• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

18/05/2020 23/05/2021 ThS. Nguyễn Thị Ánh Hồng Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Đặt vấn đề
  • 2. Nội dung
    • 2.1. Quy định của pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân
    • 2.2. Quy định của Hiến pháp Việt Nam về quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân
    • 2.3. Quy định của BLHS Việt Nam về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân
    • 2.4. Quy định của pháp luật hình sự một số nước về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân
  • 3. Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam…

Bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

  • Các quy định về quyền tự do dân chủ của công dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và kiến nghị – PGS.TS. Vũ Thư
  • Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân – TS. Phan Nhật Thanh
  • Điểm mới của Hiến pháp 2013 về “quyền con người” và “quyền công dân” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng & ThS. Phan Nguyễn Phương Thảo
  • Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong TTHS – Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng – TS. Lê Nguyên Thanh
  • Mối quan hệ: Trưng cầu ý dân với quyền con người, quyền công dân – TS. Đỗ Minh Khôi
  • Các quy định về quyền tự do dân chủ của công dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kiến nghị – ThS. Vũ Thư

TỪ KHÓA: Quyền đảm bảo bí mật an toàn thư tín điện thoại điện tín, Quyền công dân,

TÓM TẮT

Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo các quyền của con người; trong đó có quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 quy định Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân tại Điều 125. Tuy nhiên, quy định của điều luật còn một số điểm hạn chế như thu hẹp phạm vi đối tượng tác động, chế tài không tương xứng với tính nguy hiểm của tội phạm. Trên cơ sở nghiên cứu Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948; Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; BLHS của Nga, Đức, Trung Quốc, Thụy Điển, tác giả đưa ra các đề xuất sau: Thứ nhất, sửa đổi Điều 125 thành Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn, thư tín, điện thoại, điện tín hoặc dữ liệu của người khác; quy định chế tài theo hướng tăng nặng hơn. Thứ hai, tội phạm hóa thêm hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Cụ thể là “Tội xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người khác”.

1. Đặt vấn đề

Bảo đảm quyền con người luôn là nỗi khát khao và sự quan tâm của toàn nhân loại. Cộng đồng quốc tế đã cùng nhau xây dựng nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước chống mọi hình thức phân biệt, đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về quyền trẻ em năm 1989… làm cơ sở pháp lý để bảo vệ các quyền con người. Khi xã hội càng phát triển thì vấn đề quyền con người càng được các nhà nước quan tâm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, một trong những mục tiêu hàng đầu là hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Chế định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Luật Thư viện 2019
  • Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân
  • Sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 theo Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn
  • Một số vấn đề cơ bản về bảo đảm, bảo vệ quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước
  • Vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hành chính của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay
  • “Nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ” thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ nội dung của Hiến pháp năm 2013
  • Quyền công dân là gì? Đặc trưng và phân loại quyền và nghĩa vụ của công dân?
  • Quyền được miễn trừ nghĩa vụ khai báo trong tố tụng hình sự - Quyền cơ bản của công dân, quyền của những người tham gia tố tụng
  • Những bất cập trong thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Những nội dung mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự

Điều 14 khoản 1 Hiến pháp hiện hành khẳng định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng,bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.Hiến pháp hiện hành đã dành một Chương II với 36 điều luật từ Điều 14 đến Điều 49 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Quyền đảm bảo bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín nằm trong nhóm các quyền tự do, dân chủ và tự do cá nhân được quy định tại Điều 73 Hiến pháp 1992 và hiện nay tương ứng là Điều 21 Hiến pháp hiện hành.

Từ sự quy định của Hiến pháp, các ngành luật cụ thể bằng cách thức đặc trưng riêng của mỗi ngành luật sẽ xây dựng những quy phạm pháp luật tương ứng để bảo vệ và đảm bảo thực thi những quyền của công dân, trong đó pháp luật hình sự là công cụ pháp lý quan trọng và hữu hiệu.

Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được các bản Hiến pháp của Việt Nam ghi nhận và BLHS cụ thể hóa việc bảo vệ quyền này của công dân bằng việc quy định Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 BLHS 1999). Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quy định của Hiến pháp, quy định tại Điều 125 BLHS trên cơ sở so sánh đối chiếu với các quy định của Công ước quốc tế và pháp luật một số nước trên thế giới.

2. Nội dung

2.1. Quy định của pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Lịch sử loài người đã trải qua nhiều hình thái kinh tế, xã hội khác nhau, nhưng phải đến hình thái kinh tế xã hội tương ứng với nhà nước theo thể chế dân chủ cộng hòa thì khái niệm quyền con người, quyền công dân mới được đề cập một cách đầy đủ và chính thức từ góc độ Nhà nước. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 đã khẳng định “… mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Mặc dù không phải văn kiện pháp lý đầu tiên trên thế giới đề cập vấn đề này, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 có thể coi là văn bản pháp lý khẳng định điều này như sự xác nhận chính thức đầu tiên trên phương diện nhà nước về quyền con người. Tiếp theo đó là các Tuyên ngôn về các quyền của con người và của công dân (năm 1789) của nước Pháp; nhưng đáng chú ý hơn là, chỉ trong vòng 35 năm (từ 1795 đến 1830), hơn 70 bản Hiến pháp mang dấu ấn của những luận điểm trong bản Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền 1789 đã được thông qua ở châu Âu.

Từ những nền tảng ban đầu đó, cộng đồng quốc tế đã xây dựng nhiều văn bản pháp lý quốc tế quan trọng làm cơ sở để bảo vệ các quyền của con người như Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợpquốc năm 1948, Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966, Công ước chống mọi hình thức phân biệt, đối xử với phụ nữ…

Quyền đảm bảo bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền dân sự rất quan trọng của con người, được đề cập trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế, cụ thể như:

Điều 12 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948[1] quy định:

“Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”.

Điều 17 Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966[2] quy định:

“1- Không ai có thể bị xâm phạm trái phép hay độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm trái phép đến danh dự và thanh danh.

2- Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.”

Điều 8 Công ước Châu Âu về quyền con người[3] quy định:

“1- Mọi người đều có quyền được tôn trọng cho cuộc sống riêng tư và gia đình của mình, nhà của mình và thư từ của mình.

2- Sẽ không có sự can thiệp của một cơ quan nhà nước với việc thực hiện quyền này, ngoại trừ như là phù hợp với pháp luật và là cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc kinh tế thịnh vượng của đất nước, để phòng ngừa rối loạn hoặc tội phạm, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do của người khác.”

Các văn bản pháp lý quốc tế khi quy định về quyền đảm bảo an toàn thư tín, điện thoại, điện tín thường quy định gắn với các quyền khác như quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền được đảm bảo bí mật đời tư, gia đình. Nhóm các quyền này có thể gọi là quyền được tôn trọng và bảo vệ sự riêng tư, bao gồm 3 nhóm đối tượng là nhà ở, đời tư, gia đình và thư tín. Vào thời điểm ra đời những văn bản pháp lý quốc tế này thì khoa học công nghệ viễn thông chưa phát triển nên chỉ dừng lại ở thư tín mà chưa mở rộng ra các hình thức chuyển tải thông tin cá nhân khác như điện thoại, điện tín,v.v…

2.2. Quy định của Hiến pháp Việt Nam về quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Trên cơ sở quy định của các văn bản pháp lý quốc tế, tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam cũng luôn khẳng định tinh thần bảo đảm một cách đầy đủ và triệt để các quyền cơ bản của công dân. Quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân luôn được quy định và kế thừa qua các bản Hiến pháp của Việt nam, và khi quy định quyền này thường đi kèm với quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, kết hợp hai quyền này xem như là quyền được bảo vệ và tôn trọng sự riêng tư của công dân. Cụ thể như:

Điều thứ 11 Hiến pháp 1946:

“Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam.

Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.”

Điều 28 Hiến pháp 1959:

“Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật.

Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do cư trú và đi lại.”

Điều 71 Hiến pháp 1980:

“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Việc khám xét chỗ ở phải do đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành, theo quy định của pháp luật.

Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín được bảo đảm.

Quyền tự do đi lại và cư trú được tôn trọng, theo quy định của pháp luật.”

Điều 73 Hiến pháp 1992:

“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.”

Điều 21 Hiến pháp 2013:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Các bản Hiến pháp của Việt Nam khi quy định về quyền đảm bảo an toàn thư tín, điện thoại, điện tín có sự kế thừa các bản Hiến pháp trước, cách quy định ngày càng chi tiết hơn. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các quy định trong các Công ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 hay 1992 của Việt Nam khi quy định quyền được bảo vệ và tôn trọng sự riêng tư của công dân mới chỉ giới hạn ở quyền đảm bảo an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở mà chưa quy định về quyền bất khả xâm phạm vào bí mật đời tư, gia đình. Trên tinh thần tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, lần sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình,quyền bảo vệ danh dự, uy tín. Liên quan đến quyền đảm bảo an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín, trong Hiến pháp hiện hành đã mở rộng thêm đối tượng “các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”. Đây là điểm tiến bộ của Hiến pháp phù hợp với quy định của các Công ước quốc tế về vấn đề này và thực tiễn phát triển của các hình thức trao đổi thông tin. Mặt khác, nếu so sánh quy định của Điều 21 Hiến pháp hiện hành với Điều 73 Hiến 1992, cách thức quy định tại Điều 21 Hiến pháp bảo vệ quyền công dân chặt chẽ hơn khi khẳng định “…Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” thay thế cho quy định trước đây là Điều 73 Hiến pháp 1992 là “…Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.”

2.3. Quy định của BLHS Việt Nam về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Từ quy định của Hiến pháp về quyền cơ bản của công dân, pháp luật hình sự bảo vệ các quyền của công dân bằng cách quy định những hành vi xâm phạm đến các quyền này có tính nguy hiểm cao là tội phạm. BLHS 1999 được quy định trên cơ sở quy định của Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, xét kỹ thuật lập pháp hình sự hiện nay thì các tội phạm được sắp xếp theo từng chương dựa vào khách thể loại của tội phạm. Trong khi đó, các hành vi xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân của công dân có thể đồng thời xâm phạm đến các quan hệ xã hội khác và quan hệ xã hội đó mới là quan hệ xã hội thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Do đó, các nhà lập pháp hình sự không thể sắp xếp tất cả các tội xâm phạm đến quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân vào trong cùng một chương cụ thể mà các tội phạm này có thể được được quy định rải rác trong nhiều chương. Trong đó, Chương XIII là chương quy định tập trung nhất các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân từ Điều 123 đến Điều 132 BLHS, và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác được quy định tại Điều 125 BLHS

Pháp luật hình sự trong các giai đoạn phát triển đều quy định tội phạm cụ thể xâm phạm đến quyền đảm bảo an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Ví dụ, quy định của BLHS 1985 về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác:

“Điều 121. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện báo của người khác.

Người nào chiếm đoạt thư, điện báo hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện báo của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.”

Quy định của BLHS 1999 về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác:

“Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác

1- Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

đ) Tái phạm.

3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

Quy định của BLHS 1999 kế thừa quy định của BLHS 1985, đồng thời mở rộng hơn về đối tượng tác động và khung xử lý tội phạm

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm:

Khách thể của tội phạm này là quyền được bảo đảm về bí mật và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được quy định tại Hiến pháp. Điều 21 Hiến pháp quy định: “…Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện được quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính:

-Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, trừ ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí. Như vậy phạm vi thư tín không bao gồm các bưu kiện vì Bưu gửi bao gồm thư, gói, kiện hàng hoá được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính[4]

– Điện báo

– Telex

– Fax

– Văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính

Như vậy, với quy định tại Điều 125 BLHS thì đối tượng tác động của tội phạm này khá rộng, bao gồm tất cả các hình thức truyền đưa thông tin bằng phương tiện viễn thông và máy tính như thư điện tử. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp tội danh với Điều 226a. Tuy nhiên, Điều 125 lại không xác định đối tượng là các gói hoặc kiện hàng hóa.

Nếu đối tượng trên là của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thì không thuộc phạm vi của tội này mà có thể cấu thành các tội phạm khác như Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước (Điều 263 BLHS); Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (Điều 268 BLHS); hoặc là Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu, bí mật công tác (Điều 268 BLHS).

Nếu so sánh với quy định tại Điều 21 Hiến pháp thì cách quy định về đối tượng tại Điều 125 BLHS mang tính chất liệt kê. Cách quy định trong Điều 21 Hiến pháp hợp lý hơn và mang tính bao quát hơn, gồm thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Vấn đề đặt ra là có thể hiểu các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác bao gồm các cuộc nói chuyện cá nhân riêng tư hay không? Cho dù mở rộng hình thức trao đổi thông tin nhưng Điều 21 Hiến pháp cũng không bao gồm các gói hoặc kiện hàng hóa hoặc dữ liệu.

Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm 2 loại hành vi sau:

Hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện truyền thông và máy tính được hiểu là mọi hình thức chuyển dịch trái pháp luật thư, điện báo, telex… đang do người khác quản lý. Hành vi chiếm đoạt còn bao gồm cả hành vi của người có trách nhiệm quản lý và phân phát đã chiếm đoạt thư, điện báo, telex… mà mình đang có trách nhiệm quản lý. Hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là dùng mọi hình thức, mọi thủ đoạn để biết được nội dung trong thư, điện tín hoặc trao đổi qua điện thoại như bóc xem trộm thư, nghe trộm, ghi âm trộm các cuộc điện thoại…

Người thực hiện một trong các hành vi nêu trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trước đó họ “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính”về hành vi đó và chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính nay lại vi phạm.

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Nếu hành vi xâm phạm bí mật và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín được thực hiện bởi nhân viên bưu điện thì vẫn bị truy cứu theo điều luật này nhưng ở tình tiết tăng nặng định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”theo điểm b khoản 2 Điều 125.

Một vấn đề có thể phát sinh trên thực tế là người thực hiện hành vi xâm phạm quyền đảm bảo bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác sau đó dùng những thông tin này để thực hiện hành vi phạm tội như cưỡng đoạt tài sản, cưỡng dâm thì phải định tội danh trên nguyên tắc phạm nhiều tội.

Việc quy định về hình phạt trong chế tài của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác ở mức thấp, khoản 1 chế tài là cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm, khoản 2 là phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. So sánh với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân khác quy định trong Chương XIII BLHS thì quy định về chế tài tại Điều 125 BLHS thấp hơn các tội khác, cụ thể như chế tài của khoản 1 Điều 125 BLHS là chế tài duy nhất trong Chương XIII không quy định hình phạt tù, chỉ gồm hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ. Nhưng mức tiền phạt từ 1 triệu đến 5 triệu quy định ở khoản 1 Điều 125 theo tác giả cần phải tăng lên. Bởi, đây là mức tiền phạt quy định từ năm 1999, nên hiện nay cần phải tăng lên cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, mặt khác mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ là 6 tháng là một biên độ quá hẹp không đủ để phân hóa trách nhiệm hình sự. Theo quan điểm của tác giả thì cần tăng mức chế tài quy định ở Điều 125 BLHS nhằm tăng cường tính răn đe đối với các hành vi này.

Trên thực tế khi định tội danh đối với hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín có khả năng tranh chấp giữa Điều 125 và Điều 226a, nếu hành vi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng internet để xem trộm thư điện tử thì hành vi đó là xâm phạm quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân hay xâm phạm đến an toàn công cộng trong lĩnh vực máy tính. Theo quan điểm của tác giả thì trường hợp này nên xét xử theo Điều 226a vì khách thể quyền đảm bảo bí mật và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân là một dạng an toàn cá nhân có thể được đặt trong phạm vi rộng hơn là an toàn công cộng.[5]

2.4. Quy định của pháp luật hình sự một số nước về bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Khi so sánh đối chiếu với quy định pháp luật hình sự một số nước, chúng tôi nhận thấy rằng việc quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác nói riêng có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định.

BLHS Liên bang Nga được Đuma quốc gia thông qua ngày 24/5/1996 và Tổng thống Liên bang Nga ký Luật số 64 ngày 13/6/1996 “Về việc thi hành Bộ luật hình sự của Liên bang Nga”có hiệu lực từ ngày 01/01/1997.

BLHS nước này trước hết đã quy định ba tội xâm phạm tự do cá nhân tại Chương 17 – “Các tội xâm phạm tự do, nhân phẩm và danh dự cá nhân”, ngoài ra, để điều chỉnh trực tiếp việc bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, đồng thời nhấn mạnh các quyền Hiến định và tự do của con người, của công dân, các nhà làm luật nước này đã quy định một chương độc lập – Chương 19 với tên gọi là “Các tội xâm phạm quyền Hiến định và tự do của con người và công dân”với 17 tội danh cụ thể từ Điều 136 đến Điều 149, trong đó có các tội phạm quy định hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ và tôn trọng sự riêng tư như[6] :

– Tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về cuộc sống riêng (Điều 137);

– Tội xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, các thông tin bưu chính, viễn thông và các thông tin khác (Điều 138);

– Tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 139);

Khi xem xét quy định của BLHS Liên bang Nga, nhận thấy rằng ngoài những điểm tương đồng thì BLHS Liên bang Nga quy định về nhóm tội phạm này có những khác biệt với BLHS 1999. Cụ thể: BLHS của Nga ngoài việc quy định các tội xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, các thông tin bưu chính, viễn thông và các thông tin khác và tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, còn có quy định thêm về tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về cuộc sống riêng. Quy định này của BLHS của Nga là phù hợp với tinh thần quy định của các Công ước quốc tế về quyền con người.

BLHS Trung Quốc

BLHS nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ II, ngày 01/7/1979, có hiệu lực từ ngày 01/01/1980. Luật sửa đổi, bổ sung BLHS này được sửa đổi vào năm 1997, có hiệu lực từ ngày 01/10/1997. Sau đó, từ năm 1997, BLHS Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung vào năm 1999, 2001, 2002 và gần đây nhất là 2005 tại Hội nghị lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X.

Liên quan đến các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác nói riêng, Bộ luật hình sự Trung Quốc đã quy định nhóm tội phạm này tại Chương IV Phần các tội phạm với tên gọi là “Các tội xâm phạm quyền tự do thân thể, quyền dân chủ của công dân”, trong đó nhấn mạnh quyền tự do dân chủ của công dân. Các tội quy định cụ thể liên quan đến quyền được bảo vệ và tôn trọng sự riêng tư[7] là:

– Điều 245 quy định về hành vi khám người, khám nhà người khác bất hợp pháp hoặc vào nhà của người khác một cách phi pháp;

– Điều 252 quy định về hành vi cất giấu, tiêu hủy hoặc bóc thư của người khác một cách phi pháp, xâm phạm quyền tự do thông tin của công dân;

– Điều 253 quy định về hành vi của nhân viên bưu điện tự ý bóc mở hoặc giấu đi hoặc tiêu hủy thư từ, điện báo;

Đối với các tội phạm xâm phạm quyền đảm bảo sự riêng tư thì cũng giống như Việt nam, BLHS Trung Quốc cũng chỉ giới hạn ở quyền bất khả xâm phạm về chổ ở và quyền đảm bảo an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín, không quy định các tội xâm phạm đến bí mật đời tư và gia đình. Riêng tội xâm phạm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín thì BLHS Trung Quốc quy định tách riêng thành 2 điều luật cho hai nhóm chủ thể là Điều 252 là chủ thể thường và Điều 253 cho chủ thể là nhân viên bưu điện.

BLHS Thụy Điển

BLHS Thụy Điển được thông qua năm 1962, có hiệu lực từ ngày 01/01/1965 và đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần các năm 1967, 1970, 1974, 1976, 1986, 1988, 1994… và lần sửa đổi gần đây nhất là năm 1999. Liên quan đến các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, BLHS Thụy Điển đã quy định trong Chương 4 “Các tội xâm phạm quyền tự do và bình yên” của Phần II – Các tội phạm trong Bộ luật hình sự với 13 điều luật, trong đó chủ yếu tập trung nhấn mạnh về quyền tự do và chỗ ở của người khác, cụ thể như sau[8] :

– Điều 8 quy định hành vi tiếp cận bất hợp pháp một cuộc giao dịch bằng thư tín hoặc điện thoại, điện tín hoặc các hình thức thông tin khác đang được một cơ quan thông tin liên lạc truyền đi, thì bị kết án về tội xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện báo của người khác;

– Điều 9 quy định người nào, ngoài các trường hợp quy định tại Điều 8, mở thư hoặc điện báo hoặc bằng cách khác tiếp cận trái pháp luật vật được niêm phong bằng xi hoặc được khóa hoặc các hình thức đóng khác, thì bị kết án về tội xâm phạm an toàn đồ gửi;

– Điều 9a quy định, ngoài các trường hợp quy định tại Điều 8, nghe một cách bất hợp pháp và bí mật hoặc sử dụng các phương tiện kỹ thuật ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện giữa những người khác hoặc các cuộc thảo luận tại hội nghị hoặc các cuộc họp khác cấm thông báo cho công chúng mà bản thân người đó không tham dự hoặc tham dự không đúng đắn, thì bị kết án về tội nghe trộm;

– Điều 9b quy định hành vi sử dụng các phương tiện kỹ thuật nhằm phạm tội nói tại Điều 8 hoặc tội nói tại Điều 9a, thì bị kết án về hành vi chuẩn bị phạm các tội đó, nếu người đó không phải chịu trách nhiệm về tội đã hoàn thành;

– Điều 9c quy định ngoài trường hợp quy định tại Điều 8 và Điều 9 mà truy cập trái pháp luật bản ghi để xử lý dữ liệu tự động, sửa đổi, tẩy xóa hoặc chèn bất hợp pháp bản ghi đó vào thanh ghi thì bị kết án về tội xâm phạm bí mật dữ liệu và bị phạt tiền hoặc phạt tù đến hai năm. Bản ghi trong trường hợp này bao gồm cả thông tin đang được xử lý bằng điện tử hoặc những phương tiện tương tự dùng để xử lý dữ liệu tự động.

Như vậy, đối với các tội xâm phạm quyền được đảm bảo sự riêng tư thì ở BLHS Thụy Điển quy định về quyền bất khả xâm phạm chỗ ở và quyền bảo đảm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân rất chi tiết, tách riêng từng hành vi trong từng điều luật và tách riêng cả hành vi chuẩn bị thực hiện các tội phạm này trong một điều luật riêng biệt (Điều 9b). Đặc biệt BLHS Thụy Điển còn quy định hành vi xâm phạm đến an toàn đồ gửi (Điều 9), hoặc quy định về tội nghe trộm là hành vi nghe một cách bất hợp pháp và bí mật hoặc sử dụng các phương tiện kỹ thuật ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện giữa những người khác hoặc các cuộc thảo luận tại hội nghị hoặc các cuộc họp khác cấm thông báo cho công chúng mà bản thân người đó không tham dự hoặc tham dự không đúng đắn. Đây là điểm khác với pháp luật Việt nam. Đối tượng là đồ gửi hoặc lời nói trong các cuộc nói chuyện không phải bằng điện thoại chưa được quy định là đối tượng tác động tại Điều 125 BLHS; hoặc ở Điều 9c quy định về tội xâm phạm bí mật dữ liệu.

BLHS của Đức

Chương thứ mười lăm của BLHS Cộng hòa Liên bang Đức quy định các tộiXâm phạm phạm vi bí mật cuộc sống cá nhân và bí mật cá nhân[9] , cụ thể:

Điều 201: Xâm phạm sự bí mật của lời nói;

Điều 201a: Xâm phạm phạm vi cuộc sống cá nhân riêng tư nhất qua những sự thu nhận hình ảnh;

Điều 202: Xâm phạm bí mật thư tín;

Điều 202a: Xem trộm các dữ liệu;

Điều 202b: Chặn lấy các dữ liệu;

Điều 202c: Chuẩn bị lấy trộm và chặn lấy các dữ liệu;

Điều 203: Xâm phạm những bí mật riêng tư;

Điều 204: Sử dụng các bí mật của người khác;

Điều 206: Xâm phạm bí mật bưu chính hoặc bí mật viễn thông.

Nhận xét: BLHS Cộng hòa Liên Bang Đức đã quy định rất đầy đủ và chi tiết các tội xâm phạm đến quyền được đảm bảo sự riêng tư. So với BLHS 1999 của Việt nam thì ngoài việc quy định các tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chổ ở và quyền bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín thì BLHS của Đức đã dành rất nhiều điều luật để quy định chi tiết, cụ thể về những tội phạm xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về bí mật đời tư và gia đình (Điều 201a; 203; 204). Đặc biệt BLHS của Đức còn quy định cả tội xâm phạm sự bí mật của lời nói (Điều 201). Những tội xâm phạm an toàn, thư tín, điện thoại, điện tín cũng được quy định chi tiết và theo xu hướng tách các hành vi và mức độ hành vi thực hiện thành những tội danh độc lập (Điều 202, 202a, 202b, 202c, 206).

3. Kết luận

Trên cơ sở những so sánh, phân tích nêu cho nhận thấy bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung và quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín được ghi nhận từ rất sớm trong các văn bản pháp lý quốc tế. Trong các văn bản pháp lý quốc tế và pháp luật của nhiều nước trên thế giới, quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín thường được đặt trong phạm vi quyền rộng hơn là quyền được đảm bảo sự riêng tư gồm quyền bất khả xâm phạm về cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 và pháp luật hình sự Việt nam chỉ mới quy định về việc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Trên cơ sở các phân tích đánh giá nêu trên, dựa trên cơ sở lý luận là tăng cường bảo đảm các quyền dân sự của công dân theo Hiến pháp; tăng cường bảo đảm quyền con người theo tinh thần các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia và cơ sở thực tiễn của Việt Nam, tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, Sửa đổi Điều 125 BLHS theo hướng mở rộng đối tượng tác động bao gồm cả bưu kiện, dữ liệu; quy định chế tài ở mức nghiêm khắc hơn, đồng thời quy định theo hướng loại trừ sự tranh chấp với các tội phạm khác. Cụ thể quy định như sau:

“Điều… Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc dữ liệucủa người khác:

1- Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn bưu gửi, điện thoại, điện tín,các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác, dữ liệucủa người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định Điều … (Điều luật chỉ về Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác) thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến banăm hoặc phạt tù từ ba tháng đến banăm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

đ) Tái phạm.

3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

Thứ hai,tội phạm hóa đối với hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình và quy định vào Chương các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân của BLHS, vị trí quy định là trước tội xâm phạm chổ ở công dân và tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc dữ liệu của người khác. Việc tội phạm hóa hành vi này dựa trên cơ sở lý luận là nhằm tăng cường bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân, phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế và quy định tại Điều 21 của Hiến pháp.

Cụ thể quy định như sau:

“Điều … Tội xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người khác.

1- Người nào xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ hai triệu đồng đến mười triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

đ) Tái phạm.”

CHÚ THÍCH

[1] Article 12. of Universal Declaration of Human Rights 1948

“No one shall be subjected to arbitrary interference with his privacy, family, home or correspondence, nor to attacks upon his honour and reputation. Everyone has the right to the protection of the law against such interference or attacks”.

[2] Article 17 of International Covenant on Civil and Political Rights .

  • No one shall be subjected to arbitrary or unlawful interference with his privacy, family, home or correspondence, nor to unlawful attacks on his honour and reputation.
  • Everyone has the right to the protection of the law against such interference or attacks.”

[3] ARTICLE 8 of The European Convention on Human Rights

1) Everyone has the right to respect for his private and family life, his home and his correspondence.

2) There shall be no interference by a public authority with the exercise of this right except such as is in accordance with the law and is necessary in a democratic society in the interests of national security, public safety or the economic well-being of the country, for the prevention of disorder or crime, for the protection of health or morals, or for the protection of the rights and freedoms of others.

[4] Xem Điều 3 Luật bưu chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.

[5] Điều 226a BLHS quy định: “Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một nam đến năm năm”

[6] Trường Đại học Luật Hà Nội – BLHS Liên bang Nga- Nxb CAND, 2011. tr. 216-218

[7] Đinh Bích Hà – BLHS nước CHND Trung Hoa – NXB Tư Pháp, Hà nội 2007. Trang 165 – 166

[8] Trường ĐH Luật Hà Nội – BLHS Thụy Điển – Nxb CAND, 2010. Trang 34-38

[9] Trường Đại học Luật Hà Nội – BLHS Cộng hòa Liên bang Đức- Nxb CAND, năm 2011, tr. 334-350

Tác giả: Nguyễn Thị Ánh Hồng – ThS, Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2014 (81)/2014 – 2014, Trang 51-59

Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Một số vấn đề cơ bản về bảo đảm, bảo vệ quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước [1]
Một số vấn đề cơ bản về bảo đảm, bảo vệ quyền công dân trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước
Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Sự phát triển chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013
Sự phát triển chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013
Những nguyên tắc hiến pháp của chế định quyền con người, quyền công dân
Những nguyên tắc hiến pháp của chế định quyền con người, quyền công dân
Quyền công dân là gì? Đặc trưng và phân loại quyền công dân?
Quyền công dân là gì? Đặc trưng và phân loại quyền và nghĩa vụ của công dân?

Chuyên mục: Hiến pháp/ Hiến pháp nước ngoài/ Hiến pháp Việt Nam Từ khóa: Pháp luật quốc tế/ Quyền công dân/ Quyền đảm bảo bí mật an toàn thư tín điện thoại điện tín/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2014

Previous Post: « Sửa đổi các quy định về Hợp đồng kinh doanh bất động sản trong Luật Kinh doanh bất động sản
Next Post: Bàn về ngoại lệ của quy định trong Văn bản quy phạm pháp luật »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng