Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tác giả: ThS. Nguyễn Phương Thảo
TÓM TẮT
Một trong những biện pháp dân sự hữu hiệu để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là buộc bồi thường thiệt hại. Bài viết bình luận bản án giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, tập trung vào yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn và hướng giải quyết của tòa. Những vấn đề bình luận chính gồm: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Xem thêm về Bình luận bản án:
- Bình luận bản án số 42/2010/DS-ST: Sính lễ trong pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Lê Thị Diễm Phương
- Bình luận bản án: Ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại
- Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Ngọc Hồng Phượng
- Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo
TỪ KHÓA: bồi thường thiệt hại, sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần,
Bản án số 11/2011/KDTM-ST ngày 04/01/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (trích)
XÉT THẤY:
Tranh chấp giữa các bên liên quan đến đối tượng quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền tác giả. Xét yêu cầu của nguyên đơn, theo các tài liệu do nguyên đơn cung cấp, Hội đồng xét xử nhận thấy:
1/ Nguồn gốc bản quyền bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương- 30 tập do Công ty Sanlih E. Television Co. Ltd. (Đài Loan) sản xuất và cấp phép độc quyền phát hành, sao chép và phân phối trên lãnh thổ Việt Nam từ ngày 01/9/2008 đến ngày 31/8/2012 cho Công ty Wan Ngai Enterprise Inc. Ltd. (Hoa Kỳ), văn bản công bố cấp phép đề tháng 9/2008. Theo nội dung cấp phép này thì Công ty Wan Ngai còn được cấp phép phụ cho bên thứ ba.
2/ Công ty Wan Ngai bằng văn bản không đề ngày tháng năm, ủy quyền về bản quyền cho Công ty SanYang các quyền truyền hình và video trên lãnh thổ Việt Nam đối với ba bộ phim, trong đó có bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương. Văn bản này do David Han – Giám đốc chương trình của Công ty Wan Ngai ký tên không có đóng dấu của công ty. Đến ngày 13/8/2010, đại diện Công ty Ảnh Vương (nguyên đơn) nộp cho Tòa một giấy ủy quyền về bản quyền có nội dung như giấy ủy quyền do ông David Han ký. Giấy ủy quyền này đề ngày 03/8/2010 do ông Frankie Chen – Chủ tịch Công ty Wan Ngai ký và đóng dấu, có công chứng. Xét rằng nội dung các văn bản này đều xác định về ủy quyền cho Công ty SanYang nên được chấp nhận.
3/ Ngày 15/8/2008, Công ty SanYang ký hợp đồng số 11AV-SY/1008 với Công ty Ảnh Vương và bán quyền phát sóng bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương cho Công ty Ảnh Vương trên lãnh thổ Việt Nam từ ngày 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010. Tuy rằng hợp đồng được ký trước ngày Công ty Wan Ngai ủy quyền bản quyền cho SanYang, nhưng các quyền này cũng chỉ phát sinh kể từ ngày 01/9/2010 khi SanYang có quyền, và chuyển giao quyền này cho Công ty Ảnh Vương nên vẫn được chấp nhận.
Như vậy, Công ty Ảnh Vương có quyền sử dụng bộ phim này, có bản quyền phát sóng bộ phim trong thời gian từ ngày 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010 trên các đài truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam. Việc Công ty Ảnh Vương kiện Công ty Phượng Tùng về việc Công ty Phượng Tùng không có bản quyền hợp pháp lại bán quyền phát sóng bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương cho các đài truyền hình tại Việt Nam, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Ảnh Vương là có cơ sở để xem xét.
Xét Công ty Phượng Tùng mua bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương của Công ty Fafilm Việt Nam theo hợp đồng mua bán phim số 372/HĐKT-FFVN-2007 ký ngày 07/12/2007, theo đó Công ty Phượng Tùng được phát sóng bộ phim tại đài truyền hình trên toàn quốc. Thời lượng phát sóng là 24 tháng. Công ty Fafilm nhận mua bản quyền bộ phim này từ đối tác nước ngoài nhưng không biết rằng bên bán không có bản quyền. Công ty Phượng Tùng ký hợp đồng mua bán cho các đài truyền hình địa phương để phát sóng trong thời gian từ ngày 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010, dù là vô tình cũng đã xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu quyền tác giả mà Công ty Ảnh Vương có được.
Xét yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty Ảnh Vương:
1/ Tổn thất tài sản là trị giá tiền mua bản quyền phim 39.000 USD.
2/ Mất cơ hội kinh doanh 10% của 39.000 USD – là 3.900 USD.
Tổng cộng là 42.900 USD, quy đổi thành tiền đồng Việt Nam là 816.816.000 đồng (tỷ giá 19.040 đồng/USD).
Công ty Ảnh Vương không có yêu cầu các biện pháp khác và các thiệt hại về tinh thần nên Tòa không xét.Tòa án nhận định như sau:
1/ Tổn thất tài sản: Công ty Ảnh Vương yêu cầu số tiền mua bản quyền bộ phim là 39.000 USD, tương đương số tiền 742.560.000 đồng; nguyên đơn đã chứng minh số tiền mình phải thanh toán cho Công ty SanYang, là chi phí để mua bộ phim này từ công ty SanYang.
Nguyên đơn căn cứ Điều 17 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (ngày 22/9/2006) cho rằng tổn thất về tài sản trong trường hợp này là giá chuyển giao quyền sử dụng bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian nói trên.
Xét nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.Theo đó, khoản 2 Điều 16 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (ngày 22/9/2006) quy định: “được coi là tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:
a) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;
b) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này;
c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó”.
Căn cứ vào Điều 17 Nghị định 105/2006/NĐ-CP xác định tổn thất về tài sản và giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
Công ty Ảnh Vương cho rằng tổn thất về tài sản của mình là giá mua bộ phim này 742.560.000 đồng, tương đương 39.000 USD.
Công ty Phượng Tùng và Công ty Xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam cho rằng Công ty Ảnh Vương là công ty con của Công ty SanYang, nên giá chuyển giao quyền sử dụng bộ phim 39.000 USD là không có thật; mối quan hệ này giữa Công ty SanYang và Công ty Ảnh Vương các đương sự không chứng minh được, nên không thể chấp nhận lời trình bày này.
Bị đơn cũng cho rằng bộ phim này đã được chiếu ở Việt Nam trước đó – Đài truyền hình Đồng Tháp do Công ty KTL bán, và nhiều đài truyền hình khác đã phát sóng, nên không thể có giá 39.000 USD mà chỉ có giá khoảng 300-400 USD/ tập, tức khoảng 9.000 USD – 12.000 USD. Cụ thể như hợp đồng mua bán giữa Công ty Xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam và công ty Phượng Tùng ký ngày 07/12/2007 cũng chỉ có giá 135.000.000 đồng. Ngoài ra, khi Công ty Ảnh Vương ký hợp đồng mua quyền sử dụng bộ phim này vào ngày 15/8/2008, bộ phim đã được công chiếu trên nhiều đài truyền hình địa phương. Sau khi nhập phim, theo hợp đồng thì Công ty Ảnh Vương phải thanh toán ngay cho bên bán nhưng mãi đến ngày 14/5/2010 Công ty Ảnh Vương mới có chứng từ chứng minh với tòa về việc thành toán khoản tiền này. Công ty Ảnh Vương không có chứng cứ tin cậy chứng minh lý do của việc thanh toán chậm trễ này. Cũng như việc bộ phim này đã được Đài phát thanh – truyền hình Đồng Tháp phát sóng là có thật, Công ty KTL đã bán bộ phim này trước đó là có thật. Như vậy cho thấy giá chuyển nhượng theo trình bày, chứng minh của Công ty Ảnh Vương là không rõ ràng. Cách tính tổn thất theo chi phí mua bản quyền mà nguyên đơn chứng minh không rõ ràng, có nhiều yếu tố khách quan so sánh cho thấy không thể tin được.
Do đó nghĩ nên lấy giá chuyển giao quyền sử dụng bộ phim này trong trường hợp bộ phim được Công ty Xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam chuyển giao cho Công ty Phượng Tùng là 135.000.000 đồng theo hợp đồng đã ký kết thực hiện giữa hai bên.
Ngoài ra, Công ty Ảnh Vương sau khi nhập bộ phim về, không thể hiện hành vi thực hiện mục đích kinh doanh để thu lại giá trị đã chuyển nhượng, như không chứng minh bộ phim đã lồng tiếng Việt; tiếp thị, chào bán bộ phim này cho các đài truyền hình hay xin phép phổ biến bộ phim với cơ quan nhà nước. Trong khi đó, Công ty Ảnh Vương chưa có thu lợi gì từ bộ phim này, như vậy giá trị bị giảm sút, bị mất của giá trị tính thành tiền bộ phim này, Công ty Ảnh Vương cũng phải có một phần lớn trách nhiệm.
Như vậy giá trị bộ phim này bị giảm sút, bị mất là có lỗi của cả hai bên nguyên đơn và bị đơn, bị đơn chỉ có thể chịu ½ trách nhiệm đối với thiệt hại, số tiền 135.000.000 đồng :2 = 67.500.000 đồng.
2/ Về yêu cầu tổn thất về cơ hội kinh doanh: Công ty Ảnh Vương yêu cầu 10% tính trên giá trị mua quyền sử dụng bộ phim thành tiền là 74.256.000 đồng. Xét trước và sau khi Công ty Phượng Tùng xâm phạm bản quyền bộ phim này, Công ty Ảnh Vương không thực hiện hành vi kinh doanh khai thác lợi nhuận từ bộ phim, không có lợi ích, thu nhập nào từ bộ phim, sau khi nhập bộ phim về cũng không có hoạt động kinh doanh nên không có căn cứ để chấp nhận.
Còn lợi nhuận thu được của Công ty Phượng Tùng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Ảnh Vương, chỉ tính từ khi Công ty Ảnh Vương có quyền, sẽ chỉ tính với hợp đồng Công ty Phượng Tùng bán quyền phát sóng bộ phim này cho Đài phát thanh – truyền hình Hậu Giang ngày 27/10/2008, tiền bán được là 90.000.000 đồng.
Theo trình bày của Công ty Phượng Tùng thì số tiền thu được của tiền bán quyền phát sóng cho năm đài truyền hình là 345.000.000 đồng, sau khi trừ các chi phí mua băng trắng, chi phí cho người duyệt chất lượng phim, chi phí in băng, chi phí bưu điện, trừ vốn mua phim, thuế GTGT, thuế TNDN, chi phí nhân công, văn phòng, tiền lợi nhuận thu được là 29.700.000đ; như vậy tiền lợi nhuận thu được từ bán bản quyền phát sóng bộ phim cho đài PT-TH Hậu Giang chỉ khoảng 7.748.000đ.
Như vậy, tổng thiệt hại Công ty Ảnh Vương yêu cầu chỉ được chấp nhận 67.500.000 đ +7.748.000 đ = 75.248.000đ. Công ty Phượng Tùng có trách nhiệm thanh toán ngay cho công ty Ảnh Vương.
Bởi các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 4 Điều 202, Điều 203, Điều 204 và Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005,
Căn cứ Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ,
Căn cứ Mục I Phần B Thông tư liên tịch số 02/2008/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân
[…] Xử:
1/ Chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty Ảnh Vương đối với Công ty Phượng Tùng về việc xâm phạm bản quyền bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương.
2/ Công ty Phượng Tùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty Ảnh Vương số tiền là 75.248.000đ, thanh toán ngay sau khi án có hiệu lực.
1. Thiệt hại thực tế
Trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại kể cả trong lĩnh vực dân sự nói chung hay sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng thì thiệt hại luôn là căn cứ bắt buộc – điều kiện tiên quyết[1] bởi mục đích của việc bồi thường là bù đắp lại những tổn thất mà bên bị thiệt hại phải chịu. Dưới góc độ khoa học pháp lý, thiệt hại là sự thay đổi biến thiên theo chiều xấu đi của tài sản, của các giá trị nhân thân do pháp luật bảo vệ[2]. Khoản 1 và 2 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT năm 2005) ghi nhận: “Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền SHTT đã gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường…”. Do đó, tồn tại thiệt hại là một trong những “điều kiện cần” để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về mặt lý luận, bất cứ một sự vi phạm pháp luật nào cũng dẫn đến thiệt hại, trước hết là làm phá vỡ trật tự xã hội và sự ổn định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải thiệt hại nào cũng là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường, mà thiệt hại đó phải là thiệt hại thực tế – tức là có thể tính toán được.[3] Điều 16 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006[4] và cụ thể hơn là Thông tư 02/2008 quy định ba căn cứ cần phải đáp ứng: Thứ nhất, lợi ích vật chất bị xâm phạm bởi hành vi trái pháp luật là có thực và thuộc về người bị thiệt hại. Thứ hai, người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất. Căn cứ này muốn nhấn mạnh đến tính thực tế của thiệt hại, tức là nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra thì bên bị thiệt hại chắc chắn sẽ đạt được lợi ích. Thứ ba, có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích. Trong vụ việc trên, Công ty Ảnh Vương nhận chuyển giao quyền sử dụng bộ phim và trả chi phí cho Công ty SanYang. Đáng lẽ Công ty Ảnh Vương có thể đạt được những lợi ích vật chất nhất định từ việc khai thác phát sóng bộ phim này tại Việt Nam nhưng vì hành vi của Công ty Phượng Tùng dẫn đến khả năng khai thác tác phẩm bị hạn chế, giảm sút. Đó chính là thiệt hại của Công ty Ảnh Vương. Cụ thể, theo trình bày của Công ty Ảnh Vương, số tiền mua bản quyền bộ phim là 39.000 USD, tương đương 742.560.000 đồng. Mặc dù nhận định “chi phí mua bản quyền mà nguyên đơn chứng minh không rõ ràng” nhưng Tòa án vẫn công nhận Công ty Ảnh Vương đã mất đi khoản chi phí để có được bản quyền phát sóng bộ phim, chỉ không chấp nhận khoản tiền nêu trên. Khi nhận chuyển giao quyền, Công ty Ảnh Vương có bản quyền phát sóng bộ phim trong thời gian từ ngày 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010 trên các đài truyền hình thuộc lãnh thổ Việt Nam. Công ty Phượng Tùng ký hợp đồng với các đài truyền hình địa phương để phát sóng bộ phim trong thời gian từ ngày 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010 (thời gian mà Công ty Ảnh Vương có quyền sử dụng) đã làm ảnh hưởng đến khả năng Công ty Ảnh Vương chuyển giao quyền sử dụng bộ phim này cho các đài truyền hình, gây ra thiệt hại vật chất là chi phí chuyển giao, cơ hội kinh doanh mà Công ty Ảnh Vương có thể có. Do vậy, có căn cứ xác định Công ty Ảnh Vương bị thiệt hại bởi hành vi của Công ty Phượng Tùng.
Xem thêm về Bồi thường thiệt hại:
- Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trần Thu Nga
- Nghĩa vụ hạn chế tổn thất và vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Pháp luật thương mại – ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường có yếu tố nước ngoài tại Tòa án theo Pháp luật Việt Nam và các nước – TS. Phan Hoài Nam & TS. Võ Trung Tín
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Lý luận và thực tiễn xét xử – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương & ThS. Phạm Thị Hiền
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
2. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thứ hai là hành vi trái pháp luật. Không phải hành vi gây thiệt hại nào cũng dẫn đến trách nhiệm bồi thường. Điều 202 Luật SHTT năm 2005 quy định “Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…”. Khi yêu cầu bồi thường, nguyên đơn cũng phải chứng minh tồn tại hành vi xâm phạm (Điều 205 Luật SHTT năm 2005). Pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng trao cho chủ sở hữu một độc quyền có giới hạn trong việc khai thác thành quả sáng tạo của họ nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo, đồng thời để công chúng tiếp cận những sản phẩm trí tuệ sau khi thời hạn nắm giữ độc quyền chấm dứt.[5] Xâm phạm các độc quyền này là xâm phạm quyền tác giả, mà chủ yếu là các quyền tài sản liên quan đến khai thác, sử dụng, chuyển giao tác phẩm.[6] Để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong vụ việc trên, cần phải làm rõ các chủ thể có quyền tác giả đối với bộ phim.Nguồn gốc bản quyền bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương – 30 tập do Công ty Sanlih (Đài Loan) sản xuất và cấp phép độc quyền phát hành, sao chép và phân phối trên lãnh thổ Việt Nam từ ngày 01/9/2008 đến ngày 31/8/2012 cho Công ty Wan Ngai. Công ty Wan Ngai bằng văn bản đã ủy quyền về bản quyền cho Công ty SanYang các quyền truyền hình và video trên lãnh thổ Việt Nam đối với ba bộ phim, trong đó có bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương. Bằng việc thanh toán phí chuyển giao bộ phim, Công ty Ảnh Vương đã có quyền được sử dụng, khai thác trong khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận. Theo quy định tại Điều 20 và Điều 47 Luật SHTT năm 2005, quyền tài sản (bao gồm quyền phân phối, truyền đạt tác phẩm) là độc quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và có thể được chuyển quyền sử dụng cho chủ thể khác trong thời hạn nhất định theo thỏa thuận. Do vậy, Công ty Ảnh Vương có quyền hợp pháp đối với bộ phim này theo hợp đồng với Công ty SanYang (cũng là chủ thể nhận quyền hợp pháp từ Công ty Wan Ngai).
Trong khi đó, công ty Phượng Tùng ký hợp đồng với các đài truyền hình địa phương để phát sóng bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương trong thời gian từ ngày 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010 chuyển giao quyền cho Công ty Phượng Tùng là Công ty Fafilm lại nhận mua bản quyền bộ phim này từ đối tác nước ngoài nhưng không biết rằng bên bán không có bản quyền. Trong bản án không nêu rõ đối tác nước ngoài này là ai cũng như cụ thể giao dịch giữa các bên nhưng cả Công ty Phượng Tùng và Công ty Fafilm đều công nhận nguồn gốc nhận chuyển quyền không phải từ chủ sở hữu hợp pháp. Do đó, Công ty Fafilm không có quyền sử dụng, phát sóng bộ phim này dẫn đến giao dịch giữa Fafilm và Phượng Tùng không làm Công ty Phượng Tùng có quyền phát sóng bộ phim. Công ty Phượng Tùng là chủ thể không có quyền sử dụng hợp pháp tác phẩm tại Việt Nam nhưng lại tiến hành ký hợp đồng với các đài truyền hình địa phương là xâm phạm đến quyền hợp pháp mà Công ty Ảnh Vương đang nắm giữ. Tòa án nhận định Công ty Phượng Tùng “dù là vô tình cũng đã xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu quyền tác giả mà Công ty Ảnh Vương có được” là phù hợp.
Liên quan đến nhận định này của Tòa, có một vấn đề gián tiếp được đề cập là yếu tố lỗi. Tòa án xác định hành vi của Phượng Tùng chỉ là “vô tình”. Khi Công ty Phượng Tùng ký kết hợp đồng với các đài truyền hình địa phương, rất có thể Phượng Tùng không hề biết giao dịch này là trái quy định pháp luật vì bản thân Công ty Fafilm cũng nhận mua bản quyền bộ phim này từ đối tác nước ngoài nhưng không biết rằng bên bán cũng không có bản quyền. Do vậy, đối với hành vi xâm phạm và thiệt hại xảy ra, có thể Công ty Phượng Tùng không có lỗi hoặc chỉ có lỗi vô ý vì lỗi là một yếu tố chủ quan nói lên thái độ, nhận thức đối với hành vi và hậu quả của hành vi ấy, Công ty Phượng Tùng hoàn toàn không cố ý xâm phạm quyền của Công ty Ảnh Vương. Tuy nhiên, tác giả đồng ý với quan điểm của Tòa khi xét rằng lỗi không là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng (Công ty Phượng Tùng không cố ý nhưng vẫn phải bồi thường) và trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng trong dân sự nói chung. Một số chuyên gia cũng theo quan điểm này,[7] dù Bộ luật Dân sự và Luật SHTT năm 2005 hiện nay không có quy định minh thị. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dù có lỗi hay không cũng đã gây ra những thiệt hại nhất định cho chủ thể quyền, do vậy bên gây ra thiệt hại có trách nhiệm bù đắp lại những tổn thất do mình gây ra. Nếu đặt lỗi là một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm thì sẽ có những trường hợp chủ sở hữu tài sản trí tuệ bị xâm phạm quyền nhưng phải tự chịu thiệt hại và không được bồi thường. Do vậy, việc bảo hộ không có ý nghĩa. Pháp luật nhiều quốc gia khẳng định hành vi xâm phạm không cần có lỗi vẫn phải bồi thường. Điều L615 -1 Bộ luật Thương mại Pháp[8] quy định: “Tất cả sự xâm phạm quyền sở hữu từ văn bằng bảo hộ tạo thành hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Điều 21 Luật về nhãn hiệu của Vương quốc Anh[9] năm 1994 cũng quy định trách nhiệm bồi thường khi có hành vi xâm phạm và thiệt hại mà không đòi hỏi yếu tố lỗi. Trong trách nhiệm dân sự, lỗi của người vi phạm là lỗi mặc định (còn gọi là lỗi suy đoán), người vi phạm nghĩa vụ luôn bị coi là có lỗi nếu họ không chứng minh được rằng họ không có lỗi.[10]
3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại
Lý luận về trách nhiệm bồi thường hướng tới việc bù đắp những thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra, do đó không thể yêu cầu chủ thể bồi thường thiệt hại nếu hành vi của họ không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Mối quan hệ nhân quả cũng là cơ sở để chấp nhận hay không chấp nhận một thiệt hại cụ thể khi trách nhiệm bồi thường đã phát sinh. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật, đòi hỏi hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp và cơ bản dẫn đến thiệt hại. Quan hệ nhân quả là một diễn biến trong quá trình thuộc về một khoảng thời gian cụ thể, do vậy, hành vi được coi là nguyên nhân phải diễn ra trước kết quả[11], cụ thể, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại.
Tại Điều 204 Luật SHTT năm 2005, nguyên tắc xác định thiệt hại được bồi thường là “thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra”. Điều 205 cũng xác định “trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình” thì có quyền yêu cầu tòa án quyết định mức bồi thường. Trong bản án, sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền tác giả và thiệt hại thực tế không được đề cập một cách rõ ràng. Đây cũng là vấn đề gặp phải trong các bản án, quyết định của tòa mặc dù việc xác định tồn tại hay không mối quan hệ nhân quả quyết định rất lớn đến sự phát sinh trách nhiệm bồi thường cũng như xác định thiệt hại. Trên thực tế, những thiệt hại xảy đến cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như sự tác động của thị trường, các chính sách của Nhà nước (thuế, lãi suất…), chính sách của địa phương, sự thay đổi của hệ thống pháp luật, các quy luật thị trường, nguồn lao động, lạm phát…[12] Công ty Phượng Tùng đã có hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền của Công ty Ảnh Vương, tuy nhiên phạm vi xâm phạm thể hiện ở chỗ Phượng Tùng đã chuyển giao bộ phim cho năm đài truyền hình, nhưng chỉ có phần chuyển giao cho Đài phát thanh – truyền hình Hậu Giang được tính vào thiệt hại vì hành vi xâm phạm chỉ xét trong thời gian Công ty Ảnh Vương có quyền. Ở điểm này, Tòa án đã vận dụng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại hay nói cách khác chỉ những thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm mới là thiệt hại được bồi thường.
Tóm lại, trong tranh chấp trên tồn tại đủ các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là có cơ sở về mặt pháp lý và lý luận. Nhận định của Tòa án “Công ty Ảnh Vương kiện Công ty Phượng Tùng về việc Công ty Phượng Tùng không có bản quyền hợp pháp lại bán quyền phát sóng bộ phim Đấu sĩ Thiên Vương cho các đài truyền hình tại Việt Nam, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty Ảnh Vương là có cơ sở để xem xét” là phù hợp.
4. Tổn thất về tài sản
Tổn thất về tài sản được hiểu là sự giảm sút hay mất đi phần giá trị tính được thành tiền của tác phẩm được bảo hộ (khoản 1 Điều 17 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP). Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.[13] Trong đó, quyền tài sản là một loại tài sản theo quy định tại Điều 105 và Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015, thể hiện “tính tài sản” cũng như các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác[14], có giá trị thực [15] và hành vi xâm phạm đã gây ra những ảnh hưởng xấu làm giảm sút giá trị tài sản. Từ tính chất vô hình của tài sản trí tuệ, nội hàm khái niệm tổn thất về tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ không hoàn toàn giống với các tài sản thông thường trong giao dịch dân sự. Chẳng hạn, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm các trường hợp như tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng… Rất khó để xác định các hình thức thiệt hại này cho tài sản trí tuệ, mà thiệt hại chỉ có thể được xác định thông qua tổn thất về giá trị tính bằng tiền của quyền này. Giá trị tính được thành tiền đó được xác định theo nhiều phương pháp khác nhau (các phương pháp định giá tài sản trí tuệ). Dưới góc độ kinh tế, một tài sản trí tuệ có thể được định giá theo một trong (hoặc kết hợp) ba phương pháp: theo chi phí[16] (cost approach), theo thị trường[17] (market approach) và theo thu nhập[18] (income approach).[19] Định giá tài sản trí tuệ là công việc phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao.
Trong lĩnh vực quyền tác giả, tổn thất về tài sản được đặt ra khi có hành vi xâm phạm đến các quyền tài sản tại Điều 20 và quyền nhân thân tại khoản 3 Điều 19 Luật SHTT năm 2005. Vì việc định giá quyền tác giả là khó khăn nên một trong những cơ sở có thể được sử dụng là giá chuyển giao đối tượng này ở thời điểm trước và sau khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Giá chuyển giao được tính trên cơ sở giả định quyền tác giả được chuyển giao theo hợp đồng trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện. Sự chênh lệch giá giữa hai thời điểm chính là tổn thất về tài sản – giá trị quyền tác giả. Ban đầu, công ty Ảnh Vương yêu cầu bồi thường tổn thất về tài sản là số tiền mua bản quyền bộ phim là 39.000 USD, tương đương số tiền 742.560.000 đồng. Nguyên đơn lấy cơ sở đây là số tiền mình phải thanh toán cho Công ty SanYang để mua bộ phim này. Tuy nhiên, Tòa án không chấp nhận bồi thường số tiền này vì cho rằng nguyên đơn không có đủ căn cứ chứng minh. Cụ thể, Tòa án đã sử dụng “giải pháp thay thế” – bằng giá chuyển giao mà bị đơn nhận quyền tác giả từ một công ty khác: “nên lấy giá chuyển giao quyền sử dụng bộ phim này trong trường hợp bộ phim được Công ty Xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam chuyển giao cho Công ty Phượng Tùng là 135.000.000 đồng theo hợp đồng đã ký kết thực hiện giữa hai bên”. Theo quan điểm tác giả, việc áp dụng thay thế tương tự trong trường hợp này là chưa hợp lý vì công ty Xuất nhập khẩu phát hành phim Việt Nam không nắm giữ bản quyền phát sóng bộ phim, đồng thời phạm vi và đối tượng chuyển giao quyền là khác nhau. Điểm b khoản 1 Điều 205 Luật SHTT năm 2005 đưa ra căn cứ xác định mức bồi thường là “giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng” chứ không phải nhận quyền từ một chủ thể khác. Tuy nhiên, có lẽ trong trường hợp này Tòa án không có cơ sở nào khác làm căn cứ xác định thiệt hại nên đây là giải pháp có thể được chấp nhận, mặc dù cách giải quyết này đi xa hơn so với quy định của luật. Đây chính là một trong những khó khăn khi xác định tổn thất và định giá tài sản trí tuệ nói chung. Thực tế, giá chuyển giao có thể được tính trên giá mà các bên thỏa thuận thông thường trên thị trường bằng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên doanh thu bán sản phẩm đó[20].
Xem thêm về Quyền sở hữu trí tuệ:
- Thực thi cam kết trong khuôn khổ hiệp định CPTPP về xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Quy định về quyền sở hữu trí tuệ từ Điều 60 Hiến pháp 1992 đến Điều 43 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp – TS. Nguyễn Thị Hải Vân
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – TS. Lê Thị Nam Giang
- Bồi thường thiệt hại do giảm sút thu nhập, lợi nhuận khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – TS. Nguyễn Thanh Thư & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại vật chất do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo
5. Tổn thất về cơ hội kinh doanh
Khai thác, sử dụng quyền tác giả còn có thể mang lại các “cơ hội để đạt được lợi ích” – cơ hội mở rộng kinh doanh, khai thác tài sản hiệu quả. Hành vi xâm phạm quyền tác giả làm mất đi khả năng thực hiện cơ hội và đạt được lợi ích từ cơ hội đó. Dưới góc độ lý luận, đây cũng là một loại thiệt hại được bồi thường.[21] Tổn thất cơ hội kinh doanh là một loại thiệt hại vật chất được xác định trên cơ sở: Thứ nhất, lợi ích vật chất bị xâm phạm bởi hành vi trái pháp luật là có thực và thuộc về người bị thiệt hại; Thứ hai, chủ thể quyền có khả năng đạt được lợi ích nhất định. Đó có thể là những hợp đồng sẽ được ký, những cơ hội bán hàng; Thứ ba, có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm. Về vấn đề này, Nghị định 105/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 02/2008 hướng dẫn cụ thể, cơ hội kinh doanh là hoàn cảnh thuận lợi, khả năng thực tế để chủ thể quyền sử dụng, khai thác trực tiếp, cho người khác thuê, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cho người khác… để thu lợi nhuận. Như vậy, cơ hội kinh doanh muốn đề cập đến khả năng nhận được lợi ích vật chất của chủ sở hữu. Pháp luật sở hữu trí tuệ đòi hỏi khi xem xét yêu cầu bồi thường về tổn thất cơ hội kinh doanh, tòa án yêu cầu người bị thiệt hại phải nêu rõ và chứng minh: (1) cơ hội kinh doanh bị mất là gì; (2) giá trị tính được thành tiền đối với trường hợp đó để tòa án xem xét quyết định.
Công ty Ảnh Vương có yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất về cơ hội kinh doanh là 10% tính trên giá trị mua quyền sử dụng bộ phim. Tòa án nhận định “Ảnh Vương không thực hiện hành vi kinh doanh khai thác lợi nhuận từ bộ phim… sau khi nhập bộ phim về cũng không có hoạt động kinh doanh nên không có căn cứ để chấp nhận”. Để được bồi thường tổn thất về cơ hội kinh doanh, bên bị thiệt hại phải chứng minh khả năng tồn tại thực tế của cơ hội kinh doanh đó và hành vi xâm phạm là nguyên nhân làm mất cơ hội kinh doanh hoặc mất lợi ích vật chất từ cơ hội kinh doanh. Nếu Ảnh Vương không hề có bất cứ hoạt động nào nhằm khai thác, kinh doanh bộ phim, khó có thể chứng minh những cơ hội kinh doanh có thể mất. Tuy nhiên, ngược lại với nhận định ban đầu, Tòa án lại xem xét trong thời gian Công ty Ảnh Vương có quyền sử dụng tác phẩm này, Công ty Phượng Tùng đã chuyển quyền phát sóng bộ phim này cho Đài phát thanh – truyền hình Hậu Giang và đưa khoản lợi nhuận mà Phượng Tùng có được từ hợp đồng này để tính mức bồi thường cho Công ty Ảnh Vương. Với việc chấp nhận khoản bồi thường 7.748.000 đồng, liệu rằng có phải Tòa án đã công nhận đây là một cơ hội kinh doanh mà Công ty Ảnh Vương đã mất vì hành vi xâm phạm của Phượng Tùng hay không, cách lập luận của Tòa chưa thực sự rõ ràng. Theo quan điểm tác giả, Công ty Ảnh Vương tổn thất về cơ hội kinh doanh là có thật. Việc Công ty Ảnh Vương nhận chuyển giao quyền sử dụng bộ phim này tại Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh, chuyển giao lại quyền này cho các đài truyền hình địa phương để thu lợi nhuận. Hợp đồng với Đài phát thanh – truyền hình Hậu Giang hoàn toàn có thể trở thành một cơ hội kinh doanh vì trong khoảng thời gian từ 01/9/2008 đến ngày 30/8/2010, công ty có quyền chuyển giao bộ phim này cho chủ thể khác tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng các đài truyền hình địa phương nếu muốn phát sóng bộ phim phải đạt được sự thoả thuận với Công ty Ảnh Vương và trả tiền cho công ty này, đó chính là cơ hội kinh doanh thực tế. Tuy nhiên, yêu cầu của Công ty Ảnh Vương lại chưa phù hợp ở mức bồi thường, 10% tính trên giá trị mua quyền sử dụng bộ phim là không có cơ sở. Cách tính thiệt hại dựa trên lợi nhuận mà Phượng Tùng thu được khi chuyển quyền phát sóng cho Đài phát thanh – truyền hình Hậu Giang là phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 205 Luật SHTT năm 2005.
6. Khả năng bồi thường tổn thất tinh thần
Trong vụ việc được bình luận, nguyên đơn chỉ đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và Tòa án nhận định: “Công ty Ảnh Vương không có yêu cầu các biện pháp khác và các thiệt hại về tinh thần nên Tòa không xét”. Tác giả đặt ra trường hợp, giả sử Công ty Ảnh Vương có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần là một khoản tiền cụ thể thì yêu cầu này có khả năng được chấp nhận hay không? Điểm b khoản 1 Điều 204 Luật SHTT năm 2005 ghi nhận một cách gián tiếp các chủ thể được bồi thường thiệt hại tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và giống cây trồng. Như vậy, không phải chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nào cũng có thể yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tinh thần khi có hành vi xâm phạm xảy ra. Mục B.I.1.8. Thông tư liên tịch số 02/2008 hướng dẫn thiệt hại tinh thần phát sinh là do quyền nhân thân của tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn, tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị xâm phạm, tác giả bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm (uy tín), danh tiếng, lòng tin vì bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường thiệt hại về tinh thần. Do đó, kể cả trong trường hợp chính tác giả là người bị xâm phạm quyền nhưng đối tượng bị xâm phạm không là các quyền nhân thân thì không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần. Trong một tranh chấp về quyền tác giả, bị đơn có hành vi xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn nhưng bản chất hành vi xâm phạm quyền tài sản chứ không ảnh hưởng đến các quyền nhân thân nên yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần của tác giả không được Tòa án chấp nhận.[22] Công ty Ảnh Vương không phải là tác giả hoặc chủ thể nắm quyền nhân thân đối với bộ phim (chỉ là bên nhận quyền sử dụng trong một thời hạn nhất định), do vậy công ty không thể yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần.
Về mức bồi thường thiệt hại tinh thần, Luật SHTT năm 2005 hiện hành cho phép tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra mà tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ 5 (năm) triệu đồng đến 50 (năm mươi) triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp nguyên đơn yêu cầu bồi thường ở mức dưới năm triệu đồng thì việc xác định mức bồi thuờng như thế nào? Trong một tranh chấp về nhãn hiệu, bị đơn có yêu cầu phản tố buộc nguyên đơn phải bồi thường 01 đồng danh dự mà bị đơn cho rằng mình bị xâm phạm[23]. Buộc bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp dân sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đề cao ý chí của chủ thể quyền. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi có yêu cầu của chủ thể, đồng thời tòa án khi giải quyết cũng chỉ xem xét trong phạm vi yêu cầu. Nếu yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần là đúng và có căn cứ chứng minh mà chủ thể yêu cầu mức bồi thường thấp hơn năm triệu đồng, cần phải ưu tiên giải quyết theo yêu cầu. Cách quy định của Luật SHTT năm 2005 về mức bồi thường tổn thất về tinh thần khác so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 trong đó giới hạn cả mức tối đa lẫn tối thiểu (Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ giới hạn mức tối đa). Theo tác giả, cần phải giải thích quy định này theo hướng có lợi cho bên bị thiệt hại, tức là giới hạn năm triệu nhằm hạn chế trường hợp tòa án ấn định mức bồi thường quá thấp, không đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị thiệt hại. Bởi lẽ, thiệt hại về tinh thần là khoản bồi thường rất khó xác định chính xác.
7. Lỗi là căn cứ xác định mức bồi thường
Trong vụ việc trên, khi Tòa án cân nhắc mức bồi thường đã xem xét đến lỗi của bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Luật SHTT năm 2005 không có quy định về yếu tố lỗi làm căn cứ xác định mức bồi thường. Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân có đề cập giá trị của lỗi của bên gây thiệt hại khi xác định mức bồi thường thông qua phương thức tòa án ấn định theo điểm c khoản 1 Điều 205 Luật SHTT năm 2005. Tức là trong trường hợp bên gây thiệt hại với lỗi cố ý, vô ý hoặc không có lỗi thì tòa án có thể ấn định mức bồi thường là khác nhau. Quy định này đã tồn tại trong pháp luật sở hữu trí tuệ của nhiều quốc gia và được áp dụng trong thực tiễn xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.[24]
Tuy nhiên, trong vụ việc này, Tòa án còn sử dụng cả lỗi của bên bị thiệt hại làm căn cứ xác định mức bồi thường. Tòa nhận định Công ty Ảnh Vương không thực hiện kinh doanh, khai thác bộ phim sau khi có quyền sử dụng, do vậy phải chịu một phần trách nhiệm, cụ thể khoản tiền 135.000.000 đồng nêu trên được chia đôi và Phượng Tùng chỉ phải bồi thường 67.500.000 đồng. Công ty Ảnh Vương đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với bộ phim nhằm mục đích khai thác thương mại, do vậy việc không thực hiện kinh doanh bộ phim dẫn đến không đạt được doanh thu như mong muốn có một phần lỗi của nguyên đơn. Tòa án đã mở rộng hơn khi áp dụng “lỗi của bên bị thiệt hại” trở thành một căn cứ để xác định mức bồi thường. Quy định này đã có trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và các bộ luật trước đây nhưng chưa hiện diện trong Luật SHTT năm 2005 và văn bản hướng dẫn. Cụ thể, khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc “nếu thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường” và khoản 4 Điều 585: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Việc áp dụng những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và quy định về lỗi nói riêng là phù hợp với cách thức áp dụng luật được ghi nhận tại khoản 1 Điều 5 Luật SHTT năm 2005: “Trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Có vẻ như trong hướng xử lý Tòa án đã vận dụng khoản 4 Điều 585 khi xác địnhCông ty Ảnh Vương có lỗi trong việc gây thiệt hại về tài sản và cơ hội kinh doanh cho chính mình. Tuy nhiên nội dung bản án không đề cập việc áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 mà chỉ căn cứ vào quy định của Luật SHTT năm 2005. Hướng giải quyết này của Tòa là phù hợp nhưng cần nêu thêm các cơ sở pháp lý để tăng tính thuyết phục. Tóm lại, bản án được bình luận đã nêu lên một số vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm căn cứ phát sinh trách nhiệm, vấn đề xác định thiệt hại vật chất và mức bồi thường tương ứng. Pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung khi được áp dụng giải quyết các tranh chấp trên thực tế luôn có những vướng mắc nhất định, đòi hỏi sự vận dụng chính xác, linh hoạt của tòa án. Bản án đã có những đóng góp nổi bật như: xác định lỗi không là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường; cách thức tính thiệt hại do tổn thất về tài sản, cơ hội kinh doanh; trường hợp lỗi của bên bị thiệt hại cũng được xem xét khi xác định mức bồi thường.
CHÚ THÍCH
[1] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 2, 2013, tr. 712.
[2] Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết và Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 471.
[3] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức, 2017, tr. 445.
[4] Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT năm 2005 về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010.
[5] Nguyễn Ngọc Xuân Thảo, Luật Sở hữu trí tuệ – Án lệ, lý thuyết và bài tập vận dụng, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 360.
[6] Nguyễn Hồ Bích Hằng (chủ biên), Sách tình huống Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 137.
[7] Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS 2015, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 454.
[8] Legifrance – Le service public de la diffusion du droit/Code de commerce/, Luật số 2013-504 ngày 14/6/2013,https://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do?cidTexte=LEGITEXT000005634379&dateTexte=20130701, truy cập ngày 05/9/2018.
[9].http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1994/26/contents, truy cập ngày 11/9/2018.
[10] Dương Anh Sơn – Nguyễn Ngọc Sơn, “Tác động của các hình thức lỗi đến việc xác định trách nhiệm hợp đồng nhìn từ góc độ nguyên tắc trung thực và thiện chí”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1, 2007, tr. 18.
[11] Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe, tính mạng, Nxb. Hà Nội, 2009, tr. 73.
[12] Phan Thị Minh Lý, “Phân tích tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thừa Thiên – Huế”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Đà Nẵng, số 2, 2011, tr. 151.
[13] Điều 18 Luật SHTT năm 2005.
[14] Frank H. Easterbrook, Intellectual property is still property, 13 Harv. J. L. & Pub. Pol’y 108, 1990, tr. 20.
[15] Đinh Thị Mai Phương, Về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tr. 233.
[16] Tài sản sở hữu trí tuệ sẽ được định giá dựa trên chi phí phát sinh trong quá trình tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, bao gồm chi phí tái sản xuất và chi phí thay thế. Yêu cầu để thực hiện thành công phương pháp này là các thông tin, dữ liệu về hoạt động nghiên cứu, đầu tư và chi phí phải đầy đủ, minh bạch.
[17] Định giá dựa vào việc bên thứ ba sẵn sàng nhận chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ (dưới hình thức chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng). Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể thực hiện dựa trên việc phân tích giá của các tài sản trí tuệ tương tự đã giao dịch thành công gần với thời điểm định giá.
[18] Tài sản sở hữu trí tuệ sẽ được định giá dựa vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể nhận được trong thời gian có hiệu lực của quyền sở hữu trí tuệ. Phương pháp này tập trung vào việc đánh giá khả năng sinh lợi của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
[19] Nguyễn Thanh Tú, “Một số vấn đề pháp lý về khai thác thương mại tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2, 2012, tr. 38.
[20] Russell L. Parr and Gordon V. Smith, Intellectual Property – Valuation, exploitation and infringement damages, John Wiley &Sons, Inc., 2010, tr. 203.
[21] Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Tập 2, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 382.
[22] Bản án số 25/DSST ngày 26/8/2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
[23] Bản án số 08/2016/KDTM-ST ngày 16/11/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
[24] Bản án số 1549/2010/KDTM-ST ngày 27/9/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: Yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn chỉ được Tòa án chấp nhận một nửa, một trong các căn cứ đó là “hành vi xâm phạm của bị đơn không phải lỗi cố ý”.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(122)/2019 – 2019, Trang 31-41
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời