Mối quan hệ nhân quả và vấn đề giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật thương mại
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế – một căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại – từ góc độ là một phương pháp giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật thương mại. Theo đó, bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật thương mại Việt Nam về mối quan hệ nhân quả đặt trong bối cảnh nghiên cứu sự phát triển của các học thuyết pháp lý chủ yếu về vấn đề này, nhằm làm rõ các vấn đề pháp lý sau: (i) cách thức xác định mối quan hệ nhân quả, (ii) các điều kiện dẫn đến phá vỡ hoặc làm gián đoạn chuỗi hành vi thiết lập nên mối quan hệ nhân quả; và (iii) việc giới hạn thiệt hại từ hành vi bù trừ lợi ích xét từ góc độ mối quan hệ nhân quả. Đồng thời quy định của Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods – CISG) về bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại gây ra bởi hành vi vi phạm cũng được nghiên cứu nhằm cung cấp một góc nhìn khác về cách thức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đây là cơ sở có tính chất tham khảo cho việc giải thích và hoàn thiện quy định của pháp luật thương mại Việt Nam về cùng vấn đề.
Xem thêm:
- Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trần Thu Nga
- Nghĩa vụ hạn chế tổn thất và vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Pháp luật thương mại – ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – Lý luận và thực tiễn xét xử – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương & ThS. Phạm Thị Hiền
- Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980 – ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
TỪ KHÓA: Bồi thường thiệt hại,
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế là một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời cũng có chức năng giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật thương mại. Theo đó, bên bị vi phạm chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại gây ra bởi hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại nào gây ra bởi hành vi vi phạm và giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại là vấn đề mà đến nay trong khoa học pháp lý vẫn chưa có sự thống nhất. Do đó, nhiều học thuyết khác nhau về mối quan hệ nhân quả cùng tồn tại, có thể khác biệt nhau hoặc bổ sung cho nhau, nhưng đều hướng đến việc sàng lọc trong số những nguyên nhân thực tế (factual cause) để chọn lọc những nguyên nhân mang tính pháp lý (legal cause) – cơ sở để giải quyết các vấn đề về mối quan hệ nhân quả.[1] Bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật thương mại Việt Nam về mối quan hệ nhân quả đặt trong bối cảnh nghiên cứu sự phát triển của các học thuyết pháp lý chủ yếu về vấn đề này, nhằm làm rõ các vấn đề sau: (i) cách thức xác định mối quan hệ nhân quả, (ii) các điều kiện dẫn đến phá vỡ hoặc làm gián đoạn chuỗi hành vi thiết lập nên mối quan hệ nhân quả; (iii) việc giới hạn thiệt hại từ hành vi bù trừ lợi ích xét từ góc độ mối quan hệ nhân quả.
1. Cách thức xác định mối quan hệ nhân quả
Theo Luật Thương mại năm 2005,[2] trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi (i) có hành vi vi phạm hợp đồng; (ii) có thiệt hại thực tế; (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Như vậy, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra được xem xét dưới hai phương diện: (a) vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại và (b) bên vi phạm chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm.
Xét phương diện thứ nhất để xác định (a) vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại, học thuyết “nếu không có vi phạm” (“conditio sine qua non”) được sử dụng chủ yếu. Theo đó, nguyên nhân của thiệt hại là nguyên nhân mà nếu không có nó thì thiệt hại sẽ không xảy ra.[3] Dựa trên nền tảng của học thuyết này, biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không” (“but for”) được áp dụng. Theo đó, nguyên nhân với tính chất là điều kiện dẫn đến thiệt hại, nếu như nguyên nhân này không tồn tại thì thiệt hại sẽ không xảy ra.[4] Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy không thể chỉ giới hạn việc xác định vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại chỉ dựa trên biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không”. Một số trường hợp nhất định việc áp dụng biện pháp này không mang lại hệ quả hợp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các trường hợp này bao gồm: (i) trường hợp hai hoặc nhiều hành vi vi phạm, nếu tách ra một cách riêng rẽ, đều dẫn đến thiệt hại và mỗi hành vi vi phạm tự thân nó chứa đựng đủ các yếu tố dẫn đến thiệt hại đó (multiple sufficient causation or causal over-determination);[5] hoặc (ii) trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại nhưng một thiệt hại tương tự sẽ vẫn xảy ra ngay cả khi không có hành vi vi phạm (hypothetical alternative causation).[6] Sự khác biệt giữa hai trường hợp là: (i) đối với trường hợp “multiple sufficient causation”, các hành vi vi phạm là nguyên nhân đủ để gây ra thiệt hại đều đã xảy ra trên thực tế. Trong khi đó, (ii) đối với trường hợp “hypothetical alternative causation”, nguyên nhân được giả định thay thế hành vi vi phạm chưa xảy ra trên thực tế, mà sẽ xảy ra và sẽ gây một thiệt hại tương tự như vậy.
Đối với trường hợp “multiple sufficient causation”, kết quả như nhau (thiệt hại) vẫn xảy ra nếu như một trong các hành vi vi phạm đã không được thực hiện. Như vậy, nếu biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không” được áp dụng sẽ không dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ 1: Hai nhà cung cấp độc lập (công ty A1 và công ty B1) có nghĩa vụ giao hàng hóa là hai loại nguyên liệu khác nhau nhưng đều là nguyên liệu chủ yếu để bên mua (công ty C1) sản xuất hàng hóa. Công ty A1 và công ty B1 đều vi phạm nghĩa vụ giao hàng. Việc áp dụng biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không” sẽ dẫn đến hệ quả là công ty C1 không thể yêu cầu hai công ty trên chịu trách nhiệm, bởi lẽ nếu công ty A1 thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng (loại nguyên liệu thứ nhất) thì công ty C1 vẫn phải chịu thiệt hại như vậy và ngược lại. Do đó, hành vi vi phạm của từng công ty nếu chỉ căn cứ theo biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không” thì không được xem là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại.[7] Vì vậy, một biện pháp thay thế trong trường hợp này là cần thiết. Theo đó, một hành vi vi phạm được xác định là nguyên nhân của thiệt hại nếu hành vi vi phạm đó là một yếu tố cần thiết trong chuỗi các điều kiện đủ để cấu thành thiệt hại (biện pháp xác định yếu tố cần thiết đủ để cấu thành thiệt hại – test of “necessary element of a sufficient set” /“NESS” test).[8] Nếu áp dụng biện pháp xác định yếu tố cần thiết đủ để cấu thành thiệt hại, thì vi phạm của công ty A1 và công ty B1 trong ví dụ trên đều được xác định là nguyên nhân gây ra thiệt hại vì mỗi công ty với hành vi vi phạm của mình đều đủ để dẫn đến cùng một thiệt hại. Nếu không thuộc trường hợp hai hoặc nhiều hành vi vi phạm đều đủ để cấu thành cùng một thiệt hại thì hành vi vi phạm là nguyên nhân của thiệt hại nếu hành vi vi phạm là “yếu tố chủ yếu” dẫn đến thiệt hại (substantial test).[9] Biện pháp này cho phép xác định mối quan hệ nhân quả trong trường hợp nhiều hành vi vi phạm nhưng chỉ có một hành vi có thể chi phối trong việc gây ra thiệt hại, còn các hành vi khác chỉ góp phần không đáng kể vào việc này. Do vậy, hành vi vi phạm mang tính chất là yếu tố chủ yếu được xác định là nguyên nhân của thiệt hại. Trong trường hợp đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ ràng buộc bên nào thực hiện hành vi vi phạm mang tính chất là yếu tố chủ yếu và chi phối trong việc dẫn đến thiệt hại. Hành vi mang tính chất là yếu tố chủ yếu và chi phối trong việc dẫn đến thiệt hại được đặt trong bối cảnh là hành vi “có ảnh hưởng trong việc gây ra thiệt hại mà một người trong điều kiện suy xét hợp lý sẽ cho rằng hành vi đó là nguyên nhân gây ra thiệt hại”.[10]
Đối với trường hợp “hypothetical alternative causation”, sự khác biệt được nhấn mạnh ở điểm thay vì các hành vi gây thiệt hại đều đã xảy ra một cách riêng rẽ và mỗi hành vi chứa đựng yếu tố đủ để gây ra thiệt hại thì ở trường hợp này, hành vi được xem là gây ra cùng một thiệt hại thực tế chưa xảy ra vào thời điểm hành vi vi phạm thứ nhất gây thiệt hại. Do đó, hành vi này chỉ có tính chất thay thế dựa trên suy luận mang tính giả thuyết.
Ví dụ 2: Hai nhà cung cấp độc lập (công ty A2 và công ty B2) có nghĩa vụ giao hàng hóa là hai loại nguyên liệu khác nhau nhưng đều là nguyên liệu chủ yếu để bên mua (công ty C2) sản xuất hàng hóa. Theo thỏa thuận, công ty B2 có nghĩa vụ giao hàng cho công ty C2 trong vòng 20 ngày sau khi nhận được thông báo giao hàng của công ty C2. Thông báo giao hàng của công ty C2 sẽ được gửi cho công ty B2 vào thời điểm công ty A2 giao loại nguyên liệu thứ nhất cho công ty C2. Công ty A2 vi phạm nghĩa vụ giao hàng và công ty C2 yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, công ty A2 chứng minh được rằng ngay cả khi bên này giao hàng thì công ty B2 vẫn sẽ vi phạm nghĩa vụ giao hàng và công ty C2 dù sao đi nữa vẫn phải chịu một thiệt hại tương tự. Việc áp dụng biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không” cũng sẽ dẫn đến hệ quả là công ty C2 không thể yêu cầu công ty A2 chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nếu công ty A2 thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng (loại nguyên liệu thứ nhất) thì công ty C2 vẫn phải chịu thiệt hại do vi phạm của công ty B2 (chắc chắn sẽ xảy ra).[11] Thiệt hại là có thực nhưng vẫn không được bồi thường. Vì vậy, trong trường hợp này, biện pháp xác định có tính chất loại trừ “nếu không” cũng không thể áp dụng. Do đó, cần phải xác định rằng tự thân vi phạm thứ nhất đã đủ để xác định là nguyên nhân gây ra thiệt hại và làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Vi phạm thứ hai (cho dù chắc chắn sẽ xảy ra) cũng không liên quan trong việc phá vỡ mối quan hệ nhân quả tạo lập từ hành vi vi phạm thứ nhất.
Như vậy, các biện pháp để xác định vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại có thể kết hợp với nhau hoặc thay thế nhau tùy từng trường hợp cụ thể. Trong đó, “but for” được xem là biện pháp để xác định yếu tố “cần” (test of necessity) và “NESS test” được xem là biện pháp để xác định yếu tố “đủ” (test of sufficiency).[12] Điều này đồng thời cũng có ý nghĩa nhất định trong việc hiểu và giải thích khoản 3 Điều 303 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, yếu tố (a) vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại có thể được xác định bởi các các biện pháp trên và đây là yếu tố cấu thành bắt buộc trong việc tạo thành mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại. Tương tự, theo Điều 74 CISG, thiệt hại bao gồm tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hậu quả của hành vi vi phạm. Như vậy quy định của CISG và quy định của Luật Thương mại năm 2005 đều dựa trên yếu tố thứ nhất (a) vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại – yếu tố làm nền tảng để xác định mối quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 303 Luật Thương mại năm 2005, thiệt hại được giới hạn bởi yếu tố thứ hai (b) bên vi phạm chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm. Trong khi đó, Điều 74 CISG được hiểu rằng: vi phạm là điều kiện làm xảy ra sự kiện gây thiệt hại (nguyên tắc “nếu không có vi phạm” – conditio sine qua non, “but for” rule), cho dù thiệt hại có thể gây ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi hành vi vi phạm.[13] Như vậy, tuy CISG và Luật Thương mại năm 2005 đều dựa trên yếu tố nền tảng (a) vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại, nhưng so với CISG, khoản 3 Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 chỉ giới hạn hành vi vi phạm nào là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Do đó, việc nghiên cứu vấn đề từ phương diện thứ hai sẽ giúp hiểu rõ nội hàm của khoản 3 Điều 303 Luật Thương mại năm 2005. Qua đó, có thể đánh giá hiệu quả áp dụng của điều luật này trong việc xác định mối quan hệ nhân quả, nếu so với cách thức xác định của CISG.
Xét phương diện thứ hai, để xác định (b) bên vi phạm chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm, cần hiểu rằng mối quan hệ hành vi vi phạm (nguyên nhân) – thiệt hại (hậu quả) vẫn tồn tại. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được giới hạn trong phạm vi “thiệt hại là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm”. Quy định này dựa trên học thuyết về hậu quả trực tiếp (Direct Consequence Theory).[14] Theo đó, bên vi phạm chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm. Thiệt hại cuối cùng có thể đến từ một chuỗi hành vi. Hành vi vi phạm ban đầu gây ra thiệt hại, nhưng đến lượt mình, thiệt hại ban đầu, do sự tác động từ các yếu tố hoặc hành vi vi phạm khác, dẫn đến một thiệt hại tiếp theo. Cứ như vậy, tạo thành một chuỗi liên quan đến nhau. Do vậy, thiệt hại là hậu quả gián tiếp của hành vi vi phạm phải được loại trừ. Nói cách khác, bên vi phạm chỉ chịu trách nhiệm về thiệt hại trực tiếp gây ra từ hành vi vi phạm của mình. Các thiệt hại trong chuỗi thiệt hại gây ra bởi hành vi vi phạm khác hoặc các yếu tố tác động khác được xác định là thiệt hại gián tiếp. Một hành vi vi phạm khác hoặc các yếu tố tác động khác làm cho thiệt hại trở thành thiệt hại gián tiếp nếu thỏa các điều kiện sau: (i) độc lập với hành vi vi phạm của bên vi phạm ban đầu, theo nghĩa hành vi vi phạm này vẫn xảy ra nếu không có hành vi vi phạm của bên vi phạm ban đầu; (ii) xảy ra sau hành vi vi phạm của bên vi phạm ban đầu; (iii) không xảy ra theo cách thông thường nếu đặt trong ngữ cảnh được tự do thực hiện hành vi mà không chịu giới hạn nào.[15]
Học thuyết này từng được ghi nhận trong pháp luật Pháp và Anh mà nguyên tắc chung là không bồi thường đối với những thiệt hại gián tiếp. Theo pháp luật Pháp, vi phạm hợp đồng chỉ buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với những tổn thất và khoản lợi phải từ bỏ nếu như tổn thất và khoản lợi này là hậu quả trực tiếp và ngay sau đó (immédiate et directe) của hành vi vi phạm.[16] Một hành vi khác nếu phá vỡ quan hệ này sẽ làm cho thiệt hại trở thành gián tiếp.
Ví dụ 3: Hành vi vi phạm của một bên gây mất mát máy vét bùn, dẫn đến bên bị vi phạm không thể sử dụng máy trong việc xây dựng một cầu tàu và đứng trước tình cảnh phải chịu khoản phạt hợp đồng với bên thứ ba. Vì lâm vào tình trạng yếu kém về năng lực tài chính, bên bị vi phạm không đủ khả năng tài chính để mua một máy khác thay thế như lẽ ra phải làm vậy nếu đặt trong điều kiện suy xét hợp lý, nên đã thuê một máy vét bùn khác lớn hơn và đồng thời phải mất một khoảng thời gian để vận chuyển cũng như đưa vào sử dụng. Bên bị vi phạm sau đó yêu cầu bồi thường thiệt hại: (a) tổn thất đối với máy vét bùn bị mất và chi phí cho việc mua máy, (b) chi phí trong thời gian không thể vận hành máy vét bùn để duy trì hoạt động của nhà máy, (c) chi phí thuê máy khác và chi phí phát sinh để hiệu chỉnh và đưa vào sử dụng máy thuê, (d) lợi nhuận bị mất do phải ngừng hoạt động cho đến thời điểm máy thuê có thể vận hành và đưa vào sử dụng. Phán quyết của Tòa án đã kết luận bên vi phạm phải bồi thường khoản thiệt hại đối với máy vét bùn bị mất, nhưng không phải bồi thường chi phí phát sinh do việc thuê một máy khác thay thế đắt tiền hơn thay vì mua một máy khác cùng loại.[17] Vụ việc có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau (như vấn đề hạn chế tổn thất, khả năng dự liệu). Tuy nhiên, nếu tiếp cận từ góc độ quan hệ nhân quả thì chi phí cho việc thuê được xem là kết quả gây ra bởi năng lực tài chính yếu kém của bên bị vi phạm.[18] Do đó, thiệt hại này không phải là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm.[19]
Việc giải thích giới hạn trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại trực tiếp gây ra từ hành vi vi phạm cũng được tiếp cận theo mức độ rộng hẹp khác nhau. Theo đó, ở mức độ rộng, thiệt hại trực tiếp phải được bồi thường. Nếu giải thích theo cách này, phạm vi chịu trách nhiệm cũng mở rộng tương ứng. Ở mức độ hẹp hơn, không phải mọi thiệt hại trực tiếp đều được bồi thường, mà chỉ những thiệt hại nào trực tiếp gây ra bởi hành vi vi phạm nhưng có thể dự liệu được (foreseeable harm). Theo đó, những thiệt hại có thể dự liệu được và gây ra bởi bên vi phạm được hiểu là thiệt hại trực tiếp.[20] Quan điểm này được phát triển bởi tư duy giới hạn thiệt hại một cách hợp lý và theo lẽ công bằng.[21]Ví dụ 4: Vi phạm của một bên gây ra việc rò rỉ dầu. Việc rò rỉ dầu này trong điều kiện thông thường khi tiếp xúc với các yếu tố gây cháy đã làm phát sinh cháy và gây thiệt hại trực tiếp. Tuy nhiên, không thể ràng buộc trách nhiệm bồi thường đối với bên vi phạm vì các chứng cứ khoa học mà bên vi phạm có thể tiếp cận đều thể hiện rõ loại dầu này không bắt cháy ngoài trời. Như vậy, pháp luật chỉ hướng đến việc buộc bên vi phạm bồi thường đối với những thiệt hại nào trực tiếp gây ra bởi hành vi vi phạm nhưng có thể dự liệu được.[22] Cách hiểu này tạo nên một cầu nối giữa học thuyết về hậu quả trực tiếp (direct consequence theory)[23] và học thuyết về khả năng dự liệu (foreseeability theory)[24] mà sau này một xu hướng được hình thành là sự dịch chuyển từ nhóm thứ nhất sang nhóm thứ hai, nhằm giới hạn trách nhiệm quá mức mà bên vi phạm có thể phải gánh chịu theo các học thuyết ở nhóm thứ nhất.[25]
Về vấn đề này, nếu xét từ góc độ mối quan hệ nhân quả, CISG xác định thiệt hại được bồi thường là thiệt hại mà bên vi phạm phải gánh chịu do hậu quả của hành vi vi phạm. Quy định này có phạm vi rất rộng, bởi lẽ nó cho phép kết hợp các biện pháp khác nhau để xác định mối quan hệ nhân quả. Đối với Học thuyết về khả năng dự liệu (foreseeability theory), cũng có quan điểm cho rằng, sự tiếp nhận học thuyết này theo hướng khả năng dự liệu không được xem là biện pháp để xác định mối quan hệ nhân quả mà được xem là một yêu cầu bổ sung vào đó.[26] Cũng có khả năng là trên cơ sở sự dung hòa các truyền thống pháp luật khác nhau, CISG cũng đề cập đến vấn đề này nhưng dưới hình thức là một yêu cầu bổ sung trong việc xác định thiệt hại được bồi thường. Suy cho cùng dù dưới hình thức nào thì đó vẫn được xem là một biện pháp giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, Điều 74 CISG quy định thiệt hại không thể vượt quá tổn thất mà bên vi phạm dự liệu hoặc phải dự liệu được vào thời điểm giao kết hợp đồng như là hậu quả có thể xảy ra của việc vi phạm hợp đồng, căn cứ vào các sự kiện mà bên vi phạm biết hoặc phải biết vào thời điểm đó. Như vậy, khả năng dự liệu được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, không phải vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Sự phân biệt này có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý khác biệt.
Ví dụ 5: Hành vi của bên vi phạm cung cấp và lắp đặt dụng cụ chứa thức ăn gia súc bị khiếm khuyết ở hệ thống thông hơi, khiến cho thức ăn lưu trữ bị mốc và gây thiệt hại cho gia súc được nuôi. Bên vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra bởi hành vi vi phạm bởi thiệt hại này có thể dự liệu được.[27] Tuy nhiên, giả sử rằng vào thời điểm giao kết hợp đồng, bên vi phạm được yêu cầu cung cấp và lắp đặt dụng cụ chứa thức ăn gia súc cho mục đích triển lãm ở một hội chợ nông nghiệp và thay vì thực hiện theo mục đích trên, bên bị vi phạm đã sử dụng cho việc nuôi gia súc. Việc sử dụng này không nằm trong dự liệu của các bên vào thời điểm giao kết hợp đồng. Bên bị vi phạm nếu căn cứ vào mục đích được thông báo vào thời điểm giao kết hợp đồng không thể dự liệu được thiệt hại xảy ra với gia súc. Do vậy, thiệt hại không được bồi thường, thậm chí cho dù bên vi phạm vào thời điểm thực tế cung cấp và lắp đặt hàng hóa khiếm khuyết (thời điểm thực hiện hành vi vi phạm) đã được thông báo về mục đích sử dụng được thay đổi (dùng để nuôi gia súc), bởi lẽ trong trường hợp này, khả năng dự liệu được thiệt hại chỉ có thể bắt đầu tính từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm.[28]
Một lưu ý khác, Điều 74 CISG chỉ yêu cầu khả năng dự liệu của bên vi phạm vào thời điểm giao kết hợp đồng, không phải là của các bên trong hợp đồng. Điều này phù hợp với cơ sở lý luận về phân chia rủi ro (“risk allocation” rationale). Theo đó, đề cập sự gánh chịu rủi ro của bên vi phạm đồng thời, khả năng nhận thức của bên vi phạm được chú trọng bởi vì bên bị vi phạm hiểu rõ về hoạt động kinh doanh và điều kiện hoàn cảnh của mình tốt hơn bên vi phạm.[29] Về biện pháp xác định khả năng dự liệu (foreseeability test), CISG cũng phân thành hai nhóm: biện pháp có tính chất chủ quan (subjective foreseeability test) và biện pháp có tính chất khách quan (objective foreseeability test), bởi lẽ bên vi phạm không chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà bên này thực sự dự liệu được, mà còn phải chịu trách nhiệm đối với cả những thiệt hại mà bên này “phải dự liệu được” vào thời điểm giao kết hợp đồng căn cứ vào các sự kiện mà bên vi phạm biết hoặc phải biết vào thời điểm đó.[30]
Như vậy, CISG đã giải quyết vấn đề mối quan hệ nhân quả trong sự kết hợp với yêu cầu về khả năng dự liệu như một biện pháp giới hạn trách nhiệm, nhằm giới hạn trách nhiệm quá mức mà bên vi phạm có thể phải gánh chịu. Theo đó, có thể loại trừ những thiệt hại nào cho dù trực tiếp gây ra bởi hành vi vi phạm nhưng không thể dự liệu được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Như đã phân tích, về thiệt hại trực tiếp, nếu hiểu theo nghĩa: không phải mọi thiệt hại trực tiếp đều được bồi thường, mà chỉ bồi thường đối với những thiệt hại nào trực tiếp gây ra bởi hành vi vi phạm nhưng có thể dự liệu được thì cách hiểu này như một cầu nối nối liền với nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa vào khả năng dự liệu. Cách tiếp cận này là phù hợp[31] và nên giải thích quy định của khoản 3 Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 theo nghĩa này. Tuy nhiên, giải thích pháp luật là một lĩnh vực phức tạp. Do vậy, giải pháp tốt hơn là việc quy định minh thị trong luật yêu cầu về khả năng dự liệu của bên vi phạm với tính chất của một biện pháp giới hạn trách nhiệm.
2. Các điều kiện dẫn đến phá vỡ hoặc làm gián đoạn mối quan hệ nhân quả
Vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi can thiệp (intervening act) – hành vi xảy ra sau hành vi vi phạm nhưng trước khi phát sinh thiệt hại được đặt ra trong trường hợp hành vi can thiệp này có khả năng phá vỡ hoặc làm gián đoạn mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Từ góc độ này, có thể hiểu hành vi vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 sẽ không còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại nếu tồn tại một hành vi xảy ra sau hành vi vi phạm và có khả năng phá vỡ hoặc làm gián đoạn mối quan hệ nhân quả này. Hành vi xảy ra sau đó nếu được xem là nguyên nhân của thiệt hại thì hành vi đó đã làm cho thiệt hại gây ra bởi hành vi vi phạm ban đầu trở thành gián tiếp. CISG cũng tiếp cận vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi can thiệp theo cách tương tự. Theo đó, hành vi vi phạm xảy ra tiếp sau, với tính chất làm phá vỡ hoặc làm gián đoạn mối quan hệ nhân quả ban đầu, sẽ thay thế hành vi vi phạm ban đầu để trở thành nguyên nhân của thiệt hại. Hành vi can thiệp này có thể được thực hiện bởi bên thứ ba hoặc cũng có thể bởi chính bên bị vi phạm. Ngoài ra cũng cần phân biệt hành vi can thiệp và sự kiện có tính chất can thiệp.
Ví dụ 6: S không giao hàng lên tàu đúng hạn và tàu rời cảng trễ hơn kế hoạch. Tàu gặp bão và hàng hóa bị mất mát. B yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do việc không giao hàng đúng hạn. S lập luận rằng tổn thất không phải gây ra bởi vi phạm về giao hàng không đúng hạn của S mà vì sự kiện bão đã phá vỡ chuỗi nguyên nhân (quan hệ nhân quả – chain of causation) giữa hành vi vi phạm của bên bán và thiệt hại.[32] Bão trong trường hợp này được xem là sự kiện can thiệp. Nếu thiệt hại sẽ vẫn xảy ra ngay cả khi không có hành vi vi phạm (tàu vẫn gặp bão ngay cả khi S giao hàng đúng hạn) thì tình huống này tương tự như “alternative hypothetical causation” và S không buộc phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại. Nếu áp dụng biện pháp xác định tính chất trực tiếp của hành vi vi phạm (test of directness) thì kết quả cũng tương tự, S không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại là hậu quả gián tiếp của vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp tàu có thể tránh được bão nếu S giao hàng đúng hạn thì S có bị buộc phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại? Trường hợp này cần được giải quyết bằng biện pháp xác định khả năng dự liệu (foreseeability test). Theo đó, nếu bên bán biết được hoặc dự liệu được trong trường hợp việc vận chuyển hàng bị chậm trễ, tàu có khả năng gặp bão nhưng vẫn chấp nhận rủi ro và gây chậm trễ việc vận chuyển hàng hóa thì có thể kết luận vi phạm của bên bán là nguyên nhân gây ra thiệt hại và không xem bão là sự kiện phá vỡ mối quan hệ nhân quả.[33] Trong một trường hợp khác, hành vi can thiệp bởi bên thứ ba cần được xác định có phải là nguyên nhân của thiệt hại hay không cũng cần dựa trên “foreseeability test”.
Ví dụ 7: Tháng 6, S (Paris) bán một bức tranh của Seurat cho B (Hamburg) với giá 1 triệu FF, giao bằng tàu biển đến Hamburg vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, S giao hàng chậm và hàng không thể được giao trước 1/10. Ngày 5/9, Chính phủ Pháp cấm xuất khẩu các tác phẩm nghệ thuật mà không có giấy phép và mặc dù đã nỗ lực cao nhất, S đã không thể xin được giấy phép xuất khẩu bức tranh của Seurat. Giá trị của bức tranh này vào cuối tháng 8 khoảng 2 triệu FF.[34] Việc ban hành lệnh cấm của Chính phủ Pháp được xem là hành vi can thiệp bởi bên thứ ba. Bản thân hành vi này cần được xác định có phải là hành vi phá vỡ mối quan hệ giữa hành vi vi phạm (giao hàng trễ) và thiệt hại (khoản lợi bị mất) hay không. Nếu chỉ áp dụng “but for” test và cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra nếu không có hành vi vi phạm của bên bán thì cũng chưa tính đến giới hạn trách nhiệm mà bên này cần được xem xét. Trường hợp này nếu dựa vào sự kết hợp với “foreseeability test” thì có thể xác định kết quả như sau: nếu bên bán không thể dự liệu được khả năng ban hành lệnh cấm thì bên bán không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại phát sinh. Ngược lại, nếu bên bán biết được hoặc dự liệu được khả năng ban hành lệnh cấm trong trường hợp giao hàng trễ thì bên bán phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại phát sinh. Khi đó, hành vi can thiệp của bên thứ ba không được xem là sự kiện phá vỡ mối quan hệ nhân quả.[35] Như vậy có thể nhận thấy, sự kết hợp giữa các biện pháp nhằm xác định mối quan hệ nhân quả là một giải pháp cân bằng, bởi lẽ tự thân một biện pháp khi được áp dụng có thể không đủ cơ sở để xác định giới hạn trách nhiệm của bên vi phạm.
Bên cạnh đó, hành vi can thiệp có thể được thực hiện bởi chính bên bị vi phạm. Trường hợp này đặt ra hai vấn đề pháp lý: (i) hành vi của bên bị vi phạm góp phần vào việc gây ra thiệt hại cần được xác định có đủ yếu tố để được xem là phá vỡ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại hay không; (ii) nếu bên vi phạm và bên bị vi phạm đều góp phần vào thiệt hại thì có cơ sở để phân chia thiệt hại giữa các bên hay không.
Đối với vấn đề thứ nhất, yếu tố quan trọng để xác định liệu rằng hành vi của bên bị vi phạm có phá vỡ mối quan hệ nhân quả giữa vi phạm và thiệt hại hay không còn dựa vào việc liệu rằng hành vi của bên bị vi phạm có hợp lý trong điều kiện hoàn cảnh đó hay không.[36]Ví dụ 8: Bên mua (nhà sản xuất thủy tinh) nhận hàng hóa khiếm khuyết (aluminium hydroxide) từ bên bán mà không kiểm tra trước, đã trộn lẫn hàng hóa với các nguyên liệu khác. Kết quả là sản xuất ra thủy tinh kém chất lượng. Khiếm khuyết của hàng hóa có thể phát hiện nếu chỉ cần dùng một biện pháp kiểm tra đơn giản. Mặc dù yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể bị từ chối dựa vào việc nhà sản xuất đã vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nếu xét từ góc độ mối quan hệ nhân quả thì bên mua đã tự gây ra thiệt hại cho chính mình và phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại phát sinh.[37] Hành vi không kiểm tra hàng hóa của bên mua được xem là không phù hợp trong điều kiện khiếm khuyết sẽ được phát hiện thông qua một biện pháp kiểm tra đơn giản nếu bên mua thực hiện nghĩa vụ này.
Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề theo cách liệu rằng hành vi của bên bị vi phạm có phá vỡ mối quan hệ nhân quả hay không là dựa trên quan điểm bồi thường toàn bộ hoặc không (an “all-or-nothing” view of liability in damages). Theo đó, bên bị vi phạm chịu trách nhiệm toàn bộ về tổn thất hoặc không chịu trách nhiệm.[38] Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sẽ phù hợp hơn nếu phân chia thiệt hại cho các bên, bởi lẽ rủi ro nên được phân bổ tùy thuộc vào sự góp phần của mỗi bên vào việc gây ra thiệt hại.[39]
Như vậy, dựa trên những phân tích này, có thể nhận thấy: (i) quan điểm về phân chia thiệt hại trong trường hợp mỗi bên đều góp phần vào việc gây ra thiệt hại và (ii) việc áp dụng biện pháp xác định trách nhiệm phù hợp trong trường hợp xảy ra hành vi can thiệp có thể được áp dụng tương tự để giải thích một số trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng không còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005. Một lần nữa, sự kết hợp giữa biện pháp xác định tính chất trực tiếp của hành vi vi phạm (test of directness) và biện pháp xác định khả năng dự liệu (foreseeability test) tạo cơ sở cho việc giải thích “nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại” và việc áp dụng Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 trong trường hợp xảy ra hành vi can thiệp có khả năng phá vỡ hoặc làm gián đoạn mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại.
3. Giới hạn thiệt hại do bù trừ lợi ích xét từ góc độ mối quan hệ nhân quả
Về phương pháp tính toán mức bồi thường thiệt hại, tùy từng trường hợp mà cách thức xác định khác nhau. Theo đó, thiệt hại được tính toán dựa trên điều kiện thực tế của bên bị vi phạm (concrete approach) hoặc thiệt hại được tính toán theo một công thức định sẵn trong đó giả định rằng bên bị vi phạm sẽ hành động theo cách được cho là hợp lý (abstract approach). Với công thức định sẵn này, thay vì chú trọng đến hành vi và thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm, thì phương pháp này lại tập trung vào giao dịch thay thế với mức giá hiện tại và thiệt hại chính là chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá hiện tại. Do vậy, phương pháp này đã không tính đến các hành vi hoặc sự kiện xảy ra sau thời điểm được ấn định theo công thức “giả định” đó.[40]Ví dụ 9: Bên bán là bên bị vi phạm, với mục đích đầu tư, đã chờ (cho dù vượt quá thời hạn hợp lý cho việc hạn chế tổn thất) để bán được hàng hóa với mức giá cao hơn giá hợp đồng và giá hiện tại của giao dịch thay thế trong thời hạn hợp lý. Nếu theo “abstract approach”, bên bán sẽ được bồi thường số tiền chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá hiện tại của giao dịch thay thế, mặc dù không bị thiệt hại trên thực tế (bằng việc bán lại, bên bán ở vào tình trạng tốt hơn tình trạng mà bên này có được nếu bên mua thực hiện hợp đồng). Như vậy, lợi ích có được (sau thời điểm được ấn định theo một công thức định sẵn) đã không được tính đến trong việc tính toán thiệt hại.[41]
Trường hợp này, bên bán thu được lợi ích từ việc bán lại hàng hóa bởi vì bên mua đã không thực hiện hợp đồng. Do vậy, đây là lợi ích mà bên bán có được do kết quả của hành vi vi phạm. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc của bồi thường thiệt hại là bất kỳ lợi ích nào mà bên bị vi phạm có được do kết quả của hành vi vi phạm phải được bù trừ với thiệt hại.[42] Do đó, lợi ích thu được từ việc bán lại hàng hóa của bên bán phải được tính đến khi xác định thiệt hại. Ngược lại, thiệt hại do việc bên bán bán lại hàng hóa sau khoảng thời hạn hợp lý (ví dụ: chi phí lưu trữ hoặc thiệt hại do việc bán lại hàng hóa ở mức giá thấp hơn mức giá mà bên bán đã có thể bán được trong thời hạn hợp lý) sẽ không được bồi thường bởi bên bán vi phạm nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Nếu nhìn từ góc độ mối quan hệ nhân quả, với hành vi chờ vượt quá thời hạn hợp lý mới bán hàng, bên bán đã phá vỡ quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của bên mua và thiệt hại của bên bán.[43] Như vậy, lợi ích thu được từ hành vi vi phạm sẽ được bù trừ với thiệt hại. Ngược lại, hành vi của bên bán tự mình gây thiệt hại cũng nên được xem là hành vi can thiệp và đã phá vỡ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của bên vi phạm và thiệt hại gây ra từ hành vi này. Do vậy, hệ quả là việc giới hạn trách nhiệm cho bên vi phạm.
Trong trường hợp này, việc xác định mức bồi thường thiệt hại theo Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 cũng cần lưu ý đến giới hạn thiệt hại do bù trừ lợi ích xét từ góc độ mối quan hệ nhân quả. Theo đó, nếu bên bị vi phạm thực hiện hành vi can thiệp , làm phá vỡ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của bên vi phạm và thiệt hại gây ra từ hành vi này thì mọi thiệt hại phát sinh từ hành vi can thiệp không thuộc trách nhiệm của bên vi phạm nữa. Mặt khác, nếu phát sinh lợi ích mà lợi ích này được xác định là có được do kết quả của hành vi vi phạm thì lợi ích đó phải được bù trừ khi xác định thiệt hại.
CHÚ THÍCH
[1] Tham khảo Djakhongir Saidov, The Law of Damages in International Sales – The CISG and other International Instruments, Hart Publishing, 2008, pp. 81; về các học thuyết pháp lý khác nhau về mối quan hệ nhân quả, tham khảo AM Honoré, “Causation and Remoteness of Damage” in K Zweigert and K Drobnig (eds), International Encyclopedia of Comparative Law, Vol. 11, chapter 7 (Martinus Nijhoff Publishers, 1971).
[2] Điều 303 Luật Thương mại năm 2005.
[3] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 81; AM Honoré, tlđd, tr. 33.
[4] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 81.
[5] Tham khảo H.L.A. Hart and T Honoré, Causation in Law, 2nd, Oxford – Clarenson Press, 1985, tr. 235; AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 82; Djakhongir Saidov, (tlđd), 2008, tr. 82; và Djakhongir Saidov, “Causation in Damages: The Convention on Contracts for the International Sale of Goods, the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts, the Principles of European Contract Law” in Pace International Law Review (2006), Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG) 2004 – 2005, Sellier. European Law Publishers, tr. 230 – 233.
[6] Tham khảo H.L.A. Hart and T Honoré, tlđd, 1985, tr. 249; AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 80; Djakhongir Saidov, tlđd, 2008, tr. 84; và Djakhongir Saidov, “Causation in Damages: The Convention on Contracts for the International Sale of Goods, the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts, the Principles of European Contract Law” in Pace International Law Review, 2006, Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG) 2004 – 2005, Sellier. European Law Publishers, tr. 235.
[7] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 83.
[8] Tham khảo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 83 và Derek Beach, Rasmus Brun Pederson, Causal Case Study Methods: Foundation and Guidelines on Comparing, Matching and Tracing, University of Michigan Press, 2016, tr. 66 – 68.
[9] Tham khảo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 83 và AM Honoré, tlđd, 1971, tr.68.
[10] Tham khảo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 83.
[11] Tham khảo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 84 – 85.
[12] D Harmer, “Chance Would Be a Fine Thing”: Proof of Causation and Quantum in an Unpredictable World, 23 Melbourne ULR 557, 1999, tr. 572, dẫn theo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 83.
[13] Xem thêm: H Stoll, “Damage: Article 74” in P Schlechtriem (ed), Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG), 2nd edn, (Oxford, OUP,1998), 1998, tr. 558, dẫn theo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 81.
[14] Về học thuyết này, tham khảo AM Honoré, tlđd, 1971, tr.40.
[15] Tham khảo AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 41.
[16] Tham khảo AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 43.
[17] Tham khảo ENGLAND: The Liesbosch Dredger v. Edison (Owners), [1933] A.C. 449 (H.L.)
[18] Tham khảo AM Honoré, tlđd, tr. 44.
[19] Phân tích về vấn đề này, tham khảo Brian Coote, “Damages, The Liesbosch, and Impecuniosity”, Cambridge Law Journal, 60(3), 2001, tr. 529.
[20] Tham khảo AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 42.
[21] Tham khảo một số án lệ quan trọng và là xuất phát điểm của quan điểm này: In re Polemis and Furness Withy & Co.Ltd [1921] 3 K.B. 560; The Wagon Mound no.I, [1961] A.C.388 (P.C.) và The Wagon Mound no.II, [1966] 2 All E.R. 709 (P.C.)
[22] Tham khảo AM Honoré, tlđd, 1971, tr.44 và các phân tích trong The Wagon Mound no.I, [1961] A.C.388 (P.C.), mặc dù được đặt trong bối cảnh của “tort law”, nhưng bản chất pháp lý vẫn tương tự nếu đặt trong bối cảnh của luật hợp đồng.
[23] AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 33 và tr. 38 – 49.
[24] AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 33 và tr. 49 – 60.
[25] Tham khảo AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 32 – 33.
[26] Quan điểm này tồn tại ở các nước thuộc hệ thống thông luật (common law); về vấn đề này, xem thêm AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 57.
[27] Tham khảo H.L.A. Hart and T Honoré, tlđd, 1985, tr. 314 – 315 và các phân tích trong Parsons v. Utley Ingham [1978] QB 791 (CA), theo H.L.A. Hart và T Honoré, bản chất pháp lý vẫn tương tự nếu đặt trong bối cảnh của luật hợp đồng (tr. 314).
[28] Tham khảo H.L.A. Hart and T Honoré, tlđd, 1985, tr. 314 – 315.
[29] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 103.
[30] Về biện pháp xác định khả năng dự liệu (Foreseeability Test) và các yếu tố liên quan, xem thêm Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 103 – 113.
[31] Trong thực tế, các học thuyết pháp lý về mối quan hệ nhân quả được tích hợp với nhau. Nếu chỉ áp dụng một học thuyết là cơ sở duy nhất để giới hạn trách nhiệm cho bên vi phạm thì kết quả nhiều khả năng không đáng tin cậy bởi lẽ chức năng thực sự của các học thuyết này là để nhấn mạnh một biện pháp cụ thể nhằm giới hạn trách nhiệm chứ không phủ nhận một cách cứng nhắc việc áp dụng các biện pháp khác. Về vấn đề này, xem AM Honoré, tlđd, 1971, tr. 66.
[32] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 87.
[33] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 87-88.
[34] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 88.
[35] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 88.
[36] H.L.A. Hart and T Honoré, tlđd, tr.144, dẫn theo Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 90.
[37] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 90.
[38] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 90.
[39] Về những tiêu chí được sử dụng để phân chia thiệt hại giữa các bên, xem Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 91 – 94.
[40] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 94.
[41] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 95.
[42] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 95.
[43] Djakhongir Saidov, tlđd, tr. 95.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(116)/2018 – 2018, Trang 25-34
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời