Mục lục
Cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển theo Công ước Luật biển 1982
Tác giả: Nguyễn Bá Diến & Nguyễn Hùng Cường
Tóm tắt
Trên cơ sở quy định của Công uớc Luật biển năm 1992 và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế hiện đại, bài viết giới thiệu những vấn đề chung về cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển, giới thiệu mô hình các cơ quan giải quyết tranh chấp và đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp biển vào bối cảnh thực tế ở biển Đông.
Xem thêm bài viết về “Giải quyết tranh chấp”
- Về một số vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu – ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
- Đánh giá quy định pháp luật hiện hành về hòa giải viên thương mại ở Việt Nam – ThS. Lê Hương Giang
- Phân tích đặc điểm giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ hành chính – Xóm Luật
- Một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam hiện hành về giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong doanh nghiệp bằng thủ tục trọng tài – ThS. Nguyễn Thị Bích
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
1. Khái quát chung về cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển theo Công ước Luật biển 1982
Việc giải quyết tranh chấp trên biển trong Luật quốc tế hiện đại chủ yếu dựa trên các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Công ước Luật biển năm 1982 vừa là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển, vừa là công cụ hữu hiệu để các quốc gia giải quyết các tranh chấp phát sinh từ biển.
Vấn đề giải quyết tranh chấp về biển được quy định tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299 của Công ước và các bản phụ lục có liên quan, bao gồm các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục hoà giải (Phụ lục V); tổ chức, thẩm quyền, và thủ tục tố tụng của Toà án Quốc tế về Luật biển (Phụ lục VI); thẩm quyền, thủ tục và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, (Phụ lục VII); về việc giải quyết tranh chấp bằng toà án trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII), v.v…
Việc đưa vào UNCLOS 1982 các điều khoản bắt buộc về giải quyết các tranh chấp ở biển được coi là một bước tiến lớn của Luật quốc tế nói chung và của Công ước Luật biển năm 1982. (Khác với Công ước Geneve 1958, khi mà các điều khoản về giải quyết tranh chấp chỉ được ghi nhận trong một Nghị định thư không bắt buộc và Nghị định thư này đã không được nhiều nước phê chuẩn). Điều này đã phản ánh đúng xu thế của thời đại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, thể hiện ý nguyện của các quốc gia có biển cũng như không có biển và đã được nhiều đoàn đại biểu tham gia Hội nghị của Liên Hợp quốc về biển từ 1973-1982 chấp nhận rộng rãi, kể cả các đoàn đại biểu của các nước xã hội chủ nghĩa mà trước đó đã kiên quyết phản đối khái niệm về quyền tài phán bắt buộc của toà án quốc tế, vì nếu không có các điều khoản về giải quyết tranh chấp thì sự toàn vẹn của văn bản cuối cùng sẽ bị mất giá trị [1]. Nguyên tắc nền tảng, được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp theo Công ước 1982, là: Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp trong việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các phương pháp hoà bình theo đúng Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc “và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương” (Điều 279). Như vậy, các bên có thể tán thành bất cứ một cách thức giải quyết tranh chấp nào mà họ lựa chọn. Không một quy định nào của Công ước ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia áp dụng bất cứ lúc nào, bằng bất kỳ phương pháp hoà bình nào theo sự lựa chọn của mình một vụ tranh chấp xảy ra giữa họ (Điều 280). Và: “Khi có một tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các phương pháp hoà bình khác…” (Điều 283).
Tại Phụ lục V của Công ước đã trù tính đến việc thành lập một uỷ ban hoà giải với chức năng “nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ, và đưa ra những đề xuất cho các bên với ý định muốn đạt được một sự hoà giải” [2]. Những người hoà giải có thể làm một báo cáo không bắt buộc đối với các bên. Nếu không đạt được một giải pháp nào thì sẽ phải áp dụng các thủ tục bắt buộc dẫn đến những kết luận bắt buộc. Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các toà án sau: Toà án quốc tế về Luật biển, Toà án quốc tế, một toà trọng tài thông thường hoặc toà án trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong Phụ lục này. Theo quy định tại Điều 296 (Tính chất tối hậu và bắt buộc của các quyết định), thì: các quyết định do toà án có thẩm quyền đưa ra là có tính chất tối hậu (chung thẩm), và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo. Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước đòi hỏi tất cả các quốc gia thừa nhận hoặc phê chuẩn Công ước phải thực hiện, không được bảo lưu một ý kiến nào. Tuy nhiên các quốc gia có thể lựa chọn cách thức riêng cho mình đối với việc giải quyết tranh chấp, hoặc có thể chấp nhận quyết định bắt buộc của một toà án nào đó và có quyền lựa chọn nhất định về tính chất và thành phần của toà án [3].
Các điều khoản của Công ước chỉ có thể được áp dụng cho những cuộc tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, không áp dụng cho những cuộc tranh chấp nảy sinh từ những tình huống rộng hơn nhưng có ảnh hưởng đến những vấn đề về biển. Ví dụ như vấn đề tranh chấp giữa Bồ Đào Nha và Ôxtrâylia liên quan đến Đông Timo. Vấn đề tranh chấp được trình bày trước Toà án Quốc tế là Hiệp ước Biển Timo, đã phân chia các nguồn tài nguyên biển giữa Inđônêxia và Ôxtrâylia. Nhưng cuộc tranh chấp thực sự là tranh chấp về việc chuyển giao quyền lực sau khi kết thúc chính quyền thực dân và về việc dùng vũ lực để phủ nhận quyền tự quyết của nhân dân Đông Timor.
Các điều khoản bắt buộc về giải quyết tranh chấp sẽ không được áp dụng cho tất cả mọi cuộc tranh chấp ngay cả giữa các bên tham gia Công ước được quy định tại Điều 298: Những ngoại lệ không bắt buộc đối với việc áp dụng Mục 2 (Các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc) nếu như khi ký kết, phê chuẩn tham gia Công ước, hoặc ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản không chấp nhận các thủ tục giải quyết tranh chấp đã được trù định ở Mục 2, có liên quan đến một hay nhiều loại tranh chấp sau đây: các tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15(1), 74(2)và 83(3)liên quan đến việc phân định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử, các tranh chấp liên quan đến các hoạt động tăng cường quân sự hoặc hành động nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, các tranh chấp đã được đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì những trường hợp ngoại lệ đụng chạm đến những vấn đề tranh chấp chính trị và nhất là đến sự cân bằng giữa quyền tài phán của quốc gia ven biển với quyền của các quốc gia khác, cho nên nhiều cuộc tranh chấp tiềm tàng có thể sẽ bị loại bỏ. Những trường hợp ngoại lệ ấy cơ bản là làm giảm phạm vi của các điều khoản giải quyết tranh chấp [4].
Hệ thống các điều khoản giải quyết tranh chấp ở phần XV Công ước Luật biển năm 1982 là nhằm dự liệu một loạt các cách thức giải quyết và từ đó tạo thuận lợi cho các nỗ lực giải quyết của các bên bằng các biện pháp hoà bình cách này hay cách khác. Người ta cho rằng các cách thức giải quyết tranh chấp tại Phần XV có thể trở thành mô hình tốt cho các phương thức giải quyết tranh chấp trong các Hiệp ước đa phương khác và chúng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Hiện nay trong khoa học pháp lý đang có xu hướng là khi đưa ra các cách thức giải quyết tranh chấp trong quan hệ kinh tế thương mại, người ta thường mô tả các cách thức khác nhau theo một trật tự sắp xếp liên tiếp đi từ phi chính thức đến chính thức, từ thoả thuận đến bắt buộc. Các bên tranh chấp có thể thoả thuận từng bước các cách thức khác nhau, theo một trật tự từ đàm phán, hoà giải, trọng tài cho đến toà án. Đồng thời, tất cả các cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế đều theo nguyên tắc thoả thuận, theo những cách thức mà các bên đã cam kết từ trước hoặc lựa chọn vào bất kỳ thời điểm nào. Thay vì một trật tự từ thấp tới cao, Phần XV của Công ước đã đưa ra một loạt các cách thức giải quyết tranh chấp để từ đó các bên có thể lựa chọn một cách thức thích hợp cho từng hoàn cảnh và đặc thù của vụ việc tranh chấp.
Yếu tố quan trọng nhất về giải quyết tranh chấp trong Công ước là các điều khoản quy định các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định băt buộc. Các quốc gia có thể chọn một hoặc nhiều biện pháp về thủ tục giải quyết bắt buộc như Toà án quốc tế về Luật biển, Toà trọng tài đặc biệt dành cho các tranh chấp về lĩnh vực nghề cá, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển hoặc về hàng hải, v.v…
Xem thêm bài viết về “Công ước Luật Biển 1982”
- Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc gia về các yếu tố, hoàn cảnh ảnh hưởng đến phân định biển – ThS. Lê Anh Đào
- Quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo Công ước Luật Biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012 – TS. Trần Thăng Long & ThS. Hà Thị Hạnh
- Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 – TS. Ngô Hữu Phước
- Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Luật Biển năm 1982 về lĩnh vực đánh bắt hải sản và bảo vệ môi trường – TS. Trần Thăng Long
- Quy chế pháp lý của các công trình và thiết bị nhân tạo theo luật biển quốc tế và liên hệ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông – TS. Trần Thăng Long
2. Các cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Luật biển 1982
Theo quy định của Công ước, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một hoặc một số phương pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Thông thường thì “các bên đương sự nhanh chóng tiến hành trao đổi ý kiến để giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoặc các biện pháp hoà bình khác” như đàm phán hoặc hoà giải. Nếu các bên tranh chấp không nhất trí được với nhau về cách thức giải quyết hoặc cách thức đó không dẫn đến một giải pháp cho cuộc tranh chấp thì họ có nghĩa vụ tiến hành các cuộc trao đổi về quan điểm” [5] mà thông thường bằng biện pháp hoà giải. Nếu vẫn bế tắc thì theo yêu cầu của một bên tranh chấp, họ buộc phải lựa chọn một trong bốn khả năng của thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc (các biện pháp mang tính xét xử và có tính bắt buộc): Toà án Công lý quốc tế; Toà án quốc tế về Luật biển; Một toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; Một toà Trọng tài đặc biệt để giải quyết các tranh chấp liên quan tới từng lĩnh vực riêng biệt như nghiên cứu khoa học biển, đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, giao thông biển… (Điều 287). Đây chính là những thiết chế theo quy định của Công ước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp biển.
2.1. Toà án Công lý quốc tế
Toà án Công lý quốc tế là cơ quan xét xử chính của Liên hợp quốc. Toà án có chức năng giải quyết hoà bình trên cơ sở Luật quốc tế, các tranh chấp pháp lý quốc tế phát sinh giữa các quốc gia trong các quan hệ quốc tế. Toà án giúp Liên hợp quốc đạt được một trong những nhiệm vụ cơ bản của mình là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và Luật quốc tế.
Chỉ có các quốc gia mới có quyền kiện ra Toà để giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa họ. Các thành viên của Liên hợp quốc là các quốc gia được quyền sử dụng cơ chế của Toà để giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa họ. Quốc gia không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng có thể yêu cầu Toà giúp đỡ với điều kiện trước đó họ phải chấp nhận Quy chế của Toà. Điều này chỉ đạt được khi quốc gia yêu cầu đáp ứng được các điều kiện do Đại hội đồng đặt ra trong từng trường hợp trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng Bảo an.
Thành phần của Toà bao gồm các thẩm phán, các phụ thẩm và thư ký. Các thẩm phán được lựa chọn không căn cứ vào quốc tịch, trong số những nhân vật có phẩm chất đạo đức cao, đáp ứng các yêu cầu đề ra ở nước họ để chỉ định giữ chức vụ xét xử cao nhất, hoặc những luật gia có uy tín lớn trong lĩnh vực Luật quốc tế, là những người hoạt động độc lập (Điều 2 Quy chế của Toà). Các thẩm phán phải được bầu, Toà gồm có 15 thẩm phán, trong đó không có hai người có cùng quốc tịch (Điều 3 Quy chế của Toà).
Các thẩm phán có nhiệm kỳ 9 năm và có thể được bầu lại (riêng lần bầu cử đầu tiên có một phần ba số thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm và một phần ba số thẩm phán có nhiệm kỳ 6 năm). Các thẩm phán do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an bầu ra, trong số những người có tên trong danh sách đề nghị của các Tiểu ban Dân tộc của Toà trọng tài thường trực (Điều 4 Quy chế của Toà). Bầu cử được tiến hành ba năm một lần nhằm thay đổi một phần ba thành phần Toà với mục đích không ngừng nâng cao hiệu quả của Toà [6].
Các thành viên của Toà trong khi thực hiện chức năng của mình đều được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao (Điều 19 Quy chế của Toà)
– Thẩm phán ad hoc của Toà
Thẩm phán ad hoc là thẩm phán do một hoặc các bên tranh chấp không có thẩm phán mang quốc tịch nước mình trong thành phần của Toà đề cử. Các thẩm phán được lựa chọn không phụ thuộc vào quốc tịch. Theo quy định như vậy, sẽ có trường hợp một trong các bên tranh chấp có thẩm phán mang quốc tịch nước mình trong thành phần của Toà.
Thẩm phán ad hoc được lựa chọn ngoài danh sách các thẩm phán thường trực của Toà. Những thẩm phán này cũng phải là những nhân vật có phẩm chất đạo đức cao, đáp ứng yêu cầu đề ra ở nước họ để chỉ định giữ chức vụ xét xử cao nhất, hoặc là những luật gia có uy tín lớn trong lĩnh vực Luật quốc tế.
– Các phụ thẩm của Toà
Theo quy định tại Điều 30, khoản 2 Quy chế và Điều 9 Nội quy của Toà cho phép Toà có thể tự quyết hoặc theo yêu cầu của các bên đưa ra trước khi kết thúc thủ tục viết, các phụ phẩm tham gia vào các phiên họp của Toà hay của các Toà rút gọn của Toà, nhưng không có quyền biểu quyết. Quy định này nhằm mục đích tranh thủ thêm sự đóng góp của các chuyên gia lớn trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của toà.
– Thư ký Toà
Theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Quy chế của Toà, Toà án cử thư ký của mình và có thể áp dụng những biện pháp để cử những người khác giữ trách nhiệm như vậy nếu thấy cần thiết. Ban thư ký của Toà là một cơ quan hành chính thường trực của Toà và chỉ phụ thuộc vào Toà. Ban thư ký là cơ quan đảm trách các dịch vụ tư pháp, là bên liên lạc giữa Toà và các quốc gia có chủ quyền, đồng thời cũng có nhiệm vụ thư ký của một cơ quan thuộc tổ chức quốc tế.
– Các toà đặc biệt của Toà (Ban)
Thành phần của một phiên toà xét xử thông thường gồm 15 thành viên (họp toàn thể) của Toà án, đôi khi là 9, 5 hoặc 3 thành viên. Điều này phụ thuộc vào chức năng của Toà có thể thành lập các toà đặc thù như: Toà rút gọn trình tự tố tụng; Toà đặc biệt; Toà rút gọn thành phần hay toà ad hoc đối với từng vụ việc.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp là một trong những thẩm quyền chính của Toà. Điều 33, khoản 1 của Quy chế quy định: “Toà có thẩm quyền tiến hành xét tất cả các vụ việc mà các bên đưa ra cũng như tất cả các vấn đề được nêu riêng trong Hiến chương Liên hợp quốc hoặc trong các hiệp ước, các công ước đang có hiệu lực”.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Toà được thiết lập theo các phương thức sau: – Chấp nhận thẩm quyền của Toà theo từng vụ việc. Trong mọi trường hợp, các quốc gia tranh chấp sẽ ký một hiệp ước, được gọi là thoả thuận thỉnh cầu, đề nghị Toà xem xét phân giải tranh chấp giữa họ. Trong thoả thuận này, các quốc gia nêu rõ đối tượng tranh chấp, các câu hỏi cần giải quyết, phạm vi thẩm quyền của Toà, phạm vi luật áp dụng. Từ những năm 1960 đến nay, các nước thường dùng hình thức thoả thuận thỉnh cầu để đưa các vụ tranh chấp có liên quan đến phân định thềm lục địa và biên giới ra trước Toà. Ví dụ vụ Thềm lục địa Biển Bắc 1969, vụ Thềm lục địa Libi/Tuynidi năm 1982… – Chấp nhận trước thẩm quyền của Toà trong các điều ước quốc tế. Thẩm quyền bắt buộc của Toà có thể được xác lập hoặc thông qua các điều khoản đặc biệt trong các hiệp ước song phương và đa phương thừa nhận trước thẩm quyền của Toà. Thông thường, trong các hiệp ước và công ước song phương hoặc đa phương thường trù định điều khoản đặc biệt, trong đó các bên thoả thuận trước, khi có xảy ra tranh chấp trong việc giải thích và thực hiện điều ước quốc tế, một bên có thể đưa tranh chấp ra trước Toà.
– Tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toà. Theo cơ chế này, khi cả hai quốc gia tranh chấp đều có tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Toà và các tuyên bố này của họ đồng thời có cùng phạm vi hiệu lực đối với một tranh chấp như vậy thì có thể coi Toà có thẩm quyền xét xử tranh chấp đó. Cơ chế này cũng cho phép quốc gia có thể viện dẫn đến sự giúp đỡ của Toà để phân giải một tranh chấp với một quốc gia khác có cùng một lập trường đối với thẩm quyền của Toà. Các tuyên bố đơn phương hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia. Các quốc gia có toàn quyền tự do lựa chọn thời điểm, nội dung, điều kiện chấp nhận thẩm quyền bắt buộc của Toà.
Theo quy định của Quy chế của Toà, Quy chế của Toà là cơ sở để Toà xét xử. Trong quá trình xét xử Toà áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế thực định, trên cơ sở Điều 38 Quy chế Toà án.
Hoạt động chính của Toà là thông qua thủ tục xét xử. Thủ tục xét xử một vụ tranh chấp trước Toà được quy định cụ thể trong Quy chế của Toà. Quá trình thụ lý gồm hai giai đoạn:
– Thủ tục viết, trong đó các quốc gia hoàn thành và trao đổi bị vong lục về lập luận của từng bên và các lý lẽ luận tội hay bào chữa.
– Thủ tục nói (tranh tụng trước Toà), Toà sẽ nghe ý kiến của các bên, các luật sư và cố vấn trong phiên Toà xét xử công khai.
Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, thủ tục xét xử của Toà sẽ được tiến hành theo những bước sau:
– Các bên nộp đơn kiện lên Toà và cử đại diện liên lạc của mình
– Toà tiến hành các thủ tục bổ trợ cho thủ tục chính về xét xử nội dung:
+ Toà sẽ xem xét, xác định thẩm quyền của mình trong từng vụ việc cụ thể được nêu.
+ Theo yêu cầu của các bên, trong trường hợp cần thiết Toà có thể ra lệnh áp dụng những biện pháp bảo đảm tạm thời cần thiết để bảo vệ quyền của mỗi bên.
+ Hợp nhất các vụ án có mục tiêu tranh chấp chung
+ Khả năng xử án vắng mặt
+ Toà xem xét khả năng can dự vào vụ việc từ bên thứ ba
– Toà xét xử về mặt nội dung của vụ việc – Toà ra quyết định cuối cùng phân giải tranh chấp.
Từ khi ra đời đến nay, Toà án Công lý quốc tế đã giải quyết rất nhiều các vụ tranh chấp, và nhất là các vụ tranh chấp liên quan đến biển (27 vụ), bao gồm 21 phán quyết và 6 kết luận tư vấn(4).
2.2. Toà án quốc tế về Luật biển
Toà án quốc tế về Luật biển là cơ quan tài phán được thành lập trong khuôn khổ của Công ước Luật biển 1982, và có trụ sở chính đặt tại thành phố Hămbuốc-CHLB Đức. Số thành viên của Toà gồm 21 thành viên, được tuyển chọn trong số các nhân vật nổi tiếng nhất về sự công bằng và liêm khiết, có năng lực nổi bật trong lĩnh vực Luật biển.
Việc lựa chọn thành phần của Toà được tiến hành trên các nguyên tắc:
– Thành phần của Toà phải bảo đảm có sự đại diện của các hệ thống pháp lý chủ yếu của thế giới và một sự phân chia công bằng về mặt địa lý;
– Mỗi quốc gia thành viên có quyền chỉ định nhiều nhất là hai người. Các thành viên của Toà sẽ được tuyển lựa trên danh sách đề cử, tuy nhiên trong thành phần của Toà không thể có quá một công dân của cùng một quốc gia;
– Các thành viên của Toà được bầu bằng bỏ phiếu kín, người trúng cử là những ứng cử viên đạt được số phiếu bầu cao nhất và phải được 2/3 số quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.
Nhiệm kỳ của các thành viên là 9 năm và họ đều có quyền tái cử, ở cuộc bầu cử đầu tiên 7 người sẽ mãn nhiệm sau 3 năm, 7 người sẽ mãn nhiệm sau 6 năm và họ được chỉ định qua rút thăm do Tổng thư ký Liên hợp quốc thực hiện ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên.
Theo nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán thì một thành viên của Toà không được đảm nhiệm bất kỳ chức vụ chính trị hay hành chính nào, cũng không được chủ động tham gia hay có liên quan về tài chính trong bất cứ một hoạt động nào của một xí nghiệp đang tiến hành thăm dò hoặc khai thác các tài nguyên ở biển hay ở đáy biển hoặc việc sử dụng biển, đáy biển vào mục đích thương mại khác. Thành viên của Toà cũng không được làm những nhiệm vụ như đại diện, cố vấn hay luật sư trong bất kỳ một vụ kiện nào. Một toà được coi là hợp lệ khi có đủ ít nhất 11 thành viên được bầu ngồi xử án.
Nhằm giải quyết nhanh các vụ kiện mỗi năm Toà án lâp ra một viện gồm năm thành viên được bầu để xét xử theo thủ tục rút gọn (Viện). Trong những trường hợp, nếu thấy cần thiết Toà có thể lập ra Viện gồm ít nhất 3 thành viên được bầu để xét xử một loại vụ kiện nhất định. Các phán quyết của các Toà rút gọn đều được coi như phán quyết của Toà án quốc tế về Luật biển, chúng đều có tính chất chung thẩm và tất cả các bên trong vụ tranh chấp đều phải chấp hành.
Trong thành phần của Toà án quốc tế về Luật biển còn có Viện giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến đáy biển, được quy định tại Điều 14, Phụ lục VI, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Viện gồm 11 thành viên do Toà lựa chọn trong số 21 thành viên đã được bầu của Toà. Thành viên của Viện được lựa chọn theo nguyên tắc đại diện cho các hệ thống pháp luật chủ yếu của thế giới và phần chia công bằng về địa lý.
Thẩm quyền Toà trọng tài được để ngỏ cho tất cả các quốc gia thành viên cũng như cho các thực thể không phải là quốc gia thành viên trong tất cả các trường hợp liên quan đến việc quản lý và khai thác Vùng-di sản chung của loài người hay cho mọi tranh chấp được đưa ra theo mọi thoả thuận khác, giao cho Toà một thẩm quyền được tất cả các bên trong vụ tranh chấp chấp nhận… Theo quy định tại Điều 21 Quy chế của Toà án quốc tế về Luật biển, Toà có thẩm quyền:
“Toà án có thẩm quyền đối với tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra toà theo đúng Công ước, và đối với tất cả các trường hợp được trù định trong mọi thoả thuận khác, giao thẩm quyền cho Toà”.
Từ khi thành lập (1/8/1996) đến nay, Toà án Luật biển đã thụ lý 13 vụ kiện, vụ đầu tiên có tên là Monte Confurco do Seychelles kiện Pháp, vụ gần đây là vụ Juno Trade do Saint Vicent and Grenadines kiện Guinea-Bissau. Ở khu vực Đông Nam Á, đã có một vụ kiện được đưa ra Toà, đó là vụ kiện về tính pháp lý của những đường lấn biển của Singapo, giữa Singapo kiện Malaysia.
2.3. Toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước Luật biển
Toà trọng tài được thành lập và hoạt động theo đúng Phụ lục VII của Công ước Luật biển, là cơ quan tài phán quốc tế.
Theo quy định tại Điều 1 Phụ lục VII (Trọng tài): “Với điều kiện phải tuân thủ Phần XV, bất kỳ bên nào trong một vụ tranh chấp đều có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng thủ tục trọng tài đã trù định trong phụ lục này bằng một thông báo viết gửi tới bên kia hoặc các bên kia trong vụ tranh chấp. Thông báo có kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó”.
Toà trọng tài thực hiện các chức năng của mình theo đúng phụ lục VII và các quy định khác của Công ước trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới Luật biển. Bản án của Toà trọng tài có tính tối hậu và không được kháng cáo, trừ khi các bên trong vụ tranh chấp đã có thoả thuận trước về một thủ tục kháng cáo. Tất cả các bên trong vụ tranh chấp khi được Toà trọng tài giải quyết vụ việc bằng bản án thì đều phải tuân theo.
2.4. Toà trọng tài đặc biệt
Toà trọng tài đặc biệt được quy định tại Phụ lục VIII của Công ước luật biển 1982. Toà trọng tài đặc biệt được lập ra với nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp trong từng lĩnh vực riêng biệt liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của công ước Luật biển liên quan đến: việc đánh bắt hải sản; việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; việc nghiên cứu khoa học biển hoặc hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhấn chìm…
Toà trọng tài đặc biệt này có sự đóng góp đáng kể của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền chuyên môn trong từng lĩnh vực, như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình của Liên hợp quốc về môi trường (UNEF)… Khi có tranh chấp phát sinh, dựa trên danh sách các chuyên viên đã được lập, một hội đồng trọng tài đặc biệt sẽ được thành lập, gồm 5 thành viên. Mỗi bên tranh chấp có quyền lựa chọn hai chuyên viên tham gia hội đồng trọng tài. Chủ tịch hội đồng trọng tài do các bên thoả thuận cử ra.
Các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp biển nói riêng được giải quyết bằng nhiều biện pháp khác nhau và một trong số các biện pháp đó là việc sử dụng hình thức tài phán quốc tế.
Với vị trí và vai trò quan trọng của Biển Đông, hầu như tất cả các nước ven Biển Đông đều rất quan tâm đến việc xác lập chủ quyền, bảo vệ và khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền tài phán quốc gia của mình. Vì vậy, tranh chấp Biển Đông đã có từ lâu và ngày càng được xem là một trong những điểm nóng, phức tạp nhất trên thế giới, chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với hoà bình và ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp tại Biển Đông, Việt Nam cần chú trọng các nguyên tắc ứng xử đã được ghi nhận trong Các nguyên tắc Ứng xử Biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002, đồng thời cần tổ chức nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc các phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến và đặc thù trong Luật quốc tế hiện đại nhằm chuẩn bị thật chu đáo cho các kịch bản đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển, phục vụ chiến lược vươn ra biển và làm chủ biển một cách hiệu quả, ổn định và bền vững của nước ta./.
Xem thêm bài viết về “Tranh chấp Biển Đông”
- Quy chế pháp lý quốc tế chung về biển, đảo và những vấn đề cần áp dụng đối với Hoàng Sa, Trường Sa – GS.TS. Nguyễn Bá Diến
- Quy chế pháp lí của các đảo, thực thể khác và tính vô hiệu của yêu sách Đường chín đoạn trên Biển Đông theo Phán quyết Trọng tài trong vụ Phi-lip-pin kiện Trung Quốc – TS. Nguyễn Tiến Vinh
- Việc xác lập và thực thi chủ quyền trên hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Việt Nam giai đoạn từ sau Hiệp ước Pa-tơ-nôt (1884) đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 – GS.TS. Nguyễn Bá Diến
- Vai trò chính sách, pháp luật các quốc gia trong hoạt động khai thác, sử dụng Biển Đông – TS. Đỗ Đức Minh & ThS. Quách Thị Huệ
- Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong Luật Quốc tế và sự vận dụng vào lập luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – TS. Trần Thăng Long & ThS. Hà Thị Hạnh
Tài liệu tham khảo
[1] Vị trí chiến lược vấn đề biển và Luật biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
[2] Điều 6, Phụ lục V Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
[3] Nguyễn Bá Diến, Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, Sách chuyên khảo, NXB Tư Pháp, Hà Nội, 2006.
[4] Vị trí chiến lược vấn đề biển và Luật biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Viện Thông Tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
[5] Điều 283 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999. [6] Nguyễn Hồng Thao, Toà án Công lý quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời