Quan điểm của Tòa án công lý Châu Âu ngày 16/5/2017 về Hiệp định thương mại tự do giữa liên minh Châu Âu và Singapore: Nội dung chính và các tác động
TÓM TẮT
Bài viết phân tích nội dung quan điểm của Tòa án Công lý châu Âu ngày 16/5/2017 về thẩm quyền riêng biệt của Liên minh châu Âu (EU), thẩm quyền chung của EU và các quốc gia thành viên, cũng như thẩm quyền riêng biệt của các quốc gia thành viên EU trong việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Singapore (EUSFTA). Bài viết đánh giá các tác động của quan điểm này đối với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà EU đang đàm phán hoặc đã đàm phán xong nhưng chưa thông qua, như Hiệp định với Canada (CETA) và với Việt Nam (EVFTA), cũng như các tác động đối với chính sách thương mại của EU trong thời gian tới.
Xem thêm:
- Quy định về nhân quyền trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hướng thực thi đối với Việt Nam – ThS. Đào Kim Anh & TS. Ngô Quốc Chiến
- Sự phát triển của tiêu chuẩn đối xử công bằng và thỏa đáng trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền
- Quyền tự do lập hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và những thách thức đặt ra cho Việt Nam – ThS. Ngô Thị Trang
- Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVIPA): Những điểm tiến bộ và thách thức khi thực thi – ThS. Nguyễn Thị Nhung
- Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những thách thức với Việt Nam khi thực thi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ – ThS. Hồ Thúy Ngọc
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Bàn về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính – TS. Lưu Quốc Thái
- Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định tại BLTTDS năm 2015 – TS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: FTA, Hiệp định thương mại tự do, Tòa án
Trước sự thất bại của các vòng đàm phán đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các cơ chế song phương thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương thế hệ mới. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một hiệp định được thông qua và có hiệu lực (từ năm 2015) đó là Hiệp định với Hàn Quốc. Một số hiệp định đã đàm phán xong (như Hiệp định với Việt Nam, Singapore và Canada) đã vấp phải những phản ứng dữ dội của một số nước thành viên, cũng như của các tổ chức xã hội.[1] Trong bối cảnh đó, Hội đồng châu Âu đã thỉnh thị Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (Court of Justice of the European Union – CJEU) đưa ra quan điểm về thẩm quyền của EU và của các quốc gia thành viên ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ngày 16/5/2017, CJEU đã đưa ra quan điểm của mình. Quan điểm của Tòa mặc dù chỉ liên quan đến Hiệp định giữa EU và Singapore, nhưng cũng sẽ được áp dụng cho cả Hiệp định với Canada và Việt Nam và các hiệp định “hỗn hợp”[2] trong tương lai mà Ủy ban châu Âu đang đàm phán.
1. Nội dung thỉnh thị
Tháng 12/2009, Hội đồng châu Âu đã cho phép Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đàm phán hiệp định thương mại với Singapore. Các vòng đàm phán được bắt đầu từ tháng 3/2010 và kết thúc vào tháng 10/2014. Ngày 20/9/2013, EU và Singapore đã ký thống nhất các nội dung của EUSFTA, trừ chương về bảo vệ đầu tư. Các đàm phán về chương này sau đó cũng được hoàn thành tháng 10/2014.
EUSFTA gồm lời nói đầu, 17 chương, 1 nghị định thư và 5 điều khoản giải thích. Bên cạnh các quy định truyền thống về thương mại, cắt giảm thuế quan, hiệp định này còn chứa cả các quy định liên quan đến nhiều nội dung khác, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm công, cạnh tranh và phát triển bền vững, vốn trước đây được quy định trong các hiệp định chuyên biệt.
Sau khi ký kết thúc đàm phán EUSFTA vào tháng 10/2014, đã có ý kiến cho rằng cần rà soát lại hệ thống pháp luật của châu Âu để xác định xem EU có thẩm quyền riêng biệt đàm phán, ký kết các hiệp định phi truyền thống chứa rất nhiều nội dung khác nhau như EUSFTA không?[3] Do không thống nhất được với Ủy ban châu Âu, nên Hội đồng châu Âu đã thỉnh thị CJEU về bản chất pháp lý của hiệp định EUSFTA trên cơ sở Điều 218, đoạn 11, Hiệp định về vận hành Liên minh châu Âu.[4] Trong thỉnh thị tháng 7/2015, Hội đồng châu Âu đã yêu cầu CJEU xác định những nội dung nào trong EUSFTA thuộc thẩm quyền riêng biệt của EU, những nội dung nào thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên cũng như những nội dung nào thuộc thẩm quyền riêng biệt của các quốc gia thành viên.
Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu lập luận rằng EU có thẩm quyền riêng biệt để tự mình ký Hiệp định thương mại tự do với Singapore và Hiệp định này có hiệu lực mà không cần sự phê chuẩn của các Nghị viện của các quốc gia thành viên. Ngược lại, Hội đồng châu Âu và tất cả các Chính phủ của các quốc gia thành viên yêu cầu CJEU đưa ra ý kiến đều khẳng định rằng EU không có thẩm quyền để tự mình ký EUSFTA bởi một số nội dung trong hiệp định này thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên, thậm chí một số nội dung còn thuộc thẩm quyền riêng biệt của các quốc gia thành viên.
Theo Hội đồng châu Âu, các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặt trong các chương 7, 11 và 13 của Hiệp định, thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên. Hội đồng cũng lập luận rằng các quy định trong Chương 14 của Hiệp định về các nguyên tắc minh bạch, cũng như các quy định của Chương 9 về đầu tư nước ngoài không phải là đầu tư trực tiếp,[5] thuộc thẩm quyền riêng biệt của các quốc gia thành viên.
Quan điểm mà CJEU đưa ra ngày 16/5/2017[6] đã ủng hộ lập luận của Hội đồng khi khẳng định rằng Hiệp định có các tính chất của một “hiệp định hỗn hợp”, tức là một loại hiệp định có các quy định phải được thông qua bởi cả EU và các quốc gia thành viên. Khẳng định của CJEU đã làm rõ các loại thẩm quyền của EU và của các quốc gia thành viên trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nó sẽ có ảnh hưởng mạnh tới chính sách thương mại tương lai của EU.
2. Phân định các loại thẩm quyền của EU và các quốc gia thành viên
Quan điểm của CJEU cho phép giải quyết bất đồng giữa một bên là EC và Nghị viện châu Âu và bên kia là Hội đồng châu Âu về bản chất pháp lý của Hiệp định thương mại tự do EU – Singapore. Theo Công tố viên cao cấp Eleanor Sharpston, CJEU cho rằng đây là một hiệp định hỗn hợp. Tòa án đã khẳng định thẩm quyền riêng biệt của EU đối với một loạt các quy định của Hiệp định EU – Singapore. Tòa án cũng đã mở rộng lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của EU so với các kết luận của Eleanor Sharpston. Tuy nhiên, Tòa án cũng đã ghi nhận một số loại quy định nằm trong Hiệp định thuộc thẩm quyền chung của EU và các quốc gia thành viên. Vì vậy, Tòa án kết luận rằng “Hiệp định, với các quy định như hiện tại, phải được ký kết và thông qua bởi cả EU và tất cả các quốc gia thành viên”.
2.1. Các quy định của Hiệp định thương mại tự do với Singapore thuộc thẩm quyền riêng biệt của Liên minh châu Âu
Tòa án đã khẳng định rằng EU có thẩm quyền riêng biệt trong lĩnh vực chính sách thương mại chung theo quy định của Điều 3 Hiệp định Lisbone. Chính sách này nằm trong khuôn khổ “chính sách đối ngoại của EU” có “liên quan đến các trao đổi thương mại với các quốc gia không thành viên”.[7]
Chính sách này dựa trên các nguyên tắc thống nhất, đặc biệt là các quy định về cắt giảm thuế quan, ký kết các hiệp định về thuế và thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thống nhất hóa các biện pháp tự do hóa, chính sách xuất khẩu, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại (Điều 207).
Theo một án lệ đã được khẳng định nhiều lần của CJEU, một hiệp định được coi là thuộc chính sách thương mại chung nếu “các cam kết chứa trong hiệp định này nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi hoặc điều chỉnh các trao đổi thương mại và có các hậu quả trực tiếp và ngay lập tức đối với các trao đổi thương mại”.[8]
Chương 11 của Hiệp định liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, có mục đích chính nhằm tạo thuận lợi và điều chỉnh các trao đổi thương mại giữa EU và Singapore vì vậy thuộc thẩm quyền riêng biệt của EU. Tòa án khẳng định rằng chính sách thương mại chung bao gồm cả các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
Các quy định của Chương 12 liên quan đến cạnh tranh, nhằm chủ yếu phòng chống các hành vi phản cạnh tranh và chống tập trung kinh tế, cũng thuộc thẩm quyền riêng biệt của EU. Nội dung này được khẳng định chắc chắn là nằm trong khuôn khổ của tự do hóa các trao đổi thương mại giữa EU và Singapore.
Ngoài ra, Tòa án còn tuyên bố rằng EU có thẩm quyền riêng biệt liên quan đến các quy định về bảo vệ đầu tư trực tiếp của các công dân Singapore vào EU và ngược lại. Tương tự như vậy đối với các quy định về phát triển bền vững nằm trong Chương 13. Tòa án nhấn mạnh rằng “mục đích của phát triển bền vững là một bộ phận không tách rời của chính sách thương mại chung”. Tòa án chỉ ra rằng EU có thẩm quyền riêng biệt liên quan đến các quy định về trao đổi thông tin và các nghĩa vụ thông báo, kiểm tra, hợp tác, hòa giải, minh bạch và giải quyết tranh chấp giữa các bên, trừ trường hợp các quy định thuộc lĩnh vực đầu tư không phải là đầu tư trực tiếp.
Cuối cùng, Tòa án khẳng định EU có thẩm quyền riêng biệt đối với vấn đề tiếp cận thị trường EU và thị trường Singapore đối với hàng hóa và dịch vụ (kể cả các dịch vụ vận chuyển), cũng như trong lĩnh vực mua sắm công.
Như vậy, có thể thấy quan điểm cuối cùng của Tòa đã khác khá nhiều so với quan điểm của Công tố viên Eleanor Sharpston. Trong các kết luận ngày 21/12/2016, Công tố viên cao cấp đã cho rằng các quy định liên quan đến mua sắm công trong chừng mực được áp dụng cho dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ về nội tại gắn liền với các dịch vụ vận chuyển thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên. Công tố viên cũng đã đánh giá rằng thẩm quyền mở rộng của EU cũng được chia sẻ với các quốc gia thành viên liên quan đến các quy định ấn định các chuẩn mực tối thiểu về lao động và môi trường và thuộc phạm vi áp dụng hoặc của chính sách xã hội hoặc của chính sách môi trường.
Nhìn chung, quan điểm của CJEU diễn giải một cách khá rộng phạm vi của chính sách thương mại của EU. Tòa án khẳng định rằng mục đích của phát triển bền vững là một bộ phận không thể tách rời của chính sách thương mại chung, chứ không phải là một chính sách riêng về môi trường của EU, vốn thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên theo Điều 4 của Hiệp định Lisbone. Tòa án đã nói rõ rằng Hiệp định EU – Singapore nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa EU và Singapore “với điều kiện các bên tôn trọng nghĩa vụ quốc tế của mình về bảo vệ môi trường”.[9]
2.2. Các quy định của hiệp định thuộc thẩm quyền chung giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên
Về vấn đề bảo vệ đầu tư, Tòa án phân biệt giữa đầu tư trực tiếp và các loại đầu tư khác. Đầu tư trực tiếp thuộc thẩm quyền riêng biệt của EU. Trước đó, nhiều lần Tòa án đã giải thích khái niệm đầu tư trực tiếp là “đầu tư mà các thể nhân hoặc pháp nhân tiến hành nhằm tạo hoặc duy trì các quan hệ bền vững và trực tiếp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp mà nhà đầu tư đầu tư vào nhằm thực hiện một hoạt động kinh tế”.[10] Đầu tư trực tiếp tạo “cơ hội tham gia thực sự vào quản lý hoặc kiểm soát công ty thực hiện một hoạt động kinh tế”.
Tòa án nhận định rằng lĩnh vực đầu tư nước ngoài “không phải là trực tiếp” (chẳng hạn đầu tư tài chính thực hiện không nhằm mục đích tác động lên quản trị hay kiểm soát doanh nghiệp) thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên.[11]
Tòa án cũng nhận định rằng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước thuộc thẩm quyền chung của EU và các quốc gia thành viên. Theo Tòa án, một cơ chế như vậy thuộc thẩm quyền tài phán của các quốc gia thành viên, nên đòi hỏi phải được các quốc gia này ưng thuận.[12]
Đầu tư nước ngoài “không phải là trực tiếp” và cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước là hai mảng rất nhạy cảm của Hiệp định EU – Singapore. Đầu tư nước ngoài có thể liên quan đến mua công nghệ được coi là thiết yếu (quốc phòng, máy bay quân sự…) mà một số quốc gia thành viên đã đưa ra các luật hạn chế.[13]
Các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư vốn được quy định bởi phần lớn các hiệp định ký từ năm 2009 cũng như trong các hiệp định đang đàm phán, gây rất nhiều tranh cãi. Các cơ chế trọng tài này có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh chính sách vĩ mô của các quốc gia. Những người phản đối cơ chế này đã rất vui mừng trước quyết định của Tòa án yêu cầu các quốc gia thành viên thông qua Hiệp định thì Hiệp định mới có thể có hiệu lực. Tuy nhiên, như Marianne Dony đã nhận xét, quan điểm của Tòa cũng có thể tạo ra “ảo tưởng về một quyền lên tiếng của các quốc gia thành viên đối với các hiệp định thương mại của EU”.[14] Trong thực tế, nghị viện của các quốc gia chỉ có thể thể hiện quan điểm về các chương liên quan đến đầu tư, vốn “chỉ là một phần nhỏ của các hiệp định”. Đối với các nội dung khác, các nghị viện của các quốc gia thành viên không có thẩm quyền, vì đây là thẩm quyền riêng biệt của EU.
Cuối cùng, Tòa cũng đã nói rõ rằng các quy định của Hiệp định EU – Singapore liên quan đến minh bạch thuộc thẩm quyền chung giữa EU và các quốc gia thành viên trong chừng mực các quy định này buộc Liên minh và các quốc gia thành viên tuân thủ các nguyên tắc chung và các quyền cơ bản của Liên minh.
3. Các tác động của Quan điểm số 2/15
Chủ nghĩa đa phương đang khủng hoảng từ giữa những năm 2000 đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa song phương lên ngôi.[15] Các thất bại trong các cuộc đàm phán trong khuôn khổ của WTO đã thúc đẩy EU tích cực đàm phán nhiều hiệp định thương mại song phương với các đối tác của mình. Quan điểm ngày 2/15 của Tòa án sẽ có tác động lớn lên các hiệp định đang trong quá trình đàm phán (như với Nhật Bản, Mexico…) hoặc đã kết thúc đàm phán nhưng chưa được thông qua (như EVFTA, CETA) và các đàm phán sắp được thực hiện với Vương quốc Anh khi Brexit được hoàn tất.
3.1. Tác động đối với EVFTA
Quan điểm số 2/15 của CJEU có tầm quan trọng lớn đối với chính sách tự do thương mại của EU. EVFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà EU sẽ ký kết trong tương lai sẽ phải được thông qua bởi Hội đồng và Nghị viện châu Âu cũng như bởi toàn bộ các quốc gia thành viên, tức 38 nghị viện quốc gia và vùng, theo các nguyên tắc hiến định của các quốc gia này thì mới có hiệu lực.
Việc một hiệp định được thông qua bởi tất cả các nghị viện của các quốc gia thành viên sẽ rất mất thời gian. Khoảng thời gian từ khi ký kết thúc đàm phán cho tới khi hoàn thiện văn bản cuối cùng và trình các nghị viện quốc gia thành viên thông qua là rất dài. Chẳng hạn, theo các thủ tục thông thường, Hiệp định với Hàn Quốc phải mất hơn 4 năm kể từ khi được ký kết (năm 2011) cho tới khi được thông qua và chính thức có hiệu lực (năm 2015). Nếu phải được thông qua bởi tất cả các nghị viện của các quốc gia thành viên, thì khoảng thời gian này còn kéo dài hơn nữa. Trong khoảng thời gian đó, có thể môi trường chính trị của các quốc gia thành viên EU thay đổi, làm cho việc thông qua hiệp định như đã được thống nhất trở nên khó khăn hơn. Quy trình thông qua hiệp định thương mại hỗn hợp, trao cho mỗi quốc gia quyền phủ quyết, là rất lâu dài. Quá trình thông qua này được ví như một “cuộc đua đường trường”.[16] Khả năng phong tỏa bằng việc trì hoãn phê chuẩn bởi một trong bất kỳ 38 nghị viện quốc gia, vùng nào là có thể xảy ra. Khi đó, nỗ lực bao nhiêu năm đàm phán trở nên vô nghĩa. Trong quá trình này, quan hệ chính trị, ngoại giao song phương của Việt Nam với từng quốc gia thành viên EU cũng sẽ được tính đến.
3.2. Tác động đến chính sách đàm phán các hiệp định thương mại tự do trong tương lai của Liên minh châu Âu
Mặc dù quan điểm của CJEU giúp tăng cường tính minh bạch trong đàm phán và thông qua các hiệp định, nhưng việc Tòa coi đây là hiệp định hỗn hợp sẽ không thể làm tăng cường vị thế quốc tế của EU. Nó thậm chí có thể làm yếu đi chính sách thương mại chung của EU do phải trải qua quá nhiều thủ tục phức tạp. Nó cũng có nguy cơ làm chính trị hóa chính sách thương mại trong một bối cảnh mà tự do trao đổi thương mại đang ngày càng bị chỉ trích. Chúng ta không quên rằng các hiệp định thương mại tự do của EU trong những năm gần đây thường xuyên bị chỉ trích bởi một số quốc gia thành viên và đã gặp phải sự phản đối dữ dội của các tổ chức xã hội dân sự. Cần phải nhắc lại rằng việc ký kết CETA có nguy cơ không bao giờ xảy ra vì sự phản đối của một trong bảy Nghị viện của Vương quốc Bỉ, đó là Nghị viện vùng Wallonie. CETA cũng được EC coi là một hiệp định hỗn hợp và đã được ký kết bởi Thủ tướng Canada và Chủ tịch Hội đồng châu Âu ngày 30/10/2016.
Liên quan đến Hiệp định với Canada, Chính phủ Bỉ đã tuyên bố rằng sẽ yêu cầu CJEU trả lời câu hỏi liệu cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – Nhà nước như được quy định trong CETA có phù hợp với các hiệp định của châu Âu hay không. Về vấn đề này, chúng ta thấy rằng quan điểm số 2/15 của Tòa đưa ra ngày 16/5/2017 chỉ liên quan đến vấn đề thẩm quyền riêng biệt hay không của EU chứ không liên quan đến sự phù hợp của nội dung của hiệp định với pháp luật EU.
Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang tìm cách giải quyết các khó khăn mà quá trình phê chuẩn đặt ra. Trong tương lai, Ủy ban châu Âu có thể cân nhắc tách các hiệp định thương mại tự do thành hai hiệp định. Các vấn đề về thương mại sẽ được quy định độc lập với các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhà đầu tư – Nhà nước. Nội dung thương mại thuộc thẩm quyền riêng biệt của EU và vì thế sẽ được thông qua nhanh hơn sau khi kết thúc đàm phán. Các hiệp định về đầu tư sẽ phải được thông qua bởi tất cả các nghị viện thành viên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách làm này khiến cho các hiệp định thương mại tự do hỗn hợp sẽ bị “chết yểu” và khiến cho các đối tác của EU đã kết thúc đàm phán các hiệp định này nhưng chưa được thông qua bị thất vọng.
CHÚ THÍCH
[1] Xem: https://stoptafta.wordpress.com/2017/08/01/ceta-le-conseil-constitutionnel-emporte-dans-une-derive-liberale/, truy cập ngày 29/6/2018.
[2] Được gọi là “hiệp định hỗn hợp” vì đó là các hiệp định thuộc thẩm quyền phê chuẩn của cả EU và các quốc gia thành viên (Điều 4 Hiệp định Lisbone).
[3] De Marcilly C., La politique commerciale de l’Union européenne au risque des défis internes (Chính sách thương mại của Liên minh châu Âu trước các thách thức nội khối), Question d’Europe – Fondation Robert Schuman, n° 407, http://www.robert-schuman.eu/fr, truy cập ngày 29/6/2018.
[4] Hay còn được gọi là Hiệp định Lisbone, vì được ký kết tại thành phố này năm 2007.
[5] Hiện nay, để tránh tranh cãi thế nào là đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, một số văn kiện của EU sử dụng khái niệm “đầu tư không phải là đầu tư trực tiếp” (investissement autres que directs). Xem: CJUE, Communiqué de presse n° 52/17, Luxembourg, le 16 mai 2017. Có thể xem được tại:.https://curia.europa.eu/jcms/upload/docs/application/pdf/2017-05/cp170052fr.pdf, truy cập ngày 29/6/2018.
[6] Xem toàn văn tại: http://curia.europa.eu/juris/document/document.jsf?text=&docid=190727,.truy cập ngày 29/6/2018.
[7] CJUE, 18/7/2013, n° C-414/11 : RTD eur. 2013, tr. 903, obs. Treppoz E.
[8] CJUE, tlđd.
[9] CJUE, 16/5/2017, tlđd, point 166.
[10] CJUE, 17/10/2013, n° C-181/12.
[11] CJUE, 16/5/2017, points 225 và tiếp theo.
[12] CJUE, 16/5/2017, points 285 và tiếp theo.
[13] V. Ducourtieux C., “Libre-échange : le rôle des parlements reconnu” (Tự do thương mại: vai trò của các Nghị viện được công nhận), Le Monde 17 mai 2017.
[14] V. Le Bussy O., “Les États membres ont un mot à dire sur les accords commerciaux passés par l’Union” (Các quốc gia thành viên có tiếng nói đối với các hiệp định thương mại ký bởi Liên minh), La Libre Belgique, 17 mai 2017.
[15] V. Ghérari H., “Organisation mondiale du commerce et accords commerciaux régionaux. Le bilatéralisme conquérant ou le nouveau visage du commerce international” (Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại khu vực. Sự gia tăng chủ nghĩa song phương hay bộ mặt mới của thương mại quốc tế), RGDIP 2008, n° 2, p. 255 – 293.
[16] V. De Marcilly C., tlđd.
- Tác giả: Ngô Quốc Chiến
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04(116)/2018 – 2018, Trang 60-65
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online