Mục lục
Những điểm mới về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
TÓM TẮT
Bài viết góp ý về một số quy định cụ thể mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại do súc vật gây ra và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của người thứ ba.
Xem thêm bài viết về “Bồi thường thiệt hại“:
- Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
- Bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo luật định – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Bình luận bản án: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với nhãn hiệu hàng hóa Liên minh Châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trần Thu Nga
- Nghĩa vụ hạn chế tổn thất và vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Pháp luật thương mại – ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
TỪ KHÓA:
Về cơ bản, Điều 603 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã khắc phục được một số bất cập còn tồn tại của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 với một số điểm mới như: quy định về trường hợp người bị thiệt hại hoaàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp súc vật được giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng (I); trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (II). Bên cạnh đó, sau khi ban hành BLDS năm 2015, nhà làm luật cũng cần xem xét, lưu ý để có sự ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung nhất định đối với 03 vấn đề khác liên quan (III).
1. Trường hợp người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp súc vật được giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng
Khoản 1 Điều 603 BLDS năm 2015 sửa đổi và bổ sung 02 nội dung: Bỏ câu “nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường” và bổ sung câu “người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Thứ nhất, việc Điều 603 BLDS năm 2015 bỏ quy định vừa nêu không phải là loại bỏ hoàn toàn nội dung này khỏi nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mà tinh thần nội dung ấy được chuyển sang phần Những quy định chung về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể, khoản 3 Điều 584 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.[1] Và Khoản 2 Điều 584 BLDS năm 2015 quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Trong khi đó, súc vật vốn được xem là một loại tài sản. Bằng việc sửa đổi như vậy, quy định này đã trở thành một quy định chung áp dụng cho mọi trường hợp tài sản (nhà cửa, công trình xây dựng, cây cối…) gây thiệt hại và trường hợp không phải chịu trách nhiệm bồi thường khi tài sản gây thiệt hại chứ không còn tồn tại ở mỗi điều luật nhỏ lẻ như BLDS năm 2005.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 625 BLDS năm 2005 chỉ đề cập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của “chủ sở hữu” súc vật mà không đề cập trường hợp súc vật đang trong thời gian được giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng mà gây ra thiệt hại. Trong thực tiễn xét xử, đã có trường hợp súc vật gây thiệt hại trong thời gian người khác mượn và Tòa án đã giải quyết theo hướng người mượn súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.[2] Về mặt nguyên tắc, người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng phải có nghĩa vụ trông coi, quản lý tài sản. Theo lý lẽ thông thường, nếu trong thời gian người này quản lý, trông coi súc vật mà súc vật gây thiệt hại thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do vậy, việc bổ sung trường hợp “người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” của Điều 603 BLDS năm 2015 là rất thuyết phục và đã giúp hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật liên quan đến quy định này.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật
Khoản 3 Điều 603 BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định mới như sau: “khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
Trước đây, khoản 3 Điều 625 BLDS năm 2005 chỉ đề cập trách nhiệm của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật gây thiệt hại mà không nói đến trách nhiệm của người có lỗi để cho súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Để bảo vệ người bị thiệt hại và để thống nhất với khoản 4 Điều 623 BLDS năm 2005 về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra,[3] quy định mới tại Điều 603 BLDS năm 2015 đã quy định người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải liên đới với người có lỗi để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Đây là một bước tiến mới rất đáng ghi nhận trong việc giúp thống nhất và đồng bộ hóa các quy định của pháp luật liên quan đến trường hợp tài sản gây thiệt hại.
3. Những vấn đề khác
3.1. Định nghĩa “súc vật”
Điều kiện để có thể áp dụng chế định bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là thiệt hại phải do “súc vật” gây ra. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 không cho biết “súc vật” được hiểu như thế nào. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng không có định nghĩa về súc vật. Điều này đã gây khó khăn rất lớn trong quá trình áp dụng pháp luật. Theo Giáo trình Luật Dân sựcủa Học viện Tư pháp thì “súc vật được hiểu theo cách thông thường nhất bao gồm động vật có vú được nuôi trong nhà như trâu, bò, chó, mèo…”.[4] Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thôngthì “súc vật là thú vật nuôi trong nhà”.[5] Theo một số tác giả bình luận BLDS năm 2005 thì súc vật được hiểu là “những con vật đã được thuần hóa và chưa được thuần hóa như trâu, bò, hươu, nai…”.[6] Các định nghĩa có lúc cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi lẽ, nếu căn cứ vào những định nghĩa nêu trên thì rất khó có thể khẳng định ong nuôi trong vườn hay gà nuôi trong nhà có phải là súc vật hay không? Bên cạnh đó, nếu trâu, bò thuộc sở hữu cá nhân nhưng lại được thả trong rừng thì liệu có thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này hay không? Với nhiều quan điểm khác nhau như vậy, trong thực tế xét xử, các tòa án cũng rất lúng túng trong việc xác định thiệt hại do súc vật gây ra.
Một vụ án được xét xử ở tỉnh Trà Vinh có nội dung như sau: Khoảng 15 giờ ngày 14/8/2003 anh Khánh thuê xe ôm từ ấp Lộ Sỏi về nhà. Đi được 200 m thì xe ôm do anh Thái lái cán phải con ngỗng của anh Trung làm anh Khánh và đứa con 22 tháng tuổi bị té, lúc đó có 1 chiếc xe ba gác do anh Tùng điều khiển ở phía sau chạy tới đụng vào làm anh Khánh bị thương nặng, con anh Khánh chết ngay tại chỗ. Anh Khánh yêu cầu anh Thái và anh Tùng có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền 23 triệu đồng.[7] Theo Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh thì việc “anh Thái cán con ngỗng bay qua là lỗi khách quan. Con ngỗng là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn theo Điều 629 BLDS, lỗi ở đây là của chủ súc vật anh Trung”.[8] Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã “mạnh dạn” áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra trong trường hợp thiệt hại do ngỗng gây ra. Như vậy, theo Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh, ngỗng được xem là súc vật theo cách hiểu tại Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 1995 (BLDS năm 1995). Cần nhấn mạnh rằng theo một số quan điểm, trường hợp súc vật gây thiệt hại được quy định tại Điều 629 BLDS năm 1995 và Điều 625 BLDS năm 2005 không bao gồm trường hợp gia cầm gây thiệt hại bởi lẽ về mặt ngôn từ, gia cầm không thể được hiểu là súc vật. Tác giả cho rằng lập luận của Tòa án trong bản án trên hoàn toàn hợp lý và thỏa đáng. Ngỗng suy cho cùng cũng là một loài động vật được con người thuần dưỡng và nuôi trong nhà. Do đó, trường hợp ngỗng gây ra thiệt hại cũng có thể nhận định là trường hợp súc vật gây thiệt hại. Ngoài ra, Tòa án đã nhận định ngỗng cũng là một loại súc vật thì suy luận theo logic thông thường, ngan, vịt, bồ câu, gà cũng có thể xem là súc vật. Với nhận định này, thực tiễn xét xử dường như đã gộp gia cầm, chim vào khái niệm là “súc vật” theo quy định tại Điều 629 BLDS năm 1995 (Điều 625 BLDS năm 2005).
Một vụ án khác được xét xử ở tỉnh Vĩnh Long có nội dung như sau:[9] Khoảng 8 giờ ngày 14/7/2004 ông Nhã điều khiển xe mô tô (biển số 64F3-5272) đụng phải con bò của ông Quy đang đi qua đường. Con bò chết tại chỗ, xe của ông Nhã bị hư hỏng, ông bị u đầu. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: áp dụng các Điều 609, 610, 611, 629 BLDS năm 1995 chấp nhận một phần yêu cầu của ông Nhã.[10] Ông Quy có kháng cáo nhưng bị bác sau đó. Trong trường hợp này, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã nhận định trường hợp bò gây ra thiệt hại được xem là trường hợp súc vật gây thiệt hại. Như vậy, bò được xem là một dạng súc vật theo cách hiểu và quy định tại Điều 629 BLDS năm 1995 (Điều 625 BLDS năm 2005). Nếu bò được xem là một dạng súc vật thì theo suy luận logic thông thường, trâu cũng được xem là súc vật. Đây cũng là cách giải quyết trong Bản án số 306/2007/DSPT ngày 18/10/2007 của Tòa án tỉnh Kiên Giang:“Vào chiều ngày 5/2/2007 nhằm ngày 18/12/2006 âm lịch, ông Thum dẫn trâu trên đường về, thì xảy ra trâu của ông Thum chém trâu ông Năm bị thương” và Tòa án đã vận dụng Điều 625 BLDS năm 2005 để giải quyết vụ việc trên”.[11]
Theo một bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang thì chó gây thiệt hại cũng được xem là trường hợp súc vật gây thiệt hại. Theo đó, ngày 14/7/2006, con chó của bà Thánh qua nhà chị Tha ăn xương (con chó này được thả rông nên hằng ngày vẫn thường qua nhà chị Tha kiếm ăn) do giành miếng thịt với cháu Thoa (con chị Tha) nên con chó táp trúng miệng cháu Thoa làm chảy máu. Chị Tha ẵm con sang nhà bà Thánh yêu cầu chích ngừa, nảy sinh tranh chấp. Tòa án sơ thẩm buộc bà Thánh bồi thường cho chị Tha 1 triệu đồng.[12] Bà Thánh có kháng cáo nhưng bị bác sau đó. Như vậy, suy luận theo logic thông thường thì mèo cũng được xem là súc vật theo cách hiểu này. Tương tự, theo nội dung bản án số 173/2008/DSPT ngày 6/6/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang:“Vào ngày 23/9/2007, anh Nhơn thả đàn dê của gia đình nuôi ăn cỏ phía sau nhà, trong lúc này Khen là con của ông Đáng dẫn chó đi bắt chuột, chó đã cắn chết con dê của anh Nhơn và Tòa án đã giải quyết bồi thường theo Điều 625 BLDS năm 2005”.[13]
Chúng tôi cho rằng, cách hiểu “mở” về khái niệm súc vật trong thực tiễn xét xử của các tòa án là hợp lý. Trên thực tế, nhìn từ góc độ so sánh pháp luật, đây cũng là hướng giải quyết được chấp nhận rộng rãi ở Quebec (Canada).[14] Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, cũng cần nhìn nhận rằng việc thiếu vắng một khái niệm súc vật cụ thể đem lại những khó khăn nhất định cho Tòa án trong quá trình xét xử. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến sự không thống nhất của Tòa án các cấp, gây ra sự tùy tiện trong xét xử.
Trước khi BLDS năm 2015 ra đời, trong một Dự thảo sửa đổi BLDS, cụ thể là Điều 619 đã có sự thay đổi nhất định liên quan đến vấn đề này. Bằng việc thay thế cụm từ “súc vật” thành “động vật”, Điều 619 Dự thảo BLDS sửa đổi phần nào giải quyết các tranh cãi liên quan đến những sự không rõ ràng được trình bày ở trên. Tuy nhiên, Điều 603 BLDS năm 2015 đã không ghi nhận sự thay đổi này. Lý giải cho điều này, đầu tiên, việc thay đổi này vẫn chưa trả lời được câu hỏi trường hợp nào được xem là súc vật gây thiệt hại, trường hợp nào không phải do súc vật gây thiệt hại và trường hợp nào do thú dữ gây thiệt hại theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2005 (Điều 601 BLDS năm 2015). Tiếp theo đó, việc thay thế này dường như cũng tạo nên sự không đồng nhất nhất định trong việc sử dụng từ ngữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo đó, các quy định về Quy tắc giao thông đường bộ của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể là nghĩa vụ của người dẫn súc vật đi trên đường bộ (Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008)[15] và các hành vi không được thực hiện trên đường bộ (khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008)[16] đã sử dụng cụm từ “súc vật” thay vì cụm từ “động vật” như cách thay đổi trong Dự thảo BLDS sửa đổi. Nhìn từ khía cạnh lịch sử, cụ thể là Thông tư số 173/TANDTC ngày 23/3/1972 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (đã hết hiệu lực), trong Mục B quy định về các trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể thì cũng đã có sự tồn tại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra ở tiểu mục 4.[17] Do đó, cách quy định như hiện nay là thuyết phục và sẽ thuyết phục hơn trong tương lai có một văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết về khái niệm súc vật được hiểu theo quy định này.
Ngoài ra, việc thiếu vắng cơ sở phân định súc vật gây thiệt hại và thú dữ gây thiệt hại cũng là một vấn đề cần nhìn nhận trong BLDS năm 2015. Nhìn từ góc độ so sánh luật, trong hệ thống thông luật (Cananda, Mỹ, Anh…) việc phân biệt này được xác định tương đối rõ ràng.
Điển hình như ở Anh, dựa trên các tiêu chí địa điểm tồn tại của động vật hoặc bản tính hung dữ mà nhà làm luật phân thành thú dữ và động vật thông thường. Ví dụ, lạc đà là loài tương đối hiền lành và chúng sống phổ biến ở các quốc gia Ả Rập. Tuy nhiên, theo luật pháp của nước Anh thì nếu lạc đà gây thiệt hại ở Anh nó sẽ thuộc danh sách trường hợp thú dữ gây thiệt hại. Điều này được lý giải rằng đây là loài không thông thường được nuôi giữ như là thú cưng hoặc động vật phục vụ việc sản xuất ở quốc gia này.[18] Tuy nhiên, ở Canada, cách phân biệt lại có chút khác biệt. Ví dụ như ngựa vằn, loài động vật ăn cỏ tương đối hiền lành, vẫn được xếp vào cùng nhóm thú dữ với sư tử, cọp và gấu.[19] Lý do có thể giải thích, đây là loài nguy hiểm khi tồn tại như một nhóm.[20]
Đối với tiêu chí bản tính hung dữ, ngoài những động vật có khả năng cao gây thiệt hại nếu không có sự quản lý hợp lý, còn bao gồm trường hợp những loài động vật không thường gây thiệt hại nhưng một khi gây thiệt hại sẽ gây ra những thiệt hại rất đáng kể. Ví dụ như một tranh chấp diễn ra tại nước Anh năm 1957 giữa Behrens và rạp xiếc Bertram Mills.[21] Trong lúc đàn voi đang đi ngang qua gian hàng của nguyên đơn trong rạp xiếc, một con chó (do người quản lý của nguyên đơn mang vào khu vực này một cách trái phép) đã chạy ra sủa inh ỏi và cắn vào chân voi làm con voi này cùng cả đàn voi đuổi theo con chó. Điều này làm sập cả gian hàng của nguyên đơn, nguyên đơn bị thương nặng. Tòa án đã phán xét rằng mặc dù voi không phải là một loài động vật hiếu chiến nhưng điều đó không có nghĩa nó không gây thiệt hại và thực tế nó đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng.[22] Do đó, trường hợp voi gây thiệt hại cần được xem xét như trường hợp thú dữ gây thiệt hại và bên bị đơn cũng có lỗi trong việc quản lý, di chuyển voi từ khu vực này sang khu vực khác.
Cuối cùng, đối với trường hợp các loài chó đặc biệt hung dữ (chó berger, chó pit bull…) gây thiệt hại, BLDS năm 2015 cũng chưa có tiêu chí xem xét rõ ràng những giống chó dữ này gây thiệt hại là một dạng nguồn nguy hiểm cao độ (thú dữ) gây thiệt hại hay chỉ là trường hợp do súc vật gây thiệt hại. Đây là những loài chó to lớn, hung dữ, hiếu chiến. Sự thuần dưỡng của con người đối với những giống chó này chưa tuyệt đối, sức tấn công của nó còn rất lớn. Nhìn từ góc độ so sánh pháp luật nước ngoài, năm 1991, nước Anh cũng đã ban hành “Đạo luật về Chó dữ năm 1991” (Dangerous Dogs Act 1991)[23] quy định rõ ràng, cụ thể những loài chó nào được xem là loài chó dữ.
Tóm lại, với những phân tích ở trên, theo tác giả, nhà làm luật cần quy định cụ thể khái niệm súc vật. Điều 603 BLDS năm 2015 trong một văn bản hướng dẫn có hướng giải thích cụ thể phân biệt thú dữ và súc vật như sau: “Súc vật là những động vật đã được con người thuần hóa và nuôi dưỡng, trừ thú dữ”.Khái niệm này sẽ là sự thống nhất có chọn lọc các quan điểm chính thống hiện nay về trường hợp súc vật gây thiệt hại. Một mặt, khái niệm này sẽ thống nhất cách hiểu về súc vật bao gồm cả gia súc, gia cầm hay nói chung là động vật (do con người thuần hóa và nuôi dưỡng, không phải là súc vật hoang). Mặt khác, khái niệm này đồng thời khắc phục được sự không rõ ràng nhất định giữa khái niệm súc vật và thú dữ.[24]
3.2. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp súc vật bị bỏ rơi hoặc trốn thoát, đi lạc
Về mặt nguyên tắc, chủ sở hữu, người chiếm hữu, quản lý súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra trừ các trường hợp nhất định do pháp luật quy định như sự kiện bất khả kháng hay lỗi hoàn toàn của người thứ ba. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra không được xem xét áp dụng trong trường hợp súc vật hoang gây thiệt hại. Vấn đề đặt ra là, như vậy trong trường hợp súc vật đã bị chủ sở hữu bỏ rơi (từ bỏ quyền sở hữu) hoặc trốn thoát, đi lạc một thời gian thì khi súc vật này gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường hay giải quyết theo cách thức đối với súc vật hoang gây thiệt hại?
Nhìn từ góc độ so sánh pháp luật nước ngoài, mà cụ thể là pháp luật Trung Quốc,[25] chúng ta có thể nhận thấy như sau: theo quy định tại Điều 82 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[26] thì “trong trường hợp vật nuôi bị bỏ rơi hoặc bỏ trốn mà gây hại cho người khác thì chủ sở hữu hoặc người quản lý ban đầu của con vật phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Như vậy, nhà làm luật Trung Quốc đã quy định rõ ràng rằng chủ sở hữu, người quản lý ban đầu phải bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại mà vật nuôi đó đã gây ra cho dù nó đã bị bỏ rơi hoặc nó đã trốn thoát. Ví dụ, một vụ việc đã xảy ra vào tháng 5/2005 ở Thượng Hải có nội dung như sau: ông Lee cho rằng con chó thuộc sở hữu của mình bị mắc bệnh lạ nên đã quyết định bỏ rơi nó ngoài đường vắng vào ban đêm. Con chó này sau đó đã cắn ông Wang làm ông này phải tiêu tốn 2700 nhân dân tệ (gần 9 triệu Việt Nam đồng) để điều trị. Ông Wang sau đó biết chủ sở hữu con chó là ông Lee nên đã khởi kiện ông này tại tòa án Thượng Hải. Tòa án nhận định “con chó của ông Lee gây thiệt hại do lỗi của ông này trong việc quản lý (bỏ rơi chó) nên ông Lee phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chi phí điều trị cho ông Wang”.[27]
Thật ra, cách nhìn nhận này không xa lạ trong pháp luật thế giới, Quebec (Canada) cũng đã thừa nhận quy định này trong Bộ luật Dân sự của mình từ lâu (Điều 1466).[28] Theo đó, chủ sở hữu cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra dù nó đã trốn thoát hoặc đi lạc. Pháp luật Canada luôn quy định rất nghiêm ngặt trách nhiệm của chủ sở hữu súc vật đối với các thiệt hại súc vật gây ra cho các chủ thể khác. Điều này được giải thích rằng nền tảng của trách nhiệm pháp lý này là phải chăm sóc, trông coi (quản lý) và điều khiển súc vật.[29]
Theo quan điểm của tác giả, nhà làm luật cũng cần có sự cân nhắc nhất định liên quan đến vấn đề này khi soạn thảo ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng như sau:“Trường hợp súc vật bị bỏ rơi hoặc bỏ trốn, đi lạc mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người quản lý ban đầu của súc vật đó phải chịu trách nhiệm bồi thường”. Đây là quy định bảo vệ hữu hiệu người bị thiệt hại để họ được hưởng bồi thường một cách nhanh chóng và kịp thời trong trường hợp bị súc vật bỏ rơi hay súc vật bỏ trốn, đi lạc gây ra.
3.3. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người thứ ba
Điều 603 BLDS năm 2015 giữ nguyên quy định về trường hợp người thứ ba có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại của Điều 625 BLDS năm 2005. Theo đó, trường hợp người thứ ba có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại thì người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp chủ sở hữu và người thứ ba cùng có lỗi thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Quy định này là hợp lý và chính xác. Tuy nhiên, ở đây tác giả muốn trình bày một quan điểm khoa học khác như sau: Trong trường hợp hoàn toàn do lỗi của người thứ ba làm cho súc vật gây thiệt hại nhưng trên thực tế người này không có khả năng chi trả hoặc gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện việc bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng súc vật có phải chịu trách nhiệm bồi thường trước hay không?
Nhìn từ góc độ so sánh pháp luật nước ngoài mà cụ thể là Điều 83 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Trung Quốc thì trong trường hợp này, bên bị thiệt hại được quyền yêu cầu chủ sở hữu hoặc người quản lý hoặc người thứ ba bồi thường thiệt hại. Sau khi chủ sở hữu hoặc người quản lý bồi thường thì họ có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả lại số tiền đã bồi thường.[30] Quy định này tương đối xa lạ và dường như được các nhà làm luật Trung Quốc xây dựng trên quan điểm ưu tiên bảo vệ người bị thiệt hại. Bằng cách quy định như thế này, một mặt nhà làm luật đã làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm cho chủ sở hữu, người quản lý súc vật; mặt khác cũng tạo điều kiện tốt hơn cho người bị thiệt hại được hưởng bồi thường nhanh chóng và kịp thời bằng cách mở rộng số lượng chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo quan điểm của tác giả, nhà làm luật Việt Nam cũng cần có sự cân nhắc nhất định liên quan đến vấn đề này khi đưa ra văn bản hướng dẫn theo hướng quy định rõ ràng như sau:“Người bị thiệt hạicó quyền yêu cầu chủ sở hữu, người quản lý hoặc người thứ ba bồi thường thiệt hại. Sau khi chủ sở hữu, người quản lý bồi thường thì họ có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả lại số tiền đã bồi thường”./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Dân sự 2015”:
- Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác (chủ thể không có tư cách pháp nhân) theo Bộ luật Dân sự 2015 – PGS.TS. Phan Huy Hồng & ThS. Nguyễn Thanh Tú
- Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo Bộ luật Dân sự 2015 – ThS. Lê Nhật Bảo
- Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật Dân sự 2015 – PGS.TS. Trần Thị Huệ
- Quyền của người hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 – ThS. Nguyễn Thị Phương Hải
- Cần bổ sung “quyền được chết” vào trong Bộ luật Dân sự năm 2015 – ThS. Nguyễn Vinh Hưng
CHÚ THÍCH
* ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Điều 584 BLDS năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[2] Xem thêm Đỗ Văn Đại (2014), Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và Bình luận bản án, Tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 223.
[3] Khoản 4 Điều 623 BLDS năm 2005 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có nội dung như sau:
“Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
[4] Học viện Tư pháp, Giáo trình Luật Dân sự, Nxb. Công an nhân dân, 2007, tr. 486.
[5] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb. Phương Đông, 2007, tr. 799.
[6] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2005, Nxb. Chính trị quốc gia, Tập II, 2009, tr. 784.
[7] Bản án dân sự sơ thẩm số 15/DSST ngày 22/3/2005 về “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” của Tòa án nhân dân huyện Trà Cú và Bản án dân sự phúc thẩm số 100/DSPT ngày 7/6/2005 về “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.
[8] Chú thích: Bản án được bình luận được xét xử theo các quy định của BLDS năm 1995, tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra không có sự thay đổi cơ bản giữa BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 về vấn đề đang bình luận. Theo đó, khoản 1 Điều 629 BLDS năm 1995 có nội dung như sau: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Nội dung này hoàn toàn trùng khớp với nội dung Điều 625 BLDS năm 2005 về mặt ý nghĩa và tinh thần của điều luật.
[9] Bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 26/4/2005 về “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” của Tòa án nhân dân huyện Mang Mít và Bản án dân sự phúc thẩm số 191/DSPT ngày 19/9/2005 về “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
[10] Chú thích: Bản án được bình luận được xét xử theo các quy định của BLDS năm 1995, tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra không có sự thay đổi cơ bản giữa BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 về vấn đề đang bình luận. Theo đó, khoản 1 Điều 629 BLDS năm 1995 có nội dung như sau: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Nội dung này hoàn toàn trùng khớp với nội dung Điều 625 BLDS năm 2005 về mặt ý nghĩa và tinh thần của điều luật.
[11] Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam- Bản án và bình luận bản án – Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, 2014, tr. 234.
[12] Xem thêm Bản án sơ thẩm số 99/DSST ngày 25/2/2007 về “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” của Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương và Bản án phúc thẩm số 222/DSPT ngày 2/8/2007 về “V/v tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.
[13] Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án – Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, 2014, tr. 234.
[14] Lê Hà Huy Phát, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luận văn Thạc sĩ Luật học (Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh), 2015, tr. 44 – 45.
[15] Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quy định đối với người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ có nội dung như sau:
“1. Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.
2. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”.
[16] Khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quy định đối với các hành vi không được thực hiện trên đường bộ có nội dung như sau:
“Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông”.
[17] Tiểu mục 4 Mục B Thông tư số 173/TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972 hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Đã hết hiệu lực) có nội dung như sau:
“Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
Đối với thiệt hại do súc vật gây ra (như chó dại cắn gây chết người, trâu húc người hay súc vật bị thương) thì người sở hữu súc vật trực tiếp phụ trách việc trông coi, chăn dắt phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Nếu súc vật đã chuyển cho người khác tạm thời sử dụng (như cho mượn…), mà gây thiệt hại, thì người sử dụng súc vật đó chịu trách nhiệm bồi thường.
Cơ sở trách nhiệm của người sở hữu của người trực tiếp sử dụng súc vật là lỗi của họ trong việc trông coi, chăn dắt súc vật không cẩn thận”.
[18] Catherine Elliott and Frances Quinn, Tort Law(Fifth Edition), Nxb. LongMan, 2005, tr. 308.
[19] Lewis N. Klar, Tort Law (Fifth Edition), Nxb. Thomson Reuters, 2012, tr. 667.
[20] Allen M. Liden, Lewis N. Klar, Bruce Feldthusen, Canadian Tort Law Cases, Notes & Materials, Nxb. Lexis Nexis Canada, 2014, tr. 633.
[21] Xem thêm nội dung vụ án tại https://h2o.law.harvard.edu/cases/4042(truy cập ngày 11/8/2015).
[22] Catherine Elliott and Frances Quinn, Tort Law (Fifth Edition), Nxb. LongMan, 2005, tr. 308.
[23] Dangerous Dogs Act 1991 (Đạo luật về chó dữ 1991) [http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1991/65/contents] (truy cập ngày 11/8/2015).
[24] Thú dữ có thể được hiểu là động vật hoang dã mà con người không thể thuần hóa được. Bản năng tự nhiên (tính hoang dã, sự nguy hiểm) của nó có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào, cho nên khả năng gây thiệt hại của thú dữ đối với con người là rất lớn, đòi hỏi con người phải trông giữ, quản lý một cách rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.
[25] Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Trung Quốc được được thông qua tại kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân thứ XI vào ngày 26/12/2009 có có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2010.
[26] Điều 82 Luật Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng năm 2010 của Trung Quốc.
[http://wenku.baidu.com/view/036a20ec102de2bd9605885a.html] (Truy cập ngày 11/8/2015).
[27] Xem thêm 十、动物致害侵权赔偿纠纷的调解处理(Số 10, Về hòa giải tranh chấp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra) [http://www.shezfy.com/book/tcsc/p4_11.html] (Truy cập ngày 11/8/2015).
[28] Điều 1466 BLDS Quebec có nội dung như sau: “Các chủ sở hữu của một động vật phải chịu trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại mà nó đã gây ra, cho dù các động vật do mình đang chiếm hữu, quản lý hoặc người thứ ba chiếm hữu, quản lý, hoặc đã thất lạc, bỏ trốn. Người quản lý, chiếm hữu súc vật trong thời gian nó gây ra thiệt hại cũng phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường với chủ sở hữu”.
[29] Jean Louis Baudouin, Allen M. Linden, Tort Law in Canada, Nxb. Kluwer Law International, 2010, tr. 67.
[30] Xem thêm Điều 83 Luật Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng năm 2010 của Trung Quốc
[http://wenku.baidu.com/view/036a20ec102de2bd9605885a.html] (truy cập ngày 11/8/2015).
- Tác giả: ThS. Lê Hà Huy Phát*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(97)/2016 – 2016, Trang 59-66
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời