Mục lục
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 hứa hẹn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự
TÓM TẮT
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, với một số sửa đổi quan trọng như quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của đương sự, về xác minh điều kiện thi hành án, về áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bài viết này đề cập những lý do cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và những điểm được sửa đổi, bổ sung quan trọng, có ý nghĩa đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Xem thêm bài viết về “Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi bổ sung 2014)”
- Các biện pháp cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự Việt Nam – TS. Trần Phương Thảo
- So sánh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ThS. Kham Tay Keopaseuth
Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Sau khoảng 5 năm áp dụng Luật THADS năm 2008, bên cạnh những mặt tích cực như hoạt động thi hành án dân sự đã đi vào nề nếp, ổn định hơn so với trước đây, kết quả thi hành án năm sau luôn cao hơn năm trước (Xem phụ lục 1 và phụ lục 2), vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự. Vì vậy, một trong những nội dung trong chương trình làm việc năm 2014 của Quốc hội là xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008. Ngày 25/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS.
1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành Luật THADS bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém, trong đó nổi lên là: kết quả THADS có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững (năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội); lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013 còn tồn 239.144 vụ việc và trên 41.597 tỉ đồng, tăng so với năm 2012); việc phân loại án ở một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang án không có điều kiện, trong khi Tòa án không nắm được bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không; việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài; công tác phối hợp trong THADS tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập, một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác THADS.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là:
Thứ nhất, Luật THADS năm 2008 chưa xác định hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tố tụng, là khâu cuối cùng của việc thực hiện quyền tư pháp, do đó, có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án. Vai trò, trách nhiệm của Tòa án đối với việc thi hành các bản án, quyết định của mình còn hạn chế, nhất là việc giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án hay Viện kiểm sát dẫn đến thay đổi nội dung các bản án đã có hiệu lực đang được thi hành hoặc đã thi hành xong; trách nhiệm theo dõi, thống kê việc thi hành các bản án, quyết định cũng chưa được Tòa án quan tâm thực hiện; thẩm quyền kiểm sát, thanh tra đối với công tác thi hành án dân sự chưa rõ ràng.
Thứ hai, một số quy định về quyền, trách nhiệm của các bên trong thi hành án còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là việc luật quy định người được thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, gây khó khăn cho người được thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó việc quy định trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh thì phải chịu chi phí gây tốn kém cho người dân.
Thứ ba, một số quy định của Luật THADS năm 2008 về trình tự, thủ tục thi hành án còn bất cập, thiếu thống nhất, chưa đồng bộ với pháp luật có liên quan trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, tài chính, ngân hàng, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính…, nhất là các quy định về kê biên, phong tỏa tài sản thi hành án, đấu giá tài sản thi hành án, xử lý tài sản thi hành án trong trường hợp là tài sản cầm cố, thế chấp; chưa có biện pháp, chế tài cần thiết, đủ sức mạnh để răn đe đối với người phải thi hành án, dẫn tới việc chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa nghiêm, cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án nhằm kéo dài việc thi hành án.
Thứ tư, một số quy định của Luật THADS năm 2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp chưa cụ thể, rõ ràng. Trong quá trình xây dựng Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này nhưng chưa được đưa vào Luật mà mới chỉ ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 cho thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương. Do đó, việc thực hiện thí điểm thừa phát lại mới chỉ được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ và các thông tư liên tịch giữa các Bộ với TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thiếu các nguyên tắc ở tầm luật định bảo đảm hiệu lực của việc xã hội hóa hoạt động thi hành án.
Để khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế trên, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị liên quan đến quản lý công tác thi hành án theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án, việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS là rất cần thiết[1].
Quan điểm của Quốc hội về sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2008Quan điểm của Quốc hội, cũng như đề xuất của Chính phủ là việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS lần này chủ yếu tập trung vào những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách và đã rõ ràng, đồng thời có tính đến nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan và những vấn đề liên quan đến công tác thi hành án đã được Bộ Chính trị xác định tại Kết luận số 92-KL/TW. Việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật THADS sẽ được thực hiện khi xây dựng dự án Luật Thừa phát lại và đã sửa đổi xong các luật về tố tụng, các luật về tổ chức bộ máy, nhà nước đặc biệt là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân[2].
Dự thảo Luật dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 04/183 điều so với Luật hiện hành, liên quan đến các vấn đề như: quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát, Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án dân sự; trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án; biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.
3. Những vấn đề sửa đổi, bổ sung cơ bản trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung 47 điều; bãi bỏ Điều 32, 33, 34, 51, 138. 139, điểm b khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179 của Luật THADS năm 2008. Theo đó, có một số nội dung nổi bật như sau:
3.1. Về quyền, nghĩa vụ của đương sự
Luật THADS năm 2008 không quy định trực tiếp về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong các điều luật cụ thể, chỉ quy định rải rác trong nhiều điều luật. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án, cụ thể:
* Người được thi hành án
Một là, quy định nghĩa vụ của người được thi hành án trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được xóa bỏ. Luật THADS năm 2008 quy định đây là nghĩa vụ của người được thi hành án, do đó, khi họ yêu cầu cơ quan thi hành án, thi hành bản án, quyết định cho mình, phải chứng minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án. Nếu người được thi hành án không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh và cũng không cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ không nhận đơn yêu cầu thi hành án[3].
Hai là, người được thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Trong thực tiễn thi hành án dân sự, nhiều trường hợp Chấp hành viên không thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc thi hành bản án, quyết định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, do vậy quy định này giúp cho người được thi hành án bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của Chấp hành viên khi thi hành bản án, quyết định.
Ba là, người được thi hành án có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án; không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trong một số trường hợp khác.
Như vừa đề cập ở ý trên, việc cung cấp thông tin của người phải thi hành án là quyền của người được thi hành án, chứ không phải nghĩa vụ. Họ có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự, nhằm giúp Chấp hành viên thuận lợi hơn trong việc tổ chức thi hành án.
* Người phải thi hành án
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS cũng đưa ra một số thay đổi về quyền và nghĩa vụ thuộc người phải thi hành án như sau:
Một là, thời hạn tự nguyện thi hành án từ 15 ngày theo quy định của Luật THADS năm 2008 được rút ngắn xuống còn 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Quy định này của Luật một mặt đảm bảo cho người phải thi hành án có thời gian tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình đồng thời đảm bảo hiệu quả của việc thi hành án, tránh trường hợp lợi dụng thời hạn tự nguyện thi hành án để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Hai là, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Cũng giống như người được thi hành án, trong những trường hợp Chấp hành viên không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên đang trực tiếp thi hành việc thi hành án.
Ba là, người được thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên nắm bắt thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, giảm thời gian xác minh của Chấp hành viên, rút ngắn thời gian thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành án thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án, do vậy nhiều trường hợp họ cố tình chống đối, thiếu hợp tác với Chấp hành viên trong việc thực hiện nghĩa vụ. Để người phải thi hành án tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ trên, cần có cơ chế để kiểm soát cũng như xử lý nghiêm khắc với những trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không đúng.
3.2. Về xác minh điều kiện thi hành án
Điều 44 và điều 44a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS quy định một số sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Luật THADS năm 2008 hiện hành về xác minh điều kiện thi hành án:
Một là, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS là của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Ngân sách Nhà nước chi trả.
Theo Luật THADS năm 2008, trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nghĩa vụ xác minh thuộc về người được thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án chỉ xác minh khi người được thi hành án không thể xác minh được và có đơn yêu cầu. Trong điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, tư duy quản trị xã hội còn nhiều bất cập, do vậy việc qui định nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án thuộc về người được thi hành án không hợp lý, gây nhiều khó khăn, trở ngại, ảnh hưởng tới việc bảo vệ các quyền, lợi ích của họ, nhất là khi phải xác minh tại các cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng. Vì vậy, chuyển giao trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự là phù hợp. Tuy nhiên đây lại là áp lực không nhỏ với các cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là tình trạng thiếu cán bộ để thực thi nhiệm vụ.
Hai là, thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Quy định này nhằm giúp cho việc xác định điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thuận lợi hơn, đồng thời còn góp phần thúc đẩy người phải thi hành án ý thức hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Ba là, người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Hoạt động thi hành án dân sự thường liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức và hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc rất lớn vào việc nắm bắt thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, do vậy việc thiếu sự phối hợp, hợp tác của cá nhân, tổ chức có liên quan, sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, hoặc gây thiệt hại cho người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do vậy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nắm giữ thông tin cũng như người được thi hành án trong việc cung cấp và cung cấp chính xác thông tin về điều kiện thi hành án khi Chấp hành viên yêu cầu là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động thi hành án dân sự.
3.3. Mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với Tòa án
Ngoài những quy định về mối quan hệ giữa tòa án với cơ quan thi hành án dân sự được qui định trong Luật THADS năm 2008, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự đối với Tòa án nhân dân tại các Điều 14, 15, 16, theo đó, “cơ quan thi hành án dân sự phải báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.”
Thi hành án dân sự là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, gắn liền với việc thực hiện quyền lực tư pháp của Tòa án. Tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án chấp hành, tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên hiện nay, có sự cắt khúc giữa xét xử và thi hành án. Cụ thể Tòa án sau khi ra bản án, quyết định, xem như xong công việc của mình, còn việc thi hành bản án, quyết định này lại hoàn toàn thuộc về cơ quan thi hành án, bản thân Tòa án ra bản án, quyết định không nắm bắt được phán quyết của mình có được thực hiện và thực hiện như thế nào trong thực tiễn. Sự liên hệ của Tòa án với cơ quan thi hành án lúc này thường là giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định khi có yêu cầu.
Quy định về trách nhiệm báo cáo của cơ quan thi hành án với Tòa án bảo đảm được sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án, nâng cao tính khả thi của bản án, quyết định được ban hành; tạo cơ chế thuận lợi để Tòa án theo dõi, kiểm soát, thống kê kết quả thi hành các bản án, quyết định của mình.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, có nhiều ý kiến đề xuất giao Tòa án ra quyết định thi hành án tuy nhiên nếu sửa đổi như vậy sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều quy định khác trong Luật THADS, do vậy quan điểm này không được xem xét trong lần sửa đổi này.
3.4. Biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự
Hai sửa đổi quan trọng liên quan đến việc phong tỏa tài khoản và quy định đảm bảo quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá để thi hành án được quy định tại khoản 2, Điều 67, Điều 103 Luật sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
Thứ nhất: Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó; trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản đó.
Quy định này phù hợp với thực tế thi hành án dân sự, bởi lẽ trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, việc tẩu tán tiền trong tài khoản có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn, trong vòng vài phút đương sự đã có thể tẩu tán hết tiền trong tài khoản. Do vậy, Chấp hành viên cần xử lý nhanh chóng, kịp thời để phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án, nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thi hành án dân sự, hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Thứ hai: Người mua được tài sản bán đấu giá được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
Trên thực tế, quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá chưa được bảo vệ đầy đủ theo quy định, đặc biệt là quyền được nhận tài sản bán đấu giá sau khi đã thanh toán tiền mua tài sản. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là pháp luật chưa có qui định cụ thể về xử lý tài sản bán đấu giá trong trường hợp có kháng nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Có quan điểm cho rằng, theo quy định của Luật THADS hiện hành, khi có kháng nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mọi hoạt động thi hành án dân sự tạm dừng, do đó, tài sản bán đấu giá không thể chuyển giao cho người mua đấu giá. Quan điểm khác lại cho rằng, trong trường hợp này vẫn tiến hành chuyển giao tài sản bán đấu giá cho người mua tài sản theo đúng quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản cũng như các văn bản hướng dẫn Luật THADS năm 2008. Do vậy, với sửa đổi nêu trên của Luật, vướng mắc này đã được tháo gỡ, quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá được đảm bảo tốt hơn, điều này cũng góp phần đảm bảo lành mạnh hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự.
Tóm lại, Luật Sửa đổi, bổ sung lần này mới chỉ khắc phục một số bất cập, hạn chế trước mắt của Luật THADS năm 2008. Trên thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi trong thời gian tới, như về việc ra quyết định thi hành án, xử lý đối với các trường hợp chậm thi hành án, xã hội hóa hoạt động thi hành án, vai trò của luật sư trong thi hành án. Tuy nhiên, những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự và như vậy hiệu lực thi hành của bản án, quyết định cũng như quyền lợi của đương sự sẽ được đảm bảo tốt hơn trong thực tiễn.
PHỤ LỤC 1: Kết quả thi hành án – Về việc
Năm | Tổng số việc thụ lý (cũ chuyển sang và thụ lý mới) | Số việc có điều kiện thi hành | Số việc đã giải quyết xong | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
2009 | 635.951 | 430.026 | 351.143 | 82% |
2010 | 568.382 | 399.147 | 341.677 | 86% |
2011 | 602.999 | 423.082 | 370.183 | 87% |
2012 | 637.520 | 439.127 | 390.725 | 89% |
2013 | 723.179 | 492.975 | 569.693 | 86,53% |
6/2014 | 513.758 | 384.744 | 129.014 | 74,89% |
PHỤ LỤC 2: Kết quả thi hành án – đơn vị tính 1.000đ:
Năm | Tổng số tiền phải thu | Số tiền có điều kiện giải quyết | Số tiền đã thu và đã giải quyết do đình chỉ, ủy thác hoặc trả đơn | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
2009 | 27.618.147.853 | 9.637.171.265 | 6.844.215.277 | 71% |
2010 | 36.800.129.503 | 10.311.551.257 | 8.228.393.260 | 80% |
2011 | 38.121.903.471 | 13.745.942.376 | 10.583.382.772 | 78% |
2012 | 46.357.733.716 | 13.439.205.897 | 10.349.723.469 | 77% |
2013 | 70.562.600.894 | 28.965.500600 | 39.584.914.600 | 73,17% |
6 / 2014 | 73.582.676.581 | 52.320.251.810 | 21.262.425.500 | 71,1% |
Nguồn: Bộ Tư pháp, báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự
CHÚ THÍCH
* ThS Luật học, giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Chính phủ, “Tờ trình về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự”, 2014, tr. 1-4.
[2] Tài liệu đã dẫn, tr. 6
[3] Điều 1, NĐ 125/2013/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 158/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS về thủ tục thi hành án dân sự.
- Tác giả: TS. Lê Vĩnh Châu*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2015 (87)/2015 – 2015, Trang 69-74
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời