Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Tác giả: Hồ Thị Bảo Ngọc [1] & Nguyễn Ngọc Huy [2]
TÓM TẮT
Người chưa thành niên là một trong những chủ thể được quyền tham gia vào giao dịch dân sự. Tùy từng giao dịch dân sự, pháp luật có những quy định khác nhau về điều kiện tham gia giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Trong đó, người đại diện theo pháp luật giữ vai trò quan trọng, trở thành điều kiện bắt buộc trong một số giao dịch. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay vẫn chưa rõ ràng trong việc nhận diện người chưa thành niên, xác định đúng vai trò của người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, điều kiện xác lập giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người chưa thành niên, đặc biệt trong hoạt động công chứng. Bài viết đề cập đến những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật liên quan đến chế định đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật.
1. Quy định của pháp luật về đại diện của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự3. Giao dịch dân sự phát sinh phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS). Trong đó, năng lực chủ thể tham gia giao dịch dân sự giữ vai trò rất quan trọng trong việc xem xét điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 117 BLDS năm 2015, chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Xuất phát từ quy định của BLDS năm 2015, Luật công chứng năm 2014 cũng lấy tiêu chí năng lực của người yêu cầu công chứng làm một trong những căn cứ xem xét việc tiếp nhận yêu cầu công chứng. Theo đó, người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự4. Trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, công chứng viên yêu cầu làm rõ, xác minh hoặc đề nghị giám định theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng, nếu không làm rõ thì có quyền từ chối yêu cầu công chứng5.
Ở góc độ giao dịch dân sự nói chung và giao dịch dân sự trong hoạt động công chứng nói riêng, chủ thể là người chưa thành niên có những điều kiện tham gia giao dịch dân sự rất riêng biệt, phức tạp hơn so với các chủ thể còn lại. Căn cứ theo tiêu chí độ tuổi, khả năng nhận thức và loại tài sản6, ở mỗi thời điểm khác nhau, người chưa thành niên có điều kiện tham gia giao dịch dân sự khác nhau. Xuất phát từ các tiêu chí trên, người chưa thành niên khi tham gia vào giao dịch dân sự thường xuyên gắn liền với điều kiện có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật. Căn cứ theo Điều 136 BLDS năm 2015, đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên bao gồm cha mẹ7, người giám hộ đối với người được giám hộ8. Trong trường hợp áp dụng giám hộ, BLDS năm 2015 đặt ra thêm cơ chế giám sát giám đối với những giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ9. Cùng có vai trò đại diện theo pháp luật, cha mẹ hoặc người giám hộ được quyền tham gia vào một số giao dịch liên quan đến tài sản, lợi ích của người chưa thành niên, theo từng khung tuổi nhất định. Cụ thể:
Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi
Trước đây, BLDS năm 2005 xác định người chưa đủ sáu tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự10. Hiện nay, BLDS năm 2015 đã bỏ đi khái niệm “người không có năng lực hành vi dân sự”. Dù có sự thay đổi về mặt khái niệm, nhà làm luật vẫn có cách nhìn chung về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của nhóm chủ thể này. Về mặt sinh học cũng như pháp lý, cá nhân ở độ tuổi này vẫn chưa có đầy đủ nhận thức pháp lý và khả năng chịu trách nhiệm về hành vi đối với các giao dịch dân sự do họ xác lập. Do đó, đối với người dưới sáu tuổi, người đại diện theo pháp luật được toàn quyền thay mặt họ trong việc giao kết, thực hiện giao dịch dân sự. Trong hoạt động công chứng, công chứng viên xác định người trực tiếp giao kết hợp đồng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dưới sáu tuổi là người đại diện theo pháp luật của họ.
Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi
So với nhóm cá nhân dưới sáu tuổi, pháp luật dân sự quy định mở hơn về khả năng xác lập quyền cho người từ đủ sáu tuổi đến dưới mười lăm tuổi. Căn cứ theo quy định của BLDS năm 2015, người từ đủ sáu tuổi đến dưới mười lăm tuổi được tự mình xác lập các giao dịch dân sự phục vụ như cầu sinh hoạt hằng này phù hợp với lứa tuổi. Đối với các giao dịch dân sự khác, người chưa thành niên ở nhóm tuổi này có quyền tham gia giao kết, thực hiện giao dịch dân sự khi được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Trong thực tiễn hoạt động công chứng, các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt đối với nhóm độ tuổi này hầu như không có yêu cầu chứng nhận của công chứng viên. Do đó, các giao dịch được yêu cầu chứng nhận tại các tổ chức hành nghề công chứng đều có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, quy định của Khoản 3 Điều 21 BLDS năm 2015 có điểm khác so với với quy định Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGD năm 2014). Căn cứ Khoản 1 Điều 77 Luật HNGD năm 2014, cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con, trừ những trường hợp cha mẹ không trực tiếp quản lý tài sản riêng của con11. Như vậy, khi cha mẹ hoặc người giám hộ trực tiếp quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, họ được quyền thay mặt con xác lập thực hiện giao dịch mà không bị giới hạn ở mỗi quyền “đồng ý” như trong BLDS năm 2015. Khi tham chiếu Điều 4, Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 sửa đổi bổ sung năm năm 2020, BLDS năm 2015 và Luật HNGD năm 2014 là các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Như vậy, BLDS năm 2015 phải được ưu tiên áp dụng do có hiệu lực thi hành sau. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, vai trò của người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi xác định theo Luật HNGD năm 2014 là phù hợp hơn. Trừ những trường hợp quy định tại Điều 76 và Điều 85 Luật HNGD năm 2014, cha mẹ hoặc người giám hộ luôn là người có quyền trực tiếp quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên dưới mười lăm tuổi. Về mặt sinh học, nhận thức, học thức, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ chín tuổi chưa có nhận thức rõ ràng. Do đó, người đại diện theo pháp luật định đoạt tài sản vì lợi ích của nhóm độ tuổi này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với nhóm từ đủ chín tuổi đến dưới mười tám tuổi, trong hoạt động công chứng, công chứng viên buộc phải xác định ý chí của người từ đủ chín tuổi trở lên qua kỹ năng giao tiếp, cho phép nhóm chủ thể này trực tiếp giao kết giao dịch dân sự cùng với người đại diện. Với quy định này, người chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên được thể hiện ý chí của mình vào trong hợp đồng cùng với người đại diện theo pháp luật. Như vậy, ở độ tuổi từ đủ chín tuổi đến dưới mười lăm tuổi, Luật HNGD năm 2014 là thống nhất với quy định của BLDS năm 2015. Trong trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ không được quyền quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ không được tự định đoạt tài sản đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 luật HNGD năm 2014. Tuy nhiên, tư cách đại diện theo pháp luật của họ vẫn được công nhận, thực hiện vai trò theo Điều 21 BLDS năm 2015.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: Ở độ tuổi này, người chưa thành niên đã có những nhận thức nhất định về hành vi dân sự. Do đó, quyền tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự được mở rộng hơn, người đại diện theo pháp luật chỉ xuất hiện một số giao dịch đặc thù liên quan đến giá trị tài sản, hoặc theo quy định khác của pháp luật. Trong thực tiễn, bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản đưa vào kinh doanh thường có giá trị giao dịch lớn hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân tổ chức khác. Với ý nghĩa đó, BLDS năm 2015 và Luật HNGD năm 2014 đều quy định, người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi khi thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản đưa vào kinh doanh hoặc những giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật12 phải được cha mẹ hoặc người giám hộ “đồng ý”. Ngoài ra, cha mẹ đồng thời cùng chịu trách nhiệm liên đới khi con chưa thành niên xác lập giao dịch dân sự liên quan đến một số giao dịch13.
2. Bất cập của quy định pháp luật về chế định đại diện trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Người chưa thành niên là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm chủ thể này, pháp luật đã đặt ra chế định đại diện theo pháp luật, chế định giám sát trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong thực tiễn giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng, quy định của pháp luật vẫn còn chưa rõ ràng trong việc nhận diện người chưa thành niên, xác định người đại diện theo pháp luật…
Thứ nhất, nhận diện người chưa thành niên trong hoạt động công chứng.
Đại diện trong giao dịch dân sự được xác định dựa trên nhận diện chủ thể được đại diện. Trong trường hợp đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên, chủ thể trực tiếp phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ chính là người chưa thành niên. Do đó, nhận diện chính xác người chưa thành niên giúp đảm bảo tính xác thực, hợp pháp về chủ thể tham gia giao dịch dân sự.
Trong hoạt động công chứng, mọi chủ thể tham gia giao dịch đều phải có giấy tờ pháp lý để nhận diện. Căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 40 Luật công chứng năm 2014, người yêu cầu công chứng là cá nhân bắt buộc phải cung cấp bản sao giấy tờ tùy thân khi nộp hồ sơ yêu cầu công chứng. Pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa về khái niệm “giấy tờ tùy thân”. Tuy nhiên, hiện nay một số văn bản pháp luật có quy định về một số loại giấy tờ có giá trị cung cấp thông tin cá nhân, được sử dụng trong giao dịch dân sự, gọi là giấy tờ tùy thân hoặc thay thế giấy tờ tùy thân, bao gồm: Giấy chứng minh nhân dân14; giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam15; giấy chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng16; hộ chiếu quốc gia (được sự dụng thay thế chứng minh nhân dân17); căn cước công dân18 . Trong số những giấy tờ tùy thân nêu trên, giấy chứng minh nhân dân và căn cước công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Công dân Việt Nam có quyền và nghĩa vụ thực hiện thủ tục cấp hai loại giấy tờ trên theo quy định của pháp luật. Đối với giấy chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và giấy chứng minh sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, những chủ thể công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam mới đủ điều kiện cấp. Hộ chiếu quốc gia được cấp cho người dưới mười bốn tuổi. Tuy nhiên, công dân Việt Nam không có nghĩa vụ phải thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu. Như vậy, trong thực tiễn, người chưa thành niên chưa đủ mười bốn tuổi chưa có giấy tờ tùy thân bắt buộc để cung cấp cho công chứng viên khi thực hiện giao dịch dân sự tại tổ chức hành nghề công chứng. Trong quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người chưa thành niên có thể được xác định bằng số giấy khai sinh19. Tuy nhiên, giấy khai sinh không đủ tính xác thực để nhận diện cá nhân là người chưa thành niên. Căn cứ Khoản 6 Điều 4 và Khoản 1 Điều 14 Luật hộ tịch năm 2014, giấy khai sinh có giá trị xác định một số thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh. Bên cạnh đó, giấy khai sinh còn có ý nghĩa xác định quan hệ huyết thống, từ đó chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của cha mẹ. Mặc dù có có chứa đựng một số thông tin cá nhân, giấy khai sinh không có các thông tin làm cơ sở nhận diện đặc điểm cá nhân trong trường hợp xác định người đủ chín tuổi trở lên. Ngoài ra, pháp luật hộ tịch không quy định giấy khai sinh được sử dụng trong giao dịch dân sự. Như vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định về giấy tờ tùy thân của người chưa thành niên chưa đủ mười bốn tuổi.
Thứ hai, xác định vai trò của cha mẹ khi con chưa thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ Điều 22 BLDS năm 2015, người mất năng lực hành vi dân sự được nhận diện dựa trên hai tiêu chí: không thể nhận thức, làm chủ hành vi và có Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án20. Trên thực tế, chủ thể bị các bệnh như tâm thần hoặc các bệnh làm mất khả năng nhận thức làm chủ hành vi ngay từ khi chưa thành niên xảy ra rất phổ biến. Khi những chủ thể này bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự bằng Quyết định có hiệu lực của Tòa án, chế định đại diện hay giám hộ được áp dụng nếu họ vẫn còn cha mẹ đủ điều kiện?
Liên quan đến vấn đề này, theo quy định hiện hành người chưa thành niên còn cha mẹ, cha mẹ luôn là người đại diện theo pháp luật, không thể áp dụng chế định giám hộ. Căn cứ theo BLDS năm 2015, cha mẹ là đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên. Khi cha mẹ không còn, cha mẹ còn nhưng không đủ điều kiện đại diện, chế định giám hộ mới được áp dụng. Ngoài ra, căn cứ vào Điều 52 BLDS năm 2015, cha mẹ không được định nghĩa là người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, từ so sánh ba trường hợp được áp dụng giám hộ, tác giả nhận thấy BLDS năm 2015 chưa quy định thống nhất về độ tuổi áp dụng. Theo đó, trường hợp người chưa thành niên và người khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, một trong những điều kiện người được giám hộ phải thỏa mãn là độ tuổi. Người được giám hộ là người chưa thành niên phải chưa đủ mười tám tuổi và không có cha mẹ đại diện theo pháp luật. Người được giám hộ là người khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi phải là người thành niên. Riêng người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự, BLDS năm 2015 không đưa ra tiêu chí về độ tuổi. (Nói cách khác, BLDS năm 2015 không hạn chế khái niệm người chưa thành niên mất năng lực hành vi dân sự). Trong khi đó, căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015, cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự bắt buộc áp dụng chế định giám hộ.
Ngoài quan điểm về nguyên tắc xác định người đại diện của con chưa thành niên, trong thực tiễn còn quan điểm liên quan đến Quyết định tuyên bố một người là người mất năng lực hành vi dân sự. Căn cứ Điều 22 BLDS năm 2015, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Từ quy định trên, có quan điểm cho rằng, Tòa án chỉ tuyên người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người mất năng lực hành vi dân sự. Quan điểm này xuất phát từ nhận định, người từng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới xét là mất. Trong khi đó, người chưa thành niên là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thể trở thành chủ thể trong Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Đối với quan điểm này, tác giả cho rằng không có cơ sở pháp lý. Người mất năng lực hành vi dân sự là người đã từng có năng lực hành vi dân sự nhưng sau đó không còn (không còn nhận thức và làm chủ hành vi). Căn cứ Điều 21 BLDS năm 2015, người chưa đủ mười tám tuổi vẫn có năng lực hành vi dân sự, nhưng chưa đầy đủ. Do đó, trong một số giao dịch, họ được hoàn toàn tự mình xác lập. Như vậy, người bị tâm thần hoặc các dạng bệnh lý khác dẫn đến mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi trước khi đủ mười tám tuổi vẫn đủ điều kiện để xác định theo định nghĩa mất năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự căn cứ theo kết luận giám định pháp y tâm thần. Qua tham chiếu Luật giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 202021 và Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần22, đối tượng giám định không bị giới hạn về độ tuổi, đồng nghĩa với việc không có quy định chỉ giám định pháp y tâm thần cho người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Như vậy, người chưa đủ mười tám tuổi hoàn toàn có khả năng bị mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp họ còn cha mẹ, cha mẹ chỉ là người đại diện theo pháp luật hay cần xác định với vai trò người giám hộ, đồng thời xác định thêm người giám sát giám hộ thì sẽ phù hợp hơn?
Thứ ba, xác định yếu tố “vì lợi ích” của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan tài sản của người chưa thành niên.
Sự phát triển của con người dần hoàn thiện về thể chất và trí tuệ theo từng giai đoạn phát triển của độ tuổi. Theo tinh thần của BLDS năm 2015, người chưa thành niên có thể xem là có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ (trong mối tương quan so sánh với khái niệm người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ). Với đặc điểm trên, người chưa thành niên chưa có trọn vẹn nhận thức pháp lý đối với các giao dịch liên quan đến tài sản của mình. Do đó, đại diện theo pháp luật trở thành điều kiện gần như bắt buộc trong các giao dịch liên quan đến tài sản của người chưa thành niên.
Theo quy định tại Điều 134 BLDS năm 2015, người đại diện phải nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Quy định này được áp dụng cho mọi hình thức xác lập đại diện, bao gồm cả đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Riêng đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên, pháp luật dân sự còn đặt ra thêm một số nguyên tắc riêng điều chỉnh giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người chưa thành niên. Căn cứ Điều 59 BLDS năm 2015, người giám hộ (bao gồm giám hộ cho người chưa thành niên) được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Khi xác lập giao dịch, người giám hộ không được thực hiện giao dịch tặng cho. Đối với các giao dịch khác, người giám hộ được thực hiện nếu vì lợi ích của người chưa thành niên và được sự đồng ý của người giám sát giám hộ. Bên cạnh BLDS năm 2015, Điều 77 Luật HNGD năm 2014 cũng quy định, cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con.
Như vậy, mục đích xác lập giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người chưa thành niên là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, pháp luật dân sự hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn về khái niệm “lợi ích”. Do đó, trong quá trình công chứng giao dịch dân sự có đối tượng là tài sản của con chưa thành niên, công chứng viên vẫn còn gặp khó khăn trong việc xác định giấy tờ tài liệu làm căn cứ pháp lý chứng minh mục đích xác lập giao dịch dân sự.
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về đại diện trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng
Từ những bất cập trong quy định của pháp luật dân sự liên quan đến chế định đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định giấy tờ khác có giá trị chứng minh đặc điểm nhận dạng của người chưa thành niên chưa đủ điều kiện cấp giấy tờ tùy thân.
Hiện nay, pháp luật chỉ thừa nhận chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy chứng minh Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, giấy chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng là giấy tờ tùy thân. Căn cứ vào mục đích sử dụng trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng, giấy tờ tùy thân là một trong những căn cứ pháp lý giúp công chứng viên nhận diện cá nhân tham gia giao dịch dân sự. Trên thực tế, các loại giấy tờ nêu trên không phải là giấy tờ duy nhất có giá trị cung cấp thông tin nhận diện của một công dân Việt Nam.
Tham khảo Phụ lục XIV Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019 quy định chi tiết an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không, giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận (giấy xác nhận có các thông tin cá nhân người được xác nhận; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai) được xác định là giấy tờ nhân thân được lên máy bay. Ngoài ra, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch cũng có đưa ra khái niệm về giấy tờ tùy thân. Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/ND-CP, “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân”.
Về mặt đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng, giấy tờ được sử dụng trong hai văn bản trên không áp dụng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, xét về tính xác thực, giấy tờ được đề cập trong hai văn bản trên hoàn toàn có khả năng đảm bảo tính xác thực về mặt thông tin nhận diện cá nhân, tính hợp pháp về thẩm quyền cấp nếu được sử dụng trong giao dịch dân sự. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 40 Luật công chứng năm 2014 theo hướng “Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy tờ tùy thân, người yêu cầu công chứng được thay thế giấy tờ khác có dán ảnh, thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng”. Như vậy, trong hoạt động công chứng, công chứng viên có thêm cơ sở pháp lý để nhận diện người tham gia giao dịch là người chưa thành niên dưới mười bốn tuổi, đảm bảo an toàn pháp lý cho hồ sơ công chứng.
Thứ hai, xác định tư cách giám hộ của cha mẹ đối với con chưa thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự.
Xuất phát từ tình trạng nhận thức và làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự không thể tự mình thể hiện ý chí trong giao dịch dân sự. Do đó, pháp luật dân sự đặt ra chế định giám hộ, giữ vai trò thay mặt người mất năng lực hành vi dân sự xác lập giao dịch dân sự, đặc biệt là giao dịch liên quan đến tài sản của người bị mất năng lực hành vi dân sự. Trong quá trình xác lập, thực hiện giao dịch, để đảm bảo người giám hộ thực hiện đúng vai trò của mình, pháp luật đặt ra thêm chế định giám sát giám hộ. Người giám sát giám hộ được quyền xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc xác lập, thực hiện một số giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ23.
Trong những trường hợp xác định người giám hộ, cha mẹ cũng được xác định là người giám hộ đương nhiên cho người thành niên mất năng lực hành vi dân sự24. Từ những phân tích trong mục 2, tác giả cho rằng trong trường hợp con chưa thành niên mất năng lực hành vi dân sự và còn cha mẹ, cha mẹ là người giám hộ cho con là phù hợp. Trong trường hợp này nếu cha mẹ được xác định là người đại diện theo pháp luật, các quy định liên quan đến quyền tự mình tham gia giao dịch dân sự của con chưa thành niên là không phù hợp. Đối với nhóm chủ thể này, người giám hộ phải thay mặt họ xác lập giao dịch, dưới sự giám sát của người giám sát giám hộ. Ngoài ra, trong thực tiễn, người bị tâm thần từ khi chưa đủ mười tám tuổi đến khi trên mười tám tuổi khá phổ biến. Cùng tình trạng nhận thức, cha mẹ được xác định là người đại diện theo pháp luật cho con chưa đủ mười tám tuổi, nhưng lại là giám hộ (có giám sát giám hộ) cho con từ đủ mười tuổi trở lên là không phù hợp. Giám hộ hay đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên phải được xem xét trên tiêu chí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Với tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, tác giả kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật dân sự theo hướng xác định thêm quyền giám hộ của cha mẹ đối với con chưa thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự, nếu cha mẹ đủ điều kiện làm người giám hộ.
Thứ ba, xác định tiêu chí “vì lợi ích” của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của họ.
Từ quy định của BLDS năm 2015 đến Luật HNGD năm 2014, giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người chưa thành niên đều phải hướng đến mục đích “vì lợi ích” của người chưa thành niên. Tuy nhiên, pháp luật dân sự hiện nay chưa đưa ra định nghĩa pháp lý nào về khái niệm “lợi ích”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 70 Luật HNGD năm 2014, con có quyền được yêu thương, tôn trọng, thực hiện các quyền hợp pháp về nhân thân và tài sản; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Như vậy, trong gia đình, lợi ích của con chưa thành niên có thể xem như gắn với các quyền mà con chưa thành niên được hưởng theo luật định. Tuy nhiên, pháp luật vẫn cần đưa ra các tiêu chí cụ thể như: Chăm sóc sức khỏe, học tập, khám chữa bệnh… để đảm bảo người đại diện đã thực hiện đúng vai trò của mình. Xuất phát từ các tiêu chí đó, pháp luật cần thống nhất các giao dịch có thể phát sinh lợi ích cho con chưa thành niên dựa trên bản chất của giao dịch dân sự. Hiện nay, Điều 59 BLDS năm 2015 có quy định khá cụ thể giao dịch không được thực hiện, giao dịch có thể thực hiện và điều kiện thực hiện giao dịch đối với tài sản của người được giám hộ. Tác giả cho rằng, nội dung quy định này cần được áp dụng chung cho cả trường hợp cha mẹ đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên.
Bên cạnh xác định bản chất giao dịch, ý chí của người đại diện đối với lợi ích của con chưa thành niên giữ vai trò quan trọng. Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật công chứng năm 2014, công chứng viên và người yêu cầu công chứng phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, trung thực. Như vậy, bản thân người đại diện cho người chưa thành niên có nghĩa vụ trung thực với mục đích giao kết hợp đồng. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật không tuân thủ đúng mục đích xác lập giao dịch “vì lợi ích” của người chưa thành niên, họ phải tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, trong thực tiễn hoạt động công chứng, ngoài xác định loại giao, công chứng viên còn yêu cầu người đại diện cam kết bằng văn bản tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của người chưa thành niên có mục đích vì “lợi ích” của người chưa thành niên. Tác giả cho rằng, giải pháp trên cần được cụ thể hóa vào quy trình công chứng, đảm bảo người đại diện theo pháp luật khách quan, trung thực trong quá trình thực hiện vai trò của mình đối với tài sản của con chưa thành niên./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp.
- Thạc sỹ, Khoa luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
- Điều 116 BLDS năm 2015.
- Khoản 1 Điều 47 Luật công chứng năm 2014.
- Điểm 5 Khoản 1 Điều 40 Luật công chứng năm 2014.
- Điều 21 BLDS năm 2015.
- Khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015, Khoản 1 Điều 73 Luật HNGD năm 2014.
- Điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015.
- Điều 59 BLDS năm 2015.
- Điều 21 BLDS năm 2015.
- Khoản 3 Điều 76, Điều 85 Luật HNGD năm 2014.
- Khoản 2 Điều 625 BLDS năm 2015.
- Khoản 4 điều 73 Luật HNGD năm 2014.
- Nghị định số 03/VBHN-BCA ngày 26/9/2013 về chứng minh nhân dân.
- Nghị định số 130/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 về giấy chứng minh Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
- Nghị định số 07/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Luật số 59/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về căn cước công dân.
- Điều 5 Thông tư số 01/VBHN-BTNMT ngày 12/9/2019 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Điều 22 BLDS năm 2015.
- Điều 26 Luật giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020.
- Điểm 3.2, Điểm 4 Khoản III phần A Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần.
- Khoản 4 Điều 51 BLDS năm 2015.
- Khoản 3 Điều 53 BLDS năm 2015.
Trả lời