Giải quyết tranh chấp chống bán phá giá theo pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ
Tác giả: Hồ Ngọc Hiển [1] & Lê Lan Anh [2]
TÓM TẮT
Tranh chấp về chống bán phá giá là một trong những loại tranh chấp thương mại ngày càng trở nên phổ biến trong thương mại quốc tế. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tích cực tiến hành các vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu trong đó có hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều quyết định mà cơ quan có thẩm quyền về chống bán phá giá của Hoa Kỳ đưa ra đã không nhận được sự chấp thuận của các bên liên quan, gây ra các tranh chấp về cuộc điều tra chống bán phá giá. Việc giải quyết các tranh chấp về chống bán phá giá đã trở thành nhu cầu cấp thiết để các bên liên quan bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Pháp luật Hoa Kỳ cũng đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp chống bán phá giá dựa trên quy định khung của WTO. Mục tiêu của bài viết nhằm phân tích và làm rõ các phương thức giải quyết tranh chấp chống bán phá giá theo pháp luật Hoa Kỳ dựa trên các cơ sở pháp lý và qua thực tiễn áp dụng theo thủ tục giải quyết tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tòa án Hoa Kỳ, và tại WTO.
1. Phạm vi các tranh chấp chống bán phá giá
Các tranh chấp về chống bán phá giá (BPG) thường tập trung vào bốn vấn đề: thuế chống bán phá giá chính thức, biện pháp cam kết giá, biện pháp tạm thời và sự không phù hợp trong các quy định pháp luật của một thành viên với nội dung của Hiệp định chống BPG của WTO (ADA), cụ thể ở đây là sự không phù hợp trong các quy định của pháp luật chống BPG của Hoa Kỳ với nội dung của ADA.
Thứ nhất, tranh chấp về việc áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá chính thức.
Tranh chấp về thuế chống BPG là loại tranh chấp phổ biến nhất trong các tranh chấp về chống BPG tại WTO. Thuế chống BPG chính thức là một loại thuế nhập khẩu bổ sung mà chính phủ nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng nhập khẩu nước ngoài mà họ cho rằng đang được bán với giá thấp hơn giá trị thị trường hợp lý. Thuế chống BPG chính thức không thay thế cho các nghĩa vụ về thuế nhập khẩu, đồng thời, nếu được áp dụng thì nó cũng sẽ không được phép vượt quá biên độ BPG (Điều 9 của ADA). Khi bị áp thuế chống BPG chính thức, thành viên WTO có các doanh nghiệp bị áp thuế chống BPG có thể khởi kiện nếu thấy có vi phạm hoặc có đủ các căn cứ khác để khởi kiện, thì có thể kiện thành viên đã ban hành quyết định áp thuế này ra DSB hoặc lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp khác mà họ thấy phù hợp như khởi kiện lên tòa án Hoa Kỳ đối với các tranh chấp về thuế chống BPG của Hoa Kỳ. Thuế chống BPG chính thức (“definitive” hoặc “final” duties) được sử dụng để phân biệt với khoản thuế tạm thời (“provisional” duties) là một loại biện pháp tạm thời có thể được áp dụng với sản phẩm nhập khẩu trong quá trình điều tra.
Các căn cứ pháp lý được viện dẫn trong các vụ tranh chấp về thuế chống BPG chính thức có thể liên quan tới phần lớn các điều khoản của ADA bởi quyết định về việc áp thuế chống BPG là kết quả cuối cùng của cả một quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền của bên bị khiếu kiện. Tuy nhiên, theo thống kê của WTO, các điều khoản thường xuyên được bên khiếu kiện viện dẫn là các điều: Điều 1, 2, 3, 5, 6, 9, 11, 12, 18 và Phụ lục II của ADA cũng như Điều VI của GATT 19943.
Thứ hai, tranh chấp về sự chấp thuận một biện pháp cam kết giá.
Tranh chấp về sự chấp thuận một biện pháp cam kết giá được quy định tại Điều 17.4 của ADA. Căn cứ pháp lý được viện dẫn trong các vụ tranh chấp về sự chấp thuận một biện pháp cam kết giá là Điều 8 của ADA và các điều khoản khác có liên quan. Đó là các tranh chấp về quyết định chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của bên bị khiếu kiện đối với biện pháp cam kết giá đó. Trên thực tế, các tranh chấp về sự chấp thuận một biện pháp cam kết giá rất ít khi xảy ra do đây là biện pháp tự nguyện của nhà xuất khẩu, họ đã phải tính toán kỹ mức giá có thể đưa ra để cam kết nhằm loại bỏ việc có thể bán phá giá, hơn nữa biện pháp này cần phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, một khi thỏa thuận đã được thông qua thì các bên đã đi đến thống nhất. Vì vậy, trên thực tế, nếu có xảy ra tranh chấp về việc áp dụng biện pháp này thì cũng không phải là những tranh chấp riêng biệt mà thường đi kèm với tranh chấp về sự không phù hợp của pháp luật chống BPG của bên bị khiếu kiện với các điều khoản của ADA.
Thứ ba, tranh chấp về việc áp dụng các biện pháp tạm thời.
Theo quy định tại Điều 7 của ADA, các biện pháp tạm thời có thể được áp dụng bao gồm: thuế tạm thời; đặt cọc hoặc nộp đảm bảo một khoản tiền tương đương với khoản thuế chống BPG dự kiến và không được cao hơn biên độ phá giá được dự tính tạm thời; hoặc, cho thông quan nhưng bảo lưu quyền đánh thuế và nêu rõ mức thuế nhập khẩu thông thường và mức thuế chống BPG dự kiến sẽ áp dụng. Căn cứ pháp lý được viện dẫn trong các vụ tranh chấp về biện pháp tạm thời là Điều 7.1 của ADA và các điều khoản khác có liên quan. Do đó, các khiếu kiện trong các vụ tranh chấp về biện pháp tạm thời luôn là những khiếu kiện vi phạm Điều 7.1 của ADA. Tuy rằng đây không phải là loại tranh chấp về chống bán phá giá phổ biến nhất, nhưng trong một số trường hợp, các thành viên WTO vẫn lựa chọn để khởi kiện đối với loại tranh chấp này bởi vì một số lý do sau đây: Một là, bên khởi kiện muốn gây áp lực cho bên bị kiện trong việc điều tra chống bán phá giá thấy sự sẵn sàng của họ cho những khiếu kiện tiếp theo; hai là, kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá có thể là áp thuế hoặc không áp thuế chống BPG. Vì vậy, ngay khi có cơ hội, bên khởi kiện có thể tận dụng để khởi kiện ngay đối với việc áp dụng biện pháp tạm thời mà không cần phải chờ tới khi có quyết định áp thuế chống BPG chính thức. Thứ tư, tranh chấp về tính phù hợp trong các quy định pháp luật của một thành viên với nội dung của ADA.
Điều 18.4 của ADA quy định, các thành viên WTO có nghĩa vụ “… đảm bảo sự phù hợp của các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính của nước này theo các quy định trong Hiệp định chống BPG…”. Tuy nhiên, các quy định trong hệ thống pháp luật của các nước thành viên không phải lúc nào cũng phù hợp với nội dung của ADA. Khi đó, một thành viên khác của WTO có thể khởi kiện ra DSB đối với các tranh chấp về sự không phù hợp trong các quy định pháp luật của một thành viên với nội dung của ADA. Mặc dù đây không phải là loại tranh chấp về chống BPG phổ biến nhất, tuy nhiên, trong một số trường hợp, các thành viên WTO vẫn lựa chọn để khởi kiện. Lý do củ việc lựa chọn phương thức này là vì khả năng thắng kiện cao của phía nguyên đơn do họ đã có căn cứ để chứng minh có sự không phù hợp trong các quy định pháp luật của một thành viên với nội dung của ADA. Thêm vào đó, cùng với các vụ việc trước đó có liên quan, nguyên đơn có nhiều cơ hội để thuyết phục được Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm, trong trường hợp có kháng cáo, để cơ quan giải quyết tranh chấp ban hành các quyết định có lợi cho mình.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp chống bán phá giá của Hoa Kỳ
2.1. Giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút đơn khởi kiện tại DOC
Pháp luật Hoa Kỳ cho phép tại Điều 1673c Tiêu đề 19 của Bộ Tổng luật Hoa Kỳ (U.S.Code) về việc chấm dứt hoặc đình chỉ điều tra. Theo đó, một vụ kiện chống bán phá giá có thể được kết thúc khi người khởi kiện rút đơn yêu cầu hoặc nhận được thỏa thuận chấm dứt bởi DOC.
Đối với việc chấm dứt điều tra khi đơn khởi kiện được rút lại: một cuộc điều ra chống BPG có thể sẽ được kết thúc khi đơn yêu cầu được phía nguyên đơn rút lại. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ được phép nếu DOC nhận thấy rằng việc chấm dứt trên cơ sở thỏa thuận đó là vì lợi ích công cộng. Theo đó, DOC sẽ dựa trên tác động tương đối đối với giá tiêu dùng và sự sẵn có của nguồn cung cấp hàng hóa mà xem xét tác động của thỏa thuận chấm dứt vụ kiện. Các tác động có thể là: tác động đến lợi ích kinh tế quốc tế của Hoa Kỳ; và tác động tương đối đến khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.
Để đưa ra quyết định có nên chấm dứt điều tra sau khi nhận được yêu cầu xin rút lại đơn khởi kiện hay không, DOC sẽ, trong phạm vi có thể, tham khảo ý kiến của các ngành tiêu dùng có khả năng bị ảnh hưởng; các nhà sản xuất (bao gồm các nhà sản xuất và công nhân không tham gia cuộc điều tra, thỏa mãn những điều kiện nhất định) và công nhân có khả năng bị ảnh hưởng trong ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.
Pháp luật quy định trình tự thủ tục đối với việc chấm dứt điều tra theo thỏa thuận đình chỉ được quy định tại Điều 351.208 của Đạo luật 19 CFR4 về Đình chỉ điều tra: DOC sẽ tiến hành một thoả thuận với nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài tự nguyện cam kết tăng giá lên hoặc ngừng/hạn chế khối lượng xuất khẩu vào nước nhập khẩu (ký cam kết về giá) điều tra chống BPG sẽ được chấm dứt với thủ tục rút đơn kiện trong hai trường hợp sau đây:
Một là, nguyên đơn rút đơn khởi kiện theo quy định tại điều 734 (a) (1) (A) Đạo luật thuế quan 19305 với điều kiện DOC kết luận rằng việc chấm dứt là vì lợi ích công cộng. Việc chấm dứt điều tra này sẽ được công bố trong Thông báo liên bang về “Chấm dứt Điều tra chống BPG”, cùng với một bản sao của bất kỳ thư từ nào với người khởi kiện làm cơ sở cho việc rút lại đơn.
Hai là, rút đơn khởi kiện trên cơ sở chấp nhận các thỏa thuận hạn chế định lượng. Ngoài các yêu cầu phía trên, nếu việc chấm dứt dựa trên sự chấp nhận của một thỏa thuận khác để hạn chế khối lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, DOC sẽ áp dụng các quy định tại Điều 704 (a) (2) hoặc Điều 734 (a) (2) của 19 CFR § 351.102 (tùy theo điều kiện nào áp dụng) liên quan đến lợi ích cộng đồng và tham vấn với các ngành công nghiệp tiêu thụ, nhà sản xuất và người lao động.
Như vậy, pháp luật chống BPG của Hoa Kỳ đã có những quy định rất cụ thể trong trường hợp vụ điều tra chống BPG được chấm dứt theo thủ tục rút đơn kiện. Những quy định này thể hiện tính linh hoạt của pháp luật khi cho phép bên nguyên có thể rút lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, việc rút đơn đó phải đi kèm với những điều kiện bắt buộc nhất định. Quyền quyết định cuối cùng về việc liệu đơn kiện có được phép rút hay không thuộc về DOC.
Vụ việc số 731TA1178 điều tra chống BPG đối với glyphosate nhập khẩu từ Trung Quốc đã được chấm dứt vào ngày 29/4/2010, khi người khởi kiện trong vụ kiện này rút đơn khởi kiện6. Một trong những vụ điều tra chống BPG do phía Hoa Kỳ khởi xướng và cũng được chấm dứt do bên nguyên rút đơn, trong đó Việt Nam tham gia với tư cách là một trong những bị đơn bắt buộc, đó là vụ điều tra chống BPG của Hoa Kỳ đối với việc nhập khẩu xơ staple polyester từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam vào năm 2017. Vào ngày 23/7/2017, DOC đã thông báo dừng cuộc điều tra do phía nguyên đơn Hoa Kỳ rút đơn kiện7. Tuy nhiên, việc rút đơn kiện chỉ dành cho Việt Nam, cuộc điều tra vẫn được tiếp tục với các bị đơn còn lại. Đây cũng là vụ việc chống BPG duy nhất cho đến nay giữa Hoa Kỳ với Việt Nam được kết thúc bằng thỏa thuận rút đơn kiện.
Một vụ kiện chống BPG có trình tự, thủ tục và các vấn đề liên quan được thực hiện gần giống như trình tự tố tụng xử lý một vụ kiện tại Toà án nên thủ tục này còn được xem là “thủ tục bán tư pháp” do cơ quan “bán tư pháp” thực hiện8. Ngoài việc có thể chấm dứt vụ kiện theo thủ tục rút đơn kiện tại DOC, các bên còn có thể kiện ra Toà án Hoa Kỳ (lúc này, vụ việc xử lý tại Toà án thực sự là một thủ tục tố tụng tư pháp).
2.2. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án Hoa Kỳ
Nếu phía bị đơn là công ty nước ngoài không đồng ý với quyết định của DOC về kết quả của vụ kiện chống bán phá giá, họ có thể kháng kiện lên Tòa án Hoa Kỳ hoặc kháng kiện lên WTO. Về mặt kỹ thuật, việc kháng kiện sẽ được khởi xướng bởi chính phủ của nước xuất khẩu có sản phẩm bị điều tra chống BPG tại Hoa Kỳ chứ không phải là công ty xuất khẩu.
Một số tranh chấp về các quyết định chống BPG của các cơ quan có thẩm quyền tạo ra vai trò giải quyết tiếp theo cho các Tòa án Hoa Kỳ. Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ CAFC, được thành lập vào năm 19829, có thẩm quyền giải quyết các kháng nghị từ quyết định cuối cùng của Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ10. Đến lượt mình, Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyết định chống BPG của DOC và ITC11.
Theo số liệu thống kê kết quả hoạt động của các tòa án Hoa Kỳ trong 3 năm gần đây việc kháng cáo các quyết định cuối cùng của DOC liên quan đến chống BPG đối với hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong năm 2017 có 170 trường hợp; năm 2018 có 135 trường hợp; và năm 2019 đã có 132 trường hợp được đệ trình theo Điều 1581 (c) 28 U.S.Code lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ12. Tuy nhiên, đây vẫn là những con số không nhỏ, cho thấy đây là một cơ chế giải quyết tranh chấp được nhiều quốc gia lựa chọn kháng kiện các quyết định cuối cùng của DOC. Các kháng kiện lên CIT không chỉ là về mức thuế chống BPG của cùng mà DOC đưa ra mà còn là về hiệu lực đối với các phán quyết này.
Trong vụ kiện cá tra, basa Việt Nam, việc DOC đột ngột thay đổi quyết định lựa chọn quốc gia thứ ba thay thế trong đợt rà soát hành chính lần thứ 8 và 9 (POR8, POR9) đã khiến cho mức thuế suất mà các bị đơn bắt buộc của phía Việt Nam bị tăng lên đáng kể so với các đợt rà soát hành chính trước đó khi DOC vẫn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam. Phía Việt Nam, đại diện là VASEP đã khởi kiện lên CIT yêu cầu xem xét lại cách xác định thuế của DOC và yêu cầu DOC phải lựa chọn lại quốc gia thay thế hợp lý hơn. Về phía DOC, sau khi nhận được yêu cầu từ CIT rà soát lại cách tính thuế, DOC đã xem xét và chấp nhận rằng đã có những sai sót trong quá trình tính toán trước khi công bố kết quả cuối cùng của POR9 vào ngày 31/3/2014. Theo đó, DOC đã giảm mức thuế chống BPG cá tra đối với một bị đơn bắt buộc là Cty Vĩnh Hoàn từ 0,03 USD/kg xuống còn 0 USD/kg. Trong khi một bị đơn bắt buộc khác là Cty Hùng Vương vẫn bị giữ mức thuế là 1,2 USD/kg. Tuy nhiên, các bị đơn tự nguyện lại bị nâng thuế từ 0,42 USD/kg lên 1,2 USD/kg. Mức thuế suất chung toàn quốc vẫn là 2,11 USD/kg.
Ngày 29/6/2017, CIT đã đưa ra phán quyết cuối cùng chấp nhận kết quả điều tra lại của DOC. Tuy nhiên, Quyết định của CIT vẫn có thể bị khởi kiện lên Tòa Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ (CAFC) nếu một bên nào nhận thấy quyết định đó là không thỏa đáng, và thậm chí khi có đủ cơ sở pháp lý, CAFC có thể đảo ngược lại kết luận của CIT, ITC hay DOC. Việc đảo ngược kết quả đã đưa ra chỉ xảy ra trong hai trường hợp: (i) Khi hành động của các cơ quan đó trái với các quy định pháp luật hiện hành; (ii) Quyết định đó không thống nhất với thực tế các tài liệu thu thập được. Trên thực tế, những trường hợp này rất khó xảy ra.
2.3. Theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO
Điều 18.4 của ADA có quy định rõ, các thành viên WTO có nghĩa vụ “… [nhằm] đảm bảo sự phù hợp của các pháp luật, quy định và các thủ tục hành chính của nước này theo các qui định trong Hiệp định ADA…”. Việc áp dụng Hiệp định về chống BPG của WTO làm căn cứ để phân định tranh chấp chống BPG là đặc thù cơ bản nhất của việc giải quyết tranh chấp chống BPG theo cơ chế của WTO. Đối với các tranh chấp chống BPG của Hoa Kỳ, pháp luật chống BPG của Hoa Kỳ trên cơ sở phù hợp với ADA chính là cơ sở để các bên liên quan dùng làm căn cứ kháng kiện các vấn đề liên quan đến quá trình điều tra và quyết định áp thuế chống BPG lên hàng hóa nhập khẩu. Do đó, Hiệp định về chống BPG của WTO và pháp luật chống BPG của Hoa Kỳ là nguồn pháp luật nội dung cơ bản để giải quyết tranh chấp chống BPG giữa Hoa Kỳ và các thành viên khác của WTO.
Kể từ khi WTO ra đời cho đến nay, theo thống kê của WTO từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/7/2020, các thành viên WTO đã chuyển 597 vụ tranh chấp lên Cơ quan giải quyết tranh chấp, trong đó có 134 vụ tranh chấp chống BPG13, 55 vụ liên quan đến Hoa Kỳ. Khởi đầu là vụ tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Mexico (DS49) với yêu cầu tham vấn được đưa ra ngày 01/7/1996 liên quan tới việc Hoa Kỳ điều tra chống BPG cà chua tươi/ướp lạnh nhập khẩu từ Mexico. Vụ gần đây nhất là vụ tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga (DS586) với yêu cầu tham vấn được gửi ngày 05/07/2019, liên quan tới các biện pháp chống BPG đối với thép chất lượng carbon từ Nga.
Nhìn chung, đối với các vụ tranh chấp về chống BPG đã được giải quyết tại WTO, phần lớn trong số đó, các bên khiếu kiện đều giành được chiến thắng dù là một phần của kiến nghị. Tuy nhiên, việc thực thi quyết định của DSB trên thực tế lại diễn ra tương đối chậm. Các bên thua kiện thường tìm mọi cách để trì hoãn và kéo dài thời hạn thực hiện quyết định. Trong khi đó, Cơ quan phúc thẩm của WTO lại đang trong tình trạng không hoạt động, vì vậy càng tạo ra cơ hội cho bên thua kiện trì hoãn việc thi hành các quyết định của DSB14.
DS404 chính là vụ tranh chấp chống BPG đầu tiên của Việt Nam khởi kiện ra WTO. Vào ngày 01/02/2010, phía Chính phủ Việt Nam đã gửi đơn yêu cầu tham vấn lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) về một số biện pháp mà DOC đã áp dụng trong quá trình điều tra chống BPG đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Các khiếu nại của phía Việt Nam bao gồm: Việc sử dụng phương pháp Zeroing trong tính toán biên độ dao động BPG; giới hạn số lượng bị đơn được lựa chọn điều tra trong điều tra ban đầu và rà soát hành chính; phương thức xác định thuế suất áp dụng đối với các bị đơn tự nguyện không được lựa chọn trong điều tra tại các đợt rà soát hành chính lần thứ 2 và 3; phương pháp xác định mức thế suất toàn quốc dựa trên thông tin sẵn có gây ra bất lợi đối với những DN Việt Nam không chứng minh được sự độc lập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ với Nhà nước. Các căn cứ pháp lý để phía Chính phủ Việt Nam cho rằng các biện pháp này không phù hợp với nghĩa vụ của Hoa Kỳ, đó là: Điều I, II, VI:1 và VI:2 của Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT 1994); Một số điều khoản của Hiệp định về chống BPG; Điều XVI:4 của Hiệp định WTO; và Nghị định thư gia nhập của Việt Nam.
Trong việc giải quyết yêu cầu tham vấn về việc Hoa Kỳ đã sử dụng phương pháp “zeroing” trong tính toán biên độ phá giá, phía Việt Nam đã tận dụng được thời cơ tốt để đưa vấn đề này ra WTO, đó là việc DOC đã ra thông báo bãi bỏ việc sử dụng phương pháp zeroing trong điều tra chống BPG theo yêu cầu của WTO. Tại bản Thông báo số WT/DS294 ngày 31/10/2005 liên quan đến các quy định và phương thức tính toán biên độ phá giá “Quy về không” (Zeroing) trong điều tra chống BPG của Hoa Kỳ, DSB đã kết luận việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) không thực hiện bù trừ khi sử dụng phương pháp so sánh trung bình trong điều tra chống BPG là không phù hợp với Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá GATT 1994 và Điều 9.2 của ADA. Khi phán quyết của Ban Hội thẩm đã được thông qua vào ngày 02/9/2011, Hoa Kỳ bày tỏ ý định thực hiện các phán quyết của Hội đồng để xem xét lại việc áp dụng zeroing liên quan đến sản phẩm tôm Việt Nam, và đã đồng ý về một khoảng thời gian hợp lý là 10 tháng (đến ngày 02/7/2011) để Hoa Kỳ tuân thủ phán quyết của DSB.
Tuy nhiên trên thực tế, Hoa Kỳ đã liên tục trì hoãn, và mặc dù đã qua thời hạn chót nhưng phán quyết trong giai đoạn tham vấn này của DSB đã không được phía Hoa Kỳ thực thi. Do vụ tranh chấp không thể được giải quyết trong giai đoạn tham vấn, ngày 17/01/2013, vụ kiện DS429 đã được thiết lập khi phía Chính phủ Việt Nam gửi đơn lên DSB đề nghị thành lập Ban hội thẩm để yêu cầu phía Hoa Kỳ thực thi phán quyết. Cũng trong khoảng thời gian này, một sự kiện pháp lý xảy ra đó là việc Hoa Kỳ đã chính thức bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng phương pháp zeroing trong các giai đoạn điều tra và trong quy trình rà soát thuế chống BPG. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đối với những vụ kiện có kết luận sơ bộ kể từ sau ngày 16/4/2012. Do đó, vụ kiện DS404 và DS429 vẫn phải cần đến kết luận của WTO.
Cho đến ngày 22/7/2016, WTO mới ban hành Thỏa thuận chung chấm dứt vụ việc sau khi phía Việt Nam rút đơn yêu cầu và hai bên đã đạt được thỏa thuận chung vào ngày 18/7/2016, nhưng đây là tranh chấp đầu tiên của phía Việt Nam chống lại các quyết định trong điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ trước DSB của WTO và giành chiến thắng (chỉ trừ khiếu kiện về việc Hoa Kỳ hạn chế số lượng bị đơn bắt buộc)15. Tuy nhiên nhìn chung, những kết quả này đã cho thấy Việt Nam đã nắm bắt được đúng thời điểm và chọn đúng vấn đề để trình lên WTO bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Kết luận
Như vậy, có ba phương thức chính để các bên liên quan trong vụ kiện chống BPG của Hoa Kỳ có thể áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các kết luận điều tra của Cơ quan chống BPG của Hoa Kỳ. Việc lựa chọn phương thức giải quyết nào cho phù hợp sẽ tùy thuộc vào tính chất và mức độ của các tranh chấp. Bộ máy chống BPG của Hoa Kỳ dù phức tạp, có thiên hướng bảo vệ hàng nội địa thì cũng không phải không có khả năng thắng kiện hay hạn chế tối đa thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngoại quốc. Vì thế, việc sẵn sàng tham gia vụ kiện và lựa chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu khi bị Hoa Kỳ điều tra chống BPG là bài học cần được các doanh nghiệp của Việt Nam coi trọng và làm việc một cách nghiêm túc trong việc đối mặt với các tranh chấp thương mại xảy ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Học viện Khoa học xã hội.
- Thạc sỹ, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ.
- https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_agreements_index_e.htm, truy cập ngày 06/12/2020.
- 19 CFR: Code of Federal Regulations (Bộ pháp điển gồm các quy định của các cơ quan hành pháp liên bang).
- 19 CFR § 351.102.
- United States of America: Antidumping investigation of glyphosate imported from China, https://www.globaltradealert.org/intervention/14782/antidumping/unitedstatesofamericaantidumping investigationofglyphosateimportedfromchina, truy cập ngày 08/11/2020.
- Department of Commerce, Fine Denier Polyester Staple Fiber From the Socialist Republic of Vietnam: Termination of LessThanFairValue Investigation, Federal Register / Vol. 82, No. 138 / Thursday, July 20, 2017/ Notices.
- Alan Rugman, Andrew D. M. Anderson (1987), Administered Protection in America, Routledge, page 44.
- Federal Courts Improvement Act of 1982, Pub. L. No. 97164, 96 Stat. 25 (1982) (creating the U.S. Court of Appeals for the Federal Circuit and detailing the court’s structure).
- 28 U.S.Code. § 1295(a)(5) (2006).
- 28 U.S.Code. 1581 (a).
- United States Courts, Judicial Business of the United States Courts, https://www.uscourts.gov/statistics reports/analysisreports/judicialbusinessunitedstatescourts, truy cập ngày 9/11/2020.
- https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_agreements_index_e.htm?id=A6, truy cập ngày 25/9/2019.
- Hội Luật quốc tế Việt Nam, Hội thảo Cải cách WTO: Các vấn đề pháp lý và tác động đối với Việt Nam, Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2020.
- Nguyễn Thị Thu Hiền (2014), Giải quyết tranh chấp về chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO và sự tham gia của các nước đang phát triển và Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội, tr. 117.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Department of Commerce, Fine Denier Polyester Staple Fiber From the Socialist Republic of Vietnam: Termination of Less ThanFairValue Investigation, Federal Register/ Vol. 82, No. 138 / Thursday, July 20, 2017 / Notices.
- Hội Luật quốc tế Việt Nam, Hội thảo Cải cách WTO: Các vấn đề pháp lý và tác động đối với Việt Nam, Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2020.
- Nguyễn Thị Thu Hiền (2014), Giải quyết tranh chấp về chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO và sự tham gia của các nước đang phát triển và Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội.
- Rugman, A., & Anderson A. D. M. (1987). Administered Protection in America, Routledge.
- Federal Courts Improvement Act of 1982, Pub. L. No. 97164, 96 Stat. 25 (1982).
- United States Courts, Judicial Business of the United States Courts, https://www.uscourts.gov/ statisticsreports/analysisreports/judicial businessunitedstatescourts.
- United States of America: Antidumping investigation of glyphosate imported from China, https://www.globaltradealert.org/intervention/14 782/antidumping/unitedstatesofamerica antidumpinginvestigationofglyphosate importedfromchina.
- Vasep, Thông cáo báo chí, https://trungtamwto.vn/tintuc/4687thongcao baochiphandoimucthuetrongquyetdinh sobopor9cuadocdoivoicatraxuatkhau h t t p s : / / w w w . w t o . o r g / english/tratop_e/dispu_e/dispu_agreements_inde x_e.htm?id=A6, 19 CFR: Code of Federal Regulations, 28 U.S.Code. § 1295(a)(5) (2006), https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/di s p u _ a g r e e m e n t s _ i n d e x _ e . h t m , https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/ca ses_e/ds324_e.htm.
Trả lời