Mục lục
Về Điều 6 Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Tác giả: ThS. Huỳnh Thị Thu Trang – ThS. Lê Tấn Phát
TÓM TẮT
Điều 6 Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cho phép các bên có thể loại bỏ hoàn toàn việc áp dụng Công ước này. Vấn đề đặt ra là các bên có thể loại bỏ một cách ngầm định không hay phải quy định một cách rõ ràng trong hợp đồng. Điều 6 không cho ta câu trả lời. Rủi ro pháp lý cho các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chính là ở đây bởi lẽ các bên có thể phải đứng trước nguy cơ bị áp dụng một nguồn luật để điều chỉnh hợp đồng khác với ý chí ban đầu chỉ vì không cẩn trọng trong việc thỏa thuận loại bỏ Công ước Vienna. Nghiên cứu về cách thức các bên (trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) vận dụng Điều 6 và việc các Tòa án và/hoặc trọng tài quốc tế ghi nhận hiệu lực Điều 6 Công ước Vienna cho thấy các bên có thể loại bỏ Công ước Vienna một cách ngầm định nhưng vẫn phải đủ rõ ràng.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại danh tiếng kinh doanh theo Công ước viên 1980 – ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang
- Biện pháp giảm giá trong mua bán hàng hóa quốc tế phân tích từ điều 50 Công ước Vienna 1980 – ThS. Nguyễn Chí Thắng
- Bàn về khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Điều 3 của Công ước Vienna 1980 – ThS. Lê Tấn Phát & ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy
- Vấn đề bồi thường thiệt hại phi vật chất theo Công ước VIENNA 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – lý luận và thực tiễn xét xử – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương & ThS. Phạm Thị Hiền
- Tính phù hợp của hàng hóa theo điều 35 công ước Vienna 1980 (CISG) – ThS. Trần Lê Quốc Công – ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy
TỪ KHÓA: Hợp đồng, Mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Vienna 1980, Tạp chí Khoa học pháp lý
Quy phạm tại Điều 6 phản ánh tính chất tùy nghi và linh hoạt của Công ước Vienna[1] cũng như khẳng định nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Quy định “các bên có thể làm khác hoặc thay đổi hiệu lực áp dụng của bất kỳ điều khoản nào của Công ước”thể hiện tham vọng của các nhà soạn thảo mong muốn Công ước Vienna được áp dụng rộng rãi trong các tranh chấp giải quyết trước tòa án lẫn trọng tài. Việc các bên lựa chọn áp dụng ít nhất một điều khoản của CISG để điều chỉnh hợp đồng thương mại (do các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế phần lớn được phép chọn nhiều luật để áp dụng cho hợp đồng) vẫn đem lại hiệu quả cao hơn việc để các bên không lựa chọn áp dụng CISG vì lý do một số điều khoản của Công ước không phù hợp với họ (trong những lĩnh vực đặc thù, hàng hóa đặc thù). Trong khi đó, quy định “các bên có thể không áp dụng Công ước này” hướng đến khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Đồng thời tính tùy nghi và linh hoạt đó tạo nên “sức hấp dẫn” của Công ước và là nguyên nhân dẫn đến sự nhất trí của 62 quốc gia đầu tiên tham gia CISG[2]. Nằm ở giữa phương pháp xây dựng các điều ước quốc tế ràng buộc và “soft law” (luật mềm, điều ước quốc tế tùy nghi), CISG đóng vai trò là công cụ nhằm mục đích hài hòa hóa hướng đến thống nhất nguồn luật áp dụng trong thương mại quốc tế.
Liên quan đến quy định tại Điều 6, vấn đề đặt ra là các bên có cần phải thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng về việc không áp dụng Công ước Vienna hay không. Điều 6 không cho ta câu trả lời. Rủi ro pháp lý cho các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chính là ở đây bởi lẽ các bên có thể phải đứng trước nguy cơ bị áp dụng một nguồn luật để điều chỉnh hợp đồng khác với ý chí ban đầu chỉ vì không cẩn trọng trong việc quy định loại bỏ CISG. Khi đó, trong trường hợp các bên vừa loại bỏ một cách rõ ràng CISG vừa quy định luật áp dụng thì hợp đồng giữa các bên sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật đó theo nguyên tắc tự do lựa chọn của các bên trong hợp đồng. Còn nếu các bên chỉ quy định một cách rõ ràng việc loại bỏ CISG mà không kèm theo thỏa thuận chọn luật áp dụng thì thẩm phán của tòa án có thẩm quyền sẽ vận dụng các quy phạm xung đột trong hệ thống tư pháp quốc tế của quốc gia mình để giải quyết. Nguồn của các quy phạm xung đột có thể là các quy phạm xung đột thống nhất mà quốc gia có tòa án là thành viên – như Công ước La Haye 1955 hoặc Công ước Rome 1980 (nay là Quy chế Rome I về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng) hoặc các quy phạm xung đột (một bên hoặc hai bên) trong luật của quốc gia nơi có tòa án đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không có quy định rõ ràng thì việc loại bỏ hoàn toàn CISG có được thực hiện một cách ngầm định hay không? Liệu thỏa thuận chọn luật một quốc gia nào đó để điều chỉnh hợp đồng có cấu thành sự loại bỏ ngầm định CISG hay luật quốc gia đó chỉ là luật được các bên dự liệu để bổ sung các vấn đề không được đề cập trong CISG? Có sự khác biệt gì giữa việc chọn luật áp dụng là luật của quốc gia thành viên Công ước hoặc luật của một nước không phải thành viên đối với việc loại bỏ ngầm định Công ước? Nếu các bên không chọn hệ thống pháp luật một quốc gia mà lại chọn tập quán thương mại quốc tế hoặc một điều ước quốc tế tùy nghi như Nguyên tắc UNIDROIT thì có được xem là loại bỏ ngầm định hay không? Nếu chỉ căn cứ hành động của các bên theo hướng không muốn áp dụng Công ước Vienna trong lúc đàm phán (nhưng trên thực tế đã không đạt được thỏa thuận chọn luật nào áp dụng) thì có được xem như sự loại bỏ ngầm định Công ước Vienna hay không?
Mặc dù CISG không có quy định cụ thể về hình thức thể hiện ý chí của các bên đối với việc loại bỏ áp dụng CISG nhưng thực tiễn áp dụng CISG trong giải quyết tranh chấp cho thấy nhiều Tòa án đã công nhận thỏa thuận ngầm của các bên được xem sự thỏa thuận loại bỏ áp dụng CISG [3]. Trong số các Tòa án công nhận hiệu lực của thỏa thuận ngầm nói trên có thể kể đến các Tòa án tối cao trong hệ thống tòa án của một số quốc gia châu Âu ghi nhận và có thể tạo thành án lệ trong hệ thống pháp luật các quốc gia này theo nguyên tắc stare decisis. Từ đó, khả năng loại bỏ hoàn toàn CISG một cách ngầm định được xem là cách giải thích chính thức Điều 6 CISG và được áp dụng thống nhất trong trường hợp tòa án các quốc gia này có thẩm quyền xét xử một vụ tranh chấp có liên quan. Án lệ của tòa án tối cao trong hệ thống pháp luật quốc gia thực sự đóng góp vào việc tăng cường tính thống nhất trong áp dụng CISG, vốn là một trong những điểm yếu của văn bản pháp lý quốc tế này.
Điển hình, Phòng dân sự số 1 Tòa Phá án Pháp, trong vụ người mua Pháp kiện người bán Scotland (Vương quốc Anh) về hợp đồng mua bán giấy, đã nhận định (trong Quyết định ngày 26/6/2001) như sau: “như vậy, Công ước này bắt buộc thẩm phán Pháp phải áp dụng Công ước này trừ phi nó bị loại bỏ theo Điều 6, theo đó điều này được giải thích theo hướng cho phép các bên loại bỏ một cách ngầm định thông qua việc không viện dẫn Công ước này trước thẩm phán Pháp…”[4].
Đồng quan điểm với Tòa Phá án Pháp, Tòa Tối cao Áo, trong quyết định ngày 22/10/2001(liên quan đến vụ người bán Hungari kiện người mua Áo về hợp đồng cung cấp xăng và khí đốt – biết rằng Hungari và Áo là 2 quốc gia thành viên CISG[5]) cũng ghi nhận quyền loại bỏ ngầm định của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: “Trong trường hợp Công ước Vienna được áp dụng, các bên nếu không đồng ý thì có thể thỏa thuận loại bỏ một cách thích hợp, việc loại bỏ có thể được quy định rõ ràng hoặc ngầm định…”[6]
Trong bối cảnh thiếu vắng văn bản hướng dẫn và giải thích cụ thể (texte explicatif) các điều khoản của Công ước Vienna thì các văn kiện, tài liệu chính thức trong quá trình đàm phán soạn thảo CISG thực sự là một nguồn giải thích luật quan trọng cho các tòa án trong việc áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp[7]. Căn cứ theo các văn kiện tài liệu chính thức của Hội nghị Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, phần lớn đại diện của các quốc gia tham gia Hội nghị đã phản đối một quy định trong dự thảo, trong đó bắt buộc việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ Công ước Vienna phải được các bên quy định rõ ràng[8]. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán soạn thảo CISG, đại diện các nước tham gia cũng không thể thống nhất đưa vào một quy định minh thị tại Điều 6 về việc loại bỏ CISG được tiến hành một cách ngầm định, với lý do sợ các tòa án cho phép loại bỏ CISG khi chưa có đủ căn cứ.
Chính vì thế trong thực tiễn, vẫn có một số phán quyết của Trọng tài không cho phép loại bỏ một cách ngầm định với lý do CISG không có quy định rõ ràng về việc này[9]. Ví dụ, phán quyết ngày 24/01/2000 của Tòa trọng tài thương mại quốc tế thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Liên bang Nga[10] (trong vụ người mua (Hoa Kỳ) kiện người bán (Nga) về hợp đồng mua bán hàng hóa để vận chuyển đến một quốc gia nước ngoài), ghi nhận:
“Thỏa thuận của các bên lựa chọn luật một quốc gia cụ thể áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa họ không bao hàm ý loại bỏ sự điều chỉnh quan hệ giữa họ bằng Công ước Vienna bởi lẽ chủ yếu các bên tiến hành hoạt động của mình tại các quốc gia thành viên và việc không áp dụng Công ước là không được cho phép một cách rõ ràng. Luật quốc gia được các bên lựa chọn chỉ được áp dụng với tư cách là luật bổ sung…”
Như vậy, trong suốt quá trình đàm phán soạn thảo CISG, đã có rất nhiều quan điểm trái chiều về việc loại bỏ một cách ngầm định hiệu lực áp dụng của CISG theo Điều 6. Tình trạng bất đồng này đã dẫn đến văn bản cuối cùng của CISG không có một quy định minh thị nào về việc cho phép khả năng loại bỏ ngầm định. Từ đó trong thực tiễn, cả tòa án lẫn trọng tài đều có những quan điểm trái ngược nhau trong việc áp dụng Điều 6 CISG. Khi nghiên cứu các bản án của tòa án nước ngoài cũng như phán quyết của trọng tài thương mại quốc tế, tác giả nhận thấy nguyên tắc chung được rút ra là việc loại bỏ có thể được thực hiện một cách ngầm định nhưng phải đủ rõ ràng. Vậy như thế nào là thỏa thuận ngầm định đủ rõ ràng, chúng ta lần lượt xem xét các trường hợp phát sinh trong thực tiễn xét xử như (1) thỏa thuận chọn pháp luật quốc gia, (2) thỏa thuận chọn tập quán thương mại quốc tế, (3) thỏa thuận chọn tòa án, (4) thông qua hành động của các bên.
1. Trường hợp chọn pháp luật quốc gia
Chọn luật quốc gia thành viên có tạo thành sự loại bỏ ngầm định CISG hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào việc luật quốc gia được chọn có phài là luật của quốc gia thành viên Công ước hay không.
1.1. Chọn pháp luật quốc gia là thành viên CISG
Theo nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế, khi CISG đã có hiệu lực với một quốc gia thì nó trở thành một bộ phận của hệ thống pháp luật quốc gia đó (thuyết nhất nguyên luận)[11]. Trong quá trình đàm phán xây dựng CISG, đại diện của Vương quốc Anh, Bỉ và Canada đã đề xuất việc công nhận một thỏa thuận chọn pháp luật của bất kỳ quốc gia nào sẽ được xem là loại bỏ hoàn toàn CISG[12]. Tuy nhiên, các đề xuất này đều không nhận được đủ sự ủng hộ để đưa vào bản Dự thảo của CISG.
Nghiên cứu quan điểm trong phần lớn các quyết định của tòa án cũng như phán quyết trọng tài[13] cho ta thấy nếu các bên chỉ quy định chung chung thì được hiểu là chọn CISG vì CISG cấu thành pháp luật về mua bán hàng hóa (quốc tế) của quốc gia thành viên và pháp luật quốc gia được các bên lựa chọn sẽ đóng vai trò bổ sung cho các khiếm khuyết cũng như những vấn đề không được đề cập trong CISG. Hay nói cách khác, điều đó có nghĩa là việc chọn luật quốc gia thành viên mà không có bất kỳ sự chỉ dẫn hoặc quy định nào khác thì không được xem là sự loại bỏ ngầm định CISG[14].
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng cơ quan tài phán tư pháp, Tòa án Tối cao Áo trong Quyết định ngày 14/01/2002 đã nhận định rằng: “…Việc các bên chọn “luật Đức” là luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng không được xem là sự loại bỏ ngầm định việc áp dụng Công ước Vienna căn cứ theo Điều 6 bởi lẽ Đức là quốc gia thành viên của CISG nên Công ước Vienna trở thành một phần của hệ thống pháp luật Đức….”
Trong lĩnh vực trọng tài, phán quyết ngày 24/01/2000 của Tòa trọng tài Thương mại quốc tế thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Liên bang Nga (trong vụ người mua (Hoa Kỳ) kiện người bán (Nga) về hợp đồng mua bán hàng hóa để vận chuyển đến một quốc gia thứ ba) nhận định CISG được áp dụng bởi lẽ các bên đã chọn luật của một quốc gia thành viên, cụ thể trong trường hợp này là luật của Nga.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn, cũng có một số ít tòa án công nhận việc các bên thỏa thuận chọn pháp luật quốc gia thành viên CISG được xem là sự loại bỏ ngầm định CISG, nhưng phải kèm theo điều kiện chọn nội luật (quy phạm luật nội dungcủa quốc gia thành viên đó). Có thể tham khảo Bản án ngày 26/09/1995 của Phòng Dân sự số 1 Tòa phúc thẩm thành phố Colmar (Pháp)[15] giải quyết tranh chấp giữa người mua (Ireland) (công ty Musgrave Ltd.) và người bán Pháp (công ty Céramique Culinaire de France S.A). Tại cấp sơ thẩm, Tòa Dân sự thẩm quyền rộng của Strasbourg đã dựa trên các quy phạm nội luật của Pháp để bác bỏ các luận điểm của người mua. Người mua kháng cáo và cho rằng CISG phải được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Đến lượt mình, Tòa phúc thẩm Colmar nhận định các bên đã thể hiện rõ ràng việc lựa chọn áp dụng luật của Pháp (cụ thể ở đây là BLDS Pháp) để điều chỉnh hợp đồng nên CISG xem như bị loại bỏ hoàn toàn. Tòa phúc thẩm Colmar cũng nhắc đến tính chất tùy nghi và linh hoạt của CISG theo Điều 6 để làm căn cứ cho quyết định của mình[16].
Ngoài ra, trong bản án số 2 Ob 95/06v[17] xét xử tranh chấp giữa người bán Áo và người mua Đức về hợp đồng mua bán ôtô, Tòa Tối cao Áo nhận định rằng CISG không được áp dụng để điều chỉnh bởi lẽ trong điều khoản mẫu của người bán Áo có viện dẫn đến pháp luật Áo (cụ thể là Luật Bảo vệ người tiêu dùng Áo – ABGB và Bộ luật Thương mại Áo (HGB) và điều khoản mẫu này cũng được người mua Đức chấp nhận. Do đó, thỏa thuận trên phải được xem là cấu thành sự loại bỏ ngầm định CISG (vốn được áp dụng theo Điều 1.1a vì Áo và Đức là các thành viên của CISG).
Đặc biệt hơn, Tòa án Liên bang Úc, trong vụ Olivaylle Pty Ltd v Flottweg AG (Fromerly Flottweg GMBH & CO KGAA) [18] công nhận điều khoản electio juris[19] trong hợp đồng của các bên theo đó “pháp luật Úc được áp dụng, loại trừ luật của UNCITRAL” được xem là đủ để loại bỏ CISG một cách ngầm định theo Điều 6. Tòa Liên bang Úc cho rằng “luật của UNCITRAL”, theo quy định trong điều khoản trên, được hiểu là CISG. Do đó, “việc CISG là một bộ phận của pháp luật Úc có liên quan không có nghĩa rằng tuyên bố trong hợp đồng “pháp luật Úc được áp dụng, loại trừ luật của UNCITRAL” phải được hiểu là pháp luật áp dụng sẽ là Công ước mà các bên đã thể hiện rõ ràng muốn loại bỏ”.
1.2. Chọn pháp luật quốc gia không là thành viên CISGĐối với trường hợp chọn hệ thống pháp luật quốc gia không phải là thành viên (với điều kiện việc chọn luật này phải đáp ứng các điều kiện chọn luật của nước nơi có Tòa án): xuất phát từ nguyên tắc tự do hợp đồng trong thương mại quốc tế, vì các bên đã thể hiện ý chí rõ ràng chọn các quy định (nội luật) quốc gia đó chứ không phải CISG nên thỏa thuận chọn pháp luật của quốc gia không phải là thành viên CISG được xem là thỏa thuận loại bỏ hoàn toàn Công ước Vienna một cách ngầm định. Các học giả nổi tiếng trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế tư như J.Bonell[20] hay Bernard Audit[21] đều nhất trí với nhận định này và thực tiễn xét xử cũng khẳng định quan điểm đó[22]. Trong vụ BSC Footwear Supplies v. Brumby SL[23], Tòa phúc thẩm Audiencia Provincial de Alicante (Tây Ban Nha) đã nhận định CISG không thể được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng giữa người bán Tây Ban Nha và người mua Anh vì các bên không có ý định lựa chọn CISG. Cụ thể, một trong những tình tiết được tòa án xem xét đó là theo một điều khoản mẫu được in ra theo yêu cầu của người mua, hợp đồng của họ sẽ được giải thích theo các quy tắc giải thích pháp luật của hệ thống pháp luật Anh, biết rằng Anh không phải là một thành viên của CISG.
Kinh nghiệm rút ra để đảm bảo an toàn pháp lý trong việc loại bỏ CISG thông qua chọn pháp luật quốc gia là các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế cần phải thỏa thuận một cách chặt chẽ điều khoản chọn pháp luật áp dụng. Đầu tiên, không nên thỏa thuận chọn pháp luật quốc gia là thành viên CISG để tránh mọi rủi ro có thể. Thứ hai, nếu vẫn muốn chọn pháp luật quốc gia là thành viên CISG thì điều khoản chọn pháp luật áp dụng cần đảm bảo quy định rõ ràng là chọn nội luật (các quy phạm luật nội dung) của quốc gia đó (tốt nhất nên quy định cụ thể văn bản pháp lý chứa đựng các quy phạm thích hợp) nhằm tránh những rủi ro liên quan đến chọn pháp luật của một quốc gia thành viên CISG hay chọn cả quy phạm xung đột trong hệ thống tư pháp của quốc gia không phải thành viên CISG (từ đó phát sinh rủi ro dẫn chiếu đến pháp luật của quốc gia thành viên CISG). Ví dụ, chọn Bộ luật dân sự Pháp hay chọn Bộ luật Thương mại Áo (HGB) trong các vụ tranh chấp nêu trên. Các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế cũng có thể thỏa thuận điều khoản chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng như sau: “Hiệu lực và việc thực hiện Hợp đồng này được điều chỉnh bởi nội luật của bang California, ngoại trừ các quy phạm xung đột”.
2. Trường hợp chọn tập quán thương mại quốc tế
Trong thực tiễn giao dịch thương mại quốc tế, việc các bên thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh quan hệ hợp đồng không phải là một vấn đề hiếm gặp. Ngược lại, tập quán thương mại quốc tế với tư cách là một thành tố của Lex mercatoria – thương nhân luật, đã xuất hiện từ lâu đời và đáp ứng được nhu cầu của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế. Thế nhưng việc lựa chọn áp dụng các tập quán thương mại quốc tế (ví dụ Incoterms của ICC) có tạo thành sự loại bỏ ngầm định CISG hay không thì ngôn ngữ của Điều 6 CISG không cho ta câu trả lời.
Tòa án (Ý) trong Quyết định ngày 11/01/2005[24] đã nhận định thỏa thuận của các bên chọn “luật và các quy định của Phòng thương mại quốc tế – ICC” trong điều khoản chọn luật áp dụng (electio juris) không được xem như sự loại bỏ một cách ngầm định CISG bởi lẽ các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế có quyền tự do chọn luật nhưng phải chọn pháp luật quốc gia. Tòa Tối cao Áo, trong quyết định ngày 22/10/2001 nêu trên (liên quan đến vụ người bán (Hungari) kiện người mua (Áo) về hợp đồng cung cấp xăng và khí đốt) cũng không công nhận thỏa thuận chọn Incoterms[25] của các bên trong hợp đồng chính là sự loại bỏ ngầm định CISG.Đây là vấn đề thuộc về giới hạn của phạm vi chọn luật áp dụng, vốn liên quan đến việc các bên có quyền chọn tập quán thương mại quốc tế hoặc các văn bản (như các Nguyên tắc châu Âu hoặc các Nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế) để điều chỉnh hợp đồng hay không. Đề tài này vẫn đang được tranh luận và chưa đạt được sự thống nhất trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế. Về vấn đề phạm vi chọn luật áp dụng, có thể tham khảo thêm các thông tin liên quan đến văn bản luật mền[26] “Nguyên tắc La Haye về chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế” đang được xây dựng trong khuôn khổ Hội nghị La Haye về Tư pháp quốc tế[27]. Thiết nghĩ cách giải quyết của các Tòa án Ý và Tòa án Áo nêu trên là hợp lý vì các tập quán thương mại quốc tế như Incoterms, UCP… luật mềm chỉ có giá trị tùy nghi và bổ sung[28], chúng chỉ điều chỉnh một số vấn đề trong hợp đồng chứ không toàn diện như CISG. Do đó, việc thỏa thuận áp dụng các tập quán thương mại không thể được xem là một trường hợp loại bỏ hoàn toàn CISG theo Điều 6. Hơn nữa, các bên hoàn toàn có thể chọn tập quán thương mại quốc tế như Incoterms để điều chỉnh một vài điều khoản trong hợp đồng như chuyển rủi ro, nghĩa vụ thuê người vận chuyển, nghĩa vụ thông quan… và đó là trường hợp làm trái hoặc sửa đổi các điều khoản của Công ước Vienna được cho phép theo Điều 6 và chịu sự giới hạn của Điều 12 CISG.
3. Trường hợp chọn tòa án (forum)
Đây cũng là một vấn đề được tranh luận trong lĩnh vực chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Nó xoay quanh việc liệu có thể xem thỏa thuận chọn Tòa án của các bên là sự thỏa thuận ngầm để loại bỏ hoàn toàn CISG bằng cách chọn lex fori làm luật điều chỉnh hợp đồng hay không. Bản Dự thảo mới nhất của “Nguyên tắc La Haye về chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế” (được đề cập ở trên) không xem thỏa thuận trao thẩm quyền cho tòa án hoặc trọng tài tương đương với việc chọn luật áp dụng cho hợp đồng[29]. Nói cách khác, thỏa thuận chọn tòa án không liên quan đến việc loại bỏ ngầm định CISG. Trong khi đó, học lý và các bản án của CISG (như Quyết định số 166 trong Tập án lệ của UNCITRAL – Quyết định ngày 21/3, 21/6/1996 của Trọng tài thuộc Phòng thương mại Hamburg, Đức) vẫn ủng hộ hướng cho phép việc loại bỏ ngầm định CISG bằng một thỏa thuận chọn tòa án nhưng phải đáp ứng 2 điều kiện như sau: (i) Phải có ý định rõ ràng của các bên chọn nội luật của quốc gia nơi có Tòa án để điều chỉnh hợp đồng giữa họ và (ii) Tòa án được các bên trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp không được đặt tại một quốc gia thành viên của CISG.
Ý định rõ ràng theo điều kiện (i) có thể được thể hiện thông qua một điều khoản trong hợp đồng hay có thể được suy ra từ hành động của các bên theo Điều 8 CISG, trong đó phải xem xét đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các bên. Còn trong trường hợp tòa án đặt tại quốc gia thành viên CISG, mặc dù các bên có thỏa thuận rõ ràng chọn nội luật của quốc gia nơi có tòa án thì CISG vẫn được áp dụng do không thỏa mãn điều kiện (ii). Điều này cho phép rút ra kết luận rằng nếu các bên muốn thỏa thuận chọn tòa án trở thành sự loại bỏ ngầm định CISG theo Điều 6 thì phải đáp ứng điều kiện khắt khe hơn so với trường hợp chọn pháp luật quốc gia nêu trên. Như vậy, tốt nhất các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế không nên cố gắng loại bỏ CISG thông qua thỏa thuận chọn tòa án (forum) vì nó chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với việc loại bỏ CISG thông qua thỏa thuận chọn pháp luật quốc gia.
4. Trường hợp loại bỏ CISG bằng hành động của các bên
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được pháp luật để điều chỉnh hợp đồng, nếu chỉ căn cứ vào hành động của họ theo hướng không muốn áp dụng CISG trong lúc đàm phán thì hành động đó có thể được xem là đủ để loại bỏ ngầm định CISG hay không?Trong Quyết định ngày 18/1/2011, Tòa án U.S District, Quận Nam thành phố New York nhận định mặc dù các bên (người bán (Hoa Kỳ) và người mua (Hàn Quốc)) đã cố gắng để loại bỏ hoàn toàn CISG[30] nhưng vì các bên đã không đạt được thỏa thuận chọn luật điều chỉnh nên CISG vẫn sẽ được áp dụng theo Điều 1.1a. Đây là trường hợp CISG được tự động áp dụng căn cứ theo Điều 1.1a nên Tòa án các quốc gia thành viên rất hạn chế trường hợp áp dụng nguồn luật khác. Vì vậy, mặc dù về mặt ý chí, các bên đã mong muốn loại bỏ CISG tuy nhiên trên thực tế, họ lại không thỏa thuận chọn hệ thống pháp luật nào thay thế CISG để điều chỉnh hợp đồng giữa họ thì tòa án vẫn áp dụng CISG. Trong vụ người bán (Hungari) kiện người mua (Áo) (đã phân tích ở trên), Tòa án Tối cao Áo đòi hỏi ý định của các bên phải đủ rõ ràng để có thể được xem là loại bỏ ngầm định CISG. Nếu căn cứ theo Điều 8 Công ước Vienna để giải thích những tuyên bố cũng như xử sự của các bên mà vẫn không xác định được rõ ràng ý định của các bên thì CISG được áp dụng.
Ngoài ra, trường hợp trong khi đàm phán, các bên không thỏa thuận rõ ràng về việc loại bỏ CISG và chọn một pháp luật quốc gia để điều chỉnh hợp đồng nhưng sau đó, khi vụ tranh chấp được giải quyết trước tòa án, họ chỉ viện dẫn các quy định nội luật của một quốc gia để đưa ra lập luận của mình thì hành động như vậy có được xem là đủ rõ ràng để loại bỏ CISG và lựa chọn pháp luật quốc gia đó làm nguồn luật điều chỉnh hợp đồng hay không? Trong thực tiễn xét xử, một khi các tiêu chí áp dụng CISG đã được thỏa mãn[31] thì dường như một hành động như vậy không được xem là đủ để loại bỏ Công ước Vienna. Theo tác giả Franco Ferrari[32], việc các bên loại bỏ một cách ngầm định Công ước Vienna thông qua hành động trên chỉ được công nhận khi[33]:
(i) Các bên ý thức được việc CISG có thể được áp dụng hoặc
(ii) Ý định loại bỏ việc áp dụng CISG của các bên phải được suy ra một cách chắc chắn.
Như vậy, trong trường hợp các bên không ý thức được việc CISG được áp dụng (căn cứ vào Điều 1.1a hoặc 1.1b) mà chỉ đưa ra lập luận của mình căn cứ theo quy định nội luật của một quốc gia (chỉ vì tin rằng luật đó chính là luật được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng) thì tòa án vẫn áp dụng CISG.
Thật vậy, trong Quyết định của Tòa án Vigevano (Ý) ngày 12/7/2000[34], các thẩm phán đã nhận định: ”Sự kiện các bên chỉ căn cứ lập luận của mình vào các quy định nội luật Ý mà không có bất kỳ viện dẫn nào đến CISG không thể được xem là sự loại bỏ một cách ngầm định việc áp dụng Công ước… Chúng tôi chỉ suy đoán các bên muốn loại bỏ việc áp dụng Công ước khi nào họ đã nhận thấy, một cách rõ ràng chắc chắn, việc CISG có thể được áp dụng nhưng họ vẫn nhấn mạnh chỉ căn cứ vào nội luật, luật không thống nhất (nghĩa là loại trừ việc xem CISG là một phần của luật quốc gia). Trong vụ án này, rõ ràng lập luận của các bên không cho thấy được việc họ đã nhận thức được rằng Công ước Vienna chính là luật được áp dụng…; vì lẽ đó, chúng tôi không thể kết luận rằng các bên muốn loại bỏ việc áp dụng Công ước Vienna bằng cách chỉ viện dẫn đến nội luật của Ý. Do vậy, căn cứ theo nguyên tắc iura novit curia (Tòa án hiểu biết pháp luật), thẩm phán sẽ là người quyết định việc áp dụng các quy phạm nào của pháp luật Ý; vì những lý do nêu trên, các quy phạm được áp dụng sẽ là các quy phạm của Công ước Vienna.”
Cách diễn giải trong Quyết định của Tòa án Vigevano theo tác giả là hợp lý và nó cân bằng được hai yếu tố (i) nguyện vọng của các bên tham gia ký kết hợp đồng thương mại quốc tế và (ii) khả năng CISG được áp dụng. Trong khi đó, Quyết định của tòa án Hoa Kỳ trong trường hợp đầu tiên thì dường như không được như thế. Lẽ ra trong vụ việc đó, tòa án Hoa Kỳ nên tham khảo ý kiến các bên tranh chấp, nếu họ có thể thỏa thuận được hệ thống pháp luật nào được áp dụng hoặc họ vẫn mong muốn loại bỏ việc áp dụng CISG thì phải tuân theo ý chí của các đương sự. Hơn nữa, nếu căn cứ vào cách diễn giải trong Quyết định của tòa án Ý (như đã phân tích) thì điều kiện về mặt ý thức của các đương sự trong vụ người bán (Hàn Quốc) và người mua (Hoa Kỳ) đã được đáp ứng (thật vậy, họ ý thức CISG có thể được áp dụng và đã cố gắng để loại bỏ CISG trong quá trình đàm phán hợp đồng). Do đó, ý chí của họ phải được tôn trọng, từ đó tính an toàn pháp lý cho giao dịch thương mại quốc tế mới được đảm bảo.
CHÚ THÍCH
*ThS Luật học, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học – Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** ThS Luật học, Bộ môn Luật Thương mại quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
[1] Sau đây gọi là CISG
[2] B. Blair Crawford, “Drafting Considerations under CISG”, Journal of Law and Commerce, 1988, 187-205.
[3] Có khoảng 30 bản án và phán quyết trọng tài được báo cáo cho UNCITRAL ghi nhận khả năng này. Xem thêm bản Toát yếu về Án lệ của CISG (phiên bản 2012) (Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, UNCITRAL, 2012 Edition).
[4] Bull. civ. 2001 I n° 189. Truy cập tại website: http://www.cisg.fr/decision.html?lang=fr.
[5] Tham khảo các quốc gia thành viên Công ước Vienna tại trang web: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/countries/cntries.html.
[6] Quyết định của Tòa án Oberster Gerichtshof số Ob 77/01g. Truy cập tại website: http://www.unilex.info/case.cfm?id=764.
[7] Căn cứ theo tập quán giải thích pháp luật, được pháp điển hóa trong Công ước Vienna 1969 về luật điều ước quốc tế.
[8] Các văn kiện chính thức của Hội nghị Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Vienna, 10/3-11/4/1980, tr. 85, 86.
[9] Phần lớn là các tòa án quận (District Court) của Hoa Kỳ và Đức. Có 8 bản án được báo cáo cho UNCITRAL không chấp nhận việc loại bỏ CISG một cách ngầm định. Xem thêm bản Toát yếu về Án lệ của CISG (phiên bản 2012) (Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, UNCITRAL, 2012 Edition).
[10] CLOUT Case số 474 [Tòa trọng tài thương mại quốc tế tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga, 24/01/2000], có thể truy cập tại website:www.cisg.law.pace.edu/cisg/wais/db/cases2/000124r1.html.
[11] Trường phái nhất nguyên luận, đại diện bởi một số tác giả nổi tiếng như H. Kelsen, Vedross, Kunz và G. Scelle, được xây dựng dựa trên ý tưởng: suy cho cùng chỉ có một luật điều chỉnh các quan hệ trên thế giới. Luật quốc tế được áp dụng trực tiếp trong quốc gia bởi luật quốc tế và luật quốc gia có mối quan hệ tương tác, xuất phát từ việc chúng có cùng chủ thể điều chỉnh chung (các cá nhân). Do đó, không cần thiết phải xây dựng những thủ tục nhằm đảm bảo thực hiện luật quốc tế trong phạm vi quốc gia.
Xem thêm Trần Thị Thùy Dương, Nguyễn Thị Yên (CB), Giáo trình Công pháp quốc tế, Phần I, năm 2013.
[12] Xem thêm Các văn kiện chính thức của Hội nghị Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Vienna, 10/3-11/4/1980, tr. 93.
[13] Được báo cáo cho UNCITRAL. Có thể truy cập tại các website của Unilex hoặc Pace Law School.
[14] Trong trường hợp đó, CISG sẽ được áp dụng căn cứ vào Điều 1.1.b.
“1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau:
…..
2. Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên Công ước này”.
[15] Musgrave Ltd. v. Céramique Culinaire de France S.A., Cour d’Appel de Colmar, 1ère chambre civile. Truy cập tại website: http://www.unilex.info/case.cfm?id=236.
[16] Tiếc thay, sau đó, Tòa Phá án Pháp đã không đồng ý với quan điểm này của Tòa phúc thẩm Colmar và cho rằng CISG phải được áp dụng.
[17] Có thể truy cập tại website: http://www.unilex.info/case.cfm?id=1229.
[18] CLOUT case số 956 [Tòa án tối cao Úc, Liên bang Úc, 20/5/2009] có thể truy cập tại website: http://www.austlii.edu.au/au/cases/cth/federal_ct/2009/522.html.
[19] Thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng.
[20] Chủ tịch nhóm chuyên gia soạn thảo Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT bản 2010, thành viên Ban công tác soạn thảo Nguyên tắc La Haye về hợp đồng thương mại quốc tế.
[21] Chủ nhiệm bộ môn Tư pháp quốc tế trường Đại học Paris II-Panthéon Assas
[22] Có 6 bản án được báo cáo cho UNCITRAL công nhận thỏa thuận chọn luật của quốc gia không phải là thành viên CISG được xem là thỏa thuận loại bỏ hoàn toàn Công ước Vienna một cách ngầm định. Xem thêm bản Toát yếu về Án lệ của CISG (phiên bản 2012) (Digest of Case Law on the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, UNCITRAL, 2012 Edition).
[23] Bản án này được ghi nhận trong Tập Án lệ của UNCITRAL: CLOUT Case số 483 [Audiencia Provincial de Alicante, Tây Ban Nha, 16/11/2000] và có thể được truy cập tại website:http://www.unilex.info/case.cfm?pid=1&id=796&do=case.
[24] Tham khảo tại website cơ sở dữ liệu về CISG của.Unilex:.http://www.unilex.info/dynasite.cfm?dssid=2376&dsmid=13356&x=1.
[25] Trong lĩnh vực thương mại một trong những văn bản đầu tiên được biên tập và sử dụng rộng rãi nhất, là INCOTERMS (International Commercial Terms) về các điều kiện giao hàng trong thương mại quốc tế. INCOTERMS được Phòng thương mại quốc tế (ICC) tập hợp và ban hành từ năm 1936 (và đã được sửa đổi vào các năm 1953, 1968, 1976, 1980, 1990, 2000 và 2010).
[26] Thuật ngữ luật mềm (soft law) được sử dụng phổ biến trong thực tiễn quốc tế để chỉ những loại văn bản chứa đựng thỏa thuận giữa các quốc gia hoặc ghi nhận hành vi pháp lý đơn phương của một tổ chức quốc tế. Luật mềm không phải là một văn bản có giá trị pháp lý quốc tế nên nó cũng không mang tính bắt buộc. “Luật mềm” có thể đóng vai trò là tiền thân của “luật cứng”. Nó cũng có thể đóng vai trò thay thế “luật cứng” trong những lĩnh vực còn tồn tại nhiều ý kiến bất đồng giữa các chủ thể của luật quốc tế nên chưa thể xây dựng Điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc.
[27] Hiện nay, Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế (gọi tắt là HCCH – tổ chức quốc tế liên chính phủ rất có uy tín trên thế giới với sứ mệnh thống nhất quy phạm xung đột trên phạm vi toàn cầu) đang trong quá trình xây dựng một văn bản quốc tế có giá trị định hướng – “Nguyên tắc La Haye về chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế” dưới dạng “luật mềm” (soft law) để khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các bên tự do chọn luật điều chỉnh hợp đồng. Điển hình nhất là quy định tại Điều 3 Dự thảo Nguyên tắc La Haye cho phép các bên được chọn các “quy tắc của luật” với điều kiện các quy tắc này “phải được thừa nhận chung trên phạm vi khu vực, siêu quốc gia hay quốc tế với tư cách là một tập hợp các quy tắc trung lập và cân bằng…”. Điều kiện này được các chuyên gia của Nhóm công tác soạn thảo Nguyên tắc La Haye đưa vào nhằm khắc phục nhược điểm mơ hồ, không rõ ràng của các quy tắc phi quốc gia (non-State law) – nhược điểm khiến cho các cơ quan tài phán quốc gia dè dặt trong việc cho phép lựa chọn áp dụng chúng. Việc mở rộng nguồn của luật để các bên có thể thỏa thuận chọn lựa áp dụng góp phần đảm bảo tối đa nguyên tắc “party autonomy”, từ đó bảo vệ được lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế. http://www.hcch.net/index_en.php?act=text.display&tid=49.
[28] Ví dụ Incoterms không điều chỉnh những vấn đề như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, các quyền và nghĩa vụ khác trong hợp đồng mua bán hàng hóa ngoài nghĩa vụ giao hàng (như: chuyển quyền sở hữu, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và miễn trách, giải quyết tranh chấp…)
[29] Xem Điều 4 – Lựa chọn minh thị hay ngầm định, Dự thảo “Nguyên tắc La haye về chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế”
[30] Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều là thành viên nên CISG được áp dụng theo Điều 1.1.a.
[31] Các bên có trụ sở tại các quốc gia thành viên CISG (Đ.1.1a) và các bên đã không chọn luật áp dụng; hoặc theo các quy tắc của tư pháp quốc tế, luật của quốc gia thành viên Công ước được áp dụng (Điều 1.1b).
[32] GS Luật Quốc tế, Đại học Luật Verona (Ý).
[33] Franco Ferrari, Remarks on the UNCITRAL DIGEST’S COMMENTS ON ARTICLE 6 CISG, Journal of Law and Commerce, 2005-2006.
[34].Tribunale di Vigevano, Italy, 12/7/2000, truy cập tại website: http://cisgw 3.law.pace.e du/cases/000712i3.html1&do=case&id=1005&s tep=F ullText.
- Tác giả: ThS. Huỳnh Thị Thu Trang – ThS. Lê Tấn Phát
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2015 (87)/2015 – 2015, Trang 61-68
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý