Bảo vệ môi trường từ góc độ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước: Kinh nghiệm cho Việt Nam
TÓM TẮT
Theo yêu cầu của phát triển bền vững, việc áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa tác động xấu tới môi trường do các hoạt động kinh tế, công nghiệp gây ra, bao gồm các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, là cần thiết đối với Việt Nam. Mục đích của bài viết là đưa ra một số lưu ý cho Việt Nam khi áp dụng các biện pháp hay thay đổi pháp luật để bảo vệ môi trường mà không trái với các cam kết đầu tư quốc tế đã ký. Để đạt được điều này, bài viết giới thiệu ngắn gọn một số quy định về bảo vệ môi trường tại các hiệp định đầu tư quốc tế. Sau đó bài viết tập trung phân tích một số vụ kiện mà nhà đầu tư nước ngoài đã khởi kiện một số nhà nước để tìm hiểu tại sao biện pháp bảo vệ môi trường được chấp nhận hay không nhằm rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam.
- Quy định trong khuôn khổ ASEAN về tự do hóa giao dịch vốn – tác động đối với các hoạt động đầu tư theo pháp luật Việt Nam – TS. Phan Thị Thành Dương & ThS. Nguyễn Thị Thương
- Một số vấn đề về quyền ban hành quy định bảo vệ môi trường của quốc gia tiếp nhận đầu tư – ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy & ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Phát triển bền vững và hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài – nhìn từ góc độ luật và chính sách của Trung Quốc – ThS. Vũ Duy Cương
- Truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp làm ô nhiễm môi trường – TS. Trần Việt Dũng
- Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Trách nhiệm bồi thường đối với hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và các phương pháp định giá tài sản để bồi thường trong pháp luật đầu tư quốc tế – TS. Trần Việt Dũng
- Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại – đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA) – Một số vấn đề cần lưu ý – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
- Biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của các Điều ước đầu tư: Phân tích từ kinh nghiệm của Úc và New Zealand – TS. Trần Việt Dũng
Phát triển bền vững, trong đó thịnh vượng về kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường, là một xu hướng tất yếu mà hầu hết các quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam, đang theo đuổi nhằm hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.[1] Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đặt ra yêu cầu về ngăn chặn và từng bước khắc phục tình trạng môi trường bị hủy hoại, xuống cấp do các dự án phát triển kinh tế hay cơ sở sản xuất gây ra.[2] Các cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), cũng đặt ra nghĩa vụ của Việt Nam trong bảo vệ môi trường và khẳng định quyền của mỗi quốc gia trong việc ban hành chính sách, pháp luật và các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đối mặt với hậu quả nặng nề của ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải kiểm tra, áp dụng các biện pháp pháp lý thích hợp để xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật để kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe cộng đồng cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp pháp lý đó hay thay đổi chính sách, pháp luật liên quan có thể dẫn đến khiếu nại, tranh chấp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương và khu vực về bảo hộ đầu tư hay tham gia đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có cam kết (chương) về bảo hộ đầu tư. Do đó, khi áp dụng bất kỳ biện pháp bảo vệ môi trường nào, cơ quan nhà nước cần phải cân nhắc tác động của nó tới nhà đầu tư nước ngoài. Về lý thuyết, nếu biện pháp đó gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, được áp dụng trên cơ sở có sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư hay không vì mục đích công cộng, hoặc không có cơ sở hợp lý thì nhà đầu tư có thể khởi kiện Việt Nam ra cơ quan tài phán quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư theo quy định của hiệp định hay chương bảo hộ đầu tư nêu trên.
Kinh nghiệm quốc tế trong những năm gần đây cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới có nền kinh tế phát triển hay đang phát triển đều đã ban hành nhiều biện pháp, chính sách để bảo vệ môi trường nói riêng và bảo vệ lợi ích công cộng nói chung.[3] Các biện pháp, chính sách như vậy đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài và là nguyên nhân để họ khởi kiện chống lại các quốc gia đó theo cơ chế bảo vệ đầu tư quốc tế. Đó có thể là khiếu kiện cáo buộc quốc gia tiếp nhận đầu tư vi phạm nguyên tắc công bằng và bình đẳng (FET), nguyên tắc bảo hộ đầy đủ và an ninh (FPS), nguyên tắc không phân biệt đối xử hay tước quyền sở hữu bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy trong nhiều vụ việc, các quốc gia đã thành công trong việc bảo vệ các biện pháp, chính sách về môi trường của mình nhưng cũng có trường hợp thua kiện, phải bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài.[4]
Vì vậy, một vấn đề được đặt ra cho các cơ quan nhà nước Việt Nam là một biện pháp về bảo vệ môi trường hay trật tự công nói chung phải được ban hành, áp dụng như thế nào để không bị xem là trái với các cam kết về bảo hộ đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này càng trở nên quan trọng khi phần lớn các hiệp định đầu tư của Việt Nam ký trước năm 2000 không chứa mục tiêu hay ngoại lệ bảo vệ môi trường. Để trả lời câu hỏi này, bài viết lần lượt phân tích: (i) quy định về bảo vệ môi trường trong các cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư; (ii) một số vụ tranh chấp đầu tư quốc tế mà ở đó những biện pháp bảo vệ môi trường (hay lợi ích công cộng nói chung) của nước tiếp nhận đầu tư bị các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện; và từ đó, iii) rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
1. Quy định về bảo vệ môi trường trong các cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư
Vấn đề bảo vệ môi trường nói riêng hay trật tự công (lợi ích công) nói chung ngày càng được quan tâm và dần dần được đưa vào các hiệp định bảo hộ đầu tư hay chương đầu tư trong các FTA. Đó có thể là mục tiêu thể hiện trong lời nói đầu hay quy định thực chất trong phần nội dung của hiệp định. Lời văn của quy định về bảo vệ môi trường như vậy có thể khác nhau nhưng có thể chia thành ba nhóm: (i) khẳng định quyền của một quốc gia trong việc ban hành quy định về môi trường; (ii) tuyên bố việc một quốc gia hạ thấp hay nới lỏng các quy định về bảo vệ môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài là không phù hợp; và (iii) quy định một số ngoại lệ về môi trường, có thể là ngoại lệ chung (áp dụng cho cả hiệp định) hay ngoại lệ cụ thể (áp dụng cho từng nguyên tắc đối xử hoặc bảo vệ đầu tư).[5]
Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký vào năm 1992 có thể được coi là thỏa thuận về thương mại, đầu tư đầu tiên có các quy định về bảo vệ môi trường. Chương 11 NAFTA (về đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư) ghi nhận cả ba nhóm quy định về bảo vệ môi trường nêu trên. Cụ thể, Điều 1114 NAFTA khẳng định: (i) Các quy định trong Chương 11 không ngăn cản một quốc gia thành viên ban hành, duy trì hay thực thi các biện pháp phù hợp (miễn là nhất quán với Chương này) để đảm bảo rằng hoạt động đầu tư trong lãnh thổ của mình được thực hiện có cân nhắc đến quan ngại về môi trường; (ii) Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng việc hạ thấp, nới lỏng các biện pháp về môi trường, an toàn, sức khỏe để khuyến khích đầu tư là không phù hợp; cụ thể, một quốc gia thành viên không được miễn, giảm hay đề nghị miễn, giảm yêu cầu về bảo vệ môi trường để khuyến khích nhà đầu thực hiện, duy trì, mở rộng đầu tư trên lãnh thổ của mình; nếu một quốc gia thành viên cho rằng bên kia đã áp dụng việc khuyến khích như vậy, quốc gia đó có thể yêu cầu tham vấn với bên kia và hai bên phải tham vấn để tránh áp dụng khuyến khích đó. Ngoài ra, mặc dù Điều 1106 NAFTA về nguyên tắc cấm quốc gia thành viên bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện một số yêu cầu nhất định, như tỷ lệ nội địa hóa, xuất khẩu, giới hạn về khu vực kinh doanh, chuyển giao công nghệ…, điều này cho phép việc buộc nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ phù hợp với yêu cầu về môi trường, an toàn, sức khỏe (ngoại lệ cụ thể) hay tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường không trái với quy định của NAFTA (ngoại lệ chung).[6]
Khác với NAFTA, Hiệp định TPP mà Việt Nam tham gia ký vào ngày 04/2/2016 có một chương riêng về môi trường. Hiệp định này – mặc dù hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức do Tổng thống mới của Hoa Kỳ đã thể hiện rõ ý định không tiến hành các thủ tục phê chuẩn – được giới phân tích đánh giá là hình mẫu của hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Dưới góc độ quan hệ giữa bảo vệ đầu tư và bảo vệ môi trường, các quy định tại Chương về Đầu tư (Chương 9) và Chương về Môi trường (Chương 20) của TPP có các quy định tương tự như các quy định nêu trên trong Chương về Đầu tư (Chương 11) của NAFTA, với đầy đủ 3 nhóm quy định về bảo vệ môi trường như đã phân tích.[7] Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), bảo vệ môi trường được thừa nhận chính thức là một trong những mục tiêu của các cam kết thương mại và đầu tư. Khoản 2 Điều 1 và Điều 13bis Chương 8 dự thảo EVFTA quy định rằng các bên được duy trì quyền lập pháp của mình để ban hành và thực thi các biện pháp cần thiết vì mục đích đảm bảo trật tự công và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng…. bên cạnh các mục tiêu xã hội khác.
Mặc dù TPP và EVFTA chưa có hiệu lực, Việt Nam còn có nhiều cam kết về khuyến khích và bảo hộ đầu tư có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Tính đến ngày 01/3/2017, Việt Nam đã ký 66 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (BIT); Hiệp định bảo hộ đầu tư khu vực ASEAN (năm 2009), Hiệp định đầu tư ASEAN – Trung Quốc (2009), Hiệp định đầu tư ASEAN – Hàn Quốc (2009), Hiệp định đầu tư ASEAN – Ấn Độ (2014); Chương Đầu tư trong các hiệp định thương mại, gồm: Chương 11 Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA 2008), Chương 4 Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (2000), Chương 9 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA 2015), Chương 8 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (VN – EAEU FTA 2015)…
Cần lưu ý rằng các hiệp định đầu tư song phương mà Việt Nam ký trước năm 2000 thuộc mô hình cũ, thường không có các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều hiệp định hay chương đầu tư mà Việt Nam ký từ năm 2000 rải rác có quy định về bảo vệ môi trường, dù không đầy đủ như TPP. Cụ thể, Hiệp định đầu tư Việt Nam – Nhật Bản năm 2003 (Điều 21) khẳng định hai nước công nhận rằng việc khuyến khích đầu tư bằng cách nới lỏng các biện pháp bảo vệ môi trường là không phù hợp; do đó, mỗi nước không xóa bỏ hoặc làm giảm hiệu lực của các biện pháp bảo vệ môi trường để khuyến khích thành lập, mua lại hoặc mở rộng quy mô của những đầu tư của các nhà đầu tư của nước kia trong lãnh thổ của mình. Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN năm 2009 (Điểm 4 Phụ lục 2 về Truất quyền sở hữu và bồi thường) cũng như các Hiệp định đầu tư mà ASEAN là một bên quy định một biện pháp không phân biệt đối xử được thiết kế và áp dụng để đạt được mục đích công cộng hợp pháp, như: bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, bảo vệ môi trường, nhưng không phải là biện pháp quốc hữu hóa hay tịch thu, chuyển giao quyền sở hữu sẽ không được coi là tước quyền sở hữu. Hiệp định đầu tư Việt Nam – Ma rốc năm 2012 (khoản 4 Điều 2) khẳng định cam kết về khuyến khích và bảo hộ đầu tư sẽ không áp dụng đối với biện pháp được Việt Nam hay Ma rốc áp dụng vì lý do sức khỏe cộng đồng hay bảo vệ môi trường với điều kiện biện pháp đó không được áp dụng phân biệt đối xử độc đoán và vô lý.
2. Một số vụ tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan
2.1. Tecmed v. Mexico[8]
Tecmed – một nhà đầu tư mang quốc tịch Tây Ban Nha và hai công ty con được thành lập tại Mexico – đã khởi kiện Chính phủ Mexico liên quan tới việc Cơ quan Sinh thái quốc gia Mexico từ chối gia hạn giấy phép Dự án khu vực xử lý rác thải của Tecmed (được cấp giấy phép năm 1996 và gia hạn hàng năm). Mexico lập luận rằng việc từ chối gia hạn đó phù hợp với quyền lực công của nhà nước để bảo vệ môi trường và sức khỏe công cộng. Tuy nhiên, Tecmed chứng minh lý do thực sự của việc từ chối gia hạn giấy phép Dự án liên quan đến yếu tố chính trị nhiều hơn là pháp lý; đó là việc thay đổi chính quyền tiểu bang Hermosillo – nơi Dự án đang hoạt động và việc phản đối của nhóm người dân cùng với các nhà hoạt động xã hội vì môi trường với lý do khu vực nhà máy xử lý rác thải của Dự án nằm quá gần khu vực dân cư. Tecmed cáo buộc Mexico đơn phương tước đoạt quyền sở hữu đối với khoản đầu tư của họ, vi phạm quy định về tước quyền sở hữu, đối xử công bằng thỏa đáng và bảo hộ đầy đủ và an ninh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Hiệp định đầu tư Mexico – Tây Ban Nha.
Trong các lập luận tự bảo vệ, Mexico không thể chỉ ra được các bằng chứng khoa học thuyết phục về việc hoạt động của nhà máy có thể gây nguy hại tới môi trường và sức khỏe của cộng đồng, ngoài trừ các vi phạm nhỏ đã bị xử phạt liên quan đến hoạt động của nhà máy. Bên cạnh đó, mối quan tâm của chính quyền địa phương về khoảng cách quá gần của khu xử lý rác với khu dân cư đã được Tecmed giải quyết bằng đề xuất di dời nhà máy tới khu vực mới theo chỉ định. Tuy nhiên, Tecmed vẫn không thể tiến hành hoạt động đầu tư và buộc phải đóng cửa nhà máy khi giấy phép không được gia hạn.
Khi xem xét các lập luận của hai bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài (HĐTT) cho rằng Mexico không thể chứng minh được sự cân bằng hợp lý các lợi ích mà quyết định không gia hạn giấy phép hoạt động cho Dự án khu xử lý rác hướng tới, cụ thể giữa mục đích bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư. Theo HĐTT, mặc dù Nguyên đơn có những vi phạm nhất định về môi trường nhưng những vi phạm này là nhỏ, có thể sửa chữa được và sự liên hệ giữa vấn đề môi trường và sức khỏe với biện pháp áp dụng là không rõ ràng. Nguyên nhân chính trong trường hợp này chính là tình hình chính trị – xã hội, bao gồm sự phản đối của cư dân về hoạt động của khu vực đầu tư, nhưng điều đó cũng chưa trở nên nghiêm trọng để Mexico quyết định chấm dứt hoạt động của Tecmed nhằm xoa dịu những áp lực của cư dân. Cuối cùng, HĐTT kết luận rằng việc Mexico không gia hạn giấy phép hoạt động cho Tecmed đã cấu thành hành vi tước quyền sở hữu trên thực tế qua việc làm vô hiệu hóa hoạt động đầu tư mà không thanh toán một khoản bồi thường thỏa đáng nào.[9]
Ngoài ra, khi xem xét cáo buộc của Tecmed về việc Mexico vi phạm điều khoản về đối xử công bằng và thỏa đáng, HĐTT cho rằng điều khoản này liên quan tới nguyên tắc thiện chí. Theo đó, Chính phủ phải hành động một cách nhất quán, minh bạch, không mâu thuẫn, mập mờ và không được có hành động đi ngược với những mong đợi hợp lý của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm họ đầu tư. HĐTT kết luận Mexico đã hành động một cách mâu thuẫn và không minh bạch khi một mặt cam kết để Dự án hoạt động cho tới khi tìm được địa điểm mới, mặt khác lại từ chối gia hạn giấy phép hoạt động cho Dự án. Vì vậy, Mexico đã vi phạm điều khoản về đối xử công bằng và thoả đáng với nhà đầu tư.
Tecmed v. Mexico không phải là vụ kiện quyết định hành chính về môi trường nhưng là một trong những vụ kiện đầu tư đầu tiên về biện pháp của nhà nước có mục tiêu là bảo vệ môi trường và lợi ích công cộng. Vụ kiện này còn khởi xướng cho việc dùng phương pháp phân tích cân bằng – hợp lý (proportionality) để xem xét việc có hay không sự xuất hiện hành vi tước quyền sở hữu; theo đó, việc tước quyền sở hữu xuất hiện khi tác hại của biện pháp gây ra không tương xứng với mục đích khi ban hành biện pháp đó, tức là lợi ích của nhà đầu tư bị ảnh hưởng không tương xứng với lợi ích mà nhà nước muốn bảo vệ.[10]
Liên quan đến vi phạm cam kết đối xử công bằng và thỏa đáng với nhà đầu tư, trong vụ việc này, HĐTT đã dựa vào tình tiết Mexico ứng xử không nhất quán đối với Tecmed về việc từ chối gia hạn cấp phép và cho phép di dời vị trí dự án để kết luận vi phạm. Điều này cho thấy quốc gia tiếp nhận đầu tư khi xử lý tình huống phát sinh đặc biệt liên quan vi phạm về quy định môi trường của nhà đầu tư và sự phản đối của khu dân cư, ngoài việc cân nhắc lợi ích thì cũng phải thật cẩn trọng để tuân theo thủ tục rõ ràng, hợp pháp và minh bạch khi ra quyết định chính thức.
2.2. Myers v. Canada[11]
Myers (DSMI) là công ty của Hoa Kỳ có hoạt động đầu tư tại Canada để thu mua rác thải công nghiệp PCB (poly-chlorinated biphenol) ở Canada và xuất sang Hoa Kỳ xử lý. Myers đã khiếu kiện lệnh cấm xuất khẩu tạm thời của Canada (giai đoạn từ tháng 11/1995 đến tháng 02/1997) vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc đối xử tối thiểu, điều kiện hoạt động đầu tư và tước quyền sở hữu đầu tư theo Hiệp định NAFTA. Tuy nhiên Canada cho rằng biện pháp đó được ban hành vì họ tin rằng PCB là nguy hại đáng kể cho sức khỏe và môi trường khi xuất khẩu vì không có sự bảo vệ thích hợp trong quá trình vận chuyển, tiêu hủy PCB.
HĐTT cho rằng một biện pháp ban hành có thể có nhiều mục đích chính đáng nhưng Canada ban hành lệnh cấm xuất khẩu nói trên để bảo vệ môi trường không có cơ sở rõ ràng; thêm vào đó các văn bản trao đổi giữa các quan chức của Canada thể hiện ý định bảo vệ ngành công nghiệp xử lý PCB trong nước khỏi việc cạnh tranh từ Hoa Kỳ. Theo HĐTT, việc bảo vệ môi trường trong trường hợp này có thể được đảm bảo bởi một biện pháp khác chứ không nhất thiết là lệnh cấm. Việc Canada dựa vào Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các chất phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng để lý giải cho biện pháp cấm vận chuyển PCB tới Hoa Kỳ đã không được chấp nhận vì chính Công ước này cho phép các bên được ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương cho việc vận chuyển chất thải qua biên giới, miễn sao đạt được giải pháp vững chắc về môi trường và hiệu quả kinh tế cho việc quản lý rác thải độc hại. Từ đó, HĐTT kết luận biện pháp của Canada vi phạm nguyên tắc đãi ngộ quốc gia, nguyên tắc công bằng và bình đẳng trong Hiệp định NAFTA nhưng không phải là hành vi tước quyền sở hữu vì biện pháp chỉ mang tính chất tạm thời và không vi phạm điều kiện hoạt động đầu tư.[12]
Myers v. Canada cho thấy nếu quốc gia tiếp nhận đầu tư thận trọng trong đánh giá nguy cơ de dọa tới môi trường và sức khỏe của người dân về lâu dài trên cơ sở nguyên tắc cân bằng – hợp lý thì có thể tránh được vụ kiện tương tự.
2.3. Chemtura v. Canada[13]
Chemtura là công ty của Hoa Kỳ sản xuất các loại thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, trong đó có lindane.[14] Năm 1998, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) cấm nhập khẩu hạt cải có phun lindane từ Canada. Sau đó, cơ quan quản lý dịch bệnh Canada (PMRA) đã triển khai một cuộc rà soát đặc biệt về việc sử dụng lindane và quyết định chấm dứt việc sử dụng chất này trong tất cả các sản phẩm đăng ký vì tác hại của nó lên môi trường và sức khỏe; từ đó, đình chỉ và hủy bỏ các đơn đăng ký lindane. Chemtura đệ đơn yêu cầu PMRA cũng như Tòa liên bang Canada xem xét lại quyết định của PMRA. Tuy nhiên, kết luận của lần rà soát thứ hai của PMRA tương tự với kết luận lần đầu. Tại cùng thời điểm thì EPA của Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc rà soát cuối cùng cho các sản phẩm bị xử lý bởi lindane và kết quả là hủy bỏ tất cả các đơn đăng ký đối với các thuốc trừ sâu chứa chất này. Sau đó, Chemtura đã khởi kiện Canada trên cơ sở quy định bảo hộ đầu tư trong Hiệp định NAFTA. Nguyên đơn cho rằng Canada đã vi phạm nghĩa vụ về đối xử tối thiểu, tối huệ quốc và tước quyền sở hữu khoản đầu tư.
Chemtura cho rằng các biện pháp của Canada vi phạm nguyên tắc đối xử tối thiểu vì: (i) Canada thiếu bằng chứng khoa học đầy đủ cho việc tiến hành biện pháp; (ii) biện pháp được tiến hành một cách thiếu thiện chí bởi vì nó được thúc đẩy mục đích không chính đáng; (iii) và quy trình pháp lý cho việc ra đời các kết luận và biện pháp là sai lầm và không công bằng. HĐTT từ chối xem xét sự vi phạm của các biện pháp trên sự sai lầm về cơ sở khoa học vì không thuộc nhiệm vụ quyền hạn của trọng tài. HĐTT đã bác bỏ khiếu kiện của Chemtura liên quan đến tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu theo Hiệp định NAFTA với lý do Nguyên đơn không thể chứng minh được hành động của PMRA dựa trên sự thiếu thiện chí và sai quy trình thủ tục và ghi nhận rằng quyết định của PMRA dựa trên bằng chứng khoa học và tuân thủ cam kết quốc tế của quốc gia này.[15] Việc trì hoãn đăng ký sản phẩm thay thế là lỗi của cả hai phía Chemtura và cơ quan chức năng Canada. Hành động hủy bỏ các đơn đăng ký đối với chất lindane không phải là hình phạt và không mang tính bất công vì tất cả các nhà sản xuất đều bị đối xử như nhau và Canada đã chủ động cho phép Nguyên đơn chấm dứt việc sử dụng chất này. HĐTT cũng cho rằng Nguyên đơn không thể chứng minh được việc Canada cấm sử dụng các hạt giống có phun thuốc trừ sâu chứa lindane sau ngày 01/7/2001 vi phạm bất kỳ một mong đợi chính đáng nào của họ khi ký thỏa thuận từ bỏ việc sử dụng hóa chất này với cơ quan có thẩm quyền.
Với những lập luận nêu trên, HĐTT tiếp tục bác bỏ khiếu kiện của Chemtura liên quan đối xử tối huệ quốc và tước quyền sở hữu. Nguyên đơn đã không chứng minh được khoản đầu tư bị tước đoạt.[16] Bên cạnh đó, HĐTT cho rằng hành động của Canada là để thực thi chủ quyền đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe và môi trường và không dựa trên sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.
Chemtura v. Canada là vụ việc điển hình cho việc nhà nước ban hành biện pháp để bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống con người xuất phát từ tính nghiêm trọng của vấn đề cần được xử lý mà không bị xem là vi phạm nghĩa vụ quốc tế về đầu tư. Tuy vậy, có thể cho rằng phán quyết của vụ việc đã quá coi trọng chủ quyền quốc gia của nước tiếp nhận đầu tư khi mà mục đích của Chương đầu tư trong Hiệp định NAFTA (cũng như một hiệp định bảo hộ đầu tư khác) là kiềm chế biện pháp của nước tiếp nhận đầu tư để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư đó.
Trong vụ kiện, Canada không chịu trách nhiệm đối với biện pháp của mình không phải vì biện pháp này thuộc trường hợp ngoại lệ của các nguyên tắc đối xử bị nhà đầu tư khiếu kiện. Chương 11 về đầu tư trong NAFTA không tồn tại một quy định cụ thể nào đề cập ngoại lệ về bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hay trong trường hợp cấp thiết đối với nguyên tắc đối xử tối thiểu, tối huệ quốc hoặc tước quyền sở hữu. Phải nhận thấy rằng hành động của Canada được giải thích là phù hợp với các cam kết quốc tế. HĐTT chủ yếu đã căn cứ vào các nguồn khác nhau để giải thích và áp dụng những nguyên tắc bảo vệ đầu tư trong Hiệp định NAFTA một cách linh hoạt để tạo được sự công bằng nhất định giữa lợi ích công mà nhà nước muốn bảo vệ và lợi ích của nhà đầu tư. Điều này có ý nghĩa trong trường hợp giải thích các hiệp định đầu tư song phương có kết cấu giống chương đầu tư trong NAFTA.
2.4. Methanex v. Hoa Kỳ[17]
Methanex là một doanh nghiệp của Canada đã tiến hành hoạt động đầu tư tại Hoa Kỳ để sản xuất và kinh doanh methanol – một thành phần tạo ra hợp chất MTBE – một chất phụ gia trong xăng để sản xuất xăng sinh học. Tranh chấp phát sinh khi bang California của Hoa Kỳ cấm sử dụng MTBE dựa trên ảnh hưởng của MTBE tới môi trường – gây ra ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Quyết định này dẫn tới việc nhu cầu về MTBE (qua đó nhu cầu về methanol) giảm trong khi sản phẩm thay thế là ethanol được sản xuất chủ yếu bởi các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Methanex đã khởi kiện Hoa Kỳ vì cho rằng biện pháp cấm sử dụng MTBE (qua đó gián tiếp hạn chế nhu cầu về methanol) của bang California tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những nhà sản xuất methanol có vốn đầu tư nước ngoài như Methanex và những nhà sản xuất ethanol trong nước. Điều này dẫn đến thị phần của Methanex trên thị trường Hoa Kỳ đã bị giảm đáng kể. Theo Nguyên đơn, Hoa Kỳ đã vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc đối xử tối thiểu và tước quyền sở hữu theo Hiệp định NAFTA.
HĐTT đã bác bỏ toàn bộ khiếu kiện của Nguyên đơn. Thứ nhất, về phân biệt đối xử, HĐTT kết luận methanol và ethanol không phải là sản phẩm tương tự; ethanol là cồn sinh học và biện pháp của bang California là nhắm tới MTBE – chất phụ gia xăng được tạo thành một phần từ methanol. Lệnh cấm và tác động thị trường lên MTBE đã ảnh hưởng chung tới tất cả các nhà sản xuất methanol và không có ý định phân biệt đối xử giữa các đầu tư trong nước và ngoài nước. Thứ hai, về bảo hộ tối thiểu, HĐTT cho rằng bản thân việc phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài không tạo ra vi phạm nguyên tắc bảo hộ tối thiểu trong thông lệ quốc tế. Thứ ba, về tước quyền sở hữu, HĐTT cho rằng mặc dù sự tin tưởng/ uy tín hay thị trường là những yếu tố làm nên giá trị của công ty và được tính đến khi định giá tiền bồi thường nhưng khi đứng riêng lẻ thì không đủ để xem đó là tài sản bị tước đoạt khi Chính phủ thực thi quyền lực công của mình nhằm bảo vệ giá trị công như sức khỏe và môi trường. Biện pháp được ban hành đúng trình tự thủ tục luật định và trước đó Hoa Kỳ không có sự cam kết nào đối với Methanex về việc thay đổi chính sách pháp luật về các mục đích trên. Methanex thực tế không mất đi quyền sở hữu hay kiểm soát hoạt động kinh doanh tại California. Do vậy, HĐTT không nhận thấy khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu. Đồng thời, HĐTT kết luận rằng lệnh cấm của Hoa Kỳ được xác lập sau khi có bằng chứng khoa học rõ ràng về tác động trực tiếp của MTBE lên môi trường và gián tiếp tới sức khỏe.
Có thể thấy các biện pháp của Hoa Kỳ (bang California) bị khiếu kiện trong vụ kiện này và các biện pháp của Canada trong vụ kiện Chemtura v. Canada đều được ban hành dựa trên cơ sở mức độ nguy hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Khác với biện pháp của Canada dựa trên sự nguy hại của chất hóa học lindane được nhận thức rộng rãi, lệnh cấm sử dụng MTBE trong xăng của Hoa Kỳ là kết quả của việc phát triển khoa học về môi trường. Bởi trước thời điểm lệnh cấm được ban hành và sau khi có sửa đổi Đạo luật Khí sạch (Clean Air Act) năm 1990 thì MTBE được quan tâm sử dụng nhiều trong xăng dầu không chỉ là vì tác dụng của chất này mà còn thỏa mãn về yêu cầu về oxygen trong xăng theo Đạo luật này. Phán quyết Methanex v. Hoa Kỳ khẳng định sự thay đổi chính sách – thậm chí là cấm sử dụng một hoá chất mà trước đó đã khuyến khích sử dụng – khi quốc gia nhận thấy việc sử dụng đó không còn đảm bảo độ an toàn thì không tạo ra vi phạm nghĩa vụ bảo hộ đầu tư. Phán quyết này nhấn mạnh việc không thể coi một biện pháp hoặc chính sách của Chính phủ vi phạm nguyên tắc trực tiếp hay gián tiếp tước quyền sở hữu dựa trên nguyên tắc không làm xấu đi hiện trạng (standtill) mà phải đặt trong bối cảnh mà biện pháp đó được ban hành. HĐTT khẳng định khi đầu tư vào Hoa Kỳ, Methanex phải nhận thức được đây là nơi mà các tổ chức bảo vệ sức khỏe và môi trường tiểu bang hay liên bang, các cơ quan của Chính phủ, những cuộc vận động bầu cử luôn theo dõi sát sao việc sử dụng và đánh giá tác động của các hóa chất, việc cấm hoặc việc hạn chế việc sử dụng một số thành phần hóa chất dựa trên cơ sở bảo vệ môi trường và sức khỏe.[18]
2.5. Allard v. Barbados[19]
Ông Allard – một nhà đầu tư quốc tịch Canada – khởi kiện Chính phủ Barbados liên quan đến tranh chấp phát sinh từ khoản đầu tư của ông này vào một khu du lịch sinh thái ở Barbados. Nguyên đơn cáo buộc Barbados đã vi phạm điều khoản về bảo hộ đầy đủ và an ninh, điều khoản về đối xử công bằng, thỏa đáng và tước quyền sở hữu theo Hiệp định đầu tư Canada – Barbados. Cụ thể, Allard cho rằng tại thời điểm được chấp nhận đầu tư (năm 1996), khu du lịch sinh thái là một thiên đường với hệ sinh thái quý giá và là nơi có tiềm năng thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, với việc môi trường bị hủy hoại, nơi đây đã biến thành một khu vực tù đọng đầy muỗi, hệ sinh thái rừng đước bị hủy hoại, số lượng cá tôm chết gia tăng và số lượng chim giảm mạnh. Khu du lịch sinh thái không thể thu hút khách du lịch và buộc phải đóng cửa vào năm 2009.
Theo nhà đầu tư, ba nguyên nhân chính dẫn đến việc này đều liên quan đến việc hành động hay không hành động của Barbados. Thứ nhất, hành vi không quản lý hiệu quả đập Sluice Gate – công trình điều hòa nước thủy triều từ biển vào vùng nội thủy để bảo vệ hệ sinh thái rừng đước của khu du lịch sinh thái. Cụ thể, vì đập không được bảo trì và không hoạt động, nên khu vực sinh thái nước lợ biến thành khu vực nước ngọt, làm hủy hoại hệ sinh thái của cây đước. Việc nước không lưu thông đã khiến cho chất gây ô nhiễm bị giữ lại và tăng nguy cơ lụt lội. Thứ hai, khu vực bị ô nhiễm do hoạt động gây ô nhiễm và xâm lấn của dân cư. Thứ ba, thay đổi quy hoạch mở rộng khu vực bảo tồn thiên nhiên ở các khu vực lân cận khu sinh thái và biến nơi đây thành vùng đệm cho cả khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn. Nhà đầu tư cho rằng Chính phủ đã không thực thi hiệu quả luật bảo vệ môi trường cũng như không thực thi hiệu quả Công ước về Bảo tồn và đa dạng sinh học mà Barbados là thành viên.
Chính phủ Barbados bác bỏ tất cả lập luận trên bằng việc đưa ra bằng chứng khoa học và ý kiến chuyên gia độc lập về môi trường; đồng thời họ khẳng định việc đóng cửa khu du lịch sinh thái của nhà đầu tư do thua lỗ trong kinh doanh là không có liên quan tới môi trường. Cụ thể, thứ nhất, từ năm 1994 đến trước thời điểm nhà đầu tư đến đầu tư đã có những hạn chế thực tế tồn tại tại khu vực này vì đây là khu vực nằm ở cuối địa bàn đánh cá của ngư dân; vì thế nguyên nhân từ hoạt động sản xuất và mở rộng khu dân cư của con người và các lý do tự nhiên biến đổi dẫn tới việc khu vực sinh thái nước lợ rừng đước bị biến thành khu vực nước ngọt. Thứ hai, các chuyên gia môi trường của Barbados khẳng định giai đoạn 1994 – 2009, điều kiện sinh thái của khu vực này thực chất đã được cải thiện. Thứ ba, đập Sluice Gate không phải là công trình điều hòa nước giữa biển và khu vực này. Thứ tư, việc thay đổi quy hoạch khu sinh thái thực chất đã cải thiện môi trường sinh thái nơi đây vì khu vực lớn hơn bao gồm cả khu sinh thái đã được thiết kế để trở thành Khu bảo tồn sinh thái quốc gia. Thứ năm, Chính phủ Barbados chỉ ra rằng việc đóng cửa Khu sinh thái là do nguyên đơn thua lỗ trong kinh doanh, cụ thể là nguyên đơn trông đợi một khoản lợi nhuận lớn từ hợp đồng ký với các hãng du lịch và du khách nhưng không thể ký được các hợp đồng này.
HĐTT đã bác bỏ các lập luận của Nguyên đơn liên quan đến vi phạm nghĩa vụ của Barbados trong việc đối xử công bằng và thỏa đáng với nhà đầu tư vì không tồn tại mong đợi hợp lý của nhà đầu tư dựa trên những cam kết của Chính phủ về bảo vệ môi trường hay thực thi các cam kết quốc tế, trong đó có Công ước về Bảo tồn và đa dạng sinh học. Đáng lưu ý, trong lập luận về điều khoản bảo hộ đầy đủ và an ninh, khi phải phán xử về việc liệu các tiêu chuẩn bảo hộ của điều khoản này có bao gồm việc chống việc xâm phạm môi trường bởi bên thứ ba (như các cá nhân hay tổ chức tư nhân khác), HĐTT cho rằng Chính phủ chỉ cần thực hiện đầy đủ các bước để xử lý các thiệt hại môi trường mà không cần thiết phải thực hiện các bước cụ thể theo đúng mong đợi của nhà đầu tư cho rằng lẽ ra nên như thế. Ngoài ra, HĐTT cũng cho rằng ngay cả khi điều khoản bảo hộ đầy đủ và an ninh có thể bao gồm cả nghĩa vụ bảo vệ nhà đầu tư trước những xâm hại môi trường của bên thứ ba, Chính phủ đã thực hiện các bước hợp lý theo yêu cầu của Hiệp định đầu tư và không cần thiết phải đáp ứng cả những điều ước quốc tế khác về môi trường như Công ước về Bảo tồn và đa dạng sinh học.
Về khiếu kiện tước quyền sở hữu, HĐTT cho rằng Nguyên đơn đã không thể chứng minh được những thiệt hại dẫn tới việc phải đóng cửa khu sinh thái có liên quan tới việc quyền sở hữu của mình bị tước đoạt đối với khoản đầu tư. Bởi lẽ trên thực tế nhà đầu tư vẫn còn sở hữu khu du lịch sinh thái và một số quán cà phê hoạt động tại đây.
Allard v. Barbados là vụ việc đầu tiên mà nhà đầu tư khởi kiện các biện pháp của Chính phủ khi thực thi pháp luật trong nước và Công ước quốc tế về Bảo vệ môi trường vi phạm các nghĩa vụ cam kết tại Hiệp định bảo hộ đầu tư. Việc chứng minh thiệt hại dựa trên chứng cứ và bằng chứng của nhà đầu tư không thành công như mong muốn. Điều này dẫn tới việc HĐTT đã xem xét vụ việc trên cơ sở thực tế và chứng cứ của vụ việc này một cách đơn lẻ. HĐTT rõ ràng đã dè dặt khi xem xét các lập luận quá mới mẻ trong các tiêu chuẩn về bảo hộ đầu tư của nguyên đơn, trong đó bao gồm: xác định thiệt hại do bên thứ ba gây ra và trách nhiệm bảo hộ của Chính phủ trong các tiêu chuẩn về bảo hộ đầy đủ và an ninh. Phán quyết cũng cho thấy mức độ ngần ngại và sự giới hạn thẩm quyền của HĐTT trong việc xem xét mối quan hệ giữa trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khác mà hệ quả có thể dẫn tới việc ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và giá trị của một khoản đầu tư nước ngoài.[20]
- Kinh nghiệm cho Việt Nam
Các phân tích ở trên cho thấy Việt Nam có thể vận dụng các cam kết bảo vệ môi trường trong các hiệp định hay chương đầu tư mà Việt Nam tham gia cũng như các phán quyết giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước, trong đó HĐTT áp dụng linh hoạt các nguyên tắc đối xử đầu tư để cho phép nước tiếp nhận đầu tư áp dụng các biện pháp cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ môi trường, thậm chí cả thay đổi chính sách, pháp luật liên quan. Tuy nhiên, quá trình ban hành và thực hiện các biện pháp này trong từng trường hợp cụ thể cần hết sức cẩn trọng, phải công khai, minh bạch, đảm bảo quyền được thông tin, phản biện của nhà đầu tư trên nguyên tắc cân bằng – hợp lý. Trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cần lưu ý:
Thứ nhất, đủ cơ sở khoa học cho biện pháp bảo vệ môi trường: trong các vụ kiện nêu trên, mặc dù các HĐTT không phán xét như hội đồng khoa học chuyên môn nhưng luôn cân nhắc các bằng chứng liên quan để đánh giá tính khách quan của việc áp dụng biện pháp của Chính phủ. Vì thế, biện pháp bảo vệ môi trường được lựa chọn áp dụng cần dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, có thể là nghiên cứu khoa học cụ thể như trong Chemtura v. Canada hay rà soát đánh giá tác động như trong Methanex v. Hoa Kỳ. Việt Nam cũng có thể học hỏi cách tiếp cận của Canada trong vụ kiện Myer v. Canada, theo đó, mặc dù Canada không được HĐTT chấp nhận khi dẫn chiếu tới Công ước Basel, hướng đi này có ý nghĩa cho Việt Nam ở điểm chúng ta có thể viện dẫn các nghiên cứu khoa học hoặc sự đồng thuận có tính quốc tế mà không nhất thiết phải tiến hành các nghiên cứu khoa học cụ thể vì như vậy sẽ lãng phí thời gian và tài chính trong khi vấn đề đã được khoa học khẳng định và thừa nhận.
Thứ hai, mục đích của biện pháp bảo vệ môi trường phải chính đáng: ngoài việc nghi ngờ về tính khoa học của cơ sở bảo vệ môi trường thì một số nguyên đơn trong các vụ kiện trên còn nghi ngờ về tính chân thực của mục đích khi áp dụng biện pháp. Trong vụ kiện Methanex v. Hoa Kỳ, Nguyên đơn cho rằng bảo vệ môi trường chỉ là cái cớ giả tạo cho một ý đồ khác (tước thị phần hay thị trường của Nguyên đơn để chuyển giao cho các nhà sản xuất ethanol trong nước); trong vụ kiện vụ kiện Myers v. Canada, Nguyên đơn quan ngại về mục đích bảo hộ ngành công nghiệp trong nước. Chính vì vậy, HĐTT thường đặt các biện pháp bị khiếu kiện trong chuỗi các biện pháp liên quan hoặc quá trình hình thành biện pháp để thấy rằng liệu biện pháp đó có xây dựng trên cơ sở khoa học nhằm thực sự bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng và liệu rằng có các mục đích khác đi kèm. Do đó, trong trường hợp tương tự, Việt Nam cần viện dẫn chuỗi các hành động về một chính sách bảo vệ môi trường cụ thể để bảo vệ tính trung thực của biện pháp pháp lý bị khiếu kiện. Khi những bằng chứng tác động tới môi trường không hoàn toàn đầy đủ thì Việt Nam vẫn có thể sử dụng nguyên tắc cẩn trọng để ban hành biện pháp nhưng cần chuẩn bị chứng cứ để minh chứng một cách trung thực và khách quan.
Thứ ba, cần cẩn trọng khi Chính phủ có cam kết cụ thể với nhà đầu tư nước ngoài: nếu có một cam kết cụ thể với nhà đầu tư liên quan, sẽ khó khăn hơn cho nước nhận đầu tư để giải phóng khỏi nghĩa vụ bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tước quyền gián tiếp thậm chí khi lý do về môi trường và sức khỏe được dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể và được thực thi trong phạm vi quyền lực của nhà nước. Mặc dù một nhà đầu tư nước ngoài phải dự liệu rằng nước tiếp nhận đầu tư có thể ban hành các quy định áp dụng chung để bảo vệ sức khỏe công cộng và môi trường, nhưng họ không mong muốn những biện pháp đó đi ngược lại với những lời hứa cụ thể mà nhà nước đã trao cho họ. Do đó, các cơ quan nhà nước Việt Nam cần hết sức thận trọng trong quá trình cấp phép và xử lý các dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thứ tư, trong mọi trường hợp, biện pháp về môi trường ảnh hưởng đến nhà đầu tư cần phải được ban hành đúng trình tự thẩm quyền và minh bạch trên cơ sở nguyên tắc cân bằng – hợp lý. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong nước và cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường để tránh các khiếu kiện tương tự vụ kiện Allard v. Barbados.
Tóm lại, trong bối cảnh phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường đang và sẽ được đề cao, Việt Nam tất yếu cần áp dụng các biện pháp hợp lý, cần thiết và phù hợp để bảo vệ môi trường, dù có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc áp dụng đó phải trên cơ sở pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia, trong đó có cam kết bảo hộ đầu tư cũng như cam kết về bảo vệ môi trường, với đầy đủ cơ sở khách quan, khoa học. Để làm được điều này, Việt Nam cần phải có đội ngũ chuyên gia có năng lực, trách nhiệm và tâm huyết để giải quyết các vấn đề pháp lý rất phức tạp sẽ phát sinh trong quá trình này. Trong mọi trường hợp, các cơ quan nhà nước liên quan của Việt Nam cần tính toán và triệt để áp dụng nguyên tắc cân bằng – hợp lý trong quá trình ra quyết định bảo vệ môi trường..
CHÚ THÍCH
[1]* TS luật học, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp. Bài viết chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân của tác giả.
** Nghiên cứu sinh, Khoa Luật, Đại học La Trobe; Giảng viên Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
*** ThS luật học, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào tháng 2/2016 nhấn mạnh một trong ba trụ cột định hướng để Việt Nam phát triển bền vững là bảo vệ môi trường, https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/23724 License: CC BY 3.0 IGO, truy cập 18/3/2017.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 31 – 32.
[3] UNCTAD, World Investment Report 2016 – Investor Nationality: Policy Challenges, 2016, tr. 90-101.
[4] J.E. Vinuales, Foreign Investment and the Environment in International Law, Cambridge University Press, 2012.
[5] J.E. Vinuales, tr. 283.
[6] Các khoản 2 và 6 Điều 1106 NAFTA.
[7] Điều 9.16, Điều 20.3(6) và Điều 9.10 TPP lần lượt tương tự Điều 1114(1), Điều 1114(2) và Điều 1106 NAFTA.
[8] Tecmed v. Mexico, Vụ kiện số ARB (AF)/00/2 tại ICSID, phán quyết ngày 29/5/2003.
[9] Tecmed v. Mexico, đoạn 97, 126-148, 151, 189 – 197.
[10] Để xem xét một vấn đề trên cơ sở nguyên tắc cân bằng – hợp lý, ba bước kiểm tra cần được tiến hành nhằm kiểm tra: (i) tính phù hợp (suitability/ appropriateness), (ii) tính cần thiết (necessity), và tính cân bằng lợi ích (proportionality stricto sensu). Xem X. Groussot và Nguyễn Thanh Tú, “Nguyên tắc cân bằng – hợp lý trong tự do hóa thương mại”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5, 2006, tr. 3-14.
[11] Myers v. Canada, Vụ kiện trọng tài NAFTA theo cơ chế UNCITRAL, phán quyết một phần ngày 13/11/2000 (Vụ kiện này còn có Phán quyết phần 2 ngày 21/10/2002 và phán quyết cuối cùng về phân chia phí tổn ngày 30/12/2012).
[12] Myers v. Canada, đoạn 26-31, 152, 161-195, 277 và 127-288.
[13] Chemtura v. Canada, Vụ kiện theo UNCITRAL, Phán quyết ngày 02/8/2010.
[14] Lindane là một loại thuốc trừ sâu, được đăng ký lần đầu tiên ở Canada năm 1938.
[15] Lindane ngày càng bị cấm ở nhiều quốc gia (từ những năm 1970) và đã được đưa vào danh sách các chất hóa học phải loại bỏ theo Công ước Stockholm vào tháng 5/2009. Xem Chemtura v. Canada, đoạn 135 và 136.
[16] Doanh thu từ các sản phẩm lindane chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số của Chemtura ở Canada tại thời điểm tranh chấp; vì thế việc ảnh hưởng không đáng kể. Xem Chemtura v. Canada, đoạn 259-265.
[17] Methanex v. Hoa Kỳ, Vụ kiện ICSID theo cơ chế UNCITRAL, phán quyết ngày 03/8/2005.
[18] Xem Methanex v. Hoa Kỳ, Phần IV, Chương D, đoạn 9, 5, 17 và 18.
[19] Allard v. Barbados, Vụ kiện số 2012-06, phán quyết của PCA theo cơ chế UNCITRAL ngày 27/6/2016.
[20] Điều này có thể thay đổi trong trường hợp của Hiệp định TPP vì TPP quy định việc vi phạm các điều ước quốc tế khác về môi trường của nước thành viên cũng được coi là vi phạm cam kết của Hiệp định này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Các phán quyết trọng tài [trans: arbitral awards]
- Myers v. Canada, Vụ kiện trọng tài NAFTA theo cơ chế UNCITRAL, Phán quyết một phần ngày 13/11/2000 [S. D. Myers, Inc. v. Government of Canada, UNCITRAL, award of 13/11/2000]
- Tecmed v. Mexico, Vụ kiện số ARB (AF)/00/2 tại ICSID, phán quyết ngày 29/5/2003 [trans: Técnicas Medioambientales Tecmed, S.A. v. The United Mexican States, ICSID case No. ARB (AF)/00/2, award of 29/5/2003]
- Methanex v. Hoa Kỳ, Vụ kiện ICSID theo cơ chế UNCITRAL, phán quyết ngày 03/8/2005 [Methanex Corporation v. United States of America, UNCITRAL, award of 03/8/2005]
- Chemtura v. Canada, Vụ kiện theo UNCITRAL, phán quyết ngày 02/8/2010 [Chemtura Corporation v. Government of Canada, UNCITRAL, award of 02/8/2010]
- Allard v. Barbados,Vụ kiện số2012-06, Phán quyết của PCA theo cơ chế UNCITRAL ngày 27/6/2016 [Peter A. Allard v. The Government of Barbados, PCA case No. 2012-06, award of 27/6/2016]
* Các tài liệu khác [trans: other documents]
- Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016 [trans: Vietnam’s Communist Party, Document of the XII National Representatives Congress, Chinh tri quoc gia publishing house, Hanoi, 2016]
- Groussot X. và Nguyễn Thanh Tú, “Nguyên tắc cân bằng – hợp lý trong tự do hóa thương mại”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5, 2006, tr. 3-14 [trans: X. Groussot and Nguyễn Thanh Tú, “The principle of proportionality in trade liberalization”, Legal Sciences journal, 5, 2006, pp. 3-14]
- Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, 2/2016, https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/23724 License: CC BY 3.0 IGO, truy cập 18/3/2017 [trans: World Bank and Ministry of Planning and Investment of Vietnam, Vietnam 2035: Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy, 2/2016, https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/23724 License: CC BY 3.0 IGO, accessed on the 18th of March, 2017]
- UNCTAD, World Investment Report 2016 – Investor Nationality: Policy Challenges, 2016
- Vinuales J. E., Foreign Investment and the Environment in International Law, Cambridge University Press, 2012.
Chia sẻ bởi: Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thanh Tú – Lê Thị Ngọc Hà – Nguyễn Thị Nhung – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03(106)/2017 – 2017, Trang 3-12