Mục lục
Giải quyết tranh chấp biển đảo giữa El Salvador và Honduras tại Tòa án Công lí quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Bá Diến & Nguyễn Hùng Cường & Đinh Phạm Văn Minh
Tóm tắt:
Ngày 11/12/1986, Honduras và El Salvador đã đệ trình lên Tòa án Công lí quốc tế (ICJ) một bản sao Thỏa thuận đặc biệt đề nghị tòa giải quyết tranh chấp của các bên đối với khu vực đất liền và trên biển. Vụ việc đã được ICJ giải quyết bằng Phán quyết cuối cùng ngày 11/9/1992, qua đó, làm sáng rõ về quy chế pháp lí của vịnh lịch sử và việc áp dụng nguyên tắc chiếm hữu thực sự và nguyên tắc uti possidetis, từ đó rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo và phân định biển, cũng như việc sử dụng chứng cứ và việc can dự tại ICJ.
Xem thêm bài viết về “Giải quyết tranh chấp”
- Từ vụ kiện Apple Inc. làm chậm iPhone ở Việt Nam – Bàn về xu hướng khởi kiện tập thể trong giải quyết tranh chấp tiêu dùng – TS. Phan Thị Thanh Thủy
- Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán chung cư ở Việt Nam từ quan điểm bảo vệ người tiêu dùng – TS. Phan Thị Thanh Thủy
- Cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển theo Công ước Luật Biển 1982 – GS.TS. Nguyễn Bá Diến & TS. Nguyễn Hùng Cường
- Về một số vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Đánh giá quy định pháp luật hiện hành về hòa giải viên thương mại ở Việt Nam – ThS. Lê Hương Giang
1. Giới thiệu
Vụ tranh chấp biên giới đất liền, chủ quyền đối với đảo và phân định biển giữa El Salvador và Honduras, Nicaragua can dự do Tòa án Công lí quốc tế (ICJ) thụ lí và xét xử từ năm 1986 đến năm 1992 được xem như một trong những án lệ
điển hình về giải quyết tranh chấp biển đảo. Đây là một vụ việc hết sức phức tạp, bao gồm nhiều bên tranh chấp và nhiều loại tranh chấp: chủ quyền đối với đất liền, chủ quyền đối với đảo và phân định vùng vịnh lịch sử. Về tầm quan trọng của án lệ trong hoạt động của ICJ nói riêng và các thiết chế tài phán quốc tế nói chung, đã từng được giới chuyên gia trong luật quốc tế khẳng định rộng rãi [1]. Án lệ nêu trên có nhiều điểm tương đồng với tranh chấp ở Biển Đông. Do đó, việc nghiên cứu vụ kiện giữa El Salvado và Hondurat có ý nghĩa tham chiếu cần thiết cho Việt Nam cũng như các bên hữu quan trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Tranh chấp giữa Honduras và El Salvador bắt đầu bằng tranh chấp chủ quyền trên các đảo trong khu vực Vịnh Fonseca diễn ra vào năm 1854. Đến năm 1969, “sự cố” ở các khu vực biên giới đất liền làm cho quan hệ giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng, trở thành tranh chấp vũ trang. Quá trình hòa giải bắt đầu vào năm 1978, kết quả ngày 30/10/1980 hai quốc gia đã kí kết với nhau một điều ước quốc tế có tên Hiệp ước chung về hòa bình, trong đó các bên xác định các phần đường biên giới trên đất liền giữa hai quốc gia đã thỏa thuận được. Ngoài ra, Hiệp ước còn quy định thành lập một Ủy ban Biên giới chung có chức năng phân định biên giới trong sáu khu vực đất liền chưa phân định được, xác định tình trạng pháp lí của các đảo và không gian biển Vịnh Fonseca. Hiệp định quy định nếu trong vòng 5 năm tất cả khu vực trên không được các bên giải quyết thông qua thỏa thuận thì trong vòng 6 tháng kể từ ngày hết thời hạn các bên sẽ kí kết với nhau một thỏa thuận gửi các khu vực tranh chấp chưa giải quyết được ra Tòa án Công lí quốc tế của Liên Hợp quốc (ICJ) để phân xử.
Kết quả Ủy ban Biên giới chung không hoàn thành việc phân định trong thời gian được ấn định, ngày 24/5/1986 tại Guatemala các bên đã đàm phán và kí kết với nhau một thỏa thuận đặc biệt bằng tiếng Tây Ban Nha có tựa đề “Compromiso entre Honduras y El Salvador para someter a la decision de la Corte Internacional de Justicia la controversia fronteriza terrestre, insular y maritima existente entre los dos estados, suscrito en la ciudad de esquipulas, Republica de Guatemala, el dia 24 de ma yo de 1986’” (Tạm dịch: Cam kết giữa Honduras và El Salvador đệ trình đến ICJ giải quyết tranh chấp biên giới đất liền, hải đảo và khu vực biển), theo đó các bên đồng ý đệ trình các vấn đề còn tranh chấp đến một Ban xét xử (Chamber) được thành lập theo Quy chế của ICJ (Statute of Court) để phân xử, Thỏa thuận đặc biệt này có hiệu lực vào ngày 01/10/1986. Đến ngày 11/12/1986, Bộ trưởng Ngoại giao của Honduras và El Salvador chuyển cho Cơ quan thư kí ICJ một bản sao Cam kết nói trên đệ trình 3 vấn đề cần phân xử gồm:
(1) Hoạch định đường biên giới tại sáu khu vực biên giới đất liền;
(2) Xác định chế độ pháp lí (legal situation) của các đảo ở Vịnh Fonseca;
(3) Xác định chế độ pháp lí (legal situation) của không gian biển bên trong và bên ngoài Vịnh Fonseca.
Thỏa thuận đặc biệt cũng đề nghị thành lập một Ban xét xử gồm (tòa) gồm ba thẩm phán là thành viên của ICJ và hai thẩm phán ad-hoc sẽ được các Bên chỉ định. ICJ đã tiến hành thủ tục thành lập một Ban xét xử (tòa) để giải quyết tranh chấp, theo đó ICJ đã tư vấn cho các bên thủ tục thành lập tòa theo Khoản 2 Điều 26 Quy chế của ICJ và Điều 17 Bộ Quy tắc của ICJ (Rules of Court). Ngày 13/12/1989, ICJ ra quyết định về thành phần của tòa bao gồm 5 thẩm phán: thẩm phán Sette Camara – Chủ tịch Tòa , các thẩm phán Oda và Robert Jennings, các thẩm phán ad-hoc Nicolas Valticos và Torres Bernárdez. Thỏa thuận đặc biệt cũng đề nghị nguồn luật mà Ban xét xử áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp theo Điều 38 Quy chế của ICJ1 [2] và Hiệp ước Chung về Hòa bình 1980.
Vì phạm vi có hạn, bài viết này chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề liên quan đến nội dung (2) và (3) là: xác định chủ quyền các đảo và tình trạng pháp lí của không gian biển bên trong và bên ngoài Vịnh Fonseca [3, 4] và từ đó liên hệ đến trường hợp của Việt Nam ở Biển Đông.
Xem thêm bài viết về “Tranh chấp Biển Đông”
- Cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển theo Công ước Luật Biển 1982 – GS.TS. Nguyễn Bá Diến & TS. Nguyễn Hùng Cường
- Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa – GS.TS. Nguyễn Bá Diến
- Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc – TS. Nguyễn Tiến Vinh
- Việc xác lập và thực thi chủ quyền trên hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Việt Nam giai đoạn từ sau Hiệp ước Pa-tơ-nôt (1884) đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 – GS.TS. Nguyễn Bá Diến
- Vai trò chính sách, pháp luật các quốc gia trong hoạt động khai thác, sử dụng Biển Đông – TS. Đỗ Đức Minh & ThS. Quách Thị Huệ
2. Phán quyết của ICJ ngày 11/9/1992 về nội dung của vụ việc
2.1. Xác định chủ quyền đối với các đảo El Tigre, Meanguera và Meanguerita
Tòa cho rằng mặc dù có thẩm quyền để xác định tình trạng pháp lí của tất cả các hòn đảo trên Vịnh, nhưng tòa sẽ chỉ đưa ra phán quyết đối với những đảo mà hai bên tranh chấp yêu cầu, bao gồm: El Tigre, Meanguera và Meanguerita; đồng thời bác bỏ tuyên bố của Honduras rằng không có tranh chấp thực sự trên đảo El Tigre.
Về vấn đề xác định nguyên tắc luật quốc tế áp dụng cho giải quyết tranh chấp, Honduras cho rằng căn cứ Điều 26 Hiệp ước chung về hòa bình, thì nguyên tắc pháp luật duy nhất được áp dụng để giải quyết tranh chấp là uti possidetis juris. Còn El Salvador thì cho rằng tòa nên kết hợp cả hai nguyên tắc là uti possidetis juris và các nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại khi giải quyết tranh chấp như thụ đắc lãnh thổ thông qua hiệu lực thực thi chủ quyền của các đảo hay thông qua các danh nghĩa lịch sử3.
Tòa thấy rằng, điểm xuất phát cho vấn đề xác định chủ quyền của các đảo phải là nguyên tắc uti possidetis juris, tính từ năm 1821. Bởi lẽ, trong thời kì các quốc gia là thuộc địa, các đảo của Vịnh đã thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha vì các đảo này là lãnh thổ vô chủ, nên sau khi Honduras và El Salvador giành được độc lập, chủ quyền đối với các đảo không giành được thông qua sự chiếm đóng mà là thông qua thừa kế của quốc gia độc lập. Tòa tiến hành xác định dựa vào cấu trúc địa lí vào năm 1821 (thời điểm các quốc gia giành được độc lập từ Tây Ban Nha)4 thuộc về đơn vị hành chính nào của Tây Ban Nha, để làm việc này tòa đã căn cứ vào văn bản pháp lí và hành chính có hiệu lực thời kì thuộc địa. Tuy nhiên khi nghiên cứu vấn đề này, tòa nhận thấy, các văn bản pháp lí và hành chính không có sự xác định rõ ràng và mâu thuẫn nhau, nên không thể xác định chủ quyền của các đảo thuộc đơn vị hành chính nào của Tây Ban Nha. Vì vậy, tòa tiến hành xem xét hành vi của các quốc gia mới thành lập sau năm 1821 thông qua tuyên bố của họ đối với chủ quyền các đảo và sự phản ứng hay không phản ứng của các quốc gia khác trước tuyên bố này5 [3]. El Salvador khẳng định tất cả các đảo trong vùng Vịnh (trừ Zacate Grande) trong thời kì thuộc địa thuộc thẩm quyền của thị trấn San Miguel trong tỉnh San Salvador. Honduras khẳng định rằng các đảo là cấu thành một phần lãnh thổ của các tòa giám mục và tỉnh Honduras, Tây Ban Nha gán các đảo Meanguera và Meanguerita với tỉnh Honduras và quyền hạn của Giáo hội đối với các đảo thuộc về giáo xứ Choluteca và Guardania của Nacaome, được giao cho Giám mục thành phố Comayagua (thành phố của Honduras trong các thời kì lịch sử).
Nhiệm vụ của tòa trở nên khó khăn khi nhiều sự kiện lịch sử liên quan được các bên giải thích theo nhiều cách khác nhau để hỗ trợ cho lập luận của mình. Tòa nhận thấy không cần thiết để phân tích chi tiết hơn các lập luận vì mỗi bên cho thấy rằng họ có được chủ quyền của một số hoặc tất cả các đảo bằng áp dụng nguyên tắc uti possidetis juris, nhưng các tài liệu hiện có quá rời rạc và không rõ ràng để có thể đưa ra bất kì một kết luận chắc chắn6. Cả hai bên khẳng định một danh nghĩa thừa kế từ Tây Ban Nha nên vấn đề đặt ra liệu việc thi hành chủ quyền của một bên mà thiếu sự phản đối của bên kia có thể chứng minh sự hiện diện của một danh nghĩa uti possidetis juris trước đây, nơi mà các bằng chứng dựa trên quyền sở hữu thuộc địa không rõ ràng7.
Trong vụ việc này, tòa đã vận dụng kết hợp một cách linh hoạt hai nguyên tắc: nguyên tắc uti possidetis juris và nguyên tắc chiếm hữu thực sự (effective occupation principle). Lí giải cho việc vận dụng này, tòa đã lập luận rằng các đảo tranh chấp không phải là lãnh thổ vô chủ (terra nullius) vì vậy không thể áp dụng nguyên tắc chiếm hữu (acquisition). Chủ quyền đối với các đảo thuộc về một trong các nước thuộc vùng Vịnh, sau khi đã giành được độc lập từ Tây Ban Nha. Tuy nhiên các bằng chứng lịch sử trong thời kì thuộc địa không thể hiện rõ việc phân định chủ quyền các đảo. Do đó, trong trường hợp này, hành vi thực thi chủ quyền một cách hữu hiệu của các quốc gia (effective) được xem như bằng chứng để củng cố danh nghĩa kế thừa từ quốc gia thực dân (uti possidetis juris)8. * Về chủ quyền đối với đảo El Tigre Để xem xét chủ quyền đối với đảo El Tigre, tòa đã tiến hành việc đánh giá các sự kiện lịch sử liên quan từ năm 1833 trở đi. Tòa ghi nhận rằng Honduras vẫn chiếm giữ hòn đảo có hiệu lực kể từ năm 1849, hành vi của các Bên tham gia trong những năm sau sự tan rã của Cộng hòa liên bang Trung Mỹ là phù hợp với nhận định rằng El Tigre thuộc về Honduras. Nguyên tắc uti possidetis juris gắn liền với sự hình thành của khu vực Trung Mỹ, tòa cho rằng Honduras được hưởng hòn đảo thừa kế từ Tây Ban Nha hoặc việc thừa kế bởi Honduras đã không mâu thuẫn với bất kì quyền sở hữu thuộc địa được biết đến [5]. Mặc dù Honduras không yêu cầu xác định chủ quyền của mình đối với El Tigre nhưng Ban cho thấy rằng cần xác định tình trạng pháp lí của hòn đảo bằng cách giữa nguyên chủ quyền trên đảo thuộc về Honduras9.
* Chủ quyền đối với các đảo Meanguera và Meanguerita
Cả Honduras và El Salvador xem hai hòn đảo này như tạo thành một sự thống nhất vì Meanguerita là một hòn đảo nhỏ không phải là một bãi cạn lúc chìm lúc nổi, không có nước ngọt, được bao phủ bởi thảm thực vật, đảo không có người ở, tiếp giáp với hòn đảo lớn là Meanguera, các đặc tính này cho phép nó như là một phần phụ thuộc của Meanguera. Tòa cho rằng trong suốt quá trình biện luận, hai hòn đảo này đều được cả hai bên coi là tạo thành một thực thể mang tính đảo duy nhất. Thêm vào đó, trên thực địa Meanguerita có diện tích nhỏ bé, nằm liền kề với hòn đảo lớn hơn và thực tế là nó không có người ở. Nên tòa cho phép coi nó như là “lãnh thổ phụ thuộc” của Meanguera [5].
El Salvador đã được tòa trao chủ quyền đối với Meanguera, và do đó cũng có được chủ quyền đối với Meanguerita nhờ vào việc đã thực thi chủ quyền tốt hơn Honduras sau thời điểm giành được độc lập. Các minh chứng về việc thực thi chủ quyền của El Salvador được viện dẫn đến bao gồm: vào năm 1854 khi một công hàm ngoại giao thông báo của El Salvador thực hiện yêu cầu chủ quyền đối với đảo Meanguera và đã được công bố rộng rãi. Ngoài ra, vào các năm 1856 và 1879 qua các báo cáo chính thức của El Salvador nhằm thực hiện việc quản lí hành chính liên quan đến đảo Meanguera, đã không có bất kì tài liệu nào thể
hiện sự phản đối của Honduras liên quan đến các tài liệu này. Tòa cũng cho rằng, từ cuối thế kỷ thứ XIX sự hiện diện của El Salvador trên Meanguera đã được tăng cường mà không có sự phản đối từ Honduras. (Nhiều tài liệu khác do El Salvador cung cấp và ICJ thu thập được đã chứng minh sự quản lí Meanguera bởi El Salvador). Cụ thể, các loại hình tài liệu (chứng cứ) mà El Salvador đã đệ trình để chứng minh cho sự quản lí hữu hiệu của mình gồm10: – Sắc lệnh của cơ quan tư pháp (Appointments of Justice of the Peace) được ban hành bởi Tòa án tối cao trong các năm 1941, 1961 và 1990;
– Các lệnh/sắc lệnh quân đội (Military Appointments and/or Orders) – liên quan đến tỉnh Meanguera del Golfo được ban hành bởi chính quyền quân đội có thẩm quyền của El Salvador trong suốt giai đoạn 1918-1980 được lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia trong các năm 1930, 1931, 1936, 1982 và 1989;
– Ban hành việc cấp giấy phép (Issue of Licences) – bao gồm hai mẫu giấy phép cho cư dân Meanguera delGolfo vào các năm 1964 và 1969 và liên hệ đến các tài liệu liên quan trong các năm 1970,1981 và 1984;
– Tổ chức bầu cử (Holding of Elections) – bao gồm tài liệu liên quan đến tổ chức bầu cử ở Meanguera delGolfo trong các năm 1939, 1941, 1952, 1984 và với thông tin thêm về các sự kiện bầu cử trong năm 1988 và 1991;
– Thuế (Taxation) – bao gồm một bản sao của Công báo chính thức ngày 10/12/1919, công bố nghị định ngày 19/11/1919 về bảng giá thuế quan có hiệu lực đối với tỉnh Meanguera delGolfo, liên hệ với nhiều tài liệu tương tự trong các năm 1930, 1931, 1936, 1939, 1982 và 1989;
– Dân số quốc gia (National Censuses) – bao gồm một chứng nhận ban hành bởi Văn phòng quốc gia về thống kê và dân số của El Salvador và những thông tin cụ thể về dân số liên tục ở Meanguera từ năm 1930-1971;
– Đăng kí sinh tử (Registry of Births and Deaths) – bao gồm các bản tóm tắt của việc đăng lí ở Cục Đăng kí Bang La Union số liệu sinh tử trên đảo Meanguera trong các năm 1890, 1891, 1917, 1943, 1960 và liên hệ với những tài liệu liên quan tại Lưu trữ Quốc gia trong năm 1892-1991 (78 đơn đăng kí);
– Đăng kí đất đai (Land Registry)- bao gồm một danh mục các đơn đăng kí của hợp đồng bán đất ở đảo Meanguera trong các năm 1948, 1960, 1967 và 1986 và những tài liệu khác cùng một thời gian 1948-1989;
– Tố tụng hình sự (Criminal Proceedings) – các danh mục từ hồ sơ 5 vụ án hình sự diễn ra tại cơ quan tư pháp tỉnh Meanguera delGolfo trong năm 1930, 1931, 1945, 1955 và 1977 và liên hệ với các vụ án trong thời gian tương tự vào các năm 1924-1988;
– Tố tụng dân sự (Civil Proceedings) – bao gồm ba hoạt động tố tụng ở cơ quan tư pháp của tỉnh Meanguera delGolfo trong năm 1930 và 1943 và 1969 trước Tòa sơ thẩm của La Union liên quan tới đất đai trên đảo Meanguera và các văn bản liên quan trong các năm 1922, 1932, 1943, 1945,1987,1990 và 1991;
– Quản lí sử dụng đất (Administrative Disposition of Land) – danh mục các vụ việc hành chính của tỉnh Meanguera delGolfo trong các năm 1966 và 1967 và liên hệ với các vụ việc trong các năm 1981, 1982, 1983, 1985, 1986 và 1989;
– Dịch vụ bưu điện (Postal Services) – bao gồm giấy chứng nhận việc thành lập của Văn phòng Bưu điện của tỉnh Meanguera delGolfo, Bang La Union của Tổng Giám đốc Bưu điện chính phủ El Salvador, vào ngày 15/10/1952 và một bản sao của Công báo chính phủ công bố Nghị định về việc thành lập nàyvà các văn bản liên quan trong năm 1970-1991 tại Lưu trữ Quốc gia;
– Việc công (Public Works) – bao gồm ấn bản các tài liệu về việc truyền dẫn điện đến đảo năm 1966. Và cũng bao gồm việc xây dựng tòa nhà thành phố ở tỉnh Meanguera delGolfo năm 1967 và một báo cáo về việc tồn tại 05 trường công lập được duy trì bởi chính phủ El Salvador trên đảo và trường liên kết với Chính phủ Hoa Kỳ và một số hoạt động nhà nước tương tự;
– Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Public Health Services) – bao gồm một bản sao chứng nhận của một “Dự án sức khỏe”, được tiến hành bởi chính phủ El Salvador ở Meanguera trong năm 1964, được hoàn thiện bởi “Dự án hỗ trợ y tế” cùng năm. Và một số hành động khác tương tự được ghi nhận trong các tài liệu lưu trữ các năm 1984, 1988, 1989, 1990 và 1991;
– Giáo dục (education) – danh mục các tài liệu về việc xây trường và tuyển chọn giáo viên trong năm 1893, 1966, 1967 và cũng bao gồm các hồ sơ học thuật vào các năm 1963 và 1988; và các tài liệu lưu trữ liên quan trong năm 1988 và 1991.
Bên cạnh đó, El Salvador đã giới thiệu một nhân chứng là một người dân của hòn đảo để xác nhận vấn đề, rằng đảo Meanguara không thuộc Honduras và El Salvador đã thực hiện quyền lực nhà nước đối với Meanguera từ lâu11. Những chứng cứ nêu trên đã được tòa ghi nhận và đánh giá cao.
Mãi đến tháng 01/1991, Chính phủ Honduras mới phản đối Chính phủ El Salvador liên quan đến Meanguera thông qua công hàm ngoại giao (sau hơn 4 năm kể từ khi các bên đưa vụ việc ra ICJ giải quyết). Tòa cho rằng các phản đối của Honduras đã được thực hiện quá trễ để có thể ảnh hưởng đến các giả định về sự mặc nhận của Honduras. Mặc khác việc phản đối này của Honduras vô hình dung đã công nhận hiệu lực của sự đồng ý ngầm với hoàn cảnh trước đây. Hơn nữa, Honduras chỉ trình bày lí luận suông về sự thực thi chủ quyền hiệu quả mà không có bằng chứng về sự hiện diện trên đảo12.
2.2. Xác định chế độ pháp lí của không gian biển bên trong và bên ngoài Vịnh Fonseca
Về vấn đề vịnh lịch sử, danh nghĩa lịch sử mặc dù đã được ghi nhận tại Điều 10 và Điều 15 UNCLOS 1982, nhưng đến nay, chưa có văn bản pháp lí quốc tế nào đưa ra định nghĩa toàn diện và thống nhất đối với các khái niệm này [6]. Trong vụ việc này, tòa đã xác định tình trạng pháp lí Vịnh Fonseca là một vịnh lịch sử vì liên quan đến lịch sử hình thành, quản lí, sử dụng của các quốc gia đối với Vịnh. Đối với quy chế pháp lí của vùng biển bên trong Vịnh, tòa đã đưa ra lập luận về chủ quyền chung đối với vùng nước bên trong Vịnh, quản lí cộng đồng, quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền từ bên ngoài đến một trong các quốc gia trong Vịnh và ngược lại. Tòa cũng đã xác định quy chế pháp lí của vùng biển ngoài vùng Vịnh, theo đó đường đóng cửa vịnh tạo thành đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (của El Salvador và Nicaragua); lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế mở rộng ra hướng biển trên cơ sở pháp luật quốc tế hiện đại. Phần trung tâm của đường đóng cửa vịnh thuộc về các quốc gia vùng vịnh (El Salvador, Honduras và Nicaragua) và bất kì phân định các vùng biển có liên quan phải được thực hiện theo thỏa thuận trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Tòa đã cho phép Nicaragua được can dự vào quá trình giải quyết tranh chấp giữa El Salvador và Honduras nhưng chỉ liên quan yêu cầu xác định chế độ pháp lí của vùng biển bên trong và bên ngoài vịnh Fonseca. Đề cập đến việc khiếu nại của các bên rằng Nicaragua đã xử lí các vấn đề vượt quá giới hạn cho phép can dự, Ban đã đánh giá và kết luận rằng Nicaragua có lợi ích có thể bị ảnh hưởng trong quá trình xem xét chế độ pháp lí các vùng biển Vịnh Fonseca.
Tòa xem xét tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh Fonseca được xác định bằng việc áp dụng các quy tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm các điều khoản của Điều 2 Hiệp ước Chung về Hòa bình và Điều 5 Cam kết và tiến hành mô tả đặc điểm địa lí của vùng Vịnh, bờ biển giữa El Salvador, Honduras và Nicaragua. Trên cơ sở đó, tòa chỉ ra rằng kích thước và tỷ lệ Vịnh hiện nay phù hợp là một vịnh pháp lí theo quy định của Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958 và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), nếu đây là một vịnh thuộc một quốc gia duy nhất thì vùng biển trong đường đóng cửa Vịnh được đặt dưới chế độ nội thủy. Cả ba quốc gia đều đồng ý rằng vùng Vịnh là một vịnh lịch sử, trong thực tiễn các vùng nước như vậy đã được xác định trong vụ Nghề cá giữa Anh và Nauy ICJ đã đưa ra lập luận rằng: “vùng nước đang xem xét được xem là vùng nội thủy, nhưng vùng nước này sẽ không được xem nội thủy nếu thiếu một danh nghĩa lịch sử”; trong vụ Thềm lục địa Tuy-ni-di/ Libyan Arab Jamahiriya ICJ đã đưa ra lập luận rằng: “pháp luật quốc tế chung … không quy định một chế độ duy nhất cho “vùng nước lịch sử” hoặc “vịnh lịch sử”, nhưng quy định một chế độ cụ thể đối với mỗi trường hợp, vụ án được công nhận các “vùng nước lịch sử” hoặc “vịnh lịch sử”.
Tòa kết luận rằng cần thiết phải kiểm tra lịch sử cụ thể của vùng Vịnh, theo đó từ năm 1522 đến năm 1821 Vịnh thuộc một quốc gia duy nhất thống trị là Hoàng gia Tây Ban Nha. Các quyền trong vùng Vịnh ven biển hiện nay mà các quốc gia giành được lãnh thổ sau độc lập là được thừa kế từ Tây Ban Nha. Do đó, tòa phải tìm hiểu tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh vào năm 1821, nguyên tắc uti possidetis juris áp dụng đối với những vùng biển cũng như với đất đai của 3 quốc gia. Tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh sau năm 1821 là vấn đề liên quan đến Phán quyết năm 1917 của Tòa án Tư pháp Trung Mỹ (viết tắt là Phán quyết năm 1917) trong vụ việc giữa El Salvador và Nicaragua tranh chấp liên quan Hiệp ước Bryan-Chamorro năm 1914. Tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh có ba vấn đề đã được tính đến tại Phán quyết năm 1917, gồm:
– Thứ nhất, trong quá trình sử dụng các quốc gia hữu quan đã thiết lập và công nhận lẫn nhau một vành đai biển rộng 3 hải lí ven bờ biển đất liền và hải đảo. Trong vành đai này các quốc gia có chủ quyền và thẩm quyền tuyệt đối, với ngoại lệ duy nhất là quyền đi qua không gây hại.
– Thứ hai, cả ba quốc gia công nhận một vành đai rộng 9 hải lí, trong vành đai này các quốc gia có quyền thanh tra hàng hải cho các mục đích tài chính và an ninh quốc gia.
– Thứ ba, có một Hiệp định vào năm 1900 giữa Honduras và Nicaragua phân định một phần biên giới trên biển giữa hai nước, tuy nhiên đường phân định này ngắn và dừng lại ở giữa lối vào chính của Vịnh.
Theo Phán quyết năm 1917 thì Tòa án Tư pháp Trung Mỹ nhất trí đặt vùng Vịnh là một vịnh lịch sử sở hữu các đặc tính của một biển khép kín và 3 quốc gia cũng đã đồng ý như vậy, khu vực này không phải là một phần của đại dương và các vùng biển của nó không phải là biển quốc tế.
Tòa chỉ ra rằng “lãnh hải” được sử dụng trong Phán quyết năm 1917 đã không còn phù hợp với khái niệm “lãnh hải” hiện nay và giải thích quyền “sử dụng vô hại” trong Phán quyết năm 1917 mâu thuẫn với sự hiểu biết chung tại thời điểm hiện nay về tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh tạo thành “vùng nước nội thủy”. Các quy định và nguyên tắc thông thường áp dụng đối với vịnh của một quốc gia không nhất thiết phải phù hợp với một vịnh có nhiều quốc gia và vịnh lịch sử. Tòa đã trích dẫn Phán quyết năm 1917 rằng “tình trạng pháp lí của Vịnh Fonseca… là tài sản thuộc ba nước bao quanh nó…” và “… các bên đồng ý rằng các vùng nước mà hình thành lối vào xen lẫn vùng nước Vịnh”. Ngoài ra bản án công nhận vành đai 3 hải lí tính từ bờ biển thuộc thẩm quyền riêng biệt của các quốc gia, do đó nên được loại trừ ra khỏi cộng đồng lợi ích hoặc quyền sở hữu chung.
Sau khi xem xét Phán quyết năm 1917, Tòa nhận thấy rằng bản chất tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh là vùng nước lịch sử – đối tượng của một chế độ quản lí chung của ba quốc gia ven biển. El Salvador chấp nhận khái niệm quản lí chung và cho rằng tình trạng này không hẳn là phổ biến nhưng cũng không thể thay đổi mà không có sự đồng ý của mình. Honduras thì phản đối quan điểm này và xem xét lại tính đúng đắn của nội dung này trong Phán quyết năm 1917, cho rằng mình không phải là một bên của vụ kiện nên không thể bị ràng buộc. Nicaragua phản đối các giải pháp chế độ quản lí chung.
Honduras lập luận chống lại chế độ quản lí chung vì lí do chế độ quản lí chung chỉ có thể được thành lập theo thỏa thuận giữa chính phủ có chung khu vực lãnh thổ và phải được thông qua bởi hiệp ước (điều ước quốc tế), Phán quyết năm 1917 đưa ra chủ quyền chung phát sinh như một hệ quả pháp lí của việc thừa kế sau năm 1821. Thừa kế là cách thức chủ quyền lãnh thổ đi từ một quốc gia này sang một quốc gia khác, không có lí do nào để chứng minh cho nguyên tắc tại sao thừa kế sẽ không tạo ra chủ quyền chung duy nhất và không phân chia vùng biển chuyển qua hai hay nhiều quốc gia mới.
Về hiệu lực của Phán quyết năm 1917, tòa nhận xét rằng mặc dù thẩm quyền của Tòa án Tư pháp Trung Mỹ đã bị Nicaragua phản đối, nhưng Phán quyết năm 1917 vẫn có giá trị bởi nó được tuyên bởi một tòa có thẩm quyền. Nicaragua là một bên của Phán quyết năm 1917 nhưng ở vụ án hiện tại lại tham gia với vai trò can dự, do đó Nicaragua phải thấy được rằng giữa ba quốc gia nhưng tham gia vào 2 vụ án khác nhau do 2 tòa án khác nhau giải quyết liên quan đến vấn đề quyền sở hữu chung của ba quốc gia ven biển. Vì vậy, tòa có nhiệm vụ giải quyết liên quan đến tình trạng pháp lí các vùng biển của Vịnh có tính đến giá trị của Phán quyết năm 1917.
Về vùng nước lịch sử của Vịnh, quan điểm của tòa cũng tương đồng với Phán quyết năm 1917, với lập luận rằng, vùng nước lịch sử và chủ quyền chung của ba quốc gia ven biển trong vùng Vịnh căn cứ trên những lí do sau đây:
– Đối với đặc điểm lịch sử vùng Vịnh có những tuyên bố phù hợp của ba quốc gia ven biển và sự vắng mặt của các phản đối từ các quốc gia khác.
– Đặc điểm chủ quyền vùng Vịnh của một quốc gia duy nhất trong phần lớn lịch sử và không được phân chia giữa các đơn vị hành chính sau này trở thành các quốc gia độc lập ven biển.
– Nicaragua và Honduras đã thực hiện phân định ranh giới trên biển vào năm 1900 trong đó áp dụng “phương pháp cách đều” mà không áp dụng bất kì một tiêu chí nào của nguyên tắc uti possidetis juris.
– Việc phân định các khu vực biển không chỉ tuân theo nguyên tắc uti possidetis juris mà còn phải tính đến các yếu tố khác như quy định của luật biển quốc tế hiện đại, Phán quyết năm 1917, thỏa thuận quốc tế mà các bên đã đạt được trong quá trình quản lí, sử dụng vùng Vịnh. Đây là sự khác biệt so với quá trình phân định biên giới đất đai giữa ba quốc gia vốn chỉ tuân theo nguyên tắc uti possidetis juris.
Về ảnh hưởng Phán quyết đối với quốc gia xin can dự, tòa cho rằng các quy định về xin can dự của Nicaragua được chấp thuận sẽ không trở thành một bên tham gia tố tụng. Theo Điều 59 Quy chế của ICJ thì hiệu lực bắt buộc của phán quyết đối với các bên, không mở rộng tới Nicaragua với vai trò là bên xin can dự. Tuy nhiên, Phán quyết của tòa đã có sự tính toán đến lợi ích của Nicaragua.
Từ những lập luận trên, tòa kết luận rằng, tất cả ba quốc gia ven biển đều tuyên bố vùng Vịnh là một vịnh lịch sử với các đặc tính của một vùng biển khép kín. Tòa nhận thấy đặc điểm địa lí của đường đóng cửa vịnh là đường nối từ Punta Amapala (thuộc El Salvador) đến Punta Cosigüina (thuộc Nicaragua). Giữa các bên đã đưa ra tranh luận về đường đóng cửa Vịnh cũng là đường cơ sở, tòa chấp nhận định nghĩa này như là một giới hạn biển của khu vực vùng Vịnh, tuy nhiên đường cơ sở này phải được hiểu là để phân biệt giữa khu vực Vịnh với bất kì chế độ khác nằm ngoài Vịnh. Tòa nhận thấy sự tồn tại chủ quyền chung trong tất cả các vùng nước dẫn đến chế độ quản lí chung ở các Hiệp định hoặc tập quán phân định, có nghĩa là Honduras có quyền pháp lí trong vùng nước của Vịnh lên đến đường đóng cửa vịnh và quyền pháp lí này của Honduras tương đương các quyền của El Salvador và Nicaragua.
Tòa cũng đã xem xét tình trạng pháp lí của các vùng nước bên trong đường đóng cửa Vịnh có phải là nội thủy hay không, nhận thấy rằng các quyền đi qua vùng nước này được thực hiện bởi bất kì một quốc gia nào muốn đến một cảng thuộc một trong ba quốc gia trong Vịnh. Các vùng biển này cho đến nay chúng vẫn là những đối tượng của chế độ quản lí chung hoặc đồng sở hữu. Tình trạng pháp lí chủ yếu của vùng biển này giống như vùng nội thủy, trừ khi chúng được tuyên bố à titre de souverain(như chủ quyền) và không phải là lãnh hải. Đối với đường phân định giữa Honduras và Nicaragua năm 1900, tòa nhận thấy hành vi của El Salvador đã cho thấy sự tồn tại của việc phân định đã được chấp nhận trong các điều khoản tại Phán quyết năm 1917 mà El Salvador là một bên.
Đối với vùng biển ngoài vùng Vịnh, tòa quan sát thấy rằng nó liên quan đến khái niệm hoàn toàn mới mà pháp luật quốc tế vào năm 1917 bị bỏ trống đó là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra vấn đề về lãnh hải, vành đai ven biển 3 hải lí dọc bờ biển của Vịnh không thực sự là lãnh hải theo nghĩa của luật biển quốc tế hiện đại, một vùng lãnh hải thông thường vượt ra ngoài nó là thềm lục địa và một trong hai vùng biển là vùng biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế, bên ngoài vành đai biển 3 hải lí trong vùng Vịnh không có bất kì khu vực nào như thế. Vành đai biển có thể được xem là nội thuỷ của quốc gia ven biển, mặc dù tất cả các vùng biển của Vịnh tồn tại quyền đi qua vô hại. Ban thấy rằng có một lãnh hải hướng ra biển phù hợp của đường đóng cửa vịnh. Vì có một chế độ quản lí chung trong các vùng nước của Vịnh nên có một sự hiện diện ba quốc gia tại đường đóng cửa Vịnh và Honduras có quyền đi ra bên ngoài vịnh đến đại dương. Theo pháp luật quốc tế hiện đại thì lãnh hải này tồn tại từ đường đóng cửa vịnh và mở rộng hướng ra biển. Vì vùng nước trong vịnh được xem như nội thủy thuộc chủ quyền chung của ba quốc gia nên cả ba quốc gia đều được hưởng lãnh hải bên ngoài vịnh.
Đối với chế độ pháp lí của vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của khu vực ngoài đường đóng cửa Vịnh, đầu tiên tòa thấy rằng vấn đề phải được giới hạn cách đường cơ sở 3 hải lí, tương ứng với các vành đai trên biển hiện có lần lượt của El Salvador và Nicaragua. Tại thời điểm có Phán quyết của Tòa án Tư pháp Trung Mỹ năm 1917, vùng biển ngoài phần còn lại của đường cơ sở là đại dương. Tuy nhiên, luật biển quốc tế hiện đại đã bổ sung vùng biển bên ngoài lãnh hải, tính từ đường cơ sở: công nhận thềm lục địa vượt ra ngoài lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế mở rộng lên đến 200 hải lí từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải thuộc chủ quyền hợp pháp ipso jure (đương nhiên) của quốc gia ven biển.
Xem thêm bài viết về “Tòa án công lý”
- Tư tưởng về công lý và quyền tiếp cận công lý trong pháp luật Việt Nam – GS.TS. Phạm Hồng Thái
- Quan điểm của Tòa án công lý Châu Âu ngày 16/5/2017 về Hiệp định thương mại tự do giữa liên minh Châu Âu và Singapore: Nội dung chính và các tác động – TS. Ngô Quốc Chiến
3. Kinh nghiệm cho Việt Nam khi giải quyết tranh chấp trên biển
Hiện nay, tranh chấp chủ quyền về hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn chưa được giải quyết, có chiều hướng ngày càng phức tạp (chủ yếu bởi tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Quốc), cũng như việc phân định đường ranh giới, biên giới trên biển với một số quốc gia trên Biển Đông , bao gồm Trung Quốc, Philippin, Bruney, Malaisia, Indonesia, Campuchia… , trong đó có khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, trong Vịnh Thái Lan với Campuchia [7], với Thái Lan và Malaysia tại khu vực biển chồng lấn giữa 3 quốc gia, đây là những khu vực có điều kiện địa lí tương đồng với khu vực vịnh Fonseca. Ngày nay, không có một cơ quan tài phán nào giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế trong một tổng thể và được các quốc gia sử dụng một cách chung nhất trong việc bảo vệ những giá trị của luật quốc tế như ICJ [8]. Vì vậy, việc nghiên cứu cách thức ICJ xác định chủ quyền đối với đảo, tình trạng pháp lí vùng biển bên trong và bên ngoài vùng vịnh lịch sử có ý nghĩa thực tiễn trong tương lai khi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp pháp lí, đặc biệt là sử dụng ICJ hoặc các thiết chế tài phán khác như Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS), tòa trọng tài thường trực (PCA), các tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII và Phụ lục VIII của UNCLOS 1982 phân xử.
* Trong vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa
Thứ nhất, tòa đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo các yếu tố thực thi chủ quyền hữu hiệu (effectivités) từ nguyên tắc chiếm hữu thực sự để hỗ trợ cho nguyên tắc uti possidetis juris. Trong tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ cách thức mà Honduras và El Salvador chứng minh sự quản lí hữu hiệu và hòa bình của mình. Sự thực thi hòa bình chủ quyền một cách thực sự hiệu quả (effective) là linh hồn của nguyên tắc chiếm hữu thực sự – phương thức xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa – đây là nguyên tắc quan trọng và nền tảng của pháp luật quốc tế hiện đại vì thường được các thiết chế tài phán sử dụng phổ biến trong giải quyết tranh chấp về lãnh thổ, theo đó nguyên tắc chiếm hữu thực sự có nội dung chính như sau: Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền xác lập chủ quyền với lãnh thổ đang trong tình trạng trong có chủ quyền; phải có hành động thực hiện chủ quyền thực sự; đối tượng của việc chiếm hữu thực sự phải trong tình trạng đang không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào; yếu tố tinh thần và vật chất luôn đi kèm trong chiếm hữu thực sự; nhà nước thực hiện các hành vi chủ quyền trên các lãnh thổ mới phải bằng các biện pháp hòa bình, công khai và không gặp phải sự phản đối của bất kì quốc gia nào khác; yếu tố liên tục của việc chiếm hữu là rất cần thiết [9, 10].
Thứ hai, Về các dạng chứng cứ chứng minh cho sự thực thi chủ quyền một cách hữu hiệu mà Honduras đã vận dụng thành công đối với El Tigre và El Salvador đã vận dụng thành công đối với đảo Meanguera rất đa dạng. Đặc điểm chung của những bằng chứng này là: (1) Được ban hành nhân danh quyền lực nhà nước (ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước; có dấu, mộc, chữ kí,… hay các dấu hiệu tương đương thể hiện quyền lực nhà nước; ban hành theo quy trình nhà nước) để chứng minh “yếu tố quyền lực nhà nước” El Salvador còn đệ trình lên Ban xét xử những bằng chứng bổ trợ khác có cùng tính chất trong hệ thống văn bản nhà nước; (2) Các tài liệu đệ trình tòa hầu hết là các bản sao của tài liệu gốc; (3) Nội dung đều thể hiện sự quản lí toàn diện: từ việc ban hành văn bản quản lí, thực thi pháp luật quốc gia trên lãnh thổ tranh chấp (về dân sự, hình sự, hành chính) cho đến hoạt động xét xử các vi phạm diễn ra trên lãnh thổ tranh chấp, cũng như tình trạng cư dân sinh sống trên lãnh thổ tranh chấp,…
* Trong vấn đề phân định các vùng biển
Mặc dù trong vụ việc này, tòa không được trao thẩm quyền để phân định không gian biển chồng lấn của 3 quốc gia, tuy nhiên tòa cũng đưa ra các luận cứ rất có giá trị về việc áp dụng nguyên tắc uti possidetis juris cho phân định biển.
Một là, đối với vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việc xác định quy chế pháp lí vùng biển ngoài đường đóng cửa vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta, khi mà hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang trong giai đoạn đàm phán để hoạch định đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho vùng biển này13 [11]. Khi xác định quy chế pháp lí của khu vực biển ngoài cửa Vịnh Fonseca, ICJ đã căn cứ vào các quy định của pháp luật quốc tế hiện đại, cụ thể UNCLOS 198214 [12] để xác định quy chế pháp lí của các vùng biển như khu vực lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, khu vực trung tâm đường đóng cửa Vịnh.
Hai là, còn đối với vùng biển trong Vịnh Thái Lan. Giữa Việt Nam và Campuchia đã kí kết với nhau Hiệp định về phân định vùng nước lịch sử vào ngày 07/7/1982 trong đó đã xác định chủ quyền các đảo, vấn đề đường biên giới trên biển giữa hai nước còn bỏ ngỏ15; việc phân định biển giữa Việt Nam và Malaisia; Việt Nam, Thái Lan và Malaysia chưa kí kết điều ước quốc tế phân định khu vực thềm lục địa chồng lấn giữa ba quốc gia16 [13]; chỉ duy nhất giữa Việt Nam và Thái Lan đã giải quyết dứt điểm vấn đề phân định biển tại khu vực chồng lấn thông qua Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa hai nước được kí kết vào ngày 09/8/199717 [13]. Thông qua nghiên cứu vụ việc có thể vận dụng những lập luận, kết luận của ICJ khi xác định chế độ pháp lí của khu vực vịnh biển có tính lịch sử vào quá trình nước ta đàm phán phân định các khu vực biển, đảo hoặc giải quyết tranh chấp tại các thiết chế tài phán quốc tế với các quốc gia hữu quan trong khu vực vịnh Thái Lan.
* Trong vấn đề về kịch bản giải quyết tranh chấp
Một là, trong quá trình giải quyết tranh chấp, Honduras và El Salvador đã kí kết với nhau các điều ước quốc tế làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp: Hiệp ước Chung về Hòa bình năm 1980, Cam kết giữa Honduras và El Salvador đệ trình đến ICJ giải quyết tranh chấp biên giới đất liền, hải đảo và khu vực biển năm 1986; cũng như dựa trên các điều ước đã được kí kết trước đây, như Hiệp định thực hiện phân định ranh giới trên biển kí năm 1900. Các điều ước quốc tế này là cơ sở pháp lí quan trọng để hai bên “tiến lại gần nhau”, thu hẹp phạm vi tranh chấp, hạn chế làm phức tạp thêm tranh chấp trong khi chờ giải pháp giải quyết dứt điểm những bất đồng tại các khu vực đang tranh chấp.
Hai là, về vấn đề xin can dự với tư cách là bên liên quan, các căn cứ để một quốc gia xin được can dự khi xét thấy lợi ích hợp pháp của mình có thể bị ảnh hưởng bởi Phán quyết cuối cùng của Tòa án và cơ sở pháp lí để xin can dự là Điều 62 Quy chế ICJ. Khi nộp đơn xin can dự, quốc gia xin can dự phải có nghĩa vụ chứng minh các nội dung được quy định tại Điều 81 Bộ quy tắc của tòa về lợi ích hợp pháp có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định của tòa, đối tượng can thiệp, cơ sở thẩm quyền giữa quốc gia xin can dự và các quốc gia tranh chấp. Việc tòa cho phép một quốc gia được phép can dự không đồng nghĩa quốc gia đó được phép can dự vào tất cả các nội dung của vụ án; phạm vi can dự sẽ được tòa xác định cụ thể. Việc can dự không tạo nên một vụ án mới hay tạo cho bên xin can dự một tư cách pháp lí tham gia tố tụng giống như các bên tranh chấp. Quyền và lợi ích của bên xin can dự sẽ không được tòa ra một phán quyết độc lập mà sẽ được tính toán khi ra phán quyết giải quyết tranh chấp.
Xem thêm bài viết về “Vùng biển tranh chấp”
- Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực Biển Đông – TS. Ngô Hữu Phước
Tài liệu tham khảo
[1] De Brabandere, E., “The Use of Precedent and External Case-Law by the International Court of Justice and the International Tribunal for the Law of the Sea”, Law and Practice of International Courts and Tribunals, 15 (2016), No. 1, October 3, 2016, pp. 24-55.; Grotius Centre Working Paper 2016/57-PIL.
[2] International Court of Justice, Statute of the International Court of Justice 1946, The offical website of the International Court of Justice: http://www.icj-cij.org/en/Statute
[3] International Court of Justice, Judgement of International Court of Justice in Case concerning the Land, Island and Maritime Frontier Dispute (El Salvador/Honduras: Nicaragua interventing on 11 September 1992, The offical website of the International Court of Justice: http://www.cij.org/files/case-related/75/075-19920911-JUD 01-00-EN.pdf.
[4] International Court of Justice, Land, Island and Maritime Frontier Dispute (El Salvador/Honduras: Nicaragua interventing (1986-1992), The offical website of the International Court of Justice: http://www.cij.org/en/case/75
[5] International Court of Justice (1992), Land, Island and Maritime Frontier Dispute (El Salvador/Honduras: Nicaragua interventing): Summary 1992/4-Summary of the Judgment of 11 September 1992, The offical website of the International Court of Justice: http://www.icj cij.org/files/case-related/75/6673.pdf, 1992, p.28-30.
[6] Đỗ Quốc Cường, “Danh nghĩa lịch sử” trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế về chủ quyền biển và hải đảo dưới gốc độ pháp luật quốc tế, Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2015, trang 1.
[7] Hiệp định về phân định vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1982.
[8] Nguyễn Hồng Thao, Tòa án công lí quốc tế, NXB Chính trị quốc gia, năm 2011, trang 150.
[9] Nguyễn Bá Diến, Nguyễn Hùng Cường, “Chủ quyền của Việt Nam trên Hải quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật Quốc tế”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, Tập 30, Số 1, năm 2014, trang 13-22.
[10] Nguyễn Bá Diến, Các án lệ quốc tế về giải quyết tranh chấp biển đảo và kinh nghiệm vận dụng đối với khu vực Biển Đông ( Sách chuyên khảo), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
[11] Minh Thái, Việt-Trung khảo sát chung ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Báo Đất Việt-Diễn đàn của Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/viet-trung-khao-sat-chung-ngoai-cua vinh-bac-bo-3306619/, đăng ngày 14/04/2016.
[12] Chan, L., The Dominance of the International Court of Justice in the Creation of Customary International Law, Southampton Student Law Review, 6 (2016), No. 1, pp. 44-71.
[13] Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan năm 1997.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời