Mục lục
So sánh một số quy định về hòa giải trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam
TÓM TẮT
Bài viết phân tích và đánh giá một số quy định trong lĩnh vực tư pháp hình sự Cộng hòa Liên bang Đức về biện pháp hòa giải, cụ thể bao gồm: khái niệm, đối tượng áp dụng, điều kiện áp dụng, thẩm quyền và thủ tục áp dụng. Trên cơ sở đó, tác giả so sánh quy định về hòa giải trong pháp luật Đức với biện pháp hòa giải tại cộng đồng của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện những quy định về biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
Xem thêm:
- Pháp luật quốc tế, Châu Âu về hòa giải trong lĩnh vực hình sự và kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường bằng hòa giải tại một số quốc gia – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Trần Việt Dũng & ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy
- Giải thích pháp luật tại một số nước theo hệ thống pháp luật Civil Law kiểu Đức ở Châu Âu: Nhìn từ việc sử dụng các thuật ngữ Latinh – TS. Nguyễn Ngọc Kiện & ThS. Lê Nguyễn Gia Thiện
TỪ KHÓA: Cộng hòa liên bang Đức, Hòa giải, So sánh, Tư pháp hình sự
Hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội là một hình thức phổ biến và lâu đời nhất của tư pháp phục hồi. Trong số 44 quốc gia của châu Âu, đặc biệt là 28 thành viên của liên Minh châu Âu (EU), Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức đã có một quá trình xây dựng và phát triển chế định hòa giải từ rất lâu, cũng như đạt được những hiệu quả tích cực khi áp dụng hòa giải trong tư pháp hình sự.
Với nỗ lực tăng cường hiệu quả xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã bổ sung 02 biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) đó là hòa giải tại cộng đồng và khiển trách, bên cạnh biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vốn đã quen thuộc mà trước đây được quy định tại Điều 70 BLHS năm 1999 như là một biện pháp tư pháp được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Chính vì những quy định này còn rất mới nên khó tránh khỏi những thiếu sót, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Do đó, việc nghiên cứu so sánh những quy định của một nước có kinh nghiệm lâu đời về hòa giải như CHLB Đức là rất cần thiết, nhằm học hỏi những điểm tiến bộ, đồng thời tìm ra những hạn chế, thiếu sót và đề xuất hướng hoàn thiện.
1. Chế định hòa giải ở Đức
1.1. Khái niệm hòa giải
Ở Đức, những dự án đầu tiên về hòa giải đã bắt đầu được tiến hành từ những năm 1984/1985,[1] đặc biệt tập trung vào đối tượng là người phạm tội chưa thành niên. Vấn đề này đã nhanh chóng gây được sự chú ý, tạo nên nhiều luồng tranh luận xoay quanh việc nâng cao quyền lợi của nạn nhân cũng như các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người phạm tội. Đến năm 1990, Luật Tòa án người chưa thành niên được sửa đổi đã bổ sung các quy định về hòa giải và chính thức công nhận nó như là một biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên (từ đủ 14 đến 18 tuổi) phạm tội. Sau đó, hòa giải tiếp tục được bổ sung trong BLHS vào năm 1994, BLTTHS vào năm 1999 để được áp dụng cho cả người thành niên phạm tội. Cũng trong năm 1999, Hội đồng châu Âu đã thông qua Khuyến nghị số 19 của Ủy ban Bộ trưởng dành cho các quốc gia thành viên liên quan đến hòa giải trong vấn đề hình sự. Tài liệu này đã củng cố cho mở rộng việc áp dụng hòa giải trong tư pháp hình sự, đưa ra những nguyên tắc chung, cơ sở pháp lý cho hòa giải, hướng dẫn về cách thức hoạt động của hệ thống tư pháp hình sự liên quan đến hòa giải cũng như các dịch vụ hòa giải. Khuyến nghị số 19 năm 1999 của Hội đồng châu Âu là văn bản pháp lý mang tính quốc tế đầu tiên liên quan đến hòa giải trong vấn đề hình sự, tạo điều kiện cho các nhà làm luật ở Đức tiếp tục phát triển và hoàn thiện chế định hòa giải trong tư pháp hình sự một cách thuận lợi hơn. Ngoài ra, tuân thủ theo Chỉ thị số 2008/52/EC của Liên minh châu Âu quy định về một số khía cạnh hòa giải các vụ việc dân sự, thương mại, các nhà làm luật ở Đức cũng đã bắt đầu xây dựng và ban hành Luật Hòa giải vào năm 2012. Nội dung của luật này bao gồm cả những quy định chung về thủ tục hòa giải trong những vụ án hình sự, cũng như một số tiêu chuẩn bắt buộc trong việc đào tạo hòa giải viên.
Chế định hòa giải được quy định tại Điều 46a BLHS Đức năm 1998 và Điều 155a BLTTHS Đức năm 1987 với tên gọi là Täter-Opfer-Ausgleich (sự hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội). Cách đặt tên này thể hiện được đúng bản chất của hòa giải trong tư pháp hình sự, đồng thời nhằm để phân biệt với các hình thức hòa giải trong lĩnh vực khác như hòa giải gia đình, hòa giải cộng đồng, hòa giải tại tòa án trong tố tụng dân sự… Tuy nhiên, cả hai bộ luật này đều không đưa ra được một khái niệm chung về hòa giải. Mãi đến năm 2012 khi Luật Hòa giải được thông qua và ban hành thì khái niệm hòa giải mới được giải thích một cách rõ ràng. Điều 1 Đạo luật này quy định: “hòa giải là một quá trình bí mật và có cấu trúc, trong đó các bên cố gắng, trên cơ sở tự nguyện và tự chủ, đạt được một giải pháp hòa giải về xung đột của họ với sự hỗ trợ của một hoặc nhiều hòa giải viên”.[2] Trong đó, hòa giải viên là một người độc lập và vô tư, không có quyền ra quyết định, người hướng dẫn các bên thông qua quá trình hòa giải, còn các bên tham gia hòa giải chính là người phạm tội và nạn nhân.
1.2. Đối tượng áp dụng
Điều 46a BLHS Đức quy định Tòa án có thể xem xét để giảm nhẹ TNHS cho người phạm tội hoặc miễn TNHS nếu hình phạt phải chịu ít hơn một năm tù hoặc phạt tiền dưới 360 đơn vị thu nhập ngày,[3] đối với một trong hai trường hợp sau: (1) người phạm tội đã cố gắng để đạt được sự hòa giải với người bị hại và đã bồi thường đầy đủ hoặc phần lớn về hành vi phạm tội của mình, hoặc đã cố gắng bồi thường một cách nghiêm túc; (2) người phạm tội đã bồi thường đầy đủ hoặc phần lớn cho người bị hại theo yêu cầu hoặc do sự tự nguyện của cá nhân người phạm tội.
Ngoài ra, khi quy định những nguyên tắc kết án, khoản 2 Điều 46 BLHS Đức yêu cầu Tòa án luôn phải xem xét những tình tiết có lợi cho người phạm tội trước khi kết án. Một trong những tình tiết đó là sự cố gắng của người phạm tội trong việc hướng đến hòa giải với nạn nhân. Điều 155a BLTTHS Đức cũng quy định Tòa án và cơ quan công tố phải xem xét để áp dụng hòa giải trong mọi giai đoạn của quá trình TTHS.
Từ những quy định trên cho thấy các điều luật gần như không hề giới hạn đối tượng được áp dụng hòa giải. Miễn là người phạm tội thỏa mãn những điều kiện cần thiết thì sẽ được xem xét để áp dụng hòa giải, không phân biệt người phạm tội là người chưa thành niên hay đã thành niên, hành vi phạm tội là ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
1.3. Điều kiện áp dụng
Cả BLHS và BLTTHS Đức đều không quy định cụ thể những điều kiện để áp dụng hòa giải. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 46 và Điều 46a BLHS Đức thì một nội dung mà Tòa án luôn phải xem xét khi áp dụng hòa giải chính là sự cố gắng của người phạm tội trong việc hòa giải với nạn nhân. Quy định này cũng đã gián tiếp cho thấy một điều kiện bắt buộc để có thể áp dụng hòa giải đó chính là sự chủ động hòa giải từ phía người phạm tội. Bên cạnh đó, Điều 155a BLTTHS Đức còn quy định rằng việc hòa giải sẽ không được chấp nhận nếu đi ngược lại với ý chí của người bị hại.
Như vậy, từ những quy định trên cho thấy hòa giải chỉ có thể được xem xét để áp dụng khi thỏa mãn hai điều kiện sau: (1) sự chủ động tham gia hòa giải của người phạm tội; (2) sự đồng ý tham gia hòa giải của người bị hại.
1.4. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng
Thẩm quyền áp dụng biện pháp hòa giải thuộc về Tòa án và cơ quan công tố. Theo quy định tại Điều 155a, trong trường hợp một vụ án đã đạt đủ những điều kiện để áp dụng hòa giải thì tòa án và cơ quan công tố có trách nhiệm phải chuyển những vụ án thích hợp đi hòa giải, phải thông báo cho nạn nhân và người bị hại biết về khả năng được áp dụng hòa giải của họ.
– Trường hợp hòa giải trước khi khởi tố
Khoản 1 Điều 153a BLTTHS Đức quy định cơ quan công tố có thể miễn truy tố đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng[4] với sự đồng ý của Tòa án và người phạm tội, đồng thời ra quyết định áp dụng hòa giải đối với người phạm tội. Thời hạn áp dụng hòa giải sẽ do cơ quan công tố quyết định trong phạm vi tối đa là 6 tháng. Cơ quan công tố cũng có quyền hủy bỏ quyết định áp dụng hòa giải, thay đổi nội dung hòa giải với sự đồng ý của người phạm tội và gia hạn áp dụng hòa giải một lần duy nhất với thời gian tối đa là 3 tháng. Nếu người phạm tội hòa giải thành công, thì tội phạm sẽ không bị truy tố. Nếu người phạm tội không hòa giải thành công, anh ta sẽ không được đền bù bất cứ điều gì liên quan đến việc thực hiện hòa giải.
Khoản 2 Điều 45 Luật Tòa án người chưa thành niên Đức năm 1974 cũng quy định cơ quan công tố có thể miễn xem xét để truy tố nếu người phạm tội chưa thành niên cố gắng hòa giải với nạn nhân. Thủ tục áp dụng cũng tương tự như đối với người phạm tội đã thành niên.
– Trường hợp hòa giải sau khi khởi tố
Khoản 2 Điều 153a BLTTHS Đức quy định Tòa án, với sự đồng ý của cơ quan công tố và bị can, có thể tạm đình chỉ thủ tục tố tụng cho đến khi kết thúc phiên xử chính mà ở đó các tình tiết sẽ được kiểm tra lần cuối, đồng thời ra quyết định áp dụng hòa giải đối với người phạm tội. Thời hạn tạm đình chỉ sẽ tương đương với thời hạn áp dụng hòa giải theo quy định tại khoản 1.
Ngoài ra, để phục vụ mục đích của việc hòa giải, Điều 155b còn quy định cơ quan công tố và Tòa án có thể chuyển toàn bộ thông tin, dữ liệu cá nhân cần thiết của vụ án cho các bên thực hiện hòa giải (chẳng hạn như hòa giải viên).
Khoản 1 Điều 47 Luật Tòa án người chưa thành niên Đức năm 1974 cũng quy định Tòa án có thể xem xét tạm đình chỉ thủ tục tố tụng, với sự đồng ý của cơ quan công tố, nếu người phạm tội chưa thành niên cố gắng hòa giải với nạn nhân. Thủ tục áp dụng cũng tương tự như đối với người phạm tội đã thành niên.
Như vậy, hòa giải ở Đức có thể được áp dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng hình sự. Tòa án và cơ quan công tố có thể xem xét áp dụng hòa giải trước khi khởi tố như là một hình thức xử lý chuyển hướng, hoặc ngay sau khi khởi tố. Người phạm tội có thể được xem xét để áp dụng hòa giải từ trước khi bị bắt để thay thế việc giam giữ, hoặc ngay trong quá trình giam giữ nếu họ sẵn sàng hòa giải với người bị hại.
2. Chế định hòa giải ở Việt Nam
Hòa giải tại cộng đồng là một trong những biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp họ được miễn TNHS, được quy định tại Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 428 BLTTHS năm 2015. Đây là một quy định mới của pháp luật hình sự nước ta, hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế cũng như thể hiện sự tiến bộ, nhân văn, mang tính giáo dục trong nguyên tắc xử lý TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, chính vì hòa giải tại cộng đồng là một quy định mới nên không khó tránh khỏi một số thiếu sót, gây khó khăn về mặt thực tiễn áp dụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
2.1. Đối tượng áp dụng
Căn cứ theo quy định tại Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì biện pháp hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của BLHS.
Nhóm đối tượng áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có phần tương đồng với nhóm đối tượng áp dụng biện pháp khiển trách về độ tuổi.[5] Tuy nhiên, nếu xét về phạm vi thì nhóm đối tượng này rộng hơn vì áp dụng cả đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu như biện pháp khiển trách chỉ áp dụng đối với người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng thì biện pháp hòa giải tại cộng đồng không phân biệt phạm tội lần đầu hay không, mà chỉ cần phạm tội ít nghiêm trọng là được.
2.2. Điều kiện áp dụng
Hòa giải tại cộng đồng là một trong ba biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn TNHS quy định tại Chương XII của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do đó, để được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, trước tiên người được áp dụng phải thỏa mãn điều kiện áp dụng chung của các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Điều 92 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng quy định tại Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo quy định của hai điều luật trên thì người phạm tội có thể được xem xét để được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng khi thỏa mãn những điều kiện sau: (1) người phạm tội được miễn TNHS; (2) người phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng; (3) người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.
2.3. Thẩm quyền áp dụng
Tùy thuộc vào vụ án được giải quyết đến giai đoạn tố tụng nào mà thẩm quyền áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thuộc về cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 428 BLTTHS năm 2015 thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử có quyền quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của BLHS. Ngoài ra, khoản 2 Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS.
2.4. Thủ tục áp dụng
Thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 428 BLTTHS năm 2015. Theo điểm g khoản 5 Điều 428 khi kết thúc hòa giải, người bị hại, người đại diện của họ có thể đề nghị miễn TNHS cho người phạm tội. Điều này gián tiếp cho thấy biện pháp hòa giải tại cộng đồng được áp dụng trước khi người phạm tội được miễn TNHS. Trong khi đó, khoản 2 Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) lại quy định việc hòa giải tại cộng đồng chỉ được tổ chức thực hiện khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS. Như vậy, quy định giữa hai điều luật vẫn còn chưa thống nhất.
Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 cũng chưa quy định rõ về thời hạn áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, cách thức xử lý tiếp theo trong trường hợp hòa giải không thành công hoặc các bên không thực hiện, thực hiện không đúng những thỏa thuận đạt được khi kết thúc hòa giải.
3. Nhận xét
Trên cơ sở nghiên cứu những quy định của CHLB Đức về hòa giải cũng như đối chiếu so sánh với những quy định của pháp luật Việt Nam, tác giả xin rút ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, ở Đức, chế định hòa giải có thể được xem xét để áp dụng cho cả người chưa thành niên lẫn người đã thành niên phạm tội. Các nhà làm luật ở Đức cũng không hề giới hạn phạm vi áp dụng hòa giải, chế định này có thể được áp dụng cho gần như tất cả mọi hành vi phạm tội, kể cả những tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hòa giải tại cộng đồng chỉ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp nhất định. Điều này cho thấy Việt Nam còn khá khắt khe và e dè trong việc quy định đối tượng áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
Thứ hai, về điều kiện áp dụng, pháp luật Việt Nam và Đức đều có điểm chung khi quy định điều kiện bắt buộc để áp dụng hòa giải là phải có được sự đồng ý của cả hai phía người phạm tội lẫn người bị hại. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 92 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người phạm tội chỉ được áp dụng hòa giải khi đã được miễn TNHS. Quy định này có phần trái ngược với quy định của Đức vì BLHS của Đức quy định hòa giải là một điều kiện để người phạm tội có thể được miễn hoặc giảm TNHS.
Thứ ba, về thẩm quyền áp dụng, có thể thấy rằng ở Đức cảnh sát hoàn toàn không có quyền áp dụng hòa giải, bởi theo quy định của Đức thì chỉ có Tòa án và cơ quan công tố mới có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Trong khi đó ở Việt Nam, thẩm quyền áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thuộc về cả cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lẫn Tòa án.
Thứ tư, về thủ tục áp dụng, ở Đức, hòa giải có thể được xem xét để áp dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng hình sự, ngay tại phiên tòa xét xử hoặc sau khi kết án. Ở Việt Nam, biện pháp hòa giải tại cộng đồng chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp người phạm tội đã được miễn TNHS khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Điều đó đồng nghĩa với việc hòa giải tại cộng đồng chỉ có thể áp dụng sau khi đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Bên cạnh đó, BLTTHS Đức còn quy định cụ thể thời hạn áp dụng và gia hạn hòa giải, trong khi các nhà làm luật ở Việt Nam vẫn chưa đề cập nội dung này.
4. Kiến nghị
Trên cơ sở những vấn đề đã được phân tích và đánh giá, để hoàn thiện hơn nữa nội dung quy định về biện pháp hòa giải tại cộng đồng, tác giả mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, xem xét xóa bỏ điều kiện miễn TNHS khi áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng cho người dưới 18 tuổi. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì kết quả của việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng sẽ là một căn cứ để xem xét việc người phạm tội có được miễn TNHS hay không. Người phạm tội chỉ được miễn TNHS khi hòa giải thành công và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại đề nghị miễn TNHS. Trong trường hợp đã áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng nhưng nếu kết quả hòa giải không thành công thì người phạm tội cũng sẽ không được xem xét để miễn TNHS. Việc xóa bỏ điều kiện này cũng giải quyết được sự thiếu thống nhất trong nội dung của Điều 428 BLTTHS năm 2015 và Điều 94 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như đã phân tích ở trên. Do đó, chỉ cần quy định việc hòa giải tại cộng đồng sẽ được áp dụng nếu thỏa mãn hai điều kiện là có sự đồng ý của người phạm tội và sự tự nguyện hòa giải của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại.
Thứ hai, trao thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng cho Chánh án, Phó Chánh án Tòa án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Nếu như BLTTHS năm 2015 đã cho phép Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp có quyền quyết định áp dụng biện pháp này thì không có lý do gì lại không cho phép Chánh án, Phó Chánh án Tòa án được quyền áp dụng. Chẳng hạn như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu Tòa án nhận thấy có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án sẽ là những chủ thể ra quyết định áp dụng biện pháp này. Ngay cả Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng nên được trao quyền này, bởi lẽ “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng có quyền tự mình ra một số quyền quyết định tố tụng để giải quyết vụ án khi chuẩn bị xét xử”.[6]
Thứ ba, cần bổ sung những quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, chẳng hạn như về thời hạn áp dụng, cách thức xử lý trong trường hợp hòa giải không thành công, các bên không thực hiện hòa giải hoặc thực hiện không đúng những thỏa thuận đạt được khi kết thúc hòa giải. Chẳng hạn, “cần quy định rõ trong trường hợp hòa giải tại cộng đồng không đạt được thỏa thuận giữa các bên thì phải sử dụng thủ tục tố tụng truyền thống để giải quyết vụ án”.[7] Đồng thời, các nhà làm luật cũng nên quy định những cơ chế để đảm bảo thực hiện kết quả hòa giải để hạn chế những trường hợp nêu trên.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thi hành biện pháp hòa giải tại cộng đồng, để những quy định về hòa giải tại cộng đồng có thể được áp dụng một cách đúng đắn, phát huy được tính ưu việt của biện pháp này trong thực tiễn.
CHÚ THÍCH
[1] Helmut Kury, Annette Kuhlmann, “Mediation in Germany and other Western countries”, Kriminologijos studijos, No. 04, 2016, p. 12.
[2] Nguyên bản tiếng Anh: “Mediation is a confidential and structured process in which the parties strive, on a voluntary basis and autonomously, to achieve an amicable resolution of their conflict with the assistance of one or more mediators”, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_mediationsg/englisch_mediationsg.html, truy cập ngày 30/5/2019.
[3] Theo Điều 40 BLHS Đức, hình phạt tiền sẽ được tuyên theo đơn vị thu nhập ngày, được tính dựa trên thu nhập thực mà người phạm tội có hoặc lẽ ra có trung bình mỗi ngày. Mức thấp nhất của một đơn vị thu nhập ngày là một Euro và mức cao nhất là ba mươi nghìn Euro.
[4] Theo quy định tại Điều 12 BLHS Đức, tội phạm ít nghiêm trọng là các hành vi trái pháp luật với mức hình phạt thấp hơn một năm tù hoặc phạt tiền.
[5] Khoản 1 Điều 93 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[6] Lê Huỳnh Tấn Duy, “Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 06, 2017.
[7] Lê Huỳnh Tấn Duy, tlđd, tr.42.
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời