Mục lục
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982
TÓM TẮT
Bài viết phân tích phương thức lựa chọn, chức năng, thủ tục tố tụng và giá trị pháp lý của phán quyết của Trọng tài quốc tế và Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VII và Phụ lục VIII của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển . Đồng thời, phân tích xu hướng lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp biển của các quốc gia trên thế giới hiện nay và quan điểm của Việt Nam về giải quyết tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Xem thêm:
- Vấn đề xác định đường cơ sở cho các đảo và nhóm đảo theo Công ước Luật Biển 1982 – Phân tích thực tiễn đường cơ sở của Trung Quốc – TS. Hồ Nhân Ái
- Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – TS. Trần Thăng Long
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
- Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng biển của Việt Nam và những vấn đề pháp luật quốc tế – PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng
- Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam – ThS. Trần Thị Thu Hà
TỪ KHÓA: Giải quyết tranh chấp, Tố tụng trọng tài, Công ước Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển, Công pháp quốc tế,
1. Dẫn nhập
Ngày 30/4/1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (gọi tắt là Công ước) đã được thông qua tại New York và mở cho các quốc gia ký tại Montego Bay-Jamaica ngày 10/12/1982 sau 5 năm trù bị (1968 -1973) và 09 năm đàm phán chính thức (1973-1982) với 11 khóa họp. Công ước chính thức có hiệu lực vào ngày 16/11/1994[1]. Với 320 điều và 9 phụ lục, có thể khẳng định rằng, cho đến ngày nay, Công ước là điều ước quốc tế đồ sộ nhất của luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Về nội dung, Công ước là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất giúp các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển cũng như quản lý, khai thác, sử dụng biển và đại dương một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, Công ước đã dành một vị trí rất quan trọng quy định các vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp. Cụ thể, Công ước có 27/320 Điều (21 điều trong Phần XV và 6 điều trong Mục 5 của Phần XI) và 4 Phụ lục, trực tiếp quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, nếu so sánh số lượng các điều trong 9 Phụ lục kèm theo Công ước thì 4 Phụ lục liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp[2] gồm 74 điều, trong khi 5 Phụ lục còn lại chỉ có 44 điều. Với các quy định cụ thể và chi tiết, Công ước đã thiết lập một hệ thống riêng biệt và hoàn toàn mới các quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở đảm bảo sự thống nhất trong việc giải thích và áp dụng Công ước.
Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia vận dụng giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến biển. Công ước quy định hệ thống các biện pháp giải quyết tranh chấp đa dạng bao gồm các biện pháp ngoại giao (đàm phán, thương lượng, hòa giải) và các biện pháp tài phán quốc tế (Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế và trọng tài đặc biệt về luật biển). Trong đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và trọng tài đặc biệt về luật biển là những biện pháp giải quyết tranh chấp rất mềm dẻo, linh hoạt và được ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn để giải quyết các tranh chấp về biển. Từ thực tiễn pháp lý đó, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài và trọng tài đặc biệt về luật biển – hai trong số bốn cơ quan tài phán quốc tế có chức năng giải quyết các tranh chấp biển được quy định tại Công ước.
2. Trọng tài quốc tế về luật biển
2.1. Thành lập trọng tài quốc tế về luật biển (gọi tắt là trọng tài)
Theo quy định tại Phần XV, Mục I của Công ước về giải quyết các tranh chấp bằng các thủ tục bắt buộc dẫn đến các quyết định bắt buộc[3], thủ tục trọng tài sẽ được sử dụng nếu các bên tranh chấp đã tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp [4] và đã tiến hành trao đổi quan điểm, thương lượng hay bằng các biện pháp hòa bình khác nhưng tranh chấp vẫn không được giải quyết[5],[6]. Nếu thủ tục trọng tài được chọn để giải quyết tranh chấp thì một hoặc các bên tranh chấp sẽ tiến hành các thủ tục để thành lập trọng tài. Theo quy định của Điều 3, Phụ lục VII về trọng tài, thì trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, trọng tài gồm 5 thành viên[7]. Có nghĩa là, nếu các bên tranh chấp thỏa thuận thì cơ cấu của trọng tài luật biển có thể nhiều hơn 5 thành viên nhưng phải là số lẻ để trọng tài có thể ra phán quyết theo đa số. Nguyên đơn sẽ chọn và đề cử một thành viên từ danh sách trọng tài viên, người này có thể là công dân của mình[8],[9].
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của nguyên đơn, bị đơn[10] trong vụ tranh chấp sẽ chọn một trọng tài viên từ danh sách trọng tài, người này có thể là công dân của mình. Trong thời hạn 30 ngày, nếu bị đơn không cử trọng tài viên cho mình thì nguyên đơn có thể yêu cầu tiến hành việc cử thành viên đó trong vòng 2 tuần sau khi hết thời hạn 30 ngày[11]. Sau đó, các bên sẽ thỏa thuận cử ba trọng tài viên còn lại. Ba thành viên này được các bên lựa chọn trong bản danh sách trọng tài viên và phải là công dân của nước thứ ba, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Chánh tòa trọng tài sẽ được các bên cử ra trong số ba thành viên đó. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của nguyên đơn, nếu các bên tranh chấp không thể thỏa thuận về việc chỉ định một hay nhiều thành viên của trọng tài mà họ phải cử theo thỏa thuận chung hay liên quan đến việc cử Chánh tòa, thì theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp[12], Chánh án Tòa quốc tế về luật biển sẽ thực hiện công việc này, trừ khi các bên tranh chấp thỏa thuận giao cho một người hoặc một nước thứ ba thực hiện. Nếu Chánh án Tòa án quốc tế về luật biển bận công tác khác hoặc là công dân của một trong các bên tranh chấp, thì việc cử trọng tài viên sẽ do thẩm phán có thâm niên cao nhất của Tòa án quốc tế về luật biển thực hiện. Các trọng tài viên được cử phải có quốc tịch khác nhau, không được làm việc cho một bên nào trong vụ tranh chấp và không phải là công dân của một trong các bên tranh chấp, không có nơi thường trú trên lãnh thổ của nước liên quan đến vụ tranh chấp[13]. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, vô tư và công bằng của trọng tài trong quá trình giải quyết vụ việc.
2.2. Chức năng và cách thức thiết lập thẩm quyền của trọng tài[14]
Theo quy định tại Điều 4, Phụ lục VII của Công ước, trọng tài quốc tế về luật biển có chức năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước khi:
(1)“Một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà không được một tuyên bố còn hiệu lực bảo vệ thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài”[15]. Có nghĩa là, khi ký, phê chuẩn hoặc tham gia Công ước nếu không tuyên bố lựa chọn phương thức, thủ tục giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại khoản 1 Điều 287 thì coi như nước đó chấp nhận giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài[16]. Quy định này đã được Philippines vận dụng để kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài vào ngày 22/01/2013. Với lập luận rằng, vì cả Philippines và Trung Quốc đều không đưa ra tuyên bố về việc lựa chọn thủ tục nào trong bốn thủ tục đã được Công ước trù định[17] nên trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII sẽ là phương thức được áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước giữa hai nước. Trên cơ sở đó, Philippines đã quyết định khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài.
(2) “ Nếu các bên không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó sẽ được giải quyết theo thủ tục trọng tài”[18]. Theo các quy định trên, các bên tranh chấp “đương nhiên” được cho là đã lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp nếu thuộc trường hợp đã nêu trên. Có nghĩa là, sẽ không có một biện pháp nào khác có thể thay thế một Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước để giải quyết tranh chấp. Theo chúng tôi, đây là quy định mang tính bắt buộc, có phần “gượng ép”, trái với sự tự nguyện trong việc thỏa thuận lựa chọn biện pháp để giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc. Chính vì vậy, trong trường hợp bị đơn (đặc biệt là các cường quốc) không chấp nhận giải quyết bằng trọng tài thì việc giải quyết và thi hành phán quyết của trọng tài sẽ rất khó khăn và hầu như không thể thực hiện được trên thực tế. Bởi lẽ, sự đồng thuận của các bên trong việc lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết để các cơ quan tài phán quốc tế nói chung và trọng tài nói riêng giải quyết có hiệu quả các tranh chấp quốc tế.
Bên cạnh đó, theo quy định của Công ước, trọng tài còn có chức năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước về việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển[19]; các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của Công ước về nghiên cứu khoa học biển[20]; các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của Công ước về đánh bắt hải sản[21]. Tuy nhiên, Công ước đã quy định các giới hạn và ngoại lệ về giải quyết tranh chấp tại Phần XV, Mục 3. Theo Điều 298 của Công ước, khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia Công ước hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, với điều kiện không phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ Mục 1 (các quy định chung về giải quyết tranh chấp), một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng, họ không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp đã được trù định ở Mục 2 có liên quan đến một hay nhiều loại tranh chấp về:
– Giải thích hay áp dụng Điều 15 (phân định lãnh hải), Điều 74 (phân định vùng đặc quyền kinh tế ) và Điều 83 (phân định thềm lục địa) hay các tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử[22];
– Hoạch định ranh giới các vùng biển đã được một thỏa thuận giữa các bên giải quyết dứt khoát, cũng như đối với các vụ tranh chấp phải được giải quyết theo đúng thỏa thuận song phương hoặc đa phương có tính chất ràng buộc các bên[23]; – Hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ phi thương mại và các vụ tranh chấp liên quan đến các hành động bắt buộc chấp hành, đã được thực hiện trong việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán mà Điều 297, khoản 2 và 3 đã loại trừ khỏi thẩm quyền của một Tòa án[24];
– Các vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm giải quyết, trừ phi Hội đồng Bảo an quyết định xóa vấn đề đó trong chương trình nghị sự của mình hay yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp đó bằng các biện pháp đã quy định trong Công ước[25]. Vận dụng các quy định trên một cách rất “đúng luật”, Philippines đã quyết định khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài ngay cả khi Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào được quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước đối với tất cả các loại tranh chấp nói trên. Tại điểm 40 của thông báo và tuyên bố khởi kiện của mình, Philippines đã khẳng định,“Đơn kiện của Philippines không nằm trong phạm vi của Tuyên bố ngày 25/8/2006 của Trung Quốc[26] vì chúng không liên quan đến việc giải thích và áp dụng các Điều 15, 74, 83 liên quan đến phân định ranh giới biển; hay liên quan đến vịnh hay danh nghĩa lịch sử hiểu theo các quy định liên quan của Công ước; hay liên quan đến các hoạt động quân sự hoặc thực thi pháp luật; hay liên quan đến những vấn đề mà Hội đồng bảo an đang thực thi các chức năng được trao theo Hiến chương Liên hợp quốc”[27].
Tuy nhiên, theo Điều 299 của Công ước, nếu bất kỳ tranh chấp nào đã bị loại khỏi các thủ tục giải quyết các tranh chấp được trù định ở Mục 2, Điều 297 hoặc bằng một tuyên bố theo đúng Điều 298, thì tranh chấp đó chỉ có thể đưa ra giải quyết theo các thủ tục này thông qua sự thỏa thuận của các bên liên quan và không một quy định nào của mục này đụng chạm đến quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong việc thỏa thuận sử dụng một thủ tục khác để giải quyết vụ tranh chấp đó. Như vậy, nếu không có sự thỏa thuận của các nước thì trọng tài cũng như các thiết chế tài phán quốc tế khác sẽ không thể xem xét một vụ tranh chấp nào liên quan đến chủ quyền và các quyền khác trên lãnh thổ đất liền, đảo hay quần đảo của các quốc gia.
2.3. Thủ tục tố tụng và giá trị pháp lý của phán quyết của trọng tài
Thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được bắt đầu bởi thông báo bằng văn bản của nguyên đơn gửi tới bị đơn. Thông báo phải kèm theo bản trình bày các yêu sách và lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó[28]. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trọng tài sẽ tự quy định thủ tục giải quyết bằng cách tạo điều kiện cho mỗi bên có khả năng bảo vệ quyền và trình bày các căn cứ của mình tại Tòa[29].
Nhằm giúp trọng tài giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp, theo quy định của Công ước, các bên liên quan có nghĩa vụ cung cấp cho trọng tài mọi tài liệu, các điều kiện thuận lợi, sự chỉ dẫn thích đáng và khả năng, nếu điều đó là cần thiết, dẫn đến và nghe các nhân chứng, hoặc chuyên gia tại phiên tòa[30]. Nếu một trong số các bên tranh chấp không ra Tòa hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu Tòa tiếp tục trình tự tố tụng và phán quyết. Do vậy, việc một bên vắng mặt hoặc không trình bày các lý lẽ của mình cũng không cản trở tiến trình giải quyết tranh chấp tại Tòa trọng tài[31]. Trước khi ra phán quyết, Tòa trọng tài cần phải chắc chắn rằng, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa và đơn kiện là có cơ sở về mặt thực tế và pháp lý[32].Phán quyết của Tòa trọng tài được thông qua theo đa số. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau thì phiếu của Chánh tòa có giá trị quyết định[33]. Về nội dung, phán quyết của Tòa trọng trọng tài chỉ giới hạn trong phạm vi nội dung của vụ tranh chấp và phải nêu rõ căn cứ mà trọng tài dựa vào đó để đưa ra phán quyết.
Về hình thức, phán quyết của Tòa trọng tài phải nêu tên các thành viên của Tòa đã tham gia giải quyết và thời gian ra quyết định. Bất kỳ thành viên nào của Tòa cũng có thể đính kèm vào phán quyết ý kiến riêng hoặc bất đồng của mình[34]. Về nguyên tắc, phán quyết của Tòa trọng tài có giá trị chung thẩm, không được kháng cáo, trừ khi các bên có thỏa thuận về thủ tục này[35]. Nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trước về việc kháng cáo thì vụ việc có thể đưa ra xem xét lại. Tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo quyết định của trọng tài. Nếu các bên tranh chấp về việc giải thích hay thực hiện phán quyết của trọng tài thì bất kỳ bên nào cũng có quyền đưa ra trọng tài đã giải quyết để quyết định. Ngoài ra, nếu tất cả các bên tranh chấp nhất trí, thì các tranh chấp về giải thích và thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài có thể được đưa ra bất kỳ Tòa án nào theo Điều 287 của Công ước để giải quyết[36] (Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa án quốc tế về luật biển).
Có thể nói rằng, từ khi Công ước có hiệu lực, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế về luật biển là một phương thức được các quốc gia ưu tiên lựa chọn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước[37]. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, trọng tài quốc tế về luật biển đã và đang giải quyết một số vụ tranh chấp điển hình sau đây:
(1) Vụ Bangladesh kiện Ấn Độ về việc phân định biên giới biển giữa hai nước theo Điều 287, Phụ lục VII của Công ước 1982 vào tháng 10 năm 2009. Hiện nay vụ việc này đang được tiến hành;
(2) Vụ Irlande kiện Vương quốc Anh liên quan đến nhà máy MOX tháng 11 năm 2011. Hiện nay vụ việc này đang được tiến hành;
(3) Vụ Malaysia kiện Singapore liên quan đến khai thác và sử dụng biển vào tháng 7 năm 2003. Vụ việc này đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 01/9/2005[38];
(4) Vụ Barbados kiện Trinidad và Tobago về việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tháng 02/2004. Vụ việc này đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 11/4/2006;
(5) Vụ Guyana kiện Suriname liên quan đến việc phân định biên giới trên biển giữa hai nước ngày 24/02/2004. Vụ việc này đã được giải quyết phán quyết định của Tòa trọng tài ngày 17/9/2007.
(6) Vụ Mauritius kiện Vương quốc Anh về khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Chagos vào ngày 20/9/2010. Vụ việc này đang được giải quyết[39].
(7) Vụ Philippines kiện Trung quốc về các yêu sách về chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông (đặc biệt là đường chữ U chín đoạn) ngày 22/01/2013. Ngày 25/6/2013, 5 trọng tài tham gia giải quyết vụ kiện đã được lựa chọn gồm: Jean-Pierre Cot người Pháp, Alfred Soons người Hà Lan, Thomas Mensah người Ghana- Chủ tịch Trọng tài (thay thế thẩm phán Chris Pinto người Sri Lanka người được chọn vào thàng 4/2013 nhưng đã xin rút vì có vợ là người Philippines nhằm bảo đảm tính khách quan cho việc giải quyết vụ kiện), Rudiger Wolfrum người Đức, Stanislaw Pawlak. Từ ngày 17/7/2013 Hội đồng trọng tài đã tiến hành các thủ tục để xem xét đơn kiện của philippines.
3. Trọng tài đặc biệt về luật biển
3.1. Thành lập trọng tài đặc biệt về luật biển (gọi tắt là trọng tài đặc biệt)
Về cơ bản, thành phần, cơ cấu và cách thức thành lập Tòa trọng tài đặc biệt giống như Tòa trọng tài quốc tế về luật biển. Tòa trọng tài đặc biệt cũng gồm 5 thành viên. Mỗi bên trong vụ tranh chấp có thể cử 2 thành viên có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực thuộc chức năng giải quyết của Tòa trọng tài đặc biệt. Hai thành viên này được các bên tranh chấp tùy ý lựa chọn từ danh sách các chuyên viên, một trong hai người có thể là công dân của bên tranh chấp đó. Sau đó, các bên tranh chấp sẽ thỏa thuận cử Chánh Tòa trọng tài đặc biệt. Chánh tòa trọng tài đặc biệt phải là công dân của nước thứ ba. Nếu các bên không thể tiến hành việc này thì có thể yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc thực hiện, trừ trường hợp các bên thỏa thuận giao phó cho một người hay một nước thứ ba do họ lựa chọn tiến hành việc cử người. Các ủy viên này phải có quốc tịch khác nhau, họ không được làm việc cho một bên nào trong vụ tranh chấp, không được trú ngụ thường xuyên ở trên lãnh thổ của một trong các bên tranh chấp và không phải là công dân của một trong các bên này[40].
Danh sách chuyên viên của Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo 4 lĩnh vực sau:
– Danh sách chuyên viên liên quan đến đánh bắt hải sản do Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (Food and Agriculture Organization – FAO) lập ra và duy trì;
– Danh sách chuyên viên liên quan đến bảo vệ và giữ gìn môi trường biển do Chương trình của Liên hợp quốc về môi trường lập và duy trì;
– Danh sách chuyên viên về nghiên cứu khoa học về biển do Ủy ban hải dương học liên chính phủ lập và duy trì;
– Danh sách chuyên viên về hàng hải và ô nhiễm môi trường do tàu thuyền hay do nhận chìm gây ra do Tổ chức hàng hải quốc tế (International Maritime Organization- IMO) hoặc tùy theo mỗi trường hợp, do cơ quan phụ trợ thích hợp mà tổ chức, chương trình hoặc Ủy ban nói trên đã ủy quyền thực hiện chức năng này[41].
Theo quy định tại Phụ lục VIII, mỗi quốc gia thành viên có thể chỉ định 8 chuyên gia vào danh sách chuyên viên (mỗi lĩnh vực cử 2 người). Các chuyên gia được cử phải là người nổi tiếng công tâm, liêm khiết, có uy tín lớn về pháp lý, về khoa học hay kỹ thuật về 4 lĩnh vực nói trên.
3.2. Chức năng của trọng tài đặc biệt về luật biển
Theo quy định tại Phụ lục VIII Công ước 1982, Tòa trọng tài đặc biệt có chức năng tiến hành một cuộc điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc vụ tranh chấp nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước[42]. Nếu tất cả các bên tranh chấp yêu cầu, Tòa trọng tài đặc biệt có thể thảo ra các khuyến nghị. Các khuyến nghị của Tòa trọng tài đặc biệt không có giá trị giải quyết tranh chấp mà chỉ là cơ sở để các bên tiến hành xem xét lại những vấn đề làm phát sinh tranh chấp[43].Như vậy, về bản chất, Tòa trọng tài đặc biệt chỉ có chức năng điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc vụ tranh chấp liên quan đến đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìm[44] chứ không thực sự là cơ quan có chức năng “giải quyết tranh chấp” như Tòa trọng tài quốc tế về luật biển.
3.3. Thủ tục làm việc và giá trị phán quyết của Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển
Tương tự thủ tục làm việc của Tòa trọng tài quốc tế về luật biển theo Phụ lục VII Công ước, các phán quyết của Tòa trọng tài đặc biệt sẽ được thông qua bằng đa số phiếu. Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc kháng cáo thì cũng có thể đưa ra để xem xét lại. Nếu các bên có tranh chấp trong việc giải thích và thực hiện phán quyết thì có thể đưa ra Tòa trọng tài đã ra phán quyết để xem xét lại. Ngoài ra, các bên còn có thể đưa ra Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết.
Qua nghiên cứu Tòa trọng tài luật biển và Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển chúng tôi thấy rằng, hai Tòa trọng tài này có cơ cấu tổ chức giống nhau. Số lượng thành viên trong Tòa trọng tài gồm 5 người được lựa chọn từ danh sách trọng tài viên, trong đó mỗi quốc gia trong vụ tranh chấp có một trọng tài viên mang quốc tịch của quốc gia đó. Chánh tòa phải là công dân của nước thứ ba do hai bên tranh chấp thỏa thuận cử ra. Tuy nhiên, trọng tài quốc tế về luật biển và trọng tài đặc biệt về luật biển có hai điểm khác biệt cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về trọng tài viên, nếu trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế luật biển là những chuyên gia giàu kiến thức, kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vưc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước về tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước thì trọng tài viên của Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển lại là các chuyên gia có chuyên môn cao về bốn lĩnh vực đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải, môi trường ô nhiễm do tàu thuyền hay do nhận chìm gây ra.
Thứ hai, về chức năng, nếu trọng tài quốc tế về luật biển có chức năng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc giải thích và áp dụng Công ước thì trọng tài đặc biệt về luật biển chỉ có chức năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến bốn lĩnh vực: đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải, nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìm. Mặt khác, nếu trọng tài quốc tế về luật biển giải quyết tranh chấp bằng cách ra phán quyết có giá trị pháp lý bắt buộc các bên tranh chấp phải tuân thủ thì trọng tài đặc biệt về luật biển chỉ có thể ra các khuyến nghị giúp các bên làm sáng tỏ nguồn gốc tranh chấp.
Kết luận
Theo quy định của Công ước, các tranh chấp phát sinh liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước có thể được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế gồm: Tòa án Công lý của Liên hợp quốc, Tòa án quốc tế về luật biển, Tòa trọng tài quốc tế về luật biển và Tòa trọng tài đặc biệt về luật biển. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia có xu hướng chọn trọng tài quốc tế về luật biển để giải quyết các tranh chấp liên quan. Bởi lẽ, với thủ tục tố tụng mềm dẻo, nhanh chóng, linh hoạt, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn trọng tài viên, cơ cấu của Hội đồng trọng tài cũng như thỏa thuận xây dựng quy chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khác với các vụ việc do Tòa án quốc tế về luật biển hay Tòa án Công lý của Liên hợp quốc xét xử, không có thủ tục nào cho phép quốc gia thứ ba can dự vào các vụ việc do trọng tài luật biển được thành theo Phụ lục VII của Công ước xét xử. Có nghĩa là, không một bên thứ ba nào có quyền can thiệp vào quá trình giải quyết tại Tòa trọng tài. Do vậy, liên quan đến vụ kiện của Philippines kiện Trung Quốc, có quan điểm cho rằng, Việt Nam nên chuẩn bị các tình huống, thủ tục, hồ sơ pháp lý cần thiết để xem xét và quyết định có thể can dự vào tiến trình vụ kiện này nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Theo quan điểm của chúng tôi, đối với các tranh chấp trên biển Đông mà Việt Nam là một bên liên quan thì Việt Nam nên tiếp tục và kiên trì với quan điểm nhất quán của mình là sẽ“… cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”[45] và “…giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…”[46]. Chúng tôi cho rằng, đây chính biện pháp hiệu quả và khả thi nhất trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông hiện nay. Bởi lẽ, đàm phán là cơ hội, là điều kiện thuận lợi nhất để các bên tranh chấp trực tiếp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách của mình về vấn đề tranh chấp và cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để giải quyết. Đồng thời, đàm phán sẽ loại trừ khả năng can thiệp của các bên thứ ba nhằm làm phức tạp thêm các vụ tranh chấp vốn đã rất căng thẳng và phức tạp hiện nay giữa các bên ở biển Đông. Mặt khác, các tranh chấp ở biển Đông mà Việt Nam là một bên liên quan là các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển. Trong khi đó, các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước chỉ áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước mà thôi.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Trưởng Bộ môn luật quốc tế Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1]Theo qui định tại Điều 308 của Công ước, Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày nước thứ 60 phê chuẩn. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Công ước vào ngày 23/6/1994 và nộp lưu chiểu Liên hợp quốc vào ngày 25/7/1994.
[2] Phụ lục V- Hòa giải; Phụ lục VI- Quy chế của Tòa án quốc tế về luật biển; Phụ lục VII Trọng tài; Phụ lục VIII- Trọng tài đặc biệt.
[3] Theo Điều 281 khoản 1 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, các bên tranh chấp được quyền sử dụng các thủ tục tại Phần XV, bao gồm các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc theo Mục II Phần XV của Công ước gồm: Tòa án quốc tế về luật biển, Tòa án Công lý của Liên hợp quốc, tòa trọng tài về luật biển và tòa trọng tài đặc biệt về luật biển.
[4] Điều 279 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
[5] Điều 283 khoản 1 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[6] Vận dụng các quy định nói trên, ngày 22/01/2013 Philippines đã gửi thông báo và tuyên bố khởi kiện Trung Quốc ra trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Trong văn bản này, Philippines đã nêu rõ rằng, Philippines đã sử dụng tất cả các giải pháp được quy định tại Điều 279, 283 nhưng Philippines và Trung Quốc không thể giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Do vậy, Philippines quyết định khởi kiện Trung quốc theo thủ tục trọng tài. Xem toàn văn Thông báo và Tuyên bố khởi kiện của Philippines tại địa chỉ website: http://nghiencuubiendong.vn/trung-tam-du-lieu-bien-dong/doc_details/744-thong-bao-va-tuyen-b-khi-kin-trung-quc-ca-philippines-ti-bin-ong.
[7] Điểm a Điều 3 Phụ lục VII Công ước 1982.
[8] Theo Điều 2, Phụ lục VII, danh sách trọng tài viên do Tổng thư ký Liên hợp quốc lập và lưu giữ từ sự đề cử của các quốc gia thành viên (mỗi quốc gia cử 4 Trọng tài viên).
[9] Điểm b Điều 3 Phụ lục VII Công ước 1982.
[10] Nếu các bên đã ký kết kết một điều ước quốc tế trong đó có điều khoản quy định, các bên chọn trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp phát sinh hoặc cả hai bên tranh chấp đều tuyên bố chấp nhận giải quyết tranh chấp tại trọng tài luật biển (chấp nhận trước) thì khi tranh chấp phát sinh bên khởi kiện là nguyên đơn, bên bị kiện là bị đơn. Nếu sau khi tranh chấp phát sinh các bên mới thỏa thuận chọn trọng tài luật biển để giải quyết thì các bên sẽ ký kết thỏa thuận “đồng thỉnh cầu” để yêu cầu trọng tài luật biển giải quyết (chấp nhận sau) thì tư cách của các bên đều là đồng nguyên đơn.
[11] Khoản c Điều 3 Phụ lục VII Công ước 1982. Quy định này đã được áp dụng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp liên quan trên biển Đông ngày 22/1/2013. Tuy nhiên, ngày 19/2/2013 Trung Quốc đã bác bỏ vụ kiện nên họ không cử trọng tài viên đại diện cho mình. Chính vì vậy, theo quy định của Phụ lục VII về trọng tài quốc tế, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển đã chỉ định Thẩm phán Stanislaw Pawlak, người Ba Lan làm đại diện cho Trung Quốc để cùng với 4 trọng tài khác tiến hành giải quyết vụ kiện theo quy định chung của Công ước và Phụ lục VII của Công ước.
[12] Điểm d Điều 3 Phụ lục VII Công ước 1982.
[13] Điểm e Điều 3 Phụ lục VII Công ước 1982.
[14]Theo nguyên bản Công ước bằng tiếng Pháp “Fonctions du tribunal arbitral”, theo nghĩa tiếng Việt là “Chức năng của tòa trọng tài”. Tuy nhiên, một số bản dịch sử dụng thuật ngữ “ thẩm quyền của Tòa trọng tài”. Theo từ điển Hán Việt, chức là phần việc của mình, năng là sức làm được. Từ đó, chức năng được hiểu là hoạt động chủ yếu của một cơ quan, tổ chức. Còn thuật ngữ “Thẩm quyền, là quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề” (Xem: Bộ Tư pháp, Viện khoa học Pháp lý, Hà Nội 2006, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Bộ Tư pháp, tr. 162, 701).
[15] Khoản 3 Điều 287 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[16] Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia khi ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước đã tuyên bố lựa chọn các phương thức để giải quyết tranh chấp biển như: Vương quốc Bỉ, Estonia, Croatia, Ecuador chọn trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước và Toà án Công lý quốc tế. Các nước Nga, Ucraina và Belaruxia tuyên bố chọn trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước nhưng bảo lưu một số vấn đề cho thủ tục trọng tài đặc biệt; CHLB Đức chọn Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về luật Biển và Trọng tài quốc tế về luật biển; Các nước Capt Vert, Oman, Đan Mạch, Uruguay chọn trọng tài và Tòa án Công lý quốc tế; Chile chọn Tòa án quốc tế về luật biển và trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước; Honduras chọn Tòa án Công lý quốc tế; Italia chọn Tòa án Công lý quốc tế và Tòa án quốc tế về luật biển…Trong Tuyên bố ngày 25/8/2006, Trung Quốc khẳng định: “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước đối với tất cả các loại tranh chấp quy định tại khoản 1 (a) (b) và (c) với Điều 298 của Công ước”. Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước ngày 25/7/1994 nộp lưu chiểu tại Liên hợp quốc của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Việt nam không chọn thủ tục giải quyết tranh chấp nào được quy định tại Điều 287 khoản 1 mà chỉ tuyên bố: “.. .giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982…”. Trong Tuyên bố ngày 8/5/1984, Philippines cũng không chọn thủ tục giải quyết tranh chấp nào được quy định tại Điều 287 khoản 1 mà chỉ tuyên bố: “Sự chấp thuận của Philippines về các giải pháp hòa bình, theo bất kỳ thủ tục nào được quy định trong Công ước về các tranh chấp được quy định tại Điều 298 không coi như làm ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của Philippines”.Xem danh sách và nội dung Tuyên bố của các quốc gia tại địa chỉ website: http://www.un.org/Depts/ los /convention_agreements/convention_declarations.htm.
[17] Có bốn thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc dẫn đến quyết định bắt buộc được trù định tại Điều 287, Mục 2 Phần XI của Công ước gồm: Tòa án quốc tế về Luật biển thành lập theo Phụ lục VI; (ii) Tòa án công lý quốc tế; (iii) Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII và Tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo Phụ lục VIII.
[18] Điều 287 khoản 5 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[19] Điều 297 khoản 1 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[20] Điểm a khoản 2 Điều 298 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[21] Điểm a khoản 3 Điều 297 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[22] Điều 298 khoản 1 điểm a (i) Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[23] Điều 298 khoản 1 điểm a (iii) Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[24] Điều 298 khoản 1 điểm b Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[25] Điều 298 khoản 1 điểm c Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
[26] Xem toàn văn Tuyên bố của Trung Quốc ngày 25/8/2006 tại địa chỉ website: http://www.un.org/ Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm#China Upon ratification. Trong tuyên bố này Trung Quốc khẳng định, “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước đối với tất cả các loại tranh chấp quy định tại khoản 1 (a) (b) và (c) với Điều 298 của Công ước”.
[27] Xem toàn văn Thông báo và Tuyên bố khởi kiện của Philippines tại địa chỉ website: http://nghiencuubiendong.vn/trung-tam-du-lieu-bien-dong/doc_details/744-thong-bao-va-tuyen-b-khi-kin-trung-quc-ca-philippines-ti-bin-ong.
[28] Điều 1 Phụ lục VII Công ước 1982. Xem toàn văn thông báo và tuyên bố khởi kiện của Philippines kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế về luật biển ngày 22/1/2013 tại địa chỉ website: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/3324-thong-bao-va-tuyen-b-khi-kin-trung-quc-ca-philippines -ti-bin-ong
[29] Điều 5 Phụ lục VII Công ước 1982.
[30] Điều 6 Phụ lục VII Công ước 1982.
[31] Các quy định này đã được Hội đồng trọng tài được thành lập theo đơn kiện của Philippines kiện Trung Quốc ngày 22/01/2013 vận dụng triệt để. Trên thực tế, bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố bác bỏ vụ kiện thì việc chọn và chỉ định trọng tài viên, Chủ tịch Hội đồng trọng tài để xem xét đơn kiện của Philippines vẫn được tiến hành và chắc chắn trong thời gian tới phán quyết của Hội đồng trọng tài sẽ được ban hành ngay cả khi Trung Quốc không tham gia tiến trình tố tụng.
[32] Điều 9 Phụ lục VII Công ước 1982.
[33] Điều 8 Phụ lục VII Công ước 1982.
[34] Điều 10 Phụ lục VII Công ước 1982.
[35] Điều 11 Phụ lục VII Công ước 1982.
[36] Điều 12 Phụ lục VII Công ước 1982.
[37] Xem danh sách Tuyên bố chọn trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII để giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước tại địa chỉ website: http://www.un.org /Depts/los/convention_agreements/ convention_declarations.htm.
[38] Vào những năm cuối của thế kỷ XX, Malaysia và Singapore đã xảy ra tranh chấp liên quan việc khai thác và sử dụng biển Đông. Cụ thể, ngày 4 tháng 7 năm 2003, giữa Malaysia kiện Singapore theo Điều 287 và Điều 1 phụ lục VII Công ước 1982. Hai nước quyết định lựa chọn Tòa trọng tài để giải quyết vụ việc với thành phần Tòa trọng tài gồm 5 Trọng tài viên. Tòa trọng tài cho rằng, cơ quan này hiển nhiên có thẩm quyền giải quyết đối với vụ tranh chấp trên. Xem thêm: Permanent court of Arbitration (2005), Award on Agreed Terms – Case concerning land reclamation by Singapore in and around the straits of Johor, Paragraph 12, p.4). Tòa trọng tài đưa ra lập luận về thẩm quyền như sau: Malaysia và Singapore đều là thành viên Công ước 1982. Theo quy định tại Phần XV Công ước có quy định về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp về việc giải thích và áp dụng Công ước bằng biện pháp hòa bình. Ngoài ra, cả Malaysia và Singapore đều không được một tuyên bố còn có hiệu lực bảo vệ. Do đó, theo khoản 3 Điều 287 Công ước 1982 thì hai bên coi như đã chấp nhận thủ tục trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước là biện pháp giải quyết tranh chấp ( Xem: Permanent court of Arbitration (2005), note 35, Paragraph 2, p.2). Đồng thời, Malaysia và Singapore đều không đưa ra một tuyên bố bằng văn bản viện dẫn Điều 298 Công ước 1982. (Xem: Permanent court of Arbitration (2005), note 35, Paragraph 3, p.2). Thêm vào đó, ngày 4 tháng 7 năm 2013 Malaysia đã gửi đến Singapore thông báo và tuyên bố khởi kiện theo thủ tục trọng tài tại Phụ lục VII của Công ước (Xem: Permanent court of Arbitration (2005), note 35, Paragraph 4, p.2). Năm 2005, Tòa trọng tài đã ra phán quyết về vụ kiện. Theo phán quyết, Singapore phải bồi thường 374.000 ringis cho ngư dân Malaysia. Xem: Nguyễn Hồng Thao, “Thực tiễn giải quyết tranh chấp biển, đảo liên quan biển Đông bằng trọng tài quốc tế” tại địa chỉ website: http://www.biendong.net/binh-luan/1005-thc-tin-gii-quyt-tranh-chp-bin-o-lien-quan-bin-ong-bng-trng-tai-quc-t.html (truy cập ngày 30/5/2013).
[39] Xem thông tin và nội dung của vụ kiện tại địa chỉ website: http://www.ejiltalk.org/mauritius-v-united-kingdom-submission-of-the-dispute-on-the-marine-protected-area-around-the-chagos-archipelago-to-arbitration/.
[40] Khoản 2 Điều 3 Phụ lục VIII Công ước 1982.
[41] Điều 2 Phụ lục VIII Công ước 1982.
[42] Điều 1 và Điều 5 của Phu lục VIII Công ước 1982.
[43] Khoản 3 Điều 5 Phụ lục VIII Công ước 1982.
[44] Điều 1 Phụ lục VIII Công ước 1982.
[45] Điểm 7 Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
[46] Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23-6-1994 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
- Tác giả: Ngô Hữu Phước*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2013 (78)/2013 – 2013, Trang 58-66
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online