Mục lục
Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công
TÓM TẮT
Năm 2012, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong đó quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu quy định của Điều 8 Công ước về hành vi tham nhũng để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp trong Bộ luật Hình sự sửa đổi.
- Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng: một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam – ThS. Nguyễn Thanh Tú – ThS. Phạm Hồ Hương – ThS. Hoàng Ngọc Bích
- Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai – ThS. Hoàng Thị Vĩnh Quỳnh
- Về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính – TS. Lưu Quốc Thái
- Nhận diện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam – TS. Lưu Quốc Thái
TỪ KHÓA: Nội luật hóa, Tham nhũng, Chống tham nhũng, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam.
Ngày 08/06/2012, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (sau đây gọi tắt là “Công ước”).[1] Với sự phê chuẩn này, Việt Nam đã chính thức chịu sự ràng buộc bởi các quy định của Công ước, trong đó có quy định về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công được quy định trong Điều 8 Công ước. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi cơ bản và toàn diện Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây gọi tắt là “BLHS năm 1999”). Vì vậy, việc nghiên cứu các quy định của Công ước và BLHS năm 1999 về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công để đề xuất các kiến nghị sửa đổi BLHS Việt Nam hiện hành có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Trong Mục A Chương XXI BLHS hiện hành, nhà làm luật quy định 7 tội phạm về tham nhũng. Trong Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công được đề cập tại Điều 8 chủ yếu liên quan đến hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và đồng phạm của hành vi đưa – nhận hối lộ. Như vậy, có sự khác nhau trong nội hàm của thuật ngữ “tham nhũng” giữa quy định của BLHS năm 1999 so với Công ước.
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu tập trung đánh giá những điểm hạn chế trong quy định của BLHS năm 1999 so với các quy định của Công ước về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công (các hành vi liên quan đến hối lộ), đặc biệt là những hành vi mà Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tội phạm hóa nhưng chưa được quy định là tội phạm trong BLHS năm 1999. Từ đó, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam về các tội phạm này.
1. Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 so với quy định của Điều 8 Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công
Bên cạnh sự phù hợp trong quy định BLHS năm 1999 về các tội phạm liên quan đến hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công với quy định của Công ước, chúng tôi thấy còn có một số điểm hạn chế trong quy định của BLHS năm 1999 về việc tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công. Những điểm hạn chế đó gồm:
Thứ nhất, BLHS năm 1999 chưa quy định hành vi “hứa hẹn, đề nghị” đưa hối lộ với tư cách là hành vi khách quan của tội đưa hối lộ.
Điều 8(1)(a) Công ước quy định đưa hối lộ là hành vi “hứa hẹn, đề nghị hay đưa đến” một cách trực tiếp hay gián tiếp cho công chức nhà nước một lợi ích không chính đáng dành cho người đó hoặc người hay thực thể khác để công chức đó hành động hoặc không hành động trong khi thực hiện nhiệm vụ chính thức của mình là hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Điều 289 BLHS năm 1999 chỉ quy định hành vi “đưa hối lộ” là hành vi khách quan của tội phạm. Hành vi “hứa hẹn, đề nghị” đưa hối lộ (nhưng chưa đưa hối lộ) không bị bị coi là hành vi khách quan của tội đưa hối lộ. Về lý thuyết, hành vi này có thể bị xử lý về tội đưa hối lộ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ở Việt Nam cho thấy hầu như không ai bị xử lý về hành vi “hứa hẹn, đề nghị” đưa hối lộ (nhưng chưa đưa hối lộ) ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Vì vậy, quy định của BLHS năm 1999 hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu bắt buộc của Công ước về nghĩa vụ nội luật hóa của các quốc gia thành viên về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công theo Điều 8(1)(a) Công ước. Theo kết quả khảo sát, có 65% (156/243) số chuyên gia được hỏi cho rằng BLHS năm 1999 nên quy định hành vi “đề nghị đưa hối lộ” hoặc “thỏa thuận sẽ đưa hối lộ” (nhưng chưa đưa hối lộ) là tội phạm.[2] Do đó, khi sửa đổi BLHS, nhà làm luật cần bổ sung hành vi “hứa hẹn, đề nghị” một cách trực tiếp hay gián tiếp cho viên chức nhà nước một lợi ích không chính đáng dành cho người đó hoặc thực thể khác để công chức đó hành động hoặc không hành động trong khi thực hiện nhiệm vụ chính thức của mình là hành vi khách quan của Tội đưa hối lộ.
Thứ hai, BLHS năm 1999 chưa quy định hành vi của công chức “đòi hỏi” một lợi ích không chính đáng để hành động hoặc không hành động khi thực hiện một nhiệm vụ chính thức của mình là hành vi khách quan của Tội nhận hối lộ
Điều 8(1)(b) Công ước quy định hành vi “đòi hỏi hoặc chấp nhận” của công chức nhà nước đối với một lợi ích không chính đáng để công chức đó hành động hoặc không hành động khi thực hiện một nhiệm vụ chính thức của mình là hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Điều 279 BLHS năm 1999 quy định hành vi nhận hối lộ là hành vi trực tiếp hoặc qua trung gian “đã nhận hoặc sẽ nhận” tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác. Như vậy, nếu công chức có hành vi trực tiếp hay gián tiếp “đòi hỏi” một lợi ích không chính đáng nhưng người bị đòi hỏi không chấp nhận đòi hỏi đó nên công chức chưa nhận được và sẽ không nhận được lợi ích mong muốn thì BLHS năm 1999 không coi là hành vi khách quan của Tội nhận hối lộ. Về lý thuyết, hành vi “đòi hỏi” lợi ích vật chất của công chức này có thể bị coi là chuẩn bị phạm Tội nhận hối lộ nếu họ thực hiện tội nhận hối lộ ở mức độ cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam hiện nay chưa có vụ án nào xử lý hành vi chuẩn bị phạm Tội nhận hối lộ dưới dạng này. Đây là một trong những điểm hạn chế của luật hình sự Việt Nam hiện hành vì chưa đáp ứng được các quy định của Công ước trong việc đấu tranh triệt để với những hành vi tham nhũng mang tính chất “nhũng nhiễu” nhân dân. Theo kết quả khảo sát chuyên gia, có 71,4% số người được hỏi đồng ý với kiến nghị bổ sung hành vi đòi hối lộ vào các dạng hành vi khách quan của Tội nhận hối lộ.[3] Vì vậy, BLHS (sửa đổi) nên mở rộng quy định về hành vi khách quan của Tội nhận hối lộ, theo đó, ngoài hành vi “đã nhận” hoặc “sẽ nhận” hối lộ, còn bao gồm cả hành vi “đòi hỏi” của công chức nhà nước đối với một lợi ích không chính đáng để công chức đó hành động hoặc không hành động khi thực hiện một nhiệm vụ chính thức của mình.
Thứ ba, BLHS năm 1999 chưa quy định hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ hoặc môi giới hối lộ đối với các lợi ích phi vật chất
Điều 8 Công ước quy định hành vi đưa và nhận một “lợi ích không chính đáng” dành cho người đó hoặc người hay thực thể khác để công chức đó hành động hoặc không hành động trong khi thực hiện nhiệm vụ chính thức của mình là tội phạm. “Lợi ích không chính đáng” này có thể là lợi ích vật chất (tài sản, lợi ích vật chất khác) hoặc các lợi ích phi vật chất (như hối lộ tình dục; được thăng chức; nhận giải thưởng; được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, bằng tiến sĩ danh dự…; các huân, huy chương, bằng khen…). Trong khi đó, theo quy định của các Điều 279, 289 và 290 BLHS năm 1999, hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ có đối tượng tác động là chỉ là “của hối lộ” (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) mà không bao gồm các lợi ích phi vật chất. Như vậy, đối tượng đưa và nhận hối lộ là các “lợi ích không chính đáng” được quy định trong Công ước rộng hơn so với quy định về “của hối lộ” trong BLHS năm 1999. BLHS năm 1999 hiện chưa quy định hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ đối với các lợi ích phi vật chất. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa chỉ trì, có 80,9% (195/241) số người được hỏi tán thành ý kiến cho rằng bên cạnh các lợi ích vật chất, nhà làm luật nên bổ sung các lợi ích phi vật chất (hối lộ tình dục, thăng chức, tặng các giải thưởng hoặc danh hiệu cao quý như anh hùng lao động, nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo ưu tú…) vào trong các tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Vì vậy, để thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước, khi sửa đổi BLHS, nhà làm luật cần bổ sung đối tượng của tội phạm đưa, nhận, môi giới hối lộ đối với các lợi ích phi vật chất.
Thứ tư, BLHS năm 1999 chưa quy định hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ công chức nước ngoài hoặc viên chức của các tổ chức dân sự quốc tế là tội phạm
Điều 8(2) Công ước quy định: “Mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét ban hành pháp luật và các biện pháp cần thiết khác để xác định trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều này có liên quan đến một công chức nhà nước nước ngoài hoặc một viên chức dân sự quốc tế”. Hiện nay, BLHS năm 1999 mới quy định chủ thể của các tội phạm về tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội của Việt Nam mà chưa quy định chủ thể của các tội phạm về tham nhũng là công chức nhà nước nước ngoài hoặc một viên chức dân sự quốc tế. Theo kết quả khảo sát , có 63,7% (149/238) các chuyên gia trong lĩnh vực luật hình sự được hỏi đồng ý với ý kiến cho rằng trong BLHS năm 1999 nên bổ sung công chức nước ngoài hoặc viên chức dân sự quốc tế (như viên chức của cơ quan lãnh sự của nước ngoài hoặc các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam…) là chủ thể của Tội nhận hối lộ.[4] Với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ quy định hành vi đưa và nhận hối lộ được nêu trong Điều 8(1) Công ước của công chức nhà nước nước ngoài hoặc một viên chức dân sự quốc tế là tội phạm.
Thứ năm, BLHS năm 1999 chưa quy định người được hưởng lợi trong vụ đưa và nhận hối lộ là cá nhân hoặc tổ chức khác.
Điều 8(1) Công ước quy định: Hành vi đưa hối lộ là hành vi hứa hẹn, đề nghị hay đưa đến một cách trực tiếp hay gián tiếp cho công chức nhà nước một lợi ích không chính đáng, hành vi nhận hối lộ là hành vi đòi hỏi hoặc chấp nhận một cách trực tiếp hay gián tiếp cho viên chức nhà nước một lợi ích không chính đáng “dành cho người đó hoặc người hoặc thực thể khác” để công chức đó hành động hoặc không hành động trong khi thực hiện các nhiệm vụ chính thức của mình. Như vậy, theo quy định của Công ước, người được hưởng lợi trong vụ đưa và nhận hối lộ có thể là công chức, có thể là “người hoặc thực thể khác” – không phải là công chức nhà nước có quyền hành động hoặc không hành động khi thực hiện một nhiệm vụ chính thức của mình. Trong khi đó, theo quy định của BLHS năm 1999 hiện nay, người được hưởng lợi trong vụ đưa hoặc nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ.[5] Do đó, “người hoặc thực thể khác” không có chức vụ quyền hạn và đã không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ, nhưng được hưởng lợi trong một vụ đưa – nhận hối lộ thì cả người đưa và người nhận hối lộ đều không phạm tội. Ví dụ: A là thẩm phán, B là bị cáo trong một vụ án hình sự do A xét xử. Nếu A và B thỏa thuận với nhau: B đưa cho C (bạn gái của A) 200 triệu đồng thì A sẽ xử cho B được hưởng án treo. Vì vậy, B đã mang đến cho C 200 triệu đồng. Theo quy định của Công ước, người được hưởng lợi trong tình huống này là C (người khác – người thứ ba) thì A vẫn bị coi là chủ thể của hành vi nhận hối lộ và B là chủ thể của hành vi đưa hối lộ. Nhưng theo quy định của BLHS năm 1999, hành vi này của A và B không được quy định trong BLHS. Đây là điểm hạn chế của BLHS Việt Nam năm 1999 so với quy định của Công ước. Theo hầu hết các chuyên gia về luật hình sự,[6] BLHS năm 1999 nên quy định rõ: người được hưởng lợi trong vụ đưa và nhận hối lộ có thể là một cá nhân khác (không phải là người có chức vụ, quyền hạn) hoặc một tổ chức. Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS năm 1999 về các tội hối lộ, nhà làm luật cần bổ sung quy định người được hưởng lợi trong vụ đưa và nhận hối lộ không chỉ là người có chức vụ quyền hạn mà có thể là cá nhân hoặc tổ chức khác.
Thứ sáu, theo quy định của Điều 10 Công ước mỗi quốc gia thành viên sẽ ban hành các biện pháp cần thiết để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia thực hiện các tội phạm nghiêm trọng được quy định trong Điều 5 (hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức), Điều 6 (hành vi rửa tiền), Điều 8 (hành vi tham nhũng), Điều 23 (hành vi cản trở công lý) của Công ước.
Hiện nay BLHS năm 1999 chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Nội luật hóa các quy định của Công ước, Việt Nam nên bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân trong BLHS nói chung và đối với các tội phạm tham nhũng nói riêng.
Mặc dù CTOC chỉ quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tội phạm hóa các hành vi tham nhũng theo quy định tại Điều 8 Công ước (được hiểu chỉ bao gồm các hành vi liên quan đến hối lộ), tuy nhiên, Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003[7] nên khi sửa đổi BLHS năm 1999 về các tội phạm tham nhũng, Việt Nam cần đồng thời đối chiếu các quy định của BLHS năm 1999 hiện hành so với quy định của Công ước này để xác định sự tương đồng và khác biệt khi thực hiện nghĩa vụ nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế về Chống tham nhũng.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công nhằm đáp ứng yêu cầu của Điều 8 Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Việc hoàn thiện quy định của BLHS năm 1999 về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công nói riêng và hành vi tham nhũng nói chung xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam, nhu cầu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và nghĩa vụ pháp lý của quốc gia trong việc nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong quá trình xây dựng Dự thảo BLHS sửa đổi, Ban soạn thảo đã khẳng định yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS về các tội tham nhũng theo hướng tội phạm hóa các hành vi vi phạm theo yêu cầu của Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước Chống tham nhũng.[8] Thực hiện các yêu cầu này, Dự thảo BLHS sửa đổi (bản lấy ý kiến toàn dân)[9] đã có những sửa đổi nhằm khắc phục các hạn chế của BLHS năm 1999, phù hợp với quy định tại Điều 8 Công ước liên quan đến nhóm tội hối lộ. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo BLHS sửa đổi vẫn chưa phù hợp với yêu cầu của Điều 8 Công ước. Trong phần kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công nhằm đáp ứng yêu cầu của Điều 8 Công ước, trước hết, chúng tôi nêu và phân tích những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo BLHS so với BLHS năm 1999, sau đó phân tích những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện trong các quy định của Dự thảo này để phù hợp hơn với quy định tại Điều 8 Công ước.
Thứ nhất, Điều 377 Dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung hành vi “sẽ đưa” hối lộ vào trong mặt khách quan của Tội đưa hối lộ (Điều 289 BLHS năm 1999).
Chúng tôi cho rằng thuật ngữ “sẽ đưa” hối lộ trong Dự thảo BLHS sửa đổi không tương ứng với thuật ngữ “hứa hẹn, đề nghị” đưa hối lộ được nêu trong Điều 8(1)(a) Công ước. Bởi vì, “hứa hẹn” đưa hối lộ là một hành vi thể hiện một sự cam kết của người đưa hối lộ trước người nhận hối lộ: người đưa hối lộ sẽ trao cho người nhận hối lộ một lợi ích sau khi người nhận hối lộ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Đồng thời, hành vi “đề nghị” đưa hối lộ đơn phương xuất phát từ người đưa hối lộ, ngay cả khi người được đề nghị không chấp nhận đề nghị này thì hành vi đó vẫn cấu thành Tội đưa hối lộ. Ngoài ra, cụm từ “sẽ đưa” không phản ánh một hành vi cụ thể trong hiện tại mà người phạm tội đã hoặc đang thực hiện mà thể hiện việc dự liệu một hành vi trong tương lai của người phạm tội “sẽ thực hiện”. Điều này chưa phù hợp với quan điểm nền tảng của khoa học pháp lý Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung về tội phạm phải là hành vi của con người vào thời điểm thực hiện tội phạm. Một người không thể bị ràng buộc trách nhiệm hình sự về ý định mà họ được “dự đoán” hoặc “phỏng đoán” là sẽ thực hiện trong tương lai. Bên cạnh đó, thuật ngữ “đã đưa” hối lộ trong Điều 377 Dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng không phù hợp với thuật ngữ “đưa đến” (“the giving to”) trong Điều 8 Công ước. Bởi vì trong từ “đưa đến” có thể là trường hợp “đang đưa” hối lộ hoặc “đã đưa” hối lộ (hành vi đã thực hiện xong). Nếu dùng từ “đã đưa hoặc sẽ đưa” hối lộ như trong Điều 377 Dự thảo BLHS thì sẽ khó xử lý trường hợp bắt quả tang một người “đang đưa” hối lộ. Như vậy, quy định về hành vi khách quan trong Điều 377 Dự thảo BLHS (sửa đổi) hiện nay vẫn chưa phù hợp và chưa đáp ứng được quy định trong Điều 8(1)(a) Công ước. Khi tham khảo BLHS Đức và Nhật Bản, chúng tôi thấy rằng các quốc gia này cũng quy định rõ hành vi đưa hối lộ là hành vi “đưa hối lộ, đề nghị hoặc hứa hẹn đưa hối lộ” (Điều 198 BLHS Nhật Bản) hoặc là hành vi “đề xuất, hứa hẹn hoặc đưa” hối lộ (Điều 334 BLHS Đức). Vì vậy, khoản 1 Điều 377 Dự thảo BLHS sửa đổi nên dùng từ “hứa hẹn, đề nghị hay đưa đến” của Công ước thay cho từ “đã đưa hoặc sẽ đưa” hiện nay.
Thứ hai, để đấu tranh hiệu quả hơn với sự nhũng nhiễu trong tham nhũng, đồng thời đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ pháp lý của quốc gia trong việc thực thi Công ước, khoản 1 Điều 367 Dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung hành vi “đòi” bất kỳ lợi ích nào vào trong hành vi khách quan của Tội nhận hối lộ. Việc bổ sung hành vi này đã đáp ứng quy định bắt buộc của 8(1)(b) Công ước.
Thứ ba, khoản 1 Điều 378 Dự thảo BLHS sửa đổi quy định: “Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây (…)” thì phạm Tội môi giới hối lộ. Sau đó nhà làm luật liệt kê “của hối lộ” gồm “tiền, tài sản, lợi ích vật chất” và “lợi ích phi vật chất”. Chúng tôi cho rằng từ “của hối lộ”, theo ngữ nghĩa tiếng Việt, chỉ bao hàm các lợi ích vật chất mà không “phủ” được các lợi ích phi vật chất. Vì vậy, để phù hợp với quy định của Tội nhận hối lộ và Tội đưa hối lộ được quy định trong Dự thảo BLHS, cũng như quy định của Điều 8 Công ước, từ “của hối lộ” trong khoản 1 Điều 378 Dự thảo BLHS sửa đổi nên được sửa thành “lợi ích không chính đáng”.
Ngoài ra, trong các Tội nhận hối lộ (Điều 367 Dự thảo BLHS), Tội đưa hối lộ (Điều 377 Dự thảo BLHS), Dự thảo BLHS sửa đổi đã mở rộng lợi ích mà người nhận hối lộ có được là “bất kỳ lợi ích nào” (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác; hoặc lợi ích phi vật chất). Chúng tôi cho rằng việc sử dụng khái niệm “bất kỳ lợi ích nào” trong Dự thảo BLHS sửa đổi chưa hợp lý. Bởi vì, “bất kỳ lợi ích nào” có thể hiểu trong đó bao hàm cả lợi ích hợp pháp và lợi ích bất hợp pháp, lợi ích chính đáng và lợi ích không chính đáng. Trong khi đó, “lợi ích” trong các tội hối lộ là lợi ích bất hợp pháp, không chính đáng. Trong Điều 8 Công ước sử dụng khái niệm “lợi ích không chính đáng” (gồm lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất). Vì vậy, để đảm bảo sự chính xác trong ngôn ngữ luật và phù hợp với Công ước, chúng tôi cho rằng BLHS sửa đổi nên dùng từ “lợi ích không chính đáng” thay cho từ “bất kỳ lợi ích nào” trong khoản 1 các Điều 367, 377 Dự thảo BLHS sửa đổi. Trong đó, nên sử dụng từ “lợi ích vật chất” thay cho cụm từ “tiền, tài sản, lợi ích vật chất” và “của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác” trong các Điều 267, 277 và 278 Dự thảo BLHS để đảm bảo tính logic và phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự các quốc gia cũng như giải thích về “lợi ích không chính đáng” của Công ước.
Thứ tư, khoản 6 Điều 377 Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung: “Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Chúng tôi cho rằng quy định này đã phù hợp với khoản 2 Điều 8 Công ước. Tuy nhiên, trong Điều 367 Dự thảo BLHS về Tội nhận hối lộ, nhà làm luật chưa bổ sung hành vi nhận hối lộ của công chức nước ngoài hoặc công chức của các tổ chức dân sự quốc tế[10] và Điều 378 Dự thảo BLHS cũng chưa bổ sung hành vi môi giới hối lộ khi người nhận hối lộ là công chức nước ngoài hoặc công chức của các tổ chức dân sự quốc tế. Thiếu sót này của Dự thảo BLHS đã không đáp ứng được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Công ước và không logic với quy định của khoản 6 Điều 377 Dự thảo BLHS sửa đổi quy định về hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế. Theo các chuyên gia về luật hình sự, không chỉ hành vi đưa hối lộ mà các hành vi phạm tội liên quan đến hối lộ nói chung (bao gồm cả nhận hối lộ, môi giới hối lộ) mà người nhận hối lộ là công chức nhà nước nước ngoài hoặc viên chức của các tổ chức dân sự quốc tế được thực hiện tại Việt Nam cũng cần quy định là tội phạm.
Thứ năm, trong Điều 367 (Tội nhận hối lộ) và Điều 377 (Tội đưa hối lộ) của Dự thảo BLHS, nhà làm luật vẫn chỉ quy định người được nhận lợi ích từ hoạt động đưa – nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ; chưa quy định người được hưởng lợi trong vụ đưa và nhận hối lộ là cá nhân hoặc tổ chức khác (người người ba). Quy định này chưa đáp ứng yêu cầu bắt buộc trong khoản 1 Điều 8 Công ước là lợi ích không chính đáng có thể là “dành cho người đó (công chức) hay người hoặc thực thể khác” (cá nhận hoặc tổ chức khác). Vì vậy, trong khoản 1 các Điều 267 và 377 Dự thảo BLHS sửa đổi nên bổ sung cụm từ “cho mình hoặc cho cá nhân, tổ chức khác” trước cụm từ “một lợi ích không chính đáng”.
Thứ sáu, trong xu hướng ràng buộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đối với các tội đưa và nhận hối lộ, khoản 6 Điều 367 và khoản 8 Điều 377 Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung chủ thể của tội phạm là pháp nhân. Quy định này hợp lý và phù hợp với Điều 10 Công ước về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc quy định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân thực hiện các hành vi phạm tội được nêu trong Công ước. Thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy, không chỉ cá nhân có hành vi đưa và nhận hối lộ mà một số pháp nhân cũng tham gia tích cực vào hoạt động này. Nếu BLHS chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không xử lý pháp nhân thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả và triệt để. BLHS của một số quốc gia trên thế giới cũng quy định TNHS đối với pháp nhân nói chung và pháp nhân có hành vi tham nhũng nói riêng.[11] Tuy nhiên, ngoài Tội đưa hối lộ (Điều 367) và Tội nhận hối lộ (Điều 377), Dự thảo BLHS sửa đổi cần bổ sung quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội môi giới hối lộ (Điều 378 Dự thảo BLHS sửa đổi).
Để khắc phục những hạn chế nêu trên của BLHS năm 1999 cũng như Dự thảo BLHS sửa đổi liên quan đến các tội phạm hối lộ, các Điều 367, 377 và 378 của Dự thảo BLHS sửa đổi cần quy định về các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ như sau[12]:
“Điều 367. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi, nhận hoặc sẽ nhận cho mình hoặc cho cá nhân, tổ chức khác một lợi ích không chính đáng dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) …
d) Biết rõ lợi ích vật chất là tài sản của Nhà nước;đ) …
g) Lợi ích vật chất có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
…
5. Người đòi, nhận hoặc sẽ nhận hối lộ cho mình hoặc cho cá nhân, tổ chức khác là công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
(Khoản 7 Điều luật này quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân giữ nguyên như Dự thảo BLHS sửa đổi).
“Điều 377. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian hứa hẹn, đề nghị hay đưa đến cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác một lợi ích không chính đáng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) …
e) Lợi ích vật chất có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần giá trị của hối lộ.
6. Người nào hứa hẹn, đề nghị hay đưa đến cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công một lợi ích không chính đáng cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.”(Khoản 7 và 8 Điều luật này quy định về người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác và trách nhiệm hình sự của pháp nhân giữ nguyên như Dự thảo BLHS sửa đổi).
“Điều 378. Tội môi giới hối lộ
1. Người nào môi giới hối lộ mà lợi ích không chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) …
c) Biết lợi ích vật chất là tài sản của Nhà nước;
d) …
e) Lợi ích vật chất có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Lợi ích vật chất có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần giá trị của hối lộ.
5. Người nào môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
7. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Mặc dù Điều 8 Công ước chỉ tập trung quy định về hành vi phạm tội hối lộ, nhưng Công ước này cũng quy định: “Mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét việc quy định trách nhiệm hình sự đối với những hình thức tham nhũng khác” (khoản 2 Điều 8 Công ước). Trong khi đó, Việt Nam đã ký kết Công ước quốc tế về Chống tham nhũng. Theo Công ước này, các quốc gia thành viên không chỉ có nghĩa vụ nội luật hóa các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công mà còn nội luật hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư. Vì vậy, khi xây dựng Dự thảo BLHS (sửa đổi), một trong những định hướng sửa đổi các tội phạm về tham nhũng mà Ban soạn thảo đề ra là: Bổ sung hành vi hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của các tổ chức quốc tế công; hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư;[13] nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm “người có chức vụ quyền hạn” theo hướng không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước… mà còn bao gồm cả công chức nước ngoài, người có chức vụ, quyền hạn ở các công ty, doanh nghiệp ngoài lĩnh vực nhà nước. Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi “làm giàu bất hợp pháp” cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Phòng chống tham nhũng.[14]
CHÚ THÍCH
* ThS, Khoa Luật hình sự, trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Công ước này được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15/11/2000, có hiệu lực ngày 29/12/2003 và Việt Nam phê chuẩn ngày 08/6/2012.
[2] Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ: “Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong BLHS Việt Nam” do PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa – Phó trưởng khoa Luật Hình sự, trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm (2013-2015).
[3] Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì, có 170/238 số người được hỏi cho rằng BLHS Việt Nam nên quy định hành vi của công chức nhà nước “đòi hỏi” một lợi ích không chính đáng (lợi ích vật chất, các lợi ích phi vật chất khác) – ngay cả khi đòi hỏi này không được đáp ứng bởi người bị đòi hỏi – là tội phạm.
[4] Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “ Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong BLHS Việt Nam “, tlđd.
[5] Trần Thị Quang Vinh (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2013, tr. 232.
[6] Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì cho thấy 85,7% (203/237) số chuyên gia được hỏi cho rằng BLHS năm 1999 nên quy định rõ: người được hưởng lợi trong vụ đưa và nhận hối lộ có thể là một người khác (không phải là người có chức vụ, quyền hạn) hoặc tổ chức khác.
[7] Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 30/6/2009.
[8] Ban soạn thảo BLHS sửa đổi (2015), Những định hướng cơ bản xây dựng Dự án BLHS (sửa đổi).
[9] Ban soạn thảo BLHS sửa đổi (2015), Dự thảo BLHS sửa đổi (bản lấy ý kiến toàn dân), tháng 7/2015.
[10] Mặc dù khoản 6 Điều 377 Dự thảo BLHS đã bổ sung hành vi đưa hối lộ cho của công chức nước ngoài hoặc công chức của các tổ chức dân sự quốc tế vào trong tội đưa hối lộ.
[11] Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), tháng 4/2015 nhận định: “Qua rà soát, hiện có 119 nước là thành viên của Công ước quốc tế về chống tham nhũng, và 06 nước thuộc lĩnh vực các nước ASEAN đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Do đó, nếu ta không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân lần này, thì xảy ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam có thể bị xử lý hình sự khi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài mà vi phạm pháp luật hình sự nước sở tại. Ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, có hành vi phạm pháp luật và gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam thì lại không bị xử phạt hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự.” (Mục 11).
[12] Kiến nghị này được xây dựng trên cơ sở Dự thảo BLHS sửa đổi (bản lấy ý kiến nhân dân). Những nội dung chúng tôi đồng ý với Dự thảo được giữ nguyên. Một số điểm chúng tôi kiến nghị sửa đổi được in nghiêng.
[13] Ban soạn thảo BLHS sửa đổi (2015), Những định hướng cơ bản xây dựng Dự án BLHS (sửa đổi).
[14] Ban soạn thảo BLHS sửa đổi (2015), Những định hướng cơ bản xây dựng Dự án BLHS (sửa đổi).
Tác giả: Vũ Thị Thúy* – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2015 (91) – 2015, Trang 33-41
Trả lời