Mục lục
Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp Luật Thi hành án hình sự Việt Nam
TÓM TẮT
Người chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội. Người chưa thành niên là con của phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù là người dễ bị xâm hại trong khi họ bị thiệt thòi vì thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc hàng ngày của cha/mẹ. Pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam hiện nay chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người chưa thành niên có cha/mẹ đang chấp hành hình phạt tù. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích quy định của Luật thi hành án hình sự hiện hành, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của những đối tượng này.
- Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự về Quản lý, giam giữ phạm nhân – ThS. Hoàng Đức Mạnh
- Một số vấn đề về giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Nguyễn Quang Vũ
- Đánh giá quy định của Luật TTHS Việt Nam về quyền bào chữa của người chưa thành niên trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Quyền bào chữa trong Hiến pháp 2013 và việc triển khai thực hiện – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Lê Thị Thùy Dương
- Hoàn thiện các quy định về chứng minh trong TTHS nhằm đảm bảo quyền bào chữa và đảm bảo tranh tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
TỪ KHÓA: Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên), Phạm nhân, Thi hành án hình sự, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Đặt vấn đề
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền Trẻ em (CRC) vào năm 1990. Qua đó, Nhà nước ta cam kết với Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ thực hiện đầy đủ các điều khoản của Công ước. Các quyền trẻ em trong Công ước được quy định ở 40 điều khác nhau, nhưng tựu trung lại có 4 nhóm chính: Quyền được sống, Quyền được phát triển, Quyền được bảo vệ và Quyền được tham gia. Việc thực hiện các quyền này là để đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho trẻ em và đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người. Có thể khẳng định hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người chưa thành niên của Việt Nam nói riêng đã dần dần hoàn thiện. Quyền người chưa thành niên được ghi nhận trong Hiến Pháp và các đạo luật khác như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Luật Hôn nhân gia đình năm 2000; Luật Giáo dục năm 2004; Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007; Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003… Như vậy, vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người chưa thành niên đã và đang được thế giới cũng như Việt Nam ngày càng quan tâm.[1]
Người chưa thành niên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, là tương lai của nhân loại. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần phải bảo vệ người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương như: người chưa thành niên lang thang, mồ côi, bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột kinh tế, bóc lột sức lao động, sử dụng ma túy, bị lây nhiễm HIV[2] …Tuy nhiên, có một nhóm người chưa thành niên chưa thực sự được xã hội và pháp luật quan tâm – đó là những người có cha mẹ đang chấp hành án phạt tù (cha mẹ là phạm nhân). Những người này cũng thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương như thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, hoàn cảnh sống thiếu thốn, bị bạn bè xa lánh, tâm lý mặc cảm về những tội lỗi do cha mẹ mình gây ra… Mặc dù vậy, có hàng loạt các câu hỏi liên quan đến nhóm đối tượng này được đặt ra mà chưa có lời giải đáp, như họ có cuộc sống ra sao (?) quyền lợi của họ thế nào (?) họ phải gánh chịu những hậu quả gì từ việc phạm tội của cha mẹ mình (?)…. Hiện nay tại Việt Nam, không có bất cứ tài liệu nào thống kê số lượng người chưa thành niên cócha mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam và cũng chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về sự ảnh hưởng hay những tác động tới tâm sinh lý của người chưa thành niên khi chúng rơi vào hoàn cảnh đó.
Trong khi đó, trên thế giới những vấn đề này đã được thống kê, nghiên cứu từ rất lâu[3] . Tại một số nước đã triển khai có hiệu quả việc bảo vệ quyền của trẻ em có cha/mẹ đang chấp hành hình phạt tù. Chẳng hạn như pháp luật của một số tiểu bang của Mỹ:[4]
– Luật của Califonia quy định một chương trình ngoại trú cho phạm nhân là phụ nữ với con dưới 6 tuổi.
– Luật của New York cho phép con được ở cùng với mẹ cho đến khi một tuổi; yêu cầu các cơ quan phúc lợi trẻ em tăng cường khuyến khích, duy trì mối quan hệ giữa con với cha mẹ đang chấp hành hình phạt tù bằng cách sắp xếp các chuyến thăm, phương tiện đi lại và các hình thức hỗ trợ khác.
– Luật của Hawaii đưa ra các nguyên tắc bao gồm: trẻ em cần được bảo đảman toàn và được thông báo tại thời điểm cha mẹ chúng bị bắt giữ; trẻ em có cơ hội để tiếp xúc, nói chuyện, gặp gỡ cha mẹ chúng khi thích hợp; trẻ sẽ nhận được mọi sự hỗ trợ trong việc giữ mối quan hệ với cha mẹ của mình.
Các nước trong khối Liên minh Châu Âu đã có nhiều quy định về việc bảo vệ quyền của trẻ em có cha mẹ đang chấp hành hình phạt tù như: Theo Điều 36.1 của Bộ quy tắcvề tù giam tại châu Âu: “Trẻ sơ sinh có thể ở lạit rong nhà tù với cha mẹ chỉ khi điều đó là vì lợi ích tốt nhất của trẻvà trẻ không được đối xử như tù nhân”.[5] Hoặc Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Minh Châu Âu ghi nhận: “Mọi trẻ em đều có quyền duy trì mối quan hệ và gặp gỡ trực tiếp với cha mẹ mình, trừ khi điều này làm tổn hại đến quyền và lợi ích của trẻ”.[6]
Trong Luật Thi hành án hình sự 2010 của Việt Nam, đã có một số quy định nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân, nhưng những quy định này chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 3 tuổi. Khi những đứa trẻ này đủ 3 tuổi thì quyền lợi của chúng hầu như chưa được xã hội và quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục một con người trong khoảng thời gian dài từ 3 tuổi đến dưới 18 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng đến sự hình thành nhân cách, trưởng thành về thể chất, tâm sinh lý sau này. Vì vậy, vấn đề bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự ở Việt Nam là một vấn đề thiết thực cần được quan tâm nghiên cứu.
2. Sự ảnh hưởng tâm sinh lý và đời sống của con chưa thành niên khi có cha/mẹ đang chấp hành hình phạt tù
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng cha mẹ luôn là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của con cái họ, giúp con cái mình xây dựng tính cách trong tương lai. Tuy nhiên, những đứa trẻ có cha mẹ (cha mẹ, hoặc cha, hoặc mẹ) ở trong tù sẽ gặp phải những thách thức khác nhau trong từng giai đoạn phát triển của chúng[7] . Những đứa trẻ có cha mẹ bị giam giữ thường có vấn đề về tâm lý, sự kỳ thị trong trường học và một sự giảm sút trong hoạt động học tập…[8]
Ở mỗi giai đoạn khác nhau chúng sẽ chịu những tác động khác nhau liên quan đến việc cha mẹ chúng đang chấp hành án phạt tù. Có thể chia ra làm hai giai đoạn đó là dưới 3 tuổi và từ 3 tuổi đến dưới 18 tuổi:
Ảnh hưởng của tình trạng cha/mẹ chấp hành hình phạt tù tới con chưa thành niên trong giai đoạn dưới 3 tuổi:
Ở lứa tuổi này, trẻ có xu hướng hoàn toàn lệ thuộc vào sự chăm sóc và giáo dục của cha mẹ, chúng đang học cách để kết nối với người chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Trẻ có khả năng ghi nhớ và nhận thức những chấn thương đầu đời dù là nhỏ nhất. Có hai trường hợp xảy ra: hoặc là đứa trẻ sẽ được mẹ của chúng mang theo vào tù; hoặc là đứa trẻ sẽ không ở cùng mẹ trong tù. Dù rơi vào bất cứ trường hợp nào nêu trên thì chúng vẫn phải gánh chịu những thiệt thòi nhất định.
– Trường hợp thứ nhất đứa trẻ được cha/mẹ mang theo vào tù: Có những lý do khác nhau để con phải theo cha/mẹ vào tù, nhưng đa phần bắt nguồn từ hoàn cảnh neo đơn của những cha/mẹ lỡ sa chân vào con đường lao lý. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành: “Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khoẻ. Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội”[9] . Ở trong môi trường này, những đứa trẻ dù có đón nhận đầy đủ tình thương của người mẹ nhưng có thể lại thiếu tình thương của người cha; trẻ như những “tờ giấy trắng”, bắt đầu biết học hỏi tiếp thu những thứ xung quanh nên cũng có nguy cơ dễ bị ảnh hưởng xấu bởi hành vi của một số phạm nhân có ý thức chưa tốt[10] . Ngoài ra, các vấn đề về dinh dưỡng, dịch vụ y tế, giáo dục, khu vui chơi, sinh hoạt thiết yếu khác cho trẻ… trong trại giam không được đảm bảo như bên ngoài.
– Trường hợp thứ hai là con không theo cha/mẹ vào tù: những đứa trẻ này có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tình trạng ở tù của cha/mẹ, nhất là người mẹ. Trước hết là việc trẻ không được đón nhận tình thương của mẹ – sợi dây liên kết mạnh mẽ nhất khi trẻ mới chào đời. Trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều tạo ra cho mình rất nhiều mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Nhưng mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất là mối quan hệ giữa người mẹ với đứa con của mình. Hàng trăm công trình nghiên cứu, đã chỉ ra cảm xúc của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nhân cách của trẻ sau này[11] . Hơn thế nữa, như sẽ được phân tích chi tiết trong phần sau, trẻ còn phải đối mặt với các vấn đề khó khăn từ nhà trường, bạn bè và cộng đồng.
Nói về quyền người chưa thành niên, chúng ta không thể không đề cập đến quyền có một gia đình. Đặc biệt, đối với người Việt Nam gia đình có giá trị nền tảng vững chắc và mạnh mẽ. Đó là cái nôi của sự sống, là ngôi trường với những bài học đầu tiên về tình yêu thương, sự chấp nhận, lòng bao dung, đúng – sai, phải – trái, tốt – xấu… Trường hợp trẻ phải sống trong một gia đình thiếu đi người cha hoặc người mẹ khiến trẻ phải gánh chịu những khiếm khuyết cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Lúc này, người nuôi dưỡng trẻ phải đóng cả hai vai trò: vừa làm cha, vừa làm mẹ. Ở hoàn cảnh như thế, đứa trẻ không được hưởng một tình yêu thương trọn vẹn, không được chăm sóc đầy đủ.
Ảnh hưởng của tình trạng cha/mẹ chấp hành hình phạt tù tới con chưa thành niên trong giai đoạn từ 3 tuổi đến dưới 18 tuổi:
Đâylàgiaiđoạn trẻ cóthể dần nhận thức một cáchđầyđủ sự việc, tự chủ trong một số hoạtđộng, tòmòvề cuộc sống vàthích thể hiện bản thân. Theo quyđịnh tạikhoản 4 Điều 45 Luật Thi hành án hình sự năm 2010: “Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, phải đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng”. Như vậy, khi trẻ từ 3 tuổi trở lên, chúng sẽ phải rời khỏi nhà tù để nhận được sự nuôi dưỡng của thân nhân hoặc của các cơ sở bảo trợ xã hội. Lúc này, đứa trẻ phải trở về với môi trường sống bên ngoài xã hội và chúng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề sau:
– Mối quan hệ với gia đình: thông thường con chưa thành niên có cha mẹ đi tù sẽ có sự gián đoạn về tình cảm, giữa chúng không có sự kết nối thường xuyên với cha/mẹ đang chấp hành hình phạt tù (có thể là do chế độ viếng thăm, khoảng cách địa lý xa xôi, phương tiện liên lạc thiếu thốn, thậm chí tâm lý mặc cảm, xấu hổ…). Trong thực tế, để tránh làm tổn thương trẻ, những người thân còn lại của trẻ thường tránh nhắc đến việc cha mẹ chúng đang ở tù hoặc giấu chúng sự thật đó. Điều này khiến đứa trẻ có cảm giác bối rối và không chắc chắn, lâu dần làm trẻ mất lòng tin và thể hiện sự tức giận đối với những người thân đang chăm sóc chúng.[12]
– Nhận được ít sự giáo dục: từ giáo dục nhân cách cho đến giáo dục kiến thức, trẻ khó có thể được hưởng đầy đủ như khi chúng sống cùng với cả cha mẹ. Trẻ thường có tâm lý cô đơn khi không có sự chia sẻ, động viên kịp thời của cha mẹ, từ đó không có động lực phấn đấu khiến việc học trở nên khó khăn.
– Tâm lý xấu hổ, kỳ thị: Những đứa trẻ này thường phải chịu sự phán xét, xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh như hàng xóm, bạn bè, thậm chí là của những người thân trong gia đình (ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh chị em họ…). Điều này có thể diễn biến theo hai chiều hướng: một số trẻ sẽ mất tự tin, ngại tiếp xúc cũng như chia sẻ tâm sự với người khác và thu lại trong vỏ ốc của chính mình, chúng cảm thấy không được yêu thương và không có định hướng cho cuộc sống; ngược lại, một số trẻ sẽ trở nên bất cần, có tâm lý thích chống đối, hung hăng với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
– Điều kiện kinh tế khôngđầyđủ: Khi gia đình có một thành viên đang ở trong tù, thu nhập gia đình bị sút giảm. Thay vì dành thời gian chăm sóc trẻ, các thành viên còn lại phải nỗ lực làm việc để bù đắp lại sự thiếu hụt thu nhập do một người đã vào tù; để lại đứa trẻ không được quan tâm chăm sóc thích đáng, bị thiếu thốn về cả tình cảm và vật chất. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có nhiều sự quan tâm và trợ cấp cho trẻ[13] nhưng chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Đây có lẽ là lý do mà trẻ phải lao động sớm, dễ bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động.
– Nguy cơ phạm pháp và bị lạm dụng[14] : Khi không nhận được đầy đủ tình thương và sự giáo dục của cha/mẹ; lại gặp phải sự kỳ thị từ xã hội và sớm phải đương đầu với khó khăn về tài chính thì trẻ thường có xu hướng cách ly ra khỏi môi trường sống hiện tại của chúng: bỏ nhà ra đi, lang thang đường phố hoặc gia nhập băng nhóm, thực hiện những hành vi bất hợp pháp như sử dụng ma túy, nghiện bia rượu, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, cướp giật…
Như vậy, việc cha mẹ phạm tội và tình trạng họ đang chấp hành hình phạt tù đã vô tình gây ra khó khăn cho chính con cái của họ; và chúng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của hành vi phạm tội của chính cha mẹ chúng (những đứa trẻ này còn gọi là “nạn nhân im lặng”, “nạn nhân ẩn” hay “nạn nhân bị lãng quên”[15] ). Những tác động tâm sinh lý và xã hội mà trẻ phải gánh chịu trong tình trạng này là rất lớn, có thể sẽ đi theo suốt cuộc đời các em. Vì vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế pháp lý và chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, hiệu quả và liên tục để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người chưa thành niên là con của phạm nhân” một cách tốt nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án hình sự.
3. Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam
Bảo đảm quyền của người chưa thành niên dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam
Mặc dù người chưa thành niên là con của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù không phải là đối tượng của hoạt động thi hành án hình sự, nhưng Nhà nước đã có những quy định cụ thể về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Quy định này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của những đứa trẻ là con của phạm nhân nữ, đặc biệt làtrẻ em dưới 36 tháng tuổi. Theo quy định tại Điều 45 Luật thi hànhánhình sự 2010, trẻ em dưới 36 tháng tuổi làcon của phạm nhânnữ cócácquyền sauđây:
– Quyền được chăm sóc trước khi sinh: Luật thi hành án hình sự 2010 quy định phạm nhân nữ có thai (nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù) thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khoẻ. Quy định này mang tính nhân đạo sâu sắc, đảm bảo sức khỏe cho nữ phạm nhân để họ có thể cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, bảo đảm quyền lợi của những đứa trẻ này ngay từ khi còn là những bào thai.
– Quyền được chăm sóc sau khi sinh: Phạm nhân nữ được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của Bộ luật lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
– Quyền đăng ký khai sinh: Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.
– Quyền học tập: Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Những quy định trên không chỉ mang tính nhân văn đối với phụ nữ có thai và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà mục tiêu chính là có một chính sách nhân đạo đối với trẻ em là con của những phạm nhân này. Trong môi trường sống khắc nghiệt với những khó khăn và thiếu thốn của nhà tù, những quy định trên đã tạo cho những đứa trẻ là con của phạm nhân nữ có một môi trường sống tốt nhất có thể, giúp các em có được các quyền cơ bản và tối thiểu như bất cứ trẻ em nào khi được sinh ra, đó là quyền được chăm sóc sức khỏe trước và sau khi sinh, quyền nhận được sự thương yêu và nuôi dưỡng trực tiếp của mẹ, quyền được khai sinh, được đi nhà trẻ để học tập, vui chơi và hòa nhập với cuộc sống bình thường của xã hội bên ngoài nhà tù.
Quy định trên của luật thi hành án hình sự mới chỉ quan tâm và đề cập đến việc bảo đảm quyền của trẻ em dưới 3 tuổi là con của các phạm nhân nữ. Trên thực tế có những trường hợp phạm nhân nam có con dưới 3 tuổi nhưng trong những hoàn cảnh éo le đặc biệt, đứa trẻ không được sự chăm sóc của mẹ (do mẹ bị chết hoặc bỏ đi sau khi sinh) và không có thân nhân nhận nuôi dưỡng (ông, bà nội, ngoại; cô, dì, chú, bác…), và phạm nhân nam này không được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, thì luật thi hình án hình sự chưa có những quy định cho phép phạm nhân nam có thể mang con vào các trại giam để chăm sóc, nuôi dưỡng. Điều đó làm cho những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh này vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, nay lại thiệt thòi hơn. Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự 2010 cũng không có điều khoản nào cấm phạm nhân nam được nuôi dưỡng và chăm sóc con dưới 36 tháng tuổi khi đang chấp hành hình phạt tù. Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn và nhằm bảo đảm tốt nhất quyền của trẻ em, Điều 11 Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 về Tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân đã quy định về “Chế độ ăn, mặc và cấp phát nhu yếu phẩm đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha, mẹ trong trại giam”. Quy định này cho phép các phạm nhân nam có con dưới 36 tháng tuổi có thể chăm sóc con mình trong trại giam. Chúng tôi cho rằng quy định trên là phù hợp và mang tính nhân đạo sâu sắc đối với trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều có quyền tối thiếu là được cha mẹ thương yêu, trực tiếp chăm sóc, dưỡng dục.
Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ đảm bảo cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi sống trong trại giam là con của phạm nhân nam có chế độ ăn, mặc, cấp phát nhu yếu phẩm như con của phạm nhân nữ. Trong khi phạm nhân nữ có chế độ nghỉ thai sản theo quy định của Bộ luật lao động, được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con thì chưa có quy định nào cho phép phạm nhân nam có các quyền này. Sự thiếu hụt này không chỉ bất bình đẳng về quyền của các phạm nhân nam so với phạm nhân nữ, mà còn bất bình đẳng về quyền giữa những đứa trẻ là con của nam phạm nhân so với con của nữ phạm nhân. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng tuổi chưa thể tự lập được và cần được sự quan tâm, chăm sóc sát sao của cha mẹ, người thân. Vì vậy, chúng tôi cho rằng Luật thi hành án hình sự cần bổ sung quy định phạm nhân nam được phép nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trại giam và có quyền nghỉ thai sản để chăm con đến khi con đủ 6 tháng tuổi, có quyền được bố trí các công việc phù hợp với việc chăm sóc con. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 45 Luật Thi hành án hình sự như sau:
“Điều 45. Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai; phạm nhân nuôi con dưới 36 tháng tuổi
1- Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khoẻ.
2- Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của Bộ luật lao động. Phạm nhân nam nuôi con dưới 6 tháng tuổi được nghỉ lao động đến khi con đủ 6 tháng tuổi.Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân[16] nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
3- Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.
4- Phạm nhân[17] cócon từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, phải đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
5- Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.”
Bảo đảm quyền của người chưa thành niên từ 36 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi là con của phạm nhân trong pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam
Theo quy định của khoản 4 Điều 45 Luật thi hành án hình sự 2010, trẻ em từ đủ 3 tuổi trở lên là con của phạm nhân sẽ không được sống cùng cha mẹ trong trại giam mà phải đưa ra ngoài trại giam, giao cho thân nhân hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.: “Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, phải đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng”. Quy định này hợp lý vì trong ba năm đầu đời việc chăm sóc trực tiếp của cha mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, ổn định tâm sinh lý, tình cảm, phát triển thể chất của trẻ. Sau ba tuổi, vai trò của cha mẹ đối với trẻ em tuy vẫn giữ vị trí quan trọng đặc biệt, nhưng ở tuổi này trẻ ngày càng tham gia và hòa nhập sâu rộng hơn vào các quan hệ xã hội nên môi trường nhà tù không tốt cho việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Vì vậy, chúng ta cần cho trẻ ra ngoài hòa nhập với cuộc sống xã hội. Mặc dù vậy, lúc này, việc giữ mối liên hệ mật thiết với cha mẹ trong trại giam có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ, giúp trẻ có chỗ dựa về tình cảm, ổn định tâm lý; giảm cảm giác cô đơn, bị lãng quyên, bị bỏ rơi; sự liên hệ thường xuyên và gần gũi với cha mẹ trong tù sẽ giúp trẻ có thái độ sống tích cực, lạc quan, tự tin; trẻ vẫn nhận được tình thương yêu, quan tâm, giáo dục của cha mẹ, được cha mẹ hướng dẫn và nâng đỡ về tinh thần khi gặp những khó khăn, va vấp trong cuộc sống. Sự liên hệ thường xuyên của cha mẹ là phạm nhân với con cái của họ còn là động lực mạnh mẽ để giúp phạm nhân cải tạo tốt, sớm ra tù để được gần gũi với con cái của mình. Do đó, Luật thi hành án hình sự cần có các quy định cụ thể nhằm bảo đảm cho người chưa thành niên có cha mẹ đang chấp hành hình phạt tù giữ được sự liên lạc thường xuyên với cha mẹ bằng các cách thức và phương tiện khác nhau, nhất là việc gặp mặt trực tiếp và qua điện thoại.
Theo quy định tại Điều 46 Luật thi hành án hình sự 2010, phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Điều 47 Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định: phạm nhân được gửi mỗi tháng hai lá thư; trường hợp cấp bách thì được gửi điện tín; Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 05 phút.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng đối với các phạm nhân có con chưa thành niên, Nhà nước cần quy định riêng về chế độ gặp và liên lạc với thân nhân. Khi khảo sát các quy định của Luật thi hành án hình sự 2010, chúng tôi thấy Điều 53 quy định về chế độ gặp, liên lạc với thân nhân của phạm nhân là người chưa thành niên như sau: phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân không quá ba lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24 giờ. Phạm nhân được liên lạc với thân nhân qua điện thoại mỗi tháng không quá bốn lần, mỗi lần không quá 10 phút. Chúng tôi cho rằng giữa phạm nhân là người chưa thành niên và con chưa thành niên của những phạm nhân có điểm chung là họ chưa phát triển đầy đủ và hoàn thiện về nhân cách, tâm, sinh lý, họ rất cần sự quan tâm, thương yêu, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ. Con của phạm nhân cũng nên được gặp cha mẹ đang chấp hành hình phạt tù ở mức độ thường xuyên giống như người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy, nhà nước cần tạo điều kiện để cha mẹ và con cái trong những hoàn cảnh này gặp nhau thường xuyên hơn. Từ đó, chúng tôi đề nghị:
Sửa đổi Điều 46 Luật Thi hành án hình sự như sau:
“Điều 46.Chế độ gặp thân nhân, nhận quà của phạm nhân
1- Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ, trường hợp đặc biệt thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị được gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết.
Phạm nhân có con chưa thành niên được gặp con không quá ba lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ, trường hợp đặc biệt được gặp không quá 24 giờ.
Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí nơi phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác.”
Sửa đổi Điều 47 Luật Thi hành án hình sự 2010 như sau:
“Điều 47. Chế độ liên lạc của phạm nhân
1- Phạm nhân được gửi mỗi tháng hai lá thư; trường hợp cấp bách thì được gửi điện tín. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải kiểm tra, kiểm duyệt thư, điện tín mà phạm nhân gửi và nhận.
2- Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 05 phút. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định việc cho phạm nhân liên lạc bằng điện thoại và tổ chức kiểm soát việc liên lạc này.
Phạm nhân có con chưa thành niên được liên lạc với con qua điện thoại mỗi tháng không quá bốn lần, mỗi lần không quá 10 phút.
3- Chi phí cho việc liên lạc của phạm nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do phạm nhân chi trả.”
Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong thi hành án hình sự là đảm bảo quyền cơ bản của con người. Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ; Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em.Đối với người chưa thành niên có cha/mẹ đang chấp hành hình phạt tù, do hoàn cảnh khách quan nên không được chung sống dưới một mái nhà với cha/mẹ, pháp luật cần có các quy định cụ thể tạo điều kiện để họ có sự tiếp xúc và liên lạc thường xuyên với cha/mẹ – chỗ dựa tinh thần và tình cảm của họ trong cuộc sống. Những quy định này không chỉ có tác dụng tích cực cho việc giáo dục và hình thành nhân cách tốt của người chưa thành niên; mà còn tạo điều kiện để chính các phạm nhân có động lực cải tạo tốt hơn; ngăn chặn tình trạng hư hỏng, phạm pháp của người chưa thành niên trong tương lai; tạo ra những công dân tốt cho xã hội.
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”. Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Theo quy định của Bộ luật dân sự, người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Như vậy, người chưa thành niên bao gồm trẻ em và những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Chúng tôi cho rằng người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, nhân cách, tâm sinh lý nên cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc, dưỡng dục đặc biệt của gia đình và xã hội. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi không chỉ giới hạn vấn đề bảo vệ quyền của trẻ em mà còn mở rộng đối tượng nghiên cứu về quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong luật thi hành án hình sự ở Việt Nam. Khi chúng tôi sử dụng thuật ngữ “trẻ em” theo các điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài hay “người chưa thành niên” theo pháp luật Việt Nam là để chỉ cùng một nhóm đối tượng: người dưới 18 tuổi.
[2] Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2007, ước tích có 2,5 triệu trẻ em sống trong “hoàn cảnh đặc biệt” bao gồm 168.000 trẻ em mồ côi và trẻ em không được cha mẹ đẻ chăm sóc, 27.000 trẻ em lao động sớm, hơn 13.000 trẻ em lang thang, hơn 14.500 trẻ sống trong các trung tâm, 3.800 trẻ em sử dụng ma túy, và ít nhất có 900 trẻ em bị lạm dụng tình dục. Năm 2006, khoảng 16% trẻ em độ tuổi từ 5-14 tuổi tham gia vào lao động trẻ em.
[3] Xem: Cynthia Seymou, “Children with Parents in Prison: Child Welfare Policy,Program and Practice Issues”, Child Welfare, Vol. LXXVll, #5,0009-4021/98/050469-26, pp. 469-493.Bài viết đăng tại.http://lms.ctl.cyut.edu.tw/sysdata/9/18209/doc/86e449d2c57bbbea/attach/705369.pdf(truy cập lần cuối ngày 27/02/2014). Ở Mỹ, ước tính có khoảng 200,000 trẻ em có mẹ bị giam giữ và 1,6 triệu trẻ em có cha bị giam giữ. Tại bang California: có khoảng 195.000 trẻ emhiện có cha mẹ trong nhà tù và 564.000 trẻ em có cha mẹ được tạm tha hoặc bị quản chế. Khoảng 60% trẻ em sống với ông bà, 17% sống với thân nhân khác và còn lại sống trong các cơ sở nuôi dưỡng.
Xem: Saunders, V., & McArthur, M. (2013). Children of Prisoners: Exploring the needs of children and young people who have a parent incarcerated in the ACT. Canberra: SHINE for Kids. Bài viết đăng tại http://www.acu.edu.au/__data/assets/pdf_file/0008/593477/Final_Report_Children_of_Prisoners_Oct2013.pdf(Truy cập lần cuối ngày 27/02/2014)Tại Úc, có khoảng 5% số trẻ em, tức là khoảng 50.000 trẻ em có cha mẹ bị giam giữ trong năm 2003. Đến năm 2005 thì con số này tăng lên 145.000 trẻ em.
[4] Steve Christian, Children Incarerated Parents, March 2009. Bài viết đăng tại:http://www.ncsl.org/research/human-services/children-of-incarcerated-parents.aspx(Truy cập lần cuối ngày 27/02/2014).
[5] Article 36.1, Recommendation Rec(2006)2of the Committee of Ministers to member stateson the European Prison Rules: “Infants may stay in prison with a parent only when it is in the best interest of the infants concerned. They shall not be treated as prisoners”. Xem tại https://wcd.coe.int/ViewDoc.jsp?id=955747(truy cập lần cuối ngày 15/11/2013).
[6] Charter of Fundamental Rights of the European Union 2000(2000/C 364/01): “Every child shall have the right to maintain on a regular basis a personal relationship and direct contact with both his or her parents, unless that is contrary to his or her interests.”Xem tạihttp://www.europarl.europa.eu/charter/pdf/text_en.pdf(truy cập lần cuối ngày 15/11/2013).
[7] Xem ghi chú số 6.Trích: “Theo Johnston (1995) thì khi cha mẹ bị giam giữ sẽ có những tác động tới đứa trẻ theo từng giai đoạn sau:
– Sự giam giữ cha mẹ trong năm đầu tiên của cuộc đời một đứa trẻ có thể ngăn cản, phá vỡ sự phát triển của tâm lý, tình cảm.
– Sự tự chủ hay chủ động ở trẻ em từ 2-6 tuổi có thể bị tổn hại bởi những chấn thương như chứng kiến vụ bắt giữ cha mẹ để giam giữ bởi vì trẻ nhỏ có khả năng nhận thức và ghi nhớ các sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng chúng không thể xử lý hoặc điều chỉnh nếu không có sự trợ giúp.
– Trẻ em từ 7 đến 10 tuổi có thể có một thời gian khó khăn trong học đường, bạn bè cùng lứa và hình thành hành vi hung hăng.
– Trong khi một số thanh thiếu niên từ 11 tới 14 tuổi thì khắc phục sự vắng mặt của cha mẹ, nghèo đói, kỳ thị… bằng việc bỏ nhà, lang thang, gia nhập băng nhóm.
– Từ 15 đến 18 tuổi trẻ có xu hướng tham gia vào các hoạt động và hành vi vi phạm pháp luật.”
[8] Xem thêm: Saunders, V., & McArthur, M. (2013), ghi chú số 5.
[9] Khoản 1 và 5 Điều 45 Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
[10] Khoản 1 và 5 Điều 45 Luật Thi hành án hình sự 2010; Hồ Xuân Dung, Lời ru buồn của những bà mẹ mang con vào tù, xem tại http://m.nguoiduatin.vn/loi-ru-buon-cua-nhung-ba-me-mang-con-vao-tu-a60398.html(Truy cập lần cuối 28/12/2013).
[11] Trần Thị Phương Thảo, “Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục cảm xúc cho trẻ em”, Tạp chí nghiên cứu văn hóa, xem tại http://huc.edu.vn/vi/spct/id124/vai-tro-cua-cha-me-trong-viec–giao-duc-cam-xuc-cho-tre-em/, (truy cập lần cuối ngày 28/12/2013).
[12] Xem thêm: Chú thích 6“Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận một loạt các vấn đề về hành vi, tâm lý, và giáo dục trẻ em bị tổn thương bởi việc bắt giữ, tách, giam giữ, và sự vắng mặt của cha mẹ. Người chăm sóc thay thế có thể không cho phép trẻ em để nói về cảm xúc của mình hoặc nói với người khác về việc cha mẹ trẻ bị giam giữ. Đôi khi, trẻ em không được nói sự thật về nơi cha mẹ của họ thực sự ở (Bloom và Steinhart, 1993). Hầu hết trẻ em nhận được rất ít sự hỗ trợ tinh thần hoặc thậm chí là không có để giải quyết những cảm xúc đau buồn, mất mát, giận dữ, lo lắng, và sợ hãi”.
[13] Điều 51 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em quy định: “Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm giúp đỡ để trẻ em không nơi nương tựa có gia đình thay thế hoặc tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp trẻ em công lập, ngoài công lập. Nhà nước cũng có trách nhiệm thông qua các chính sách trợ giúp các gia đình, cá nhân hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi.”
Xem thêm Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 quy định một số nhóm trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt: là đối tượng nhận trợ cấp xã hội. Sắp tới Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hộisẽ thay thế nghị định 67/2007/NĐ-CP.
[14] Xem thêm:Saunders, V., & McArthur, M. (2013), ghi chú số 5.
[15] Xem thêm M. Henrie Treadwell, “Children of incarerated parents: Helping the silent victims”, tháng 3/2009, xem tại http://news.newamericamedia.org/news/view_article.html?article_id=ea9d38190fc6c1b52d1096baa73be3ac(truy cập lần cuối ngày 28/12/2013).
[16] Bỏ từ “nữ” sau chữ “phạm nhân”.
[17] Bỏ từ “nữ” sau chữ “phạm nhân”.
ThS. Vũ Thị Thúy*& ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh** – Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 04/2014 (83)/2014 – 2014, Trang 35-43
Trả lời