Bàn về nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự theo Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ[1]
Tác giả: Đặng Quang Huy [2]
TÓM TẮT
Nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự là một trong những nghĩa vụ cơ bản khi đương sự khởi kiện và tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án. Trong các hệ thống pháp luật khác nhau, nghĩa vụ chứng minh và mức độ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự có sự khác biệt. Bài viết tập trung nghiên cứu và làm rõ nghĩa vụ chứng minh và các mức độ chứng minhcủa đương sự trong tố tụng dân sự theohệ thống pháp luật Anh – Mỹ, so sánh với pháp luật một số quốc gia khác và từ đó đưa ra những bình luận việc thực hiện các mức độ chứng minh trong hệ thống này.
Trên thế giới tồn tại hai hệ thống pháp luật chính đó là hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (hay còn gọi là Common law) và hệ thống pháp luật dân sự (hay còn gọi là Civil law). Tương ứng với hai hệ thống này là hai mô hình thủ tục tố tụng khác nhau, đó là thủ tục tố tụng tranh tụng và thủ tục tố tụng xét hỏi – thẩm vấn.
Thủ tục tố tụng tranh tụng hay xét hỏi sẽ ảnh hưởng đến việc quy định của pháp luật về nguyên tắc, phương pháp, nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự. Có thể thấy, mặc dù hai loại thủ tục tố tụng tranh tụng hay xét hỏi đều có những điểm khác biệt, đặc trưng của từng loại thủ tục nhưng lại có một số quan điểm thống nhất khi quy định nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ thuộc về bên đưa ra yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu.
Như vậy, cả hai hệ thống pháp luật này đều có điểm thống nhất khi quy định trong tố tụng dân sự, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu yêu cầu của mình. Tuy nhiên, theo hệ thống Luật Anh – Mỹ, các vấn đề về chứng cứ và chứng minh được quy định trong một đạo luật riêng gọi là Bộ luật chứng cứ, ví dụ Bộ luật Federal Rules of Evidence của Mỹquy định rõ thế nào là chứng cứ, việc thẩm tra, thu thập, đánh giá chứng cứ… Còn hầu hết các nước theo hệ thống Luật dân sự (như CHLB Đức, CHLB Nga Pháp…), vấn đề chứng minh và chứng cứ được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự3.
Chứng minh trong tố tụng dân sự là một quá trình gồm thu thập, cung cấp, sử dụng chứng cứ nhằm làm sáng tỏ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế các yêu cầu, phản đối yêu cầu của các bên trong vụ án dân sự. Mỗi một chủ thể tham gia vào quá trình này có những quyền và nghĩa vụ riêng biệt, tùy thuộc vào vị trí tố tụng của họ. Khái niệm nghĩa vụ chứng minh được hình hành nhằm xác định bổn phận phải gánh vác của một chủ thể trong việc chứng tỏ hoặc phản bác một vấn đề trong vụ án4.
“Burden of Proof” – nghĩa vụ chứng minh, là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong các công trình nghiên cứu khoa học về chứng minh và chứng cứ trong pháp luật tố tụng dân sự của các quốc gia trên thế giới. “Burden of proof” là nghĩa vụ của một bên trong việc chứng minh một khẳng định hoặc yêu cầu. Nghĩa vụ chứng minh sẽ bao gồm nghĩa vụ về việc cung cấp các chứng cứ (burden of production) để chứng minh cho yêu cầu của mình và nghĩa vụ thuyết phục (burden of persuasion).
1. Về nghĩa vụ thuyết phục (burden of persuasion)
Nguyên đơn có bổn phận chứng minh cho giả thuyết của mình đưa ra là có cơ sở (trong tiếng La Tinh có nghĩa là Actori incumbit onus probandi)5. Trường hợp nguyên đơn không thuyết phục được tòa án về tính có căn cứ của yêu cầu, yêu cầu sẽ bị bác bỏ và việc phản đối hay từ chối yêu cầu không cần thiết phải chứng minh.
Đây là nghĩa vụ được ấn định cho bên có yêu cầu (người đưa ra yêu cầu) và không thể chuyển cho bên kia. Chủ thể mang nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu sẽ thua kiện nếu anh ta không thực hiện được việc chứng minh của mình. Việc chứng minh, trong trường hợp này là ngoài việc xuất trình các chứng cứ cần thiết để khẳng định sự thật, người đặt ra yêu cầu (giả thuyết phải chứng minh) còn phải lập luận viện dẫn các tình tiết thực tế, logic và pháp lý cho các yêu cầu đó. Sau khi các đương sự đã thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, họ có trách nhiệm thuyết phục rằng chứng cứ đã cung cấp giao nộp đủ để thuyết phục Tòa án rằng những lý lẽ họ đưa ra là chính xác. Do đó, cụm từ persuasion nghĩa là thuyết phục ở đây được hiểu là thuyết phục Tòa án, Bồi thẩm đoàn nghe theo những lý lẽ mà mình đưa ra. Một số quan điểm cho rằng trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, “nghĩa vụ thuyết phục” (burden of persuasion) khi được dùng tương đương “nghĩa vụ chứng minh” (burden of proof).
Cụ thể tại Điều 301(Rule 301) của Bộ luật Liên bang về chứng cứ của Mỹ (Federal Rule of Evidence) quy định: “Trong một vụ án dân sự, trừ khi một quy chế liên bang hoặc các quy tắc này quy định khác, bên chống lại một giả định được chỉ định có trách nhiệm đưa ra chứng cứ để bác bỏ giả định. Những quy tắc này không thay đổi nghĩa vụ chứng minh, vốn vẫn thuộc về bên đã có nó ban đầu”6.
2. Về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ (burden of production)
Đây là nghĩa vụ chung của các bên đương sự trong tố tụng dân sự, các đương sự khi tham gia tố tụng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án để làm cơ sở cho yêu cầu, phản đối yêu cầu của mình. Ví dụ như A khởi kiện B yêu cầu Tòa án buộc B phải trả cho mình số tiền theo hợp đồng vay. A có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ cho Tòa án để chứng minh giữa A và B đã có giao kết theo hợp đồng vay và số tiền đúng như số tiền A đang yêu cầu. B khi không đồng tình với yêu cầu bất lợi hướng đến mình được quyền phản kháng lại và khi đó B có nghĩa vụ phải cung cấp các chứng cứ để phản bác yêu cầu của nguyên đơn như B cho rằng tổng số nợ không như yêu cầu của nguyên đơn bằng cách đưa ra các chứng từ thanh toán, hoặc liên quan đến một chứng cứ như trong trường hợp một bên đề xuất giám định một chứng cứ. Về bản chất, nghĩa vụ xuất trình chứng cứ là bước đầu để sau đó có thể thực hiện nghĩa vụ thuyết phục.
Trong một vụ án dân sự, khi một bên đã xuất trình đủ các chứng cứ cần thiết cho các yêu cầu của mình, thì bên kia sẽ được đặt trong trạng thái phải chống đỡ. Bị đơn muốn bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn phải đưa ra các chứng cứ để bác bỏ nó – tức là nghĩa vụ xuất trình chứng cứ đã được chuyển sang bị đơn. Nếu bị đơn không đưa ra được chứng cứ cần thiết, các chứng cứ do nguyên đơn đưa ra sẽ được thừa nhận là xác thực và yêu cầu của họ sẽ được chấp nhận. Những hoài nghi có tính chất cá nhân của bị đơn không thể coi là một sự phản chứng nếu họ không đưa ra được chứng cứ7.
Có thể hiểu rằng, nguyên đơn chứng minh trước, sau đó, nghĩa vụ chứng minh được “chuyển” cho bị đơn. Cụ thể, sau khi nguyên đơn đã thực hiện nghĩa vụ chứng minh, nếu bị đơn lại phản bác và đã chứng minh cho những phản bác của mình thì nghĩa vụ xuất trình chứng cứ lại được chuyển lại cho nguyên đơn để thực hiện việc bảo vệ. Chứng minh tại Tòa án là một quá trình gồm hàng loạt các việc “chuyển” như vậy cho đến khi không bên nào còn có thể bác bỏ hay đề xuất gì thêm.
3. Về mức độ thực hiện nghĩa vụ chứng minh (standard of proof)
Nghĩa vụ chứng minh của đương sự sẽ được coi là hoàn thành chỉ đến khi bên có nghĩa vụ thuyết phục được Tòa án tin tưởng rằng giả thuyết đó là đúng. Đương sự sẽ thuyết phục bằng những chứng cứ cụ thể, những lập luận phù hợp với các quy luật logic được thừa nhận chung và những viện dẫn các quy định của pháp luật một cách rõ ràng. Theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sựcó hai mức độ chứng minh: có chứng cứ rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence) và tính ưu thế của chứng cứ (preponderance of evidence).
Một là, chứng cứ rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence).
Theo án lệ của Tòa án tối cao ở Colorado 467 U.S 310 (1984) thì chứng cứ rõ ràng và thuyết phục được hiểu là “chứng cứ có nhiều khả năng đúng và thực chất hơn là không đúng sự thật”8.
Chứng cứ rõ ràng và thuyết phục có nghĩa là chứng cứ mà một bên đưa ra trong quá trình xét xử phải có khả năng đúng và về cơ bản cao hơn là không đúng và người kiểm tra thực tế phải có niềm tin hoặc sự tin chắc vào thực tế của nó. Trong mức độ chứng minh này, mức độ đáng tin cậy phải được đáp ứng nhiều hơn so với mức độ ưu thế của chứng cứ (preponderance of the evidence). Mức độ này còn được gọi là “chứng cứ rõ ràng, thuyết phục và thỏa đáng”; “chứng cứ rõ ràng, nhận thức và thuyết phục”. Mức độ này được áp dụng khi chứng minh trong một số vụ án dân sự tại một số Bang của Mỹ còn theo quy định của pháp luật Anh không ghi nhận mức độ này và dẫn tới việc ở Anh chỉ ghi nhận mức độ ưu thế chứng cứ (preponderance of the evidence)9.Mức độ chứng minh này được sử dụng trong nhiều các vụ việc liên quan đến các vụ việc hôn nhân và gia đình như xác định quan hệ quan hệ cha con, quyền nuôi con, hay trong các tranh chấp về thừa kế và di chúc.
Hai là, tính ưu thế của chứng cứ (preponderance of the evidence).
Đây là mức thấp nhất của nghĩa vụ chứng minh. Nó thường được áp dụng trong các vụ việc về gia đình, chẳng hạn trong vụ tranh chấp quyền nuôi con, bên nào chứng minh mình có điều kiện tốt hơn bên kia trong việc chăm sóc đứa trẻ sẽ giành chiến thắng, kể cả trong trường hợp người thắng kiện có điều kiện cũng rất thiếu thốn về vật chất, dù là tốt hơn bên kia. Trong những vụ kiện như thế này, người có nghĩa vụ chứng minh được giải phóng khỏi nghĩa vụ này khi họ chứng minh được lợi thế của mình.
Trong các vụ án dân sự, nguyên đơn (người đưa ra yêu cầu) thường phải gánh chịu nghĩa vụ chứng minh để khẳng định các yêu cầu của mình là có cơ sở, có thật và hợp pháp. Tuy vậy, trong mô hình tố tụng xét hỏi – thẩm vấn, nguyên đơn dân sự cũng chỉ phải chứng minh mình bị tranh chấp, xâm hại, việc quyết định đúng sai và trách nhiệm dân sự tương ứng phụ thuộc vào việc xác minh sự thật vụ án của tòa án.
Người đưa ra yêu cầu sẽ có nghĩa vụ chứng minh rằng anh ta có lợi thế về chứng cứ “preponderance of the evidence” hơn so với đương sự còn lại. Ưu thế về chứng cứ là một loại tiêu chuẩn chứng minh dựa trên việc phân tích nghĩa vụ chứng minh. Đương sự còn lại nếu muốn phản đối lại yêu cầu bất lợi hướng tới mình cũng phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Các bên khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh sẽ được chấp nhận khi thuyết phục được Tòa án rằng có nhiều hơn 50% khả năng về những “claim” (yêu cầu) mà họ đưa ra là chính xác10. Thông thường, khi kết thúc tranh tụng, tòa sẽ xử cho bên thực hiện được việc chứng minh cho yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu của mình dựa trên chứng cứ có ưu thế hơn so với bên còn lại.
Tác giả cho rằng, tiêu chuẩn về nghĩa vụ chứng minh trong các vụ án dân sự thấp hơn các vụ án về hình sự do tính chất của nó. Nếu trong vụ án hình sự, mức độ chứng minh của bên công tố phải đạt được đó là mức“không còn nghi ngờ hợp lý” (beyond reasonable doubt) thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu của bên công tố về hành vi phạm tội của bị cáo. Mức độ chứng minh này có nghĩa là bên có yêu cầu phải hoàn toàn chắc chắn và thuyết phục được Tòa án hoàn toàn vào yêu cầu của mình và khiến cho Tòa án không còn nghi ngờ về chứng cứ. Nếu có sự nghi ngờ thực sự, dựa trên lý trí và nhận thức thông thường sau khi xem xét cẩn thận và khách quan tất cả các bằng chứng, hoặc thiếu bằng chứng, trong một trường hợp, thì mức độ chứng minh đó chưa được đáp ứng.
Chính vì vậy, đối với các vụ án dân sự, Tòa án sẽ không dùng mức độ này để bắt buộc nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Theo quan điểm của tác giả, điều này là hợp lý bởi lẽ để có thể chứng minh “không còn nghi ngờ hợp lý” trong vụ án dân sự là điều không dễ dàng và nguyên đơn khó có thể thực hiện được việc này để thuyết phục Tòa án đối với yêu cầu của mình. Do đó, trong vụ án dân sự thì người đưa ra yêu cầu chỉ cần chứng minh mình có ưu thế hơn về chứng cứ hoặc đưa ra được nhiều chứng cứ thuyết phục hơn bên đối phương (preponderance of the evidence) thì họ có khả năng sẽ chiến thắng là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, bên thắng trong tố tụng tranh tụng là bên đã chứng minh được trước Tòa là mình đúng, mặc dù trong nhiều trường hợp bên thắng trong tố tụng tranh tụng chưa hẳn đã là bên đúng11.
Ngoài ra, nếu so sánh với hệ thống pháp luật dân sự, mức độ chứng minh của đương sự trong các vụ án dân sự của hệ thống pháp luật này luôn luôn phải ở mức độ cao12. Mức độ chứng minh của đương sự trong vụ án dân sự của các quốc gia theo truyền thống dân sự là rất cao và gần như tuyệt đối, tương đương với mức độ chứng minh“beyond reasonable doubt” của hệ thống pháp luật án lệ. Theo các học giả của Pháp, mức độ thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự ở các vụ án dân sự và hình sự là như nhau đó là thẩm phán phải được thuyết phục bởi nghĩa vụ chứng minh của đương sự và không còn nghi ngờ hợp lý về lỗi của một cá nhân, là hình sự hay dân sự13. Bên cạnh đó, mức độ này được giải thích trong những án lệ (case) của Tòa tối cao Liên bang Thụy Sỹ là: “Tòa án phải bị thuyết phục bởi sự thật của một tình tiết sự kiện dựa trên các căn cứ khách quan. Hoàn toàn chắc chắn là không cần thiết, chỉ cần Tòa án không còn nghi ngờ nghiêm trọng hoặc bất kỳ nghi ngờ nào còn lại được cho rằng là không đáng kể”14.
Tương tự như Thụy Sỹ, Tòa án ở Đức cũng giải thích tương tự trong án lệ của Tòa tối cao Liên bang Đức khi thẩm phán phải được thuyết phục chắc chắn ở mức độ thực tế rằng có thể loại bỏ được nghi ngờ mà không cần phải loại trừ nó hoàn toàn15. Như vậy có thể thấy rằng, cả Tòa án ở Đức và Thụy Sỹ đều không đưa ra được một ngưỡng quyết định cụ thể. Các học thuyết truyền thống về vấn đề này cũng không miễn cưỡng đưa ra được con số cụ thể, tuy nhiên khi đạt được nghĩa vụ chứng minh, ngưỡng quyết định cụ thể được cho rằng là trên 90%16, đôi lức là 95%17 hoặc kể cả 99.8%18 trong một số trường hợp.
Kết lại, mỗi hệ thống pháp luật có những quy định đặc thù về nghĩa vụ chứng minh và mức độ chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự. Việc xác định nghĩa vụ chứng minh của đương sự và các mức độ chứng minh như đã phân tích ở trên là phù hợp với hệ thống pháp luật Anh – Mỹ và mô hình tố tụng tranh tụng. Trong việc giải quyết tranh chấp, Tòa án giữ vai trò như một trọng tài trong và Tòa án không tham gia vào quá trình thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự, các bên đương sự có nghĩa vụ chứng minh và cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án để làm cơ sở giải quyết vụ việc dân sự./.
CHÚ THÍCH
- Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài:“Cung cấp và thu thập chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” thuộc Chương trình nghiên cứu cấp cơ sở năm 2020-2021 của Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Thạc sỹ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Nguyễn Minh Hằng (2007), “Chế định chứng minh trong tố tụng dân sự Việt Nam”, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr34.
- Ngô Vĩnh Bạch Dương (2015), Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng (lapphap.vn), Tạp chí nghiên cứu lập pháp điện tử, truy cập ngày 13/3/2021.
- Actori incumbit onus probandi – Law Times Journal, truy cập ngày 17/3/2021.
- Rule 301. Presumptions in Civil Cases Generally | Federal Rules of Evidence | US Law | LII / Legal Information Institute (cornell.edu), truy cập ngày 17/3/2021. nguyên văn: “Rule 301. Presumptions in Civil Cases GenerallyIn a civil case, unless a federal statute or these rules provide otherwise, the party against whom a presumption is directed has the burden of producing evidence to rebut the presumption. But this rule does not shift the burden of persuasion, which remains on the party who had it originally”.
- Ngô Vĩnh Bạch Dương (2015), Tlđd, Tạp chí nghiên cứu lập pháp điện tử, truy cập ngày 13/3/2021.
- Clear and Convincing Evidence | Wex | US Law | LII / Legal Information Institute (cornell.edu), truy cập ngày 16/3/2021.
- Mark Schweizer, “The civil standard of proof—what is it, actually?”, The International journal of Evidence and Proof, nguồn: EPJ645227 217..234 (markschweizer.ch), truy cập ngày 19/3/2021.
- Preponderance of the evidence | Wex | US Law | LII / Legal Information Institute (cornell.edu), truy cập ngày 16/3/2021, nguyên văn: “Preponderance of the evidence is one type of evidentiary standard used in a burden of proof analysis. Under the preponderance standard, the burden of proof is met when the party with the burden convinces the fact finder that there is a greater than 50% chance that the claim is true”.
- Nguyễn Minh Hằng (2007), tlđd, tr35.
- Mark Schweizer, “The civil standard of proof-what is it, actually?”, The International journal of Evidence and Proof, nguồn: EPJ645227 217..234 (markschweizer.ch), truy cập ngày 19/3/2021.
- Kevin M. Clermont and Emily Sherwin, A Comparative View of Standards of Proof, The American Journal of Comparative Law Vol. 50, No. 2 (Spring, 2002), pp. 243-275.
- Mark Schweizer, tlđd, nguyên văn: “a court must be convinced of the truth of a factual allegation based on objective grounds. Absolute certainty is not required. It is sufficient if the court has no serious doubt or any remaining doubt appears insubstantial”.
- Mark Schweizer, tlđd, nguyên văn: “…the judge may and must be content with a degree of certainty useful for practical life that silences doubt without completely excluding it”.
- Mark Schweizer, tlđd, For German law, Kadner Graziano (2011: 189); for Swiss law, Berger-Steiner (2008: s. 6.81); Walter (2009: 53); Buhler (2010: s. 9).
- Mark Schweizer, tlđd For German law Greger (1978: 110); for Swiss law Summermatter and Jacober (2012: 142).
- Mark Schweizer, tlđd, For German law Bender (1981: 258); Fuchs (2005: 80).
Trả lời