Bàn về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 (Xử lý chuyển hướng)
Xem thêm bài viết về “Xử lý chuyển hướng”
- Mô hình tư pháp người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) theo định hướng của Liên hợp quốc – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
TÓM TẮT
Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội là một xu hướng mang tính nhân đạo của pháp luật và có nhiều cách thức thực hiện khác nhau. Trong bài viết này tác giả đề xuất hoàn thiện các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự hiện hành để thay giải pháp “Các biện pháp thay thế hình sự” được quy định tại Mục B Chương XII Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)1. Tuy cách giải quyết vấn đề có thể khác nhau nhưng suy cho cùng các giải pháp của tác giả và Dự thảo Bộ luật Hình sự đều hướng đến một mục tiêu chung là bảo vệ tốt hơn quyền của người chưa thanh niên phạm tội đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, người chưa thành niên được hiểu là người chưa đủ 18 tuổi (theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em thì trẻ em là người dưới 18 tuổi – như vậy, khái niệm người chưa thành niên ở Việt Nam tương đương khái niệm trẻ em theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em). Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, nhận thức và tâm – sinh lý và là đối tượng cần được sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội.
Bảo vệ quyền con người nói chung và người chưa thành niên nói riêng gắn liền với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở chính trị quan trọng để cải cách tư pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của người chưa thành niên. Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ ra: “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động nghề nghiệp của những người hành nghề y, dược, về dân số, gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, về người khuyết tật” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã quy định: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Đây là các văn kiện quan trọng đưa ra các quan điểm chỉ đạo giúp chúng ta có thể xây hệ thống các yêu cầu cải cách tư pháp theo định hướng bảo vệ tốt hơn quyền của người chưa thành niên.
Thể hiện quan điểm bảo vệ quyền của người chưa thành niên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.[1]
Pháp luật hình sự là một trong các công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người chưa thành niên (bao gồm cả trẻ em). Trong khoa học luật hình sự, xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau mang tính khoan hồng hơn so với người đã thành niên phạm tội trong đó có biện pháp thay thế xử lý hình sự. Điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nghiên cứu những biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Mục B Chương XII trong Dự thảo Bộ luật hình sự (BLHS) (sửa đổi).
Xem thêm bài viết về “Người dưới 18 tuổi (Người chưa thành niên)”
- Quyền được bảo vệ về thông tin cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội trong Luật Quốc tế và Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Thủ tục tố tụng thân thiện đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội – TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch
- Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Nguyên tắc và căn cứ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
- Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
1. Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và các quy định của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.
Xử lý chuyển hướng là một khái niệm mới xuất hiện vào khoảng từ cuối đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Khái niệm này ra đời sau khi có một loạt nghiên cứu cho thấy những biện pháp xử lý tư pháp chính thống thường làm cho người chưa thành niên lún sâu hơn vào con đường lầm lỗi vì bị phân biệt đối xử. Các kết quả nghiên cứu đã làm nảy sinh ý tưởng là cần phải tránh áp dụng các biện pháp xử lý chính thức đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật bằng cách khuyến khích các cán bộ tư pháp chuyển người chưa thành niên từ hệ thống tư pháp chính thức sang các chương trình giải quyết tranh chấp dựa vào cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ hoặc các chương trình giáo dục tại cộng đồng.[2]
Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em cũng như về tư pháp người chưa thành niên. Cụ thể, khoản 3 và 4 Điều 40 Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em quy định:
“3. Các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc thiết lập những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho những trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đó vi phạm luật hình sự, và cụ thể là:
a) Xác định độ tuổi tối thiểu mà dưới độ tuổi đó trẻ em sẽ được coi là không có khả năng vi phạm luật hình sự;
b) Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp, miễn là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ.
4. Đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như ra lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn; thử thách; chăm nuôi; các chương trình giáo dục và dạy nghề và những biện pháp thay thế khác cho việc quản lý tại cơ sở nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của trẻ và tương xứng với hoàn cảnh cũng như hành vi phạm tội của trẻ.”
Như vậy, Công ước đã chỉ ra các cách thức khác nhau để xử lý chuyển hóa người chưa thành niên phạm tội, cụ thể gồm các cách sau: (1) Xác định độ tuổi tối thiểu mà dưới độ tuổi đó trẻ em sẽ được coi là không có khả năng vi phạm luật hình sự; (2) Đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp, miễn là các quyền con người và những bảo vệ pháp lý được tôn trọng đầy đủ (khi nào thấy thích hợp và cần thiết); (3) Đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như ra lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn; thử thách; chăm nuôi; các chương trình giáo dục và dạy nghề và những biện pháp thay thế khác cho việc quản lý tại cơ sở nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của trẻ và tương xứng với hoàn cảnh cũng như hành vi phạm tội của trẻ.
Cách hiểu xử lý chuyển hướng như theo quy định tại Điều 40 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em hợp lý và dễ đáp ứng với đặc điểm pháp luật của từng quốc gia nhưng vẫn đạt được mục đích xử lý nhân văn, khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trong khoa học pháp lý hình sự, có ý kiến cho rằng xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội phải đảm bảo cùng một lúc các yêu cầu: (1) Không xét xử bởi tòa án; (2) Không phải thay thế xử lý hình sự bằng hành chính; (3) Bằng các biện pháp thay thế khác như Công ước đã nêu: chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn; thử thách; chăm nuôi; các chương trình giáo dục và dạy nghề và những biện pháp thay thế khác. Có nghĩa theo ý kiến này, xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phải bao gồm tất cả các nội dung tại khoản 3 và 4 Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.[3] Chúng tôi cho rằng cách hiểu như vậy về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên là quá hẹp và không đúng với nội dung, tinh thần của Điều 40 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Đồng thời, việc hiểu như vậy dẫn đến hạn chế các biện pháp, cách thức xử lý chuyển hướng khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Khoản 2 Điều 89 Dự thảo BLHS (Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) có quy định cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) đối với người chưa thành niên phạm tội với 2 phương án: (1) Phương án 1: biện pháp thay thế xử lý hình sự được áp dụng độc lập mà không bắt buộc phải miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 89 Dự thảo BLHS); (2) Phương án 2: biện pháp thay thế xử lý hình sự được áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.[4]
Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội với các lý do chủ yếu sau:[5] (1) Xu hướng chung trong chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của nhiều nước trên thế giới là ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng, chỉ đưa người chưa thành niên vào hệ thống xử lý chính thức khi không còn cách nào khác để bảo đảm sự an toàn của cộng đồng, do vậy, tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội được áp dụng xử lý chuyển hướng chiếm tỉ lệ rất cao. (2) Trong tư pháp hình sự, mặc dù, khoản 2 Điều 69 BLHS hiện hành quy định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên nhưng trên thực tế việc miễn trách nhiệm hình sự đồng nghĩa với việc trả tự do vô điều kiện mà không áp dụng bất kỳ các biện pháp giáo dục, phòng ngừa nào. Điều này dẫn đến một thực tế là người chưa thành niên tiếp tục tái phạm.
Với cách tiếp cận từ Điều 40 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em như vậy, chúng tôi cho rằng “Các biện pháp thay thế hình sự” được quy định tại Mục B Chương XII Dự thảo BLHS cũng chỉ là một cách thức xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm mà thôi.
2. Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành và vấn đề xử lý chuyển hướng
Với cách hiểu xử lý chuyển hướng với nội dung quy định tại Điều 40 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em như trên thì pháp luật hình sự của Việt Nam hiện nay có thể hiện xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội hay không? Trên thực tế hiện nay chúng ta đang xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội bằng các hình thức sau:
Hình thức thứ nhất: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) là từ đủ 14 tuổi trở lên và nhóm người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về mọi loại tội phạm mà chỉ phải chịu trách nhiệm về một số tội phạm theo như quy định của BLHS hiện hành[6] cũng như Dự thảo BLHS (sửa đổi).[7]
Bên cạnh quy định độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự khá cao so với một số nước để xử lý chuyển hướng những hành vi nguy hiểm được thực hiện bởi người chưa thành niên dưới 14 tuổi chuyển sang xử lý hành chính, pháp luật hình sự còn chuyển hướng xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bằng cách quy định họ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với một số loại tội nhất định. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 12 BLHS hiện hành quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” hoặc Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định đối với nhóm người này chỉ phải chịu TNHS một số tội phạm nhất định. Đây là hình thức chuyển hướng xử lý hình sự của Việt Nam ngay từ khi quy định hành vi nào là tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.
Hình thức xử lý chuyển hướng thứ hai: BLHS Việt Nam hiện hành quy định biện pháp tư pháp thay thế hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể, khoản 4 Điều 69 BLHS hiện hành quy định: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.” .Các biện pháp thay thế hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội gồm giáo dục tại xã phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70 BLHS). Về bản chất, đây là các biện pháp giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội dùng để xử lý chuyển hướng ngay trong luật hình sự khi không cần thiết áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên.
– Hình thức xử lý chuyển hướng thứ ba: BLHS Việt Nam quy định hành vi bị coi là tội phạm phải có tính nguy hiểm ở mức độ đáng kể, còn nếu không nguy hiểm đáng kể thì xử lý bằng các biện pháp khác.[8] Bằng cách quy định tội phạm phải ở mức độ nguy hiểm đáng kể, chính sách hình sự Việt Nam đã chuyển hướng xử lý đối với những hành vi nguy hiểm không đáng kể chuyển sang xử lý bằng các biện pháp khác như hành chính, dân sự… Hình thức xử lý chuyển hướng này được áp dụng cho cả người chưa thành niên và người đã thành niên.
Như vậy, như trên đã phân tích, có nhiều hình thức để quy định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà Dự thảo BLHS đã nêu ra cũng chỉ là một trong nhiều hình thức để xử lý chuyển hướng đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của người chưa thành niên phạm tội. Vấn đề là chúng ta chọn cách thức nào, mô hình nào cho tối ưu, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Các hình thức chuyển hướng xử lý người chưa thành niên phạm tội mà pháp luật hình sự Việt Nam đã và đang sử dụng hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 3 và 4 Điều 40 của Công ước quốc tế về về Quyền trẻ em năm 1989.
3. Một số mâu thuẫn về lý luận và pháp luật đặt ra khi quy định về “Các biện pháp thay thế xử lý hình sự” của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Nghiên cứu các lập luận của Ban soạn thảo về việc bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự, chúng tôi nhận thấy việc đưa các biện pháp thay thế xử lý hình sự vào trong BLHS sẽ nảy sinh một loạt mâu thuẫn về lý luận cũng như mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hiện hành.
– Mâu thuẫn thứ nhất: không có cơ sở pháp lý để đưa “các biện pháp thay thế hình sự” quy định vào trong BLHS.
BLHS chỉ quy định về tội phạm và trách nhiệm hình sự, những gì không phải là tội phạm hoặc trách nhiệm hình sự thì không được quy định trong BLHS. Vấn đề đặt ra là chúng ta xếp các biện pháp thay thế xử lý hình sự là hình thức nào của trách nhiệm hình sự: hình phạt, án tích hay biện pháp xử lý hình sự nào? Ngay tên gọi và nội dung biện pháp “Các biện pháp thay thế xử lý hình sự” (với nội dung xử lý chuyển hướng) cho thấy đây không phải là một biện pháp xử lý trách nhiệm hình sự, do đó nó không có cơ sở pháp lý để được quy định trong BLHS và được áp dụng một cách độc lập đối với người chưa thành niên phạm tội
– Mâu thuẫn thứ hai: mâu thuẫn với quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự và khái niệm tội phạm.
Theo Điều 2 Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về Cơ sở của trách nhiệm hình sự chỉ cá nhân hoặc pháp nhân phạm tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.[9] Và Điều 8 Dự thảo quy định về khái niệm tội phạm “Tội phạm là hành vi … mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”[10]
Như vậy, theo quy định tại Điều 2 và Điều 8 Dự thảo BLHS thì bất cứ hành vi phạm nào của người chưa thành niên nào đều “phải bị xử lý hình sự” và người chưa thành niên phạm một tội đã được BLHS quy định thì mới “phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, như trên đã phân tích “các biện pháp thay thế xử lý hình sự” (biện pháp chuyển hướng) không phải là biện pháp xử lý hình sự do đó không thể dùng để áp dụng đối với tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Nói cách khác, quy định “các biện pháp thay thế xử lý hình sự” không phù hợp với quy định về khái niệm tội phạm và cơ sở của trách nhiệm hình sự.
– Mâu thuẫn thứ ba: quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự (biện pháp chuyển hướng) không phù hợp với chính sách hình sự về xử lý chuyển hướng hiện hành và quy định về tội phạm của BLHS Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao luật hình sự các nước có thể quy định và áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự được còn BLHS Việt Nam thì không? Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ chính sách hình sự của mỗi nước trong việc xác định hành vi vi phạm nào bị xử lý hình sự. Theo quy định của BLHS một số nước trên thế giới thì tội phạm bao gồm cả những hành vi vi phạm có tính nguy hiểm không cao (tội vi cảnh) mà theo quy định của luật hình sự Việt Nam là vi phạm hành chính và những hành vi nguy hiểm cao (mà luật hình sự Việt Nam coi là tội phạm). Chẳng hạn, BLHS Cộng hòa Pháp tại Điều 111-1 phân loại tội phạm thành: trọng tội và tội phạm nhẹ hoặc vi phạm nhỏ (tội vi cảnh), trong đó tội vi phạm nhỏ ở loại thấp nhất bị phạt tối đa 38 Euro (Điều 131-13).[11] Tội phạm trong một số nước không chỉ được quy định trong BLHS mà còn được quy định trong các luật chuyên ngành, có nghĩa là ngoài quy định hành vi vi phạm pháp luật hành chính thì luật chuyên ngành còn quy định tội phạm. Như vậy, việc pháp luật hình sự một số nước trên thế giới quy định chuyển hướng từ xử lý hình sự sang xử lý bằng các biện pháp trách nhiệm pháp lý khác (như hành chính…) là điều có thể được.
– Mâu thuẫn thứ tư: sự không phù hợp giữa tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người chưa thành niên phạm tội thực hiện với tính nghiêm khắc của các biện pháp thay thế xử lý hình sự.
Điều 12 Dự thảo BLHS đã phi tội hóa một số hành vi phạm tội của người chưa thành niên bằng cách liệt kê một số tội phạm mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện mới phải chịu TNHS so với quy định của BLHS hiện hành tại Điều 12 là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Nhưng bên cạnh đó, Dự thảo lại quy định các biện pháp xử lý khoan hồng hơn đối với người chưa thành niên (cụ thể, biện pháp thay thế xử lý hình sự). Như vậy, với quy định tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có tính nguy hiểm được nâng lên còn biện pháp xử lý người chưa thành niên thì ít nghiêm khắc hơn, điều chắc chắn sẽ xảy ra là các biện pháp xử lý không tương xứng với tính nguy hiểm do tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện, từ đó không tạo được sự đồng tình của nhân dân.
– Mâu thuẫn thứ năm: quy định khi áp dụng các biện pháp thay thế xử lý “phải có sự đồng ý của người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ” là không phù hợp với tính chất cưỡng chế hình sự
Khoản 2 Điều 90 Dự thảo quy định “2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự”. Việc quy định như vậy khi xử lý đối với tội phạm (dù là do người chưa thành niên thực hiện) là không phù hợp với phương pháp điều chỉnh “quyền uy” của luật hình sự, cũng như không phù hợp với tính chất của quan hệ pháp luật hình sự giữa nhà nước và người phạm tội.
– Mâu thuẫn thứ sáu: thẩm quyền áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự như Dự thảo không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và xu hướng cải cách tư pháp.
Khoản 2 Điều 90 Dự thảo quy định: “2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự”. Việc giao cho cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự dẫn đến các mâu thuẫn:
– Thứ nhất, các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát được trao quyền xem xét và kết luận một người chưa thành niên có tội (và do đó có quyền áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự này). Điều này trái với quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và theo quy định này thì là chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp, còn Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra không được “thực hiện quyền tư pháp”. Cụ thể, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.” Như vậy, việc Dự thảo BLHS quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự là chưa cập nhật tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013 là chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử và thực hiện quyền tư pháp.
– Thứ hai, trong quá trình đổi mới các cơ quan tư pháp, một trong các xu hướng đổi mới là tất cả các vấn đề liên quan đến các quyền cơ bản của con người đều phải được luật định và nếu có hạn chế các quyền này thì phải do tòa xét xử và quyết định. Đây là xu hướng chung của nền tư pháp hiện đại và cũng là tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, một số nghĩa vụ của các biện pháp thay thế xử lý hình sự trong Dự thảo BLHS có nội dung tước hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân nhưng lại giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng là không phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013. Chẳng hạn, các biện pháp Khiển trách (Điều 91 Dự thảo), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 92 Dự thảo), Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93 Dự thảo) đều có nghĩa vụ hạn chế quyền con người, hạn chế quyền công dân, chẳng hạn: các biện pháp người chưa thành niên nghiện rượu, nghiện ma túy thì phải cai nghiện (cả 3 biện pháp); không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép (Điều 93)… là hạn chế quyền con người nhưng lại do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng là trái với tinh thần bảo vệ quyền con người của Hiến pháp năm 2013.
– Thứ ba, trao quyền cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự dễ dẫn đến lạm dụng để né tránh oan sai hoặc tiêu cực
4. Một số ý kiến đề xuất hoàn thiện quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Dự thảo Bộ luật Hình sự
Như trên đã phân tích, để xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội có nhiều hình thức khác nhau. BLHS hiện hành cũng quy định nhiều hình thức xử lý chuyển hướng đối với hành vi vi phạm do người chưa thành niên phạm tội và các biện pháp thay thế xử lý hình sự mà Dự thảo BLHS đề xuất cũng chỉ là một số trong các hình thức xử lý chuyển hướng. Việc quy định các biện pháp xử lý hình sự như Dự thảo BLHS sẽ dẫn đến một loại các mâu thuẫn như đã phân tích ở trên. Do đó, việc giữ lại quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội như Dự thảo là không hợp lý. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị bỏ cả 2 phương án như dự thảo quy định về các các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, hay nói cách khác, bỏ toàn bộ Mục B các biện pháp thay thế xử lý hình sự của Chương XII Dự thảo BLHS.
Việc bỏ quy định của Dự thảo tại mục B Chương XII không làm mất đi khả năng xử lý chuyển hướng của Dự thảo BLHS bởi lẽ như trên đã phân tích chúng ta đã xử lý chuyển hướng ở các hình thức: (1) Quy định độ tuổi mà người chưa thành niên bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự và loại tội mà nhóm người này phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Dự thảo BLHS); (2) Quy định biện pháp tư pháp thay thế hình phạt khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; (3) Quy định hành vi bị coi là tội phạm phải có tính nguy hiểm ở mức độ đáng kể, còn nếu không nguy hiểm đáng kể thì xử lý bằng các biện pháp khác (Điều 8 và các điều luật ở Phần các tội phạm của Dự thảo BLHS).
Chúng tôi đề xuất sửa đổi Dự thảo BLHS theo hướng tiếp tục hoàn thiện cách thức xử lý chuyển hướng mà BLHS hiện hành đã áp dụng: quy định biện pháp thay thế hình phạt khi áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (hiện nay gọi là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội), bằng cách:
– Thứ nhất, thay tên gọi “các biện pháp tư pháp” áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thành tên gọi “các biện pháp giáo dục bắt buộc” áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội cho đúng với tính chất, nội dung của các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng.
– Thứ hai, bổ sung thêm vào hệ thống các biện pháp giáo dục bắt buộc hiện hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức. Khi đó hệ thống “các biện pháp các biện pháp giáo dục bắt buộc” sẽ bao gồm ba biện pháp: (1) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (2) Đưa vào trường giáo dưỡng; (3) Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
Trong đó, người bị giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, cơ quan, tổ chức; b) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép (chứ không bao gồm các nghĩa vụ khác như Điều 93 Dự thảo BLHS).
– Thứ ba, về thẩm quyền áp dụng “các biện pháp giáo dục bắt buộc” thì chỉ có Tòa án mới được quyền áp dụng biện pháp này.
Chúng tôi cho rằng, với giải pháp nêu trên sẽ chúng ta giải quyết được các mâu thuẫn tồn tại do quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự tại Dự thảo BLHS như đã phân tích ở trên, đồng thời vẫn đạt được mục đích xử lý khoan hồng, xử lý chuyển hướng là khi không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì có thể áp dụng “biện pháp giáo dục bắt buộc” (hay biện pháp tư pháp như tên gọi hiện nay) để áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội.
Tham khảo quy định của BLHS Liên bang Nga, chúng tôi nhận thấy Bộ luật này cũng quy định “các biện pháp giáo dục bắt buộc” đối với người chưa thành niên phạm tội tương tự như giải pháp này để xử lý chuyển hướng đối đối với người chưa thành niên phạm tội. [12] Thực tiễn xây dựng và áp dụng “các biện pháp giáo dục bắt buộc” của BLHS Liên bang Nga từ năm 1996 (có hiệu lực) đến nay đã kiểm nghiệm tính hợp lý của giải pháp này khi xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”
-
- Một số vấn đề pháp lý về các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Trần Ngọc Lan Trang & ThS. Nguyễn Phương Thảo
- Hoàn thiện chính sách hình phạt trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 theo tinh thần của các Công ước quốc tế về quyền con người – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Một số thành công và hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt chính không tước tự do – ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng
- Một vài ý kiến về hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện – ThS. Mai Khắc Phúc
- Bàn về việc khắc phục một số hạn chế, sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 – PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa & ThS. Vũ Thị Thúy
CHÚ THÍCH
* TS, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013.
[2] Đỗ Thúy Vân, “Hoàn thiện pháp luật về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12/2008, tr. 12.
[3] Đỗ Thúy Vân, “Hoàn thiện pháp luật về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12/2008, tr. 13.
[4] Xem: Điều 89 Dự thảo BLHS (sửa đổi)
[5] Xem: Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) (2015), Bản thuyết minh chi tiết về BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 4/2015.
[6] Xem: Điều 12 BLHS năm 1999.
[7] Xem: Điều 12 Dự thảo BLHS (sửa đổi).
[8] Khoản Điều 8 BLHS hiện hành và khoản 2 Điều 8 Dự thảo BLHS (sửa đổi): “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”
[9] Xem: Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự – Dự thảo BLHS (sửa đổi).
[10] Xem: Điều 8. Khái niệm tội phạm – Dự thảo BLHS (sửa đổi).
[11] Xem: Criminal Code of the French Republic, nguồn:.http://www.legislationline.org/documents/section/criminal-codes (truy cập ngày 10/8/2015).
[12] Xem: Điều 90 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011)
Tác giả: TS. Phan Anh Tuấn*
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2015 (93)/2015 – 2015, Trang 57-63
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời