• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Quốc tế » “Lợi ích công cộng” trong luật đầu tư quốc tế – Thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam

“Lợi ích công cộng” trong luật đầu tư quốc tế – Thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam

25/04/2020 27/03/2021 TS. Trần Việt Dũng & ThS. Nguyễn Ngọc Mai Thy

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

“Lợi ích công cộng” trong luật đầu tư quốc tế – Thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam.

  • Bàn về vấn đề thực hiện điều ước quốc tế theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016 – TS. Trần Thăng Long
  • Giải thích điều ước quốc tế qua thực tiễn áp dụng của các cơ quan tài phán quốc tế – những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Trần Thăng Long
  • Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế – TS. Ngô Hữu Phước
  • Quy định về Điều ước quốc tế trong năm bản Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 đến năm 2013 – TS. Ngô Hữu Phước
  • So sánh “Điều ước quốc tế” và “Tập quán quốc tế” – LS. Phạm Quang Thanh
  • Trách nhiệm không gây thiệt hại khi khai thác nguồn tài nguyên xuyên biên giới – ThS. Lê Minh Nhựt

TÓM TẮT

Luật đầu tư quốc tế cho phép nhà nước thực hiện các biện pháp đầu tư hạn chế quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích công cộng. Tuy nhiên, khái niệm lợi ích công cộng hiện vẫn mơ hồ và chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy các cơ quan nhà nước thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định biện pháp của mình có thuộc phạm trù của lợi ích công cộng theo chuẩn mực quốc tế hay không? Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho nhà nước trong thủ tục giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Bài viết phân tích vấn đề này trong bối cảnh thực tiễn quốc tế hiện đại và từ đó đề xuất một số giải pháp và chiến lược cho Việt Nam.

“Lợi ích công cộng” trong luật đầu tư quốc tế - Thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam

Luật đầu tư quốc tế được hình thành nhằm xúc tiến đầu tư quốc tế và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Các điều ước quốc tế về đầu tư (International Investment Agreement – IIA) bên cạnh việc thiết lập các quy chế không phân biệt đối xử đầu từ còn quy định hạn chế chủ quyền của quốc gia trong việc xử lý tài sản của NĐTNN và các khoản đầu tư nước ngoài. Luật quốc tế cho phép nhà nước thực hiện các biện pháp, chính sách đầu tư gây hạn chế hoặc tổn hại tới quyền lợi của NĐTNN nhằm bảo vệ lợi ích công cộng (public interests). Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm này vẫn còn mơ hồ và chưa được định nghĩa rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan nhà nước thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định biện pháp của mình có thuộc phạm trù của “lợi ích công cộng” theo chuẩn mực quốc tế hay không? Hạn chế này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho nhà nước trong thủ tục giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

“Lợi ích công cộng” (public interest) là một khái niệm quan trọng trong khoa học pháp lý để chỉ các lợi ích quan trọng của xã hội hay cộng đồng, có giá trị cao hơn các lợi ích tư (của cá nhân, tổ chức) riêng lẻ. Trong lý luận chính trị và pháp luật đã có nhiều thuật ngữ khác nhau được các học giả và nhà làm luật sử dụng để chỉ về “lợi ích công cộng” như “điều tốt cho cộng đồng” (common good, public good), “lợi ích cộng đồng” (communinty interest), “mục đích công cộng” (public purposes)…[1] Tuy nhiên, cho đến nay, việc giải thích khái niệm lợi ích công cộng cũng không hề thống nhất.

Tìm hiểu ngữ nghĩa từ điển, khái niệm này cũng được định nghĩa khác nhau. Từ điển Oxford đưa ra định nghĩa vô cùng ngắn gọn về lợi ích công cộng là “lợi ích hoặc lợi thế của toàn thể cộng đồng; là lợi ích công”.[2] Trong khi đó, Từ điển kinh doanh thương mại của Hoa Kỳ thì định nghĩa: “lợi ích chung của cộng đồng (trái ngược với tư lợi của một người, một nhóm người, hoặc một công ty) là lợi ích mà trong đó toàn thể xã hội đạt được quyền lợi và nhận được sự công nhận, thúc đẩy, bảo vệ của nhà nước và các tổ chức chính quyền”.[3] Từ điển chuyên ngành luật Black’s Law định nghĩa về lợi ích công cộng như sau: “1. đó là lợi ích chung của công chúng, đạt được sự thừa nhận và bảo vệ; 2. là điều mà toàn thể công chúng có quyền lợi”.[4]

Có thể thấy khái niệm lợi ích công cộng thể hiện rõ hai đặc điểm chính: (i) tính trừu tượng (không rõ ràng), cụ thể, thế nào là chung, là công cộng, là đối lập với cá nhân và những lợi ích nào thì được chọn để ưu tiên bảo vệ vượt trên lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm?; (ii) được nhà nước thừa nhận và bảo vệ như một giá trị cốt lõi của nền tảng xã hội.

Tính chất trừu tượng của khái niệm có thể trở thành điểm gây tranh cãi trong các tình huống pháp lý khi xác định tính hợp pháp của biện pháp đặc thù được nhà nước sử dụng nhằm can thiệp, hạn chế quyền cá nhân của công dân hoặc tổ chức. Trong lĩnh vực pháp luật đầu tư quốc tế, tình huống này thường phát sinh khi phải đánh giá tính chất của hành vi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài của nhà nước để từ đó xác định mức bồi hoàn tương xứng cho nhà đầu tư. Lợi ích công cộng xuất hiện trong luật đầu tư quốc tế nhằm tạo ra sự cân bằng giữa các lợi ích kinh tế của tư nhân và các lợi ích phi kinh tế của cộng đồng/ xã hội. Tuy nhiên, cho tới nay, luật đầu tư quốc tế không định nghĩa rõ ràng về khái niệm lợi ích công cộng. Hầu hết các IIA truyền thống chỉ quy định về lợi ích công cộng như là cơ sở để nhà nước thực hiện các biện pháp đặc biệt của nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài mà không  định nghĩa rõ nó là gì. Nhiều quan điểm cho rằng việc không quy định rõ ràng vấn đề này sẽ dẫn tới khó khăn trong việc áp dụng quy định và gia tăng việc bảo vệ cho lợi ích tư nhân bất chấp cái giá phải trả cho lợi ích chung của cộng đồng.[5] UNCTAD đã từng nhận xét trong một tài liệu của mình rằng cơ chế bảo vệ của các hiệp định đầu tư có thể ẩn chứa nhiều rủi ro. Cụ thể, khi quốc gia tiếp nhận đầu tư không thể quản lý các khoản đầu tư nước ngoài một cách linh hoạt thì sẽ dẫn đến khả năng thất bại trong việc cân bằng một cách thích đáng giữa các lợi ích công cộng và lợi ích tư nhân (lợi ích của NĐTNN).[6]

Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cũng cho thấy tranh chấp giữa NĐTNN và nhà nước tiếp nhận đầu tư không thuần túy là tranh chấp thương mại thông thường. Trọng tài trong vụ kiện Methanex vs Hoa Kỳ đã từng nhận định rằng: “Trong vụ việc này không thể nghi ngờ là có tồn tại một lợi ích công cộng. Các vấn đề hiện được nêu lên trong vụ việc này, do đó, đã vượt quá các vấn đề được đưa ra trước trọng tài thương mại quốc tế thông thường”.[7] Ban Trọng tài trong một vụ việc khác cũng đã có nhận xét tương tự khi nói rằng “khi xem xét các vấn đề được nêu ra trong vụ việc này, Ban Trọng tài thấy rằng vụ việc đưa ra trọng tài có khả năng liên quan đến các vấn đề lợi ích công cộng”.[8] Lúc này, phán quyết của Trọng tài không chỉ giới hạn giữa hai bên như tranh chấp thương mại thông thường mà còn có thể gây ảnh hưởng đến các mục tiêu công cộng khác của nhà nước ở tầm quốc gia lẫn quốc tế chẳng hạn như bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia. Do đó, nhận định và cách thức tiếp cận của Trọng tài đối với mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng của nhà nước tiếp nhận đầu tư có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng quan trọng.[9]

Trước bối cảnh và yêu cầu thực tiễn đó, một số IIA thế hệ mới bắt đầu thay đổi theo hướng định nghĩa rõ hơn đối với một số thuật ngữ và điều kiện áp dụng, cũng như phát triển thêm một số ngoại lệ để giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng nổi bật như sức khỏe cộng đồng, môi trường, an ninh quốc gia với mong muốn cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phi kinh tế trong quan hệ đầu tư quốc tế.

Các IIA “thế hệ mới” đều đề cao những giá trị phi kinh tế của lợi ích cộng đồng trong quan hệ pháp luật đầu tư quốc tế vì đó là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển bền vững của xã hội. Các giá trị được cộng đồng quốc tế quan tâm trong thế kỷ XXI bao gồm giá trị về sức khỏe con người, an ninh, môi trường và trong một chừng mực nào đó là các quyền cơ bản của người lao động. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy các quốc gia ký kết không đặt việc bảo vệ đầu tư vượt lên trên tất cả các mục tiêu công cộng quan trọng khác.

Ví dụ: BIT mẫu của Hoa Kỳ năm 2012 đã ghi nhận “mong muốn đạt được những mục tiêu (đã nêu trước đó) này trong sự phù hợp với việc bảo vệ sức khỏe, an ninh, môi trường và thúc đẩy sự công nhận quốc tế đối với các quyền lao động”. Ngoài ra, sự bổ sung, mở rộng phạm vi các điều khoản ngoại lệ cho phép bảo vệ quyền của quốc gia tiếp nhận đầu tư trong việc ban hành các quy định pháp luật vì lợi ích công cộng, thậm chí khi các quy định này không phù hợp với nghĩa vụ trong BIT cũng cho thấy thang giá trị trong hoạch định chính sách của các quốc gia tham gia ký kết các IIA “thế hệ mới” là hạ thấp mức độ của việc bảo hộ đầu tư khi so sánh với một số mục tiêu công cộng then chốt quan trọng hơn.[10]

Tương tự, Điều 10 BIT mẫu của Canada (2004), hay Điều 17 Hiệp định đầu tư toàn diện của ASEAN – ACIA (2009) cũng có những quy định bảo vệ lợi ích công cộng. Có thể nhận thấy cách quy định trong các hiệp định này định ra một phạm vi rộng đối với các trường hợp miễn trừ trách nhiệm của nhà nước, nhằm dành ra không gian cho quốc gia tiếp nhận đầu tư xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật vì mục tiêu bảo vệ các lợi ích công cộng của họ. Các IIA có xu hướng mở rộng hơn phạm vi của các ngoại lệ chung và quy định chặt chẽ hơn với mong muốn trọng tài khi giải quyết tranh chấp không “tránh né” việc áp dụng ngoại lệ và giải thích theo hướng truyền thống là ưu tiên bảo vệ NĐTNN.

Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn giải quyết tranh chấp, phần lớn các tranh chấp có liên quan đến bảo vệ lợi ích công cộng là các cáo buộc về vi phạm nguyên tắc “đãi ngộ công bằng, hợp lý” (FET) và/ hoặc cấu thành hành vi truất hữu (hầu hết là truất hữu gián tiếp) theo IIA. Trong đó, thực tế tranh luận phát sinh chủ yếu là về vấn đề xác định truất hữu gián tiếp và ý nghĩa của lợi ích công cộng trong xác định truất hữu gián tiếp, bởi cho đến nay vẫn chưa có cách tiếp cận thống nhất.[11] Truất hữu gián tiếp được hiểu là việc nhà nước thực hiện một hành động chiếm lấy quyền kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư nhưng không thông qua việc chiếm đoạt trực tiếp tài sản hợp pháp. Ví dụ điển hình như là việc đưa vào một ban giám đốc chịu sự kiểm soát của nhà nước. Tuy nhiên, với những tình huống khác, ở mức độ nào thì được xem là truất hữu gián tiếp? Liệu những biện pháp được thực thi vì một mục đích công cộng rõ ràng, ví dụ như sức khỏe cộng đồng hay bảo vệ môi trường, có thể cấu thành một hành vi truất hữu gián tiếp hay không? Các IIA, do đó, bắt đầu giới hạn phạm vi xác định truất hữu gián tiếp và đặt ra tiêu chí về mục đích công cộng khi xem xét có truất hữu gián tiếp hay không.Ví dụ, Phụ lục B.13(c) BIT mẫu của Canada (2004),  Điều 7(4) BIT mẫu của Áo (2008), hay Phụ lục 2 Điều 4 ACIA (2009) đều có quy định:“ Các biện pháp không phân biệt đối xử của một quốc gia thành viên được xây dựng và thực thi nhằm bảo vệ những mục đích công cộng chính đáng, ví dụ như sức khỏe cộng đồng, sự an toàn, và môi trường, sẽ không cấu thành truất hữu gián tiếp”.

Có thể thấy, việc xác định lợi ích công cộng và mục đích bảo vệ lợi ích công cộng của nhà nước tiếp nhận đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong việc miễn trừ trách nhiệm của quốc gia khi thực hiện một biện pháp gây thiệt hại cho NĐTNN.

Trong những năm gần đây, vụ kiện Methanex vs Hoa Kỳ[12] được coi là một vụ kiện điển hình về diễn giải và áp dụng luật đầu tư quốc tế đối với việc xác định mục đích công cộng và tính hợp pháp của biện pháp hành chính đối với hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong vụ kiện này, chính quyền bang California, Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm một chất phụ gia có trong xăng dầu là MTBE (methyl tertiary butyl ether), bởi chất này đã được chứng minh là gây nhiễm độc nguồn nước ngầm. Công ty của Canada là Methanex đã khiếu kiện lệnh cấm này là một hành vi truất hữu gián tiếp đối với khoản đầu tư của công ty tại Hoa Kỳ bởi ngành nghề kinh doanh của công ty chính là sản xuất methanol – một nguyên liệu chính của MTBE.

Trong phán quyết của mình, Trọng tài đã bác bỏ khiếu kiện của Methanex với lời giải thích rằng một quy định pháp luật không phân biệt đối xử vì mục đích công cộng được ban hành theo đúng trình tự pháp luật không là một hành vi truất hữu, trừ khi trước đó nhà nước đã có một cam kết rõ ràng là sẽ không thực hiện biện pháp mà hiện đang bị khiếu kiện.[13] Trọng tài cho rằng khi một biện pháp của nhà nước thỏa mãn các điều kiện: (i) được thực hiện vì mục đích công cộng chính đáng, (ii) được áp dụng rộng khắp và không phân biệt đối xử, (iii) được ban hành theo đúng pháp luật thì biện pháp này thuộc về các biện pháp thực thi “quyền lực công” của quốc gia, do đó sẽ không bị xem là truất hữu. Học thuyết này được OECD ghi nhận như “một nguyên tắc được tập quán quốc tế công nhận khi những thiệt hại về kinh tế là kết quả của một quy định pháp luật thiện ý (bona fide) và không phân biệt đối xử trong phạm vi quyền lực công của Quốc gia thì sẽ không đặt ra yêu cầu bồi thường”.[14]

Trong vụ Philip Morris vs Uruguay, Hội đồng Trọng tài đã có nhận định: “Nguyên tắc thực thi quyền lực công một cách thiện ý và hợp lý của quốc gia trong những vấn đề như duy trì trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức cộng đồng, sẽ loại trừ trách nhiệm bồi thường thậm chí khi nó gây ra thiệt hại kinh tế cho NĐTNN và sẽ không bị xem là truất hữu đã không ngay lập tức được thừa nhận trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, một xu hướng không ngừng trong việc phân biệt giữa các biện pháp thực thi quyền lực công và truất hữu gián tiếp đã phát sinh từ sau năm 2000. Từ đó, nhiều phán quyết trọng tài khác nhau đã đóng góp vào việc phát triển phạm vi, nội dung và điều kiện cho học thuyết quyền lực công của quốc gia, cắm chặt nguyên tắc này vào pháp luật quốc tế.”[15]

Có thể thấy, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, lợi ích công cộng có ý nghĩa quyết định đối với việc thỏa mãn điều kiện đầu tiên mà Trọng tài xem xét chính là “được thực hiện vì mục đích công cộng chính đáng” khi đưa ra kết luận liên quan đến trách nhiệm bồi thường của quốc gia tiếp nhận đầu tư đối với biện pháp bị khiếu kiện.

Theo thống kê của UNCTAD,[16] cho đến nay, Việt Nam là nguyên đơn trong 5 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, bao gồm: Trịnh Vĩnh Bình vs Việt Nam (2004), McKenzie vs Việt Nam (2010), Dialasie vs Việt Nam (2011), Recofi vs Việt Nam (2013), và gần đây nhất là vụ tái khiếu kiện đang diễn ra liên quan đến việc thực thi phán quyết trọng tài trước đó là Trịnh Vĩnh Bình vs Việt Nam (2014). Trong đó, 3 vụ gồm McKenzie, Dialasie, Recofi kết quả giải quyết đều theo hướng có lợi cho Việt Nam. Vụ Trịnh Vĩnh Bình (2004) đã kết thúc với kết quả hòa giải ngoài trọng tài và chấp nhận thỏa thuận bồi thường.[17] Trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế của Việt Nam cho đến nay, các biện pháp bị khiếu kiện trong vụ Trịnh Vĩnh Bình (2004) có thể được xem là biện pháp liên quan đến lợi ích công cộng (do có hành vi vi phạm nghiêm trọng chế độ quản lý đất đai và luật hình sự của Việt Nam). Tuy nhiên, vụ việc dừng ở giai đoạn hòa giải không qua xét xử của Trọng tài nên không thể biết lập luận và hướng giải quyết của Trọng tài đối với biện pháp bị khiếu kiện của nhà nước. Xét từ góc độ nhà nước, việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý đất đai và phòng chống tội phạm là cần thiết nhằm duy trì và bảo vệ trật tự pháp luật. Thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư là xuất phát từ sự vi phạm của nhà đầu tư đối với quy định pháp luật của nhà nước. Câu hỏi đặt ra là liệu Trọng tài có chấp nhận lý lẽ biện hộ của Việt Nam và xem xét biện pháp của nhà nước là xuất phát từ mục đích công cộng hay không?

Dựa trên thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan đến bảo vệ lợi ích công cộng ở phần trên có thể nhận xét rằng quan điểm chủ quan của quốc gia đối với khái niệm lợi ích công cộng và lý lẽ thực hiện biện pháp vì mục đích bảo vệ lợi ích công cộng không phải luôn cùng hướng với quan điểm và lập luận của Trọng tài đầu tư quốc tế. Quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ phải cần nhiều hơn một lý lẽ là thực thi quy định pháp luật quốc gia để thuyết phục đó là lợi ích công cộng được luật đầu tư quốc tế công nhận, đặc biệt là khi IIA không có ghi nhận rõ ràng về những lợi ích là “lợi ích công cộng” thuộc đối tượng điều chỉnh của hiệp định. Cụ thể, trong vụ Trịnh Vĩnh Bĩnh, Điều 6 BIT Việt Nam – Hà Lan, quy định về ngoại lệ truất hữu không đưa ra giải thích cụ thể đối với “mục đích công cộng” mà biện pháp của nhà nước có thể viện dẫn. Cụ thể, “không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân của Bên ký kết kia, trừ khi được thực hiện với những điều kiện sau: (a) Các biện pháp được thực hiện vì mục đích công cộng và theo thủ tục của luật pháp”. Lúc này, phán quyết của Trọng tài sẽ phụ thuộc vào cách thức nhìn nhận và mức độ tôn trọng đối với thẩm quyền của nhà nước đối với lợi ích công cộng được đưa ra xem xét. Trong khi đó, hiện nay đối với các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, nếu đặt trong phạm vi điều chỉnh của ACIA thì trên cơ sở Biểu cam kết của Việt Nam lúc này NĐTNN sẽ không thể khiếu kiện các quy định của Việt Nam liên quan đến quản lý đất đai. Trong trường hợp này, quy định của ACIA tại Điều 9 cho phép quốc gia thành viên loại trừ trách nhiệm đối với một số lĩnh vực điều chỉnh nhạy cảm liên quan đến lợi ích công cộng mà quốc gia thành viên coi trọng, điển hình như Việt Nam chọn bảo lưu đối với các quy định pháp luật quốc gia về quản lý đất đai – được xem là thuộc về “quyền lực công” của nhà nước. Đây cũng là xu hướng nên được Việt Nam tiếp cận khi đàm phán, hoặc tái đàm phán các IIA khi cần quy định rõ về những lợi ích công cộng mà Việt Nam quan tâm cũng như loại trừ trách nhiệm của nhà nước khi thực thi các biện pháp đầu tư nhằm bảo vệ các lợi ích này mà gây thiệt hại cho NĐTNN.

Lợi ích công cộng là khái niệm được sử dụng rộng rãi trong lý luận chính trị pháp luật, tuy nhiên đây là thuật ngữ có tính trừu tượng. Trong luật đầu tư quốc tế, cho đến nay hầu hết các IIA không định nghĩa “lợi ích công cộng” nhưng vẫn có những quy định về ngoại lệ liên quan đến bảo vệ lợi ích công cộng. Thông thường, các IIA ghi nhận ngoại lệ đối với việc bảo vệ một số lợi ích công cộng như sức khỏe cộng đồng, môi trường và an ninh quốc gia. Việc ghi nhận lợi ích công cộng mà các quốc gia muốn bảo vệ và loại trừ trách nhiệm khi thực thi thẩm quyền của quốc gia trong IIA là rất quan trọng. Do đó, để tránh nguy cơ biện pháp của nhà nước vì bảo vệ các lợi ích công cộng bị khiếu kiện, vì gây thiệt hại cho NĐTNN, Việt Nam có thể xem xét đàm phán và tái đàm phán các IIA của mình theo khuôn mẫu của ACIA.

CHÚ THÍCH

[1] Leslie A.Pal và Judith Maxwell, Assessing the Public Interest in 21st Century: A Framework, Canada External Advisory Committee on Smart Regulation, 2004.

[2] Từ điển Oxford, https://en.oxforddictionaries.com/definition/public_interest, truy cập ngày 14/11/2017.

[3] Từ điển thương mại, http://www.businessdictionary.com/definition/public-interest.html, truy cập ngày 14/11/2017.

[4] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary Second Pocket Edition, West Publishing, 2001.

[5] UNCTAD, International Investment Rule-making: Stocktacking, Challengses and the Way Forward, United Nations Publication, 2008, tr. 90 – 92.

[6] UNCTAD, International Investment Rule-making: Stocktacking, Challengses and the Way Forward, United Nations Publication, 2008, tr. 98.

[7] Khi xem xét chấp thuận ý kiến của bên thứ ba với tư cách “amici curiae”, xem Quyết định của Trọng tài ngày 15/01/2001 đối với Đơn thỉnh nguyện của Bên thứ ba để được phép tham gia vụ việc với tư cách “amici curiae” trong vụ kiện Methanex vs Hoa Kỳ, đoạn 49.

[8] Vivendi Universal vs Argentina (ICSID Case No ARB/03/19), xem “Order in Response to a Petition for Transparency and Participation in Amicus Curiae”, ngày 19/5/2002, đoạn 19.

[9] Cụ thể, lợi ích của các thể nhân và công dân quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ phụ thuộc vào tranh biện của quốc gia và kết quả của phán quyết trọng tài: (i) các tranh chấp đầu tư quốc tế thường đối mặt với yêu cầu và trách nhiệm bồi thường rất lớn, kết quả phán quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của quốc gia – tức tiền thuế của người dân tại quốc gia đó; (ii) khiếu kiện liên quan đến biện pháp nhà nước vì mục tiêu lợi ích công cộng của quốc gia tại Trọng tài giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định đầu tư quốc tế có thể cản trở hoạt động cần thiết của nhà nước để khuyến khích và bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng. Xem Center for the International Environment Law (CIEL) và International Institute for Sustainable Development (IISD), Revising the UNCITRAL Arbitration Rules to Address State Arbitration, CIEL và IISD, 2007.

[10] Xem thêm UNCTAD, Bilateral Investment Treaties 1995-2006: Trends in Rulemaking, United Nations, New York và Geneva, 2007, tr. 142.

[11] Để một hành vi truất hữu được chấp thuận và hợp pháp, pháp luật đầu tư quốc tế yêu cầu biện pháp của nhà nước phải: (i) xuất phát từ mục đích công, (ii) không phân biệt đối xử (nghĩa là, không chủ đích vào một công ty hoặc một cá nhân cụ thể nào), (iii) được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật hợp pháp, và (iv) có bồi thường.

[12] Methanex vs Hoa Kỳ (UNCITRAL), Phán quyết trọng tài ngày 03/8/2005.

[13] Methanex vs Hoa Kỳ (UNCITRAL), Phán quyết trọng tài ngày 03/8/2005, Phần IV, Chương D, đoạn 7.

[14] OECD, “Indirect Expropration” and the “Right to Regulate” in International Investment Law, OECD Working Papers on International Investment, 2004, tr. 5.

[15] Vụ kiện Philip Morris vs Uruguay, Phán quyết trọng tài ngày 08/7/2016, đoạn 295. Trọng tài đã liệt kê một số phán quyết trọng tài trong các vụ kiện như Tecmed vs Mexico, Saluka vs Cộng hòa Séc, Methanex vs Hoa Kỳ, Chemtura vs Canada. Trong đó, Trọng tài trong hai vụ Methanex và Chemtura đã triệt để áp dụng học thuyết này để bác bỏ cáo buộc về hành vi truất hữu của nguyên đơn.

[16] Tham khảo Investment Policy Hub (UNCTAD), “Investment Dispute Settlement Navigator: Viet Nam – as respondent State”, http://investmentpolicyhub.unctad.org/ISDS/CountryCases/229?partyRole=2, truy cập ngày 14/11/2017.

[17] Năm 2017, do tồn tại một số những bất đồng trong việc thực thi bồi thường với cơ quan nhà nước Việt Nam theo thỏa thuận hòa giải năm 2007, ông Trịnh Vĩnh Bình đã tiếp tục khởi kiện nhà nước Việt Nam ra Trọng tài ICC (International Chamber of Commerce). Tuy nhiên, vào thời điểm của bài nghiên cứu này vụ việc vẫn đang trong quá trình thụ lý và chưa có kết quả cuối cùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Philip Morris vs Uruguay, Phán quyết trọng tài ngày 08/7/2016, đoạn 295
  • Vivendi Universal vs Argentina (ICSID Case No ARB/03/19)
  • Methanex vs Hoa Kỳ, Phán quyết trọng tài UNCITRAL (03/8/2005)
  • Center for the International Environment Law (CIEL) và International Institute for Sustainable Development (IISD), Revising the UNCITRAL Arbitration Rules to Address State Arbitration, 2007
  • Bryan A. Garner, Black’s Law DictionarySecond Pocket Edition, West Publishing, 2001
  • OECD, “Indirect Expropration” and the “Right to Regulate” in International Investment Law, OECD Working Papers on International Investment, 2004
  • Leslie A. Pal và Judith Maxwell, Assessing the Public Interest in 21st Century: A Framework, Canada External Advisory Committee on Smart Regulation, 2004
  • UNCTAD, International Investment Rule-making: Stocktacking, Challengses and the Way Forward, United Nations Publication, 2008
  • UNCTAD, Bilateral Investment Treaties 1995-2006: Trends in Rulemaking, United Nations, New York, 2007
  • UNCTAD, “Investment Dispute Settlement Navigator: Viet Nam – as respondent State”, http://investmentpolicyhub.unctad.org/ISDS/CountryCases/229?partyRole=2, access on 14/11/2017

Tác giả: TS. Trần Việt Dũng – ThS. Nguyễn Ngọc Mai Thy – Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(122)/2019 – 2019, Trang 68-73

Nguồn: Luật sư Online – iluatsu.com

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Phân tích đặc điểm: “Tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính chủ yếu được giải quyết theo thủ tục hành chính và bởi các cơ quan hành chính”.
Phân tích đặc điểm giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ hành chính
Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại
Xác định luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam

Chuyên mục: Công pháp quốc tế/ Đầu tư quốc tế/ Quốc tế Từ khóa: Đầu tư quốc tế/ Giải quyết tranh chấp/ Giải quyết tranh chấp quốc tế/ Lợi ích công cộng/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2019

Previous Post: « Áp dụng các quy tắc giải thích điều ước quốc tế đối với các hiệp định đầu tư quốc tế – thực tiễn áp dụng và những kinh nghiệm cho Việt Nam
Next Post: Trách nhiệm không gây thiệt hại khi khai thác nguồn tài nguyên xuyên biên giới »

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Sang trong [EBOOK] Sổ tay Kiến thức về pháp luật lao động PDF
  • Thanh Tú trong [PDF] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam – Ebook
  • Hải Yến trong [PDF] Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam – Ebook
  • Thùy Hương trong [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Luật Ngân sách nhà nước
  • khanhlinh trong [PDF] Giáo trình Luật Hiến pháp nước ngoài – Ebook

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng