Một số vấn đề pháp lý từ bản án VLM FOOD TRADING INTERNATIONAL, INC. V. ILLINOIS TRADING CO., 2013 WL 816103 (N.D.ILL.2013) của Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam
TÓM TẮT
“Thực tiễn tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở Hoa Kì rất đa dạng và phức tạp, mang nhiều nét đặc trưng của một quốc gia thuộc hệ thống Common Law. Trên cơ sở nghiên cứu một vụ việc tranh chấp với thương nhân Hoa Kì được giải quyết tại Tòa án liên bang, bài báo đưa ra một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam từ giác độ phòng ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.”
Xem thêm:
- Tác động của quy định về tính tương đương trong chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – GS. Steven D. Schwinn
- Học thuyết Forum Non Conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ – Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Bản án, Bình luận bản án, Tạp chí Khoa học pháp lý
Trong quan hệ thương mại quốc tế, Hoa Kỳ là đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất của Việt Nam[1] . Các giao dịch mua bán hàng hóa giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân Hoa Kỳ tăng lên đáng kể cả về số lượng và quy mô, kéo theo đó cũng tiềm ẩn và xuất hiện nhiều tranh chấp giữa các bên khi thực hiện hợp đồng. Do vậy, việc hiểu biết đặc điểm kinh doanh của đối tác, hệ thống pháp luật cũng như tập quán thương mại ở Hoa Kỳ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nghiên cứu vụ kiện giữa thương nhân nước ngoài và thương nhân Hoa Kỳ dưới đây có thể giúp rút ra được các bài học kinh nghiệm đối với doanh nghiệp Việt Nam dưới góc nhìn từ khía cạnh phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
1. Phân tích bản án VLM Food Trading International, Inc. v. Illinois Trading Co.,2013 WL 816103 (N.D.ILL.2013)[2]
1.1. Nội dung vụ việc
Nguyên đơn là Tập đoàn VLM Food Trading International, Inc. (VLM), quốc tịch Canada. Bị đơn là công ty Illinois Trading Company (ITC), quốc tịch Hoa Kỳ. Hai bên đều là những thương nhân kinh doanh các mặt hàng nông sản.
Các giao dịch kinh doanh của hai thương nhân này bắt đầu từ tháng 6/2012. Đầu tiên ITC gửi đơn chào mua hàng đến VLM với các nội dung: Mô tả hàng hóa (khoai tây đông lạnh), số lượng, giá cả và nơi giao hàng. Xét thấy có thể cung ứng đơn chào hàng này, VLM gửi chấp nhận chào hàng cho ITC qua email trong đó xác nhận hàng hóa, giá cả và các điều kiện giao hàng. Sau khi ITC đồng ý chấp nhận chào hàng, VLM tiến hành giao hàng và sau đó lập tức gửi cho ITC hóa đơn thương mại. Nội dung hóa đơn này bao gồm: mô tả hàng hóa được giao, số lượng, giá cả, địa điểm và thời gian giao hàng, và một điều khoản Phí luật sư (Attorney’s fees provision) như sau: “Các nông sản dễ bị hỏng liệt kê trong hóa đơn này được bán theo các quy định của pháp luật về nghĩa vụ của các bên được điều chỉnh bởi phần 5 mục c của đạo luật PACA 1930[3] . Thời hạn khiếu kiện của Người bán được kéo dài cho đến khi người bán nhận được Tòan bộ các khoản thanh toán. Lãi suất sẽ được tính trên bất cứ khoản nợ quá hạn nào với tỷ lệ là 1,5%/tháng (tương đương 18%/năm). Người mua đồng ý gánh chịu tất cả các khoản chi phí phát sinh cho việc nhận được tiền thanh toán của người bán bao gồm cả chi phí luật sư.”
Từ ngày 26/6/2012 đến 27/7/2012, hai bên thực hiện tất cả 9 giao dịch riêng biệt theo trình tự các bước như trên. Trong tất cả 9 giao dịch này, ITC đều nhận được hóa đơn thương mại (chứa điều khoản Phí luật sư) và thanh toán Tòan bộ các hóa đơn. Tuy nhiên từ ngày 31/7/2012 đến ngày 24/9/2012, các bên thực hiện thêm 9 giao dịch nữa nhưng ITC đã không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 9 hóa đơn này cho VLM. Lưu ý là tất cả các hóa đơn – dù được thanh toán hay không đều chứa điều khoản phí luật sư.
Sau khi tiến hành hoà giải nhưng không thành, ngày 10/10/2012, VLM đệ đơn kiện ITC cùng các bên có liên quan ra Tòa án bang Illinois. Nội dung vụ kiện xoay quanh vấn đề không thực hiện thanh toán của ITC và phía VLM yêu cầu ITC phải hoàn trả tất cả các chi phí liên quan đến luật sư cũng như lãi suất đi kèm. Quá trình tranh tụng trước Tòa diễn ra đến ngày 5/3/2013 trong đó các bên đưa ra lập luận cũng như viện dẫn các án lệ có liên quan làm cơ sở pháp lý.
1.2. Các vấn đề pháp lý phát sinh từ vụ việc
1.2.1. Tranh chấp về luật áp dụng: CISG 1980[4] hay UCC[5] và PACA 1930
Bị đơn ITC lập luận rằng CISG là nguồn luật điều chỉnh giao dịch này bởi vì ITC có trụ sở thương mại tại bang Illinois – Hoa Kỳ và VLM có trụ sở tại Montreal – Canada. Hai quốc gia này đều là thành viên của CISG nên theo quy định tại Điều 1.1.a của Công ước, CISG sẽ được vận dụng để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, để cụ thể hơn, ITC còn đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng những liên lạc giữa hai bên liên quan đến giao dịch được thực hiện bên ngoài trụ sở kinh doanh ở Montreal và các hóa đơn được gửi đi từ chính văn phòng của VLM ở Montreal.
Tuy nhiên, Tòa cho rằng lập luận này không đủ cơ sở để khẳng định việc áp dụng CISG thay vì UCC và PACA. Trong Food Team International, Ltd. v. Unilink, LLC, et al., 872 F.Supp.2d 405, 414 (E.D. Penn. May 18, 2012), một vụ việc tương tự với vụ việc đang xem xét, bị đơn Unilink biện luận rằng CISG phải được áp dụng để giải quyết những khiếu kiện của nguyên đơn Food Team International, Ltd và đặc biệt là CISG cũng phải được áp dụng cho điều khoản về chi phí luật sư bởi vì các hàng hóa nông sản được giao bởi nguyên đơn có xuất xứ từ Trung Quốc và hợp đồng đó được đàm phán bởi một trong các đại lý của nguyên đơn ở Trung Quốc. Trong vụ việc này, Tòa án đã từ chối lập luận trên của Food Team International, Ltd và cho rằng bị đơn đã không giải thích mối liên hệ giữa những tình tiết vừa nêu trên với việc áp dụng CISG thay vì PACA và UCC.
Tòa xét thấy vụ việc đang xét xử cũng tương tự như án lệ vừa nêu trên. Thứ nhất, Bị đơn ITC chỉ đưa ra một án lệ duy nhất để làm cơ sở cho lập luận của mình, vụ Hanwha Corp. v. Cedar Petrochemicals, Inc., 760 F.Supp.2d 426 (S.D.N.Y. 2011). Không giống như trường hợp của Food Team, Hanwha không thực hiện khiếu kiện dưới đạo luật PACA và thay vào đó là tranh tụng về vấn đề liệu cách diễn đạt của các bên trong hợp đồng (giữa Hanwha và Cedar) có loại đi một cách triệt để việc áp dụng CISG hay không. Hơn thế, trong vụ việc này, nguyên đơn Hanwha là một công ty Hàn Quốc và không hề có việc xem xét liệu Hanwha có trụ sở thương mại ở Hoa Kỳ hay không.
Trong khi đó theo vụ việc đang xét xử, sự thật là Nguyên đơn VLM có trụ sở kinh doanh ở Canada. Tuy nhiên, giấy phép PACA của VLM lại chỉ ra công ty này cũng một địa chỉ kinh doanh tại thành phố Jersey, tiểu bang New Jersy. Tòa thấy rằng đây là bằng chứng thuyết phục khẳng định rằng VLM có trụ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ và đang thực hiện hợp đồng trên lãnh thổ Hoa Kỳ trong lúc xảy ra tranh chấp. Tòa bác bỏ lập luận của Bị đơn về nơi diễn ra đàm phán hợp đồng và nơi từ đó hóa đơn được gửi đi là cơ sở để áp dụng công ước Viên. Tòa kết luận đạo luật PACA và UCC sẽ điều chỉnh tranh chấp này.
Vụ việc nêu trên phần nào phản ánh được thực trạng áp dụng CISG tại Hoa Kỳ. Số liệu thống kê từ hệ thống dữ liệu của CISG cho thấy kể từ khi CISG chính thức có hiệu lực từ 1/1/ 1988 đến 29/1/2014, số lượng các vụ việc tranh chấp được giải quyết bởi Tòa án, trọng tài Hoa Kỳ có áp dụng CISG là 163 vụ[6] , chiếm 5,5% trên tổng số 2951 vụ – một tỷ lệ khá khiêm tốn trong tương quan so sánh với Đức (16,9%) và Trung Quốc (14,6%), vốn là những quốc gia cùng tham gia CISG từ ngày đầu thành lập.
Lý giải vấn đề này, hiện nay cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau[7] . Nhưng tựu trung lại có thể giải thích theo một số lý do như sau:
Thứ nhất,các thương nhân Hoa Kỳ, có thói quen áp dụng UCC vốn có bề dày lịch sử từ năm 1952, gần 40 năm trước khi CISG có hiệu lực. Với mục đích chính là thống nhất pháp luật của năm mươi bang, trải qua nhiều lần sửa đổi, UCC là một niềm tự hào của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Sức ảnh hưởng của đạo luật này cũng được ví như Đạo luật mua bán hàng hóa của Anh 1979 – vốn được lý giải cho việc tại sao nước Anh cho đến giai đoạn hiện nay vẫn chưa gia nhập CISG.
Thứ hai,xuất phát từ những điểm hạn chế trong nội tại của CISG: CISG không bao trùm mọi vấn đề có liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (không điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng, vấn đề chuyển quyền sở hữu), chưa có các quy phạm điều chỉnh các vấn đề pháp lý mới phát sinh trong thương mại điện tử, và quan trọng hơn cả là tính phức tạp trong việc giải thích CISG[8] . Quan điểm của các luật gia Hoa Kỳ đó là “CISG vẫn còn là món hàng chưa được kiểm chứng và rất khó để tiên liệu hậu quả áp dụng CISG sẽ thế nào” và do đó, trong tương quan với CISG, UCC không hẳn là ưu việt hơn, mà ít ra việc diễn giải ý nghĩa của UCC sẽ rõ ràng hơn và sẽ giúp tối thiểu hóa rủi ro.
Thứ ba,không chỉ có các luật gia Hoa Kỳ, mà ngay cả các thẩm phán Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng CISG do hai nguyên nhân chính: (1) Việc diễn giải CISG theo tinh thần của Điều 7(1), nghĩa là phải chú trọng đến tính quốc tế, trong khi đó, các thẩm phán thường có khuynh hướng diễn giải Công ước dưới cách tiếp cận của luật quốc gia (2) Bản thân trong hệ thống pháp luật common lawtồn tại cách diễn giải pháp luật phổ biến, gọi là diễn giải theo nghĩa hẹp (narrow interpretation) mà được cho là không phù hợp trong việc diễn giải CISG.
Thực tiễn nêu trên cho thấy thực trạng hạn chế áp dụng CISG không chỉ xuất phát từ sự không mong muốn của những thương nhân Hoa Kỳ, mà còn từ những luật gia và cả những thẩm phán Hoa Kỳ. Điều này đặt ra một trở ngại cho các thương nhân nước ngoài trong nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng CISG. Tất nhiên trong vụ việc này, thương nhân nước ngoài VLM mong muốn áp dụng UCC và PACA, nhưng đặt giả thuyết rằng nếu họ muốn áp dụng CISG thì việc viện dẫn theo Điều 1(a) của CISG là chưa đủ khi Tòa lập luận VLM có cả trụ sở tại Hoa Kỳ và trụ sở này có quan hệ mật thiết với hợp đồng theo như Điều 10(a) của CISG. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, trước khi giao kết hợp đồng, VLM cần phải đàm phán điều khoản luật áp dụng cho hợp đồng và cần thiết phải ghi rõ CISG sẽ là nguồn luật áp dụng cho hợp đồng, chẳng hạn như: “Hợp đồng này và tất cả những vấn đề có liên quan đến việc ký kết, cách diễn giải và việc thực hiện hợp đồng được điều chỉnh theo CISG”.
1.2.2. Hiệu lực của điều khoản “lãi suất và phí luật sư” trong hóa đơn thương mại
Bị đơn ITC lập luận rằng kể cả khi trong trường hợp UCC được áp dụng thì điều khoản Phí luật sư và lãi suất trong các hóa đơn được gửi đi cũng vô hiệu vì đó chỉ là phần điều kiện bổ sung thêm ngoài hợp đồng của hai bên. Bị đơn dẫn chiếu án lệ G&G Peppers, LLC v. Ebro Foods, Inc., 424 B.R. 420 (Bankr. N.D. I11. 2010)làm cơ sở cho lập luận của mình. Khi xem xét, Tòa chỉ ra rằng vụ việc này đã được bảo lưu 2 năm về trước, theo đó tuy phán quyết về việc G&G Peppers không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quy định bởi PACA là có hiệu lực thi hành nhưng điểm then chốt là phán quyết về việc bác bỏ yêu cầu của G&G Peppers về các khoản phí luật sư lại được bảo lưu và chờ điều tra thêm trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Vì vậy, Tòa cho rằnglập luận của bị đơn dựa trên vụ Peppers kiện Ebro Foods là hoàn Tòan không hợp lý.
Bỏ qua sự sai sót này, Tòa vẫn xem xét lập luận của Bị đơn liên quan đến việc liệu một điều khoản Phí luật sư ghi trên hóa đơn có hợp pháp và có được xem như là một phần của hợp đồng giữa hai bên hay không. Tòa dẫn chiếu án lệ Brutyn, N.V. v. Anthony Gagliano Co., Inc. et al., No. 04-C-527, 2007 U.S. Dist. LEXIS 48008 (E.D. Wis. July 2, 2007). Trong phần kết luận, thẩm phán của vụ việc này cho rằng: “Tòa đồng ý các khoản chi phí luật sư và lãi suất hợp lý phải được thanh toán bởi Bị đơn (Athony Gagliano Co.) cho Nguyên đơn (Brutyn). Đó là vì các diễn đạt về điều khoản Phí luật sư đều xuất hiện trong mỗi giao dịch giữa hai bên và trong suốt quãng thời gian tiến hành giao dịch Bị đơn chưa bao giờ phản đối một điều khoản như vậy. Do vậy, Athony Gagliano Co. buộc phải chấp nhận điều khoản này”.
Tòa cho rằng tình tiết trong vụ việc vừa nêu cũng tương tự như trong vụ việc đang tranh chấp. Khi đối chất, người phụ trách sổ sách của ITC thừa nhận rằng trong mỗi lần nhận được hóa đơn từ VLM cô này đều thấy có điều khoản Phí luật sư trên hóa đơn. Nhân chứng còn thừa nhận rằng cô chưa bao giờ phản đối điều khoản và cũng không hay biết liệu trong công ty còn ai không phản đối hay không. Tương tự như vậy, ông Oberman cũng khai rằng ông không phản đối điều khoản Phí luật sư. Do đó, Tòa kết luận rằng Bị đơn ITC xem như đã chấp nhận rủi ro có tranh chấp liên quan đến các khoản nợ và rủi ro bị quy trách nhiệm pháp lý cho các khoản chi phí luật sư hợp lý.
Bên cạnh cơ sở từ án lệ trên, khi xem xét đạo luật PACA và UCC Tòa cũng tìm thấy những điều khoản bác bỏ yêu cầu của Bị đơn. Thứ nhất, đạo luật PACA cho phép việc bồi thường các khoản chi phí luật sư và lãi suất đi kèm nếu các bên dự tính được những điều khoản như vậy và đưa vào thỏa thuận. Theo quy định tại Điều 499e (c) (2) của Đạo luật này thì“…Toàn bộ các khoản thanh toán phải trả liên quan đến giao dịch”(…full payment owing in connection with the transaction)sẽ được diễn giải là bao gồm cả phí luật sư và tiền lãi là những khoản phải trả trong hợp đồng. Thứ hai, căn cứ vào Bộ luật UCC tại Phần 2 Điều 207 về những điều khoản bổ sung trong chấp nhận chào hàng (Additional terms in acceptance or confirmation):
“Qui định bổ sung được hiểu là những đề xuất bổ sung cho hợp đồng. Những quy định như vậy trở thành một phần của hợp đồng trừ khi:
(a) sự chào hàng giới hạn sự chấp nhận chúng,
(b) chúng làm thay đổi hợp đồng
(c) thông báo phản đối chúng đã được gửi đi hoặc gửi đi trong một khoản thời gian hợp lí sau khi những thông báo về chúng được nhận.”
Trong trường hợp này, các bên đều là những nhà kinh doanh mua bán nông sản. Bên cạnh đó, trong đơn chào hàng giữa hai bên, Tòa cũng không tìm thấy bất cứ phần nào nêu rõ sự giới hạn trong việc chấp nhận những điều khoản của chào hàng (mục a thoả mãn). Đồng thời trong đơn chào hàng giữa hai bên, Tòa đã chỉ ra Bị đơn đã không phản đối hoặc có những thông báo thể hiện sự phản đối ITC về điều khoản bổ sung thêm trong quá trình thực hiện hợp đồng (mục c thoả mãn). Vậy vấn đề còn lại là liệu một điều khoản Phí luật sư như vậy có được xem là thay đổi cơ bản hay không (mục b). Theo thông luật của bang Illinois việc xem xét một điều khoản bổ sung có cấu thành một sự thay đổi cơ bản hay không dựa trên cơ sở liệu sự bổ sung đó có gây ra sự bất ngờ vô lý (unreasonable surprise) cho một trong các bên còn lại hay không (dẫn chiếu theo án lệJada Toys, Inc. v. Chicago Import, No. 07-C-699, 2009 WL 3055370 at *8 (N.D. I11. Sept. 18, 2009). Theo những lời khai của ông Oberman (Chủ tịch ITC), những hóa đơn giao dịch mà ITC thực hiện trước đây với các nhà cung ứng khác (không phải là VLM) đều chứa các điều khoản phí luật sư tương tự và theo những lời khai từ ông Filemonowicz về những kinh nghiệm của ông thì việc ghi các điều khoản như vậy trên hóa đơn là một tập quán thương mại phổ biến trong ngành buôn bán nông sản. Từ đó, Tòa kết luận rằng Bị đơn, trước và sau khi thực hiện hợp đồng, đã biết hoặc đáng lẽ ra phải biết một tập quán thương mại phổ biến như vậy và do đó Bị đơn không thể biện luận rằng điều khoản phí luật sư dẫn đến sự bất ngờ vô lý cho mình.
Tóm lại, dựa trên tất cả những cơ sở pháp lý vừa nêu trên, Tòa bác bỏ yêu cầu của Bị đơn rằng điều khoản phí luật sư bị vô hiệu. Tòa kết luận việc Nguyên đơn đưa một điều khoản như vậy vào mỗi các hóa đơn giao dịch là tập quán phổ biến trong ngành cung ứng nông sản. Điều khoản về phí luật sư và lãi suất liên quan đi kèm có hiệu lực pháp lý.
Phán quyết cuối cùng của Tòa có liên quan đến các vấn đề trên là Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn số tiền 200.672,88 Đô la Mỹ (cho việc trả các đơn hàng còn nợ) cộng với các chi phí luật sư có liên quan và bất cứ lãi suất nào phát sinh từ thời điểm 19/2/2013. Tòa yêu cầu VLM nộp chứng cứ về các khoản chi phí luật sư hợp lý trước ngày 1/4/2013.
2. Các lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Hoa Kỳ
2.1. Việc áp dụng CISG 1980 để giải quyết tranh chấp tại Tòa án ở Hoa Kỳ
CISG 1980 là một trong những công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất hiện nay với 80 quốc gia thành viên[9] và ước tính điều chỉnh khoảng 80% giao dịch thương mại quốc tế[10] . Về phía Hoa Kỳ, quốc gia này đã tham gia CISG từ những vòng đàm phán đầu tiên và Công ước này có hiệu lực tại Hoa Kỳ kể từ ngày 1/1/1988. Về phía Việt Nam, ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương Việt Nam gia nhập CISG[11] . Như vậy, có thể thấy trong tương lai gần khi Việt Nam trở thành thành viên của CISG, nhiều khả năng quan hệ mua bán giữa thương nhân Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được điều chỉnh bởi CISG theo Điều 1.1.a của Công ước này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc áp dụng CISG 1980 tại các Tòa án ở Hoa Kỳ là rất hạn chế.[12]
Tranh chấp về luật áp dụng cho hợp đồng trong vụ việc vừa phân tích trên góp phần cho thấy một thực tế là các thẩm phán Hoa Kỳ không “mặn mà” trong việc áp dụng cũng như diễn giải Công ước Vienna trong xét xử các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Thẩm phán Harry D. Leinenweber của Tòa Illinois trong vụ việc này đã thể hiện rõ rất quan điểm của Tòa rằng thực tế từ trước đến nay “có rất ít án lệ áp dụng và diễn giải công ước CISG tại Hoa Kỳ nên Tòa có quyền diễn giải Công ước này theo những nguyên tắc chung nhất của nó”. Và trong trường hợp này ông đã bác bỏ việc sử dụng CISG thay cho Bộ luật UCC thông qua việc viện dẫn những án lệ liên quan trước đó và đặc biệt là vận dụng Khoản 2 Điều 1 của CISG. Tuy Công ước “áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các bên có trụ sở thương mại tại quốc gia khác nhau”(Điều 1.1.a) nhưng “sự kiện các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau”lại sẽ “không được tính đến nếu sự kiện này không xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên”. Trong vụ việc Tòa chỉ ra rằng VLM, trong giấy phép PACA kinh doanh nông sản của mình, có một địa chỉ trụ sở kinh doanh tại tiểu bang New Jersy và xét thấy đây là bằng chứng thuyết phục khẳng định rằng VLM có trụ sở thương mại ở Hoa Kỳ và đang thực hiện hợp đồng trên lãnh thổ Hoa Kỳ trong lúc xảy ra tranh chấp (mặc dù hàng hóa vẫn được xuất đi từ Canada, các chứng từ thương mại được gửi đi từ trụ sở văn phòng VLM ở Montreal).
Đây chỉ là một trong nhiều những ví dụ tiêu biểu cho thực tiễn áp dụng CISG ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu một số án lệ tương tự cho thấy thẩm phán, luật sư và các bên liên quan cũng thường vận dụng các điều khoản khác trong CISG như Điều 6, Điều 12 hoặc Điều 1.1.b (được Hoa Kỳ bảo lưu) để từ chối việc áp dụng Công ước.
Từ thực tế và qua vụ việc nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Hoa Kỳ, nếu xét thấy việc áp dụng Công ước CISG là cần thiết thì nên quy định trực tiếp vào hợp đồng trong điều khoản luật áp dụng và tìm mọi cách hợp lý lường trước và đối phó với khả năng viện dẫn các điều khoản trên.
2.2. Pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động thương mại ở Hoa Kỳ và tập quán thương mại của ngành hàng
Mặc dù là quốc gia theo hệ thống common law, nhưng số lượng các đạo luật do Quốc Hội Hoa Kỳ và các cơ quan lập pháp của các bang ban hành là khá đồ sộ[13] . Có rất nhiều luật chuyên ngành của liên bang và của bang điều chỉnh các giao dịch mua bán khác nhau trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Lấy ví dụ điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh trong việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu các quy định của Đạo luật Nông nghiệp 2008 (Farmbill 2008).[14] Liên quan đến gỗ và các sản phẩm về gỗ, các doanh nghiệp khi xuất khẩu phải đáp ứng các quy định của Luật Lacey (sửa đổi bổ sung năm 2008). Liên quan đến việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp dễ bị hỏng, các thương nhân trong và ngoài nước thường có giấy phép PACA cấp bởi bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dưới sự điều chỉnh của đạo luật PACA 1930. Đạo luật này đảm bảo hoạt động thương mại công bằng (fair trade practice), giúp đỡ việc giải quyết các tranh chấp phát sinh, bảo vệ quyền lợi của các bên đặc biệt trong việc nhận được các khoản thanh toán không chỉ từ giá cả của hàng hóa trong hợp đồng mà bất cứ các chi phí phát sinh nào cho việc nhận được thanh toán như vậy[15] . Nếu không có giấy phép PACA, rõ ràng công ty VLM không thể thực hiện những khiếu kiện của mình dưới sự bảo vệ của Đạo luật PACA 1930 và khó có thể đòi Nguyên đơn bồi thường các chi phí phát sinh có liên quan.
Như vậy, khi kinh doanh với đối tác Hoa Kỳ, bên cạnh UCC, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến các đạo luật chuyên ngành liên bang, của bang và cũng như nắm được thứ tự áp dụng pháp luật của các nguồn luật này.
Thứ nhất,về mối quan hệ giữa pháp luật liên bang và pháp luật bang,theo Hiến pháp Hoa Kỳ, thẩm quyền lập pháp của bang được xây dựng trên nguyên tắc loại trừ, có nghĩa ngoài các quy định trong Hiến pháp thuộc thẩm quyền làm luật của liên bang, các vấn đề còn lại là thẩm quyền lập pháp của bang. Từ nguyên tắc này dẫn tới hệ quả là các vấn đề thuộc thẩm quyền tuyệt đối của liên bang, pháp luật bang không được điều chỉnh và các vấn đề thuộc về thẩm quyền của bang, sẽ ưu tiên áp dụng pháp luật bang nếu như có cả pháp luật bang và liên bang cùng điều chỉnh mà lại có sự khác biệt giữa hai nguồn luật này. Cũng cần phải lưu ý thêm rằng bản thân UCC là một đạo luật mẫu, không trải qua quy trình lập pháp như các đạo luật liên bang mà lại được soạn thảo bởi các tổ chức phi chính phủ. Mặc dù đã được tất cả các bang thông qua[16] nhưng cho đến nay, UCC vẫn chưa được Quốc hội Hoa Kỳ công nhận là đạo luật liên bang[17] . Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Hoa Kỳ cho thấy UCC vẫn là nguồn luật chủ yếu điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế nói chung và quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Thứ hai,về mối quan hệ giữa UCC và các đạo luật chuyên ngành, UCC tại Điều 1-301(g) đã cho phép ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành trong những trường hợp mà các luật chuyên ngành này được quy định rõ trong một số điều khoản của UCC, ví dụ như các quy định tại Điều 2-402; 2A-105; 2A-106 hay 4-102. Bên cạnh đó các tập quán thương mại đặc thù của ngành hàng là một đặc điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý. Rõ ràng trong vụ việc phân tích trên, điều khoản Phí luật sư không hề có trong chào hàng cũng như chấp nhận chào hàng (có giá trị như hợp đồng giữa các bên), nhưng lại được ghi vào hóa đơn thương mại cho mỗi lần giao dịch.
Việc trích dẫn các nội dung như vậy trên hóa đơn thương mại là trường hợp hiếm thấy trong giao dịch kinh doanh thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo như lập luận của Tòa án, đây được xem là một tập quán thương mại phổ biến trong ngành buôn bán các mặt hàng nông sản dễ hỏng ở Hoa Kỳ cũng như Bắc Mỹ mà các bên (từ quá khứ giao dịch và kinh nghiệm của họ trong việc chuyên kinh doanh những mặt hàng như thế) đã biết hoặc đáng lí phải biết và nếu không thể hiện sự phản đối thì vẫn được cấu thành như một phần của hợp đồng và ràng buộc các bên. Doanh nghiệp cần nắm vững đặc điểm kinh doanh của ngành hàng ở cả cấp độ tập quán thương mại quốc tế và tập quán thương mại ở khu vực hoặc nước sở tại để phòng tránh những tranh chấp trong hợp đồng cũng như tận dụng lợi thế để đưa ra những lập luận xác đáng trong quá trình tranh tụng.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải lưu ý đến giá trị pháp lý cũng như cách thức áp dụng các tập quán này. Theo đó, Điều 1-301(e) của UCC đã chỉ rõ trong trường hợp có sự không thống nhất giữa các điều khoản trong hợp đồng, thói quen được thiết lập giữa các bên trong hiện tại (course of performance), thói quen được thiết lập giữa các bên trong quá khứ (Course of dealing) và tập quán thương mại, thì thứ tự ưu tiên được áp dụng sẽ là (1) các điều khoản trong hợp đồng (2) thói quen được thiết lập giữa các bên trong hiện tại (3) thói quen được thiết lập giữa các bên trong quá khứ và (4) tập quán thương mại. Như vậy, tập quán thương mại sẽ được vận dụng cuối cùng trong trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên. Điều 13 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự khi đưa ra nguyên tắc áp dụng tập quán thương mại trong kinh doanh.
Bên cạnh việc tìm hiểu và nắm vững các tập quán ngành hàng – vốn không phải là điều dễ dàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam – thì một bài học kinh nghiệm khác cần được rút ra từ vụ việc này đó là phải đặc biệt chú ý đến các câu chữ trong hợp đồng, cũng như các chứng từ giao dịch giữa các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Rõ ràng, nếu ITC đọc kỹ các nội dung trong hóa đơn, và thể hiện rõ ý chí của mình về việc không chấp nhận phí luật sư thì đương nhiên Tòa án sẽ tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí của các bên trong hợp đồng và phía ITC sẽ không phải bồi thường khoản tiền này.
2.3. Việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử tại tòa án Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiêu biểu theo hệ thống pháp luật common law nên việc viện dẫn các án lệ trong quá trình tranh tụng là một đặc điểm cố hữu và rất phổ biến, mặc dù trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, người ta xây dựng khá thành công UCC 1952. Điều này tạo nên sự khác biệt đối với những quốc gia như Việt Nam – hệ thống pháp luật vốn chịu nhiều ảnh hưởng củacivil law, vốn không xem án lệ như là nguồn của pháp luật mà án lệ chỉ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết vụ việc cụ thể.[18]
Khi nghiên cứu và áp dụng án lệ tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, cách thức trích dẫn án lệ theo hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Với một quốc gia theo hệ thống common lawnhư Hoa Kỳ, việc nhận dạng cách trích dẫn và hiểu được ký hiệu trong các trích dẫn án lệ sẽ tạo thuận lợi trong việc tra cứu án lệ. Theo đó, một án lệ được trích dẫn thông thường gồm 5 thành tố: (1) Tên các bên (2) Số tuyển tập (volume) (3) Tên báo cáo (reporter designation) (4) số trang (5) Năm ban hành. Ví dụ: Brown v. Helvering, 291 U.S. 193 (1934). Trong đó: Brown là tên nguyên đơn, v là viết tắt của versus (kiện), Helvering (bị đơn), 291 là số tuyển tập, U.S là báo cáo của Tòa án Tối cao liên bang Hoa Kỳ, 193 là số trang và 1934 là năm Tòa ra quyết định.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có sự khác biệt trong cách trích dẫn các án lệ giữa Tòa án Tối cao liên bang, các Tòa án Phúc thẩm liên bang (United States Court of Appeals), các Tòa án liên bang ở từng địa phương (United States District Court) và cả các Tòa án tại các bang ở Hoa Kỳ[19] . Đồng thời, cũng có sự khác biệt trong cách trích dẫn các bản án trong các Báo cáo (Law reports) và cả các bản án dưới dạng dữ liệu điện tử thông qua dịch vụ tra cứu của Lexisnexis hay Westlaw.
Lấy ví dụ về bản án giữa công ty VLM và ITC để minh họa. Đây là bản án mới, chưa được in trong Báo cáo Án lệ nên chỉ có ấn bản điện tử. Nếu doanh nghiệp sử dụng tra cứu dịch vụ của Westlaw thì sẽ có cách trích dẫn là: VLM Food Trading International, Inc. v. Illinois Trading Co., 2013 WL 816103(N.D.Ill.2013).Trong đó WL 816103 là ký hiệu riêng đối với bản án trên hệ thống dữ liệu của Westlaw, N.D.Ill là viết tắt của Nothern District of Illinois. Đồng thời, nếu doanh nghiệp sử dụng tra cứu dịch vụ của Lexisnexis thì sẽ có cách trích dẫn là: VLM Food Trading Int’l, Inc. v. Ill Trading Co., No.12C8154, 2013 U.S Dist. LEXIS 29791 (N.D.Ill. Mar.5, 2013), trong đó No.12C8154 là số hiệu bản án và 29791 là ký hiệu riêng đối với bản án trên hệ thống dữ liệu của LEXIS.
Thứ hai, việc lựa chọn án lệ phù hợp – Cơ sở pháp lý khởi kiện tại các Tòa án Hoa Kỳ.
Trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ, số lượng các án lệ là khổng lồ và vấn đề nằm ở chỗ phải tìm cho được những án lệ phù hợp cho mình trong “núi các án lệ” đồ sộ đó. Sự phù hợp thể hiện ở việc các tình tiết trong án lệ đó phải giống hoặc tương đương với các các tình tiết trong vụ việc hiện đang tranh chấp, phán quyết phải có lợi cho mình và đặc biệt đó phải là phán quyết cuối cùng, có hiệu lực thi hành, tránh trường hợp phán quyết bị bảo lưu hoặc một số vấn đề bất lợi khác. Rõ ràng trong trường hợp nêu trên, Bị đơn đã không thành công trong việc viện dẫn một án lệ đã được bảo lưu. Bài học được rút ra là doanh nghiệp Việt Nam cần phải thận trọng trong việc tìm kiếm các bản án, cần đọc kỹ để lưu ý những trường hợp bản án có bảo lưu hoặc bản án chưa có hiệu lực thi hành.
CHÚ THÍCH
* Giảng viên Luật, Trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở II tại Tp. Hồ Chí Minh).
** Trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở II tại Tp. Hồ Chí Minh).
[1] Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng từ 11,8 tỷ USD (2007) đến 24,53 tỷ USD (2012), đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=242&Category.
[2] Bản án số 12C8154 của Toà án bang Illinois đề ngày 5/3/2013,xem toàn văn tại: http://law.justia.com/cases/federal/district-courts/illinois/ilndce/1:2012cv08154/275189/112.
[3] Việc kinh doanh các mặt hàng nông sản dễ bị hỏng như khoai tây đông lạnh ở Mỹ được điều chỉnh bởi Đạo luật Perishable Agricultural Commodities Act 1930 (PACA 1930). Xem toàn văn của Đạo luật này tại: http://www.ams.usda.gov/AMSv1.0/paca.
[4] CISG 1980: Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế 1980 (1980 United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods.
[5] UCC: Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (Uniform Commercial Code).
[6] Tổng hợp từ website: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/casecit.html.
[7] Xem thêm tại: Mathias Reimann, Ann Arbor, Mich. (2009) ,The CISG in the United States: Why It Has Been Neglected and Why Europeans Should Care và John E. Murray, Jr., (1998), The Neglect of CISG: A Workable Solution.
[8] Việc diễn giải CISG theo 6 ngôn ngữ chính thức: Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha sẽ tiềm ẩn những rủi ro xung đột, thêm vào đó là việc không có một ấn bản bình luận chính thống nào về CISG cũng đã tạo nên những lo lắng đối với các luật gia Hoa Kỳ.
[9] Xem thành viên của CISG 1980 tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/countries/cntries.html.
[10] Ủy Ban Tư vấn về thương mại quốc tế – VCCI (2010), Dự thảo Bản thuyết minh đề xuất Việt Nam gia nhập CISG.
[11] Xem Công văn số 413/VPCP-QHQT V/v kết quả nghiên cứu gia nhập Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế.
[12] Xem thêm số vụ việc giải quyết có liên quan đến CISG 1980 của Hoa Kỳ tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/casecit.html#us.
[13] Xem tập hợp các đạo luật (U.S.C) do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành tại http://uscode.house.gov/.
[14] Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ mang số hiệu H.R. 6124 có tên đầy đủ là “Đạo luật quy định về việc tiếp nối các chương trình nông nghiệp và các chương trình khác của Bộ Nông nghiệp (Hoa Kỳ) tới năm tài chính 2012, và quy định một số vấn đề khác”; và tên ngắn gọn là “Đạo luật về Thức ăn, Bảo tồn, và Năng lượng năm 2008” (Food, Conservation, and Energy Act of 2008).
[15] Xem thêm nội dung của Đạo luật PACA 1930 tại http://www.gpo.gov/fdsys/pkg/USCODE-2011-title7/pdf/USCODE-2011-title7-chap20A.pdf.
[16] Mỗi bang cũng có những sửa đổi, bổ sung riêng và tạo ra những phiên bản UCC khác nhau.
[17] Xem thêm tại: https://www.law.georgetown.edu/library/research/guides/commerciallaw.cfm.
[18] Xem thêm quyết định số 74/QĐ-TANDTC ngày 31/10/2012 về việc phê duyệt đề án “phát triển án lệ của TANDTC.
[19] Xem sự khác biệt về cách trích dẫn tại: http://www.law.cornell.edu/citation/2-200.htm.
- Tác giả: ThS. Trần Thanh Tâm & ThS. Võ Thành Vinh
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2014 (83)/2014 – 2014, Trang 49-57
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý