Mục lục
Cơ sở khoa học của việc thành lập trại giam dành riêng cho phạm nhân chưa thành niên
Tác giả: ThS. Nguyễn Quang Vũ
TÓM TẮT
Việc thiết lập trại giam dành riêng cho phạm nhân chưa thành niên là điều kiện lý tưởng để bảo đảm những yêu cầu đặc thù của thi hành án phạt tù đối với phạm nhân chưa thành niên, nâng cao hiệu quả thi hành án. Với mong muốn nâng cao hiệu quả thi hành án phạt tù cho phạm nhân chưa thành niên, bài viết ủng hộ và đưa ra những cơ sở khoa học cho việc thành lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay.
Xem thêm bài viết về “Trại giam”
Xem thêm bài viết về “Phạm nhân”
- Một số vấn đề về giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Nguyễn Quang Vũ
- Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự về Quản lý, giam giữ phạm nhân – ThS. Hoàng Đức Mạnh
- Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp Luật Thi hành án hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
Hiện nay, pháp luật thi hành án phạt tù (THAPT) Việt Nam chưa đặt ra mô hình tổ chức THAPT dành riêng đối với phạm nhân chưa thành niên (CTN). Dưới sự quản lý, bố trí nơi chấp hành án phạt tù (CHAPT) của cơ quan Quản lý thi hành án hình sự (THAHS), các trại giam (là cơ quan THAPT) chịu trách nhiệm tổ chức giam giữ, quản lý, giáo dục mọi đối tượng phạm nhân được chuyển đến. Phạm nhân CTN và phạm nhân thành niên đều có thể CHAPT ở cùng một trại giam, sống, học tập, lao động trong cùng một môi trường giam giữ với cảnh quan và kiến trúc như nhau. Các phương thức quản lý, tổ chức hoạt động cho phạm nhân về cơ bản là giống nhau. Đối với một đối tượng đặc thù như phạm nhân CTN, mô hình tổ chức THAPT nói trên bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong chế độ giam giữ và chế độ giáo dục, cải tạo phạm nhân CTN, cả trên bình diện pháp luật lẫn triển khai thực hiện. Để nâng cao hiệu quả THAPT đối với phạm nhân CTN, loại trừ những tội phạm chuyên nghiệp trong tương lai và tạo mũi nhọn thúc đẩy hiệu quả công tác THAHS nói chung, đã đến lúc phải thành lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN. Điều này là thực sự cần thiết và có căn cứ khoa học.
1. Khái quát tình hình phạm nhân chưa thành niên và công tác thi hành án phạt tù đối với phạm nhân chưa thành niên từ 2012 đến nay
Nhìn chung, số lượng phạm nhân CTN hàng năm thường dao động ở mức dưới 1.000 người. Kết quả nghiên cứu các số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay của Tổng cục Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp (HTTP) thuộc Bộ Công an cho thấy mỗi năm số phạm nhân CTN được đặc xá, hết thời hạn CHAPT hay đến tuổi thành niên (đầu ra) luôn ít hơn số phạm nhân CTN mới tiếp nhận vào trại giam khoảng trên dưới 150 phạm nhân. Điều đó cho thấy cơ quan THAPT đang gánh chịu áp lực phải giáo dục cải tạo số phạm nhân CTN có mức án khá cao (trên 3 năm tù) đã tiếp nhận từ những năm trước đây.
Phạm nhân CTN ngày càng trẻ hóa và mức án không ngắn. Tỉ lệ phạm nhân độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi vào trại giam năm 2012 là 4,73% nhưng tăng dần qua các năm và đến năm 2016 thì tỉ lệ này là 6,22%. Nếu xét cơ cấu độ tuổi của phạm nhân CTN đang CHAPT trong trại giam chung cả giai đoạn 2012-2016 thì tỉ lệ này còn cao hơn, chiếm đến 9%.
Về giới tính, phạm nhân CTN là nữ chiếm tỉ lệ rất ít (3,8%) nhưng lại gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ, nhất là về mặt bố trí buồng giam. Về trình độ văn hóa, mặc dù đa số phạm nhân CTN có trình độ bậc trung học cơ sở (71,6%), nhưng tỉ lệ mù chữ và có trình độ tiểu học còn nhiều, con số lần lượt là 2,6% và 15,4%.
Về tội danh và mức án, có khoảng 1/3 số phạm nhân CTN (32,87%) phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người và có gần 1/2 số phạm nhân CTN (45,92%) phạm tội xâm phạm tài sản. Đa số phạm nhân CTN có mức án từ 3 năm tù trở xuống (chiếm 59,02%). Tuy vậy, số phạm nhân CTN có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm tù chiếm tỉ lệ 32,14% và mức án từ trên 7 năm đến 15 năm tù chiếm 8,32%, phản ánh mức độ nguy hiểm của tội phạm CTN. Phạm nhân CTN có mức án trên 15 năm tù rất ít (0,52%) nhưng lại gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ đối với những phạm nhân này.
Đa số phạm nhân CTN trước khi vào trại giam là người chưa có tiền án, tiền sự. Tuy vậy, vẫn có một số lượng nhất định phạm nhân CTN là người có 1 tiền án hoặc tiền sự (chiếm 8,1%) và có nhiều tiền án, tiền sự (chiếm 1,4%). Những con số này cho thấy các biện pháp xử lý đối với người CTN phạm tội hoặc vi phạm pháp luật hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả cao, họ đã nhanh chóng tái phạm.
Trong công tác THAPT, hiện nay có gần 800 phạm nhân CTN được giam giữ ở 23 trại giam (trong tổng số 54 trại giam thuộc Bộ Công an). Các trại giam đều ở trong tình trạng quá tải quy mô giam giữ. Theo thống kê, bình quân diện tích chỗ nằm chỉ ở mức 1,64m2/ phạm nhân (năm 2016). Các trại giam rất khó khăn về bố trí cơ sở vật chất bảo đảm giam riêng phạm nhân CTN vì số lượng phạm nhân CTN ít mà lại bị phân tán nên mỗi trại giam chỉ có khoảng 20-30 phạm nhân trở lại, thậm chí chỉ 3-4 phạm nhân, lại thường xuyên biến động do đủ tuổi thành niên, mức án ngắn… Ngoài ra, các trại giam có phạm nhân CTN còn gặp nhiều khó khăn về việc lập đội phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân CTN trong trại giam. Về mặt cán bộ, đa số cán bộ quản giáo, cán bộ giáo dục trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân CTN đều chưa được bố trí đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về tâm lý phạm nhân CTN và công tác giáo dục cải tạo phạm nhân CTN. Phần lớn họ làm việc theo cách thức đã áp dụng phổ biến trong trại giam (đối với phạm nhân thành niên) và tự rút kinh nghiệm theo kiểu “nghề dạy nghề”.
Đối với công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, trong 5 năm 2012-2016 đã có 75 lượt phạm nhân CTN được khen thưởng, chiếm tỉ lệ 1,2% tổng số phạm nhân CTN. Trong khi đó, có 540 lượt phạm nhân CTN bị kỷ luật, chiếm 8,7%. So với phạm nhân thành niên, tỉ lệ khen thưởng đối với phạm nhân CTN là quá ít. Trong khi đó tỉ lệ kỷ luật phạm nhân CTN lại cao hơn (chẳng hạn, năm 2015 cả nước có 125.765 phạm nhân thành niên, trong đó số được khen thưởng là 72.663 lượt, chiếm đến 57,77% và số bị kỷ luật là 7.731 lượt, chỉ chiếm 6,14%).[1] Điều đó phản ánh đặc thù và sự khó khăn, phức tạp của THAPT đối với phạm nhân CTN, đồng thời cũng cho thấy công tác này chưa được quan tâm đúng mức.
Xem thêm bài viết về “Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên)”
- Bảo đảm quyền của người chưa thành niên là con của phạm nhân trong pháp Luật Thi hành án hình sự Việt Nam – ThS. Vũ Thị Thúy & ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh
- Chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền ưu tiên tư pháp của trẻ em phạm tội và tính tương thích trong Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Vũ Thị Phượng
- Quyền riêng tư của người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự – ThS. Nguyễn Thị Lộc
- Những nội dung mới của Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam về người chưa thành niên phạm tội – TS. Hoàng Anh Tuyên
- Đánh giá quy định của Luật Tố tụng hình sự Việt Nam về quyền bào chữa của người chưa thành niên trên cơ sở các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
2. Sự cần thiết thành lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân chưa thành niên
2.1. Cơ sở lý luận
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm tâm lý của phạm nhân CTN – là người có những phẩm chất cá nhân lệch lạc nhưng vẫn đang trong giai đoạn hình thành, phát triển nhân cách nên cần được chăm sóc và giáo dục đúng hướng. Phạm nhân CTN cần được bảo đảm phát triển thể chất một cách bình thường, được tiếp tục học tập, tiếp thu những tri thức phổ thông (cần có ở mỗi người) và được sống trong một môi trường lành mạnh, thân thiện, không bị tác động của những yếu tố xấu từ môi trường đông đảo phạm nhân thành niên.
Thứ hai, giáo dục lại là hoạt động chủ đạo trong THAPT đối với phạm nhân CTN. Xuyên suốt quá trình THAPT, trại giam (cơ quan THAPT) phải tổ chức cho phạm nhân CTN tham gia các hoạt động lao động, học tập, học nghề, sinh hoạt tập thể phạm nhân, gặp gỡ thân nhân, tiếp cận thông tin từ xã hội bên ngoài… nhằm khắc phục những thói hư, tật xấu ở phạm nhân, xây dựng lại những định hướng giá trị về đạo đức, lối sống, tình cảm, quan hệ ứng xử với người xung quanh. Nhìn chung, mọi hoạt động liên quan đến phạm nhân CTN đều mang tính giáo dục, hướng đến mục đích giáo dục con người. Muốn vậy, cơ sở vật chất phục vụ giam giữ, lao động, học tập của phạm nhân CTN, cách thức, phương pháp tổ chức thực hiện các hoạt động của phạm nhân CTN, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân CTN… đều phải phù hợp với tính chất và mục đích giáo dục nói trên. Những yêu cầu này chỉ có thể được đáp ứng tốt khi phạm nhân CTN được đặt trong một cơ sở giam giữ chuyên biệt và ngược lại. Chỉ khi phạm nhân CTN được tập trung CHAPT trong những cơ sở giam giữ chuyên biệt thì mới tạo ra cơ sở, điều kiện để tập trung đầu tư, bảo đảm những yêu cầu đó.
Thứ ba, quan tâm chăm sóc và bảo vệ người CTN là một nội dung nhất quán trong chính sách hình sự của Việt Nam, phản ánh tư tưởng tiến bộ và phù hợp với những giá trị chung đã phổ quát trên toàn thế giới. Việc áp dụng mô hình tổ chức THAPT dành riêng đối với phạm nhân CTN sẽ tạo điều kiện chăm sóc và bảo vệ phạm nhân CTN tốt hơn, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, kiểm sát hoạt động THAPT đối với phạm nhân CTN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THAPT.
2.2. Cơ sở thực tiễn
Hiện nay, hầu hết các công trình giam giữ, sân chơi, cảnh quan ở các trại giam đều được thiết kế và xây dựng theo mô hình kiến trúc chung, khá giống nhau, phục vụ mục đích tổ chức giam giữ phạm nhân thành niên. Do đó, khi phạm nhân CTN cùng chấp hành án chung một trại giam với phạm nhân thành niên, môi trường sống, học tập, lao động của phạm nhân CTN không có sự khác biệt đáng kể và mang nặng tính giam cầm, trừng phạt.
Tại các trại giam có phạm nhân CTN, số lượng phạm nhân CTN hầu hết chỉ chiếm số lượng ít, khoảng 20-30 phạm nhân CTN và biến động thường xuyên nhưng lại đa dạng về kết quả phân loại phạm nhân. Điều này dẫn đến tình trạng trại giam tốn nhiều buồng giam khác nhau để bố trí tách riêng từng nhóm nhỏ phạm nhân CTN, gây lãng phí diện tích giam giữ trong khi hầu hết các trại giam hiện nay đang quá tải quy mô giam giữ. Ngược lại trong tổ chức lao động, học nghề thì lại đòi hỏi tập trung số lượng phạm nhân CTN, khoảng 25-35 phạm nhân/ 1 đội là phù hợp, hiệu quả. Mâu thuẫn này gây khó khăn cho các trại giam trong việc đảm bảo tuân thủ nguyên tắc giam giữ riêng phạm nhân CTN, nguyên tắc phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại, gắn liền với khó khăn về cơ sở vật chất và về việc tổ chức lao động, học nghề cho phạm nhân CTN. Nếu tập trung số lượng phạm nhân CTN của toàn bộ một khu vực (Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên…) vào một trại giam chuyên biệt thì sẽ tránh khỏi những khó khăn, bất cập này.
Bên cạnh đó, công tác giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân CTN đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có kiến thức về tâm lý phạm nhân CTN, có trình độ sư phạm, có năng lực, phương pháp cũng như kinh nghiệm giáo dục đối với đối tượng này. Song thực tế, trong điều kiện số lượng phạm nhân CTN rất ít và thường xuyên biến động, trong khi đó phạm nhân thành niên chiếm đại đa số và rất phức tạp về thành phần, tính chất, mức độ nguy hiểm nên các trại giam tập trung quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý, giam giữ số phạm nhân thành niên. Nhìn chung, các trại giam chưa quan tâm đúng mức và chưa có điều kiện để tập trung bố trí cán bộ có trình độ, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với các yêu cầu của công tác giam giữ, giáo dục phạm nhân CTN. Nếu thiết lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN, những hạn chế này sẽ được khắc phục.
Ngoài ra, việc thiết lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức dạy học văn hóa, dạy nghề, tư vấn tâm lý… cho phạm nhân CTN và tạo điều kiện để tăng cường xã hội hóa một phần công tác THAPT đối với phạm nhân CTN.
2.3. Những căn cứ chính trị, pháp lý
Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, có hiệu quả và hiệu lực cao; xác định một trong các nhiệm vụ của cải cách tư pháp là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Những kết quả phân tích số liệu về tỉ lệ tiền án, tiền sự, khen thưởng, kỷ luật đối với phạm nhân CTN ở trên cho thấy hiệu quả THAPT đối với phạm nhân CTN chưa cao, thậm chí có mặt thấp hơn mặt bằng chung về hiệu quả công tác THAPT (trong khi đúng ra công tác THAPT đối với phạm nhân CTN phải đạt hiệu quả cao hơn hẳn vì đối tượng này dễ uốn nắn, giáo dục lại hơn phạm nhân thành niên).
Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định “trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Đối với người CTN phạm tội, khoản 1 Điều 92 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Về mặt nguyên tắc THAHS, Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 ngoài việc thống nhất với nội dung trên còn ghi nhận nguyên tắc “kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi, giới tính, trình độ văn hóa và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án”. Việc tổ chức THAPT đối với phạm nhân CTN ở những trại giam dành riêng sẽ tạo ra điều kiện bảo đảm thực hiện tốt các quy định cơ bản nói trên của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật.
Ở góc độ pháp luật quốc tế về quyền con người, khoản 3 Điều 40 của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em 1989 quy định các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc hình thành những đạo luật, thủ tục, quy định, cơ quan và quy chế áp dụng riêng cho trẻ em bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự; còn Bộ quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của Liên hợp quốc năm 1955 đã đưa ra nhiều quy tắc về việc tiếp nhận, thực hiện các chế độ giam giữ, sinh hoạt, ăn ở, bảo vệ sức khỏe, tiếp cận thông tin, tiếp xúc với thế giới bên ngoài đối với tù nhân v.v…, đặc biệt là nguyên tắc cá nhân hóa sự đối xử với tù nhân dựa trên cơ sở bố trí nhà tù riêng phù hợp với cách đối xử dành cho mỗi nhóm (quy tắc 63), quy tắc bảo đảm các điều kiện về dung tích không khí, không khí trong lành, diện tích sàn tối thiểu, ánh sáng, thông hơi và phù hợp điều kiện khí hậu đối với nơi ăn ở, lao động của tù nhân (quy tắc 10 và 11), quy tắc bảo đảm những tiêu chuẩn thỏa đáng về tri thức và giáo dục đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà tù (quy tắc 46 và 47). Việc thành lập trại giam dành riêng cho phạm nhân CTN phù hợp với khuyến cáo của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em 1989 và tạo ra điều kiện để đầu tư và thực hiện tốt các quy tắc nói trên, nâng cao hiệu quả giáo dục phạm nhân CTN.
Gần đây, chương trình phòng chống tội phạm trong tình hình mới (theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giảm từ 3% đến 5% số vụ án hình sự so với năm 2016, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ở các địa bàn trọng điểm, giảm từ 15% đến 20% số vụ án do người CTN thực hiện; giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù; nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ làm công tác THAHS. Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Công an thực hiện đề án nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát THAHS và đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm, trong đó có Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Việc nghiên cứu, thiết lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN để nâng cao hiệu quả THAPT là hoàn toàn phù hợp với chiến lược về cải cách tư pháp, chính sách hình sự, chính sách sắp xếp bộ máy hiệu lực, hiệu quả, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
2.4. Mối tương quan giữa những khó khăn, thách thức và lợi ích sẽ đạt được
Khó khăn, thách thức lớn nhất phải giải quyết khi thiết lập trại giam dành riêng cho phạm nhân CTN là nguy cơ phình to tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ chiến sĩ cảnh sát trại giam. Trong khi đó, hiện nay Bộ Công an đang triển khai quyết liệt việc tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế. Ngoài ra, vấn đề thăm gặp của thân nhân phạm nhân, việc điều chuyển phạm nhân khi đến tuổi thành niên cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, những khó khăn này có thể được khắc phục, vì những lý do sau:
Thứ nhất, số lượng phạm nhân CTN ít, cả nước chỉ có dưới 1.000 phạm nhân CTN, nên chỉ cần lập 03 trại giam ở 03 khu vực là đủ (Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên, Bắc bộ). Mỗi trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN sẽ có quy mô giam giữ 400 phạm nhân CTN, là mức độ vừa phải, không quá đông và cũng không quá ít.
Thứ hai, tận dụng cơ sở giam giữ, giáo dục hiện có để lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN: địa điểm của trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN nên chọn ở vị trí, thuộc trung tâm của khu vực, có điều kiện giao thông thuận lợi nhất định để việc thăm gặp của gia đình phạm nhân CTN được dễ dàng. Hiện nay, ở Nam bộ có trại giam Long Hòa[2] thỏa mãn các yêu cầu này, có thể tách một phân trại của nó để lập thành trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN gắn với việc cơ cấu lại hệ thống trại giam một cách phù hợp. Ở Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên có thể chuyển đổi trường giáo dưỡng hiện có thành trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN[3] bởi vì tình hình hiện nay số lượng học sinh giáo dưỡng giảm sút nhanh chóng và trong tương lai gần công tác giáo dưỡng trẻ em vi phạm pháp luật sẽ được chuyển giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách.
Thứ ba, về bộ khung cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở 03 trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN: việc triển khai tinh giản biên chế và bộ máy của Bộ Công an, trong đó có Tổng cục Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp, sẽ làm dư ra một số lượng nhất định cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Nếu khéo cơ cấu, lựa chọn và sắp xếp, bộ khung cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở 03 trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN sẽ góp phần giải quyết bài toán khó của Bộ Công an.
Về đội ngũ cán bộ chiến sĩ tại 03 trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN: nên ưu tiên chọn cử, điều động những cán bộ chiến sĩ đã có thời gian thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục phạm nhân CTN tại trại giam hoặc đã công tác tại các trường giáo dưỡng, có hiểu biết và kinh nghiệm nhất định trong quá trình làm việc với người CTN vi phạm pháp luật. Về lâu dài, tất cả cán bộ chiến sĩ công tác tại trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về tâm lý phạm nhân CTN, các kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân CTN, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác THAPT đối với phạm nhân CTN theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những khó khăn thì việc thiết lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN sẽ mang lại nhiều lợi ích, đó là:
Thứ nhất, bảo đảm phạm nhân CTN được tách biệt hoàn toàn khỏi môi trường phạm nhân thành niên, tránh khỏi những tác động xấu từ môi trường đó.
Thứ hai, những đòi hỏi của tính đặc thù trong THAPT đối với phạm nhân CTN có thể được đáp ứng tốt khi phạm nhân CTN được đặt trong một cơ sở giam giữ chuyên biệt. Ngược lại, Bộ Công an sẽ có điều kiện để tập trung đầu tư, bảo đảm đáp ứng các đặc thù. Điều này sẽ hạn chế tính chất giam cầm trong kiến trúc cơ sở giam giữ, xây dựng môi trường trại giam có tính giáo dục, lành mạnh và thân thiện; thực hiện tốt các chế độ đối xử đặc thù với phạm nhân CTN; chăm sóc và bảo vệ phạm nhân CTN tốt hơn; tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy nghề phù hợp với phạm nhân CTN; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chiến sĩ làm công tác THAPT đối với phạm nhân CTN có trình độ về tâm lý phạm nhân CTN, trình độ sư phạm, năng lực giáo dục và đạo đức nghề nghiệp cần thiết.
Thứ ba, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, kiểm sát hoạt động THAPT đối với phạm nhân CTN. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác THAPT đối với phạm nhân CTN, tạo mũi nhọn nâng cao hiệu quả công tác THAHS, góp phần phòng ngừa những tội phạm chuyên nghiệp trong tương lai.
Cân nhắc giữa khó khăn, thách thức với những lợi ích sẽ mang lại, rõ ràng mặt có lợi, tích cực là to lớn hơn nếu thiết lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN.
THAPT đối với phạm nhân CTN đòi hỏi phải đáp ứng những đặc thù xuất phát từ tính chất đặc biệt của đối tượng phạm nhân CTN. Cơ chế tốt nhất để đáp ứng những đặc thù đó là thiết lập cơ sở giam giữ dành riêng đối với phạm nhân CTN. Ở Việt Nam hiện nay đã hội đủ nhiều cơ sở, điều kiện cho sự ra đời trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN, nâng hiệu quả THAPT lên một tầm cao mới. Đầu tư cho THAPT đối với phạm nhân CTN chính là đầu tư cho việc bảo đảm người CTN được nuôi dưỡng và phát triển thể chất, tâm sinh lý một cách bình thường và lành mạnh, giáo hóa người hư hỏng thành người có ích cho xã hội. Mặc dù còn những khó khăn, thách thức nhất định, nhưng vì những lợi ích to lớn mà nó mang lại, thiết lập trại giam dành riêng đối với phạm nhân CTN là điều nên làm.
CHÚ THÍCH
[1] Số liệu phân tích từ Báo cáo tổng kết công tác THAHS và HTTP năm 2015 của Tổng cục VIII – Bộ Công an.
[2] Trại giam Long Hòa đóng trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An, gần như nằm ở ranh giới giữa miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ, hiện có 02 phân trại, trong đó có 01 phân trại đang giam giữ hơn 350 phạm nhân CTN.
[3] Chẳng hạn Trường Giáo dưỡng số 3 tại Đà Nẵng, Trường Giáo dưỡng số 2 tại Yên Mô, Ninh Bình.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Quang Vũ
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 01(113)/2018 – 2018, Trang 47-52
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời