Mục lục
Bài viết: Tổng thuật hội thảo khoa học Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 – Những đổi mới nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh
- Tác giả: Từ Thanh Thảo*, Bùi Thị Thanh Thảo**
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(95)/2016 – 2016, Trang 3-8
TÓM TẮT
Nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh – một khía cạnh kinh tế quan trọng của nội dung quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành hai đạo luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh là Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014.1 Hai đạo luật này đã có những quy định mang tính chất cải cách sâu rộng và có tính đột phá trên nhiều phương diện để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân. Với mục đích tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học trình bày và trao đổi các kết quả nghiên cứu về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới, ngày 30/10/2015, Khoa Luật Thương mại – Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Hội thảo “Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014 – những đổi mới nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh”. Bài viết tổng hợp những nội dung, quan điểm pháp lý của các diễn giả, cử tọa trình bày tại hội thảo này, đồng thời gợi mở những phân tích tiếp theo liên quan đến nội dung trên.
ABSTRACT:
In order to effectuate the right to free trade – an important economic perspective of human rights recorded in the Constitution 2013, the National Assembly enacted two Laws regulating business investment activities the Law on Enterprises 2014 and the Law on Investment 2014. The two laws provide a deep and breakthrough reform over various perspectives to protect the right to free trade of the citizens. With the intention of creating a forum for Researchers present and discuss their research result of Law on Enterprises 2014 and Law on Investment 2014, the Faculty of Commercial Law – Ho Chi Minh City University of Law organized the workshop name “Law on Enterprises 2014 and Law on Investment 2014 – improvements to effectuate the right to free trade”.This article summarizes contents and legal opinions, which presented by speakers and audiences at the workshop, as well as implies further analysis on the entioned issues.
TỪ KHÓA:
1. Những điểm mới liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường[1]
Những cải cách liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 thể hiện ở một số điểm mới cơ bản.
1.1. Những điểm mới về đăng ký doanh nghiệp
– Một là, cải cách chuyển hướng tiếp cận từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Việc chuyển hướng tiếp cận này đã được cụ thể hóa một cách triệt để trong các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, góp phần tạo dựng khung pháp lý minh bạch hơn, phù hợp hơn với yêu cầu của môi trường kinh doanh. Theo quy định hiện nay, việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành và được thực hiện sau khi doanh nghiệp đã thành lập hoặc đã bổ sung ngành, nghề kinh doanh. Một trong những điểm mới quan trọng để hiện thực hóa nguyên tắc hậu kiểm này chính là việc Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ yêu cầu đáp ứng điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập doanh nghiệp hoặc thời điểm đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh (đối với doanh nghiệp đã thành lập). Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định tách bạch giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.[2] Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh, minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, khi thủ tục thành lập doanh nghiệp trở nên quá dễ dàng, đặc biệt là trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này có thể gây rủi ro cho các đối tác giao dịch, cũng như cho bên thứ ba trong quan hệ với doanh nghiệp.
– Hai là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bãi bỏ việc ghi ngành, nghề đầu tư kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[3] để hiện thực hóa quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.[4] Điều này xét dưới góc độ đảm bảo quyền tự do kinh doanh, là một bước cải cách quan trọng nhất, có tính chất “cách mạng” nhất trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.[5] Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải kê khai trên Giấy đề nghị đăng ký các ngành, nghề và mã ngành tương ứng,[6] đồng thời, trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề ngoài các ngành nghề đã đăng ký trước đó, doanh nghiệp phải thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.[7] Mặc dù quy định này chỉ mang tính chất quản lý hành chính, không ảnh hưởng đến phạm vi thực hiện quyền kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hiệu lực của các giao dịch mà doanh nghiệp xác lập. Tuy vậy, quy định này của Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn được xem là một cải cách chưa triệt để.
1.2. Những điểm mới về đăng ký đầu tư
Cùng với các cải cách về đăng ký doanh nghiệp, các cải cách về đăng ký đầu tư được đánh giá là những cải cách có tính chất tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các cải cách cơ bản về đăng ký đầu tư được thể hiện ở các quy định sau:
– Một là, Luật Đầu tư năm 2014 bãi bỏ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước.[8] Luật Đầu tư năm 2014 quy định các dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.[9] Đây là một trong những cải cách rất quan trọng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của hoạt động đầu tư trong nước. Việc bãi bỏ hoàn toàn việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư này sẽ góp phần to lớn vào việc bảo đảm và nâng cao hơn nữa việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, làm cho hoạt động đầu tư kinh doanh trở nên linh động, thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của nền kinh tế, qua đó các nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh.
– Hai là, Luật Đầu tư năm 2014 đã thu hẹp phạm vi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư năm 2014 đã có sự phân định rất rõ ràng giữa dự án của nhà đầu tư nước ngoài thuần túy theo nguyên tắc quốc tịch[10] và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.[11] Theo đó, chỉ các dự án của nhà đầu tư nước ngoài là những dự án đương nhiên thuộc diện phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,[12] còn dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì tùy từng trường hợp mà có thể cấp hoặc không cần phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.[13] Bên cạnh đó, Luật Đầu tư năm 2014 đã cải cách theo hướng thừa nhận các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp tại Việt Nam được trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên/ cổ đông theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư.[14] Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2014 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, sau đó mới thực hiện thủ tục thay đổi thành viên/cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp.[15]
– Ba là, cải cách về quy trình thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư năm 2014 (cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2014) đã tách bạch thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo qui định chung của Luật Doanh nghiệp.[16] Cải cách này đã khắc phục được các hạn chế và bất cập của quy định “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” như trong thời gian trước đây theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005.[17]
2. Các cải cách về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014
Các quy định về điều kiện kinh doanh luôn là một trong những quy định nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bởi tính “nhạy cảm” của nó. Các quy định này một mặt có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh, nhưng ở khía cạnh khác, nó rất cần thiết để xác định ranh giới của quyền tự do kinh doanh, giúp cho việc thực thi quyền của các chủ thể kinh doanh được thực hiện trong một giới hạn không làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể khác.
Luật Đầu tư năm 2014 được đánh giá là đã thực hiện một công việc chưa có tiền lệ khi tập hợp và minh thị rõ ràng danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.[18] Ngoài ra, việc liệt kê được các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong một văn bản pháp luật mang tính pháp điển hóa cao giúp cho việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về điều kiện kinh doanh cũng thuận lợi hơn, giúp bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 chỉ đưa ra danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện một cách chung chung, do đó tương ứng với mỗi ngành nghề mang tính chung đó, có thể bao gồm nhiều nhóm ngành, nghề nhỏ có liên quan, và do vậy trong quá trình áp dụng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 267 ngành, nghề như qui định trong Luật Đầu tư năm 2014.
3. Các cải cách về con dấu và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
3.1. Quy định mới về con dấu của doanh nghiệp
Một trong những cải cách nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là việc cải cách về con dấu của doanh nghiệp. Theo đó, cơ chế quản lý nhà nước đối với con dấu doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thay đổi theo hướng cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.[19] Sự thay đổi về quyền của doanh nghiệp đối với con dấu là phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn còn chưa rõ ràng khi chỉ quy định chung chung là “doanh nghiệp có quyền quyết định về số lượng con dấu”. Quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, quyền quyết định về số lượng con dấu của doanh nghiệp được hiểu là quyền quyết định không sử dụng con dấu hay không cần có con dấu. Ý kiến khác lại cho rằng quyền của doanh nghiệp được tự quyết về số lượng con dấu không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được quyền không có con dấu. Theo đó, Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép doanh nghiệp tự quyết định về số lượng con dấu chứ không quy định doanh nghiệp có quyền tự quyết có con dấu hay không.
3.2. Quy định mới về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Trong những điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 phải kể đến các quy định về người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần. Việc mở rộng quyền tự do cho doanh nghiệp trong vấn đề quyết định số lượng, quyền hạn, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH và công ty cổ phần được coi là một bước đột phá, thể hiện tư duy thông thoáng về quyền của doanh nghiệp dưới góc độ tự do kinh doanh. Theo đó, công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, điều lệ công ty hoàn toàn có thể quy định về chức danh, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, việc cho phép doanh nghiệp có nhiều người đại diện và doanh nghiệp tự quy định quyền, nghĩa vụ của người đại diện trên thực tế sẽ dẫn đến khả năng điều lệ công ty có thể giới hạn thẩm quyền đại diện cho từng người đại diện theo pháp luật. Quy định này dẫn đến những quan điểm khác nhau về vấn đề hiệu lực của sự giới hạn đó đối với bên thứ ba tham gia giao dịch với doanh nghiệp. Ý kiến thứ nhất cho rằng quy định hạn chế này sẽ có hiệu lực với bên thứ ba, vì vậy, nghĩa vụ của người tham gia giao dịch với doanh nghiệp là phải biết về hạn chế đó (và có thể biết trên cơ sở yêu cầu doanh nghiệp cung cấp điều lệ của doanh nghiệp). Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng về nguyên tắc đã là người đại diện theo pháp luật là có thẩm quyền đại diện toàn bộ, quy định hạn chế thẩm quyền đại diện là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp và sẽ chỉ có hiệu lực nội bộ mà thôi.
4. Nhóm cải cách về quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp
4.1. Cải cách về mô hình quản trị công ty
Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ, thì công ty được chủ động lựa chọn tổ chức quản lý theo một trong hai mô hình: có Hội đồng thành viên, hoặc có Chủ tịch công ty.[20] Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định giới hạn thành viên Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm gồm từ 03 đến 07 thành viên. Ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc giới hạn số người đại diện này là không hợp lý, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của chủ sở hữu công ty. Về bản chất, đây là quan hệ ủy quyền nên việc cử bao nhiêu người là quyền của người ủy quyền, tức chủ sở hữu.
Đối với công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đề cập 3 mô hình tổ chức quản lý trong công ty, bao gồm:
Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc/ Tổng giám đốc. Trong mô hình này việc thành lập Ban kiểm soát với tư cách là cơ quan kiểm tra giám sát độc lập là bắt buộc.
Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/ Tổng giám đốc. Trong mô hình này, có hay không có Ban kiểm soát là do công ty quyết định. Mô hình này chỉ áp dụng cho công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.
Mô hình 3: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/ Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.
Như vậy có thể thấy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã cho phép công ty cổ phần tự do lựa chọn hình thức tổ chức quản lý công ty theo mô hình “đơn hội đồng” hoặc “đa hội đồng” theo cách thức quản trị công ty của các dòng họ pháp luật tiêu biểu trên thế giới.
4.2. Cải cách về mở rộng quyền quyết định cho Điều lệ doanh nghiệp
Về cơ bản chức năng, thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy quản lý công ty, được Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định theo hướng mở. Theo đó, bên cạnh những thẩm quyền đã được luật định, công ty có thể quy định thêm những quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với nhu cầu quản lý của mình. Tuy nhiên, có một số vấn đề vì lợi ích của chủ thể khác nhau, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không dành cho công ty quyền được tự quyết mà đặt quyền của doanh nghiệp trong một khuôn khổ nhất định như vấn đề về thủ tục thông qua giao dịch có khả năng tư lợi, điều kiện để được giữ các chức danh quản lý trong công ty…
4.3. Cải cách về cơ chế thông qua quyết định của công ty
Việc thông qua các quyết định của công ty phải đảm bảo được hai yêu cầu: tạo sự chủ động, linh hoạt cho hoạt động cho công ty bởi vì những quyết định này, đặc biệt là các quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, lợi ích của công ty nhưng đồng thời phải bảo vệ được quyền lợi của chính các thành viên, cổ đông, đặc biệt là các thành viên, cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã giảm các tỷ lệ họp hợp lệ, tỷ lệ thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 để phù hợp hơn với thực tiễn, thông lệ quốc tế.[21]
5. Những bất cập, hạn chế trong các cải cách của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 nhìn dưới góc độ hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh và những khuyến nghị
Những cải cách mang tính chất đổi mới mạnh mẽ của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 góp phần to lớn vào quá trình đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, những cải cách này còn bộc lộ một số điểm bất cập và hạn chế sau đây:
Một là, đối với ngành, nghề kinh doanh, như đã trình bày, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định nếu doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề ngoài phạm vi các ngành, nghề đã kê khai trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Quy định này là không thật sự cần thiết, gây thêm nhiều thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp và do vậy cải cách về ngành, nghề kinh doanh chưa thật sự triệt để. Vì vậy, để đảm bảo hiện thực hóa tối đa quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên bãi bỏ quy định về kê khai ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và trên điều lệ doanh nghiệp.
Hai là, các cải cách về con dấu doanh nghiệp chưa thật sự triệt để, mặt khác có thể gây ra những rắc rối mới về việc sử dụng con dấu trên thực tế. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2014 yêu cầu trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ làm mất thêm nhiều thời gian và chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần hướng đến quy định trao quyền hoàn toàn tự quyết về con dấu cho doanh nghiệp, kể cả việc quyết định có hay không có con dấu. Qua đó, cần bãi bỏ thủ tục thông báo và cấp Giấy chứng nhận mẫu dấu như hiện nay.
Ba là, quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thấy Luật Doanh nghiệp năm 2014 trao quyền tự chủ rất cao cho điều lệ doanh nghiệp quy định về người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu như điều lệ không được quy định rõ ràng, cụ thể thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của đối tác và bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp, dẫn đến việc các doanh nghiệp có thể lợi dụng, cố tình quy định về phạm vi thẩm quyền không rõ ràng giữa những người đại diện theo pháp luật để giải thích theo hướng có lợi cho mình, gây thiệt hại cho bên thứ ba. Do đó, Luật cần có quy định minh thị về giá trị pháp lý của các quy định của điều lệ công ty hạn chế thẩm quyền đại diện trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật để tránh những cách hiểu khác nhau, gây thiệt hại cho quyền lợi của bên thứ ba tham gia giao dịch với doanh nghiệp khi quy định này được vận dụng vào thực tế.
Bốn là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 trao quá nhiều quyền cho điều lệ công ty quy định theo hướng tự do, kể cả quy định về tỷ lệ thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông có thể ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên/cổ đông thiểu số. Bởi lẽ, điều lệ công ty dễ dàng bị chi phối và xây dựng theo ý chí của các thành viên/cổ đông lớn. Do vậy, bên cạnh việc tạo sự chủ động, tự do cho các nhà đầu tư bằng việc tôn trọng những thỏa thuận của họ về việc tổ chức, quản lý nội bộ công ty, pháp luật về quản trị công ty cũng cần có những hạn chế nhất định cho sự tự chủ đó bằng những giới hạn luật định nhằm bảo đảm lợi ích của thành viên/ cổ đông thiểu số cũng như của các chủ thể khác có thể bị ảnh hưởng từ việc quản lý, điều hành công ty.
Năm là, đối với những quy định mới về thủ tục đầu tư Luật Đầu tư năm 2014 có xu hướng giảm nhẹ thủ tục cho các nhà đầu tư trong nước nhưng lại gia tăng thêm sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Quy định mọi dự án của nhà đầu tư nước ngoài đều phải thông qua thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không cần thiết. Chỉ với những dự án đầu tư có điều kiện, chúng ta mới cần gia tăng tính kiểm soát thông qua thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, những dự án còn lại nên để nhà đầu tư nước ngoài tự do thực hiện trong khuôn khổ Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, nên bỏ hẳn thủ tục thông báo theo Luật Đầu tư năm 2014 khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế, mà nên áp dụng thống nhất thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho tất cả các trường hợp đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo tối đa quyền tự do kinh doanh và thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thêm vào đó, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư còn quá phức tạp và kéo dài. Theo đó không chỉ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà cả Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, số lượng các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương còn quá nhiều,[22] và hồ sơ, trình tự còn quá phức tạp, do nhiều bộ, ngành liên quan tham gia thẩm định,[23] thời gian thẩm định còn kéo dài. Do đó, Hội thảo kiến nghị rằng nên giảm bớt số lượng và thời gian thực hiện thủ tục thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Kết luận
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 được cải cách thông thoáng, mạnh mẽ và sâu rộng không chỉ về thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư, mà còn về tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như ngành nghề, điều kiện kinh doanh, vấn đề quản trị công ty, tái cấu trúc doanh nghiệp. Với tinh thần cải cách mạnh mẽ đó, hai đạo luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích to lớn thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển, qua đó hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, quyền con người trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, những cải cách trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng thật sự của môi trường kinh doanh. Do vậy, thiết nghĩ trong thời gian tới cần có những bước sửa đổi, bổ sung thông qua công tác nghiên cứu và tổng kết các đánh giá từ thực tiễn kinh doanh để hai đạo luật này thật sự đáp ứng nhu cầu về một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hiệu quả hơn.
CHÚ THÍCH
*,** ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Luật Đầu tư năm 2014 (Luật số 67/2014/QH13) thay thế Luật Đầu tư năm 2005 (Luật số 59/2005/QH11) và Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 68/2014/QH13) thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Luật số 60/2005/QH11) và cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015.
[2] Điều này được thể hiện rõ trong các quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ Điều 20 đến Điều 23 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[3] Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[4] Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[5] Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
[6] Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[7] Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8] Khoản 15 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
[9] Khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014.
[10] Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
[11] Khoản 12 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
[12] Khoản 1 Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014.
[13] Xem thêm Điều 23 và Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014.
[14] Khoản 4 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014.
[15] Khoản 1,3 Điều 26 Luật Đầu tư năm 2014.
[16] Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014.
[17] Khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư năm 2005.
[18] Xem Phụ lục IV – Luật Đầu tư năm 2014: Số lượng ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện giảm từ khoảng 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 267 ngành, nghề.
[19] Xem Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[20] Xem Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[21] Xem các Điều 59, 60, 141, 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[22] Xem Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư năm 2014.
[23] Xem Điều 33, 34, 35 Luật Đầu tư năm 2014.
Trả lời