• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand

Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand

30/04/2020 22/05/2021 TS. Trần Việt Dũng

Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand

TÓM TẮT

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư (ISDS) của các điều ước đầu tư đang chịu nhiều sự chỉ trích cùng với sự gia tăng các các vụ kiện và số lượng các nước bị ảnh hưởng. Điều này đã thúc đẩy một loạt các sáng kiến cải cách nhằm vào cả cơ chế ISDS và hệ thống điều ước đầu tư. Bài viết này nêu những bất cập của cơ chế ISDS, cũng như xem xét kinh nghiệm của Úc và New Zealand trong việc hạn chế tác động tiêu cực của ISDS lên các biện pháp, quyết sách của nhà nước.

  • Quy định trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn – tác động đối với các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam – TS. Phan Thị Thành Dương & ThS. Nguyễn Thị Thương
  • Một số vấn đề về quyền ban hành quy định bảo vệ môi trường của quốc gia tiếp nhận đầu tư – ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy & ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy
  • Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
  • Truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp làm ô nhiễm môi trường – TS. Trần Việt Dũng
  • Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
  • Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại – đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA) – Một số vấn đề cần lưu ý – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương

TỪ KHÓA: Giải quyết tranh chấp

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) được coi là một cấu thành quan trọng trong các điều ước đầu tư quốc tế, giúp nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp kiện chính phủ nước tiếp nhận đầu tư ra một cơ quan tài phán quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt trong các trường hợp tài sản của họ bị cơ quan nhà nước quốc hữu hóa, truất hữu… Nhiều quan điểm còn cho rằng áp lực từ việc tham gia vào cơ chế ISDS sẽ buộc nhà nước phải cải thiện môi trường pháp lý và thực tiễn quản lý đầu tư nước ngoài.[1] Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cơ chế này bị lạm dụng bởi các nhà đầu tư quốc tế nhằm bảo vệ các lợi ích của họ, bất chấp những tổn hại to lớn và lâu dài đến môi trường, xã hội của nước tiếp nhận đầu tư, hoặc để tạo áp lực cho nhà nước nhằm cản trở việc triển khai chính sách xã hội bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều vụ tranh chấp môi trường lớn với nhà đầu tư nước ngoài, số lượng các vụ kiện theo cơ chế ISDS cũng gia tăng đáng kể kể từ năm 2010.[2] Phải đối mặt với thách thức này, Việt Nam buộc phải nghiên cứu, hiểu rõ những vấn đề của ISDS, từ đó có những chiến lược đối với vấn đề này nhằm kiểm soát tác động của ISDS một cách hợp pháp. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của hai quốc gia là Úc và New Zealand khi đàm phán về ISDS trong các điều ước đầu tư quốc tế của họ.

Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA): Những điểm tiến bộ và thách thức khi thực thi
  • Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước theo các Hiệp định đầu tư quốc tế mà Việt Nam là thành viên
  • Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
  • Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực Biển Đông
  • Giải quyết tranh chấp biển đảo giữa El Salvador và Honduras tại Tòa án Công lí quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển theo Công ước Luật Biển 1982
  • Quyền khởi kiện nhà nước của nhà đầu tư trong cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở Việt Nam
  • Áp dụng các quy tắc giải thích điều ước quốc tế đối với các hiệp định đầu tư quốc tế - thực tiễn áp dụng và những kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với các môn chuyên ngành luật - Kinh nghiệm áp dụng cho môn luật quốc tế

Trong một thập niên trở lại đây, cùng với sự gia tăng của các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước,[3] cơ chế ISDS đã bộc lộ nhiều bất cập và vì vậy cũng chịu nhiều chỉ trích quốc tế, đặc biệt là trong khu vực Nam Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.[4] Chỉ trong giai đoạn 2000 – 2017, các nước ở khu vực này đã phải đối mặt với trên 850 vụ kiện trọng tài quốc tế với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó 658 vụ nhà nước phải tham gia xuất phát từ cam kết trong các điều ước đầu tư.[5]

Hầu hết các chỉ trích của các học giả và chuyên gia quốc tế đối với cơ chế ISDS đều nhắm tới tính khách quan và công bằng của trọng tài đầu tư quốc tế đối với các tranh chấp đặc thù. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ trong khuôn khổ ISDS, trọng tài đầu tư được trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp dựa trên các cam kết quốc tế bảo hộ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài của quốc gia tiếp nhận đầu tư tại các điều ước đầu tư. Trong khi các điều ước đầu tư tập trung cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, những khía cạnh khác liên quan tới lợi ích của quốc gia tiếp nhận đầu tư lại bị bỏ qua hoặc không được điều chỉnh rõ ràng. Chế tài đối với hành vi của nhà đầu tư nước ngoài gây tổn hại tới lợi ích cộng đồng và các giá trị phi kinh tế không phải đối tượng điều chỉnh của các điều ước đầu tư. Chính vì vậy, những chính sách, biện pháp nhằm phục vụ mục đích công cộng của nhà nước (ví dụ như bảo vệ giá trị văn hóa, bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật; bảo vệ môi trường…) thường không được coi trọng bằng các lợi ích tư của nhà đầu tư nước ngoài.[6]

Rất nhiều vụ kiện được các công ty đa quốc gia khởi xướng chống lại các nước đang phát triển. Các vụ kiện này không liên quan tới truất hữu trực tiếp hay quốc hữu hóa, mà lại chủ yếu liên quan tới vi phạm quy định mơ hồ về đối xử công bằng và thỏa đáng. Cơ chế ISDS bị lạm dụng bởi các nhà đầu tư sẽ bóp méo mục tiêu ban đầu của nó và ảnh hưởng tới việc xây dựng chính sách phát triển bền vững của nhà nước.

Một vấn đề bất cập khác của ISDS là tính thiếu hệ thống của cơ chế giải quyết tranh chấp. Do đặc điểm của trọng tài là được thành lập cho từng vụ việc cụ thể, mỗi Hội đồng Trọng tài lại hoạt động một cách độc lập, nên các phán quyết của các Hội đồng Trọng tài không thống nhất và ít có tính kế thừa. Mỗi Hội đồng Trọng tài không có nghĩa vụ tuân thủ các phán quyết, phân tích của Hội đồng Trọng tài khác, mặc dù trên thực tế một số Hội đồng Trọng tài cũng tham khảo lập luận của các phán quyết trọng tài trước về vấn đề tương tự.[7] Sự thiếu hệ thống này tạo ra tình trạng không rõ ràng và khó dự đoán trong thủ tục giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, nhiều quan điểm cũng cho rằng cơ chế trọng tài đầu tư hiện nay không bảo đảm được tính vô tư và khách quan của các trọng tài. Thu nhập của trọng tài phát sinh từ phí trọng tài do các bên tranh chấp trả tại mỗi vụ kiện. Nói cách khác, các trọng tài chỉ thực sự tham gia công tác giải quyết tranh chấp và có thu nhập từ hoạt động này khi được các bên tranh chấp lựa chọn cho vụ kiện cụ thể. Vì vậy, nhiều trọng tài có xu hướng bảo vệ quan điểm và lợi ích của bên sẽ tạo nhiều việc làm cho mình – tức là các nhà đầu tư, vì đó mới là chủ thể chủ yếu khởi xướng các vụ kiện ISDS (nhà nước không được quy định quyền khởi kiện nhà đầu tư theo các điều ước đầu tư) và sẽ là bên bảo đảm các cơ hội trong tương lai cho công việc trọng tài của họ. Một số quan điểm còn chỉ ra trọng tài có thế gián tiếp có lợi ích liên quan tới nhà đầu tư (ví dụ họ có thể công tác tại một tổ chức chịu sự chi phối của nhà đầu tư). Một số trung tâm trọng tài đầu tư quốc tế, như Trung tâm Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID), còn bị coi là có xu hướng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư dẫn tới việc một số quốc gia đã rút khỏi Công ước ISCID để phản đối thực tiễn của trung tâm.[8]

Do bản chất không thể dự đoán trước của ISDS của các điều ước quốc tế thể đoán trước của ISDS đã chứng kiến các cuộc chiến dai dẳng của các nhà đầu tư nước ngoài chống lại những chính sách xã hội của nhà nước. Chúng làm tiêu tốn của chính phủ nước tiếp nhận đầu tư hàng triệu đô la tiền thuế trong các thủ tục giải quyết tranh chấp. Vụ Tập đoàn thuốc lá Phillip Morris kiện Chính phủ Úc đã trở thành một dẫn chiếu điển hình cho sự bất cập của cơ chế ISDS.

Năm 2011, Chính phủ Úc ban hành Đạo luật bao bì thuốc lá (Tobacco Plain Packaging Act 2011), buộc các công ty thuốc lá bán các bao thuốc lá trơn không có hình hoặc chữ quảng cáo nhằm thu hút người tiêu dùng. Đạo luật này là một phần của chính sách của Chính phủ Úc chống lại sự gia tăng bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá. Các công ty sản xuất thuốc lá tại Úc như British American Tobacco, Phillip Morris, Imperial Tobacco và Japan Tobacco International đã đệ đơn khởi kiện Chính phủ Úc ra Tòa án Tối cao vì tính chất vi hiến của đạo luật.[9] Họ cho rằng đạo luật của Chính phủ Úc vi phạm Điều 51 (xxxi) của Hiến pháp Úc vì đã tước đoạt quyền tài sản hợp pháp của doanh nghiệp (không được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên sản phẩm). Tòa Tối cao của Úc khi xem xét đơn kiện đã cho rằng việc ban hành Đạo luật là hợp hiến vì đạo luật mang mục đích rõ ràng là cải thiện sức khỏe của người dân Úc và sự ủng hộ của chuyên gia y tế và Tổ chức y tế thế giới WHO.[10]

Sau khi Tòa án Tối cao Úc ra phán quyết khẳng định tính hợp pháp của Đạo luật, Phillip Morris đã quyết định khởi kiện chính phủ Úc theo cơ chế ISDS.[11] Do không có điều khoản ISDS trong các hiệp định thương mại giữa Úc và Mỹ, Phillip Morris đã tái cấu trúc cổ đông của hai công ty con của tập đoàn ở Úc để một công ty con khác của mình có trụ sở ở Hồng Kông là Philip Morris Asia sở hữu các công ty đó, qua đó đủ điều kiện để khởi kiện Chính phủ Úc ra Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) theo cơ chế ISDS của hiệp định đầu tư song phương giữa Úc và Hồng Kông (BIT).[12]Ngày 22/11/2011, Philip Morris Asia đã nộp đơn khởi kiện Chính phủ Úc ra PCA yêu cầu Chính phủ Úc bồi thường vì Đạo luật bao bì thuốc vi phạm quy định về đối xử công bằng và thỏa đáng và gây mất mát cho các khoản đầu tư của họ tại Úc.[13] Phillip Morris cho rằng việc bị cấm in hình các nhãn hiệu của sản phẩm biến họ từ một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có thương hiệu thành một nhà sản xuất sản phẩm thông thường dẫn tới hậu quả làm giảm giá trị của các khoản đầu tư của họ vào Úc.[14] Biện pháp của Úc được Phillip Morris mô tả như một hành vi tương đương truất hữu gián tiếp và họ yêu cầu một khoản tiền không được tiết lộ cho việc mất lợi nhuận hiện tại và tương lai. May mắn cho Chính phủ Úc, Hội đồng Trọng tài PCA đã từ chối thẩm quyền vì xác định việc tái cấu trúc công ty con ở Úc của Phillip Morris thực chất là sự lạm dụng quyền được bảo vệ bởi ISDS và vi phạm nguyên tắc thiện chí (good faith) khi khiếu kiện.[15]

Tuy thắng trong vụ kiện với Phillip Morris nhưng theo đuổi vụ kiện này đã làm cho Chính phủ Úc tiêu tốn gần 50 triệu USD.[16] Mặt khác, không ai có thể chắc chắn kết quả giải quyết tranh chấp sẽ ra sao nếu trọng tài không từ chối thẩm quyền và đi vào phân tích trách nhiệm của nhà nước đối thiệt hại của nhà đầu tư nước ngoài theo BIT. Rõ ràng việc bị “mắc kẹt” với thủ tục ISDS đã gây ra những khó khăn lớn cho Chính phủ Úc trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội chính đáng.

Trong nhiều thập niên, Úc và New Zealand đều có chính sách tôn trọng cơ chế ISDS, đồng thời coi đó là một phần cấu thành đương nhiên của các điều ước đầu tư quốc tế. Tất cả các hiệp định đầu tư song phương và các hiệp định thương mại khu vực mà hai quốc gia này tham gia đều có điều khoản về ISDS.[17] Mặc dù vậy, kể từ sau vụ kiện Phillip Morris với Chính phủ Úc, quan điểm của Úc và New Zealand đối với ISDS trở nên cứng rắn theo hướng hạn chế thẩm quyền của các Hội đồng Trọng tài đối với các vấn đề liên quan tới chính sách của Chính phủ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng.

Chính quyền công đảng của Thủ tướng Gillard thậm chí còn ban hành nghị quyết về chính sách thương mại quốc tế khẳng định Úc sẽ không chấp nhận cơ chế ISDS tại các điều ước quốc tế trong tương lai.[18] Mặc dù vậy, tới năm 2013, Chính phủ Úc đã có quan điểm trung dung hơn khi tuyên bố tiếp tục chấp nhận ISDS nhưng phải đánh giá trong từng trường hợp cụ thể.[19]

Chính sách chung của Úc là công nhận cơ chế ISDS trong điều ước đầu tư nhưng sẽ đàm phán với các đối tác điều khoản ISDS để loại trừ thẩm quyền của trọng tài đầu tư nếu vấn đề tranh chấp liên quan tới biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích công cộng.[20]

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Úc và Trung Quốc (ACFTA) ký năm 2015 thể hiện rất rõ tinh thần của chính sách trên của Úc. Điều 9.11(4) minh thị các biện pháp của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích công cộng chính đáng như bảo vệ sức khỏe công cộng, an ninh, môi trường, đạo đức công cộng. Nói cách khác, chính sách công cộng không là đối tượng khởi kiện theo cơ chế ISDS của hiệp định. Bên cạnh đó, để tránh tranh cãi về cách diễn giải về vấn đề trên, Điều 9.11 (5) của ACFTA tiếp tục quy định nhà nước tiếp nhận đầu tư được quyền ban hành một bản lưu ý về lợi ích công cộng (public welfare notice) ghi nhận rõ lý do cho rằng nội dung tranh chấp này không thuộc thẩm quyền của trọng tài đầu tư quốc tế. Cuối cùng, dù cho nhà nước tiếp nhận đầu tư không ban hành bản lưu ý này hay quá trình tham vấn không đạt được kết quả, ACFTA tiếp tục khẳng định nếu Hội đồng Trọng tài chấp nhận thẩm quyền thì phán quyết trọng tài không được “bất lợi” cho loại biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích công cộng như được quy định tại Điều 19.11(4).[21] Điều này có nghĩa là trọng tài đầu tư quốc tế gần như trong bất kỳ trường hợp nào cũng không có thẩm quyền xem xét đơn khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài về biện pháp bảo vệ lợi ích công cộng được ban hành bởi nhà nước.[22] Cách tiếp cận của Hiệp định ACFTA, thể hiện rõ mong muốn của Úc và Trung Quốc trong việc thiết lập một cơ chế loại trừ thẩm quyền của trọng tài quốc tế đối với những vấn đề tranh chấp liên quan tới biện pháp vì lợi ích công cộng.

New Zealand chưa bao giờ phải đối mặt với một vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài.[23] Tuy nhiên, sau sự kiện các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá thực hiện các chiến dịch chống lại Đạo luật bao bì thuốc lá của Úc, New Zealand đã thể hiện quan điểm không ủng hộ cơ chế ISDS truyền thống. Chính sách của New Zealand về vấn đề đãi ngộ với FDI và giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm hai điểm: (i) bảo đảm không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào cao hơn chế độ được áp dụng cho nhà đầu tư nội địa; (ii) hạn chế việc các nhà đầu tư nước ngoài lạm dụng quyền tiếp cận cơ chế ISDS để cản trở Chính phủ thực hiện các chính sách, biện pháp mang tính chất bảo vệ lợi ích công cộng.[24]

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), New Zealand đã thuyết phục các bên ký kết chấp nhận một cơ chế mở, theo đó từng nước thành viên cụ thể có thể ký kết các thỏa thuận bên lề về cơ chế ISDS theo cách thức phù hợp với lợi ích của họ. New Zealand đã đàm phán ký kết các Thỏa thuận bên lề về ISDS với năm thành viên CPTPP, gồm Brunei, Malaysia, Peru, Việt Nam và Úc.[25] Tùy thuộc vào quan điểm của từng nước, New Zealand đã đàm phán các Thỏa thuận bên lề theo hai hướng tiếp cận khác nhau:

a) Cách tiếp cận thứ nhất: loại bỏ hoàn toàn ISDS

Cách tiếp cận thứ nhất này nhằm loại bỏ hoàn toàn quyền của nhà đầu tư đối với ISDS. Cách tiếp cận này có thể thấy tại Thỏa thuận bên lề của New Zealand với Peru và Úc. Đối với Úc, nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất (80% vốn đầu tư ngoài nước của New Zealand từ những quốc gia CPTPP), New Zealand mong muốn các vấn đề tranh chấp về đầu tư với nhà đầu tư Úc sẽ chỉ được giải quyết tại Tòa án của New Zealand. Thông qua Thỏa thuận bên lề New Zealand cũng thống nhất với Úc hướng tiếp cận này nhất quán với thông lệ trước đây của hai quốc gia nhằm loại trừ những điều khoản ISDS (cụ thể là trong mối quan hệ với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA).

b) Cách tiếp cận thứ hai: gia tăng tầm kiểm soát của nhà nước đối với ISDS

Cách tiếp cận thứ hai này được thực hiện trong ba Thỏa thuận bên lề còn lại với ba nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Malaysia và Brunei. Cách tiếp cận này phức tạp hơn và quy định về phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở kiểm soát từng giai đoạn của qua trình giải quyết tranh chấp. Theo đó, trong trường hợp có tranh chấp, nhà đầu tư phải đưa ra yêu cầu tham vấn và đàm phán bằng văn bản, trong đó mô tả ngắn gọn các sự kiện liên quan đến các biện pháp đang kiến nghị giải quyết. Sau đó, nhà nước và nhà đầu tư sẽ cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thiện chí trong vòng 6 tháng bằng cách sử dụng các thủ tục không có tính ràng buộc như trung gian, hòa giải, tham vấn. Trong trường hợp không thể giải quyết được thì tranh chấp có thể được đưa ra trọng tài theo Chương 9 của CPTPP với điều kiện nhà nước phải chấp thuận việc áp dụng cơ chế ISDS cho vụ kiện liên quan.

Với quy định của các Thỏa thuận bên lề trên, nhà nước tiếp nhận đầu tư có toàn quyền quyết định việc chấp thuận thẩm quyền của trọng tài sau khi đã cùng nhà đầu tư nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách thiện chí nhưng không thành công. Việc nhà nước từ chối chấp thuận thủ tục trọng tài sẽ loại bỏ khả năng nhà đầu tư tiếp cận cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Thỏa thuận bên lề của Brunei quy định thêm rằng khi quốc gia sở tại không đồng ý với ISDS, quốc gia của nhà đầu tư (Brunei/ New Zealand) có thể yêu cầu tham vấn với quốc gia tiếp nhận đầu tư để quyết định phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Trên lý thuyết, các nhà đầu tư khởi động một cơ chế giải quyết tranh chấp theo văn kiện này có thể có thêm một lớp bảo vệ. Tuy vậy điều này sẽ phụ thuộc vào quyết định của nhà nước và chắc chắn sẽ được thực hiện với những toan tính về chính trị.

Cần lưu ý là thỏa thuận bên lề giữa New Zealand và Brunei, Việt Nam, Malaysia chỉ có tác dụng đối với điều khoản ISDS của CPTPP. Như vậy, các nhà đầu tư từ Brunei, Malaysia và Việt Nam và các nhà đầu tư từ New Zealand đầu tư vào các quốc gia này vẫn có thể dựa vào các điều ước đầu tư khác có quy định về ISDS mà các quốc gia trên là thành viên (ví dụ như AANZFTA). Do đó, theo Điều 1.2 (Liên quan đến các thỏa thuận khác) của CPTPP các quốc gia thành viên thừa nhận các quyền và nghĩa vụ hiện có của mỗi quốc gia thành viên theo các thỏa thuận quốc tế hiện hành mà tất cả hoặc ít nhất hai quốc gia thành viên của CPTPP là một bên tham gia ký kết. Thỏa thuận bên lề giữa New Zealand và Việt Nam quy định rõ ràng rằng không điều nào trong CPTPP “sẽ làm tổn hại đến quyền và nghĩa vụ của các Bên theo bất kỳ thỏa thuận quốc tế hiện hữu nào”.[26]

Cơ chế ISDS trong điều ước đầu tư góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, qua thực tiễn quốc tế, có thể thấy cơ chế ISDS dựa trên phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài có những bất cập. Mặc dù luôn nhìn nhận về ISDS như một phần tất yếu của các điều ước đầu tư và chưa bao giờ thể hiện quan điểm hoài nghi về ISDS, Chính phủ Việt Nam cần có một chiến lược cụ thể để kiểm soát tác động của ISDS. Chính phủ không thể để cho các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng các cam kết bảo hộ đầu tư sâu rộng từ các hiệp định đầu tư hay hiệp định thương mại tự do để gây sức ép hay cản trở thực thi chính sách, biện pháp nhằm mục đích công cộng. Từ góc độ này, kinh nghiệm của Úc trong việc đàm phán điều khoản ISDS trong ACFTA và chính sách thiết lập các Thỏa thuận bên lề về cơ chế áp dụng ISDS trong CPTPP của New Zealand là rất đáng tham khảo cho chính phủ Việt Nam.

CHÚ THÍCH

[1] Donald Robertson, “Governance and International Investment Treaties for Asia: A Principled Approach to Assessing Regulatory Action” trong Luke Nottage and Julien Chaisse (eds), International Investment Treaties and Arbitration Across Asia, Brill, 2017, tr. 64-66.

[2] UNCTAD, International Investment Agreements Navigator,  http://investmentpolicy.unctad.org/investment-dispute-settlement/country/229/viet-nam/respondent, truy cập ngày 10/2/2019. Từ 2010 tới 2018, Chính phủ Việt Nam đã phải đối mặt với 7 vụ kiện theo cơ chế ISDS.

[3] UNCTAD, International Investment Agreements Navigator, http://investmentpolicyhub.unctad.org/IIA/CountryBits/229#iiaInnerMenu, truy cập ngày 10/2/2019.

[4] Luke Nottage, Julien Chaisse and Sakda Thanitcul, “International Investment Treaties and Arbitration Across Asia: A Bird’s Eye View” trong Julien Chaisse and Luke Nottage, tlđd. tr. 34.

[5] UNCTAD, Investment Dispute Settlement Navigator, https://investmentpolicyhub.unctad.org/ISDS, truy cập ngày 10/2/2019.

[6] Schill Stephan, Multilateralizing InternationalInvestment Law, Cambridge University Press, 2009, tr. 45 – 46; Trần Việt Dũng và Nguyễn Ngọc Mai Thy, “Lợi ích công cộng” trong luật đầu tư quốc tế – Thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 01 (122), 2019, tr. 68 – 73

[7] Trần Việt Dũng, “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam – sự hình thành tòa án đầu tư quốc tế?”, trong Trần Việt Dũng – Nguyễn Thị Lan Hương (đồng chủ biên), Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế – Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 63

[8] Chính phủ các nước Venezuela, Ecuador và Bolivia đã tuyên bố rút khỏi Công ước ICSID sau khi bị các hội đồng trọng tài của ICSID liên tục bị xử thua trong các vụ kiện với nhà đầu tư nước ngoài.

[9] Australian Government Attorney – Generals Department, Tobacco plain packaging – investor-state arbitration, https://web.archive.org/web/20151129215745/http://www.ag.gov.au/tobaccoplainpackaging, truy cập ngày 10/2/2019.

[10] British American Tobacco Australasia Limited and Ors v. The Commonwealth of Australia, Case S389/2011 http://www.hcourt.gov.au/cases/case-s389/2011, truy cập ngày 2/3/2019.

[11] Australian Government Attorney – Generals Department, tlđd. Ngày 15/08/2012, Tòa Tối cao Úc ra phán quyết khẳng định Đạo luật bao bì thuốc lá 2011 không vi phạm Điều 51(xxxi) Hiến pháp và quy định của đạo luật này không phải là một biện pháp truất hữu gián tiếp tài sản của nhà đầu tư.

[12] Australia – Hong Kong, China SAR Bilateral Investment Treaty, 1993.

[13] PCA, Award on Jurisdiction and Admissibility (Phán quyết về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài) – Philip Morris Asia Limited vs. the Commonwealth of Australia, PCA case – 2012-12, https://www.italaw.com/sites/default/files/case-documents/italaw7303_0.pdf, truy cập ngày 12/1/2019.

[14] PCA, Award on Jurisdiction and Admissibility, tlđd, đoạn 7.

[15] PCA, Award on Jurisdiction and Admissibility, tlđd, đoạn 588.

[16] Sydney Morning Herald, “Australia versus Philip Morris. How we took on big tobacco and won”, https://www.smh.com.au/politics/federal/australia-versus-philip-morris-how-we-took-on-big-tobacco-and-won-20160517-gowwva.html, truy cập ngày 20/1/2019.

[17] Úc đã ký 38 điều ước đầu tư quốc tế có điều khoản ISDS (18 BIT và 11 FTA); New Zealand đã ký 20 điều ước đầu tư quốc tế có điều khoản ISDS (4 BIT và 8 FTA); xem thêm UNCTAD, tlđd.

[18] Australian Department of Foreign Affairs and Trade, Gillard Government Trade Policy Statement: Trading our way to more jobs and prosperity, 2011, tr. 14

[19] Luke Nottage, “Investor-State Arbitration Policy and Practice in Australia” trong Armand de Mestral (ed), Second Thoughts: Investor-State Arbitration Between Developed Democracies, Centre for International Governance Innovation, 2017, tr. 67-69.

[20] Luke Nottage, tlđd, tr. 69

[21] Điều 9.11(8) Australia – China FTA, 2015.

[22] Ngô Nguyễn Thảo Vy, “Loại trừ thẩm quyền của Trọng tài đầu tư quốc tế đối với biện pháp bảo vệ lợi ích công cộng được ban hành bởi Nhà nước tiếp nhận đầu tư”, trong Trần Việt Dũng – Nguyễn Thị Lan Hương (đồng chủ biên), Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 97 – 102.

[23] UNCTAD, ghi chú 2.

[24] Amokura Kawharu – Luke Nottage, “The curious case of ISDS arbitration involving Australia and New Zealand”, 44 (2) University of Western Australia Law Review 32 – 70.

[25] Ministry of Foreign Affair and Trade of New Zealand (MFAT), The texts of CPTPP, https://www.mfat.govt.nz/en/trade/free-trade-agreements/free-trade-agreements-in-force/cptpp/comprehensive-and-progressive-agreement-for-trans-pacific-partnership-text, truy cập ngày 10/2/2019.

[26] MFAT, https://www.mfat.govt.nz/assets/CPTPP/New-Zealand-Viet-Nam-ISDS.pdf, truy cập ngày 10/2/2019.

Chia sẻ bởi: Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam

Tác giả: Trần Việt Dũng – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2019 (129)/2019 – 2019, Trang 108-116

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Trách nhiệm của Chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong tranh chấp đầu tư quốc tế: Vụ ông Emilio Agustin Mafezini kiện Chính phủ Vương quốc Tây Ban Nha (Vụ việc arb/97/7) [1]
Trách nhiệm của Chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong tranh chấp đầu tư quốc tế: Vụ ông Emilio Agustin Mafezini kiện Chính phủ Vương quốc Tây Ban Nha (Vụ việc arb/97/7) [1]
Một số vướng mắc khi giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại Tòa án và giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này
Một số vướng mắc khi giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại Tòa án và giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này
Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại – Thực trạng và hướng hoàn thiện pháp luật
Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại – Thực trạng và hướng hoàn thiện pháp luật
Giải quyết các tranh chấp về hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ - Một số vấn đề về pháp luật và thực tiễn thực hiện
Giải quyết các tranh chấp về hợp đồng liên quan đến biện pháp bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ – Một số vấn đề về pháp luật và thực tiễn thực hiện
Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước theo các Hiệp định đầu tư quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước theo các Hiệp định đầu tư quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Quyền khởi kiện nhà nước của nhà đầu tư trong cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở Việt Nam
Quyền khởi kiện nhà nước của nhà đầu tư trong cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở Việt Nam

Chuyên mục: Đầu tư/ Đầu tư quốc tế/ Quốc tế Từ khóa: Điều ước đầu tư/ Giải quyết tranh chấp/ New Zealand/ Nhà đầu tư/ Nhà nước/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2019/ Tranh chấp đầu tư/ Úc

Previous Post: « Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại – đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA) – Một số vấn đề cần lưu ý
Next Post: Một số vấn đề về quyền ban hành quy định bảo vệ môi trường của quốc gia tiếp nhận đầu tư »

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng