• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự

Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự

16/05/2020 23/05/2021 TS. Lê Huỳnh Tấn Duy Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Những quy định trong luật tố tụng hình sự Việt Nam về sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức
  • 2. Những hạn chế về pháp luật và thực tiễn áp dụng
    • 2.1. Những hạn chế về pháp luật
    • 2.2. Những hạn chế trong thực tiễn
    • 2.3. Nguyên nhân
  • 3. Một số kiến nghị góp phần đảm bảo quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự
  • CHÚ THÍCH

Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự

Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình TTHS

Xem thêm bài viết về “Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên)”

  • Mô hình tư pháp người chưa thành niên theo định hướng của Liên hợp quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
  • Bàn về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (Xử lý chuyển hướng) – TS. Phan Anh Tuấn
  • Quyền được bảo vệ về thông tin cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội trong Luật Quốc tế và Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
  • Thủ tục tố tụng thân thiện đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội – TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch
  • Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo

TÓM TẮT

Quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự là một trong những đặc quyền được ghi nhận bởi pháp luật Việt Nam và quốc tế. Phân tích những quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối chiếu với các nguyên tắc, tiêu chuẩn tương ứng của Công ước về quyền trẻ em và giải thích của Ủy ban quyền trẻ em, bài viết chỉ ra những hạn chế của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tố tụng đặc thù trên của người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm giúp đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức hoàn thành vai trò trợ giúp tích cực và cần thiết cho người chưa thành niên trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự ở nước ta.

1. Những quy định trong luật tố tụng hình sự Việt Nam về sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức

Quyền của người chưa thành niên bị buộc tội có sự tham gia của đại diện gia đình (ĐDGĐ), nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự (TTHS) được đảm bảo chủ yếu bằng những quy định tại Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS). Theo điều luật này, tùy từng trường hợp cụ thể, ở những giai đoạn tố tụng khác nhau, các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) quyết định mời ĐDGĐ người chưa thành niên; thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (ĐTNCSHCM), tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Việc tham gia tố tụng vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của các chủ thể này bởi vì họ có trách nhiệm trong việc chăm sóc và giáo dục người chưa thành niên. Đây là những người có mối quan hệ gần gũi; có thể biết được những đặc điểm về nhân cách, hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục người chưa thành niên. Vì vậy, sự tham gia của những chủ thể này góp phần giúp các CQTHTT tìm ra cách xử lý phù hợp đối với vụ án và thông qua đó bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Đánh giá quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam 2003 về quyền bào chữa của người chưa thành niên trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc
  • Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Quyền được bảo vệ về thông tin cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội trong Luật Quốc tế và Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
  • Những nội dung mới của Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 của Việt Nam về người chưa thành niên phạm tội
  • Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp Luật Thi hành án hình sự Việt Nam 2010
  • Bàn về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (Xử lý chuyển hướng)
  • Thủ tục tố tụng thân thiện đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội
  • Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành
  • Mô hình tư pháp người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) theo định hướng của Liên hợp quốc

Ngoài ra, Điều 306 quy định những hoạt động chỉ được tiến hành khi có sự tham gia của ĐDGĐ người chưa thành niên. Ví dụ: khi lấy lời khai, hỏi cung người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác; khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên. Mục đích của quy định này là nhằm đảm bảo người chưa thành niên hiểu được những gì người tiến hành tố tụng nói, giúp họ không cảm thấy sợ hãi và có thể trình bày rõ ràng[1] về những tình tiết của vụ án cũng như những yêu cầu, kiến nghị của mình.

Tuy nhiên, nếu người bị tạm giữ, bị can không có gia đình; hoặc ĐDGĐ cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc từ chối tham gia[2] sau khi đã nhận được thông báo của CQTHTT thì việc lấy lời khai, hỏi cung vẫn được thực hiện. Trong trường hợp này, CQTHTT phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia[3]. Những quy định này đảm bảo quá trình tố tụng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, không bị trì hoãn.

Điều 306 còn quy định các quyền cụ thể của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức khi tham gia vào quá trình gải quyết vụ án. Trong giai đoạn điều tra, ĐDGĐ có quyền: hỏi người bị tạm giữ, bị can (nếu được Điều tra viên đồng ý); được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra. Tại phiên tòa, ĐDGĐ bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức có quyền: đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án. Trong trường hợp ĐDGĐ đồng thời là người Đại diện hợp pháp (ĐDHP) của người chưa thành niên, họ còn có quyền bào chữa[4], kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm[5].

Về cơ bản, những quy định của luật TTHS Việt Nam điều chỉnh việc tham gia tố tụng của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên tương đối phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là Điều 7, 10 và khoản 2 Điều 15 Quy tắc Bắc Kinh. Như đã trình bày, Điều 306 BLTTHS cho phép nhiều chủ thể khác nhau tham gia vào hầu hết các giai đoạn tố tụng, với những quyền cụ thể rất cần thiết cho việc bảo vệ người chưa thành niên bị buộc tội.

2. Những hạn chế về pháp luật và thực tiễn áp dụng

2.1. Những hạn chế về pháp luật

Quy định của BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành về sự tham gia của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, khái niệm “ĐDGĐ” chưa được giải thích cụ thể, rõ ràng. Điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho các CQTHTT trong thực tiễn và không đảm bảo được tính thống nhất của hoạt động áp dụng pháp luật. Theo ghi nhận của phóng viên Hoàng Yến, hiện nay có một số cách hiểu khác nhau về thuật ngữ “ĐDGĐ” của người chưa thành niên bị buộc tội[6]:

+ ĐDGĐ là cha, mẹ hoặc người giám hộ bởi vì cha, mẹ là đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên; người giám hộ là đại diện theo pháp luật cho người được giám hộ (Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS));

+ ĐDGĐ là người chủ hộ vì Điều 107 BLDS quy định chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ;

+ ĐDGĐ có thể bao gồm: người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Bởi vì luật TTHS sử dụng thuật ngữ “ĐDGĐ” nên người được ủy quyền hợp pháp cũng có thể giữ vai trò đại diện;

+ ĐDGĐ có thể bao gồm một trong tất cả những người đã thành niên trong gia đình như: cha, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị…Những người này không bắt buộc phải cư trú cùng hộ gia đình mà chỉ cần có quan hệ như trên là đủ. Đây là cách hiểu được áp dụng phổ biến bởi các CQTHTT.

So sánh với Công ước về quyền trẻ em, Quy tắc Bắc Kinh có thể nhận thấy việc BLTTHS Việt Nam sử dụng thuật ngữ “ĐDGĐ” thay cho thuật ngữ “Cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp (parents or legal guardians[7])” là một sự thay đổi linh hoạt, mở rộng phạm vi những thành viên trong gia đình có thể tham gia trợ giúp người chưa thành niên, đồng thời khẳng định gia đình cùng với nhà trường và các tổ chức xã hội là những chủ thể có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ người chưa thành niên ngay cả khi họ đang bị buộc tội. Tuy nhiên, điều này có mang lại ý nghĩa thật sự hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hướng dẫn như thế nào là người “ĐDGĐ”. Thật đáng tiếc hiện nay pháp luật TTHS nước ta lại bỏ sót vấn đề quan trọng này.

Thứ hai, BLTTHS thiếu quy định về quyền của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong giai đoạn truy tố. Mặc dù khoản 1 Điều 306 BLTTHS có đề cập trường hợp các chủ thể này tham gia tố tụng theo quyết định của VKS, khoản 2 và 3 của điều luật lại chỉ liệt kê các quyền của họ trong giai đoạn điều tra và xét xử. Theo quy định hiện nay thì Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động như hỏi cung, đối chất sau khi nhận được bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án. Trong những trường hợp này, có cần ĐDGĐ người chưa thành niên, nhà trường, tổ chức tham gia hay không? Họ có những quyền cụ thể nào để bảo vệ người chưa thành niên?.

Thứ ba, quy định tại khoản 2 Điều 306 BLTTHS chưa hoàn toàn phù hợp với những quy định tương ứng của LHQ. Căn cứ vào Công ước về quyền trẻ em, Quy tắc Bắc Kinh và Bình luận chung số 10 của Ủy ban quyền trẻ em có thể nhận thấy những nguyên tắc, quy định đặc thù của tư pháp người chưa thành niên (bao gồm quyền có cha mẹ hoặc người giám hộ tham gia tố tụng) được áp dụng cho những người chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm bị cho là thực hiện tội phạm. Trong khi đó, luật TTHS Việt Nam quy định ĐDGĐ của 03 nhóm (người bị tạm giữ, bị can) sau mới được quyền tham gia vào các buổi lấy lời khai, hỏi cung:

+ Nhóm 1: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;

+ Nhóm 2: người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

+ Nhóm 3: những trường hợp cần thiết khác.

Như vậy, việc lấy lời khai, hỏi cung những người bị tạm giữ, bị can từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất và không thuộc trường hợp cần thiết khác (do CQTHTT tự quyết định) có thể được tiến hành mà không cần có sự hiện diện của ĐDGĐ. Đây là một điều bất hợp lý và không công bằng vì đã tước bỏ đi một quyền tố tụng đặc thù được ghi nhận bởi tư pháp người chưa thành niên của LHQ.

Thứ tư, những hướng dẫn về vai trò, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thay thế cho ĐDGĐ người chưa thành niên chưa được ban hành. Như đã trình bày, CQTHTT phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can khi ĐDGĐ của họ không thể có mặt. Tuy nhiên, ngoài việc hướng dẫn rằng những người này có thể được bố trí ngồi cạnh người chưa thành niên để tạo tâm lý yên tâm cho họ, TTLT số 01/2011 không có một quy định nào về vai trò, quyền và nhiệm vụ cụ thể của những người này tại các buổi lấy lời khai, hỏi cung. Thiếu sót này có khả năng sẽ làm cho việc tham gia của các chủ thể trên, đặc biệt là những người không có kiến thức chuyên môn về pháp luật, chỉ mang tính hình thức bởi vì họ sẽ rất thụ động, không tạo được sự tin tưởng, không bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Ngược lại, sẽ có trường hợp họ vượt quá vai trò, nhiệm vụ của mình khi tham gia lấy lời khai, hỏi cung và gây khó khăn cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trong việc thu thập chứng cứ của vụ án.

Thứ năm, luật TTHS Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp các CQTHTT có thể từ chối quyền tham gia tố tụng của ĐDGĐ người chưa thành niên. Vấn đề này đã được quy định tại khoản 2 Điều 15 Quy tắc Bắc Kinh và được khẳng định bởi Ủy ban Quyền trẻ em. Trong một số trường hợp, theo đề nghị của người chưa thành niên hoặc người giúp đỡ về pháp lý của họ hoặc vì những lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, Thẩm phán hoặc những người có thẩm quyền có thể quyết định hạn chế hoặc loại trừ sự có mặt của cha, mẹ trong quá trình tố tụng[8]. Ví dụ, sự có mặt của cha, mẹ hoặc người giám hộ tại phiên tòa có tác dụng tiêu cực khi họ thể hiện thái độ căm ghét (hostile) đối với người chưa thành niên[9].

Thứ sáu, sự tham gia bắt buộc của đại diện nhà trường, tổ chức tại phiên tòa xét xử bị cáo chưa thành niên theo quy định tại khoản 3 Điều 306 BLTTHS là không hợp lý và thiếu tính khả thi. Không thể phủ nhận với sự tham gia của những chủ thể này, Hội đồng xét xử sẽ có cơ hội trực tiếp biết được những thông tin xác thực về môi trường học tập, sinh hoạt, làm việc và nhân cách của người chưa thành niên làm cơ sở cho việc đưa ra một phán quyết hợp lý để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đại diện nhà trường, tổ chức có thể đã cung cấp những thông tin cần thiết trong các giai đoạn tố tụng trước đó. Luật TTHS cũng yêu cầu sự tham gia của ĐDGĐ, người bào chữa tại phiên tòa nhằm trợ giúp về tâm lý và pháp lý cho bị cáo chưa thành niên. Do đó, nếu bắt buộc đại diện nhà trường, tổ chức phải hiện diện trong mọi phiên tòa xét xử người chưa thành niên thì không cần thiết. Hơn nữa, quy định này sẽ không thể thực hiện được nếu bị cáo là người không được đi học, sống lang thang, thất nghiệp. Trong thực tiễn, CQTHTT thường triệu tập ĐDGĐ người chưa thành niên, còn đại diện nhà trường, tổ chức chỉ được triệu tập khi cần thiết[10].

2.2. Những hạn chế trong thực tiễn

Vấn đề đảm bảo sự tham gia của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Những hạn chế này thường xảy ra trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử:

a. Giai đoạn điều tra

Mặc dù luật TTHS quy định CQTHTT phải có trách nhiệm đảm bảo sự có mặt của cả người bào chữa và ĐDGĐ người chưa thành niên trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra thường chỉ chú trọng đến người bào chữa, mà hay quên đi người ĐDGĐ[11].Trong thực tiễn, khi sắp kết thúc điều tra hoặc khi cần giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên phạm tội gây ra, cơ quan điều tra mới mời ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức tham gia[12]. Một số cha mẹ, người giám hộ không được phép tiếp xúc với người chưa thành niên khi họ đang bị tạm giữ tại trụ sở cơ quan công an cũng như không được phép có mặt trong buổi hỏi cung[13]. Trong một số trường hợp khác, mặc dù không chứng kiến việc hỏi cung nhưng cha mẹ, người giám hộ đã ký tên vào biên bản hỏi cung[14]. Hồ sơ vụ án thường đôi khi cho thấy CQĐT chỉ có một hoặc hai biên bản hỏi cung có sự chứng kiến của ĐDGĐ bị can chưa thành niên[15]. Tuy nhiên, một số tòa án hiện nay lại chấp nhận điều này, thậm chí chỉ cần một biên bản có chữ ký của ĐDGĐ (với điều kiện biên bản đó phải thể hiện đầy đủ nội dung phạm tội của bị cáo và phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án)[16].

b. Giai đoạn xét xử

Trong thực tiễn, nhiều bản án xét xử bị cáo chưa thành niên đã bị hủy bởi các cấp tòa không thống nhất trong việc hiểu thế nào là ĐDGĐ bị cáo[17]. Trong nhiều vụ án, ĐDGĐ có mặt chỉ để xem tòa xét xử và nghe tuyên án[18] chứ không thể hiện được vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bị cáo chưa thành niên. Nói một cách khác, sự tham gia của họ chỉ mang tính hình thức, thụ động[19]. Trong nhiều phiên tòa xét xử bị cáo chưa thành niên, đặc biệt là các bị cáo không có nhân thân, lý lịch rõ ràng, ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức đã không tham gia[20]. Nhằm khắc phục thực trạng này, trước đây TANDTC đã hướng dẫn: “Đối với trường hợp không xác minh được lý lịch của bị cáo thì tại phiên tòa xét xử không nhất thiết phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, đại diện nhà trường hoặc tổ chức xã hội”[21]. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại phát sinh tình huống tòa án không phải không xác minh được lý lịch bị cáo mà là do gia đình bị cáo cư trú quá xa nên không thể tống đạt trực tiếp giấy triệu tập, dẫn đến việc phiên tòa bị hoãn nhiều lần do không có mặt ĐDGĐ bị cáo. Trong trường hợp này, Tòa án thường yêu cầu ĐTNCS HCM cử người tham gia tố tụng thay thế cho ĐDGĐ bị cáo[22]. Cách xử lý này của tòa án mặc dù giúp cho việc xét xử không bị trì hoãn nhưng đã tước bỏ đi quyền được tham gia phiên tòa của ĐDGĐ để trợ giúp cho bị cáo chưa thành niên. Hơn nữa, trước khi mở phiên tòa, vụ án đã trải qua các giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố. Nếu cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã gặp khó khăn trong việc tống đạt các văn bản tố tụng đến gia đình bị can vì họ cư trú quá xa thì phải có trách nhiệm thông báo cho tòa án biết về vấn đề này để tìm cách giải quyết thích hợp, chứ không phải đợi đến khi mở phiên tòa do không có mặt người ĐDGĐ nên mời cán bộ ĐTNCSHCM thay thế. Nếu đã xác định được nơi cư trú của gia đình bị cáo thì các CQTHTT có trách nhiệm liên lạc với gia đình hoặc chính quyền địa phương để gửi giấy triệu tập tham gia phiên tòa. Đây không thể xem là trường hợp “ĐDGĐ không thể có mặt” để tòa án mời những chủ thể thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 10 TTLT số 01/2011 bởi vì về bản chất tòa án còn chưa xác định được là người ĐDGĐ đã nhận được giấy triệu tập hay chưa.

2.3. Nguyên nhân

Do quy định của luật TTHS về việc tham gia của ĐDGĐ người chưa thành niên, nhà trường, tổ chức không cụ thể và còn nhiều thiếu sót nên dễ dẫn đến tình trạng các CQTHTT lạm quyền, không muốn hoặc cố tình cản trở những người này tham gia với lý do cần giữ bí mật điều tra[23]. Bên cạnh đó, sự thiếu tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn của những người tiến hành tố tụng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia tố tụng của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức. Một bộ phận người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Điều tra viên, có thể đã không hiểu được vai trò của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức đối với việc bảo vệ người chưa thành niên và giải quyết đúng đắn vụ án. Bởi vì, với sự trợ giúp về tâm lý của các chủ thể này, người chưa thành niên mới có khả năng bình tĩnh đưa ra những lời khai chính xác và đầy đủ về hành vi phạm tội.

Sự thiếu kiến thức pháp luật và trách nhiệm của ĐDGĐ là một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên. Một số người ĐDGĐ không nhận thức được việc tham gia tố tụng là nghĩa vụ nên đã không có mặt trong khi lấy lời khai, hỏi cung hoặc xét xử; một số khác thì việc tham gia chỉ mang tính miễn cưỡng, hình thức và không hiệu quả. Họ cũng không biết được những quyền mà luật TTHS đã trao cho. Những người tiến hành tố tụng có thể khai thác điểm yếu này để gây khó khăn, cản trở ĐDGĐ trong quá trình tố tụng và như vậy sẽ xâm phạm đến các quyền, lợi ích chính đáng của người chưa thành niên bị buộc tội.

3. Một số kiến nghị góp phần đảm bảo quyền của người chưa thành niên có sự tham gia của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự

Thứ nhất, nên sử dụng thuật ngữ “người đại diện hợp pháp (ĐDHP)” thay cho “ĐDGĐ”. Khái niệm ĐDHP trong trường hợp này giống với khái niệm “đại diện theo pháp luật” được quy định tại Điều 141 BLDS và phù hợp với thuật ngữ “cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp” được sử dụng trong các văn bản pháp luật quốc tế về tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, người ĐDHP của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong TTHS phải là người đại diện theo pháp luật chứ không phải người đại diện theo ủy quyền[24]. Nếu người chưa thành niên còn cha, mẹ thì cha, mẹ là người ĐDHP. Cha, mẹ là những người đã sinh ra, nuôi nấng, chăm sóc và giáo dục con cái. Chính vì vậy, khi người con chưa thành niên vi phạm pháp luật, hơn ai hết cha, mẹ phải có trách nhiệm tham gia tố tụng để trợ giúp, động viên và bảo vệ họ mà không được ủy quyền cho người khác. Trong trường hợp người chưa thành niên không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được triệu tập tham gia tố tụng. Để xác định ai là người giám hộ đương nhiên, các CQTHTT có thể dựa vào quy định tại Điều 61 BLDS[25]. Nếu không xác định được người này, các CQTHTT phải mời đại diện nhà trường, thầy giáo, cô giáo, hoặc cán bộ thuộc một trong các cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tham gia tố tụng để trợ giúp người chưa thành niên. Việc sử dụng thuật ngữ người ĐDHP vừa phù hợp với quy định của BLDS và pháp luật quốc tế lại vừa mang tính khoa học, giúp các CQTHTT không phải lúng túng khi gặp tình huống người chưa thành niên đã có người ĐDHP tham gia tố tụng (ví dụ với tư cách là người bào chữa) thì có bắt buộc phải triệu tập thêm ĐDGĐ theo quy định tại Điều 306 BLTTHS năm 2003 hay không; hoặc quyền và nghĩa vụ của người ĐDGĐ và ĐDHP giống và khác nhau như thế nào.

Thứ hai, bổ sung vào BLTTHS quy định ĐDGĐ phải có mặt khi Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong giai đoạn truy tố và các quyền cụ thể của người ĐDGĐ trong giai đoạn này. Về cơ bản những quyền này cũng giống như những quyền trong giai đoạn điều tra đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 306 BLTTHS năm 2003. Ngoài ra, nên quy định ĐDGĐ phải có mặt khi tiến hành lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên (tức là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi) mà không cần điều kiện họ phải là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc phải dưới 16 tuổi. Việc sửa đổi này là hoàn toàn phù hợp với quy định trong Công ước về Quyền trẻ em, Quy tắc Bắc Kinh và giải thích của Ủy ban Quyền trẻ em (Bình luận chung số 10). Ngược lại, không nên quy định đại diện nhà trường, tổ chức bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa xét xử bị cáo chưa thành niên. Những chủ thể này chỉ được triệu tập khi ĐDGĐ bị cáo không thể tham gia phiên tòa và trường hợp mà sự có mặt của họ là cần thiết để xác minh những tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.

Thứ ba, pháp luật TTHS cần bổ sung quy định khi tiến hành khám người, thu giữ, tạm giữ đồ vật của người chưa thành niên phải có mặt ĐDGĐ. Bởi vì người chưa thành niên dễ bị tổn thương hơn người đã thành niên và thường cảm thấy bị đe dọa bởi việc khám người, sự riêng tư và nhân phẩm của họ phải đặc biệt được bảo vệ[26]. Bên cạnh các quy định về trường hợp, thẩm quyền ra lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, pháp luật nên bắt buộc khi tiến hành các hoạt động này đối với người chưa thành niên phải có sự tham gia của ĐDGĐ. Trong trường hợp ĐDGĐ không thể có mặt, các chủ thể khác phải thay thế[27]. Sự tham gia của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong trường hợp này góp phần đảm bảo sự an toàn, sức khỏe và bảo vệ nhân phẩm của người chưa thành niên. Ngoài ra, pháp luật nên cho phép người chưa thành niên đã chuyển đổi giới tính được quyền lựa chọn giới tính của người tiến hành khám xét họ[28].

Thứ tư, quy định những trường hợp các CQTHTT có thể hạn chế hoặc từ chối việc tham gia tố tụng của ĐDGĐ người chưa thành niên. Đây là trường hợp mà sự có mặt của ĐDGĐ mâu thuẫn với những lợi ích tốt đẹp nhất của người chưa thành niên; hoặc họ có liên quan đến việc phạm tội; hoặc đã không chăm sóc con cái đầy đủ và đúng cách; hoặc có căn cứ để suy đoán rằng cha mẹ có thể có những hành động chống lại người con chưa thành niên tại phiên tòa[29]. Việc bổ sung này góp phần khắc phục thiếu sót trong khung pháp lý tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ một trong những nguyên tắc cơ bản của Công ước về Quyền trẻ em – Nguyên tắc vì những lợi ích tốt đẹp nhất của trẻ em (the best interests of the child)[30].

Thứ năm, hướng dẫn cụ thể về vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của những chủ thể thay thế cho ĐDGĐ người chưa thành niên khi tham gia vào việc lấy lời khai hoặc hỏi cung. Điều này sẽ giúp họ xác định rõ những việc cần phải làm trước, trong và sau quá trình tham gia vào các hoạt động tố tụng trên; có được sự tích cực, chủ động, tự tin khi thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên: đồng thời khắc phục tình trạng lạm quyền, gây khó khăn cho các CQTHTT. Những chủ thể này và ĐDGĐ đảm nhận vai trò trợ giúp (support) cho người chưa thành niên, chứ không chỉ là một nhân chứng độc lập (independent witness) trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung. Cụ thể, họ có những vai trò sau[31]:

– Thông báo và giúp người chưa thành niên hiểu về:

* Quyền được tư vấn pháp lý trước khi trả lời bất kỳ câu hỏi nào hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động điều tra nào.

* Quyền không nói bất kỳ điều gì trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung và không tham gia vào các hoạt động điều tra, những gì đã nói hoặc thực hiện có thể được sử dụng làm chứng cứ.

–  Trợ giúp người chưa thành niên thực hiện những quyền này nếu họ muốn.

–  Giúp người chưa thành niên hiểu tất cả câu hỏi được đặt ra.

–  Nhắc nhở Điều tra viên, Kiểm sát viên bất kỳ lúc nào nhận thấy người chưa thành niên cần nghỉ giải lao hoặc những hình thức trợ giúp khác.

Nhằm tạo điều kiện cho ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức hoàn thành được những vai trò trên, pháp luật cần quy định cho họ một số quyền như[32]:

–  Được nói trong quá trình lấy lời khai hoặc hỏi cung.

–  Trước khi lấy lời khai hoặc hỏi cung, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên phải cung cấp cho người chưa thành niên và ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức một tài liệu giải thích đơn giản, rõ ràng về vai trò của họ.

–  Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên phải cố gắng giải thích cho người chưa thành niên hiểu về vai trò của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức.

– Trước khi lấy lời khai hoặc hỏi cung, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên phải cho phép người chưa thành niên tiếp xúc với ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức một cách riêng tư trong khoảng cách không thể nghe được nội dung cuộc nói chuyện, trao đổi.

Nếu Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên có hành vi gây cản trở cho ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức trong việc thực hiện những vai trò nêu trên, hoặc nếu những người này không hoàn thành nhiệm vụ của họ thì bất kỳ lời nhận tội hoặc chứng cứ bất lợi cho người chưa thành niên có được trong quá trình lấy lời khai hoặc hỏi cung bị xem là thu thập không đúng cách và bất hợp pháp[33]. Tuy nhiên, tòa án có thể chấp nhận những chứng cứ này trong các trường hợp ngoại lệ biện minh (justified) cho việc tiến hành tố tụng mà không có mặt cha, mẹ hoặc người trợ giúp khác và việc chấp nhận này không gây bất công cho người chưa thành niên[34].

Song song với việc quy định rõ về vai trò của ĐDGĐ, nhà trường, tổ chức, pháp luật nước ta nên mở rộng phạm vi các đối tượng có thể thay thế cho ĐDGĐ để trợ giúp người chưa thành niên trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung. Liên quan đến vấn đề này, Việt Nam nên tham khảo quy định pháp luật và thực tiễn của một số nước. Theo quan sát của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), tại một số quốc gia, thậm chí các tổ chức phi chính phủ có thể cung cấp rất nhiều người đã được đào tạo để sẵn sàng trợ giúp người chưa thành niên, trong khi tại một số nước khác thì đội ngũ nhân viên xã hội (social workers), giáo viên, hoặc người đã thành niên phù hợp/có trách nhiệm (appropriate/responsible adult) thực hiện vai trò này[35]. Thực tiễn bang Victoria (Úc) cho thấy những tình nguyện viên của cộng đồng trợ giúp cho người chưa thành niên bao gồm: giáo viên, linh mục, tình nguyện viên được lựa chọn để quyết định việc bảo lãnh sau giờ làm việc của các tòa án (bail justice), tình nguyện viên thực hiện vai trò hành chính liên quan đến việc chứng thực một số loại giấy tờ (justice of peace)[36]. Ngoài ra, Victoria còn vận hành một chương trình chuyên giúp đỡ người chưa thành niên trong quá trình TTHS với tên gọi là Chương trình Chuyển giao người chưa thành niên và Nhân viên độc lập (Youth Referral and Independent Person Program)[37].

Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam nên phối hợp tổ chức những lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng cho những chủ thể thay thế ĐDGĐ người chưa thành niên khi tham gia vào hoạt động lấy lời khai, hỏi cung và xét xử. CQTHTT của mỗi địa phương phải thiết lập hệ thống liên lạc với các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp; cùng nhau xây dựng trình tự, thủ tục tuyển chọn và cử cán bộ trợ giúp người chưa thành niên khi ĐDGD không thể có mặt.

Căn cứ vào những kiến nghị trên, kết hợp với quy định tại Điều 23 và 41 Luật mẫu về tư pháp người chưa thành niên của UNODC, Điều 306 BLTTHS Việt Nam năm 2003 có thể được sửa đổi, bổ sung như sau:

1- Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

2- Người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên:

a) Có quyền có người đại diện hợp pháp có mặt tại nơi tạm giữ,tạm giam và

b) Bị lấy lời khai hoặc hỏi cung chỉ khi có mặt của người đại diện hợp pháp.

3- Trong trường hợp:

a) Không thể liên lạc được với người đại diện hợp pháp trong thời hạn hai giờ kể từ khi tạm giữ; hoặc

b) Người đại diện hợp pháp từ chối có mặt tại nơi lấy lời khai, hỏi cung; hoặc

c) Người chưa thành niên không sinh sống cùng người đại diện hợp pháp và không muốn liên lạc với họ; hoặc

d) Người đại diện hợp pháp bị nghi ngờ có liên quan đến việc phạm tội;

Điều tra viên, Kiểm sát viên phải mời thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, hoặc cán bộ thuộc một trong các cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia trợ giúp người chưa thành niên tại nơi lấy lời khai, hỏi cung.

Người đại diện hợp pháp, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, cán bộ thuộc các cơ quan, tổ chức tham gia vào việc lấy lời khai, hỏi cung có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra và trong giai đoạn truy tố.

4- Tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt người đại diện hợp pháp bị cáo, trừ trường hợp người đại diện hợp pháp cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc sự có mặt của họ được xem là không vì những lợi ích tốt nhất của bị cáo.

Nếu người đại diện hợp pháp không có mặt tại phiên tòa, Tòa án có thể mời thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ khác tham gia trợ giúp cho bị cáo.

Người đại diện hợp pháp của bị cáo, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, cơ quan, tổ chức tham gia phiên tòa có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.

CHÚ THÍCH

* TS. Luật học, giảng viên khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] UNODC, Tư pháp trong những vấn đề liên quan đến trẻ em vi phạm pháp luật: Luật mẫu về tư pháp người chưa thành niên và Những bình luận có liên quan [Justice in Matters Involving Children in Conflict with the Law: Model Law on Juvenile Justice and Related Commentary] (2013), tr. 84.

[2] Khoản 4 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

[3] Như trên.

[4] Điều 305 BLTTHS.

[5] Điều 231 BLTTHS.

[6] Hoàng Yến, ‘Ai là đại diện gia đình bị cáo chưa thành niên?’, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh (17/01/2011) <http://plo.vn/tap-chi-phap-luat/ai-la-dai-dien-gia-dinh-bi-cao-chua-thanh-nien-149441.html>.

[7] Theo giải thích của UNODC trong Luật mẫu về Tư pháp người chưa thành niên (Điều 3, phần bình luận) thì thuật ngữ người giám hộ hợp pháp được hiểu là người được chọn để thực hiện trách nhiệm cha mẹ theo luật liên quan của quốc gia trong trường hợp trẻ em không có cha mẹ hoặc cả cha và mẹ không thể thực hiện trách nhiệm của cha mẹ bởi vì họ bị ngăn cấm bởi pháp luật hoặc quyết định của tòa án.

[8] Ủy ban quyền trẻ em, Bình luận chung số 10 (2007): Các quyền của trẻ em trong tư pháp người chưa thành niên, 44th sess, UN Doc CRC/C/GC/10 (25/04/2007), đoạn 53.

[9] Như trên.

[10] Trịnh Tiến Việt, “Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên” trong Phạm Văn Lợi (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Nxb Tư pháp, 2005), tr. 605.

[11] Quách Hữu Thái, “Những vướng mắc trong thực tiễn xét xử người chưa thành niên phạm tội”, (Kỷ yếu tọa đàm Bảo vệ người chưa thành niên dưới góc độ luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa luật hình sự, Trung tâm nhân quyền, tháng 12/2009), tr. 46.

[12] Đỗ Thị Phượng, “Bàn về khái niệm và cơ sở áp dụng thủ tục đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong luật TTHS Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 4 (2004),(18/07/2011) <https://luathinhsu.wordpress.com/2011/07/18/ban-ve-khai-niem-va-co-so-ap-dung-thu-tuc-doi-voi-nguoi-bi-bat-nguoi-bi-tam-giu-bi-can-bi-cao-la-nguoi-chua-thanh-nien-trong-luat-to-tung-hinh-su-viet-nam/>.

[13] Đỗ Thị Phượng, ‘Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên’, (23/11/2009) <https://luathinhsu.wordpress.com/2009/11/23/thuc-tien-dieu-tra-truy-to-xet-xu-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien/>.

[14] Như trên.

[15] Quách Hữu Thái, chú thích số 11, tr. 46.

[16] Như trên.

[17] Hoàng Yến, chú thích số 6, tr.1.

[18] Đỗ Thị Phượng, chú thích số 13, tr. 6.

[19] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo kết quả phối hợp rút kinh nghiệm một năm thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, tr. 11.

[20] Viện khoa học xét xử TANDTC, Báo cáo tổng quan về cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết thành lập toà án chuyên trách đối với người chưa thành niên ở Việt Nam (2010), tr. 42.

[21] Mục 16 phần II Công văn 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 của TANDTC.

[22] Quách Hữu Thái, chú thích số 11, tr. 47.

[23] Đỗ Thị Phượng, chú thích số 13, tr. 4.

[24] Toà Hình sự TANDTC đã đưa ra quan điểm này trong Báo cáo tổng kết ngành toà án năm 2008. Xem Quách Hữu Thái, chú thích số 11, tr. 45 – 46.

[25] Điều luật này quy định: “(1) Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ; (2) Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.”

[26] UNODC, chú thích số 1, tr. 89.

[27] Theo Luật mẫu về tư pháp người chưa thành niên của UNODC (khoản 6 điều 30 và khoản 6 điều 32), người thay thế cho ĐDGĐ trong trường hợp này nên cùng giới tính với người đã thành niên.

[28] UNODC, chú thích số 1, tr. 89-90.

[29] Như trên, tr. 96.

[30] Điều 3 Công ước về Quyền trẻ em.

[31] Ủy ban cải cách pháp luật Victoria, Trợ giúp người trẻ tuổi trong hoạt động lấy lời khai của cảnh sát [Supporting Young People in Police Interviews] (Báo cáo cuối cùng số 21, năm 2011), trang 11..

[32] Ủy ban cải cách pháp luật Victoria, chú thích số 31.

[33] Ủy ban cải cách pháp luật Victoria, chú thích số 31.

[34] Như trên.

[35] UNODC, chú thích số 1, tr. 84.

[36] Ủy ban cải cách pháp luật Victoria, chú thích số 31, tr. 9.

[37] Nhiệm vụ chính của chương trình này là cung cấp một hệ thống có chất lượng cao các tình nguyện viên đã thành niên được gọi là “Những người độc lập (independent persons)” tham gia vào hoạt động lấy lời khai của cảnh sát đối với những người trẻ tuổi đang bị giam giữ. Chương trình này cũng nhằm mục đích chuyển hướng những người trẻ tuổi, bao gồm người tị nạn và những người trẻ tuổi mới đến Victoria, khỏi việc tiếp tục phạm tội thông qua sự can thiệp sớm tại thời điểm tiếp xúc với cảnh sát.<http://www.cmy.net.au/YRIPP/YRIPPHome>.

Tác giả: TS. Lê Huỳnh Tấn Duy* –

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015 (86)/2015 – 2015, Trang 14-21

Nguồn: Fanpage Luật sư Online

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội - Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – Một số bất cập và hướng hoàn thiện
Bàn về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLTTHS 2015
Bàn về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLTTHS 2015
Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành
Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành
Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền ưu tiên tư pháp của trẻ em phạm tội và tính tương thích trong BLHS 2015
Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền ưu tiên tư pháp của trẻ em phạm tội và tính tương thích trong BLHS 2015
Quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự
Quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự

Chuyên mục: Hình sự/ Tố tụng hình sự Từ khóa: Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên)/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015

Previous Post: « Quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự
Next Post: Kiến nghị bổ sung quy định về nơi thực hiện tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999 »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng