Mục lục
Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực Biển Đông
TÓM TẮT
Bài viết phân tích, làm sáng tỏ tầm quan trọng của biện pháp hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và thực tiễn hợp tác của các nước trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông áp dụng đối với các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định.
Xem thêm:
- Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
- Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam và những vấn đề pháp luật quốc tế – PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng
- Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – TS. Trần Thăng Long
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
TỪ KHÓA: Biển Đông, Đánh cá, Vùng biển tranh chấp
Một trong những biểu hiện cơ bản để khẳng định và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)[1] chính là các hoạt động cụ thể của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức, pháp nhân và công dân, trong đó có hoạt động khai thác tài nguyên thủy hải sản. Chính vì vậy, đã từ lâu các quốc gia trên thế giới luôn tìm cách để giành quyền kiểm soát, khai thác nguồn tài nguyên thủy hải sản trên các vùng biển của mình. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhu cầu thực phẩm của thế giới ngày càng tăng trong khi tài nguyên thủy hải sản ngày càng giảm do tình trạng đánh bắt tận diệt, môi trường sống của các sinh vật biển của một số khu vực trên thế giới bị hủy hoại nghiêm trọng thì các tranh chấp biển nói chung và tranh chấp về đánh bắt cá nói riêng lại ngày càng căng thẳng và phức tạp. Xu hướng này đã và đang diễn ra trên hầu khắp các châu lục mà khu vực biển Đông cũng không phải là ngoại lệ. Khu vực biển Đông cung cấp 10% lượng thủy sản của toàn cầu mỗi năm thì sản lượng cá gần bờ hiện nay đã giảm chỉ còn từ 5 đến 30%.[2] Thực trạng này làm cho hoạt động đánh bắt cá của các nước trong khu vực ngày càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, các nước trong khu vực biển Đông như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng trên toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm). [3] Về phương diện pháp luật quốc tế, những ràng buộc quốc tế được hệ thống hóa trong UNCLOS 1982 đã thu hẹp phạm vi đánh bắt trên vùng biển mở và gắn quyền đánh bắt cá với các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Chính điều này đã làm phức tạp hóa quá trình giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ lẫn quyền khai thác hải sản giữa các nước trên giới nói chung và các nước trong khu vực biển Đông nói riêng.
Quy định về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ,[4] vùng biển rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thuộc quyền chủ quyền của quốc gia) cũng làm cho vấn đề ngày thêm phức tạp khi UNCLOS 1982 trao cho các nước “quyền sở hữu” đối với mọi tài nguyên cá, dầu mỏ, khí đốt và những khoáng sản khác dưới đáy biển. Kết quả là ngư dân các nước trong khu vực đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn hoặc tuân thủ theo pháp luật quốc tế, chấp nhận sản lượng đánh bắt và thu nhập của mình giảm sút trầm trọng hoặc là đánh bắt phạm pháp là một trong những nguyên nhân làm cho tranh chấp biển nói chung và tranh chấp về đánh bắt cá nói riêng ngày càng căng thẳng và quyết liệt hơn.
Đối mặt với tình trạng tương tự như các nước trong khu vực biển Đông hiện nay, các quốc gia trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại dương và các nước khu vực Đông Á từ lâu đã giải quyết tranh chấp về đánh cá bằng việc đàm phán, ký kết các điều ước lâu dài hoặc thỏa thuận tạm thời để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cá trên các vùng biển tranh chấp chưa được phân định. Đây là mô hình, là bài học kinh nghiệm quý cho các nước trong khu vực nghiên cứu, áp dụng để giải quyết các tranh chấp tương tự. Từ thực tiễn pháp lý nói trên, chúng tôi cho rằng, nghiên cứu kinh nghiệm hợp tác quốc tế về đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp của các quốc gia trên thế giới làm kinh nghiệm cho các nước trong khu vực biển Đông hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn, có tranh chấp chưa được phân định là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Nghĩa vụ hợp tác nghề cá trong các vùng đang có tranh chấp theo UNCLOS 1982
Nghiên cứu các quy định của UNCLOS 1982, chúng tôi nhận thấy rằng, các quy định của UNCLOS 1982 về nghề cá đều được áp dụng trong trường hợp các quốc gia đã xác định được phạm vi các vùng biển của mình một cách tương đối rõ ràng, bao gồm nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Riêng vấn đề hợp tác nghề cá tại các vùng biển đang có tranh chấp thì UNCLOS 1982 không quy định cụ thể.
Điều 74 khoản 3 UNCLOS 1982 chỉ nhắc đến nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia trong khi đàm phán để thỏa thuận phân định cuối cùng tại các khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế. Chính vì vậy, ở các vùng đặc quyền kinh tế đang có tranh chấp, theo quy định của UNCLOS 1982 thì hợp tác nghề cá là một nghĩa vụ quan trọng đối với các quốc gia có liên quan. Điều 83 khoản 3 của UNCLOS 1982 cũng quy định tương tự về nghĩa vụ hợp tác nhằm đi đến các dàn xếp tạm thời nhưng áp dụng đối với các quốc gia đang trong giai đoạn đàm phán để đạt được thỏa thuận phân định cuối cùng tại các khu vực chồng lấn trong vùng thềm lục địa.Điều 74 khoản 3 UNCLOS 1982 quy định: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1 (phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế), các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến kết quả phân định cuối cùng”. Áp dụng quy định này vào thực tiễn tài phán quốc tế, phán quyết của Trọng tài trong vụ phân định biển giữa Guyana và Suriname ngày 17/9/2007[5] đã chỉ rõ, Điều 74 khoản 3 UNCLOS 1982 đặt ra hai nghĩa vụ riêng rẽ cho các quốc gia hữu quan, đó là nghĩa vụ làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và nghĩa vụ làm hết sức mình để không gây phương hại hoặc cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ.[6] Với việc sử dụng cụm từ “làm hết sức mình”, Điều 74 khoản 3 của UNCLOS 1982 đã để ngỏ việc giải thích điều khoản này cho các quốc gia hữu quan hoặc các cơ quan tài phán quốc tế.[7]
Phán quyết của Tòa trọng tài trong phân định biển giữa Guyana và Suriname cũng cho rằng, để đạt được các dàn xếp tạm thời, các quốc gia phải có trách nhiệm thực hiện quá trình đàm phán với thiện chí[8] và có sự nhượng bộ.[9] Trong vụ tranh chấp này, hai bên đã vi phạm nghĩa vụ của họ trong quá trình đàm phán với thiện chí nhằm đi đến các dàn xếp tạm thời trong khi chờ phân định biển. Guyana đã không thông báo cho Suriname kế hoạch khai thác tài nguyên của Guyana trong vùng biển chồng lấn; không đưa ra một báo cáo chi tiết và chính thức về các hoạt động khai thác đã được lên kế hoạch; không chia sẻ thông tin về kết quả của quá trình khai thác; không tạo điều kiện để Suriname giám sát hoạt động khai thác và không chia sẻ với Suriname những lợi ích kinh tế từ hoạt động khai thác này.[10] Cũng như vậy, Trọng tài cho rằng những hành động của Suriname tiếp sau những vi phạm của Guyana cũng là một sự vi phạm các nghĩa vụ của Suriname theo Điều 74 khoản 3 của UNCLOS 1982. Thay vì nỗ lực kéo Guyana trở lại bàn đàm phán, cùng tích cực tham gia vào các cuộc đối thoại để tìm ra các giải pháp thích hợp cho cả hai bên, việc Suriname có những hành động đe dọa các tàu khoan và thiết bị khai thác dầu của Guyana là hành vi vi phạm UNCLOS 1982.[11]
Đối với nghĩa vụ làm hết sức mình để không gây phương hại hoặc cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ thì việc giải thích của Tòa án hay Trọng tài cần hướng tới sự cân bằng giữa một bên là việc ngăn cản các hành vi đơn phương của một quốc gia gây ra ảnh hưởng lâu dài tới quyền của quốc gia còn lại và một bên là việc không hạn chế khả năng của các quốc gia trong mục tiêu phát triển kinh tế tại các vùng biển đang có tranh chấp cần thời gian rất dài để có thể phân định được.[12] Phán quyết của Trọng tài trong vụ phân định biển giữa Guyana và Suriname đã khẳng định, những hành động của các quốc gia tạo ra sự thay đổi về mặt vật lý cho các vùng biển được xem là vi phạm nghĩa vụ của quốc gia đó theo Điều 74 khoản 3 của UNCLOS 1982 vì hành động đó làm phương hại hoặc cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng về phân định biển. Một ví dụ tiêu biểu cho hành động dẫn tới sự thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý của vùng biển đó là khai thác nguồn trữ lượng dầu và khí đốt, trong khi đó hành động thăm dò địa chấn không gây ra sự thay đổi đó.[13]
Trong tranh chấp giữa Guyana và Suriname, Tòa trọng tài đã cho rằng, việc cho phép khoan thăm dò trong vùng biển tranh chấp của hai quốc gia là vi phạm nghĩa vụ “làm hết sức mình để không gây phương hại hoặc cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng” trong giai đoạn quá độ. Bởi lẽ, hành động này có thể dẫn đến sự thay đổi về mặt vật lý đối với môi trường biển và tạo ra sự thay đổi nguyên trạng (status quo) vùng biển đó.[14]
Ngoài hai nghĩa vụ như đã phân tích ở trên, một điểm đáng chú ý nữa là, Điều 74 khoản 3 của UNCLOS 1982 không đưa ra một loại dàn xếp tạm thời cụ thể nào mà thay vào đó nó để ngỏ cho các quốc gia hữu quan quyết định. Các dàn xếp tạm thời có thể bao gồm một cách đa dạng các loại thỏa thuận, chẳng hạn như: (i) thỏa thuận tạm ngừng tất cả mọi hoạt động trong vùng chồng lấn;[15] (ii) phát triển chung hoặc hợp tác nghề cá;[16] (iii) phát triển chung tài nguyên hydrocarbon;[17] iv) thỏa thuận hợp tác về môi trường;[18] và (v) thỏa thuận về quyền xét xử hình sự và dân sự.[19] Thuật ngữ “thỏa thuận” ở đây có thể là các văn bản không chính thức như thư ngoại giao, công hàm ngoại giao, biên bản cuộc họp, biên bản ghi nhớ; cũng có thể là các văn bản chính thức như các điều ước.[20]
2. Mô hình và thực tiễn giải quyết tranh chấp về đánh cá trên các vùng biển tranh chấp của các quốc gia trên thế giới
Qua nghiên cứu thực tiễn tranh chấp và giải quyết tranh chấp về đánh bắt cá giữa các quốc gia trên thế giới chúng tôi nhận thấy, mô hình giải quyết các tranh chấp về đánh cá trên các vùng biển tranh chấp bằng cách đàm phán để ký kết các thỏa thuận khai thác chung (bền vững hoặc tạm thời) được áp dụng từ lâu. Đặc biệt, sau khi UNCLOS 1982 có hiệu lực thì các thỏa thuận về khai thác, đánh cá chung trên các vùng biển tranh chấp mà chủ yếu là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được ngày càng nhiều quốc gia áp dụng. Về phương diện chính trị – pháp lý quốc tế, hợp tác khai thác chung, trong đó có hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp là phương thức làm giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin, loại trừ nguy cơ xung đột giữa các bên tranh chấp nhằm bảo vệ môi trường an ninh trên biển một cách tốt nhất. Mặt khác, hợp tác đánh bắt cá ở các vùng biển có tranh chấp vừa đáp ứng được nhu cầu về tài nguyên phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, vừa bảo đảm được quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa các quốc gia. Trên cơ sở đó, các quốc gia có thể cùng nhau quản lý, khai thác, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong khu vực một cách hiệu quả nhất. Việc thiết lập các khu vực khai thác chung có thể là tiền đề, là cơ sở quan trọng để các bên tranh chấp đi đến thỏa thuận cuối cùng về phân định biển. Tuy nhiên, các thỏa thuận khai thác chung không ảnh hưởng đến việc phân định biển cuối cùng giữa các bên.
Thực tiễn cho thấy, các quốc gia là các bên tranh chấp thường lựa chọn để thỏa thuận thiết lập vùng Trắng hoặc vùng hoặc vùng Xám về đánh cá.[21] Theo đó, thỏa thuận thiết lập Vùng Trắng có nghĩa là, tại khu vực khai thác chung, mọi tàu cá đều được tự do đánh bắt cá. Khi đó, những vùng biển có yêu sách chồng lấn sẽ được các bên xem như biển cả. Hay nói cách khác, tàu cá của tất cả các quốc gia đều có thể đánh bắt cá tại vùng Trắng dựa trên nguyên tắc tự do biển cả.[22] Ngược lại, thỏa thuận thiết lập vùng Xám là nhằm mục đích quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển trong khu vực tranh chấp một cách hiệu quả nhất.[23] Theo đó, các quốc gia có các vùng biển tranh chấp có thể thiết lập một phần trong khu vực tranh chấp để loại trừ hay giới hạn hoạt động đánh bắt cá của tàu cá của các nước thứ ba.[24] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc thiết lập vùng Trắng hay vùng Xám sẽ không tác động đến việc xác định chủ quyền của các đảo hay thực thể địa lý khác hiện diện trong vùng đánh cá chung.[25]
Trong thực tiễn đã có rất nhiều thỏa thuận về vùng Trắng, vùng Xám và thỏa thuận đánh cá chung giữa các quốc gia khắp các châu lục trên thế giới được thiết lập. Điển hình là các thỏa thuận về vùng Trắng giữa Liên Xô và Thụy Điển năm 1976; Liên Xô – Phần Lan – Thụy Điển năm 1981 và các thuận về vùng Xám giữa Liên Xô và Na Uy năm 1978; Pháp và Canada năm 1989; Hàn Quốc và Nhật Bản năm 1999; Nhật Bản và Trung Quốc năm 2000; Hàn Quốc và Trung Quốc năm 2001; Kuwait và Saudi Arabie 1922; Australia và Indonesia năm 1989; Guinea Bissau và Senegal năm 1993; Colombia và Jamaica năm 1993; Bahrain và Saudi Arabia năm 1958; Pháp và Tây Ban Nha năm 1974; Saudi Arabia và Sudan năm 1974; Libye và Tuynisia năm 1988… Trong số các thỏa thuận nói trên, có nhiều thỏa thuận được coi là “thỏa thuận tạm thời”, làm cơ sở cho việc đi đến các giải pháp cuối cùng để thiết lập đường biên giới trên biển hoặc là đường phân định biển giữa các quốc gia. Trên thực tế, các quốc gia có các vùng biển chồng lấn chưa được phân định thường thỏa thuận để thiết lập “vùng Xám” nhằm bảo vệ, khai thác và bảo tồn tài nguyên hải sản một cách bền vững và hiệu quả nhất. Các thỏa thuận thiết lập “vùng Xám” để khai thác chung trên các vùng biển chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia trên thế giới từ trước đến nay là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
3. Nhận diện các khu vực chồng lấn đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực biển Đông và khả năng áp dụng mô hình khai thác chung
Cho đến nay, Việt Nam đang có các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn với các quốc gia trong khu vực nhưng chưa phân định sau đây:
(1)Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc khu vực cửa Nam của Vịnh Bắc bộ
Mặc dù ngày 25/12/2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định phân định vịnh Bắc bộ, hiện nay Việt Nam vẫn chưa phân định được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn ở cửa Nam vịnh Bắc bộ đoạn từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với Trung Quốc. Trong khu vực này, bờ biển Việt Nam và Trung Quốc cách nhau dưới 400 hải lý. Vì vậy, theo UNCLOS 1982, khu vực đàm phán để phân định là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước. Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành 9 vòng đàm phán để phân định nhưng đến nay hai nước vẫn chưa đi đến giải pháp phân định cuối cùng do quan điểm của hai bên vẫn còn nhiều khác biệt. Cụ thể, quan điểm của Trung Quốc đối với biển Đông nói chung và vùng biển chồng lấn cửa ngoài vịnh Bắc bộ nói riêng là “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong khi đó quan điểm của Việt Nam là “rào dậu tốt tạo láng giềng tốt”. Vì vậy, Việt Nam mong muốn cùng với Trung Quốc phân định chủ quyền, quyền chủ quyền một cách công bằng theo quy định của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982. Vướng mắc, cản trở lớn nhất trong phân định vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục chồng lấn giữa hai nước khu vực cửa ngoài vịnh Bắc bộ chính là vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng nội thủy, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế lấn sâu vào bên kia đường trung tuyến. Trên thực tế, ngày 15/5/1996 Trung Quốc đã ban hành luật xác định đường cơ sở thẳng xung quanh Hoàng Sa và đòi hỏi khu vực bên trong đường cơ sở, có diện tích 17.400 km² là nội thủy và 12 hải lý bên ngoài đường cơ sở là lãnh hải[26] mặc dù đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã tuyên bố năm 1996 là vi phạm UNCLOS 1982.[27] Những vùng nội thủy và lãnh hải mà Trung Quốc yêu sách ở các đảo của quần đảo Hoàng Sa lấn sâu vào vùng biển của Việt Nam theo quy định của UNCLOS 1982. Theo đó, Trung Quốc cũng đòi hỏi một vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn, lấn sâu vào phía biển của Việt Nam. Trong khi đó, theo tập quán quốc tế và các phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế, các đảo nhỏ như các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thường không có hay chỉ có rất ít hiệu lực trong việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Dĩ nhiên, Việt Nam từ trước tới nay luôn coi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi theo quy định của luật pháp quốc tế. Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có quyền đòi hỏi các vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của các đảo ở quần đảo này. Trên thực tế, Việt Nam có quyền xác lập ranh giới vùng đặc quyền kinh tế là đường trung tuyến giữa các đảo của quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mà Trung Quốc đang chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (mặc dù nước này đã sử dụng vũ lực để xâm lược quần đảo này của Việt Nam) thì rất khó xảy ra khả năng Trung Quốc chấp nhận quan điểm của Việt Nam trong quá trình đàm phán để phân định. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi hai nước phải thiện chí, nỗ lực vượt bậc mới có thể phân định được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn phía Nam vịnh Bắc bộ trong tương lai.
(2) Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia
Hai nước Việt Nam và Indonesia có một vùng biển chồng lấn rộng khoảng 98.000 km.[28] Do nhu cầu của hai bên mong muốn có một vùng biển hòa bình, ranh giới được phân định rõ ràng, tạo điều kiện cho ngư dân khai thác thủy hải sản, ngày 11/6/2003, hai nước đã ký Hiệp định Phân định thềm lục địa. Đây là hiệp định phân định thềm lục địa đầu tiên giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Hiệp định này đã có hiệu lực từ ngày 29/5/2007, sau khi hai nước trao đổi thư phê chuẩn. Cho đến nay, Việt Nam và Indonesia đã tiến hành 8 vòng đàm phán nhưng vẫn chưa phân định xong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục thảo luận các phương án khả dĩ để phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982.
(3) Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia trong Vịnh Thái Lan
Trên thực tế, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trên thềm lục địa của hai nước rộng khoảng 2.800 km2. Khu vực này nằm ở cửa vịnh Thái Lan có độ sâu nhỏ, trung bình khoảng 50m, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng. Hai nước Việt Nam và Malaysia đều là thành viên của UNCLOS 1982, cho nên nguyên tắc chung để giải quyết phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là nguyên tắc công bằng đã được ghi nhận trong các Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS 1982. Yêu cầu của thực tế là hai bên phải tuần tự đàm phán, thu hẹp những bất đồng, nhằm tìm ra giải pháp công bằng mà hai bên có thể chấp nhận.
Trên thực tế, Việt Nam và Malaysia đã áp dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 để phân định biển. Đầu năm 1992, trong chuyến thăm Kuala Lumpur của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một thỏa thuận về tiến hành đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được thông qua. Tiếp sau đó, từ ngày 03 đến ngày 05/6/1992, tại Kuala Lumpur, vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước Việt Nam và Malaysia đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Trên cơ sở nội dung của vòng đàm phán đầu tiên đó, hai nước đã từng bước nhất trí thỏa thuận áp dụng nguyên tắc dàn xếp tạm thời được quy định trong Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS, đó là ranh giới được vạch ra và ghi rõ trên hải đồ có tỷ lệ thích hợp để xác định vị trí của nó, có trường hợp việc vẽ ranh giới ngoài hay các đường hoạch định này có thể được thay thế bằng các bản kê các tọa độ địa lý các điểm. Trên cơ sở đó, hai bên nhanh chóng đi đến thỏa thuận áp dụng mô hình khai thác chung cho vùng xác định trên tinh thần hiểu biết và hợp tác.[29]
Dựa trên tinh thần đó, ngày 05/6/1992, hai nước đã chính thức ký Bản ghi nhớ. Nội dung của Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992 đã quy định phạm vi vùng xác định, và hai bên phải cử đại diện của mình để tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác trong vùng xác định và sự hợp tác khai thác đó không làm phương hại đến kết quả hoạch định phân định biển cuối cùng giữa hai nước. Bằng việc ký kết Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992, có thể thấy Việt Nam luôn là nước đi đầu trong việc áp dụng các quy định của các Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS 1982, không chỉ trong phân định biển mà cả trong các biện pháp khai thác chung nguồn tài nguyên biển trong vùng biển chồng lấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Bản ghi nhớ cũng không giải quyết triệt để được vấn đề phân định biển giữa hai nước Việt Nam và Malaysia. Thực tế cho thấy, hai bên cần phải tiếp tục đàm phán hòa bình và dựa trên nội dung của UNCLOS 1982 và Bản ghi nhớ để phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Để thực hiện nội dung của Bản ghi nhớ, Việt Nam đã cử Petro Vietnam, Malaysia cử Petronas hợp tác khai thác nguồn dầu khí ở vùng xác định. Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga kekwa, sự kiện này đã đánh dấu thành công lớn cho cả hai bên trong quản lý, hợp tác khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác. Khoảng cách giữa bờ biển và các đảo của hai bên chưa tới 400 hải lý, nằm trên một thềm lục địa thuần nhất và hơn nữa yêu sách của hai bên đều dựa trên đường trung tuyến, tức là dựa trên tiêu chuẩn khoảng cách bờ biển của hai quốc gia. Do vậy, hai nước có thể sử dụng một đường phân định đơn nhất làm ranh giới cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước.
Việc chia đôi thuần túy diện tích vùng chồng lấn trên biển hiện có giữa hai bên là một giải pháp phân định công bằng dễ chấp nhận. Sau một thời gian dài đàm phán, ngày 06/5/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Sự kiện này đã thể hiện tinh thần hòa bình giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn về vùng biển chồng lấn giữa hai nước và còn được xem là một mẫu mực trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước láng giềng trong khu vực biển Đông. Hợp tác phân định biển giữa Việt Nam và Malaysia đã đóng góp vào kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và khu vực về giải quyết những bất đồng và tranh chấp trên biển.
(4) Vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Philippines
Về phương diện lịch sử, tháng 02/1979, Philippines mới chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, mà Philippines gọi là nhóm đảo Kalayaan. Trong giai đoạn này, yêu sách chủ quyền của Philippines đã làm cho tình hình biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp hơn. Để giảm bớt tình hình căng thẳng giữa hai nước, ngày 07/11/1995, hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Philippines đã bắt đầu tiến hành đàm phán. Kết quả đàm phán đã đạt được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển đảo có tranh chấp trong khu vực biển Đông, trong đó có 4 vấn đề cơ bản: (i) Hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa; (ii) Hai bên tự kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm họa, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa; (iii) Bảo đảm tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; (iv) Hai bên từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.[30] Mặc dù những nội dung nêu trên không phải là cơ sở pháp lý, nhưng cũng đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển. Vùng biển giáp ranh giữa hai nước không diễn ra xung đột vũ trang. Những nội dung nêu trên là cơ sở để hai bên tiếp tục đàm phán và duy trì hòa bình trên vùng biển giáp ranh giữa hai nước.
Giai đoạn 1995 – 2007, trên cơ sở đàm phán hòa bình Việt Nam và Philippines đã tiến hành thực hiện bốn cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học chung về biển lần đầu tiên vào năm 1997 và tiếp theo là các năm 2000, 2004, 2007.[31] Đây là một hình mẫu về hợp tác nghiên cứu khoa học chung về biển đang được đề nghị mở rộng thành phần và nâng lên thành một thiết chế thường xuyên. Do tình hình phức tạp của khu vực biển Đông, quan điểm chủ quyền về biển đảo giữa hai nước còn có những khác biệt nên từ năm 2008 đến năm 2015 hai nước đã không thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học chung về biển, song vẫn cam kết duy trì sự hòa bình và ổn định trong khu vực biển Đông, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS 1982.
(5) Phân định biển giữa Việt Nam và Cambodia
Do kiến tạo về mặt địa chất, cho nên giữa bờ biển giữa hai nước Việt Nam và Cambodia có những đặc điểm cơ bản như có trên 150 đảo lớn, nhỏ được chia thành bảy cụm và một số đảo lẻ. Ngoài một số đảo lớn như đảo Phú Quốc rộng 568 km2, đảo Phú Dự rộng 25 km2, đảo Thổ Chu rộng 10 km2 và một số đảo như Hòn Dứa, quần đảo Nam Du trên dưới 1,5 km2, các đảo còn lại đều nhỏ dưới 1 km2. Trong khu vực này,[32] hai nước có vấn đề về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mặt khác, trong quan hệ giữa hai nước tồn tại vấn đề đường Brévié cho dù đường Brévié không phải là cơ sở pháp lý để phân định biển (để tạm thời giải quyết vấn đề quản lý các đảo, giữa Việt Nam và Cambodia, năm 1939, Toàn quyền Đông Dương G. Brévié đã vạch một ranh giới mà lịch sử sau này gọi là đường Brévié. Theo đó, Cambodia có quyền hành chính và cảnh sát trên các đảo ở phía Tây Bắc đường này, còn các đảo ở phía Đông Nam đường này thuộc quyền quản lý của Nam Kỳ). Trước những diễn biến phức tạp ở vùng biển này, nhằm thiết lập một cơ chế quản lý chung, ngày 07/7/1982, hai nước đã ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Cambodia. Hiệp định gồm 3 điều quy định 03 nội dung cơ bản sau đây:
(i) Vùng nước nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của nước Cộng hòa nhân dân Cambodia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thủy, được giới hạn (theo kinh tuyến Greenwich Đông) về phía Tây Bắc bởi đường thẳng nối liền các toạ độ 9o54’.2 Bắc – 102o55’.2 Đông và 9o54’.5 Bắc – 102o57’.0 Đông ở đảo Poulo Wai (Campuchia) đến tọa độ 10o24’.1 Bắc – 103o48’.0 Đông và 10o25’.6 Bắc – 103o49’.2 Đông ở đảo Koh Sès (Cambodia) đến tọa độ 10o30’.0 Bắc – 103o47’.4 Đông ở đảo Koh Thmei (Cambodia) kéo đến tọa độ 10o32’.4 Bắc – 103o48’.2 Đông trên bờ biển tỉnh Kampot (Cambodia); Về phía Bắc bởi đường bờ biển tỉnh Kampot từ toạ độ 10o32’.4 Bắc – 103o48’.2 Đông đến điểm mút trên bờ biển của đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Cambodia; Về phía Đông Nam bởi đường nối liền từ điểm mút trên bờ biển của đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Cambodia đến toạ độ 10o04’.2 Bắc – 104o02’.3 Đông ở mũi An Yên đảo Phú Quốc (Việt Nam) vòng theo bờ Bắc đảo đến mũi Đất Đỏ ở toạ độ 10o02’.8 Bắc – 103o59’.1 Đông kéo qua toạ độ 9o18’.1 Bắc – 103o26’.4 Đông ở đảo Thổ Chu (Việt Nam) đến toạ độ 9o15’.0 Bắc – 103o27’.0 Đông ở đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam); Về phía Tây Nam bởi đường thẳng kéo tà toạ độ 9o55’.0 Bắc – 102o53’.5 Đông ở đảo Poulo Wai đến toạ độ 9o15’.0 Bắc – 103o27’.0 Đông ở đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) (Điều 1);
(ii) Hai bên sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để hoạch định đường biên giới trên biển giữa hai nước trong vùng nước lịch sử nói ở điềm 1 (Điều 2).
(iii) Hai bên khẳng định, trong khi chờ đợi giải quyết đường biên giới trên biển giữa hai nước trong vùng nước lịch sử nói trên, điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi nước nằm giữa biển trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai và sẽ do hai bên thỏa thuận xác định sau. Hai bên vẫn lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này. Việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả hai bên cùng tiến hành. Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó, hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận (Điều 3).[33]
Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo trên vùng biển giáp ranh giữa hai nước. Hiệp định đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền biển đảo giữa hai nước, nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển chính thức do hai bên chưa ký được hiệp định phân định biển. Hiệp định cũng quy định hai nước đồng ý tạo ra một Vùng nước lịch sử chung căn cứ vào điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế và quốc phòng của mỗi nước. Vùng nước lịch sử chung được giới hạn bởi các bờ biển Hà Tiên của Việt Nam và Kampot của Cambodia, đảo Phú Quốc và các đảo khác ở ngoài khơi. Vùng nước lịch sử chung được hai bên đặt dưới chế độ nội thủy và được quản lý chung về đánh cá, hai bên tiến hành tuần tra và kiểm soát trong khi chờ đợi việc giải quyết đường biên giới trên biển trong vùng nước lịch sử. Đây có thể coi là hình mẫu quản lý chung về đánh cá đầu tiên trong khu vực. Tháng 3/1999, tại cuộc họp vòng 1 của Ủy ban liên hợp, phái đoàn của Việt Nam đã đưa ra sơ đồ đường trung tuyến trong vùng nước lịch sử để hai bên lấy đường này làm cơ sở đàm phán phân định, điều chỉnh làm đường phân định biên giới trên biển giữa hai nước. Đây được xem là giải pháp hợp lý để hai bên tiếp tục làm cơ sở đàm phán phân định biên giới trên biển. Tuy nhiên, đến tháng 8/1999, tại vòng 2 của cuộc họp Ủy ban liên hợp, Cambodia vẫn chưa nhất trí về đường trung tuyến mà Việt Nam đã vạch ra ở vòng 1 và không đưa ra giải pháp cụ thể nào. Quan điểm của Việt Nam trong đàm phán phân định biển với Cambodia là vẫn kiên trì giải thích rõ hơn về tính hợp lý và hy vọng đi tới một biện pháp phân định công bằng cho cả hai bên. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay Cambodia vẫn chưa có hành động cụ thể, hay động thái tích cực nào trong đàm phán với Việt Nam để đi tới kết quả phân định biên giới trên biển giữa hai nước một cách công bằng.
KẾT LUẬN
Hợp tác đánh đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn chưa được phân định là một giải pháp có tính chất tạm thời nhưng có ý nghĩa chính trị – pháp lý quốc tế đặc biệt quan trọng. Hình thức hợp tác này là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin, loại trừ nguy cơ xung đột giữa các bên liên quan, gìn giữ và bảo vệ môi trường an ninh trên biển. Mặt khác, hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn chưa được phân định là biện pháp “tạm gác tranh chấp, cùng khai thác”. Biện pháp này vừa đáp ứng được nhu cầu về khai thác tài nguyên thủy hải sản phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội vừa duy trì mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa các quốc gia. Việc thiết lập các khu vực đánh bắt cá chung có thể là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng để các bên tranh chấp tiến tới thỏa thuận cuối cùng để xác định đường biên giới trên biển hoặc đường phân định biển trong tương lai. Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, các thỏa thuận khai thác chung không ảnh hưởng đến việc phân định biển cuối cùng giữa các bên liên quan. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi mà Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông gồm Trung Quốc, Philippines, Maylaysia, Indonesia và Cambodia đang tồn tại các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định như chúng tôi đã đề cập ở trên thì nghiên cứu mô hình hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn của các nước trên thế giới để làm bài học kinh nghiệm để áp dụng là giải pháp khả dĩ, góp phần làm giảm nguy cơ xung đột do tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển đang diễn ra rất căng thẳng và phức tạp trong thời gian gần đây.
CHÚ THÍCH
[1]* TS Luật học, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Tên tiếng Anh của Công ước: United Nations Convention on the Law of the Sea.
[2] Xem: International Crisis Group (ICG), “Stirring Up The South China Sea (I),” Asia Report, no. 223 (April 2012), 1. Tham khảo địa chỉ website: http://www.crisisgroup.org/en/regions/asia/north-east- asia/china/223-stirring-up-the-south-china-sea-i.aspx; Robert Pomeroy cùng đồng nghiệp, “Fish wars: Conflict and Collaboration in Fisheries Management in Southeast Asia,” Marine Policy 31, (2007), 645–656. Tham khảo địa chỉ website: http://sociolegalstudies.files.wordpress.com/2008/06/fisheries1.pdf; Marwaan Macan- Markar, “Thailand: For Fisheries, Depleted Seas Worse Than Insurgency,” Inter Press Service, July 5, 2010. Tham khảo địa chỉ website: http://ipsnews.net/print.asp?idnews=43084.
[3] Tham khảo địa chỉ website: http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong/504-bien-ong-ia-chien-lc-va-tiem-nng
[4] Viết tắt từ Tiếng Anh: Exclusive Economic Zone – EEZ.
[5] Guyana/Suriname Arbitration, UN Law of the Sea Annex VII, Award of the Arbitral Tribunal, ngày 17/9/2007, xem tại http://www.pca-cpa.org/upload/files/Guyana-Suriname%20Award.pdf.
[6] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 459.
[7] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 461.
[8] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 461.
[9] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 471.
[10] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 477.
[11] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 477
[12] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 470.
[13] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 467.
[14] Guyana/Suriname Arbitration, đoạn 467.
[15] Xem Maritime Delimitation Treaty between Jamaica and the Republic of Colombia, ngày 12/11/1993,.http://www.un.org/depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/TREATIES/JAM- COL1993MD.PDF.
[16] Thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, ký kết ngày 03/8/2000 (có hiệu lực từ ngày 30/7/2001); Sun Pyo Kim 2004, Maritime Delimitation and Interim Agreements in North East Asia, Martinus Nijhoff Publishers, The Netherlands, 2004, Phụ lục 4, tr. 347. [Sun Pyo Kim] .
[17] Xem Memorandum of Understanding between Malaysia and the Kingdom of Thailand on the Establishment of a Joint Authority for the Exploitation of the Resources in the Sea-Bed in a Defined Area of the Continental Shelf of the Two Countries in the Gulf of Thailand, ký kết ngày 21/2/1979 (có hiệu lực kể từ ngày 24/10/1979), http://cil.nus.edu.sg/rp/il/pdf/1979%20MOU%20between%20Malaysia%20and%20Thailand-pdf.pdf, truy cập ngày 20/7/2013.
[18] Xem Agreement between the Government of Jamaica and the Government of the Republic of Cuba on the Delimitation of the Maritime Boundary between the Two States, ký kết ngày 18/2/1994, http://faolex.fao.org/docs/pdf/bi-33057.pdf, truy cập ngày 20/7/2013.
[19] Xem Agreement between the Government of the Kingdom of Thailand and the Government of Malaysia on the Constitution and Other Matters relating to the Establishment of the Malaysia-Thailand Joint Authority, ký kết ngày 30/5/1990. http://cil.nus.edu.sg/rp/il/pdf/1990%20Agreement%20between%20Malaysia%20and%20Thailand%20on%20the%20MTJA-pdf.pdf, truy cập ngày 20/7/2013.
[20] Sun Pyo Kim, tlđd, tr. 46-47. Kim cho rằng: “một số quốc gia thường sử dụng MOU cho các thỏa thuận tạm thời hơn là các văn bản chính thức khác, bởi vì các MOU có một số thuận tiện: các MOU không cần thiết phải công bố vì chúng không phải là các điều ước; dễ sửa đổi; không cần đợi thời gian phê chuẩn bởi quốc hội hay nghị viện”.
[21] Việc phân biệt ra vùng Trắng và vùng Xám khởi nguồn từ sáng kiến của ông Manner, nguyên là Chủ tịch của Nhóm Đàm phán 7 (Negotiation Group 7) tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 để ký UNCLOS 1982. Xem thêm: B.H. Oxman, “The Third United Nations Conference on the Law of the Sea: The 1976 New York Convention”, A.J.I.L. 71, 1977, tr. 261.
[22] R.R. Churchill, “Fisheries issues in Maritime boundary delimitation”, M.P.17, 1993, tr. 48-49.
[23] R.R. Churchill, “Fisheries issues in Maritime boundary delimitation”, M.P.17, 1993, tr. 45.
[24] R. Lagoni, “Interim Measures Pending Maritime Delimitation Agreements”, A.J.I.L.78, 1984, tr. 78.
[25] Phán quyết năm 1953 của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trong vụ “The Minquiers and Ecrehos Case”, tr. 58.
[26].Xem:.http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/CHN_1996_Declaration.pd
[27] Chỉ có quốc gia quần đảo (tức quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa) mới có quyền vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quẩn đảo (theo Điều 46 và 47 của UNCLOS). Xem thêm: Daniel J. Dzurek: “The People’s Republic of China Straight Baseline Claim”, International Boundary Reasearch Unit, Durham University, Boundary and Security Bulletin Summer, 1996, p. 77 – 89, Général Daniel Schaeffer: “Mer de Chine méridionale: Mythes et réalités du tracé en neuf traits”. Diplomatie 36, 1-2/2009.
[28] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường, Công ¬ước biển 1982 và Chiến l¬ược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 134.
[29] Xem: Bản Ghi nhớ áp dụng nguyên tắc dàn xếp tạm thời giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992. Niên giám các Điều -ước quốc tế của n¬ước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
[30] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường, Công ¬ước biển 1982 và Chiến l¬ược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 198 – 199.
[31] Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực, Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 19 đến ngày 21/11/2012.
[32] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường, Công ¬ước biển 1982 và Chiến l¬ược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 122.
[33] Xem toàn văn Hiệp định về Phân định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Cambodia ngày 07/7/1982 tại địa chỉ website: http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Hiep-dinh-vung-nuoc-lich-su-Viet-Nam-Campuchia-115569.aspx
- Tác giả: TS. Ngô Hữu Phước
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(106)/2017 – 2017, Trang 61-70
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý