Mục lục
Buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam, thực trạng và hướng hoàn thiện
Tác giả: TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng & TS. Nguyễn Xuân Quang
TÓM TẮT
Hiện nay, cũng với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, việc bán hàng trực tuyến hàng hóa trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì các quy định hiện hành liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ internet chưa được chặt chẽ dẫn đến việc buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu ngày càng tran lan. Bài viết này nhằm đưa ra các đề xuất để góp phần hạn chế các vi phạm nói trên.
Xem thêm bài viết về “Nhãn hiệu”
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại – TS. Lê Thị Nam Giang & ThS. Phạm Vũ Khánh Toàn
- Xung đột quyền trong bảo hộ Nhãn hiệu và Tên thương mại – TS. Lê Thị Nam Giang
- Nhãn hiệu nổi tiếng, pháp luật và thực tiễn – ThS. Lê Xuân Lộc & ThS. Mai Duy Linh
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Những thay đổi quan trọng trong quy định pháp luật của liên minh Châu Âu về nhãn hiệu – TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
1. Thực trạng buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, tình trạng buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu (hàng giả, hàng nhái) đang ngày càng phát triển nhanh chóng. Điều này làm cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp cho cả các cơ quan chức năng lẫn chủ sở hữu của các nhãn hiệu hợp pháp. Việc buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa thậm chí còn diễn ra một cách công khai khi được chào bán với các cấp độ khác nhau như “hàng fake loại 1”[1] hoặc “hàng fake cao cấp”[2] hoặc “tất cả các loại nước hoa được bán tại shop điều là hàng fake loại 1; bảo đảm hàng giống thật đến 95% có đầy đủ hộp + mã vạch y như hàng thật.[3]Và đi cùng với những quảng cáo này là các nhãn hiệu nổi tiếng bị vi phạm, bị làm giả. Những nhãn hiệu hàng hóa bị vi phạm trong những trường hợp này thường là những nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Đa số hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa được chào bán trực tuyến là quần áo, giày dép, nước hoa, hóa mỹ phẩm cũng như hàng tiêu dùng. Đánh vào tâm lý khách mua hàng muốn sở hữu những sản phẩm tương tự như những sản phẩm cao cấp với giá rẻ, phương thức bán hàng trực tuyến ngày nay đang trở nên thu hút người mua bởi tính tiện dụng, phong phú, linh hoạt trong các khâu mua bán và giao nhận. Người mua, trong trường hợp muốn mua sẽ tiến hành chuyển tiền vào tài khoản của người bán. Khi nhận được tiền, người bán sẽ giao hàng và tùy từng trường hợp, tùy thuộc vào địa điểm nhận hàng mà người nhận có thể nhận hàng trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc thông qua một dịch vụ giao nhận nhất định.
Trên thực tế, hầu như việc bắt giữ hàng hóa vi phạm trong những trường hợp này là rất khó khăn, vì tính chất cũng như hầu hết các giai đoạn của các giao dịch này diễn ra trực tuyến. Người vi phạm trong trường hợp này không cố định một nơi, cũng như việc giao nhận hàng hóa cũng không diễn ra một nơi duy nhất. Việc lần theo các manh mối vi phạm này rất khó. Đồng thời, bản thân người bán trực tuyến không có kho hàng hay một nơi nhất định để chứa hàng hóa, (thông thường họ chỉ có rất ít hàng hóa, hoặc chỉ là một mắt xích trong đường dây) chỉ khi có người mua hàng thì người bán mới liên lạc để lấy và giao hàng từ đối tượng khác. Cho nên, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt giữ hàng hóa vi phạm trong những trường hợp này thì số lượng hàng hóa bắt giữ được là rất ít so với công sức, thời gian và nỗ lực đã bỏ ra.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết những trường hợp vi phạm nói trên? Trong trường hợp chủ sở hữu của một nhãn hiệu hàng hóa yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ thì sẽ giải quyết như thế nào? Cơ quan nhà nước khi được yêu cầu không thể vì lý do khó thực thi mà không thể đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu hợp pháp của những nhãn hiệu đó. Dưới đây, chúng tôi đề xuất một vài hướng giải quyết trong những trường hợp nói trên.
2. Xác định vai trò của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng
Đối với các vi phạm trong buôn bán trực tuyến, để giải quyết việc xâm phạm quyền SHTT một cách có hiệu quả, nhiều cách thức phải được đặt ra. Hầu hết các quy định hiện hành của Việt Nam liên quan đến vấn đề này chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, không đưa ra hướng dẫn cụ thể. Điều này sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong việc xử lý đối với loại hình vi phạm trực tuyến như trên.
Đối với vấn đề buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu, để giải quyết một cách triệt để, chúng ta phải tìm được nguồn gốc cũng như mối quan hệ của những tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và chủ hàng hóa bán trực tuyến. Chẳng hạn như cần phải phân định ra thành các trường hợp khác nhau để từ đó có hướng xử lý thích hợp. Cụ thể như sau:
Một là, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng cũng đồng thời là người chủ của hàng hóa được chào bán trên trang mạng trực tuyến đó. Trong trường hợp này người chủ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tính hợp pháp của hàng hóa do mình chào bán. Với tư cách là chủ của hàng hóa, người tổ chức cung cấp dịch vụ mạng biết và buộc phải biết về tính chất pháp lý các mặt hàng của mình chào bán. Nếu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức khác, thì tổ chức cung cấp dịch vụ mạng này phải chịu trách nhiệm với tư cách chủ sở hữu của mình.
Hai là, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng không đồng thời là chủ của hàng hóa, mà chỉ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ trực tuyến, hay gian hàng trực tuyến để từ đó người khác thực hiện việc mua bán hàng hóa. Nói cách khác, trong trường hợp này website chỉ là công cụ để thực hiện việc chào bán hàng hóa trực tuyến. Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng không thể biết và không buộc phải biết về tính hợp pháp của hàng hóa được chào bán. Người bán hàng khi thuê dịch vụ website sẽ phải cam kết với tổ chức cung cấp dịch vụ mạng về hoạt động của mình.
Nếu (i) tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và chủ hàng đơn thuần là sự kết hợp giữa một bên là hỗ trợ kỹ thuật và một bên là người thuê (có thể hiểu như tổ chức cung cấp dịch vụ mạng là chủ cho thuê cửa hàng, người bán hàng là người thuê cửa hàng đó), thì tổ chức cung cấp dịch vụ mạng chỉ chịu trách nhiệm về hàng giả, hàng nhái được chào bán trên website của mình nếu sau khi nhận được phản hồi từ chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu ủy quyền hợp pháp về việc xâm phạm quyền SHTT, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng trên vẫn không thực hiện bất kì biện pháp chấm dứt hay ngăn chặn nào đối với hành vi xâm phạm đó.
Nếu (ii) tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và chủ hàng hóa có sự liên kết trong việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc bán hàng hóa, thì trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng sẽ được xử lý như đối với chủ hàng hóa bày bán trên website đó khi hàng hóa là hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.
Trong những trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ mạng cho rằng mình bị xử lý không chính xác có thể chứng minh rằng mình đã làm hết khả năng, áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc xâm phạm quyền SHTT có thể xảy ra đối với dịch vụ mạng do mình cung cấp. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ mạng trong trường hợp này có thể chứng minh được thì được miễn trách (xem phân tích ở vụ Tiffany và Ebay ở dưới).
3. Các quy định hiện hành
3.1. Luật giao dịch điện tử
Nghiên cứu luật Việt Nam liên quan đến vấn đề buôn bán trực tuyến cho thấy các quy định này vẫn còn khá sơ sài. Cụ thể là Luật giao dịch điện tử,[4] tại Điều 47 luật này quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng như sau:
- Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng quy chế quản lý và các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng dịch vụ mạng nhằm phát tán các thông điệp dữ liệu có nội dung không phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không kịp thời loại bỏ những thông điệp dữ liệu được quy định tại khoản 1 Điều này khi tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đó đã nhận được thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định nêu trên, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không kịp thời loại bỏ những thông điệp dữ liệu vi phạm các quy định khác của pháp luật khi tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đó đã nhận được thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa trong trường hợp buôn bán trực tuyến là hành vi vi phạm các quy định khác của pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 47.
Vậy trong trường hợp phát hiện có hành vi xâm phạm nhãn hiệu, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu, hoặc người được ủy quyền hợp pháp phát hiện thấy hàng hóa của mình bị vi phạm và bày bán trực tuyến, họ có thể trực tiếp gởi thư hoặc thông báo đến tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đó hay không? Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đó nhận được thông báo thì có thể xem xét hay phải chờ thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Trong trường hợp phải có thông báo của cơ quan nhà nước và thủ tục này tốn nhiều thời gian, người vi phạm sẽ có thời gian tẩu tán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, trên thực tế, vai trò của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng là rất khác nhau tuỳ vào từng trường hợp như đã nêu trên nhưng hiện tại quy định tại Điều 47 của Luật giao dịch điện tử lại không đề cập đến vai trò của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng.
3.2. Nghị định 99/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHTT
Khi phát hiện hàng hóa của mình bị xâm phạm bởi hình thức buôn bán trực tuyến, chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người đại diện hợp pháp của nhãn hiệu có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp giải quyết. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 99[5] thì đối với hàng hóa giả mạo, các cơ quan có thẩm quyền xử lý là: (1) Thanh tra Khoa học và Công nghệ; (2) Thanh tra Thông tin và Truyền Thông; (3) Quản lý thị trường (4) Hải quan; và (5) Công an.
Mức phạt cao nhất theo quy định của Nghị định 99 là 250.000.000 đồng. Tuy nhiên, với quy định của Nghị Định 99 hiện nay thì việc xử phạt hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chỉ áp dụng khi thỏa mãn hai điều kiện (i) vì mục đích kinh doanh; và (ii) giá trị của hàng hóa vi phạm nhãn hiệu có giá trị đến 3.000.000 đồng.[6] Ngoài ra, đối với hành vi sản xuất nhập khẩu buôn bán vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thì giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng.[7] Quy định này làm cho việc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa trực tuyến dường như trở nên khó khăn hơn khi mà như đã phân tích phần trước vì không có kho hàng hoặc người bán trực tuyến lúc này chỉ là một mắt xích trong đường dây, giá trị của những hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu có khi chưa đến mức 3.000.000 đồng hay 5.000.000 đồng và do đó theo Nghị định 99 không bị xem là vi phạm. Chính vì vậy mà việc áp dụng biện pháp hành chính ở mức phạt tối thiểu theo quy định của Nghị định 99 hết sức khó khăn. Với cách quy định như Nghị Định 99 hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa trực tuyến vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, Nghị Định 99 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Điều đáng lưu ý là Nghị định 99 thay thế cho Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 (Nghị định 97). Cụ thể hóa Nghị định 97 là Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 (Thông tư 37). Theo thông tư 37, hình thức phạt tối thiểu cho người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hình phạt cảnh cáo. Hình phạt này được áp dụng khi hàng hóa vi phạm có số lượng đến 10 đơn vị sản phẩm và tổng giá trị đến dưới 3.000.000 đồng.[8] Mặc dù Nghị định 99 ra đời nhằm thay thế Nghị định 97, nhưng giá trị tối thiểu của tài sản xâm phạm nhãn hiệu là giống nhau ở mức 3.000.000 đồng.
Như vậy, với cách quy định tại Nghị định 99 thì hầu như trách nhiệm chỉ được đặt ra đối với người thực hiện việc bán hàng trực tuyến, trong khi trách nhiệm tương ứng với vai trò của người cung cấp dịch vụ mạng chưa được xem xét. Vai trò của nhà cung cấp dịch vụ mạng cần phải được làm rõ trong từng trường hợp nhất định. Để hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý liên quan vai trò của nhà cung cấp dịch vụ mạng, các kinh nghiệm xét xử của Hoa Kỳ liên quan đến hành vi buôn bán trực tuyến nên được học hỏi.
4. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Chúng ta có thể xem xét cách thức giải quyết tình huống của Hoa Kỳ trong các vụ kiện sau:
a. Vụ kiện giữa công ty Tiffany và nhà cung cấp dịch vụ mạng Ebay
Vụ kiện này bắt đầu từ năm 2003 và đến năm 2008. Tiffany – một công ty chuyên bán nữ trang cao cấp – cáo buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng Ebay đã vi phạm nhãn hiệu, quảng cáo sai, và buộc Ebay phải chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa được chào bán trực tuyến là hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ebay đã chứng minh rằng họ đã có những nỗ lực chống lại hàng giả (anticouterfeiting efforts) được chào bán trên mạng của mình. Theo đó, hàng năm Ebay đã bỏ ra khoảng 20 triệu đô la cho việc nâng cao độ tin cậy và an toàn trên trang web của mình.
Ebay áp dụng các chương trình để các chủ sở hữu nhãn hiệu có thể xác nhận hàng hóa được các đối tượng chào bán trên Ebay là hàng giả hay hàng thật. Bằng chương trình này, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa có thể liệt kê danh mục hàng hóa có khả năng bị xâm phạm cao và nộp cho Ebay thông báo vi phạm nếu phát hiện thấy hàng hóa đang được chào bán trực tuyến là hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ của Tiffany. Khi nhận được phản hồi từ Tiffany, nhân viên của Ebay sẽ tiến hành dỡ bỏ hoặc hủy bỏ các giao dịch đang được chào bán nếu như thông báo đó là chính xác từ phía chủ sở hữu nhãn hiệu. Đồng thời, tháng 5/2002 Ebay đã thành lập bộ phận Tin cậy và An toàn (Trust and Safety Department) chuyên trách việc phát hiện ra hàng hóa chào bán bất hợp pháp, bao gồm cả hàng giả được chào bán bao gồm khoảng 4000 nhân viên, 200 trong số đó chuyên trách về hàng hóa xâm phạm SHTT; 70 trong số đó tập trung giải quyết về thực thi.
Đối với hàng hóa của Tiffany, Ebay có khoảng 90 từ khóa để lọc tìm bên cạnh việc lọc tìm thông thường bằng chương trình máy tính, để đảm bảo phân biệt hàng hóa của Tiffany và hàng xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany. Ngoài ra, Ebay còn cho phép chủ sở hữu quyền bao gồm cả Tiffany được mở một webpage trên giao diện của Ebay (About Me). Webpage này cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu thông báo đến người dùng của Ebay về sản phẩm của mình, về quyền SHTT đối với sản phẩm của mình cũng như tính hợp pháp của những sản phẩm đó. Và trên thực tế, Ebay không hề can thiệp vào nội dung của webpage này. Việc duy trì webpage About Me là hoàn toàn của Tiffany. Tiffany đã có những nội dung khuyến cáo người mua sản phẩm của Tiffany trên Ebay ở webpage này. thậm chí vào năm 2003 đến đầu năm 2004, Ebay đã bắt đầu sử dụng những cảnh báo dành cho những người muốn bán sản phẩm của Tiffany trên Ebay, và cảnh báo này cũng được gửi đến webpage của Tiffany.
Bằng các dẫn chứng trên, Ebay đã chứng minh cho tòa thấy là Ebay đã thực hiện tất cả các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hàng hóa được chào bán, lưu thông trên mạng trực tuyến của mình là hàng hóa hợp pháp. Trên cơ sở đó, tòa án đã bác bỏ các cáo buộc của Tiffany khi cho rằng Ebay đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Cụ thể,:
Thứ nhất, đối với cáo buộc Ebay đã xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany theo quy định tại Điều 32 Đạo luật Lanham, theo đó, việc sử dụng một nhãn hiệu đã được đăng ký vào việc sản xuất, lưu thông, phân phối, quảng cáo… mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu và việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn… phải chịu trách nhiệm đối với chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Cụ thể, Tiffany cho rằng việc sử dụng nhãn hiệu Tiffany trên trang web của Ebay để bán hàng giả là xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany bởi người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng được chào bán. Tuy nhiên cáo buộc này đã bị tòa án bác bỏ vì cho rằng không có mối liên hệ nào giữa Ebay và Tiffany do đó người tiêu dùng không bị nhầm lẫn trong trường hợp này. Việc Ebay sử dụng nhãn hiệu của Tiffany trên trang web của mình là hợp pháp.
Thứ hai, đối với cáo buộc Ebay góp phần vào việc xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany. Điều này thể hiện bằng việc Ebay đã tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi vi phạm của những chủ thể cung cấp hàng giả. Tuy nhiên bằng việc chỉ ra rằng Tiffany đã nhanh chóng xem xét hàng khi hàng được đưa lên website, gởi những cảnh báo đến người bán, người mua, gởi hướng dẫn người mua không thực hiện giao dịch đối với những sản phẩm đang có tranh chấp… có nghĩa là Ebay không góp phần vào việc xâm phạm nhãn hiệu Tiffany như cáo buộc của Tiffany.[9]
Thứ ba, đối với cáo buộc Ebay đã quảng cáo gian dối bởi lẽ hàng hóa của Tiffany được bán trên website của Ebay, mà trên thực tế rất nhiều sản phẩm của Tiffany là giả, do đó, Ebay phải chịu trách nhiệm về quảng cáo gian dối. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ cáo buộc này, bởi lẽ việc quảng cáo ở đây không mang tính gian dối vì Ebay bán hàng chính hãng (authentic) của Tiffany.[10]
Ngoài ra, còn một số cáo buộc khác của Tiffany, nhưng do những cáo buộc này không có căn cứ, nên đã bị tòa án bác bỏ. [11]
Không đồng ý với phán quyết này Tiffany kháng cáo, ngày 1 tháng 4 năm 2010 tòa phúc thẩm khu vực 2 của Hoa Kỳ đã tiến hành xét xử phúc thẩm. Kết quả tòa cấp phúc thẩm y án sơ thẩm liên quan đến các vấn đề về nhãn hiệu. Tiffany không chấp nhận kết quả này đã nộp đơn lên tòa thượng thẩm, với hy vọng tòa thượng thẩm xem xét lại phán quyết của tòa cấp phúc thẩm. Tuy nhiên yêu cầu này của Tiffany đã bị bác bỏ vào này 29 tháng 11 năm 2010.
b. Vụ kiện giữa Louis Vuitton và công ty Akanoc
Nguyên đơn trong vụ kiện này là Louis Vuitton, một nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu đối với các mặt hàng túi xách và các sản phẩm khác. Các bị đơn là công ty Akanoc, MSGI, và Steven Chen (người điều hành hai công ty cung cấp dịch vụ mạng nói trên).
Năm 2006 Louis Vuitton phát hiện hơn 70 website được cho là thuộc về các bị đơn có bán các sản phẩm vi phạm nhãn hiệu của mình. Một số website còn chào mời một cách công khai khi đăng những thông tin như: “chúng tôi cung cấp túi xách nhái hiệu Louis Vuitton, và sẽ không ai có thể biết được rằng đây là hàng giả”. Louis Vuitton đã gởi 18 thông báo đến và yêu cầu các website vi phạm phải tháo dỡ các nội dung vi phạm. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã không được các bị đơn thực hiện. Bên cạnh đó, các bị đơn còn có được thu nhập và lợi nhuận thông qua việc bán các sản phẩm vi phạm từ việc cung cấp dịch vụ mạng của mình. Do đó, Louis Vuitton đã kiện các công ty cung cấp dịch vụ mạng ra tòa án quận phía Bắc của California với các cáo buộc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, góp phần vào việc vi phạm nhãn hiệu và quyền tác giả.
Với các chứng cứ được cung cấp, tòa án cho rằng các bị đơn trên thực tế có biết được về các hành vi xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn trên các website. Bên cạnh đó, các bị đơn thường xuyên phớt lờ các thông báo từ phía nguyên đơn. Do hành vi vi phạm có chủ ý của mình, Luois Vuitton yêu cầu tòa án buộc các bị đơn phải bồi thường 31.5 triệu đô la Mỹ cho hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình. Phán quyết được đưa ra vào ngày 28/8/2009.[12] Thẩm phán tòa án phúc thẩm khu vực 9 đã ra phán quyết bảo vệ quyền lợi của Luois Vuitton, tuy nhiên tòa án cũng cho rằng thiệt hại chưa đến mức mà nguyên đơn yêu cầu. Theo phán quyết của tòa, Akanoc có trách nhiệm kiểm soát trực tiếp cũng như giám sát các trang web, đồng thời hướng người dùng đến những trang web của mình. Do đó, Akanoc phải chịu trách nhiệm đối với việc góp phần xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn.
c. Một số nhận xét
Như vậy, trong 2 vụ kiện có thể thấy rằng vai trò của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng là không thể thiếu đối với các hoạt động mua bán trực tuyến. Do tính chất di động đối với các loại giao dịch này nên trách nhiệm đầu tiên được đặt ra đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng theo nguyên tắc “nắm kẻ có tóc”. Tòa án, tùy vào từng trường hợp mà phân định trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng này là khác nhau.
Ở trường hợp thứ nhất, Ebay đơn thuần là đơn vị trung gian giữa người mua và người bán, họ không cung cấp dịch vụ lưu trữ tên miền như Akanoc. Trên thực tế, Ebay đã chứng minh được mình đã thực hiện tất cả các biện pháp khả dĩ nhằm ngăn chặn việc xâm phạm nhãn hiệu xảy ra có liên quan đến hoạt động của mình. Trong khi đó, ở trường hợp thứ hai, các bị đơn trên thực tế có biết về hành vi xâm phạm của mình đối với Louis Vuitton nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đồng thời, bị đơn cũng có lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm vi phạm mà có. Do đó, bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình gây ra.
Chính vì pháp luật Hoa Kỳ có thể phân định một cách rõ ràng vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng trong mỗi một vụ kiện mà việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến buôn bán trực tuyến hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu được thực hiện một cách dễ dàng. Ngược lại, ở Việt Nam trách nhiệm của các tổ chức dịch vụ mạng gần như còn bỏ ngỏ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa sinh sôi nảy nở. Công cuộc đấu tranh bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.
5. Hướng giải quyết đề xuất đối với việc xác định vai trò của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam
Trước hết, cần phải xác định tổ chức cung cấp dịch vụ mạng bao gồm những đối tượng nào và chịu trách nhiệm tới đâu. Về vấn đề này, có thể tham chiếu quy định của Thông tư liên tịch 07.[13] Theo quy định tại Điều 3.2 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gồm:
a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;
b) Doanh nghiệp viễn thông;
c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử;
d) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;
đ) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số.
Như vậy, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng được xác định cụ thể.
Tiếp đó, phải xác định được các dịch vụ trung gian mà các doanh nghiệp này cung cấp là gì. Căn cứ vào Điều 3.1 của Thông tư liên tịch 07 Dịch vụ trung gian bao gồm: dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ tìm kiếm thông tin số, dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử.
Như vậy, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian phải chịu trách nhiệm đối với các dịch vụ trung gian mà mình cung cấp, trừ trường hợp phải chứng minh mình được miễn trách. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian biết được sự vi phạm, nhưng họ không thực hiện các biện pháp nhất định để ngăn chặn, thì cũng coi như là vi phạm.
Trở lại các trường hợp công khai chào bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức khác một cách lộ liễu như đã nêu ở phần trên của bài viết này thì tổ chức cung cấp dịch vụ mạng có biết về việc vi phạm của người bán hàng trực tuyến nhưng đã không thực hiện các hành vi nhất định để ngăn chặn. Điều này tương tự như việc một người cho thuê nhà, biết người thuê nhà sử dụng nhà thuê để thực hiện các hành vi phạm tội, hoặc vi phạm pháp luật nhưng đã không làm gì để ngăn cản hành vi vi phạm của người thuê nhà. Như vậy, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đã không thực hiện nghĩa vụ, vai trò của mình. Đối với trường hợp này, những chế tài cần thiết, nghiêm khắc nên được áp dụng đối với những tổ chức cung cấp dịch vụ mạng. Qua đó làm cho tổ chức cung cấp dịch vụ mạng trở nên có ý thức hơn trong việc quản lý của mình.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các vụ kiện tại Mỹ cho thấy rằng các chủ sở hữu nhãn hiệu phải thực hiện biện pháp tự bảo vệ đối với các nhãn hiệu của mình. Các chứng từ, thông báo, cảnh báo được gửi đi từ phía chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ là bằng chứng cho thấy trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu trực tuyến. Những chứng cứ này được dùng để xác minh vai trò, ý chí của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng làm cơ sở để cân nhắc áp dụng các chế tài cụ thể.
6. Kết luận
Cuộc chiến chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa nói riêng là một cuộc chiến cần nhiều thời gian và công sức. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, thương mại điện tử là kết quả tất yếu đáp ứng sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội. Những ưu điểm của thương mại điện tử là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân tổ chức, thì cần phải có các chế tài cần thiết cho tổ chức cung cấp dịch vụ mạng. Buôn bán trực tuyến, thương mại điện tử cần có một môi trường pháp lý lành mạnh, để thông qua đó thúc đẩy các hoạt động buôn bán của các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt là khi mà biên giới quốc gia không còn tồn tại đối với các hành vi buôn bán trực tuyến, thì các quy định này còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1]http://www.5giay.vn/5-nuoc-hoa-my-pham-lam-dep/5174652-nuoc-hoa-nam-nu-hang-singapore-fake-loai-1-gia-ca-canh-tranh-day.html (truy cập ngày 19/6/2013).
[2] http://lambome.com/showthread.php?t=90 (truy cập ngày 19/6/2013).
[3] http://www.5giay.vn/nuoc-hoa-my-pham/5174652-nuoc-hoa-nam-nu-hang-singapore-fake-loai-1-gia-ca-canh-tranh-day.html (truy cập ngày 19/6/2013).
[4] Luật Giao dịch điện tử, của Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2006 (Luật giao dịch điện tử).
[5] Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định 99).9999
[6] Nghị định 99, Điều 11.
[7] Nghị định 99, Điều 12.
[8] Điều 2 khoản 1 Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Thông tư 37).
[9] Tiffany, 576 F. Supp.2d.
[10] Tiffany, 576 F. Supp. 2d tại 520 .
[11] Chi tiết của vụ kiện này có thể xem thêm tại Tiffany Inc. v. Ebay Inc., 600 F.3d 93 (2d Cir. 2010).
[12] Xem Allison L. Pavero, Louis Vuitton Malletier v. Akanoc Solutions Incorporated: Why ISPs should be held liable for knowingly hosting websites that sell counterfeit products, Spring 2011 Rutgers Journal of Law & Public Policy Vol 8:4, tr. 821 – 839.
[13] Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông có hiệu lực từ 6/8/2012 (Thông tư liên tịch 07)
- Tác giả: TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng & TS. Nguyễn Xuân Quang
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2013 (79)/2013 – 2013, Trang 53-59
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời