Mục lục
Giải quyết các tranh chấp về hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ – Một số vấn đề về pháp luật và thực tiễn thực hiện
Tác giả: Nguyễn Thị An Na [1]
TÓM TẮT
Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là một trong những biện pháp thường được các bên liên quan lựa chọn khi giao kết hợp đồng. BLDS năm 2015 đã có sự sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phát huy vai trò của biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trong giao dịch dân sự. Bài viết nghiên cứu một số vấn đề về áp dụng pháp luật và thực tiễn thực hiện giải quyết tranh chấp về hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Từ đó tác giả đưa ra một số đề xuất hoàn thiện.
1. Khái quát về bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ
Bảo lãnh là một thuật ngữ được sử dụng từ lâu đời. Trong xã hội phong kiến người ta đã biết đến khái niệm lý trưởng và những người có thế lực bảo lãnh cho tù nhân trong thời gian thi hành án, cha mẹ bảo lãnh cho con… Sau đó bảo lãnh được phát triển sang lĩnh vực dân sự và nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội. Ngày nay, hoạt động bảo lãnh được phát triển phong phú và đa dạng trong mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Để phân loại, người ta dựa vào một số các tiêu chí như:
(i) Dựa vào tính chất và đối tượng bảo lãnh, có thể phân loại thành: Bảo lãnh đối nhân và bảo lãnh đối vật. Bảo lãnh đối nhân được áp dụng chủ yếu với các quan hệ phi tài sản trong hình sự, chế tài hành chính và quan hệ phi tài sản trong dân sự. Bảo lãnh đối vật thì được áp dụng trong quan hệ hợp đồng kinh tế và dân sự có yếu tố tài sản. Với tính chất này, bảo lãnh là một trong các phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
(ii) Dựa trên chủ thể bảo lãnh, có thể phân loại thành, Bảo lãnh nhà nước với doanh nghiệp; Bảo lãnh công ty mẹ với công ty con; Bảo lãnh của ngân hàng với doanh nghiệp.
(iii) Dựa trên mục đích kinh tế, có thể phân loại thành, Bảo lãnh vì mục đích kinh tế và bảo lãnh vì mục đích phi kinh tế.
Từ yêu cầu thực tiễn đời sống hiện nay, pháp luật đã có những quy định điều chỉnh về lĩnh vực này. Quan hệ bảo lãnh không chỉ được quy định ở BLDS năm 2015 mà trong các văn bản pháp luật khác như Luật quản lý nợ công năm 2017, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014,…
Từ góc độ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, Điều 335 BLDS năm 2015 quy định về biện pháp bảo lãnh như sau: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Với quy định trên có thể thấy, bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng được hình thành dựa trên sự thỏa thuận của bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Sự thống nhất được biểu hiện ra bên ngoài là hợp đồng. Hợp đồng này thể hiện ý chí của người nhận bảo lãnh chấp nhận cho người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh khi có các điều kiện luật định xảy ra. Từ nội dung trên, có thể thấy biện pháp bảo lãnh thực hiện hợp đồng mang những đặc điểm sau:
(i) Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Tính bảo đảm thể hiện thực hiện biện pháp bảo lãnh nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã đến hạn thì thông qua biện pháp bảo lãnh, bên có quyền được yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện thay nghĩa vụ. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên có quyền được yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại. Thông qua biện pháp bảo lãnh, quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền được đảm bảo.
(ii) Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là biện pháp bảo đảm phát sinh dựa trên ý chí của bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh về lựa chọn biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng chính. Nếu không có sự thỏa thuận về nghĩa vụ trong hợp đồng chính thì không làm phát sinh biện pháp bảo lãnh để thực hiện hợp đồng.
(iii) Biện pháp bảo lãnh được đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi của người thứ ba, chính là bên được bảo lãnh. Bên được bảo lãnh là chủ thể tuy không trực tiếp tham gia vào hợp đồng bảo lãnh nhưng lại được hưởng lợi từ việc thực hiện nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh. Bởi khi ký kết hợp đồng bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh ngay khi xảy ra các điều kiện theo thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
2. Các tranh chấp phổ biến về hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ
Tranh chấp hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ rất đa dạng và phong phú. Tùy thuộc vào từng tiêu chí mà có sự phân biệt các loại tranh chấp hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào đối tượng nghĩa vụ được thực hiện trong hợp đồng bảo lãnh, gồm có các dạng tranh chấp cơ bản sau:
Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh có đối tượng nghĩa vụ là một khoản tiền hoặc một tài sản: Trong trường hợp này nội dung tranh chấp thường liên quan đến tài sản đó như tranh chấp về chủ sở hữu của khoản tiền, tài sản, định giá tài sản, thủ tục giải quyết tài sản để thực hiện nghĩa vụ cho người được bảo lãnh,…
Tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh có đối tượng của nghĩa vụ là việc thực hiện một công việc: Trong trường hợp này nội dung tranh chấp thường liên quan đến khả năng thực hiện công việc của bên bảo lãnh, chất lượng công việc bên bảo lãnh thực hiện cho bên có quyền,…
Thứ hai, căn cứ vào tiến trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo lãnh, có các loại tranh chấp sau:
– Tranh chấp về giao kết hợp đồng bảo lãnh, thông thường là tranh chấp về giá trị pháp lý của hợp đồng bảo lãnh và giải quyết hậu quả của hợp đồng bảo lãnh vô hiệu. Các tranh chấp thường gặp là những tranh chấp về chủ thể giao kết hợp đồng, hình thức của hợp đồng, tính tự nguyện của hợp đồng, phạm vi giá trị tài sản bảo lãnh,…
– Tranh chấp về quá trình thực hiện hợp đồng: Đây là dạng tranh chấp phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh. Các tranh chấp thường gặp liên quan đến chủ thể thực hiện hợp đồng, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đúng thời hạn, phạm vi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh,… và các biện pháp khắc phục hậu quả của sự vi phạm HĐBH phi nhân thọ.
– Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng bảo lãnh: Thường là tranh chấp về cơ sở pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo lãnh mà thường liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh đã hoàn thành hay chưa hoàn thành,…
Thứ ba, căn cứ vào các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, các tranh chấp có thể phát sinh là: tranh chấp về phạm vi bảo lãnh, thù lao bảo lãnh, quyền yêu cầu của bên nhận bảo lãnh, miễn trách nhiệm bảo lãnh,…
3. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng luật và kiến nghị, đề xuất nâng cao giải quyết tranh chấp về hợp đồng liên quan đến bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ
Thứ nhất, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến sử dụng tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Về nội dung này, không có sự thống nhất giữa quy định của BLDS năm 2015, Luật đất đai năm 2013 và một số Nghị định của Chính phủ. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 336 BLDS năm 2015 thì “các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”. Về nội dung này, Luật Đất đai năm 2013 lại không còn quy định người sử dụng đất được quyền bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và giao cho Chính phủ quy định việc xử lý đối với “các trường hợp đã bảo lãnh bằng quyền sử dung đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”2. Tức là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất trước ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (01/7/2014) thì được xử lý như đối với việc thế chấp và sau thời điểm này thì không còn việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Có sự bất tương thích này là vì Luật đất đai năm 2013 đã sửa đổi quyền của người sử dụng đất cho phù hợp với quy định của BLDS năm 2005 về chế định bảo lãnh (BLDS năm 2005 quan điểm bảo lãnh là quan hệ đối nhân). Tuy nhiên khi BLDS năm 2015 ra đời lại có thay đổi về quan điểm về hợp đồng bảo lãnh có thể được bảo đảm thực hiện bằng tài sản. Trong khi Luật đất đai năm 2013 lại chưa được sửa đổi để phù hợp với quy định mới của BLDS năm 20153.
Một số Nghị định hướng dẫn cũng quy định đồng nhất bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất với thế chấp quyền sử dụng đất như: Nghị định số 163/2006/NĐ-CP: “việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất…. được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất”4, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP: “bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật dân sự”5…
Thứ hai, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng bảo lãnh.
Luật Công chứng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2018 chỉ quy định việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản mà không có quy định đối với việc công chứng hợp đồng bảo lãnh6. Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng, phí chứng thực, phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng, phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng, lệ phí cấp thẻ công chứng viên (Thông tư số 257/2016/TT-BTC) chỉ quy định mức thu phí công chứng với hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản mà không quy định đối với hợp đồng bảo lãnh tài sản7. Phí công chứng hợp đồng bảo lãnh được quy định thuộc trường hợp giao dịch không theo giá trị tài sản8. Như vậy, pháp luật chưa có hướng dẫn về thủ tục công chứng với trường hợp ký hợp đồng bảo lãnh – thế chấp hoặc bảo lãnh – cầm cố, đặc biệt đối với hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất9.
Thứ ba, khó khăn, vướng mắc về đăng ký biện pháp bảo đảm là bảo lãnh thực hiện hợp đồng
Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm quy định hợp đồng bảo lãnh không thuộc trường hợp phải đăng ký nhưng hợp đồng thế chấp hoặc cầm cố thì phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu các bên ký kết hợp đồng với tính chất vừa bảo lãnh – thế chấp thực hiện hợp đồng hoặc bảo lãnh – cầm cố thì cũng phát sinh vướng mắc bởi hiện tại pháp luật chưa có quy định về việc đăng ký đối với loại hợp đồng này.
Thứ tư, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng phạm vi bảo lãnh theo Khoản 4 Điều 336 BLDS năm 2015 vì có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.
Khoản 4 Điều 336 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại”. Theo đó, nếu nghĩa vụ hình thành trong tương lai được hình thành sau khi bên bảo lãnh chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại. Tuy nhiên trên thực tế, quy định này có thể dẫn tới nhiều cách hiểu như sau:
(i) Cách hiểu thứ nhất, quy định này chỉ áp dụng đối với biện pháp bảo lãnh không bằng tín chấp (bảo lãnh không kèm tài sản bảo đảm), không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm bằng tài sản như cầm cố, thế chấp (bảo lãnh kèm tài sản bảo đảm).
(ii) Cách hiểu thứ hai, quy định này áp dụng cả đối với biện pháp bảo lãnh có tài sản bảo đảm (cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba (bên bảo lãnh).
Việc xác định chính xác cách hiểu quy định tại Khoản 4 Điều 336 BLDS năm 2015 nêu trên sẽ có ý nghĩa đối với các trường hợp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba. Theo đó, biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba có chấm dứt khi người có tài sản chết hay không. Các nghĩa vụ trong tương lai phát sinh sau thời điểm người có tài sản chết có thuộc phạm vi bảo đảm không?
Thứ năm, BLDS năm 2015 không có quy định cụ thể nào về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tài sản của người thứ ba khi áp dụng biện pháp bảo lãnh.
Điều này có thể làm phát sinh những rủi ro pháp lý cho các chủ thể, nhất là đối với bên nhận bảo đảm.
Thứ sáu, sự không thống nhất khi nhận diện, phân biệt giữa quan hệ bảo lãnh với quan hệ thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác (bên thế chấp và bên vay là hai chủ thể độc lập).
Theo nội dung Bản án sơ thẩm số 26/2011/KT-ST ngày 05/8/2011 và Bản án sơ thẩm số 48/2011/KDTM-ST ngày 22/9/2011 của TAND tỉnh QN thì một trong những lý do dẫn đến hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba bị tuyên vô hiệu là có sự nhầm lẫn về hình thức hợp đồng. Theo các bản án nêu trên thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba thực chất phải là quan hệ bảo lãnh. Do đó, các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh, chứ không phải hợp đồng thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba. Việc các bên ký kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba là không đúng với tính chất của giao dịch dân sự có biện pháp bảo đảm bằng hình thức bảo lãnh, không đúng với quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, hình thức giao dịch dân sự, hình thức bảo lãnh10. Với vấn đề này, có hai quan điểm:
(i) Quan điểm thứ nhất đồng ý với cách tiếp cận, giải thích nêu trên;
(ii) Quan điểm thứ hai cho rằng BLDS năm 2015 quy định “thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”11 nên chủ sở hữu tài sản có thể dùng tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của chính mình (bên thế chấp đồng thời là bên có nghĩa vụ) hoặc bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác (bên thế chấp và bên có nghĩa vụ là hai chủ thể khác nhau). Do đó hình thức hợp đồng thế chấp giữa các bên không bị vô hiệu.
Qua các vụ án xét xử hợp đồng tín dụng nêu trên có thể thấy rằng, cùng một hợp đồng bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên khác đối với ngân hàng nhưng Tòa án các cấp sơ thẩm và các cấp phúc thẩm đã nhận định đánh giá khác nhau về bản chất pháp lý của hợp đồng giữa bảo lãnh có bảo đảm bằng tài sản hay thế chấp tài sản thực hiện nghĩa vụ cho bên thứ ba.
Thứ bảy, khó khăn xuất phát từ nhận định khác nhau về hiệu lực hợp đồng bảo lãnh có tài sản bảo đảm là quyền sự dụng đất.
Vụ án giữa ngân hàng thương mại T và cơ sở sản xuất gốm Y (công ty Y). Theo đó, năm 2017, Ngân hàng T ký hợp đồng cho công ty Y vay 5 tỉ đồng trong hai năm. Để bảo đảm cho khoản vay, bên thứ ba là ông V đã đứng tên “thế chấp, bảo lãnh” nhà và đất của ông tại quận 3 thành phố H trong hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng T và công ty Y. Sau đó, công ty Y không trả nợ nên bị Ngân hàng T kiện ra tòa yêu cầu phải thanh toán cả nợ gốc lẫn lãi. Trường hợp không thanh toán được thì ngân hàng sẽ xử lý nhà và đất của ông V. Tháng 11/2018, TAND Thành phố H xử sơ thẩm đã buộc công ty Y phải trả nợ cho ngân hàng T. Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận yêu cầu xử lý nhà của ông V. Bởi theo Tòa, hợp đồng thế chấp giữa ông V với ngân hàng vô hiệu vì trường hợp này vì Luật Đất đai năm 2013 không còn quy định người sử dụng đất được quyền bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Tháng 4/2019, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố H đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng T. Theo Tòa, hợp đồng mà ông V ký với ngân hàng có tên là “hợp đồng thế chấp, bảo lãnh”. Hợp đồng này nhằm bảo đảm cho khoản vay của công ty Y với ngân hàng nên nó là hợp đồng thế chấp chứ không phải là hợp đồng bảo lãnh như cấp sơ thẩm nhận định. Từ đó, TAND kết luận hợp đồng này hợp pháp, có hiệu lực chứ không vô hiệu12.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần có sự hoàn thiện pháp luật để nâng cao khả năng giải quyết tranh chấp về hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Hướng hoàn thiện được gợi mở như sau:
(i) Sửa đổi các quy định trong văn bản luật, dưới luật hiện đang mâu thuẫn với BLDS năm 2015 về hợp đồng bảo lãnh, trong đó có Luật Đất đai năm 2013.
(ii) BLDS năm 2015 cần bổ sung những nội dung sau để khắc phục vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn áp dụng biện pháp bảo lãnh:
Quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bên bảo lãnh, ví dụ như: Quy định về việc bên bảo lãnh phải viết rõ giá trị tiền cam kết bảo lãnh bằng số và bằng chữ; quy định về việc bên nhận bảo lãnh có nghĩa vụ phải thông tin đối với bên bảo lãnh (tư vấn hoặc cảnh báo) về giá trị của nghĩa vụ bảo lãnh, khả năng tài chính của bên được bảo lãnh; “giải mã” từ góc độ pháp lý một số từ ngữ thường sử dụng trong hợp đồng bảo lãnh (ví dụ: Chi trả vô điều kiện; không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh)…
Quy định cụ thể trường hợp bên nhận bảo lãnh phải yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của mình trước; nếu bên được bảo lãnh không có tài sản thì bên nhận bảo lãnh mới có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều này là cần thiết nhằm “phòng ngừa” khả năng bên bảo lãnh chối bỏ trách nhiệm của mình, vì thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp bên bảo lãnh xác định mình là người có nghĩa vụ thứ hai và “chỉ” thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi người có nghĩa vụ chính (bên được bảo lãnh) không có khả năng thực hiện.
Quy định việc bên bảo lãnh có quyền viện dẫn tất cả những vi phạm về hình thức và nội dung mà bên được bảo lãnh có thể viện dẫn để không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, vì đây là một yếu tố mấu chốt, thể hiện tính phụ thuộc của biện pháp bảo lãnh đối với nghĩa vụ được bảo lãnh. BLDS năm 2015 chỉ đề cập đến tình huống pháp lý là người bảo lãnh được viện dẫn việc bù trừ nghĩa vụ. Trong khi trên thực tế vẫn còn các trường hợp khác như: có sự nhầm lẫn hoặc nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo lãnh không có hiệu lực…
Quy định về điều kiện đối với bên bảo lãnh, vì khả năng bên bảo lãnh thực hiện đầy đủ, đúng cam kết bảo lãnh là vấn đề đặc biệt quan trọng khi áp dụng biện pháp bảo lãnh. Có thể quy định khả năng thanh toán nợ là một trong các điều kiện bắt buộc của bên bảo lãnh. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi trách nhiệm và cách thức xử lý trách nhiệm về tài sản đối với các bên trong trường hợp bảo lãnh một phần và bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ (Khoản 1 Điều 336 BLDS năm 2015).
(iii) Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp bảo lãnh bằng tài sản. Tuy nhiên, để thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định nêu trên trong thực tiễn thì cần sớm có quy định chi tiết về một số vấn đề như: Hình thức hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này khác gì với quan hệ cầm cố, thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của người khác? Cách thức xử lý tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh? Phạm vi trách nhiệm của bên bảo lãnh trong trường hợp này khác gì với các trường hợp thông thường khác13…
(iv) Bên cạnh đó cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân về hoạt động bảo lãnh và ký kết hợp đồng bảo lãnh và hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tòa án như: củng cố tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi giải quyết phần lớn các tranh chấp hợp đồng bảo lãnh theo thủ tục sơ thẩm; nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp.
- Khoản 9 Điều 210, Luật đất đai năm 2013.
- Luật sư Trương Thanh Đức (2017), 9 Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, tr 203.
- Khoản 4 Điều 73, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.
- Khoản 1 Điều 31, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.
- Điều 54 Luật công chứng năm 2014.
- Điểm a6, Khoản 2 Điều 4, Thông tư số 257/2016/TT-BTC.
- Khoản 3, Điều 4, Thông tư số 257/2016/TT-BTC.
- Nguyễn Phương Thảo (2018), Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh theo quy định của pháp luật Dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, tr.60.
- Trích các trang 10, 11 và 12 của Bản án sơ thẩm số 48/2011/KDTM-ST ngày 22/9/2018 của TAND tỉnh QN; trang 5 của Bản án sơ thẩm số 26/2011/KT-ST ngày 05/8/2011.
- Khoản 1 Điều 317 BLDS năm 2015.
- Hoàng Yến (2012), “Xử án tín dụng: Rối chuyện thế chấp, bảo lãnh”, https://vietstock.vn/2012/08/xu- an-tin-dung-roi-chuyen-the-chap-bao-lanh-757-232502.htm, ngày 23/8/2018.
- https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2147.
Trả lời