Phân tích, bình luận một vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và điều khoản về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong khi thực hiện hợp đồng (Hardship)
Tác giả: Đồng Thị Kim Thoa [1]
TÓM TẮT
Điều khoản về hoàn cảnh thay đổi cơ bản dẫn đến khó khăn đặc biệt trong khi thực hiện hợp đồng, hay ngắn gọn hơn là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, (tiếng Anh là hardship clause,) là chủ đề nghiên cứu, tranh luận khá nhiều trong lĩnh vực thương mại nói chung, thương mại quốc tế nói riêng, do sự thiếu hụt, chưa hoàn thiện quy định pháp luật và khác biệt trong tư duy pháp lý của các bên tham gia hợp đồng, dẫn đến nhiều tranh chấp khi thực hiện hợp đồng. Từ việc phân tích, bình luận một vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bài viết góp phần nhận diện một số khía cạnh pháp lý về hoàn cảnh thay đổi cơ bản (hardship) ở khía cạnh pháp luật và thực tiễn áp dụng.
1. Dữ kiện chung của vụ việc tranh chấp2
1.1. Tóm tắt tranh chấp
Các Bên trong vụ việc tranh chấp: Phar Lap Allevamento (nguyên đơn) và Black Beauty Equestrian (bị đơn) – [Phar Lap Allevamento v. Black Beauty Equestrian] tham gia vụ việc trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC).
Phar Lap Allevamento (gọi tắt là Phar Lap), một công ty có trụ sở kinh doanh chính tại thành phố Capital (thuộc Mediterraneo, là thành viên WTO), sở hữu 300 con ngựa và trang trại nổi tiếng nhất Mediterraneo, gồm các hoạt động liên quan đến môn thể thao cưỡi ngựa, có dịch vụ cung cấp ngựa giống hoặc tinh trùng đông lạnh của các con ngựa vô địch để thụ tinh nhân tạo.
Black Beauty Equestrian (gọi tắt là Black Beauty), một công ty có trụ sở kinh doanh chính ở Oceanside (thuộc Equatoriana, là thành viên WTO), nổi tiếng với trại huấn luyện ngựa quốc tế, có một trường đua ngựa được lập từ năm 2014.
Ngày 21 tháng 3 năm 2017, Black Beauty trao đổi với Phar Lap về chương trình nhân giống mới và đặt hàng tinh trùng đông lạnh của một con ngựa đua nổi tiếng là Nijinsky III của Phar Lap.
Ngày 06 tháng 5 năm 2017, các Bên đã ký kết “Hợp đồng mua bán” – sau đây gọi tắt là Hợp đồng, theo đó Phar Lap bán cho Black Beauty 100 liều tinh trùng đông lạnh của con ngựa đua nổi tiếng Nijinsky III với tổng giá trị 10.000.000 USD, đơn giá 100.000 đô la mỗi liều tinh trùng.
Một số nội dung chính của Hợp đồng là: Việc giao hàng sẽ được chia làm 03 lần theo phương thức “Delivered Duty Paid” – “DDP” (Giao hàng đã trả thuế) theo ICC INCOTERMS 2010 (Điều 8). Người bán sẽ không chịu trách nhiệm đối với các chuyến hàng bị mất hoặc sự chậm trễ giao hàng không nằm trong tầm kiểm soát của người bán như chuyến bay bị lỡ, sự chậm trễ của dịch vụ bên thứ ba hoặc sự kiện ngoài kiểm soát của con người, gồm cả hoàn cảnh khó khăn (hardship), những gì gây ra do yêu cầu sức khỏe và an toàn bổ sung, hay các sự kiện không lường trước được làm cho hợp đồng trở nên khó thực hiện hơn (Điều 12). Việc giải quyết tranh chấp cuối cùng được thực hiện tại Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông (HKIAC) có trụ sở tại Vindobona, Danubia, theo Quy tắc trọng tài của HKIAC; luật điều chỉnh hợp đồng là luật pháp của Mediterraneo, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980 – CISG, Điều 14, Điều15).
Trong tháng 05 và tháng 10 năm 2017, Phar Lap đã hoàn thành việc giao hai lô hàng đầu tiên. Hai tháng trước khi 50 liều tinh trùng ngựa cuối cùng được chuẩn bị gửi đi, Tổng thống Mediterraneo mới được bầu, Ian Bouckaert, công bố mức thuế 25% đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Equatoriana. Thuế quan được công bố vào ngày 19 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2018. Biện pháp này đến bất ngờ với cả hai Bên. Họ đàm phán liên quan đến việc điều chỉnh giá hàng trong hợp đồng. Phar Lap khẳng định chỉ nhận ra vào ngày 19 tháng 01 năm 2018 rằng lô hàng cuối cùng của 50 liều tinh trùng ngựa đông lạnh phải chịu thuế nhập khẩu của Equatoriana, nhấn mạnh với Black Beauty một yêu cầu cấp thiết đàm phán lại điều khoản giá cả của Hợp đồng trước khi Phar Lap thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, bởi thuế sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu 30%. Phar Lap cảnh báo sẽ giữ lại việc giao hàng đợt cuối cùng nếu Black Beauty từ chối tìm giải pháp. Ngày 21 tháng 01 năm 2018, Black Beauty yêu cầu giao lô hàng cuối cùng theo Hợp đồng và tiến hành thanh toán 5.000.000 USD cho lô hang này, đảm bảo với Phar Lap rằng sẽ phối hợp tìm ra giải pháp. Tính đến việc Black Beauty đã thể hiện ý định chấp nhận điều chỉnh giá, Phar Lap đã thực hiện nghĩa vụ giao số hàng còn lại vào ngày 23 tháng 01 năm 2018 trước khi có thỏa thuận mới về giá đạt được và đã chi trả 30% thuế nhập khẩu theo quy định của Equatoriana.
Sau đó, Black Beauty đã ngừng đàm phán và từ chối yêu cầu của Phar Lap yêu cầu tăng giá bán hàng số tiền 1.250.000 USD dựa vào Khoản 12 Hợp đồng. Khi phát hiện Black Beauty vi phạm hợp đồng bằng việc bán lại tinh trùng ngựa đông lạnh cho bên thứ ba khác và không hợp tác đàm phán việc điều chỉnh giá hàng, Phar Lap đã gửi thông báo trọng tài cho HKIAC vào ngày 31 tháng 7 năm 2018, khởi xướng các thủ tục tố tụng trên cơ sở thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng.
1.2. Quan điểm và lập luận của nguyên đơn (Phar Lap)
Trong Thông báo Trọng tài và lập luận trước Trọng tài bởi đại diện pháp lý3, Phar Lap đề nghị Hội đồng Trọng tài yêu cầu: Black Beauty phải trả cho Nguyên đơn một khoản tiền bổ sung là 1.250.00 đô la Mỹ, bằng 25% giá của lần giao hàng thứ ba và Black Beauty chịu chi phí Trọng tài, với các lý do chính sau đây:
– Nguyên đơn cần được tăng giá ít nhất 25% so với giá thỏa thuận trong hợp đồng do chi phí thực tế chi trả cao hơn sau khi bị áp dụng thuế quan mới, do chỉ tính biên độ lợi nhuận 5% và bị lỗ 25% do mức thuế nhập khẩu mới của chính quyền Equatoriana là 30%.
– Nguyên đơn đã nói rõ trong khi đàm phán là không sẵn sàng chịu mọi rủi ro khác liên quan đến việc thay đổi điều khoản giao hàng, bị đơn đã đồng ý. Thực tế tại thời điểm ký kết hợp đồng, không ai mong đợi hoặc lường trước được sẽ xảy ra các biện pháp áp đặt thuế như vậy nên thỏa thuận về vấn đề này không được đưa vào hợp đồng một cách rõ ràng.
– Ngay cả khi Hội đồng trọng tài kết luận rằng việc áp dụng thuế quan không được quy định trong điều khoản điều chỉnh hợp đồng, thì giá theo Hợp đồng cần được tăng theo Công ước về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980 (viết tắt: CISG) vì trong một số trường hợp nhất định CISG đã cho phép điều chỉnh giá do có sự thay đổi về hoàn cảnh (hardship) tại Điều 6.2.3 Các nguyên tắc về hợp đồng TMQT của Unidroit (viết tắt: PICC). Điều này cũng áp dụng cho lập luận của bị đơn, sau khi bị áp đặt thuế quan và vi phạm hợp đồng về việc bán lại cho bên thứ ba khác 15 liều tinh trùng ngựa với giá cao hơn 20% so với giá tính bởi nguyên đơn.
– Với tình trạng tài chính bị ảnh hưởng của nguyên đơn do bị áp thuế quan nặng nề đã thay đổi về cơ bản trạng thái cân bằng của hợp đồng, cùng với việc vi phạm hợp đồng của bị đơn với mục đích xấu bằng cách bán lại hàng cho bên thứ ba với giá cao hơn giá tính của nguyên đơn trong hợp đồng, nguyên đơn không thể chịu gánh nặng từ hoàn cảnh khó khăn (thuế quan thay đổi) trong khi bị đơn thu được lợi ích đáng kể hơn so với quy định ban đầu thông qua việc vi phạm hợp đồng.
– Nguyên đơn có quyền được điều chỉnh hợp đồng vì những tình tiết này nằm trong các trường hợp được nêu trong Điều12 Hợp đồng hoặc theo Điều 79 CISG (Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế). Ba yếu tố cấu thành một hoàn cảnh khó khăn làm thay đổi trong hợp đồng này theo ý nghĩa của Điều 12 Hợp đồng: thuế quan (1) là yếu tố tương tự với they đổi do yêu cầu về sức khỏe và an ninh, (2) không lường trước được, (3) khiến việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hơn. Nguyên đơn đã khẳng định không chịu rủi ro về thuế nhập khẩu khi đồng ý giao hàng theo phương thức DDP, và do đó căn cứ Điều 12 Hợp đồng đề nghị trọng tài chuyển một số gánh nặng của hoàn cảnh thay đổi cho bị đơn bằng cách phát quyết cho phép điều chỉnh tăng giá hàng hóa theo hợp đồng.
1.3. Quan điểm và lập luận của bị đơn (Black Beauty)
Trong văn bản trả lời thông báo Trọng tài và lập luận bởi đại diện pháp lý4, bị đơn (Black Beauty) đề nghị Hội đồng trọng tài bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn về việc bị đơn trả chi phí bổ sung với số tiền là 1.250.000 đô la Mỹ và yêu cầu nguyên đơn thanh toán chi phí của bị đơn trong quá trình trọng tài này, với các lý do chính như sau:
– Yêu cầu chi trả cho việc tăng giá là hoàn toàn thiếu cơ sở. Nguyên đơn không có quyền yêu cầu điều chỉnh hợp đồng, kể cả theo điều khoản bất khả kháng (force majeure) hay điều khoản đàm phán lại hợp đồng khi có sự thay đổi về hoàn cảnh (hardship) hay theo Điều 79 CISG.
– Nguyên đơn không được miễn thanh toán thuế nhập khẩu theo Điều 12 Hợp đồng, vì không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 12 do việc tăng chi phí của nguyên đơn chỉ ở mức vừa phải và do đó không cấu thành “hoàn cảnh khó khăn”; thuế nhập khẩu trả đũa thương mại do Equatoriana đặt ra không “tương đương” với “các yêu cầu về sức khỏe và an toàn” được nêu trong Khoản 12; và thuế nhập khẩu là có thể thấy trước và có thể tránh được. Điều 12 Hợp đồng không quy định khả năng điều chỉnh giá hợp đồng, chỉ quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
– Lý do hoàn cảnh khó khăn cơ bản theo Điều 79 CISG không có cơ sở được chấp nhận, vì: Thứ nhất, các bên phải đồng ý rõ ràng về điều khoản miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng theo Điều 79 CISG. Điều 12 hiểu theo phạm vi hẹp nên không tương thích với Điều 79 CISG. Thứ hai, số tiền tăng 15% chi phí mà nguyên đơn phải chịu phát sinh không tạo thành một hoàn cảnh thay đổi theo yêu cầu nghiêm ngặt của Điều 79 CISG. Nguyên đơn có thể thấy trước việc áp thuế nhập khẩu của Equatoriana và có thể tránh được bất kỳ chi phí bổ sung nào, do đó không thể được miễn trách nhiệm chịu thuế quan theo Điều 79 CISG. Thứ ba, trong mọi trường hợp, CISG không cho phép khả năng điều chỉnh hợp đồng. Điều 79 CISG chỉ cung cấp miễn trừ trách nhiệm pháp lý như là biện pháp khắc phục.
2. Một số bình luận về các vấn đề pháp lý và thực tiễn trong việc áp dụng điều khoản về hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khi thực hiện hợp đồng (hardship)
2.1. Các bên (nguyên đơn và Bị đơn) đã trình bày các lập luận pháp lý, căn cứ chứng minh để bảo vệ quan điểm của mình về cách hiểu và áp dụng điều khoản về hoàn cảnh khó khăn làm thay đổi căn bản tính cân bằng của hợp đồng, cũng được gọi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản (hardship5)
Hai bên đều dựa vào quy định của hợp đồng (đặc biệt là Điều 8, Điều 12, Điều 14, Điều 15) và luật điều chỉnh hợp đồng đã được thỏa thuận lựa chọn (luật pháp của Mediterraneo, bao gồm CISG và liên hệ với một số căn cứ pháp lý liên quan như Bộ nguyên tắc hợp đồng TMQT của Unidroit (PICC), các án lệ về điều khoản hardship. Tuy vậy, hai bên không thống nhất được quan điểm, lập luận nên đã có có kết luận mâu thuẫn nhau về việc xác định tính hợp pháp, hợp lý trong yêu cầu của Nguyên đơn.
Nguyên đơn chứng minh rằng Phar Lap thỏa mãn các yêu cầu của hoàn cảnh thay đổi được quy định trong Điều 6.2 PICC và Điều 79 CISG nên được quyền yêu cầu chi trả bổ sung. Sự thay đổi cơ bản về trạng thái cân bằng của hợp đồng là: Việc áp dụng thuế quan làm tăng chi phí cho nguyên đơn 30% giá trị Hợp đồng của lô hàng giao đợt cuối (tổng 1.500.000 USD). Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu (30%) 1.500.000 đô la Mỹ (trừ đi lợi nhuận 250.00 đô la Mỹ từ lô hàng này) đã dẫn đến việc nguyên đơn mất 1.250.000 đôla, gấp năm lần lợi nhuận kỳ, gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng tài chính, kinh doanh của nguyên đơn khắc phục thua lỗ kể từ năm 2014. Đồng thời, hành vi vi phạm hợp đồng của bị đơn (bán lại hàng cho các bên thứ ba với giá cao hơn giá do nguyên đơn ấn định) phá hủy trạng thái cân bằng thương mại, tiềm năng kinh doanh của nguyên đơn tại Equatoriana; trong khi đó bị đơn không gặp nguy hiểm về tài chính nếu họ phải chi trả thêm 1.250.000 đôla.
Trái ngược lập luận nêu trên, bị đơn lập luận rằng: (1). Các chi phí bổ sung gây ra bởi thuế nhập khẩu không đủ để thay đổi cơ bản của trạng thái cân bằng hợp đồng; (2) Điều 79 CISG yêu cầu hoàn cảnh thay đổi cơ bản và hậu quả của nó là không thể tránh khỏi. Thuế nhập khẩu bị Equatoriana áp đặt là có thể lường trước được, vì có cơ sở để nguyên đơn có thể đã tính đến khả năng Equatoriana sẽ áp thuế nhập khẩu tại thời điểm ký kết hợp đồng và do đó, yêu cầu “không lường trước được” không được đáp ứng; (3) nguyên đơn có thể tránh được chi phí phát sinh thêm: do biết rằng Equatoriana sẽ áp thuế nhập khẩu 26 ngày trước khi chúng có hiệu lực nên có đủ thời gian để thu xếp chuyển hàng trước đó và có thể tránh được các chi phí bổ sung do thuế nhập khẩu của Equatoriana. Vì vậy, yêu cầu do “không thể lường trước được” là không hợp lý. Nguyên đơn xác định rằng mức tăng chi phí 15% có liên quan theo Điều 79 CISG, nhưng đã đồng ý giao hàng theo phương thức DDP (đã trả thuế) và do đó bắt buộc phải thanh toán cho tất cả các chi phí liên quan đến việc nhập khẩu. Điều kiện tài chính của nguyên đơn sẽ chỉ có liên quan Điều 79 CISG nếu nguyên đơn đối mặt với phá sản, mà không có cơ sở xảy ra do hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong vụ này. Do đó, nguyên đơn không thể được miễn trừ trách nhiệm theo Điều 79 CISG.
2.2. Sự khác biệt trong cách hiểu quy định tại Điều 79 CISG6 về miễn trừ trách nhiệm7 hay sự thay đổi hoàn cảnh dẫn đến việc đàm phán lại hợp đồng (hardship)8 từ mâu thuẫn trong tranh luận của các Bên trong vụ việc này cũng như các án lệ CISG khác
Một trong những lý do chính về sự khác biệt này là Điều 79 CISG thiếu định nghĩa chi tiết, rõ ràng về trở ngại, trong khi nhiều định nghĩa đã được luật pháp các quốc gia (điển hình như Hoa Kỳ, Ba Lan, các nước châu Âu…) và các văn bản quốc tế khác nhau (PICC, PECL…) đưa ra. Tuy vậy, cho đến nay người ta vẫn chưa làm rõ và thống nhất được: Mức độ thay đổi hoàn cảnh hay trở ngại như thế nào là đủ để là căn cứ miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hay đàm phán lại hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi.
Mặc dù sự khan hiếm của án lệ9 dẫn đến việc phải suy đoán thông qua luật lệ của (các) quốc gia về đàm phán lại hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi, nhưng nguồn án lệ CISG cũng được sử dụng, viện dẫn khá thường xuyên trong các nghiên cứu, bình luận về điều khoản hardship. Án lệ điển hình là Scafom International v.Lorraine (Tranh chấp giữa công ty Scaforn International BV (Phần Lan) và công ty Lorraine Tubes S.A.S (Pháp) về mua bán ống thép SAS (2009), theo đó biến động trên thị trường thép khiến cho giá thép đã tăng lên 70% so với giá ban đầu và Tòa án tối cao của Phần Lan cho rằng sự kiện giá thép tăng là không dự tính trước được, tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng, khiến cho việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trở nên bất lợi cho phía Người bán. Tòa án cho rằng một sự thay đổi lớn như vậy là không thể lường trước được và bản chất của việc tăng giá đã tạo ra gánh nặng cho việc thực hiện nghĩa vụ không đáng có cho người mua. Một thay đổi như vậy có thể được công nhận là một trở ngại theo Điều 79 CISG hay không. Tòa án dựa vào nguyên tắc chung tại Điều 7 CISG và tham khảo PICC để hỗ trợ cho lập luận rằng hoàn cảnh khó khăn có thể được xem là trở ngại theo Điều 79 CISG, đồng thời đề xuất rằng PICC có thể được áp dụng trực tiếp để giải thích cho Điều 79 CISG vì PICC chứa cả điều khoản miễn trừ và điều khoản khó khăn, trong khi CISG sở hữu điều khoản duy nhất về trở ngại.
Trong vụ việc tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn đang được bình luận nêu trên, các bên cũng viện dẫn án lệ Scafom International v.Lorraine. Nguyên đơn cho rằng, cách tiếp cận nêu trên đã được áp dụng ở Bỉ trong án lệ này và được đề xuất là phù hợp nhất trong một án lệ khác là D21 v.Gabo (2015)10, từ đó Điều 6.2.2 PICC nên được sử dụng để bổ sung cho Điều 79 CISG và nguyên đơn được quyền yêu cầu chi trả bổ sung từ khó khăn phát sinh do thuế nhập khẩu bị áp đặt trong khi thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, bị đơn khẳng định: Các chi phí bổ sung gây ra bởi thuế nhập khẩu không đủ để thay đổi cơ bản của trạng thái cân bằng hợp đồng, vì trong án lệ Scaform International, tăng 70% chi phí được coi là một hoàn cảnh thay đổi cơ bản, thậm chí trong một vụ việc khác 300% chi phí mới là đủ theo Điều 79 CISG, còn trong nhận xét PICC 1994 có đề xuất tiêu chuẩn cho khó khăn đặc biệt là 50% nhưng bị loại bỏ trong các Nhận xét PICC 2004 và 2010 [11], nên từ đây có thể kết luận rằng việc tăng chi phí thấp hơn 50% không thể được coi là thay đổi cơ bản và các con số nêu trên vẫn cao hơn rất nhiều so với mức tăng chi phí của nguyên đơn là 15% nên không thể tạo thành hoàn cảnh thay đổi làm căn cứ cho việc miễn trừ theo Điều 79 CISG đối với nguyên đơn.
Cần lưu ý thêm rằng, quan điểm của trọng tài trong vụ kiện Scaform International không nhất quán với cách giải thích các điều khoản của CISG trong quy định luật pháp các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa về hoàn cảnh khó khăn, mất cân bằng hợp đồng và đàm phán lại hợp đồng do có hoàn cảnh thay đổi12. Khác biệt với vụ án Scafom International, trong hầu hết các án lệ khác liên quan đến Điều 79 CISG, yếu tố chính là hoàn cảnh khó khăn có phải là không lường trước được hay có phải là rủi ro được phân bổ hay không. Về rủi ro được phân bổ, CISG quy định rằng: Nếu một sự kiện không xảy ra trong phạm vi kiểm soát của một bên thì sự kiện bất khả kháng đó thường sẽ là căn cứ cho yêu cầu miễn trừ. Trong thực tiễn, các sự kiện bất khả kháng, như sự can thiệp của chính phủ hoặc thiên tai, thường được coi là một sự kiện bất thường, bất khả kháng, nhưng không phải lúc nào cũng được coi là một trở ngại theo Điều 79 CISG. Căn cứ không thể lường trước được sự kiện cũng khó chứng minh theo Điều 79 CISG. Theo hướng dẫn từ bình luận của Ban Thư ký CISG: Tất cả các trở ngại đối với việc thực hiện hợp đồng như chiến tranh, bão, hỏa hoạn, can thiệp của chính phủ… đều đã xảy ra trong quá khứ và có thể được ngăn chặn để xảy ra một lần nữa trong tương lai. Một vấn đề khác có liên quan là mối quan hệ giữa khả năng nắm bắt sự kiện và khả năng sự kiện có nằm ngoài tầm kiểm soát của bên yêu cầu hay không, cũng chưa được Điều 79 CISG xác định một cách rõ ràng.
Kết luận
Nội dung trình bày, phân tích nêu trên cho thấy tính chất phức tạp về pháp lý trong cách hiểu, sử dụng và giải quyết tranh chấp liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản và điều khoản hardship trong bối cảnh của các giao dịch thương mại quốc tế. Từ thực tế quy định pháp luật chưa đầy đủ, chưa thống nhất, các chủ thể tham gia hợp đồng cũng như tham gia giải quyết tranh chấp có liên quan cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo các khía cạnh pháp lý cũng như thực tiễn của vấn đề này trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng. Trong bối cảnh chung của thương mại quốc tế hiện nay, các nghiên cứu, bình luận chuyên sâu có ý nghĩa rất quan trọng, hữu ích trong việc tiến tới một cách hiểu và vận dụng thống nhất để giải quyết các tranh chấp hợp đồng. Ở Việt Nam hiện nay, đây cũng là lĩnh vực hiện có nhiều vấn đề đặt ra cả về lý luận, pháp lý và thực tiễn cần được giải quyết thấu đáo, vừa hội nhập, tiếp thu có chọn lọc thành tựu của pháp luật các nước và các nguyên tắc, tập quán thương mại quốc tế về pháp luật hợp đồng, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam. Chủ đề này sẽ được trình bày trong các nghiên cứu tiếp theo của tác giả về điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong khi thực hiện hợp đồng ở Việt Nam./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.
- Nguồn: Dữ liệu từ cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế (CISG Moot) do Ban tổ chức: Hiệp hội Tổ chức và Xúc
- Là bên tham gia cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế (CISG Moot) do Ban tổ chức: Hiệp hội Tổ chức và Xúc tiến Cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế Willem C.Vis lần thứ 26 tại Vienna, Austria (2019) và Cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế Willem C.Vis (East) Hong Kong, tháng 10 năm 2018 – tháng 04 năm 2019.
- Là bên tham gia cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế (CISG Moot) do Ban tổ chức: Hiệp hội Tổ chức và Xúc
- Khái niệm “hardship” và các khái niệm tương tự như “change of circumstances”, “changement de circonstances”, “Wegfall der Geschäftsgrundlage”, “eccessiva onerosità” được thừa nhận trong nhiều hệ thống pháp luật, trong đó, thuật ngữ “hardship” được sử dụng và được chấp nhận rộng rãi nhất, có nghĩa là trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
- Tác giả sử dụng và trích dẫn từ nguồn tham khảo chính: Larry A. DiMatteo, Đại học Quản trị Kinh doanh Warrington, Miễn trừ trong hợp đồng theo CISG: Trở ngại, hoàn cảnh thay đổi cơ bản và học thuyết miễn trừ, Nghiên cứu pháp luật quốc tế, Tập 27, Số phát hành 01 Phiên bản thương mại số 5 , tháng 4/ 2015.
- Miễn trừ (Excuse and exemption) là thuật ngữ chung kết hợp nhiều học thuyết mà theo đó một bên được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
- Đàm phán lại do có sự thay đổi về hoàn cảnh là một căn cứ miễn trừ trách nhiệm nhưng không nghiêm ngặt trong các yêu cầu miễn trừ như trường hợp bất khả kháng. Khó khăn đôi khi được gọi là tình huống thay đổi, nhưng tất cả các hình thức miễn trừ đều phải có sự thay đổi hoàn cảnh làm ảnh hưởng đến tính cân bằng của hợp đồng gây bất lợi cho một trong các bên.
- CISG-AC Opinion No.7, “Miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 79 CISG” (12 tháng 10 năm 2007), http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/CISG-AC-op7.html.
- Công ty Bỉ Hof van Cassatie đã bổ sung Điều 79 CISG với Điều 6.2.2 Nguyên tắc UNIDROIT và thấy rằng người bán, người đã bị thiệt thòi do giá thép tăng đột ngột, đã đáp ứng các yêu cầu của Điều 6.2 và được quyền đàm phán lại [Scafom International tr.14]. Tòa án tối cao của Pháp đã không tranh chấp kết luận của Hội đồng trọng tài rằng Nguyên tắc UNIDROIT (PICC) có thể bổ sung CISG theo Điều 7 và do đó, Điều 6.2.2 là định nghĩa liên quan đến hoàn cảnh thay đổi [D21 v Gabo]. Cả hai trường hợp đều có ảnh hưởng đặc biệt trong tranh chấp hiện tại vì trong D21 v Gabo, cả hai bên đã chấp thuận Nguyên tắc UNIDROIT trong luật nội địa của họ và tại Scafom International, việc tăng giá xảy ra sau khi hình thành hợp đồng nhưng trước khi giao hàng, và người bán đã cố gắng thương lượng.
- Ấn bản PICC 2004 và 2010, phần diễn giải đã không giữ lại con số 50%, mà được chỉnh sửa lại: “một sự thay đổi có được coi là cơ bản hay không trong một vụ việc phải được xác định tùy vào hoàn cảnh”. BLDS một số quốc gia như Pháp, Đức, Italia… cũng chỉ đưa ra quy định về thiệt hại một cách chung chung và không đặt ra một mức độ cụ thể.
- Xem e.g., Harry M. Flechtner, The Exemption Provisions of the Sales Convention, Including Comments on the ‘Hardshi’ Doctrine and the 19 June 2009 Decision of the Belgian Cassation Court, 59 BELGRADE L. REV. 84 (2010) (critical of court’s decision).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Dữ liệu Cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế (CISG Moot)- Ban tổ chức: Hiệp hội Tổ chức và Xúc tiến Cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế Willem C.Vis lần thứ 26 tại Vienna, Austria (2019) và Cuộc thi Trọng tài thương mại quốc tế Willem C.Vis (East) Hong Kong, tháng 10 năm 2018 – tháng 04 năm 2019.
- Larry A. DiMatteo, Đại học Quản trị Kinh doanh Warrington, Miễn trừ trong hợp đồng theo CISG: Trở ngại, hoàn cảnh thay đổi cơ bản và học thuyết miễn trừ, Nghiên cứu pháp luật quốc tế, Tập 27, Số phát hành 01 Phiên bản thương mại số 5, tháng 4/ 2015.
- CISG-AC Opinion No.7, “Miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 79 CISG” (12 tháng 10 năm 2007), http://www.cisg.law.pace. edu/cisg/CISG-AC-op7.html.
Trả lời