướng giá tăng thì bên bị vi phạm tự chịu phần giảm sút do việc trì hoãn thực hiện giao dịch thay thế của mình.
[25] Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 216.
[26] Xem Turner v Superannuation & Mutual Savings Ltd, I NZLR 218 (NZHC), 1987, dẫn theo David McLauchlan, “Expectation Damages: Avoided Loss, Offsetting Gains and Subsequent Events” in D Saidov and R Cunnington (eds), Contract Damages: Domestic and International Perspectives, Oxford, Hart Publishing, 2008, tr. 351-352.
[27] David McLauchlan, tlđd, tr. 353-354.
[28] The British Westinghouse Electric and Manufacturing Co Ltd v Underground Electric Railways co of Lon Ltd [1912] AC 673 (HL), dẫn theo David McLauchlan, tlđd, tr. 361 – 362.
[29] Harvey MCGregor QC, tlđd, tr. 338.
[30] Harvey MCGregor QC,), tlđd, tr. 340-341; Katy Barnett, tlđd, tr. 819-820.
[31] David McLauchlan, tlđd, tr. 366.
[32] Williams Bros v Agius [1914] AC 510 (HL), dẫn theo David McLauchlan, tlđd, tr. 364.
[33] Nguyên tắc này xuất phát từ án lệ Robinson v Harman I Ex 850, dẫn theo Harvey MCGregor QC, tlđd, 1848, tr. 329.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(118)/2018 – 2018, Trang 30-41
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý