Học thuyết Forum Non Conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ – Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu về nội dung của học thuyết forum non conveniens ¬- một học thuyết quan trọng trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ. Học thuyết cho phép quyền từ chối giải quyết một vụ việc của thẩm phán nếu như thẩm phán nhận thấy việc thụ lý là không thuận lợi hơn so với một tòa án khác. Bài viết sẽ có những đánh giá và kiến nghị một số kinh nghiệm có thể tham khảo cho pháp luật Việt Nam.
Xem thêm:
- Giám sát tư pháp các cuộc trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ: Nguyên tắc quy trình chính trị và việc bảo đảm quyền con người – GS. Steven D. Schwinn & CTV. Linh Trang
TỪ KHÓA: Học thuyết Forum Non Conveniens, Pháp luật Hoa Kỳ,
Để thụ lý một vụ việc cụ thể, trong đó có các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Tòa án Hoa Kỳ phải thứ tự trả lời ba câu hỏi: (1) trong các vụ việc có liên quan đến thẩm quyền của nhiều bang, bắt đầu bằng câu hỏi liệu rằng tòa án có liên quan được chọn có thẩm quyền theo lãnh thổ hay không? (2) nếu câu trả lời khẳng định là có, thì tòa án nào trong bang đó sẽ có thẩm quyền giải quyết và. (3) tòa án cụ thể đó có phải là tòa án “thích hợp” nhất để thụ lý và xét xử vụ việc đó hay không?[1] Việc xác định tính “thích hợp” để thụ lý một vụ việc được dựa trên một học thuyết quan trọng trong pháp luật tố tụng của Hoa Kỳ: học thuyết forum non conveniens.
Học thuyết forum non conveniens được xem là học thuyết có lịch sử khá lâu đời tại Hoa Kỳ, bắt đầu từ khoảng thế kỷ 19, với sự cho phép quyền từ chối thụ lý của tòa án, mặc dù dựa trên nguyên tắc lãnh thổ, tòa án đó hoàn toàn có thẩm quyền để thụ lý. Lý do chính để tòa án từ chối thẩm quyền là “sự không thuận lợi” cho quá trình thụ lý. Học thuyết này được chính thức đề cập trong bài viết đánh giá pháp luật vào năm 1929 bởi Paxton Blair trên Tạp chí Columbia Law Review và chính thức có định nghĩa mang tính cụ thể trong phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ vào năm 1947.[2] Đến nay, học thuyết forum non conveniens hiện đại của Hoa Kỳ được thể hiện trong 03 phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ: Gulf Oil Corp. v. Gilbert 330 U.S. 501 (1947),[3] Koster. v. Lumbermens Mutual Casualty Co.330 U.S. 518 (1947)[4] năm 1947, phán quyết Piper Aircraft Co. v. Reyno 454 U.S. 235 (1981)[5] năm 1981 và được Quốc hội Hoa Kỳ chính thức thừa nhận tại Bộ pháp điển pháp luật Hoa Kỳ – The US Code[6] vào năm 1948.
1. Học thuyết forum non conveniens là gì?
Học thuyết forum non conveniens cho phép một tòa án Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải thực thi thẩm quyền của mình đối với vụ việc mà tòa án đó cho rằng có một tòa án khác thuận lợi hơn trong việc thụ lý và xét xử. Tức là tòa án có quyền từ chối thụ lý và giải quyết đối với một tranh chấp mà mình có thẩm quyền nếu như việc thụ lý gây ra sự bất tiện hoặc khó khăn trong việc giải quyết. Việc từ chối này sẽ dẫn đến hệ quả là nguyên đơn sẽ có quyền tự chủ để có thể lựa chọn khởi kiện tại một tòa án khác sao cho dễ dàng và thuận lợi hơn cho mình và đặc biệt là cho bị đơn,[7] hoặc tòa án đã từ chối thụ lý đó sẽ tiến hành chuyển vụ việc đến tòa án (trong phạm vi Hoa Kỳ) mà cơ quan đó cho là phù hợp để xét xử.
Có thể nói, học thuyết forum non conveniens được ra đời nhằm bảo vệ bị đơn khỏi tình trạng bất lợi khi không có điều kiện tham gia vào hoạt động giải quyết tranh chấp cũng như giúp cho tòa án tiểu bang tránh phải xét xử các vụ việc ít có sự liên hệ với tiểu bang mình, hoặc gặp khó khăn cho quá trình tiến hành tố tụng, vì những điều này có thể dẫn đến hệ quả quan trọng là phán quyết khó thực thi trên thực tế.[8] Bên cạnh đó, những lợi ích cơ bản của nguyên đơn cũng được xem xét nhằm đảm bảo sự cân bằng trong tương quan với sự “thuận lợi” cho bị đơn, cũng như lợi ích công cộng nơi có tòa án đã thụ lý vụ việc.
Như vậy, mục đích chính của sự ra đời học thuyết forum non conveniens là nhằm đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cho các bên có liên quan đến vụ việc, cũng như khả năng thực thi của phán quyết dựa trên khả năng có thể dự liệu được kết quả từ các bên. Học thuyết này được áp dụng chung cho hoạt động tố tụng của Hoa Kỳ, trong đó có lĩnh vực Tư pháp quốc tế (Hoa Kỳ gọi là lĩnh vực Xung đột pháp luật). Trong việc xác định thẩm quyền của tòa án Hoa Kỳ đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng học thuyết mang tính phức tạp hơn. Điều này xuất phát từ yếu tố nước ngoài của các quan hệ sẽ dẫn đến việc xác định tính “thuận lợi” của tòa án trở nên khó khăn vì tòa án thuận lợi hơn cho việc xét xử có thể lại là tòa án nước ngoài.
2. Điều kiện áp dụng học thuyết forum non conveniens
Như đã trình bày trong phần trên, cơ sở pháp lý quan trọng nhất về việc áp dụng học thuyết forum non conveniens tại Hoa Kỳ được thể hiện trong ba án lệ: Gulf Oil Corp. v. Gilbert, Koster. v. Lumbermens Mutual Casualty Co. và Piper Aircraft Co. v. Reyno[9] và nguồn luật thành văn trong Bộ pháp điển pháp luật của Hoa Kỳ (US Code). Dưới góc độ pháp luật thành văn, nội dung của học thuyết forum non conveniens được chính thức đề cập trong Bộ pháp điển pháp luật Hoa Kỳ – The US Code tại điểm a Section 1404, Chương 87, Phần 4, Tittle 28: “Vì sự thuận tiện cho các bên và nhân chứng, vì lợi ích của công lý, một tòa án quận có thể chuyển giao một vụ kiện dân sự đến một cơ quan tòa án quận hoặc bộ phận tòa án khác mà cơ quan đó có khả năng để thụ lý hơn hoặc đến một cơ quan tòa án quận hoặc bộ phận tòa án khác theo sự đồng thuận của các bên”. Tuy nhiên, việc vận dụng như thế nào vào các tình huống cụ thể vẫn sẽ dựa vào nội dung của các án lệ đề cập ở trên vì việc ghi nhận này chủ yếu là sự ghi nhận về mặt nguyên tắc.
Trong các án lệ trên, quan điểm rõ ràng nhất về học thuyết forum non conveniens”của Tòa án tối cao Hoa Kỳ được thể hiện thông qua án lệ Gulf Oil Corp. v. Gilbert năm 1947. Vụ việc liên quan đến một công dân của tiểu bang Virginia, đã khởi kiện một công ty từ tiểu bang Pennsylvania có hoạt động kinh doanh tại Virginia và New York (nơi có đại lý được chỉ định) tại Tòa án Quận liên bang tại New York để yêu cầu bồi thường cho thiệt hại mà bị đơn gây ra cho quá trình sơ suất khi tiêu hủy nhà kho. Tòa án này có thẩm quyền và việc thụ lý là đúng vì dựa trên căn cứ vụ việc có sự tham gia của nhiều đương sự đến từ các bang khác nhau, Tuy nhiên, toàn bộ sự kiện liên quan đến vụ kiện đều diễn ra ở Virginia, các nhân chứng đều cư trú ở đó và cả tòa án liên bang lẫn tiểu bang ở Virginia đều có khả năng để tiến hành việc xét xử nếu nguyên đơn tiến hành vụ kiện ở đó. Do đó, dựa trên học thuyết “forum non conveniens” Tòa án New York đã từ chối thụ lý vụ kiện.
Tòa tối cao đã phân tích các yếu tố mang tính tiền lệ nhằm hướng dẫn cho các tòa án khác trong việc áp dụng học thuyết. Tòa án đã phân chia các yếu tố để xác định tính “thuận lợi” nhằm từ chối thụ lý thành hai nhóm: yếu tố lợi ích cá nhân và yếu tố lợi ích công. Tòa án tối cao đã chứng minh rằng bị đơn bị ràng buộc bởi các chứng cứ chứng minh cho thẩm quyền của một tòa án khác và việc ràng buộc đó mang tính khả thi khi dựa trên các yếu tố được xem là “đủ sức thuyết phục” để hướng đến việc xác định thẩm quyền cho một tòa án khác:
– Yếu tố lợi ích cá nhân: yếu tố này bao gồm sự dễ dàng cho các đương sự, đặc biệt là bị đơn cho việc tiếp cận các chứng cứ và chi phí cho sự thu thập đó; sự thuận tiện và chi phí cho việc yêu cầu các nhân chứng ra tòa; khả năng thích hợp của địa điểm mà tranh chấp được giải quyết; sự thuận tiện cho khả năng thực thi phán quyết nếu nó được tuyên và tất cả những vấn đề khác cho việc hỗ trợ hoạt động xét xử được diễn ra một cách nhanh chóng, dễ dàng và ít tốn kém.[10]
– Yếu tố lợi ích công: yếu tố này bao gồm khả năng gây nên tình trạng tồn đọng án cho các tòa án ở trung tâm, gánh nặng cho cơ quan bồi thẩm đoàn đại diện cho một tập thể cộng đồng mà không có sự liên hệ chặt chẽ với vụ kiện, lợi ích của địa phương đạt được từ phán quyết trong chức năng phòng ngừa, giáo dục và sự không cần thiết đề cập đến vấn đề xung đột pháp luật giữa các tiểu bang… Từ đó, tòa án đã chứng minh được nguyên đơn đã lựa chọn khởi kiện ra một cơ quan tòa án mà hiếm khi được viện dẫn đến, vì thế tòa án từ chối thẩm quyền đối với vụ tranh chấp.[11]
Tuy nhiên, việc xem xét đến các yếu tố lợi ích cá nhân hay yếu tố lợi ích công nhằm áp dụng học thuyết forum non conveniens chỉ được sử dụng khi yếu tố “thuận tiện” cho nguyên đơn đã được xem xét. Vấn đề này được thể hiện rõ trong vụ Piper Aircarft Co. v Reyno 454 U.S. 235 (1981). Trong một chuyến bay thuê từ Blackpool đến Perth (Vương quốc Anh) đã xảy ra tai nạn tại Scotland. Đại diện của 05 hành khách thiệt mạng đã khởi kiện nhà sản xuất máy bay là Piper Aircraf Co. ra tòa. Vụ việc được chuyển đến cho Tòa án Quận liên bang của tiểu bang Pennsylvania. Tuy nhiên, Piper đã tìm cách loại bỏ thẩm quyền của cơ quan tòa án này trên cơ sở học thuyết forum non conveniens vì lý do hầu hết các nhân chứng và chứng cứ đều ở Scotland. Tuy nhiên, phía nguyên đơn đã lập luận rằng luật pháp của Scotland kém thuận lợi hơn so với luật của Pennsynlvania để bảo vệ cho nguyên đơn (do pháp luật quốc gia này thiếu học thuyết về trách nhiệm pháp lý mang tính nghiêm khắc cho các vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do lỗi hoặc sai sót cá nhân). Cuối cùng, Tòa án Quận đã dựa trên học thuyết forum non conveniens, dựa trên sự phân tích các yếu tố về lợi ích cá nhân và yếu tố lợi ích công theo vụ Gulf Oil Corp. v. Gilbert 330 U.S. 501 (1947) đã tuyên bố từ chối thụ lý vụ việc vì tòa án của Scotland sẽ thuận lợi hơn để xét xử. Sau đó, Tòa án Phúc thẩm lại đưa ra quan điểm khác, đồng ý với lập luận của nguyên đơn và cho rằng Tòa án Quận đã “lạm dụng” trong việc đưa ra quyết định từ chối thụ lý trên cơ sở giải thích các yếu tố trong vụ Gilbert. Một sự từ chối như thế sẽ bị cấm khi nguồn luật được áp dụng theo sự thay đổi thẩm quyền sẽ kém thuận lợi hơn so với nguồn luật ban đầu. Tòa Phúc thẩm đã ra phán quyết đảo ngược lại quyết định ban đầu của Tòa án Quận.
Trong vụ tranh chấp này, vấn đề quan trọng được đặt ra khi áp dụng học thuyết forum non conveniens là phải tính đến lợi ích trước tiên của nguyên đơn, đây là yếu tố cần được đảm bảo. Các tòa án không thể “lạm dụng” học thuyết này để từ chối thẩm quyền và “bác bỏ” quyền khởi kiện của nguyên đơn khi rõ ràng nếu được xét xử bởi tòa án theo lựa chọn ban đầu của nguyên đơn thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được đảm bảo nhiều nhất. Ngoài ra, cũng từ vụ việc này, các tòa án đã chấp nhận giả định rằng, đối với trường hợp nguyên đơn là người nước ngoài, việc lựa chọn tòa án để khởi kiện có thể “ít phù hợp” hay “kém xác đáng” hơn so với nguyên đơn là người Hoa Kỳ.[12] Như vậy, việc áp dụng học thuyết này dường như có sự khác biệt cho các đối tượng là nguyên đơn cư trú tại Hoa Kỳ và nguyên đơn là người nước ngoài.
3. Mối quan hệ giữa học thuyết forum non conveniens và quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án của các bên
Sẽ có sự đối trọng giữa việc áp dụng học thuyết forum non conveniens và quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án của các bên. Điều này thể hiện rõ trong vụ The Bremen v. Zapata Off-Shore Co. 407 U.S. 1 (1972).[13] Nội dung của vụ tranh chấp này liên quan đến việc các bên trong hợp đồng có thỏa thuận Tòa Tối thượng (High Court of Justice) ở London của Anh sẽ có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp phát sinh. Khi tranh chấp xảy ra, một bên đem vụ việc ra Tòa án Quận Tampa của bang Florida. Trong khi chờ đợi phán quyết của Tòa án tại Tampa, bên còn lại đem vụ việc ra Tòa Tối thượng của Anh và bị phản đối bởi bên kia. Tuy nhiên, Tòa án của Anh đã bác bỏ ý kiến đó và cho rằng mình có thẩm quyền trên cơ sở có “thỏa thuận chọn tòa án” hợp pháp có trong hợp đồng trước đó của hai bên. Song, Tòa phúc thẩm (khu vực số 5) của Hoa Kỳ lại cho rằng, trong trường hợp này, việc phát sinh thẩm quyền của Tòa án Anh sẽ không đảm bảo được các yếu tố lợi ích cá nhân lẫn các yếu tố liên quan đến lợi ích công khi phán quyết được tuyên. Do đó, thẩm quyền của Tòa án Tampa là phù hợp nhất theo học thuyết forum non conveniens cho dù các bên có thỏa thuận lựa chọn tòa án bởi trong trường hợp này nó đã trái với chính sách công của Hoa Kỳ và không mang tính hợp lý. Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phản bác một cách mạnh mẽ quan điểm của Tòa Phúc thẩm Khu vực số 5. Theo Tòa án Tối cao, Hoa Kỳ sẽ không thể có được một hoạt động thương mại và một nền công nghiệp rộng mở nếu như mọi tranh chấp đều được phân xử bằng pháp luật và bởi cơ quan tòa án của Hoa Kỳ. Việc tham gia vào sân chơi chung của thị trường thế giới không cho phép sử dụng các điều khoản mang tính “độc quyền” cho việc sử dụng pháp luật và tòa án của Hoa Kỳ.[14] Từ quan điểm đó, Tòa án Tối cao cho rằng “thỏa thuận lựa chọn tòa án” của các bên được xác định trong hợp đồng trước khi tranh chấp diễn ra cần phải được tôn trọng.
Như vậy, quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án được pháp luật và Tòa án Hoa Kỳ thừa nhận, tôn trọng như là quyền định đoạt cơ bản của các bên trong hợp đồng, điển hình là từ vụ The Bremen v. Zapata Off-Shore Co. 407 U.S. 1 (1972). Cũng từ vụ Zapata này, câu hỏi quan trọng đặt ra là : sự thực thi của thỏa thuận lựa chọn tòa án liệu rằng có ảnh hưởng đến “chính sách công” của Hoa Kỳ theo học thuyết forum non conveniens hay không? Có cần bất kỳ sự kết nối giữa tòa án được lựa chọn với vụ tranh chấp hay không?
Đối với câu hỏi thứ nhất, việc áp dụng học thuyết một cách hạn chế và có điều kiện như quyết định được đưa ra trong vụ Zapata của Tòa án Tối cao liên bang đã gây ra sự tranh cãi rất lớn trong thực tiễn của Hoa Kỳ. Thậm chí một số tiểu bang đã chống lại và không vận hành theo quan điểm của Tòa án Tối cao như trường hợp của Tòa án Tối cao của bang Pennsylvania và bang Oregon, [15] do quan điểm của Tòa án Tối cao liên bang đã đi ngược lại với “chính sách công” – vần đề cần được quan tâm khi xem xét đến thẩm quyền của tòa án trong sự cân đối hài hòa với yếu tố lợi ích tư như đã phân tích. Tuy nhiên, một lần nữa Tòa án Tối cao liên bang khẳng định quan điểm của mình về việc tôn trọng quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án của các bên nếu nó mang tính hợp lý trong vụ Carnival Cruise Lines, Inc. v. Shute, 499 U.S. 585 (1991).[16] Đồng thời, tòa án còn mở rộng quyền này cho cả các tranh chấp hợp đồng nội địa.[17]
Đối với câu hỏi thứ hai, về mối liên hệ giữa học thuyết forum non conveniens và quyền tự định đoạt để lựa chọn tòa án của các bên, mặc dù qua các vụ việc trên cho thấy, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không yêu cầu bất cứ một sự kết nối cụ thể nào giữa vụ tranh chấp và tòa án được lựa chọn. Điều này sẽ gây ra sự không “tiện lợi” cho cả tòa án được lựa chọn và các bên. Do đó, trong nhiều trường hợp tòa án đã sử dụng học thuyết forum non conveniens để loại trừ thẩm quyền theo sự lựa chọn của các bên nếu thỏa thuận đó được xác định là không công bằng và không hợp lý. Như vậy, có thể thấy rằng thỏa thuận lựa chọn tòa án của các bên không đương nhiên loại trừ thẩm quyền của các tòa án khác của Hoa Kỳ vì nó có thể bị xem xét lại theo học thuyết forum non coneniences hoặc lệnh Anti-Suit Injunction.[18] Do đó thỏa thuận này được xem là thỏa thuận lựa chọn tòa án không độc quyền (Non Exclusive Choice of Court Agreement).[19]
Vấn đề này sẽ được giải quyết rõ ràng hơn khi Hoa Kỳ gia nhập Công ước Hague năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn tòa án.[20] Mặc dù đến thời điểm hiện nay Công ước chưa phát sinh hiệu lực đối với Hoa Kỳ nhưng các nguyên tắc của Công ước đã được vận hành tại phần lớn các tiểu bang của Hoa Kỳ[21] với việc thừa nhận quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án sẽ làm phát sinh thẩm quyền ưu tiên cho tòa án được chỉ định giữa các bên. Tuy nhiên, cho dù quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án đã bắt đầu được tôn trọng nhiều hơn, thậm chí được ưu tiên nhưng trên thực tế các tiểu bang và cả tòa án liên bang vẫn còn để ngỏ khả năng vận dụng học thuyết trong việc xác định tính công bằng và hợp lý của thỏa thuận lựa chọn tòa án. Đơn cử, Điều 3 Bộ pháp điển pháp luật New York 2015[22] quy định về việc ưu tiên thẩm quyền của Tòa án New York nếu nó được các bên lựa chọn mà không cần xem xét đến học thuyết forum non conveniens khi thỏa thuận đó mang tính công bằng và hợp lý. Tức là học thuyết này trên thực tế vẫn còn được sử dụng để thẩm phán xác định tính công bằng và hợp lý của thỏa thuận lựa chọn tòa án.
4. Một số nhận xét về học thuyết forum non conveniens – kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Có thể nói, học thuyết forum non conveniens đã hỗ trợ cho Tòa án Hoa Kỳ lẫn các bên tranh chấp rất nhiều trong việc lựa chọn cơ quan tòa án thích hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như tăng cường tính thực thi của phán quyết. Lợi ích quan trọng được đặt lên hàng đầu đó chính là những lợi ích cá nhân của các bên tranh chấp trong mối tương quan cân bằng với lợi ích công cộng. Trên hết đó chính là việc thiết lập nên một hệ thống tư pháp hiệu quả với sự linh hoạt của cơ quan tư pháp, mà cụ thể là thẩm phán trong việc đảm bảo pháp luật được thực thi trên thực tế. Cụ thể hơn, việc áp dụng học thuyết sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng tồn đọng án và việc tốn kém thời gian, công sức lẫn chi phí để cho ra đời một phán quyết lại không có khả năng thực thi hoặc kém thuận lợi cho việc thực thi trong khi vụ việc có thể được giải quyết bởi một cơ quan tòa án khác được cho là phù hợp hơn.
Trong tư pháp quốc tế của các nước, việc xây dựng hoặc thừa nhận các cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo tính khả thi cho vấn đề thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài luôn được xác định như là yếu tố quan trọng hàng đầu. Một quy định được cho là hiệu quả khi nó đảm bảo được sự cân bằng giữa ba yếu tố: sự thuận tiện của các bên đương sự trong một vụ việc, sự thuận tiện của cơ quan tiến hành tố tụng và khả năng thực thi phán quyết. Qua nội dung nghiên cứu cơ bản về học thuyết forum non conveniens trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, có thể thấy, sự ra đời và vận hành của học thuyết đã cơ bản giải quyết được những vấn đề nêu trên.
Học thuyết này mang tính trái ngược với học thuyết lis pendens[23] của châu Âu lục địa với việc đề cao thẩm quyền ưu tiên cho cơ quan tòa án thụ lý đầu tiên. Việc đề cao quyền ưu tiên cho cơ quan tòa án thụ lý đầu tiên có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc “chạy đua” của các bên để tìm đến tòa án mà bên đó cho rằng sẽ bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho họ. Điều này có thể dẫn đến trường hợp tòa án phát sinh thẩm quyền dựa trên học thuyết này đôi khi lại không phải là tòa án “tốt nhất” cho việc giải quyết vụ việc đó. Vấn đề này đã tạo nên sự tranh cãi rất lớn tại châu Âu,[24] đặc biệt là sự tranh cãi về mối tương quan giữa nội dung học thuyết lis pendens và quyền tự định đoạt của các bên trong trường hợp có thỏa thuận lựa chọn tòa án. Theo quy định của Liên minh châu Âu tại Nghị định Brussels I 2000 về thẩm quyền và công nhận và cho thi hành phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại thì quyền tự định đoạt này phải “nhượng bộ” học thuyết lis pendens. Điều này có nghĩa Nghị định sẽ ưu tiên thẩm quyền của cơ quan tòa án thụ lý đầu tiên, ngay cả khi giữa các bên có thỏa thuận lựa chọn tòa án độc quyền. Tuy nhiên, cuối cùng, quy định này đã có sự thay đổi tại Điều 31 Nghị định Brussels I 2012[25] khi cho phép sự ưu tiên thẩm quyền cho tòa án được các bên lựa chọn hơn là tòa án thụ lý đầu tiên.
Đối với Việt Nam, mặc dù pháp luật không thừa nhận học thuyết forum non conveniences như là học thuyết quan trọng để xây dựng các cơ sở pháp lý cho việc xác định thẩm quyền của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự nói chung và các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, chúng ta vẫn có thể tiếp nhận nội dung của học thuyết này khi xây dựng các cơ sở pháp lý nhằm xác định thẩm quyền của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài bởi những ưu việt của học thuyết như đã phân tích ở trên. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 vừa đi vào hiệu lực vào ngày 01/7/2016. Tuy có nhiều quy định mới được ra đời hoặc được sửa đổi, bổ sung trên nền tảng các quy định của BLTTDS năm 2004 nhằm đảm bảo và tăng cường tính hiệu quả trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, nhưng cũng có một số nội dung trong BLTTDS năm 2015 chưa rõ ràng, cần phải có cơ chế giải thích phù hợp hơn cho quá trình áp dụng. Cụ thể là:
– Quy định về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi có căn cứ bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam[26] mà không cần đến tính kết nối giữa yếu tố tài sản đó với tranh chấp. Quy định này dường như chỉ quan tâm nhiều đến yếu tố khả năng thực thi của phán quyết với sự đảm bảo về yếu tố tài sản của bị đơn cho quá trình thi hành án mà bỏ qua sự thuận tiện cho cơ quan tiến hành tố tụng, lẫn các bên, đặc biệt là bị đơn khi tham gia vào vụ việc. Do đó, nếu vận dụng học thuyết forum non conveniens, thẩm phán có quyền từ chối thụ lý vụ việc nếu tài sản tranh chấp không có tính kết nối với tranh chấp hoặc giá trị tài sản không đảm bảo khả năng thực thi của phán quyết.
– Quy định nếu các bên có thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam giải quyết thì vụ việc đó sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam.[27] Quy định này tưởng chừng như được ra đời nhằm đảm bảo quyền tự định đoạt giữa các bên, cũng như tăng cường quyền tài phán của Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Song, thực tế, nó có thể là quy định gây khó khăn rất lớn cho cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam bởi lẽ, Tòa án Việt Nam có thể sẽ phải thụ lý các vụ việc mà tính kết nối với yếu tố lãnh thổ của Việt Nam không cao. Điều này sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về mặt thủ tục tố tụng như vấn đề tương trợ tư pháp hoặc khả năng thực thi của phán quyết sau này… Thiết nghĩ, tòa án phát sinh thẩm quyền theo sự lựa chọn của các bên cần đảm bảo tính kết nối tối thiểu đối với tranh chấp…
– Về vấn đề loại trừ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi tòa án nước ngoài có thẩm quyền, điểm b, khoản 1 Điều 472 BLTTDS năm 2015 quy định nếu vụ việc thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam (không thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470) nhưng đồng thời lại thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án nước ngoài có liên quan thì Tòa án Việt Nam sẽ có nghĩa vụ từ chối thụ lý. Quy định này không mở rộng cho vấn đề thỏa thuận lựa chọn tòa án, bởi vì thẩm quyền phát sinh trên cơ sở thỏa thuận lựa chọn tòa án lại thuộc trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Như vậy, khi một vụ việc có thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam nhưng lại thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án nước ngoài thì Tòa án Việt Nam vẫn thụ lý vì việc thỏa thuận của các bên đã làm phát sinh thẩm quyền riêng biệt cho Tòa án Việt Nam và tòa án được lựa chọn không có nghĩa vụ từ chối thụ lý. Việc không quy định nghĩa vụ từ chối này có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực vì có khả năng rất cao là phán quyết của Tòa án Việt Nam sẽ bị từ chối công nhận và cho thi hành tại nước ngoài, nơi có tòa án có thẩm quyền riêng biệt đối với vụ việc đó. Điều này sẽ gây nên sự lãng phí về mặt thời gian, công sức của các bên lẫn cơ quan tòa án. Do đó, cần thiết phải ghi nhận vấn đề này trong pháp luật Việt Nam và giải pháp cho vấn đề này chủ yếu thuộc về kỹ thuật lập pháp, chỉ cần loại bỏ quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 470, không xem các tranh chấp có thỏa thuận lựa chọn tòa án là tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Vấn đề xác định thẩm quyền đối với các vụ việc theo điểm đ, e khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015 trên thực tế rất khó áp dụng đối với các vụ việc vi phạm được thực hiện từ Internet. Ví dụ như trường hợp một doanh nghiệp nước ngoài thực hiện quảng cáo thông qua Internet nhằm thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh với một doanh nghiệp nước ngoài khác có chi nhánh tại Việt Nam.[28] Trong trường hợp này rất khó để xác định sự việc có diễn ra tại Việt Nam hay không để căn cứ vào điểm đ[29] hoặc nếu cho rằng nó xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì doanh nghiệp này không phải là tổ chức Việt Nam hoặc có trụ sở tại Việt Nam để áp dụng theo điểm e.[30] Nếu trong trường hợp này, thẩm phán dựa trên học thuyết forum non conveniens để xác định mối quan hệ gắn bó của yếu tố lãnh thổ với tranh chấp đã xảy ra, để thụ lý hay từ chối thụ lý vụ việc thì sẽ làm rõ và đảm bảo được sự thực thi của hai điều khoản này trên thực tế.
Trong bối cảnh BLTTDS năm 2015 vừa mới ra đời, khó có thể sửa đổi, bổ sung ngay các nội dung vừa đề xuất. Song, với kinh nghiệm từ việc áp dụng học thuyết forum non conveniens trong pháp luật Hoa Kỳ, thẩm phán Việt Nam trong quá trình giải thích và áp dụng các quy định trên cần có sự linh hoạt trong việc từ chối thẩm quyền nếu vụ việc được thụ lý không đảm bảo được sự cân bằng của ba yếu tố lợi ích của các bên, sự thuận tiện của cơ quan tòa án và khả năng thực thi phán quyết. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được theo tinh thần quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho phép Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quyền tạo ra án lệ trên cơ sở lựa chọn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Ở hướng nghiên cứu xa hơn, các giá trị của học thuyết forumnon conveniens cũng nên được xem xét cho việc quy định về quyền của Toà án Việt Nam được tuyên bố từ chối thụ lý giải quyết một vụ việc có yếu tố nước ngoài khi mà tính thuận tiện cho việc thụ lý giải quyết tranh chấp (cho cả toà án lẫn các bên) và tính khả thi cho việc thực thi phán quyết là không cao. Tuy nhiên, việc quy định đó cũng cần phải đảm bảo sự cân bằng với quyền yêu cầu toà án đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là đối với bị đơn..
CHÚ THÍCH
[1]* NCS. ThS, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.Lê Thị Nam Giang – Ngô Kim Hoàng Nguyên, Bảo vệ quyền con người trong Tư pháp quốc tế Hoa Kỳ và Tư pháp quốc tế Việt Nam, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 22.
[2] Ronald A. Brand – Scott R. Jablonski, “Forum non Conneniences: History, Global Practice, and Future Under the Hague Convention on Choice of Court Agreements”, Oxford University Press, Inc, 2007, tr. 37.
[3].Nguồn:.https://supreme.justia.com/cases/federal/us/330/501/, truy cập ngày 06/4/2016.
[4].Nguồn:.https://supreme.justia.com/cases/federal/us/330/518/, truy cập ngày 27/9/2016.
[5].Nguồn:.https://supreme.justia.com/cases/federal/us/454/235/case.html, truy cập ngày 06/4/2016.
[6] Bộ pháp điển các luật liên bang – Bộ luật Hoa Kỳ (U.S. Code) chứa đựng những đạo luật của Nghị viện mà không có các quy định do cơ quan hành pháp ban hành trong quá trình lập quy. Bộ pháp điển U.S.Code được chia thành 50 chủ đề khác nhau, được tổ chức một cách logíc theo lĩnh vực lập pháp như: Nghị viện, Tổng thống, nông nghiệp, thuế quan, hải quan, giao thông, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, tài chính – tiền tệ, phá sản… Xem: Trần Văn Lợi, “Một số kinh nghiệm Pháp điển của Hoa Kỳ”, 2010. Nguồn: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=1476, truy cập ngày 08/10/2016.
[7] Sự thuận lợi cho nguyên đơn trong quá trình khởi kiện sẽ được điều chỉnh bằng một học thuyết khác forum shopping: cho phép nguyên đơn được quyền lựa chọn khởi kiện tại tòa án được cho là phù hợp và thuận tiện nhất đối với mình.
[8] Lê Thị Nam Giang – Ngô Kim Hoàng Nguyên, tlđd, tr. 25.
[9] Ronald A. Brand – Scott R. Jablonski, tlđd, p. 44.
[10] F. Mikis Manolis, Nathaly J. Vermette and Robert F. Hungerford, The Doctrine of Forum Non Conveniens: Canada and the United States Compared”, FdCC Quarterly, Vol. 60, No. 1, Fall 2009, p. 25.
[11] John R. Wilson, “Coming to America to File Suit: Foreign Plaintiffs and the Forum Non Conveniens: Barrier in transnational Litigation”, 65 Ohio St. l.J. 659, 2000, p. 673 – 674.
[12] Lê Thị Nam Giang – Ngô Kim Hoàng Nguyên, tlđd, tr.25.
[13] Nguồn:https://supreme.justia.com/cases/federal/us/407/1/, truy cập ngày 06/4/2016.
[14] Kurt H. Nadelmann, “Choice-of-Court Clauses in the United States: The Road to Zapata”, The American Journal of Comparative Law, American Society of Comparative Law, Vol. 21, No. 1, Winter, 1973, (p.124-135), tr. 126.
[15] Kurt H. Nadelmann, tlđd, tr. 135.
[16] Nguồn: https://supreme.justia.com/cases/federal/us/499/585/case.html, truy cập ngày 07/4/2016.
[17] Delaume G. R, “Choice – of – forum and Arbitration Clauses in the United States: A Judicial Crusade”, Journal of International Arbitration, Vol. 13, 1996, tr. 81.
[18] Anti-Suit Injunction là lệnh của cơ quan tòa án hoặc Hội đồng Trọng tài yêu cầu bên còn lại không được tiến hành một sự bắt đầu hoặc tiếp tục tiến trình tố tụng tại một cơ quan tòa án khác, bao gồm tòa án theo sự lựa chọn. Xem thêm về khái niệm Anti-Suit Injunction tại: Ohn Fellas, “A New Standard for International Anti-Suit Injunctions”, New York Law Journal, Vol. 231, No. 92, 2004.
[19] Có hai loại thỏa thuận lựa chọn tòa án: Thỏa thuận lựa chọn tòa án độc quyền sẽ làm phát sinh thẩm quyền độc quyền cho cơ quan tòa án được lựa chọn, các tòa án khác phải có nghĩa vụ từ chối thẩm quyền, trừ trường hợp thỏa thuận không hợp pháp. Thỏa thuận lựa chọn tòa án không độc quyền sẽ làm phát sinh thẩm quyền cho cơ quan tòa án được lựa chọn, nhưng không cản trở các tòa án khác thực hiện thẩm quyền. Xem thêm Điều 3 Công ước Lahaye 2005 về lựa chọn tòa án; James Fawcett, Non-Exclusive Jurisdiction Agreements in Private International Law, Lloyd’s Mar. and Com. L. Q. Publication, 2001, tr. 234.
[20] Mặc dù các nguyên tắc về lựa chọn tòa án đã có trong Công ước Hague 1965 lựa chọn tòa án. Tuy nhiên, chỉ có 1 thành viên duy nhất tham gia là Israel. Đối với Công ước Hague 2005 về thỏa thuận lựa chọn tòa án, Hoa Kỳ đã tham gia ký kết vào ngày 19/01/2009. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Công ước vẫn chưa được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.
[21] Kurt H. Nadelmann, tlđd, tr.136.
[22].Nguồn:.http://law.justia.com/codes/new-york/2012/cvp/article-3, truy cập ngày 07/4/2016.
[23] Là nguyên tắc cơ bản được sử dụng trong tố tụng dân sự của EU. Nó được áp dụng trong trường hợp có sự xuất hiện của hai cơ quan tòa án đối với cùng một vụ việc và cùng các bên như nhau. Tòa án thứ hai phải có nghĩa vụ hoãn thụ lý – stay of proccedings. Trong trường hợp tòa án thụ lý đầu tiên xác định rằng nó không có thẩm quyền thì tòa án thứ hai sẽ được quyền thụ lý (trừ trường hợp có thỏa thuận lựa chọn tòa án hợp pháp). Vấn đề này được quy định rất rõ tại Điều 29 của Nghị định Brussels I 2012 về thẩm quyền và công nhận và cho thi hành phán quyết về các vấn đề dân sự và thương mại.
[24] Marta Pertegás, “The Brussels I Regulation and the Hague Convention on Choice of Court Agreements”, The ERA Annual Conference on Private International and Business Law, held on 8–9 October, 2009 in Trier, ERA Forum 11, 2010, tr. 24.
[25] Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2015 thay thế cho Nghị định Brussels I 2000.
[26] Điểm c, khoản 1, Điều 469 BLTTDS năm 2015.
[27] Theo điểm c, khoản 1, Điều 470 BLTTDS năm 2015.
[28] Ngô Quốc Chiến, “Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam xét xử vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 04, 2015, tr. 34.
[29] Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
[30] Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
- Tác giả: TS. Phan Hoài Nam
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(109)/2017 – 2017, Trang 59-66
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý