Mục lục
Tác động của quy định về tính tương đương trong chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn Việt Nam
TÓM TẮT
Theo quy định Giám sát cá tra, ba sa của Việt Nam theo Luật nông trại (Farm Bill) 2014 của Hoa Kỳ. Bắt đầu từ ngày 01/03/2016 đến ngày 01/09/2017, Cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm (Food Safety and Inspection Service – FSIS) sẽ tiến hành kiểm tra và thực hiện các biện pháp bắt buộc rộng rãi trong các cơ sở trong nước chế biến và phân phối cá và sản phẩm cá da trơn Siluriformes.Trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên WTO, liệu rằng quy định về “tính tương đương” (equivalence) của Luật nông trại 2014 của Hoa Kỳ có phù hợp với các quy định của WTO về tính tương đương hay không? Liệu rằng Việt Nam có thể tìm kiếm giải pháp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, ba sa bằng cách sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hay không? Để trả lời những vấn đề được nêu trên, bài viết tập trung phân tích và làm rõ 3 vấn đề: (i) Bối cảnh ban hành chương trình giám sát cá da trơn theo quy định Luật nông trại 2014; (ii) Quy định về tính tương đương theo Luật nông trại Hoa Kỳ (iii) Đánh giá sự tương thích của quy định giám sát cá da trơn theo quy định Luật nông trại 2014 với quy định của WTO.
Xem thêm:
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – GS. Steven D. Schwinn
- Học thuyết Forum Non Conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ – Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
TỪ KHÓA: Pháp luật Hoa Kỳ
1. Bối cảnh ban hành chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ
Việc nuôi các loài cá da trơn Ictaluridae chiếm vị thế hàng đầu trong ngành nuôi trồng thủy sản hàng đầu ở Hoa Kỳ.[1] Nhiều nông dân tiên phong bước vào ngành nông nghiệp nuôi cá da trơn để tìm kiếm sự đa dạng cây trồng, vật nuôi.[2] Ngành nông nghiệp này sớm trở thành một sự thay thế cho cây bông, phát triển để tạo ra hơn 4 tỷ USD mỗi năm và trở thành một trong những nguồn thu chủ yếu của hoạt động kinh tế và tạo nguồn việc làm ở nhiều bang phía Nam Hoa Kỳ.[3]
1.1. Luật nông trại 2002 và 2008 (Farm Bill)
Bắt đầu từ năm 2002, nhập khẩu cá da trơn của Hoa Kỳ tăng lên theo cấp số nhân.[4] Cá da trơn nhập khẩu giá rẻ gây áp lực đáng kể cho ngành cá da trơn Hoa Kỳ, làm giảm giá thị trường và giảm thị phần của ngành cá da trơn trong nước.[5] Vì vậy, ngành công nghiệp cá da trơn trong nước kêu gọi Chính phủ có những biện pháp bảo hộ. Quốc hội Hoa Kỳ đáp ứng bằng cách ban hành mục 10806 của Luật An ninh nông trại và đầu tư nông thôn năm 2002 (The Farm Security and Rural Investment Act of 2002), gọi tắt là Luật Nông trại (Farm Bill 2002).[6] Mục 10806 đã chỉ ra rằng chỉ có cá thuộc cùng một gia đình như cá da trơn Hoa Kỳ, Ictaluridae, có thể được dán nhãn là “cá da trơn” (catfish).[7] Với quy định này, Hoa Kỳ đã ngăn cản tất cả các loài cá da trơn từ nước ngoài như cá Tra Việt Nam không được gắn nhãn là cá da trơn (catfish).
Luật Nông trại năm 2002 chỉ là bước đầu tiên trong việc bảo hộ ngành công nghiệp cá da trơn của Hoa Kỳ. Tiếp theo đó là một chiến dịch quảng cáo và tuyên truyền tích cực đến người tiêu dùng cá da trơn Hoa Kỳ, rằng đặc trưng của cá da trơn nước ngoài là “bẩn, thậm chí độc hại”.[8] Mặc dù đã có những nỗ lực như vậy, nhưng sản phẩm cá da trơn nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế về số lượng và tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại Hoa Kỳ bằng cách tiếp thị, bán các sản phẩm của họ như “basa”, “tra” và “swai”.[9]
Bởi tác động của cá da trơn nhập khẩu trên thị trường Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ,[10] nhiều nhà sản xuất cá da trơn trong ngành công nghiệp này cho rằng nỗ lực đầu tiên để điều chỉnh đã không thành công.[11] Do đó, người nuôi cá da trơn và những người ủng hộ họ bày tỏ lo ngại với Quốc hội về sự an toàn của cá da trơn nhập khẩu[12] và nhấn mạnh cần phải có các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt.[13] Năm 2008, Quốc hội đã chấp nhận yêu cầu của ngành nông nghiệp cá da trơn Hoa Kỳ bằng cách thông qua phần 11016 của Luật Nông trại 2008 (Farm Bill 2008).[14] Phần 11016 đã bổ sung Luật Kiểm tra thịt liên bang (The Federal Meat Inspection Act – FMIA) được sử dụng đối với cá da trơn, theo như định nghĩa của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, một “loài có thể thay thế được” (amenable specie).[15] Sự thay đổi này đã có ảnh hưởng tới sự giám sát “cá da trơn”.
1.2. Sự thay đổi đột ngột của chương trình kiểm tra
Từ năm 1995, FDA đã sử dụng chương trình HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) làm công cụ chính để quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát mầm bệnh và ngăn ngừa nhiễm bẩn sản phẩm thủy sản.[16] Chương trình này hoạt động bằng cách tiếp cận rủi ro đối với an toàn thực phẩm, trong đó các nhà chế biến chịu trách nhiệm về sự an toàn của quá trình chế biến thủy sản.[17] Các trách nhiệm bao gồm: xác định các rủi ro tiềm tàng đối với một sản phẩm cụ thể, nhận ra các điểm kiểm soát quan trọng trong một quá trình sản xuất cụ thể, nơi có thể gây ra hoặc duy trì mối nguy hại, thực hiện các kỹ thuật kiểm soát để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những rủi ro và giám sát các điểm kiểm soát quan trọng.[18]
Với việc thông qua sửa đổi trong Luật Nông trại năm 2008 và sự thay đổi giám sát theo thực phẩm, cá da trơn sẽ trở thành sản phẩm thủy sản đầu tiên và duy nhất phải tuân theo hệ thống kiểm tra bắt buộc và liên tục của FSIS (một cơ quan thuộc Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture – USDA)).[19]
Mặt khác, chương trình kiểm tra của FSIS có liên quan đến việc kiểm tra bắt buộc và liên tục đối với tất cả các cơ sở chính thức liên quan đến chế biến, vệ sinh cơ sở, giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển.[20] Cụ thể, FSIS có 1 thanh tra tại mỗi cơ sở trong nước để theo dõi tất cả quá trình chế biến.[21] FSIS cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất của quốc gia xuất khẩu thịt, gia cầm, trứng sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ thiết lập và duy trì các hệ thống kiểm tra phù hợp với các quy định của FSIS.[22] Ngay cả khi một nhà máy chế biến của các nhà xuất khẩu nước ngoài đã được coi là tương đương, tất cả các chuyến hàng đến phải được kiểm tra lại bởi thanh tra nhập khẩu FSIS tại cảng nhập cảnh vào Hoa Kỳ, đảm bảo rằng hàng nhập khẩu được duy trì các hệ thống kiểm tra tương đương.[23] Ngoài ra, không giống như chương trình HACCP của FDA, việc kiểm tra các cơ sở được tiến hành 3 năm một lần dựa trên mức độ ưu tiên và rủi ro, hệ thống kiểm tra bắt buộc và liên tục của FSIS sẽ kiểm tra tất cả cá da trơn sản xuất bởi các nước đủ tiêu chuẩn.[24] Theo Luật Nông trại 2008, sự thay đổi về luật pháp sẽ không áp dụng cho đến khi FSIS ban hành các văn bản hướng dẫn.[25] Tháng 02/2011, FSIS bắt đầu soạn thảo đề xuất các quy định này, áp dụng các quy trình trước đây chỉ được sử dụng cho thịt, gia cầm và các sản phẩm trứng, và nay bổ sung đối với cá da trơn và các sản phẩm cá da trơn.[26] Tuy nhiên, sau đó quy định được đề xuất là một “quy định chính” theo Luật Cải cách nông nghiệp và bảo hiểm mùa năm 1994 (The Federal Crop Insurance Reform and Department of Agriculture Reorganization Act of 1994).[27]
Quy định này là kết quả của một điều khoản được đưa vào Luật về Thực phẩm, bảo tồn và năng lượng năm 2008 (The Food, Conservation, and Energy Act of 2008) (“Farm Bill 2008”), điều này cho phép đối xử và kiểm tra riêng biệt cá da trơn.[28] Kể từ khi được đề xuất, quy định này đã gây ra tranh cãi quốc tế,[29] vì nó ủy thác trách nhiệm pháp lý cho FSIS thực hiện kiểm tra cá da trơn.[30] Điều này sẽ tạo ra tính khác biệt trong kiểm tra cá da trơn và các loại hải sản khác (với FDA là tổ chức đưa ra quyết định).[31] Sự thay đổi trong quy định giám sát khiến cho việc kiểm tra cá da trơn phải nghiêm ngặt hơn buộc các quốc gia xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ để thiết lập hệ thống kiểm tra tương đương với các hệ thống tại Hoa Kỳ.
Để đánh giá rủi ro tiềm ẩn của cá da trơn theo yêu cầu, FSIS đã tìm kiếm các lỗ hổng liên quan đến các mầm bệnh vi khuẩn, chất gây nhiễm khuẩn, kim loại nặng, các chất kháng sinh không được chấp thuận và dư lượng thuốc trừ sâu dựa trên dữ liệu từ FDA, Trung tâm Kiểm soát Bệnh (CDC), Các cơ quan y tế công cộng của nhà nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).[32] Mặc dù nghiên cứu sâu rộng về các lỗ hổng khác nhau, đánh giá rủi ro của FSIS cuối cùng tập trung vào các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến Salmonella.[33]
1.3. Thay đổi định nghĩa cá da trơn
Theo Luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014),[34] cá da trơn bao gồm “tất cả các loài cá thuộc loài Siluriformes”, trái với việc hạn chế định nghĩa cho một nhóm cá da trơn (family catfish).[35] Định nghĩa rộng này đã dẫn đến việc cá da trơn được hiểu là bao gồm tất cả 35 chủng loại (family) trong nước và nước ngoài thuộc dòng Siluriformes,[36] trong đó có cá tra Việt Nam (Pangasius).
USDA đã ban hành quy định cuối cùng trong Công báo liên bang (Federal Register) vào ngày 2/12/2015,[37] gần 1 năm sau khi được ban hành dự kiến, đầu tiên vào tháng 12/2014[38] và sau đó vào tháng 04/2015. Quy định áp dụng cho cả cá trong nước và quốc tế là Siluriformes, có hiệu lực vào tháng 03/2016.[39] Một khi có hiệu lực, quy định bắt đầu “giai đoạn thực hiện chuyển tiếp” 18 tháng cho cả các nhà sản xuất trong nước và quốc tế.[40] Trong thời gian này, FSIS sẽ tiến hành kiểm tra các mẫu vật và việc lấy mẫu đối với các lô hàng cá da trơn nhập khẩu ở một cơ sở ngẫu nhiên.[41] Các quốc gia muốn tiếp tục xuất khẩu sản phẩm của mình phải nộp đơn để xác định tính tương đương.[42]
2. Chứng minh tính tương đương của các tổ chức nước ngoài theo quy định của luật Hoa Kỳ
Xác định tính tương đương là quá trình xác định liệu một hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của một quốc gia xuất khẩu có đạt mức độ bảo vệ sức khoẻ cộng đồng thích hợp với tiêu chuẩn tại Hoa Kỳ hay không. Ngoài ra, hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm nước ngoài có các tiêu chuẩn tương đương với FSIS để đảm bảo các yêu cầu về an toàn khác không phải là thực phẩm (như đối xử nhân đạo, ghi nhãn chính xác và đảm bảo rằng các sản phẩm không giả mạo nhằm mục đích kinh tế). Điều này có nghĩa là quốc gia muốn xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ không bắt buộc phải phát triển và thực hiện các quy trình tương tự quy trình của Hoa Kỳ, mà phải chứng minh một cách khách quan các thủ tục của mình đáp ứng được mức độ bảo vệ của Hoa Kỳ. Các nước muốn xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ phải chứng minh rằng họ có hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm tương đương với Hoa Kỳ.
FSIS yêu cầu các quốc gia cần chứng minh Hệ thống kiểm tra tương đương với hệ thống Hoa Kỳ, bằng cách tuân thủ các điều kiện sau:[43]
(i) Quản lý chương trình. Theo quy định tại Phần 557.2, Điều 9 Luật liên bang (Code of Federal Regulations –CFR) (dẫn chiếu đến phần 327.2, Điều 9 CFR) chương trình đối với quốc gia xuất khẩu cá da trơn sẽ phải bố trí nhân viên theo cách thức đảm bảo thực thi thống nhất luật và các quy định. Việc kiểm soát và giám sát tối cao phải thuộc về Chính phủ[44]. Các nhân viên kiểm định phải đủ năng lực, trình độ và phải được tuyển dụng trong hệ thống các cơ quan đảm bảo an toàn thực phẩm.[45] Các viên chức kiểm tra quốc gia phải có thẩm quyền để thực thi các luật và quy định bắt buộc, xác nhận hoặc từ chối chứng nhận sản phẩm dành cho xuất khẩu.[46] Cần phải có sự kiểm tra thích hợp và hỗ trợ kỹ thuật về vệ sinh, chất lượng, kiểm tra loài, các tiêu chuẩn chất thải và các yêu cầu khác tương đương với Hoa Kỳ.[47]
(ii) Thẩm quyền pháp lý và các yêu cầu kiểm soát việc kiểm tra cá da trơn và sản phẩm cá da trơn. Theo quy định tại phần 557.3, Điều 9 CFR, để được coi là đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ, quốc gia xuất khẩu sẽ phải thực thi các luật và quy định nhằm giải quyết các điều kiện nuôi và vận chuyển đến cơ sở chế biến cá da trơn.[48] Ở những nước mà các nhà sản xuất cá da trơn sử dụng lồng nổi trên sông và “ao mương” (raceway ponds) được làm đầy và rỗng bằng dòng chảy liên tục của nước từ những con sông gần đó, theo quy tắc dự kiến, chất lượng nước, chất thải và các tiêu chuẩn khác sẽ phải tương đương với những điều kiện áp dụng cho cá da trơn nuôi ở Hoa Kỳ.
Ngoài ra, theo quy định, các quốc gia xuất khẩu hội đủ điều kiện sẽ phải thiết lập các tiêu chuẩn và duy trì giám sát chính thức, chuẩn bị và chế biến sản phẩm để đảm bảo rằng sản phẩm giả mạo hoặc nhãn hiệu sai không được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.[49] Tiêu chuẩn kiểm tra và vệ sinh đồng bộ cần được duy trì trong tất cả các cơ sở được chứng nhận.[50] Các quốc gia nhập khẩu được yêu cầu phải xử lý vệ sinh sản phẩm và cung cấp danh mục chính thức chất gây hại. Hệ thống HACCP tương đương với quy định trong phần 417 Điều 9 CFR; và các điều khoản áp dụng khác theo FMIA hoặc các quy định thực hiện.[51]
(iii) Đánh giá tài liệu và tổng quan hệ thống. Quốc gia xuất khẩu muốn hội đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu cá da trơn và các sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ cũng sẽ phải xuất trình cho FSIS bản sao các luật, quy định và các thông tin khác liên quan đến hệ thống kiểm tra sản phẩm cá da trơn, giống như các nước hiện đang làm khi họ tìm kiếm tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm của các loài khác có liên quan đến FMIA.[52] FSIS ước tính sẽ mất khoảng 3 tháng cho mỗi lần nộp để đánh giá tài liệu này. FSIS sẽ xác định tình trạng hội đủ điều kiện trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu này và một chuyến thăm thực địa tại quốc gia của hệ thống được tổ chức bởi FSIS. FSIS cũng sẽ tiến hành đánh giá định kỳ các hệ thống kiểm tra các sản phẩm cá da trơn của quốc gia xuất khẩu để xác định tiếp tục hội đủ điều kiện.[53
(vi) Duy trì các tiêu chuẩn. Ngoài ra, các quốc gia mà FSIS xác định đủ điều kiện để xuất khẩu cá da trơn và các sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ sẽ phải tổ chức các chuyến thăm định kỳ đến các cơ sở được chứng nhận đảm bảo các yêu cầu của Hoa Kỳ và các báo cáo bằng văn bản về chuyến kiểm định.[54] Các báo cáo phải sẵn sàng cho FSIS. Cơ sở sản xuất sẽ phải tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên và thử nghiệm dư lượng chất gây ô nhiễm tiềm ẩn ở các mô cá da trơn theo yêu cầu của FSIS hoặc cơ quan kiểm định của quốc gia xuất khẩu được FSIS chấp thuận.[55] Việc kiểm tra dư lượng phải được thực hiện trên các mẫu từ cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Khi FSIS xác định rằng quốc gia xuất khẩu duy trì hệ thống kiểm tra tương đương, chỉ các cơ sở nuôi cá da trơn của quốc gia xuất khẩu được chứng nhận tuân thủ các yêu cầu tương đương với yêu cầu Hoa Kỳ mới đủ điều kiện để xuất khẩu các sản phẩm cá da trơn của họ sang Hoa Kỳ. Nếu FSIS phát hiện một trong các cơ sở này không tuân thủ các yêu cầu của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm nhập khẩu, FSIS sẽ chấm dứt tình trạng hội đủ điều kiện của cơ sở. FSIS sẽ thông báo cho chính phủ quốc gia xuất khẩu về việc chấm dứt chứng nhận tính tương đương của cơ sở sản xuất này, trừ khi sự chậm trễ trong thông báo có thể dẫn đến việc nhập khẩu sản phẩm giả mạo hoặc mang nhãn hiệu sai.[56]
Quy định cuối cùng về công nhận tính tương đương của FSIS được thông qua mà không có sự thay đổi nào. Tuy nhiên, Quy định cung cấp cho quốc gia xuất khẩu thời gian chuyển tiếp. Trong vòng 18 tháng kể từ ngày quy định này có hiệu lực (ngày 01/03/2016), quốc gia nào muốn tiếp tục xuất khẩu cá và sản phẩm cá Siluriformes sang Hoa Kỳ thì được phép với điều kiện là họ nộp: Danh sách các cơ sở (với tên và mã số cơ sở) đang xuất khẩu cá và sản phẩm cá Siluriformes đến Hoa Kỳ và tài liệu đầy đủ chứng minh rằng quốc gia mình hiện có luật pháp hoặc các biện pháp pháp lý khác cung cấp quyền kiểm soát việc nuôi trồng và chế biến cá cho thực phẩm của con người và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của FDA trong mục 21 phần 123 CFR, các sản phẩm cá và thuỷ sản, bao gồm các yêu cầu đối HACCP, và quy trình kiểm soát vệ sinh. Tài liệu ban đầu này sẽ không được sử dụng để thiết lập sự tương đương.
Đến cuối giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng, quốc gia xuất khẩu muốn được công nhận tương đương phải nộp tài liệu cho thấy họ có hệ thống kiểm tra cá và sản phẩm cá Siluriformes tương đương với hệ thống của FSIS. Một quốc gia có thể tiếp tục xuất khẩu sản phẩm cá sang Hoa Kỳ sau giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đã đệ trình các tài liệu về tương đương khi bắt đầu thực hiện đầy đủ quy tắc này.
FSIS đánh giá tính tương đương về hệ thống kiểm soát của một nước xuất khẩu theo 6 bước:[57]
Để bắt đầu quy trình tương đương, Văn phòng Hợp tác CCA[58] của quốc gia xuất khẩu cá phải liên lạc với Văn phòng Hợp tác Quốc tế của FSIS (Office of International Coordination – OIC) bằng cách gửi một yêu cầu bằng văn bản chính thức để bắt đầu quá trình tương đương.
Để đáp ứng yêu cầu của một quốc gia, FSIS sẽ gửi cho quốc gia đó một gói thông tin bao gồm hướng dẫn và một Công cụ tự Báo cáo (Self-Reporting Tool – SRT);[59]Sau khi FSIS tiếp nhận SRT với tất cả các tài liệu hỗ trợ tham chiếu, FSIS sẽ xem xét và quyết định liệu hệ thống quản lý thực phẩm của nước này có đáp ứng được tất cả các yêu cầu tương đương và bảo đảm mức độ bảo vệ sức khoẻ cộng đồng hay không.Kiểm tra xác minh tại chỗ[60] là hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu với mục đích xác minh qua các bằng chứng khách quan rằng hệ thống kiểm tra của quốc gia có mức bảo vệ sức khoẻ tương đương với mức được áp dụng tại Hoa Kỳ.
Theo kết quả của SRT, FSIS và tài liệu hỗ trợ rà soát và kiểm tra tại chỗ, FSIS bắt đầu đưa ra đề xuất rằng nước này được liệt kê trong CFR đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
FSIS phân tích bất kỳ nhận xét đã nhận và ban hành một quy định cuối cùng để liệt kê quốc gia trong CFR là đủ điều kiện để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. FSIS gửi cho quốc gia đó một thông báo về quy định được ban hành. Thông báo này bao gồm các hướng dẫn về việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
3. Đánh giá tính tương thích giữa quy định về tính tương đương theo Luật Nông trại Hoa Kỳ với quy định của WTO
Để cân bằng giữa mục tiêu phát triển thương mại và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, WTO cho phép Thành viên được áp dụng những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước (biện pháp SPS) nhưng phải tuân thủ các quy định của tổ chức này (cụ thể là Hiệp định về Các biện pháp kiểm dịch động – thực vật, gọi tắt là Hiệp định SPS). Bởi vì có nhiều biện pháp SPS có thể đạt được mức độ bảo vệ như nhau, có thể các biện pháp SPS của các thành viên đạt được cùng mức độ bảo vệ. Do đó, nguyên tắc “tính tương đương” (equivalence) là một thành phần chính của Hiệp định SPS. Các Thành viên phải chấp nhận các biện pháp của các thành viên xuất khẩu là tương đương, thậm chí nếu các quy định của các thành viên xuất khẩu đó khác với các quy định của nước nhập khẩu, nếu thành viên xuất khẩu chứng minh rằng các biện pháp đó đạt được mức độ bảo vệ thích hợp của thành viên nhập khẩu.
Tại cuộc họp ngày 26/10/2001, Ủy ban SPS đã thông qua quyết định về việc thực hiện Điều 4 (Quyết định về sự tương đương)[61] sau đó được làm rõ và sửa đổi vào ngày 15/11/2002,[62] 15/07/2003,[63] 26/03/2004,[64] 02/4/2004[65] và 23/07/2004.[66] Việc sửa đổi làm rõ các khoản 5, 6 và 7 của Quyết định.[67] Ủy ban cũng thông qua thủ tục và mẫu thông báo công nhận tính tương đương.[68]
Xét trên văn bản, Luật Nông trại Hoa Kỳ hoàn toàn tương thích với các quy định về tính tương đương của WTO. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành thì quy định về tính tương đương của Luật Nông trại Hoa Kỳ đã bóp méo thương mại. Mặc dù Việt Nam đã thực hiện một số công việc liên quan đến việc xác định tính tương đương theo quy định Luật Nông trại 2014 Hoa Kỳ,[69] nhưng đây là một quá trình khó khăn. Việt Nam khó có thể thực hiện được yêu cầu về tính tương đương trong thời hạn 18 tháng. Bởi vì, việc đưa ra một hệ thống tương đương với USDA sẽ đòi hỏi phải có những cải tổ lớn, có thể khiến đóng cửa các hoạt động xuất khẩu cá da trơn trong nhiều năm cho đến khi quy trình hoàn thành, vì các nhà lập pháp sẽ phải thảo luận và thông qua luật pháp, dự thảo các quy định, phân bổ ngân sách và hệ thống. Trước đây, Trung Quốc cũng đã rất khó khăn để đạt được quy định tính tương đương theo quy định của Hoa Kỳ.[70]Một số quốc gia phát triển đang yêu cầu áp dụng tính “giống nhau” (sameness) hơn là “tương đương” của các biện pháp. Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy công nhận tính tương đương thực sự là rất khó đạt được thậm chí giữa các nước có nền kinh tế tương ứng. Ví dụ Liên minh châu Âu (EU) năm 1996 đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu thịt bò và các sản phẩm liên quan của Anh từ gia súc có thể bị nhiễm bệnh “bò điên” (mad cow). Anh đã phản đối quy định này và cho rằng các sản phẩm thịt bò của Anh không gây nguy hiểm sức khoẻ và đe doạ rút khỏi EU. Ngay cả sau khi EU tuyên bố thịt bò của Anh an toàn vào cuối năm 1999, Pháp tiếp tục ngăn chặn việc nhập khẩu.[71]
Trong giai đoạn chuyển tiếp, người sản xuất có thời gian để chứng minh sự tương đương mà không cần ngừng hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí chắc chắn sẽ cao, chế độ kiểm tra mới dự kiến sẽ cấm các nhà sản xuất cá da trơn của quốc gia xuất khẩu xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ cho đến khi họ đạt được tiêu chuẩn tương đương của FSIS.[72] Không ai thực sự biết phải mất bao lâu để đạt đượctính tương đương, nhưng hầu hết được ước tính ở mức 3-5 năm (đối với các sản phẩm mà USDA đã biết).[73]
Với quy định giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại Hoa Kỳ 2014, Việt Nam có thể tìm kiếm giải pháp bằng cách sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Nếu khởi kiện trên cơ sở quy định tính tương đương (Điều 4, Hiệp định SPS), Việt Nam khó có thể chứng minh được Luật Nông trại của Hoa Kỳ vi phạm Luật WTO. Vì trên văn bản Luật Nông trại Hoa Kỳ hoàn toàn tương thích với các quy định của WTO. Nếu muốn khởi kiện dựa trên vi phạm Điều 4, Hiệp định SPS, Việt Nam phải chờ một thời gian nữa xem quy định này áp dụng trên thực tế có tạo ra vi phạm hay không, trong khi ngành sản xuất cá da trơn của Việt Nam đang bị tác động nghiêm trọng. Tuy nhiên, Việt Nam có thể khởi kiện chương trình này vi phạm các nguyên tắc khác theo Hiệp định SPS như liên quan đến cung cấp Bằng chứng khoa học, Đánh giá rủi ro, không tạo ra hạn chế trá hình đối với thương mại.
Hiệp định SPS thiết lập các ràng buộc và nguyên tắc đối với tất cả các luật, quy định và thủ tục có liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm ở các Thành viên.[74] Hiệp định cũng cung cấp cho các Thành viên khả năng thiết lập mức độ bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của con người, động vật, hoặc cây trồng mà mình cho là thích hợp. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa các biện pháp SPS thích hợp và cần thiết đối với việc bảo vệ sức khoẻ con người, động vật và thực vật và những biện pháp đơn giản chỉ là các biện pháp bảo hộ. Đối với chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ, có thể thấy việc Hoa Kỳ chuyển đổi quy định giám sát sang một cơ quan khác có các quy định nghiêm ngặt và phức tạp hơn là một biện pháp bảo hộ, bởi vì mức độ giám sát tăng lên đối với ngành công nghiệp cá da trơn. Quy định này cũng không được hỗ trợ bởi các bằng chứng khoa học đầy đủ[75] hoặc dựa trên đánh giá rủi ro.[76] Quá trình chuyển đổi từ FDA sang USDA có chức năng như một rào cản trá hình đối với thương mại quốc tế.[77]
Tuy nhiên, việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, Việt Nam cần có những chiến lược để cải thiện chất lượng sản phẩm cá tra, basa nói riêng, mặt hàng thực phẩm nói chung để vừa đạt mục tiêu đáp ứng các yêu cầu SPS của quốc gia nhập khẩu,[78] đồng thời nâng cao chất lượng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam..
CHÚ THÍCH
[1]* ThS, Nghiên cứu sinh chương trình 911 của Bộ giáo dục và Đào tạo, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.Food and Agriculture Organization of the United Nations, “National Aquaculture Sector Overview: United States of America”, http://www.fao.org/fishery/countrysector/naso_usa/en#tcN700EF, truy cập ngày 14/05/2017.
[2] Terrill R. Hanson, “Catfish Farming in Mississippi”, http://mshistorynow.mdah.state.ms.us/articles/%20217/catfish-farming-in-mississippi, truy cập ngày14/05/2017.
[3] Bartholomew Sullivan, “Federal Report Claims Vietnam Dumped Catfish on U.S. Market”, http://www.commercialappeal.com/business/federal-reportclaims-vietnam-dumped-catfish-on, truy cập ngày 14/04/2017.
[4] Kara Petteway, “Free Trade vs. Protectionism: The Case of Catfish in Context”, North Carolina Journal International Law, Vol. 30, No. 2, 2004, pp. 475.
[5] Tại Hoa Kỳ, cá da trơn được nuôi (Ictalurus punctatus) chiếm khoảng 57% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Hoa Kỳ tính theo trọng lượng và 26% về giá trị trong năm 2012, đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Sản lượng cá da trơn trong nước năm 2012 là khoảng một nửa số lượng sản xuất vào năm 2003.
[6] The opinions page: “Harvesting Poverty: The Great Catfish War”, New York Times, 22/07/2003, http://www.nytimes.com/2003/07/22/opinion/harvesting-poverty-the-great-catfish-war.html, truy cập ngày 14/05/2017.
[7] Mục 10806 (a)(1), Luật nông trại và đầu tư nông thôn 2002; Xem thêm Hướng dẫn của FDA về công nghiệp: Thực hiện Mục 403 (T) của Luật Thực phẩm, Thuốc và Dược phẩm Liên Bang (21 U.S.C. 343 (T)) về việc sử dụng thuật ngữ “cá da trơn” (catfish) (2002). Theo đó, “các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối trong nước, và người bán cá từ các gia đình khác ngoài Ictaluridae, những sản phẩm trước đây đã sử dụng thuật ngữ “cá da trơn” (catfish). . . không sử dụng thuật ngữ đó, hoặc là khi cá được cung cấp để nhập khẩu vào Hoa Kỳ hoặc phân phối hoặc bán thương mại trong Hoa Kỳ. Tên khác phải được sử dụng.”
[8] Seth Mydans, “Americans and Vietnamese Fighting Over Catfish”, New York Times, 5/11/ 2002, http://www.nytimes.com/2002/11/05/world/americans-and-vietnamese-fighting-overcatfish.html, truy cập ngày 14/05/2017; The opinions page: “Harvesting Poverty: The Great Catfish War”, New York Times, 22/07/2003, http://www.nytimes.com/2003/07/22/opinion/harvesting-poverty-the-great-catfish-war.html, truy cập ngày 14/05/2017.
[9] U.S International Trade Commission, Certain frozen Fish Fillets from Vietnam, investigation No.732-TA-2012, publication 4083, pp. 19.
[10] United States Government Accountability Office, GAO 12-411, Seafood safety: Responsibolity for inspecting catfish should not be assigned to USDA 2012, pp. 7.
[11].https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/eefd3e0d-ea69-4c75-b1ac-ea4df9d133e4/%20Transcripts_05242011_Catfish_meeting.pdf?MOD=AJPERES (nêu nhận định rằng những nỗ lực để giảm cá da trơn trong Luật nông trại 2002 đã không thành công vì “cá da trơn vẫn tồn tại trong nhận thức của người tiêu dùng, nhà quản lý và các nhà bán lẻ”).
[12] Ví dụ như bình luận của Michael Hansen, Hiệp hội người tiêu dùng, về các quy định về kiểm tra bắt buộc đối với cá da trơn và sản phẩm cá da trơn, nhấn mạnh những lo ngại về việc sử dụng thuốc của các nhà sản xuất cá da trơn nước ngoài không được phê chuẩn để sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở Hoa Kỳ, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng hoặc góp phần kháng thuốc (Michael Hansen, “CU comments regarding the FSIS proposal to require inspection of catfish”, http://consumersunion.org/news/cu-comments-regarding-the-fsis-proposal-to-require-inspection-of-catfish/, truy cập ngày 14/05/2017).
[13] Michael Hansen, Hiệp hội người tiêu dùng, về các quy định về kiểm tra bắt buộc đối với cá da trơn và sản phẩm cá da trơn, “FSIS phù hợp hơn so với FDA để đảm bảo sự an toàn của cá da trơn trong nước và nhập khẩu, vì FSIS thực hiện xem xét toàn diện hơn về các hệ thống an toàn thực phẩm”, http://consumersunion.org/news/cu-comments-regarding-the-fsis-proposal-to-require-inspection-of-catfish/, truy cập ngày 14/04/2017.
[14] Tên đầy đủ là Luật Về thực phẩm, bảo tồn và năng lượng năm 2008 (Food, Conservation, and Energy Act of 2008).
[15] Luật Nông trại năm 2008, phần 11016.
[16] Mandatory Inspection of Fish of the Order Siluriformes and Products Derived from Such Fish, 80 Fed. Reg. at 75592.
[17] Procedures for the Safe and Sanitary Processing and Importing of Fish and Fishery Products, 60 Fed. Reg. 65096, 65100 (Dec. 18, 1995) (định nghĩa chương trình HACCP của FDA như là một hệ thống phòng ngừa rủi ro mà các nhà chế biến có thể sử dụng để đảm bảo sự an toàn của sản phẩm cho người tiêu dùng).
[18] Andrew Kaplan, “Is Something Fishy Goin’ On?: H.A.C.C.P. Regulations and the Seafood Industry”, Rutters Law Record (1999), pp. 4.
[19] Thông cáo báo chí, Tuyên bố của Thượng nghị sĩ John McCain về Luật cải cách nông nghiệp, thực phẩm và việc làm năm 2012 (The Agriculture Reform, Food, and Jobs Act of 2012), gọi tắt là Luật Nông trại (Farm Bill) (ngày 14/06/2012), http://www.mccain.senate.gov/public/index.cfm/2012/6/post-eb68cca1-0e3e-bf76-260dcf86e079c5fb, truy cập ngày 14/05/2017 (Giải thích rằng USDA đang tạo ra một văn phòng mới của chính phủ chỉ để kiểm tra cá da trơn mặc dù cá da trơn và tất cả các sản phẩm thủy sản khác đã được kiểm tra bởi FDA).
[20] Mandatory Inspection of Fish of the Order Siluriformes and Products Derived from Such Fish, 80 Fed. Reg. at 75619.
[21] Federal Meat Inspection Act, 21 U.S.C. § 606(a) (1907) (quy định rằng một thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra và kiểm tra tất cả các sản phẩm thực phẩm thịt chuẩn bị để buôn bán trong bất kỳ trường hợp giết mổ, chế biến thịt, ướp muối, đóng gói, hoặc cơ sở tương tự và luôn luôn tiếp cận vào mọi phần của cơ sở).
[22] FSIS Import Procedures for Meat, Poultry & Egg Products, FSIS, http://www.fsis.usda.gov/wps/portal/fsis/topics/food-safety-education/get-answers/food-safety-factsheets/production-and-inspection/fsis-import-procedures-for-meat-poultry-and-egg-products/fsisimport-procedures (giải thích về quy trình thiết lập tính tương đương).
[23] Melissa Harris, “Costly Switch? Farm Bill Moves Catfish Inspections from FDA to USDA”, http://articles.chicagotribune.com/2014-03-02/business/ct-confidential-fortune-fish-0302-biz-20140302_1_catfish-industry-fish-exports-fish-tacos, truy cập ngày 14/05/2017.
[24] FSIS, USDA, Executive order 12866 – Preliminary regulatory impact nanalysys (2011), pp. 23.
[25] Mandatory Inspection of Fish of the Order Siluriformes and Products Derived from Such Fish, 80 Fed. Reg. at 75592.
[26] United States Government Accountability Office, GAO 12-411, Seafood safety: Responsibolity for inspecting catfish should not be assigned to USDA (2012), pp. 1-2, http://www.gao.gov/assets/600/590777.pdf, truy cập ngày 14/05/2017.
[27] Phần 304(b)(1)(A), Đạo luật cải cách bảo hiểm mùa màng tổ chức lại nông nghiệp năm 1994 (yêu cầu phân tích rủi ro đối với sức khoẻ, chi phí và lợi ích cho các quy định được đề xuất “chính” điều chỉnh sức khoẻ con người, an toàn của con người hoặc môi trường.)
[28] Food, Conservation, and Energy Act of 2008, Pub. L. No. 110-246, § 11016(b), 112 Stat. 1651 (June 18, 2008).
[29] Ví dụ Ron Nixon, “Catfish Program Could Stymie Pacific Trade Pact”, 10 Nations Say, N.Y. TIMES, June 28, 2014, A15 (Nhấn mạnh rằng thành công của Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ của quốc tế trong việc khẳng định rằng chương trình thanh tra cá da trơn vi phạm luật pháp quốc tế); Zhenhu Bian, “America’s Fishy Trade Barriers”, WALL ST. J. ASIA, Aug. 29, 2013, http://www.wsj.com/articles/SB10001424127887324009304579040741754600398 (Nhận định rằng các nhà sản xuất cá da trơn Trung Quốc “có quyền yêu cầu chính phủ của họ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn cho nó như một thành viên của WTO để phản đối trở ngại không công bằng này”).
[30] Mandatory Inspection of Fish of the Order Siluriformes and Products Derived from Such Fish, 80 Fed. Reg. at 75590.
[31] Mark Hemingway, “What Will it Take to Kill the Farm Bill’s Wasteful Catfish Subsidy?”, THE WKLY. STANDARD (Jan. 28, 2014), http://www.weeklystandard.com/blogs/what-willit-take-kill-farm-bills-wasteful-catfish-subsidy_775862.html, truy cập ngày 14/05/2017.
[32] Mandatory Inspection of Catfish and Catfish Products, (proposed Feb. 24, 2011) 76 Fed. Reg. 10433, 10438–40 (to be codified at 9 C.F.R. pt. 300, 441, 530–34, 537, 539–54, 544, 548, 550, 552, 555, 557, and 559–61).
[33] Mandatory Inspection of Catfish and Catfish Products, (proposed Feb. 24, 2011) 76 Fed. Reg.10440; Risk assessment Div., FSIS, USDA, Assessment of the potential change in human health risk Associated with applying inspection to fish of the order siluriformes, pp. 10 (Chỉ ra rằng FSIS tập trung vào ô nhiễm Salmonella vì sự hiện diện của mầm bệnh này ở Hoa Kỳ vẫn là một mối quan tâm và có bằng chứng cho thấy ít nhất một vụ bùng phát salmonellosis có thể có liên quan đến tiêu thụ cá da trơn).
[34] Agric. Act of 2014, Pub. L. No. 113-79, 128 Stat. 649 (2014).
[35] Phần 12106, Luật Nông trại 2014, Phần 10806(a)(1), Luật Nông trại 2002.
[36] Britannica, “Catfish”, http://www.britannica.com/EBchecked/topic/99455/catfish, truy cập ngày 14/05/2017.
[37] Generally Mandatory Inspection of Fish of the Order Siluriformes and Products Derived from Such Fish, 80 Fed. Reg. 75590.
[38].https://www.federalregister.gov/regulations/0583AD36/mandatory-inspection-of-certain-fish-including-catfish-and-catfish-products.
[39] FSIS, USDA, Final Rule Establishing Inspection Program For Siluriformes Fish, Including Catfish (Nov. 25, 2015). https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/FSIS-Content/internet/main/newsroom/news-releases-statements-and-transcripts/news-release-archives-by-year/archive/2015/nr-112515-01.
[40] FSIS, USDA, Final Rule Establishing Inspection Program For Siluriformes Fish, Including Catfish (Nov. 25, 2015), https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/FSIS-Content/internet/main/newsroom/news-releases-statements-and-transcripts/news-release-archives-by-year/archive/2015/nr-112515-01
[41] FSIS, USDA, Final Rule Establishing Inspection Program For Siluriformes Fish, Including Catfish (Nov. 25, 2015). https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/FSIS-Content/internet/main/newsroom/news-releases-statements-and-transcripts/news-release-archives-by-year/archive/2015/nr-112515-01
[42] FSIS, USDA, Final Rule Establishing Inspection Program For Siluriformes Fish, Including Catfish (Nov. 25, 2015). https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/FSIS-Content/internet/main/newsroom/news-releases-statements-and-transcripts/news-release-archives-by-year/archive/2015/nr-112515-01
[43].https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/45f61995-b867-4a5b-a4e0-064ad052725c/2008-0031F.htm?MOD=AJPERES, Docket No. FSIS-2008-0031, mục R.
[44] Phần 327.2 (a) (2) (i) (B), Điều 9, CFR.
[45] Phần 327.2 (a) (2) (i) (C), Điều 9, CFR.
[46] Phần 327.2 (a) (2) (i) (D), Điều 9, CFR.
[47] Ví dụ Phần 327.2 (a) (2) (i), Điều 9, CFR.
[48] Phần 327.2 (a) (2) (ii) (I), Điều 9, CFR.
[49] Phần 327.2 (a ) (ii) (D), Điều 9, CFR.
[50] Phần 327.2 (a) (ii) (E), Điều 9, CFR.
[51] Phần 327.2 (a) (ii) (F) – (I), Điều 9, CFR.
[52] Phần 557.2 (a), Điều 9, CFR.
[53] Phần 327.2 (a) (3), Điều 9, CFR.
[54] Phần 557.2, Điều 9, CFR.
[55] Phần 327.2 (a) (2) (iv) (C), Điều 9, CFR.
[56] Phần 327.2 (a) (3), Điều 9, CFR
[57].https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/a546a01d-32f1-4995-a3a9-0f6b223048ec/FSIS-Equivalence-Process-PPT.pdf?MOD=AJPERES
[58] CCA là cơ quan chính phủ quốc gia của quốc gia có trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn an toàn và trung thực cho việc cung cấp thực phẩm.
[59] SRT được bố trí thành 6 thành phần: (i) Sự giám sát của Chính phủ (ví dụ: Tổ chức và Quản trị); (ii) Cơ quan quản lý nhà nước và an toàn thực phẩm và các quy định bảo vệ người tiêu dùng khác (ví dụ, hoạt động của hệ thống kiểm tra, tiêu chuẩn sản phẩm và ghi nhãn, và xử lý nhân văn); (iii) kiểm dịch của Chính phủ; (iv) Hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm nguy hiểm (HACCP); (v) Chương trình kiểm tra dư lượng hóa chất của Chính phủ; (vi) Các chương trình kiểm tra vi trùng của chính. SRT là một bảng câu hỏi cung cấp một phương tiện có tổ chức cho chính phủ nước này để chứng minh rằng hệ thống kiểm tra của mình đạt được mức độ bảo vệ tương đương như được áp dụng trong nước tại Hoa Kỳ.
[60] Kiểm tra xác minh tại chỗ là kiểm toán hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của nước này nhằm mục đích xác minh qua các bằng chứng khách quan rằng hệ thống kiểm tra của quốc gia có mức độ bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tương đương như được áp dụng trong nước tại Hoa Kỳ. Nếu FSIS xác định hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của một quốc gia tương đương nhau dựa trên quy trình xem xét tài liệu SRT, OIC sẽ làm việc với CCA của quốc gia để tiến hành kiểm tra xác minh tại chỗ hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của đất nước. Kiểm toán tương đương ban đầu được tiến hành Kiểm toán Quốc tế FSIS. Phạm vi kiểm toán bao gồm các quan sát trực quan về tất cả các khía cạnh của hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của đất nước.
Trong quá trình kiểm toán tại chỗ, kiểm toán viên quốc tế xác minh rằng CCA thực hiện, theo dõi và kiểm tra tất cả các thủ tục trong hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm của đất nước. Thông thường, Kiểm toán viên Quốc tế sẽ cần phải truy cập nhiều trang web có thể. Bao gồm: Các văn phòng chính phủ trung ương, khu vực và địa phương; Cơ sở xuất khẩu (cơ sở giết mổ, chế biến), kho hàng (bao gồm kho lạnh); và phòng thí nghiệm.
[61] G/SPS/19, ngày 26/10/2001.
[62] G/SPS/19/add.1, ngày 15/11/2002.
[63] G/SPS/19/add.2, ngày 15/07/2003.
[64] G/SPS/19/add.2, ngày 26/03/2004.
[65] G/SPS/19/Rev.1, ngày 02/04/2004.
[66] G/SPS/19/Rev.2, ngày 23/07/2004.
[67] G/SPS/19, ngày 21/03/2002.
[68] G/SPS/7/Rev.2/Add.1, ngày 25/07/2002.
[69] Ngày 11/03/2017, Cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (NAFIQUAD) gửi FSIS yêu cầu công nhận tính tương đương. NAFIQAD đã có công văn số 113/QLCL-CL1 thông báo, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký theo yêu cầu của FSIS. Sau khi tổng hợp, trong 45 cơ sở đã gửi đăng ký, có 23 cơ sở đã gửi đầy đủ hồ sơ, 22 cơ sở được đưa vào phần có nhu cầu xuất khẩu do không cung cấp các hồ sơ, bằng chứng về việc đang và sẽ tiếp tục xuất khẩu. Ngày 04/02/2016, NAFIQAD đã có công thư số 236/QLCL-CL1 gửi FSIS danh sách 45 cơ sở nêu trên. Trong các cuộc họp với FSIS, Cục đã khẳng định cả 45 cơ sở đều đã được NAFIQAD kiểm tra, giám sát đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm phù hợp vớiquy định của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ, 22 cơ sở có nhu cầu xuất khẩu cá tra, basa vào Hoa Kỳ hiện đang đang tích cực tìm đối tác để xuất khẩu trong thời gian tới Ngày 01/3/2016, FSIS đã công bố danh sách các doanh nghiệp nước ngoài được phép chế biến xuất khẩu cá và sản phẩm cá họ Siluriformes vào Hoa Kỳ, trong đó có 23 cơ sở của Việt Nam là các cơ sở đang và sẽ xuất khẩu trong danh sách Cục gửi FSIS. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã có văn bản 376/QLCL- CL1 ngày 7/3/2016 đề nghị FSIS xem xét, công nhận 22 cơ sở còn lại. Ngày 09/03/2016, FSIS đã bổ sung 22 cơ sở vào danh sách được phép chế biến xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Hoa Kỳ nâng tổng số cơ sở của Việt Nam trong danh sách này lên 45. (Xem danh sách https://www.fsis.usda.gov/wps/wcm/connect/eb3720e3-221c-4928-a018-028df5cc28b5/Vietnam_establishments.pdf?MOD=AJPERES, truy cập ngày 14/05/2017). Ngày 21/03/2017, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT, “Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản – Cá tra phi lê đông lạnh”. Theo thông báo của FSIS tại các buổi làm việc với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ViệtNam, FSIS sẽ chính thức kiểm tra các lô hàng cá tra, basa của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 15/4/2016. Đối với các doanh nghiệp có tên trong danh sách được phép xuất khẩu cá tra, basa sang Hoa Kỳ, NAFIQAD yêu cầu: Chủ động rà soát hệ thống tự kiểm soát chất lượng, ATTP đảm bảo sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu vào Hoa Kỳ đáp ứng các quy định của thị trường này về hóa chất kháng sinh, kim loại nặng, thuốc trừsâu, vi sinh vật,….các quy định về ghi nhãn, thông tin về nước xuất xứ, tên và mã số cơ sở sản xuất; Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp gửi văn bản về Cục để được hướng dẫn, phối hợp xử lý.
[70] Megan Engle, “China’s Poultry Slaughter System not Equivalent to United States’ System”, LEXOLOGY (Nov. 21, 2013), http://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=6f4cc464-4a4e-41f1-b4ba-684955444c7e, truy cập ngày 14/05/2017.
[71] Gillian Sandford, “More at Stake than Steak: Britain Aims to Avert Trade War”, CHRISTlA SCI. MONITOR, Oct. 29, 1999, trang 7.
[72] K. William Watson, “Crony Catfish”, CATO INST. (Aug. 13, 2014), http://www.cato.org/blog/crony-catfish, truy cập ngày 14/05/2017.
[73].https://www.cogitasia.com/us-risks-trade-war-with-vietnam-over-catfish/, truy cập ngày 14/05/2017.
[74] Hiệp định SPS, Dale E. McNiel (1998), “The First Case Under the WTO’s Sanitary and Phytosanitary Agreement: The European Union’s Hormone Ban”, 39 VA. J. INT’L L. 89, trang 90.
[75] Điều 2.2, Hiệp định SPS; Xem Nguyễn Thị Thu Thảo, “Bằng chứng khoa học” theo Hiệp định SPS và kinh nghiệm cho Việt Nam khi xây dựng quy định nhập khẩu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, Luận văn thạc sỹ Luật học, 2014.
[76] Điều 5.1, xem bài viết “Đánh giá rủi ro đối với kiểm dịch động – thực vật trong khuôn khổ WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Thu Thảo, Kỷ yếu hội thảo về an toàn thực phẩm do trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức tháng 06/2016.
[77] Điều 5.5
[78] Thị trường Hoa Kỳ đã vậy, còn châu Âu, vốn đứng thứ 2 thị phần nhập khẩu cũng không khá hơn. Từ cuối năm 2016, tại châu Âu, nhiều nước đã loại bỏ con cá tra khỏi quầy kệ hệ thống siêu thị nên doanh số xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2017 ở khu vực này đã giảm sút nghiêm trọng. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) bài xích, rồi lại đến các hiệp hội bán lẻ châu Âu, Anh quốc và các hiệp hội nuôi trồng thuỷ sản sử dụng các kênh truyền hình để bôi bẩn. Năm 2016, doanh số xuất khẩu cá tra vào EU đã sụt giảm mạnh, chỉ còn đứng sau Trung Quốc và Mỹ (trước đó luôn đứng thứ 2). Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm nay, cá tra vào châu Âu chỉ còn duy trì được ở Đức, còn thị trường trọng điểm là Tây Ban Nha thì không còn.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08(111)/2017 – 2017, Trang 57-66
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý