Mục lục
Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Tác giả: Nguyễn Văn Tùng [1] & Đỗ Lường Thiện [2]
TÓM TẮT
Xóa án tích là một trong những chế định thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Bài viết làm rõ một số bất cập trong quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; từ đó đề xuất hướng hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tiễn.
1. Đặt vấn đề
Người dưới 18 tuổi (hay còn gọi là người chưa thành niên) là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý. Xuất phát từ đặc điểm của người dưới 18 tuổi, chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội luôn nhẹ hơn người từ đủ 18 tuổi trở lên (người thành niên) phạm tội, trong đó có chế định xóa án tích.
Điều 107 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. So với BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS năm 1999), BLHS năm 2015 đã có những quy định có lợi hơn về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi. Cụ thể:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích. BLHS năm 1999 chỉ xác định người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng biện pháp tư pháp thì không bị coi là có án tích, BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích bao gồm: “người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi” bị kết án – điểm a Khoản 1 Điều 107; “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý” – điểm b Khoản 1 Điều 107 và người dưới 18 tuổi “bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này” – điểm c Khoản 1 Điều 107.
Thứ hai, rút ngắn thời hạn và thu hẹp điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Thời hạn đương nhiên được xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 BLHS năm 1999 là một phần hai thời hạn đối với người thành niên (thời hạn này được xác định theo Điều 64 BLHS năm 1999) và tính từ thời điểm chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2015 quy định thời hạn đương nhiên được xóa án tích thấp hơn và được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.
2. Những bất cập trong quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và hướng hoàn thiện
Mặc dù BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi, rút ngắn thời hạn và thu hẹp điều kiện đương nhiên được xóa án tích, tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại Điều 107 BLHS năm 2015 và thực tiễn áp dụng pháp luật thấy rằng: quy định của BLHS năm 2015 về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi còn những tồn tại, bất cập.
Thứ nhất, thuật ngữ quy định tại Điều 107 chưa thống nhất với quy định trong Chương XII của Bộ luật hình sự.
Chương XII của BLHS năm 2015 quy định những vấn đề liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có chế định xóa án tích. Điều 107 thuộc Chương XII, tuy nhiên Khoản 1 và Khoản 2 Điều 107 quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án. Quy định “bị kết án” tại Điều 107 chưa thống nhất với quy định “phạm tội” trong Chương XII, điều này dẫn đến những quan điểm khác nhau trong quá trình áp dụng Điều 107 BLHS.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: “vì Điều 107 BLHS đã ghi rõ “Người dưới 18 tuổi bị kết án” và “Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án” nên đương nhiên phải hiểu, chỉ được áp dụng các quy định tại Điều này cho người đến thời điểm xét xử vẫn chưa đủ 18 tuổi. Nếu đến thời điểm xét xử, người phạm tội đã đủ 18 tuổi thì vẫn phải áp dụng chế định xóa án tích chung được quy định tại Chương X của BLHS”3. Hiểu theo quan điểm này, không áp dụng quy định tại Điều 107 BLHS đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên bị kết án về tội phạm mà họ thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Điều 107 thuộc Chương XII – Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. “Do đó, như chính bản thân tên gọi của chương này (đã được quy định cụ thể về giới hạn điều chỉnh tại Điều 90 BLHS), mọi điều luật bên trong nó, đều áp dụng với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội khi chưa thành niên. Mặt khác, theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, trường hợp nêu trên cũng cần được áp dụng chế định chưa thành niên, trong đó có quy định về xóa án tích theo Điều 107 BLHS; và cần hiểu quy định của điều luật trong chỉnh thể của nó. Theo đó, vì Điều 107 BLHS quy định về việc xóa án tích nên đối tượng điều chỉnh đặc thù của nó được gọi tên là “người bị kết án” (do không thể đặt ra vấn đề xóa án tích với người chưa bị kết án được)”3. Hiểu theo quan điểm này, vẫn áp dụng quy định tại Điều 107 BLHS đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên bị kết án về tội phạm mà họ thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi.
Nghiên cứu hai quan điểm trên, nếu theo câu chữ của điều luật, tác giả bài viết đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi vì “phạm tội” và “bị kết án” là hai thời điểm khác nhau. Thời điểm phạm tội là thời điểm chủ thể thực hiện tội phạm được quy định trong BLHS, trong khi thời điểm bị kết án là thời điểm bị Tòa án kết án bằng bản án. Thời điểm bị kết án luôn xảy ra sau thời điểm phạm tội, vì từ lúc phạm tội đến khi bị kết án phải trải qua các giai đoạn tố tụng hình sự khác nhau theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Với quy định tại Điều 107 BLHS thì đối tượng áp dụng để xóa án tích là “người dưới 18 tuổi bị kết án”, do vậy không thể áp dụng quy định tại Điều 107 BLHS với người từ đủ 18 tuổi trở lên bị kết án về tội phạm mà họ thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi.
Theo quan điểm của tác giả bài viết, để bảo đảm đúng mục đích chung của Chương XII là áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không phân biệt thời điểm phát hiện, xử lý như thế nào, cần sửa đổi quy định tại Điều 107 BLHS năm 2015, cụ thể là sửa đổi cụm từ “bị kết án” thành “phạm tội”. Việc sửa đổi như vậy nhằm thống nhất thuật ngữ được quy định tại Chương XII của BLHS năm 2015, bảo đảm các nguyên tắc trong xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và tránh những cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng không thống nhất.
Thứ hai, bất hợp lý khi áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 107 với dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi… mà còn vi phạm” là dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản của một số tội phạm.
Trong BLHS năm 2015, cùng với dấu hiệu “đã bị kết án về tội phạm … chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” (sau đây gọi là dấu hiệu đã bị kết án), dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi… mà còn vi phạm” (sau đây gọi là dấu hiệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC)) là dấu hiệu định tội được quy định trong cấu thành cơ bản của một số tội phạm.
Đối với dấu hiệu đã bị kết án, để áp dụng là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 107 BLHS, người dưới 18 tuổi bị kết án sẽ không có án tích trong một số trường hợp, do vậy không áp dụng dấu hiệu này đối với người dưới 18 tuổi bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 107 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự cho lần vi phạm sau.
Đối với dấu hiệu đã bị xử phạt VPHC, Luật xử lý VPHC năm 2012 không loại trừ trách nhiệm đối với người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 5: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”. Như vậy, nếu người dưới 18 tuổi đã bị xử phạt VPHC và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt (thời hạn được coi là chưa bị xử phạt quy định tại Điều 7 Luật xử lý VPHC năm 2012) thì vẫn bị áp dụng dấu hiệu này để truy cứu trách nhiệm hình sự cho lần vi phạm sau trong những trường hợp nhất định theo quy định của BLHS.
So sánh dấu hiệu đã bị kết án và dấu hiệu đã bị xử phạt VPHC thấy rằng: xét về tính chất và mức độ nguy hiểm, trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án nguy hiểm hơn người dưới 18 tuổi bị xử phạt VPHC. Tuy nhiên, không áp dụng dấu hiệu đã bị kết án (do Khoản 1 Điều 107 BLHS xác định không có án tích) mà áp dụng dấu hiệu đã bị xử phạt VPHC là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là điểm bất hợp lý trong quy định của pháp luật dẫn đến hạn chế khi áp dụng trên thực tiễn.
Để khắc phục điểm bất hợp lý này, cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật xử lý VPHC năm 2012 hoặc quy định của BLHS năm 2015. Nếu sửa đổi Luật xử lý VPHC năm 2012, có thể sửa đổi theo hướng: không áp dụng thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC đối với người dưới 18 tuổi, khi đó sẽ không áp dụng dấu hiệu “đã bị xử phạt VPHC về hành vi… mà còn vi phạm” là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự nếu lúc bị xử phạt họ là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, ngày 13/11/2020 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong Luật số 67/2020/QH14 giữ nguyên quy định tại Điều 7 Luật xử lý VPHC năm 2012 về thời hạn được coi là chưa bị xử lý VPHC. Do vậy, theo tác giả bài viết, trong thời gian tới có thể sửa đổi quy định của BLHS năm 2015 theo hướng: sửa đổi cấu thành cơ bản của các tội phạm quy định dấu hiệu đã bị xử phạt VPHC là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: sửa đổi dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi… mà còn vi phạm” thành “người từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi… mà còn vi phạm”. Việc BLHS xác định rõ người từ đủ 18 tuổi trở lên bị xử phạt VPHC là điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phù hợp với Khoản 1 Điều 107 BLHS và tương thích với quy định của Luật xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Thứ ba, hạn chế trong quy định tại Khoản 2 Điều 107 BLHS về điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
Khoản 2 Điều 107 BLHS quy định điều kiện đương nhiên được xóa án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: “nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn” quy định tại Khoản 2 Điều 107 BLHS. Trong khi đó, đối với người người từ đủ 18 tuổi trở lên, Khoản 2 Điều 70 BLHS quy định điều kiện đương nhiên được xóa án tích: “nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn”; hoặc “từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định” tại Khoản 2 Điều 70 BLHS.
So sánh quy định tại Khoản 2 Điều 107 và Khoản 2 Điều 70 BLHS thấy rằng, thời hạn đương nhiên được xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi thấp hơn người từ đủ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, một trong những điều kiện bắt buộc mà người từ đủ 18 tuổi trở lên phải chấp hành để được xóa án tích là “chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án”, trong khi đó người dưới 18 tuổi không cần điều kiện này. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ cần “từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn” quy định tại Khoản 2 Điều 107 BLHS thì đương nhiên được xóa án tích.
Như vậy các điều kiện đương nhiên được xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi có lợi hơn so với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của tác giả bài viết cho rằng: Khoản 2 Điều 107 BLHS cần bổ sung thêm điều kiện “đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án” là một trong những điều kiện bắt buộc mà người dưới 18 tuổi phải chấp hành để được xóa án tích. Cùng với đó, như đã phân tích nêu trên, tác giả bài viết đề xuất sửa đổi cụm từ “bị kết án” thành “phạm tội”, khi đó Khoản 2 Điều 107 BLHS trở thành: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:…”.
Tác giả bài viết đưa ra đề xuất này, bởi vì: Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định về nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hình sự, theo đó người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, nếu kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm khi Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Nghĩa vụ chịu án phí không loại trừ đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được miễn án phí theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Cùng với việc phải chịu án phí, người dưới 18 tuổi có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015. Nghĩa vụ phải chịu án phí, bồi thường thiệt hại hoặc những nghĩa vụ khác mà người dưới 18 tuổi phải chấp hành được thể hiện qua các quyết định khác của bản án.
Khoản 1 Điều 107 BLHS đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị kết án, hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý thì không bị coi là có án tích, do vậy những quyết định khác của bản án phải chấp hành không có ý nghĩa trong việc xóa án tích. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu không quy định nghĩa vụ chấp hành các quyết định khác của bản án là một trong các điều kiện bắt buộc để xóa án tích sẽ không đánh giá được thái độ chấp hành pháp luật cũng như bảo đảm việc bản án được thực thi. Tuy nhiên, khi quy định nghĩa vụ chấp hành các quyết định khác của bản án cần cân nhắc đến khả năng thi hành, vì không phải người dưới 18 tuổi nào cũng có tài sản riêng để chấp hành nghĩa vụ án phí và bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Do vậy, tác giả bài viết đề xuất bổ sung quy định “đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án” là một trong các điều kiện bắt buộc để xóa án tích đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 107 BLHS. Cùng với đó, Khoản 2 Điều 107 BLHS cần quy định: “Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành các quyết định khác của bản án” nhằm đề cao tính nhân đạo và hướng thiện của chính sách hình sự, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi được xóa án tích.
Thứ tư, Bộ luật hình sự năm 2015 chưa quy định về xóa án tích trong trường hợp đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là trường hợp Tòa án quyết định xóa án tích khi người bị kết án thỏa mãn những điều kiện nhất định và chưa đến thời hạn để xóa án tích. Việc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt nhằm khuyến khích người bị kết án tập trung cải tạo tốt, sớm trở thành công dân có ích cho xã hội.
Điều 72 thuộc Chương X của BLHS năm 2015 quy định điều kiện để xóa án tích trong trường hợp đặc biệt khi “có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị” và “đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 70 và Khoản 2 Điều 71” BLHS năm 2015. Đây là quy định về xóa án tích trong trường hợp đặc biệt nói chung, không phân biệt đối tượng áp dụng là người dưới 18 tuổi hay người từ đủ 18 tuổi trở lên bị kết án. Nếu áp dụng quy định tại Điều 72 BLHS về xóa án tích trong trường hợp đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi bị kết án thì thời hạn xóa án tích sẽ là: 04 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 08 tháng trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 01 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 20 tháng (01 năm 08 tháng) trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm.
So sánh thời hạn xóa án tích trong trường hợp đặc biệt khi áp dụng Điều 72 nêu trên với thời hạn đương nhiên được xóa án tích đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án quy định tại Khoản 2 Điều 107 BLHS thấy rằng: Thời hạn xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (áp dụng đối với tất cả đối tượng bị kết án) thấp hơn thời hạn đương nhiên được xóa án tích đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Mặc dù thấp hơn nhưng nếu áp dụng Điều 72 BLHS để xóa án tích trong trường hợp đặc biệt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án sẽ không thể hiện rõ tính nhân đạo của pháp luật hình sự, cũng như chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Do vậy, theo quan điểm của tác giả bài viết: BLHS năm 2015 cần bổ sung thêm quy định về xóa án tích trong trường hợp đặc biệt với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, Điều 107 có thể quy định thêm Khoản 3 với nội dung: “Trong trường hợp người phạm tội là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này”.
Trên đây là một số tồn tại, hạn chế trong quy định của BLHS năm 2015 về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và kiến nghị của tác giả bài bài viết góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tiễn./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Tiến sỹ, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- Đồng Hoàng Anh (2019), Xóa án tích với người chưa thành niên phạm tội, Tạp chí Kiểm sát điện tử, https://kiemsat.vn/xoa-an-tich-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-52007.html, truy cập ngày 02/6/2021.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2012.
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Đồng Hoàng Anh (2019), Xóa án tích với người chưa thành niên phạm tội, Tạp chí Kiểm sát điện tử, https://kiemsat.vn/xoa-an-tich-voi- nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-52007.html, truy cập ngày 02/6/2020.
Trả lời