Mục lục
Bài viết: Hoàn thiện quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
- Tác giả: Lê Hữu Trí*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2015 (87)/2015 – 2015, Trang 41-46
TÓM TẮT
Bài viết phân tích và đánh giá quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (CHAPT) và những bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về tạm đình chỉ CHAPT như: Bộ luật Hình sự (BLHS) nên có quy định riêng về tạm đình chỉ CHAPT và không dùng cụm từ “có thể” trong nội dung điều luật; về thẩm quyền đề nghị và trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ CHAPT nên quy định cho các trại giam, trại tạm giam và không cần phải qua khâu thẩm định hồ sơ của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu; cần quy định thêm phạm nhân có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ CHAPT khi họ có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; cần có hướng dẫn thế nào là sức khỏe đã hồi phục và cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xác nhận người bị kết án đã hồi phục sức khỏe để tiếp tục chấp hành hình phạt tù.
ABSTRACT:
The paper analyzes and accesses the provisions of the law on temporary suspension of imprisonment sentence and the inadequacies and limitations in practical application. On this basis, the article gives a number of recommendations to improve the provisions of the law on temporary suspension of imprisonment sentence such as: the Criminal Code should offer separate provisions on temporary suspension of imprisonment sentence and avoid to use the word “may” in the body of law; competence of proposal and the responsibility of establishing proposal documentation of temporary suspension of imprisonment sentence should be prescribed for prisons and detention centers; the evaluation of criminal execution management agencies and criminal execution agencies of provinces and military zones is not necessary; prisoners should have the competence of proposal of suspension of imprisonment sentence when they are eligible under the provisions of law; it is necessary to have guidance about health recovery and agencies which are competent to certify that a person is recovered to continue serving a prison term.
TỪ KHÓA: Tạm đình chỉ chấp hành án, Thi hành án hình sự, Người đang chấp hành án phạt tù, Tạp chí Khoa học pháp lý
Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (CHAPT) là việc Tòa án cho người đang chấp hành án phạt tù tạm thời không phải chấp hành hình phạt tù trong một khoảng thời gian nhất định khi có các căn cứ theo quy định của pháp luật. Đây là một chế định thể hiện tính nhân văn và nhân đạo trong chính sách hình sự trong lĩnh vực thi hành án phạt tù của Đảng và Nhà nước ta. Hơn thế nữa, tạm đình chỉ CHAPT còn là một chế định có liên quan trực tiếp đến quyền con người của phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù và nó được điều chỉnh bởi các quy định của BLHS năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Thi hành án hình sự 2011 và một số văn bản hướng dẫn khác. Các văn bản trên đã quy định một cách tương đối rõ ràng, cụ thể về điều kiện, thời hạn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đề nghị và quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng chế định này, còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo dẫn đến tình trạng có một số phạm nhân đáng lẽ được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhưng không được đề nghị hoặc không được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2013 của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thì số phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án trong năm 2013 (tính đến ngày 15/11/2013) là 546/130554 phạm nhân (chiếm 0,42%)[1], lý do tạm đình chỉ CHAPT chủ yếu là bị bệnh nặng. Xuất phát từ những bất cập, hạn chế trên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin phân tích những quy định của pháp luật về chế định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tìm ra những hạn chế, bất cập của những quy định đó trong thực tiễn áp dụng pháp luật, từ đó đề xuất những kiến nghị hoàn thiện quy định này nhằm bảo đảm quyền con người của phạm nhân trong thời gian chấp hành hình phạt.
1. Quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và những bất cập trong thực tiễn áp dụng
Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 61, 62 BLLHS, Điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 31 Luật Thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT). Khi nghiên cứu quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và thực tiễn áp dụng quy định này, chúng tôi thấy cần phải làm rõ một số vấn đề sau:
a. Điều kiện được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Điều kiện được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định tại khoản 1 Điều 62 BLHS.
Theo khoản 1 Điều 62 BLHS thì: “Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.”. Như vậy, BLHS đã ban hành một quy định mang tính chất tùy nghi khi dùng cụm từ “có thể” trong nội dung điều luật. Điều đó có nghĩa là khi phạm nhân thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của BLHS thì các cơ quan có thẩm quyền có quyền giải quyết hoặc không giải quyết cho phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án. Điều luật cũng không quy định trách nhiệm gì đối với các cơ quan có thẩm quyền khi không đề nghị và giải quyết cho phạm nhân được tạm đình chỉ CHAPT, dẫn đến việc tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật và vi phạm quyền con người của phạm nhân.
Các trường hợp có thể được tạm đình chỉ CHAPT được quy định tại khoản 1 Điều 61 BLHS. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các quy định như thế thì không thể áp dụng được trong thực tiễn.
Trường hợp thứ nhất: Theo điểm a khoản 1 Điều 61 BLHS thì phạm nhân bị bệnh nặng có thể được tạm đình chỉ CHAPT cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Ở đây, có hai vấn đề cần phải làm rõ là: thứ nhất, hiểu như thế nào là “bệnh nặng”?; thứ hai, hiểu như thế nào là “sức khỏe được hồi phục”?. Quy định như thế là không rõ ràng, không cụ thể, rất khó áp dụng trong thực tiễn, đòi hỏi cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Để giải quyết vấn đề này, liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT để hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT giải thích rõ hơn về trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng. Phạm nhân bị bệnh nặng là những phạm nhân bị bệnh đến mức không thể tiếp tục chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ, do đó, cần thiết phải cho họ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để có điều kiện chữa bệnh, trừ người không có thân nhân hoặc không có nơi cư trú rõ ràng.
Phạm nhân bị bệnh nặng là phạm nhân mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
Như vậy, Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT đã giải thích rõ hơn cụm từ “bệnh nặng” nhưng chưa làm rõ được như thế nào là “sức khỏe được hồi phục” nên cũng gây khó khăn trong việc quy định thời hạn tạm đình chỉ CHAPT trong trường hợp này. Ngoài ra, trong trường hợp này, Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT cũng giới hạn hơn đối tượng được tạm đình chỉ CHAPT so với khoản 1 Điều 61 BLHS, đó là “trừ người không có thân nhân hoặc không có nơi cư trú rõ ràng”.
Trường hợp thứ hai: Theo điểm b khoản 1 Điều 61 BLHS thì phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, có thể được tạm đình chỉ CHAPT cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT đã hạn chế hơn đối tượng được tạm đình chỉ CHAPT so với khoản 1 Điều 61 BLHS. Tại điểm b Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT quy định: “Nữ phạm nhân có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, nếu họ bị xử phạt tù lần đầu và có nơi cư trú rõ ràng;”. Như vậy, Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT là văn bản hướng dẫn dưới luật nhưng đã quy định đối tượng được tạm đình chỉ CHAPT hạn chế hơn so với quy định của BLHS.
Trường hợp thứ ba: Theo điểm c khoản 1 Điều 61 BLHS thì phạm nhân là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
Tại điểm c Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT đã hướng dẫn rõ hơn như sau: Phạm nhân là người lao động duy nhất trong gia đình là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình, nếu họ tiếp tục chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt (không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng những người thân thích là người già, trẻ em hoặc những người khác không có khả năng lao động trong gia đình họ.
Trường hợp thứ tư: Theo điểm d khoản 1 Điều 61 BLHS và điểm d Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT thì phạm nhân bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định.
b. Thời hạn được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Điều 62 BLHS quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, nhưng điều luật không quy định rõ ràng thời hạn tạm đình chỉ đối với từng trường hợp có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là bao nhiêu. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 BLHS vừa là điều kiện vừa là căn cứ để có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù và thời hạn được hoãn chấp hành hình phạt tù đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trước khi ban hành Thông tư liên tịch số 03/2013TTLT, mặc dù điều luật không quy định rõ, nhưng trong thực tiễn, các Tòa án đều áp dụng khoản 1 Điều 61 để ấn định thời hạn tạm đình chỉ đối với các trường hợp được tạm đình chỉ cụ thể.
Đến ngày 15 tháng 5 năm 2013 liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT thì thời hạn tạm đình chỉ CHAPT được quy định tại Điều 6 như sau:
“1- Phạm nhân bị bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.
2- Phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
3- Phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là một năm.”
Như vậy, thời hạn tạm đình chỉ CHAPT không được quy định trong Điều 62 BLHS, mà được quy định trong Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT. Lẽ ra, để cho rõ ràng thì Điều 62 BLHS cần phải thêm một đoạn nữa như “Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với từng trường hợp cụ thể được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật này”.
Trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù lại phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 57 BLHS. Điều 62 BLHS không có quy định áp dụng khoản 2 Điều 61 BLHS khi người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù tái phạm trong thời gian được tạm đình chỉ. Tuy nhiên, theo tinh thần của Điều 57 BLHS thì Tòa án phải tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.
c. Thẩm quyền và thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
Thẩm quyền và thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Điều 31 Luật Thi hành án hình sự và Điều 5, 7, 8, 9 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT.
– Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
Điều 31 Luật Thi hành án hình sự và Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT, theo đó quy định về thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ CHAPT, chúng tôi thấy rằng thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ CHAPT do cơ quan thi hành án phạt tù và do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đề nghị. Qua thực tiễn áp dụng, chúng tôi thấy quy định như thế là chưa phù hợp, không khoa học. Bởi vì, thứ nhất là phạm nhân là người bị kết án tù đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, chính vì thế các trại giam, trại tạm giam là các cơ quan trực tiếp quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân, nên các cơ quan này sẽ nắm rõ tình hình phạm nhân. Cho nên, theo chúng tôi thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ CHAPT nên quy định cho các trại giam, trại tạm giam là phù hợp. Điều này cũng phù hợp với quy định tại khoản 3,4,5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT là cơ quan đề nghị là các cơ quan trực tiếp tổ chức thi hành án phạt tù (các trại giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án) và cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ CHAPT là cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu. Thứ hai là tạm đình chỉ CHAPT là một chế định thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, và là một quy định nhằm bảo đảm quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù. Chính vì thế, pháp luật nên quy định phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có quyền đề nghị tạm đình chỉ CHAPT khi xét thấy bản thân mình có đủ điều kiện được tạm đình chỉ CHAPT giống như trong trường hợp hoãn CHAPT.
– Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án hình sự và chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này là cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ CHAPT và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, thủ tục này lại được hướng dẫn thêm tại Điều 7, 8, 9 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT. Chúng tôi không đồng ý với quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT quy định về khâu thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ CHAPT của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu. Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu thì các cơ quan này chỉ có chức năng quản lý, chỉ đạo, giám sát hoạt động thi hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam về mặt hành chính. Theo quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án hình sự thì thẩm quyền đề nghị và trách nhiệm lập hồ sơ thuộc về các trại giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và trại giam, trại tạm giam phải chịu trách nhiệm về việc đề nghị và hồ sơ đề nghị của mình. Nếu quy định rằng, hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ CHAPT phải qua khâu thẩm định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu thì sẽ mất thêm thời gian và cũng không hiệu quả cao mà chỉ mang tính hình thức.
d. Thẩm quyền và thủ tục tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
– Thẩm quyền tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù như sau:
“a) Chánh án Tòa án cấp tỉnh nơi người đang chấp hành hình phạt tù có thể cho người đó được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 và Điều 62 của BLHS;
- b) Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể cho người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 61 và Điều 62 của BLHS”
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án hình sự và Điều 11 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT thì thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ CHAPT thuộc về Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án.
Qua thực tiễn áp dụng chế định này, chúng tôi thấy rằng quy định thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ CHAPT thuộc về Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án là hợp lý, khoa học và thuận lợi hơn cho việc thực thi chế định này. Nếu quy định thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ CHAPT thuộc về Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án thì sẽ rất bất lợi và không kịp thời. Bởi vì, phần lớn các Tòa án đã ra quyết định thi hành án (Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án được ủy thác) thường ở rất xa các trại giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án, nên rất khó khăn trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin.
Do đó, khi phạm nhân đang chấp hành án có đủ điều kiện tạm đình chỉ CHAPT thì việc xem xét, giải quyết để có thể ra quyết định tạm đình chỉ thường không kịp thời. Quy định Chánh án TAND cấp tỉnh nơi người đang chấp hành hình phạt tù có thẩm quyền xem xét, ra quyết định tạm đình chỉ sẽ đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời hơn và bảo đảm quyền lợi của phạm nhân hơn.
– Việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm phải do người đã kháng nghị hoặc do Tòa án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định:
+ Người đã kháng nghị bao gồm: Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC;
+ Tòa án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được hiểu là Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, cũng có nghĩa là Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh.
– Thủ tục tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Thủ tục tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Thi hành án hình sự và được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT như sau:
“1- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Chánh án Tòa án yêu cầu cơ quan đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn 07 ngày để xem xét, quyết định được tính lại, kể từ ngày Chánh án Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.
2- Trường hợp không chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan đề nghị tạm đình chỉ biết, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận cho phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
3- Khi Viện kiểm sát có kiến nghị đối với văn bản thông báo không chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do không xác đáng hoặc kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì không có đầy đủ căn cứ, Chánh án Tòa án có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ phải xem xét kiến nghị hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát. Nếu kiến nghị hoặc kháng nghị có căn cứ thì Chánh án Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.”
2. Một số kiến nghị
– Tạm đình chỉ CHAPT là một chế định gắn liền với quyền của phạm nhân, là một chế định bảo đảm quyền con người của người bị kết án phạt tù, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực thi hành án phạt tù. Cho nên, chúng ta không nên dùng một quy phạm tùy nghi khi dùng cụm từ “có thể” trong nội dung điều luật. Chúng ta nên quy định rõ ràng, cụ thể về đối tượng được tạm đình chỉ CHAPT, khi phạm nhân thỏa mãn một trong các trường hợp đó thì được tạm đình chỉ, chứ không phải “có thể” được tạm đình chỉ như quy định hiện hành.
– Tạm đình chỉ CHAPT là một chế định hoàn toàn khác với hoãn CHAPT, mặc dù về hình thức có sự giống nhau là người bị kết án phạt tù không phải chấp hành hình phạt trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng về đối tượng áp dụng thì có sự khác nhau. Đối tượng được hoãn CHAPT phải là người bị kết án phạt tù nhưng đang được tại ngoại và chưa đi chấp hành án. Đối tượng được tạm đình chỉ CHAPT là người bị kết án phạt tù đang chấp hành án phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam. Chính vì thế, không nên quy định những trường hợp có thể tạm đình chỉ CHAPT giống như những trường hợp hoãn CHAPT như quy định hiện nay. Mà BLHS nên có quy định riêng về đối tượng được tạm đình chỉ CHAPT một cách chặt chẽ hơn. Phạm nhân là người bị kết án tù đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, chính vì thế các trại giam, trại tạm giam là các cơ quan trực tiếp quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân, nên các cơ quan này sẽ nắm rõ tình hình phạm nhân. Cho nên, theo chúng tôi thẩm quyền đề nghị và trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ CHAPT nên quy định cho các trại giam, trại tạm giam là phù hợp. Mặt khác, để bảo đảm quyền của phạm nhân trong thi hành án phạt tù nói chung và trong thực thi chế định tạm đình chỉ CHAPT nói riêng, nên quy định thêm phạm nhân có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ CHAPT khi họ có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đơn giản hơn thủ tục tạm đình chỉ CHAPT, chúng tôi đề nghị sửa đổi thủ tục đề nghị tạm đình chỉ CHAPT, không cần phải qua khâu thẩm định hồ sơ tạm đình chỉ của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu theo quy định trong Thông tư 03/2013/TTLT như đã phân tích ở trên.
– Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn các trường hợp bị bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, nhưng chưa có hướng dẫn thế nào là sức khoẻ đã hồi phục (được hồi phục). Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xác nhận (xác định) người bị kết án đã hồi phục sức khoẻ, có đủ sức khỏe để chấp hành hình phạt tù? Đây là căn cứ quan trọng để Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù khi lý do tạm đình chỉ này đã hết.
Theo chúng tôi nên quy định hoặc có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này vì nếu không thì việc tạm đình chỉ này kéo dài không có giới hạn. Thẩm quyền xác định sức khỏe của người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng nên quy định là bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên; người bị kết án bị bệnh nặng cũng cần có quy định việc khám, xác định sức khỏe theo định kỳ 1 năm, 2 năm, 3 năm…/ một lần để có cơ sở xác định tình trạng sức khỏe đã hồi phục.
CHÚ THÍCH
* NCS tại Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
[1] Báo cáo tổng kết công tác năm 2013 của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Trả lời