Về sự thiếu thống nhất của các quy định “Đình chỉ” và “Tạm đình chỉ” trong các Văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam và kiến nghị
Tác giả: TS. Thái Thị Tuyết Dung*
TÓM TẮT
Thuật ngữ “đình chỉ” và “tạm đình chỉ” được sử dụng rất phổ biến trong các văn bản pháp luật Việt Nam, tuy nhiên cách hiểu các thuật ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau trong các văn bản pháp luật ở nước ta nên dẫn đến việc hiểu nội dung của các văn bản không được chính xác, và hệ lụy của việc hiểu không chính xác này sẽ gây nên việc triển khai thực hiện không đúng mệnh lệnh mà các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đến hoạt động áp dụng pháp luật cũng như thực hiện pháp luật trong thực tiễn. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần xác định thống nhất một cách hiểu trong các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bài viết này tập trung phân tích thực tiễn pháp luật Việt Nam trong việc sử dụng các thuật ngữ này và đưa ra một số kiến nghị.
Xem thêm:
- Một số ý kiến về hoạt động ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – ThS. Nguyễn Thị Ngọc Mai
- Bàn về ngoại lệ của quy định trong Văn bản quy phạm pháp luật – TS. Trần Thị Thu Phương
- Bàn về thời điểm có hiệu lực của Văn bản quy phạm pháp luật thông qua một vụ án cụ thể – TS. Cao Vũ Minh & TS. Lê Quang Hào
- Nội dung, tính chất của hình thức nghị định trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 – TS. Cao Vũ Minh
- [SO SÁNH] Phân biệt văn bản quy phạm với Văn bản áp dụng pháp luật – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
TỪ KHÓA: Văn bản pháp luật, Quy phạm pháp luật, Luật Ban hành VBQPPL, Tạp chí Khoa học pháp lý
Hiện nay, thuật ngữ “đình chỉ” và“tạm đình chỉ”được sử dụng rất phổ biến trong các văn bản pháp luật Việt Nam và thường được viện dẫn qua lại giữa các văn bản với nhau. Tuy nhiên, qua khảo sát một số luật đang có hiệu lực, trong tất cả các luật này đều xuất hiện những thuật ngữ như đình chỉ, tạm đình chỉ nhưng cách hiểu thì không thống nhất. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đến hoạt động áp dụng pháp luật cũng như thực hiện pháp luật trong thực tiễn. Hơn nữa, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Việc hiểu không chính xác, không đúng thuật ngữ pháp lý sẽ ảnh hưởng đến nội dung bản dịch của văn bản đó sang tiếng nước ngoài và chắc chắn sẽ gây nhầm lẫn trong việc áp dụng và thực hiện. Bài viết này phân tích những điểm không thống nhất về các thuật ngữ này và một số kiến nghị.
1. Cách hiểu hiện nay về các thuật ngữ “đình chỉ”, “tạm đình chỉ”trong các văn bản pháp luật
Từ điển Tiếng Việt xác định: đình chỉ là ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại[1] .Thuật ngữ “đình chỉ” xuất phát từ từ đìnhtức là gián đoạn, ngưng một thời gian về một vấn đề. Từ đìnhnày cũng đã được ghép với một số từ như đình công, đình chiến, đình bản, đình trệ… nói lên nghĩa ngưng một hoạt động nào đó, không đồng nghĩa với chấm dứt hoạt động hoàn toàn. Thuật ngữ tạm đình chỉchưa có xác định trong từ điển, vì bản chất của thuật ngữ này được ghép từ hai cụm từ: tạm (tạm thời) và đình chỉ.
Dưới góc độ pháp lý, thuật ngữ đình chỉ, tạm đình chỉ được ghép chung với một cụm từ để thể hiện mệnh lệnh mà chỉ các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước có thẩm quyền tiến hành áp dụng đối với một hoạt động, một hành vi, hay hiệu lực của một vấn đề nào đó. Các hình thức phổ biến là đình chỉ điều tra, đình chỉ thi hành án, đình chỉ hoạt động của một chủ thể, tạm đình chỉ công tác, tạm đình chỉ hoạt động…, kết quả của việc áp dụng các hình thức này thường là hậu quả pháp lý bất lợi mà các chủ thể vi phạm phải gánh chịu.
Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đã xác định các thuật ngữ này theo nhiều cách hiểu sau:
1.1. Đình chỉ là chấm dứt
Hầu hết các văn bản liên quan đến hoạt động tố tụng như Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Luật Tố tụng hành chính 2010, Luật Thi hành án hình sự 2010, Luật Thi hành án dân sự 2008 đều xác định đình chỉ là chấm dứt, là hủy bỏ, bãi bỏ một hoạt động nào đó. Cụ thể: đình chỉ vụ án, đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ xét xửđược xác định là chấm dứt hoạt động tố tụng[2] ; đình chỉ điều tra là việc cơ quan điều tra chấm dứttoàn bộ hoạt động điều tra đối với vụ án hình sự[3] , đình chỉ thi hành án chỉ là làmchấm dứtmột quan hệ pháp luật thi hành án mà không làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được ấn định trong bản án, quyết định[4] .
Ngoài ra Điều 310, Điều 311 Luật Thương mại 2005 cũng xác định hợp đồng bị đình chỉ thực hiệnthì hợp đồng chấm dứttừ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Cách hiểu đình chỉ là chấm dứt không những được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn được thừa nhận trong một số bài viết đăng trên các tạp chí[5] , trang thông tin điện tử[6] .
1.2. Đình chỉ là ngưng
Hầu hết các văn bản không liên quan đến hoạt động tố tụng đều quy định đình chỉlà ngưngthực hiện, ngưng hoạt động trong một lĩnh vực nào đó. Cụ thể:
– Toàn bộ nội dung Luật Xây dựng 2003 chỉ sử dụng các hình thức liên quan đến thuật ngữ đình chỉ như: đình chỉxây dựng, đình chỉthực hiện, đình chỉviệc lựa chọn nhà thầu với nghĩa là ngưng, sau đó sẽ áp dụng các thuật ngữ hủy bỏ, chấm dứt hoặc thu hồi để xác định một hoạt động hay một hành vi sẽ chấm dứt; luật này không xác định hình thức tạm đình chỉ.
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 xác định đình chỉ bằng bảo hộ là ngưng hiệu lực, sau đó nếu đáp ứng được các yêu cầu thì phục hồi hiệu lực, hủy bỏ mới là chấm dứt hiệu lực (Điều 170, Điều 171).
– Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định về hậu quả pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật bị đình chỉthi hành là ngưng hiệu lựccho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ thì văn bản hết hiệu lực, nếu không hủy bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực (Điều 80), ví dụ: ngày 10/02/2014 Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định đình chỉ thi hành Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Châu Đốc[7] , hậu quả là Nghị quyết này sẽ ngưng hiệu lực, sau đó đề nghị HĐND tỉnh hủy bỏ, bãi bỏ thì Nghị quyết trên mới chấm dứt hiệu lực, nếu HĐND tỉnh không bãi bỏ, hay hủy bỏ thì Quyết định trên tiếp tục có hiệu lực.
Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cụ thể hơn, đó là hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạnđược xác định là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành (khoản 2 Điều 25).
Các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính cũng xác định đình chỉ làngưngnhư: Nghị định số 121/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sởxác địnhđình chỉ hoạt động và đình chỉ thi công làngưng hoạt động hoặc thi công, còn khithu hồi hoặctuyên hủy mới chấm dứt. Hoặc Nghị định số 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 1 đến 3 tháng (Điều 3). Hoặc Nghị định số 96/2012/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và Thông tư số 12/2013/TT – BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành cũng quy định đình chỉlà ngưng thực hiện hoặcngưng hoạt động.
1.3. Tạm đình chỉ là ngưng
Trong các văn bản liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đều xác định các hình thức tạm đình chỉgiải quyết vụ án hoặc vụ việc dân sự, tạm đình chỉchấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉvụ án, tạm đình chỉđiều tra, tạm đình chỉthi hành bản án[8] , quyết định của tòa án, tạm đình chỉviệc thi hành quyết định sa thải người lao động[9] chính là ngưng thực hiện, ngưng hiệu lựcmột thời gian.
Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 xác định hình thức tạm đình chỉ việc thi hànhquyết định (Khoản 2 Điều 15) là ngưngthi hành quyết định, tạm đình chỉ công táclà ngưngcông tác chứ không phải chấm dứt công tác. Luật Công chứng 2007 cũng quy định tạm đình chỉhành nghề công chứng là ngưng, còn miễn nhiệm thì mới là chấm dứt, không có hình thức đình chỉ.
Một số nghị định cũng xác định tạm đình chỉhoạt động là ngưng hoạt độngnhư Nghị định số 08/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hoặc Điều 37 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
1.4. Đình chỉ và tạm đình chỉ cùng sử dụng trong cùng một văn bản nhưng không phân biệt sự khác nhau, cùng có nghĩa là ngưng hoạt động, ngưng hiệu lực
Đây là trường hợp xuất hiện khá nhiều trong các văn bản pháp luật của nước ta, hai thuật ngữ này cùng xuất hiện trong một văn bản nhưng không thể xác định chính xác nội hàm như thế nào, cụ thể:
Trong Luật Chứng khoán 2006 xuất hiện cùng lúc nhiều thuật ngữ có liên quan với nhau như đình chỉ, tạm đình chỉ, tạm ngừng, tạm ngưng, cụ thể: tạm đình chỉ hoạt động giao dịch, tạm ngừng, đình chỉhoặc hủy bỏ giao dịch chứng khoán, đình chỉ, thu hồiGiấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉviệc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, tạm ngừng hoạt động kinh doanh… Nội dung của các thuật ngữ trên đều có nghĩa là ngưng hoặc gián đoạn hoạt động, vì trong văn bản này quy định thu hồi, hủy bỏ mới chấm dứt hiệu lực hoặc hoạt động.
Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản như Nghị định số 30/2012/NĐ-CP, Nghị định số 72/2010/NĐ-CP, Nghị định số 52/2008/NĐ-CP, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP cùng một lúc xác định hình thức đình chỉ và tạm đình chỉ trong văn bản nhưng nội dung thì đều là ngưng thực hiện hoặc ngưng hoạt động.
Trong Luật Tổ chức Chính phủ 2001, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Luật Giáo dục 2005, Luật Thanh tra 2010 quy định vừa có hình thức đình chỉthi hành quyết định, vừa có hình thức tạm đình chỉthi hành quyết định nhưng nghĩa của hai thuật ngữ trong luật này là như nhau.Còn trong Luật các Tổ chức tín dụng 2010 thì bên cạnh việc sử dụng lẫn lộn hai thuật ngữ trên, có thêm các biện pháp thu hồi. Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 thì quy định: tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND, rất khó xác định chính xác hậu quả pháp lý của các biện pháp này được áp dụng.
1.5. Các văn bản chỉ dùng thuật ngữ “tạm đình chỉ” mà không dùng thuật ngữ “đình chỉ”:như trong Luật Cán bộ công chức 2009, Luật Viên chức 2010 chỉ quy định hình thức “tạm đình chỉ”công tác mà không có hình thức “đình chỉ”công tác.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ. Nếu công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật thì chỉ có hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc chứ không có hình thức đình chỉ công tác[10] .
1.6. Các thuật ngữ liên quan khác
Tạm thời đình chỉ được quy định trong Luật Đất đai (Điều 20 quy định chủ thể có thẩm quyền có quyền tạm thời đình chỉ việc sử dụng phần đất sử dụng không đúng pháp luật), Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định hình thức này. Thuật ngữ này cũng có nghĩa giống như tạm đình chỉ hoặc đình chỉ, tức là ngưng, tạm dừng hoạt động hay thực hiện.
Tạm ngừngthực hiệnđược quy định ở Điều 308 Luật Thương mại 2005, trong đó xác định tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiệnnghĩa vụ trong hợp đồng. Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về hình thức tạm ngừngkinh doanh (Điều 156). Hình thức tạm ngừngnày thường được các chủ thể chủ động áp dụng biện pháp với chính mình, chứ không phải biện pháp từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoãnthi hành, hoãn thực hiện, hoãn hoạt động là thuật ngữ chỉ việc chuyển thời điểm thực hiện sang một thời điểm khác muộn hơn. Thuật ngữ này khác hoàn toàn với thuật ngữ đình chỉ về trách nhiệm pháp lý và hậu quả pháp lý.
2. Nhận xét
Với phân tích và liệt kê như trên, thuật ngữ đình chỉtrong mỗi văn bản khác nhau có nghĩa hoàn toàn khác nhau, và hậu quả pháp lý cũng khác nhau vì lúc thì ngưng thực hiện (ngưng hoạt động), lúc thì chấm dứt thực hiện hoặc hoạt động. Thực tế đã có nhiều trường hợp hiểu hình thức đình chỉ thi hành án là ngưng thi hành án chứ không phải chấm dứt thi hành án như pháp luật quy định. Ngược lại, cũng nhiều trường hợp hiểu đình chỉ thi côngtrong lĩnh vực xây dựng là chấm dứt thi công chứ không phải là ngưng thi công hay đình chỉ thi hành văn bản là chấm dứt hiệu lực của văn bản chứ không phải ngưng hiệu lực để xem xét. Nhiều trường hợp, có sự sử dụng nhầm lẫn giữa các thuật ngữ trên với nhau ngay cả ở cơ quan có thẩm quyền soạn thảo ra các văn bản quy phạm pháp luật.
Thuật ngữ “tạm đình chỉ” thì cũng có nghĩa là ngưng. Tuy nhiên, khi thuật ngữ này tồn tại song song với thuật ngữ đình chỉthì có lúc hai thuật ngữ này có nghĩa hoàn toàn khác nhau, có lúc thì hai thuật ngữ này lại có nghĩa giống nhau. Nhiều trường hợp thuật ngữ này tồn tại độc lập, không đi kèm với thuật ngữ đình chỉ thì có nghĩa là ngưng, là gián đoạn một hoạt động, một hành vi nào đó.
Khi viết bài này, tác giả đã thực hiện một số cuộc khảo sát cũng như phỏng vấn về thuật ngữ “đình chỉ”và “tạm đình”chỉ đối với hai nhóm chủ thể là những người đã từng học luật và chưa học luật, kết quả như sau:
(1) Hầu hết những người học luật cho rằng:
Đình chỉ vụ án, đình chỉ thi hành văn bản, đình chỉ hoạt động của một doanh nghiệp… là chấm dứt. Còn việc hủy bỏ, bãi bỏ, thu hồi cũng chấm dứt hiệu lực hoặc việc thực hiện một vấn đề gì đó.
Tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ thi hành văn bản, đình chỉ hoạt động của một doanh nghiệp… là ngưng một thời gian, sau đó sự việc liên quan có thể có hiệu lực trở lại hoặc sẽ xử lý theo hướng chấm dứt.
(2) Hầu hết những người không học luật đều cho rằng đình chỉ vụ án, đình chỉ thi hành văn bản, đình chỉ hoạt động của một doanh nghiệp… là ngưng, là hoãn; còn khi nào hủy bỏ, bãi bỏ, thu hồi mới chấm dứt hiệu lực hoặc thực hiện. Còn tạm đình chỉ thi hành hay hoạt động cũng là tạm ngưng.
Chính vì nhiều cách hiểu về cùng một thuật ngữ khác nhau như trên nên khi dịch các văn bản quy phạm pháp luật, như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự của Việt Nam sang tiếng Anh, từ đình chỉ thường dịch làstop, còn tạm đình chỉ làsuspend[11] . Trong khi đó, bảng dịch tiếng Anh của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 (đã hết hiệu lực) thì dịch đình chỉlà suspend, tạm đình chỉlà temporarily suspend; còn bảng dịch tiếng Anh của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012[12] thì lại xác định đình chỉ có trường hợp làstop, có trường hợp làsuspend, tạm đình chỉcó trường hợplà suspend, có trường hợp làtemporarily suspend. Một số văn bản khác thì dịch đình chỉ là suspend[13] (ngưng), khi nào bị thu hồi, bãi bỏ, hủy bỏ thì mới chấm dứt.
Đối chiếu với từ điển Oxford[14] thì đình chỉ là suspendvới nghĩa là việc dừng có thời hạn hoặc ngưng một hoạt động nào đó mang tính tạm thời hoặc trì hoãn một việc trong một khoảng thời gian, còn chấm dứt một hoạt động nào đó thì sử dụng thuật ngữ “terminate”. Nên việc dịch thuật ngữ đình chỉ sang tiếng Anh là stop hoặcterminatelà chưa chính xác về nghĩa được xác định trong từ điển, nhưng lại chính xác với nội dung trong một số văn bản được dịch. Điều này thể hiện người dịch văn bản cố gắng hiểu nghĩa của thuật ngữ đình chỉ theo tiếng Việt trong bối cảnh của từng loại văn bản, sau đó tìm từ cho phù hợp với nội dung thể hiện. Vì vậy, nếu người dịch các văn bản pháp luật Việt Nam sang tiếng nước ngoài (không chỉ tiếng Anh) mà không có chuyên môn về pháp luật thì khả năng dịch đình chỉ trong tất cả văn bản đều là ngưng, tạm đình chỉ cũng là tạm ngưng. Còn nếu người dịch có chuyên môn pháp luật thì khả năng rất cao bản dịch cùng một thuật ngữ là đình chỉ thì trong các văn bản khác nhau sẽ có thuật ngữ khác nhau.
Như vậy, việc xác định thuật ngữ đình chỉ có nghĩa là chấm dứt, tạm đình chỉ có nghĩa là ngưng là chưa phù hợp với nghĩa của các từ này trong Từ điển Tiếng Việt. Việc quy định gây nhầm lẫn như trên sẽ dẫn đến hiểu không chính xác nội dung của các văn bản và hệ lụy của việc hiểu không chính xác này sẽ là việc triển khai thực hiện không đúng các mệnh lệnh mà các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần xác định thống nhất một cách hiểu trong các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
3. Kiến nghị
Với thực tiễn áp dụng các thuật ngữ như trên, đã đến lúc chúng ta cần thống nhất xác định nghĩa của thuật ngữ đình chỉ và tạm đình chỉ trong các văn bản pháp luật Việt Nam để đảm bảo việc hiểu đúng, áp dụng đúng. Vì vậy, tác giả kiến nghị các giải pháp sau:
– Cần xác định rõ trong các văn bản thuật ngữ đình chỉcó nghĩa là ngưng, là tạm dừng thực hiện hoặc dừng hoạt động, sau đó sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo như chấm dứt, thu hồi, hủy bỏ, bãi bỏ. Còn thuật ngữ tạm đình chỉcũng chỉ có nghĩa là tạm ngưng nên không phải đưa thuật ngữ này trong các văn bản nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn về hậu quả pháp lý.
– Tuy nhiên, vì tính lịch sử và tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến hoạt động tố tụng như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, trước mắt chỉ nên công nhận sự khác biệt của thuật ngữ đình chỉ và tạm đình chỉ đang được ghi nhận trong các văn bản này; còn các văn bản điều chỉnh nội dung trong các lĩnh vực khác cần thống nhất sử dụng thuật ngữ đình chỉ là ngưng, là dừng thực hiện, hoạt động một vấn đề nào đó, không sử dụng thuật ngữ đình chỉ là chấm dứt mà cần sử dụng các thuật ngữ thay thế như thu hồi, bãi bỏ, hủy bỏ, chấm dứt.
– Trong tương lai, Quốc hội khi ban hành các văn bản mới cần quan tâm đến các thuật ngữ này để có một cách sử dụng thống nhất, đồng bộ trong các văn bản vì đây là các thuật ngữ phổ biến trong nhiều văn bản chứ không phải là đặc thù của từng loại văn bản nào nên không thể có nhiều cách hiểu khác nhau.
CHÚ THÍCH
*TS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Từ điển Tiếng Việt, 1992, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, tr. 330.
[2] Xem Điều 169 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 121 Luật Tố tụng hành chính.
[3] Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[4] Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
[5] Xem bài viết “Quy định về “đình chỉ” trong Bộ luật Tố tụng dân sự”của Tống Công Cường, Tạp chí khoa học pháp lý, số 4(41)/2007.
[6] Xem Đình chỉ thi hành án đăng trên
http://www.moj.gov.vn/ThiHanhAn/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=370.
[7] http://congbao.angiang.gov.vn/tmp/doc_886.doc.
[8] Điều 276 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Điều 118 Luật Tố tụng hành chính 2010.
[9] Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[10] Điều 81 Luật Cán bộ công chức 2009 và Điều 54 Luật Viên chức 2010.
[11] Xem nội dung bản dịch tiếng anh của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 192 và Điều 107 http://www.moj.gov.vn/vbpq/en/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=7842.
[12] Bản dịch trên www.vanbanluat.vn.
[13] Xem nội dung bản dịch tiếng anh của Luật Ban hành văn bản QPPL 2008tại Điều 80 http://www.moj.gov.vn/vbpq/en/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=10500.
[14] .http://www.oxforddictionaries.com/definition/english/suspend?q=suspend.
- Tác giả: Thái Thị Tuyết Dung*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2014 (83)/2014 – 2014, Trang 9-13
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời