Thực trạng pháp luật Việt Nam về tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và một số góp ý cho dự thảo luật thi hành án hình sự năm 2010 sửa đổi
TÓM TẮT
Bài viết đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể về thẩm quyền, quy trình hợp tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài và quy trình tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Trên cơ sở đó, bài viết kiến nghị sửa đổi bổ sung một số quy định của Luật Thi hành án hình sự 2010.
Xem thêm:
- Hoàn thiện quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù – ThS. Lê Hữu Trí
- Vấn đề cấm tra tấn và việc hoàn thiện pháp luật thi hành án phạt tù – TS. Nguyễn Quang Vũ & ThS. Lê Thị Anh Nga
- Một số vấn đề chung về quyền con người của người chấp hành án phạt tù theo yêu cầu cải cách tư pháp – ThS. Lê Hữu Trí
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Người đang chấp hành án phạt tù, Tiếp nhận và chuyển giao
Trong hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự hiện hành của Việt Nam, cơ sở pháp lý để hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, năm 2015[1] (BLHS), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và năm 2015 (BLTTHS), Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP năm 2007), Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (Luật THAHS năm 2010). Trong đó, Luật TTTP quy định rõ ràng, cụ thể quy trình tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài gồm các nội dung: Căn cứ và điều kiện tiếp nhận, chuyển giao; căn cứ từ chối chuyển giao; hồ sơ yêu cầu chuyển giao; văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và tài liệu kèm theo; tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài; thẩm quyền quyết định tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; tiếp tục chấp hành hình phạt tại Việt Nam; áp giải người được chuyển giao; chi phí về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Trong khi đó, Luật THAHS chỉ quy định một vài vấn đề liên quan đến trách nhiệm, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam như: trách nhiệm của Cảnh sát hỗ trợ tư pháp; chế độ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, xem xét giảm án, tha tù, đặc xá, đại xá đối với người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao; thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài. Chính vì vậy, nghiên cứu, làm sáng tỏ các nội dung của Luật TTTP năm 2007 và Luật THAHS năm 2010 về tiếp nhận, chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài, qua đó góp ý xây dựng Dự thảo Luật THAHS sửa đổi là rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.
1. Các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 về tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
1.1 Cơ sở pháp lý và điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài
Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật TTTP năm 2007, cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài bao gồm: (i) các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc (ii) các thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước liên quan, trong trường hợp Việt Nam và nước này chưa có điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc áp dụng các điều ước quốc tế hoặc thoả thuận quốc tế phải tuân thủ các quy định của Luật TTTP năm 2007 và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan cũng như pháp luật và tập quán quốc tế. Chủ thể có thẩm quyền quyết định việc tiếp nhận và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phải là các quốc gia, hoặc các vùng lãnh thổ được công nhận là chủ thể của luật quốc tế và được thực hiện thông qua các cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao (nước nơi người được chuyển giao đang chấp hành án phạt tù) và cơ quan có thẩm quyền của nước nhận chuyển giao.
Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 50 của Luật TTTP và được chia làm hai trường hợp sau đây:
a. Trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục thi hành án.
Theo quy định của Luật TTTP, người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận về Việt Nam để thi hành hình phạt tù khi có đủ 07 điều kiện sau đây:
(i) Người đang chấp hành án phạt tù là công dân Việt Nam.[2] Khoản 1 Điều 5 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ( sửa đổi bổ sung năm 2014) quy định, người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Đồng thời, Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) xác định, người có quốc tịch Việt Nam bao gồm: (i) Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này; (ii) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.[3] Khi nhận được yêu cầu tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thì cơ quan đầu mối của Bộ Công an sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tư pháp xác minh quốc tịch Việt Nam của người đang chấp hành án phạt tù.[4]
(ii) Người đang chấp hành án phạt tù có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam.[5] Đây là điều kiện bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam. Theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 ( sửa đổi bổ sung năm 2013) thì “Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú”.
(iii) Hành vi mà người được chuyển giao thực hiện và bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.[6] Điều kiện này chính là việc cụ thể hóa nguyên tắc tội phạm kép (double criminality) trong lĩnh vực tư pháp về hình sự chung và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng. Tội phạm kép là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi và được quy định trong pháp luật của các quốc gia và các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù như Công ước của châu Âu về dẫn độ năm 1957 (khoản 1 Điều 2); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Uruguay năm 2005 (khoản 1 Điều 2); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Ấn Độ năm 2003 (khoản 2 Điều 2); Hiệp định dẫn độ giữa Pháp và Hàn Quốc năm 2006 (Điều 2)… Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ và các hiệp định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết với các nước từ trước đến nay.
Vận dụng nguyên tắc này, các nước sẽ hợp tác để tiếp nhận và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cho nhau nếu hành vi mà người được chuyển giao đã thực hiện theo pháp luật hình sự của nước yêu cầu và nước được yêu cầu đều coi là tội phạm. Chính vì vậy, trong thực tiễn hợp tác về tư pháp hình sự nói chung và tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng, “tội phạm kép” luôn được Toà án và các cơ quan tư pháp của các nước coi đó là điều kiện tiên quyết để xem xét, quyết định tiếp nhận, chuyển giao hoặc từ chối tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cho nhau.
(iv) Thời gian thi hành hình phạt tù còn lại mà người được chuyển giao phải thi hành ít là 1 năm, trong trường hợp đặc biệt là 6 tháng.[7] Các trường hợp được coi là “đặc biệt” như để phục vụ yêu cầu đối ngoại giữa Việt Nam và nước tiếp nhận; người đang chấp hành án phạt tù đang bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành án được gồm ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu…, và phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người đang chấp hành án phạt tù bị bệnh nặng.[8]
(v) Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao.[9] Có nghĩa là, bản án, quyết định đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực thi hành và không còn thủ tục nào liên quan đến việc phúc thẩm hoặc xem xét lại bản án của tòa án đã tuyên theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm.
(vi) Có sự đồng ý của nước chuyển giao.[10] Theo đó, việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù về Việt Nam phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao. Bởi lẽ, nước chuyển giao là chủ thể có thẩm quyền quyết định việc chuyển giao hay không chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù ở nước mình cho nước ngoài. Do vậy, nếu nước chuyển giao không đồng ý chuyển giao thì không thể có hoạt động chuyển giao trên thực tế.
(vii) Có sự đồng ý của người được chuyển giao.[11] Cả về phương diện pháp lý và thực tiễn, sự đồng ý của người được chuyển giao là một trong những yếu tố quan trọng để nước được yêu cầu chuyển giao quyết định việc chuyển giao trên thực tế. Việc đồng ý chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù được thể hiện thông qua văn bản bày tỏ nguyện vọng của người đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài đối với việc chuyển giao. Bởi lẽ, việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù xuất phát từ mục đích nhân đạo đối với người bị kết án, nhằm tạo những thuận lợi nhất định để họ cải tạo tốt trong điều kiện tốt nhất có thể. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không phải lúc nào người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài cũng mong muốn được chuyển giao về nước mà họ là công dân để tiếp tục chấp hành án vì các lý do liên quan đến danh dự, uy tín cá nhân, xấu hổ, mặc cảm với bạn bè, người thân và cộng đồng về tội phạm mà họ đã thực hiện ở nước ngoài. Chính vì vậy, Luật TTTP năm 2007 quy định, trong mọi trường hợp phải có sự đồng ý của người được chuyển giao. Đây chính là một trong những minh chứng cụ thể về việc tôn trọng quyền con người đã Luật TTTP ghi nhận là một trong những điều kiện bắt buộc để xem xét tiếp nhận và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với nước ngoài.[12]
b. Trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài.
Theo quy định của Luật TTTP, người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam có thể được chuyển giao cho nước ngoài để tiếp tục thi hành hình phạt tù khi có 03 điều kiện sau đây[13]:
(i) Là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao. Theo quy định này, công dân của nước tiếp nhận là người có quốc tịch của nước tiếp nhận. Người được phép cư trú không thời hạn đã được Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC giải thích rõ tại khoản 7, Điều 3. Theo đó, “Người được phép cư trú không thời hạn tại nước tiếp nhận” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 50 Luật TTTP năm 2007 được hiểu là những người được phép đến, nhập cảnh và lưu lại lâu dài tại nước tiếp nhận”. Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, “Người thân thích” của người được giám hộ là “ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ”.[14]
(ii) Hội đủ các điều kiện tội phạm kép, thời gian phải chấp hành án phạt tù còn lại, bản án đã có hiệu lực pháp luật, có sự đồng ý của người được chuyển giao, đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án.
Cụ thể, người đang chấp hành án phạt tù có thể được chuyển giao khi thỏa mãn các điều kiện về hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời gian phải thi hành hình phạt tù còn lại của người bị kết án phải còn ít nhất là một năm, trong trường hợp đặc biệt thì ít nhất là sáu tháng. Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao có sự đồng ý của nước nhận chuyển giao và phải có sự đồng ý của người được chuyển giao. Đồng thời, người đó phải đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án. Như vậy, nếu bản án hình sự do Tòa án Việt Nam tuyên đối với người đó ngoài hình phạt chính là hình phạt tù còn chứa các hình phạt bổ sung như hình phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác (trách nhiệm dân sự) thì việc chuyển giao chỉ được thực hiện khi người đó đã hoàn thành trách nhiệm của mình đối với các nghĩa vụ đó. Quy định này nhằm bảo vệ, khôi phục triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân Việt Nam bị hành vi phạm tội của người đó xâm hại trước khi xem xét, quyết định chuyển giao.
(iii) Có sự đồng ý của nước tiếp nhận. Sự đồng ý của nước tiếp nhận là một trong những điều kiện cơ bản, có tính quyết định việc chuyển giao giữa Việt Nam với nước ngoài. Nếu không có sự đồng ý của nước tiếp nhận chuyển giao thì không thể thực hiện được việc chuyển giao trên thực tế cho dù Việt Nam và người được chuyển giao đồng ý. Theo quy định tại Điều 51 của Luật TTTP năm 2007, việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ bị từ chối khi có căn cứ cho rằng người được chuyển giao có thể bị tra tấn, trả thù hoặc truy bức tại nước tiếp nhận chuyển giao; hoặc việc chuyển giao có thể phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam. Đây là những quy định nhằm bảo vệ quyền con người trong hoạt động hợp tác quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đồng thời, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, pháp luật và thông lệ quốc tế.
c. Hồ sơ, tài liệu yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Luật TTTP năm 2007, hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phải có các văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đang chấp hành án phạt tù yêu cầu chuyển giao người đó, kèm theo văn bản này là các tài liệu liên quan đến yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.[15] Hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được lập thành ba bộ và phải phù hợp với quy định của pháp luật của nước được yêu cầu.[16]
Hồ sơ, tài liệu kèm theo văn bản yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là những cơ pháp lý đặc biệt quan trọng để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu xem xét, đánh giá để quyết định tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận người được yêu cầu chuyển giao. Do đó, hồ sơ, tài liệu yêu cầu tiếp nhận phải là các văn bản có giá trị pháp lý để chứng minh người được yêu cầu chuyển giao đáp ứng đầy đủ điều kiện để chuyển giao như: văn bản tóm tắt nội dung của vụ án; bản sao bản án, quyết định của tòa án đối với người đang chấp hành hình phạt tù được yêu cầu chuyển giao; điều luật áp dụng để xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tội danh, quy định về hình phạt, thời hiệu thi hành hình phạt đối với tội phạm đó; tài liệu mô tả đặc điểm nhận dạng và ảnh của người được yêu cầu chuyển giao theo pháp luật và tập quán quốc tế; tài liệu xác nhận thời gian người được yêu cầu chuyển giao đã chấp hành hình phạt tù tại nước yêu cầu chuyển giao và thời gian còn lại phải chấp hành hình phạt tù tại nước tiếp nhận; tài liệu liên quan đến tình hình sức khỏe, trạng thái tâm thần, hồ sơ bệnh án của người được yêu cầu chuyển giao, nếu có; điều ước quốc tế giữa nước được yêu cầu chuyển giao và nước tiếp nhận.
1.2. Quy trình tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài
a. Quy trình tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án
Điều 54 của Luật TTTP năm 2007 quy định, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và tài liệu kèm theo, Bộ Công an vào sổ hồ sơ chuyển giao và kiểm tra hồ sơ theo quy định tại Điều 52 và Điều 53. Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu chuyển giao cung cấp thông tin bổ sung hồ sơ. Sau 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hai bộ hồ sơ để xem xét, quyết định.
Theo Điều 41 Luật THAHS năm 2012, khi có quyết định thi hành quyết định tiếp nhận đối với người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp tổ chức tiếp nhận và bàn giao người bị kết án cho trại giam theo quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Chế độ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, xem xét giảm án, tha tù, đặc xá, đại xá người được tiếp nhận được thực hiện theo quy định của Luật THAHS và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, khi ra quyết định tiếp nhận công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về nước để tiếp tục chấp hành án tại Việt Nam, tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét việc có phải chuyển đổi hình phạt không. Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt đó không phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam thì có thể chuyển đổi hình phạt đó cho phù hợp với hình phạt mà pháp luật của Việt Nam quy định đối với tội phạm tương tự.[17]
Người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ như người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam.[18] Bộ Công an có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong các trường hợp: người đang chấp hành án phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc đặc xá; người đang chấp hành án phạt tù đã chấp hành xong án phạt tù; khi người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn khỏi nơi giam giữ; người đang chấp hành án phạt tù chết trước khi chấp hành xong án phạt tù; khi phía nước ngoài đề nghị thông báo về tình hình chấp hành án của người đang chấp hành án phạt tù.[19] Đồng thời, khi nhận được thông báo về quyết định đặc xá hoặc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của nước chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an gửi ngay thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục: (i) báo cáo đề xuất Chính phủ trình Chủ tịch nước về quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù đã tiếp nhận về Việt Nam của nước ngoài để quyết định theo thẩm quyền; (ii) thông báo cho tòa án nhân dân tối cao về quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của nước chuyển giao để ra quyết định công nhận và cho thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại Việt Nam của Tòa án nước chuyển giao. Sau khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công an thực hiện việc đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho người đang chấp hành án phạt tù.[20]
b. Quy trình chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài
Theo quy định tại Điều 54 của Luật TTTP năm 2007, trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài do Bộ Công an chuyển đến, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Văn bản yêu cầu và văn bản trả lời được gửi thông qua Bộ Công an. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định xem xét yêu cầu chuyển giao hoặc đình chỉ việc xem xét yêu cầu chuyển giao và trả hồ sơ cho Bộ Công an nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc người yêu cầu chuyển giao rút lại yêu cầu chuyển giao hoặc người được yêu cầu chuyển giao đã rời khỏi Việt Nam hoặc vì các lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được. Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét yêu cầu chuyển giao trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Việc xem xét yêu cầu chuyển giao được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng gồm ba thẩm phán trong đó có một thẩm phán làm chủ tọa và có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Hội đồng sẽ xem xét nội dung hồ sơ của nước yêu cầu chuyển giao. Đồng thời, nghe ý kiến của luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người được yêu cầu chuyển giao và người yêu cầu chuyển giao. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ quyết định chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao. Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao, tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho người được chuyển giao, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Người yêu cầu chuyển giao có quyền kháng cáo, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển giao và kháng cáo, kháng nghị, tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao. Trình tự xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định chuyển giao của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Chúng tôi cho rằng, việc trao thẩm quyền quyết định hoặc từ chối chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài cho tòa án là một bước tiến mới trong lĩnh vực lập pháp của nước ta. Đồng thời, quy định này là biểu hiện rõ nét sự hội nhập pháp luật quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình thì việc trao quyền xem xét, đánh giá tính pháp lý của văn bản, hồ sơ yêu cầu chuyển giao của nước ngoài để quyết định chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao cho Hội đồng này sẽ bảo đảm tính chính xác, đúng pháp luật. Mặt khác, việc trao thẩm quyền quyết định việc chuyển giao cho Hội đồng này là hình thức bảo đảm tốt nhất để người đang chấp hành án phạt tù có quyền và có cơ hội để tự bảo vệ mình, chống lại yêu cầu chuyển giao của nước ngoài trong trường hợp người bị chuyển giao không đồng ý với việc chuyển giao. Ngoài ra, trao thẩm quyền quyết định việc chuyển giao cho Hội đồng này sẽ tránh được những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về pháp luật và thực thi pháp luật liên quan đến quyền con người của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, về phương diện pháp luật quốc tế về quyền con người, việc trao thẩm quyền quyết định việc chuyển giao cho Hội đồng này là hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Các quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Theo Công ước này, “Mọi người đều có quyền được bảo vệ bằng các Tòa án quốc gia có thẩm quyền với phương tiện pháp lý có hiệu lực…” (Điều 8). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thủ tục xem xét yêu cầu chuyển giao và ra quyết định chuyển giao hoặc quyết định từ chối chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù do tòa án thực hiện, có sự tham gia của kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, người được chuyển giao, hoặc người đại diện hợp pháp của họ, luật sư nhưng không phải là thủ tục giải quyết vụ án hình sự. Bởi vì, so với thủ tục giải quyết vụ án hình sự, thủ tục xem xét yêu cầu chuyển giao có một số điểm khác biệt cơ bản sau đây: (i) về cơ sở pháp lý, nếu thủ tục giải quyết vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì thủ tục xem xét, giải quyết yêu cầu chuyển giao được tiến hành theo quy định của Luật TTTP năm 2007; (ii) về thành phần tham gia, nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gồm một thẩm phán và hai hội thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự gồm ba thẩm phán, trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai hội thẩm[21] thì Hội đồng xem xét, giải quyết yêu cầu chuyển giao chỉ có ba thẩm phán, không sự tham gia của hội thẩm nhân dân; (iii) về nhiệm vụ, nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có nhiệm vụ xác định sự thật khách quan của vụ án, quyết định tội danh và hình phạt đối với bị cáo; Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ có nhiệm vụ xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị[22] thì Hội đồng xem xét, giải quyết yêu cầu chuyển giao lại có nhiệm vụ ra quyết định chuyển giao hoặc từ chối chuyển giao cho nước yêu cầu. Cần lưu ý thêm rằng, Hội đồng xem xét, giải quyết yêu cầu chuyển giao không có thẩm quyền quyết định tội phạm và hình phạt đối với người được chuyển giao. Trong quá trình xem xét, Hội đồng sẽ đối chiếu tội phạm, hình phạt và thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại mà người bị yêu cầu chuyển giao phải chấp hành được nêu trong yêu cầu chuyển giao với các quy định tương ứng trong BLTTHS, BLHS, Luật TTTP năm 2007 và các điều ước quốc tế về chuyển giao để quyết định hoặc từ chối việc chuyển giao. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 56 của Luật TTTP năm 2007, tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người được chuyển giao có nơi cư trú cuối cùng tại Việt Nam có thẩm quyền quyết định việc tiếp nhận. Trình tự, thủ tục xem xét việc tiếp nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật TTTP, năm 2007 thủ tục xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù từ Việt Nam cho nước ngoài.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Tòa án nhân dân có hiệu lực, chánh án tòa án đã ra quyết định sơ thẩm phải ra quyết định thi hành quyết định chuyển giao. Quyết định thi hành quyết định chuyển giao phải được gửi cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu chuyển giao và người được chuyển giao. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thi hành việc chuyển giao và thông báo bằng văn bản cho nước yêu cầu chuyển giao.[23] Việc áp giải người được chuyển giao sẽ do Bộ Công an thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tổ chức việc áp giải người được chuyển giao đến địa điểm và vào thời gian do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước yêu cầu chuyển giao thỏa thuận trước bằng văn bản. Trường hợp thời hạn thỏa thuận đã hết mà nước yêu cầu chuyển giao không tiếp nhận thì Bộ Công an kiến nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền đã ra quyết định chuyển giao hủy quyết định thi hành quyết định chuyển giao đó và thông báo cho nước yêu cầu chuyển giao biết.[24]
Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định chuyển giao, Bộ Công an thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về thời gian, địa điểm và cách thức chuyển giao. Căn cứ quyết định của Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ sở giam giữ người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc áp giải người đang chấp hành án phạt tù đến địa điểm và đúng thời gian đã thỏa thuận để bàn giao cho nước ngoài. Thành phần của đoàn áp giải người đang chấp hành án phạt tù cho nước ngoài gồm: đại diện Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an làm Trưởng đoàn; giám thị hoặc phó Giám thị cơ sở giam giữ nơi người đang chấp hành án phạt tù đang chấp hành hình phạt tù. Việc bàn giao người đang chấp hành án phạt tù cho nước tiếp nhận phải được lập thành biên bản gồm 03 bản bằng tiếng Việt, 03 bản tiếng Anh và 03 bản bằng tiếng của nước tiếp nhận; có chữ ký xác nhận của đại diện các cơ quan có trách nhiệm quy định tại khoản 2 điều này và đại diện cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận.
Quá thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao không tiếp nhận chuyển giao mà không có lý do chính đáng thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an lập biên bản về việc này và thông báo ngay cho Tòa án đã ra quyết định chuyển giao biết để xem xét, hủy quyết định chuyển giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, tòa án đã ra quyết định chuyển giao phải tiến hành họp và ra quyết định hủy quyết định chuyển giao và thông báo ngay cho Bộ Công an biết để thông báo cho nước ngoài. Sau khi nhận được quyết định hủy quyết định chuyển giao, Bộ Công an thông báo ngay cho nước ngoài và người đang chấp hành án phạt tù đó biết về quyết định của tòa án Việt Nam và ra quyết định trả người đang chấp hành án phạt tù về cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành án tại Việt Nam. Trường hợp quá thời hạn 07 ngày kể từ thời điểm ấn định trong thỏa thuận bàn giao người đang chấp hành án phạt tù mà nước yêu cầu chuyển giao chưa thể tiếp nhận chuyển giao do có những nguyên nhân khách quan và đã thông báo cho Bộ Công an biết về sự chậm trễ này và cam kết bằng văn bản việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh do việc chậm chễ tiếp nhận chuyển giao gây nên, thì Bộ Công an có thể ra quyết định hoãn thực hiện quyết định chuyển giao và thỏa thuận với nước ngoài để ấn định thời gian và địa điểm mới thực hiện việc chuyển giao. Việc hoãn thực hiện quyết định chuyển giao không được quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản cam kết của nước ngoài về việc sẽ tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.
Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an ra quyết định đưa người đang chấp hành án phạt tù vào cơ sở giam giữ gần và thuận tiện nhất cho việc chuyển giao theo thỏa thuận mới. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 41 Luật THAHS năm 2010, khi nhận được quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, trại giam có trách nhiệm bàn giao phạm nhân cho Cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Việc bàn giao phải được lập biên bản, lưu hồ sơ. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ áp giải người được chuyển giao đến địa điểm và vào thời gian do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước yêu cầu chuyển giao thỏa thuận trước bằng văn bản. Nước yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù phải chịu mọi chi phí về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp Việt Nam chịu chi phí chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù thì chi phí đó do ngân sách nhà nước bảo đảm.[25]
Có thể khẳng định rằng, với các hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, các hiệp định chuyên biệt về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, pháp luật quốc gia, đặc biệt là Luật TTTP năm 2007 và Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC thì Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để hợp tác với các quốc gia hữu quan trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lượng người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận và chuyển giao giữa Việt Nam với nước ngoài vẫn còn khiêm tốn. Từ năm 2011 đến năm 2016 Việt Nam chỉ chuyển giao được 19 người đang chấp hành án phạt tù cho nước ngoài và tiếp nhận về Việt Nam 15 trường hợp để tiếp tục chấp hành án.[26] Theo chúng tôi, thực trạng trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Công tác chuyển giao chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Việt Nam cho nước ngoài và của nước ngoài cho Việt Nam còn nhiều vướng mắc; hiểu biết pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của người bị kết án còn hạn chế nên không có yêu cầu chuyển giao; vì danh dự, uy tín của cá nhân và gia đình nên công dân bị kết án phạt tù ở nước ngoài thường không yêu cầu hoặc không đồng ý chuyển giao về nước mà họ là công dân để che dấu thông tin; công tác thống kê số lượng công dân đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài chưa được thực hiện thường xuyên và bài bản; công tác lãnh sự, đặc biệt là thăm lãnh sự đối với công dân phạm tội và bị kết án phạt tù ở nước ngoài chưa thật hiệu quả; một số cán bộ quản giáo chưa nắm được quy định của pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nên không thông báo, không giải thích cho người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù thực hiện yêu cầu chuyển giao… Chúng tôi cho rằng, nếu khắc phục được các nguyên nhân nói trên, trong thời gian tới hiệu quả của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ được nâng cao; quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam phạm tội và đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài cũng như quyền và lợi ích chính đáng của người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam sẽ được bảo đảm để họ được học tập, cải tạo, chấp hành hình phạt tù trong môi trường và điều kiện tốt nhất để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng chính là mục đích nhân đạo tốt đẹp nhằm bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người đang chấp hành án phạt tù nói riêng.
2. Một số kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi
Nghiên cứu Luật THAHS năm 2010 và Dự thảo sửa đổi Luật này chúng tôi có 02 kiến nghị sau đây:
Một là, bổ sung thuật ngữ “tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù” và “chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù” vào Điều 3 của Luật THAHS sửa đổi .
Theo đó, Điều 3 của Luật THAHS sửa đổi sẽ có thêm khoản 19 và khoản 20. Theo đó, khoản 19 có nội dung:“Tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp nhận công dân Việt Nam bị kết án phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân ở nước chuyển giao để tiếp tục chấp hành án tại Việt Nam. Khoản 20 có nội dung:“Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chuyển người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân tại các cơ sở giam giữ của Việt Nam cho nước tiếp nhận để tiếp tục chấp hành án tại nước đó”. Đề xuất này góp phần làm rõ các khái niệm, thuật ngữ quan trọng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật THAHS nhằm đảm bảo tính khoa học của một đạo luật hiện đại.
Hai là, bổ sung nội dung của Điều 8 về hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự
Chúng tôi cho rằng, tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoạt động hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài. Do vậy, hoạt động này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Về phương diện pháp lý, cam kết này này lần đầu tiên được long trọng hiến định tại Điều 12 của Hiến pháp năm 2013 rằng, “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Chính vì vậy, bổ sung cam kết này vào Điều 8 của Luật THAHS về hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự là rất cần thiết nhằm tiếp tục khẳng định và cụ thể hoá cam kết này trong Hiến pháp năm 2013. Từ phân tích trên, chúng tôi đề xuất thêm cụm từ “và điều ước quốc tế quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Mặt khác, chúng tôi đề xuất bỏ cụm từ “các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế”. Bởi lẽ, về phương diện pháp lý quốc tế, không có văn kiện hay điều ước quốc tế nào quy định thế nào là “nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế” và nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế bao gồm những nguyên tắc nào? Hai cơ sở pháp lý thường được sử dụng để viện dẫn về nguyên tắc của luật quốc tế là Hiến chương liên Hợp quốc và Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc cũng chỉ sử dụng thuật ngữ “các nguyên tắc của luật quốc tế” mà không sử dụng thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế”. Trên thực tế, thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế” được sử dụng trong khoa học pháp lý và ngoại giao, theo đó luật quốc tế gồm 7 nguyên tắc: bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; cấm sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực; hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế; không can thiệp vào công việc nội bộ; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; quyền dân tộc tự quyết và nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda).
Từ phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 8 của Luật THAHS có nội dung như sau:“Hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự giữa cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp và điều ước quốc tế quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Ba là, bổ sung điểm a khoản Điều 41 về quy trình tiếp nhận và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài.
Chúng tôi cho rằng, về quy trình, thủ tục tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài được quy định rất cụ thể tại Luật TTTP và chi tiết hoá bởi Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù. Trong khi đó, Luật THAHS chỉ dành 01 điều (Điều 41) quy định về vấn đề này nên thiếu cụ thể để thực hiện. Do vậy, chúng tôi đề nghị, cần có quy định dẫn chiếu thủ tục tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đến Luật TTTP, cụ thể:
“Điều 41. Thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù
1. Thi hành quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án:
a) Trình tự, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007.
b) Khi có quyết định thi hành quyết định tiếp nhận chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam để chấp hành án, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp tổ chức tiếp nhận và bàn giao người bị kết án cho trại giam theo quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
c) Chế độ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, xem xét giảm án, tha tù, đặc xá, đại xá người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài:
a) Khi nhận được quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, trại giam có trách nhiệm bàn giao phạm nhân cho Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Việc bàn giao phải được lập biên bản, lưu hồ sơ;
b) Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ áp giải người được chuyển giao đến địa điểm và vào thời gian do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước yêu cầu chuyển giao thỏa thuận trước bằng văn bản”.
CHÚ THÍCH
[1] Bộ luật Hình sự quy định một số nội dung liên quan đến hoạt động chuyển giao người bị kết án phạt tù như: Xác định tội phạm, hình phạt mà người được yêu cầu chuyển giao đã thực hiện là một trong các điều kiện xem xét, quyết định chuyển giao, cách tính hình phạt, chuyển đổi hình phạt cho người bị kết án phạt tù để tiếp tục thi hành sau khi chuyển giao…
[2] Điểm a, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[3] Luật số 56/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 26/6/2014 đã bổ sung Khoản 2 Điều 13 về “Người có quốc tịch Việt Nam. Theo đó, người có quốc tịch Việt Nam gồm: (i) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam; (ii) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
[4] Điều 8 của Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT BCA-BTP-BNG-TANDC-VKSNDTC ngày 22/02/2013 về việc hướng dẫn tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù (sau đây viết tắt là Thông tư 01/2013).
[5] Điểm b, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[6] Điểm c, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[7] Điểm d, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[8] Khoản 6, Điều 3 Thông tư 01/2013.
[9] Điểm đ, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[10] Điểm e, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[11] Điểm g, khoản 1, Điều 50 Luật TTTP năm 2007.
[12] Theo Nghị định thư bổ sung Công ước của Hội đồng châu Âu về chuyển giao người bị kết án ngày 18/12/1997 thì việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù không nhất thiết phải có sự đồng ý của người được chuyển giao trong hai trường hợp: (1) nếu có lệnh trục xuất có hiệu lực đối với người đang chấp hành án phạt tù của nước kết án, người bị kết án sẽ bị chuyển giao về quốc gia gốc; (2) nếu người bị kết án bỏ trốn từ quốc gia bị kết án đến quốc gia gốc để lẩn tránh việc thi hành hình phạt đã tuyên đối với họ, quốc gia gốc phải thi hành hình phạt thay mặt quốc gia kết án.
[13] Khoản 2 Điều 50 của Luật TTTP năm 2007.
[14] Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[15] Văn bản này phải có các nội dung sau đây: a) Ngày, tháng, năm và địa điểm lập văn bản; b) Lý do yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; c) Tên, địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; d) Tên, địa chỉ của cơ quan được yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; đ) Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nơi thường trú cuối cùng, các căn cứ pháp lý về việc người được yêu cầu chuyển giao đủ tư cách pháp lý để chuyển giao và các thông tin cần thiết khác về người được yêu cầu chuyển giao.
[16] Điều 53 Luật TTTP năm 2007.
[17] Xem cụ thể về chuyển đổi hình phạt tại Điều 19 Thông tư liên tịch 01/2013/ TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC.
[18] Xem thêm Điều 20 Thông tư liên tịch 01/2013/ TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC.
[19] Điều 20 Thông tư liên tịch 01/2013/ TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC.
[20] Xem thêm Điều 22 Thông tư liên tịch 01/2013/ TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC.
[21] Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, Hội đồng xét xử có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm (Xem Điều 185 và Điều 244 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).
[22] Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án (Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).
[23] Điều 57 Luật TTTP năm 2007.
[24] Điều 59 Luật TTTP năm 2007.
[25] Điều 60 Luật TTTP năm 2007.
[26] Cụ thể, theo các báo cáo Hoạt động tương trợ tư pháp của của Bộ Tư pháp thì từ tháng 7/2008 đến 30/9/2012 Việt Nam chuyển giao cho nước ngoài 04 trường hợp (02 quốc tịch Anh, 01 quốc tịch Pháp, 01 quốc tịch Hàn Quốc và tiếp nhận về Việt Nam 03 trường hợp từ Anh; năm 2013 chuyển giao cho nước ngoài 03 trường hợp (02 quốc tịch Lào, 01 quốc tịch Anh) và tiếp nhận về Việt Nam 06 trường hợp từ Anh; năm 2014 chuyển giao cho nước ngoài 02 trường hợp (01 quốc tịch Hàn Quốc, 01 quốc tịch Anh và tiếp nhận về Việt nam 03 trường hợp (01 từ Anh, 01 từ Séc và 01 từ Lào); năm 2015 chuyển giao 02 trường hợp (quốc tịch Hàn Quốc) và tiếp nhận về Việt Nam 02 trường hợp từ Hàn Quốc; năm 2016 chuyển giao 08 trường hợp và tiếp nhận về Việt Nam 01 trường hợp từ Hàn Quốc).
- Tác giả: Ngô Hữu Phước
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(118)/2018 – 2018, Trang 69-80
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý