Quyền công tố trong nền dân chủ và nguyên tắc tùy nghi truy tố
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu và phân tích chức năng của quyền công tố trong nền dân chủ. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra sự cần thiết của nguyên tắc tùy nghi truy tố và việc kiểm soát quyền lực công tố khi được giao quyền tùy nghi nhằm đóng góp tích cực cho nền dân chủ. Sau cùng, bài phân tích các quy định pháp luật của Việt Nam về nguyên tắc truy tố, sự cần thiết của việc áp dụng nguyên tắc tùy nghi truy tố và các thiết chế kiểm soát quyền tùy nghi truy tố trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Xem thêm:
- Điểm mới trong BLTTHS 2015 về khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
- Hiến pháp 2013 và hoàn thiện nguyên tắc tố tụng hình sự – PGS.TS. Trần Văn Độ
- Bàn về quyền được suy đoán vô tội trong Hiến pháp 2013 và vấn đề sửa đổi một số quy định liên quan trong BLTTHS 2003 – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Lê Thị Thùy Dương
- Hiến pháp 2013 và nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự – GS.TSKH. Đào Trí Úc
- Trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam – TS. Lê Huỳnh Tấn Duy
TỪ KHÓA: Quyền công tố, Truy tố, Tùy nghi truy tố
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Quyền công tố là một khái niệm chưa có sự thống nhất về nội hàm từ góc độ khoa học pháp lý ở cả trên bình diện quốc tế và quốc gia. Tuy nhiên, ở mức độ cơ bản nhất, quyền công tố thường được định nghĩa như là khả năng sử dụng quyền lực nhà nước để buộc tội một cá nhân trước Tòa án.[1] Quyền này được thực hiện bởi các công chức nhà nước là công tố viên (hoặc kiểm sát viên) thuộc các viện công tố (hoặc viện kiểm sát).
Từ đặc điểm cơ bản trên, có thể thấy rằng quyền công tố là một quyền gắn chặt với pháp luật hình sự và tố tụng hình sự mà không thể xuất hiện trong các lĩnh vực pháp luật khác như dân sự, thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân gia đình.[2] Do đó, chức năng của quyền công tố trong một nền dân chủ được quyết định bởi chức năng của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự (gọi chung là pháp luật hình sự) trong nền dân chủ đó.[3]
Ý niệm về nền dân chủ có thể được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh khác nhau hoặc được thực hiện qua nhiều mô hình với các đặc điểm khác nhau. Dưới góc độ ngôn ngữ, dân chủ là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “demockratia” bao gồm hai từ: demos có nghĩa là nhân dân; kratein có nghĩa là cai trị. Nghĩa tổng quát của dân chủ là cai trị bởi nhân dân.[4] Với cách nhìn nhận này thì bình đẳng là giá trị cơ bản của một nền dân chủ bởi sự tham gia của nhân dân vào việc xây dựng và tổ chức chính phủ chỉ có thể thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng giữa các công dân với nhau. Giá trị bình đẳng được nhìn nhận ở hai khía cạnh.
Một là, mối quan hệ theo chiều dọc giữa công dân và Nhà nước.[5] Theo đó, mọi cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ ngang bằng nhau trong việc thành lập Chính phủ và quản trị đất nước, theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người đại diện hoặc bằng cả hai phương thức theo một công thức kết hợp nhất định. Đồng thời, ở chiều ngược lại, nó cũng đòi hỏi Chính phủ phải đối xử với các công dân một cách bình đẳng.
Hai là, trong mối quan hệ theo chiều ngang giữa các công dân với nhau, nó đòi hỏi các công dân của một nền dân chủ phải đối xử và nhìn nhận nhau như là thành viên bình đẳng trong xã hội, trong việc quản trị và xây dựng xã hội. Khi một hành vi đã được luật hóa như là tội phạm, thì mọi thành viên trong cộng đồng đều có trách nhiệm kiềm chế thực hiện hành vi đó. Về nguyên tắc, luật đó đã được đa số thành viên trong cộng đồng chính trị ủng hộ và được áp dụng một cách bình đẳng cho mọi cá nhân. Nếu họ vi phạm, họ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, trước nhà nước tại một phiên tòa công khai.
Như vậy, có thể kết luận rằng, trong một nền dân chủ, quyền công tố có chức năng buộc tội những cá nhân bị cho là đã thực hiện tội phạm, vi phạm nghĩa vụ công dân và xâm phạm đến lợi ích công cộng tại Tòa án.[6]
Như đã trình bày, quyền công tố trong một nền dân chủ có chức năng buộc tội những cá nhân bị cho là đã vi phạm nghĩa vụ công dân và xâm phạm đến lợi ích công cộng tại Tòa án. Hai vấn đề liên quan thường được đặt ra như sau: (1) liệu rằng có phải mọi hành vi xâm phạm đến lợi ích công cộng đều phải bị mang ra Tòa để chịu trách nhiệm hay không?; (2) liệu rằng có những lợi ích công cộng nào khác có thể áp đảo chức năng của quyền công tố hay không?
Về vấn đề thứ nhất, câu trả lời là “không”. Chức năng của pháp luật hình sự trong nền dân chủ là mô tả một tập hợp các hành vi gây hại đến lợi ích xã hội dưới tên gọi “tội phạm”. Như vậy, chỉ có những hành vi nào xâm phạm đến lợi ích công cộng nằm trong tập hợp các hành vi được gọi là “tội phạm” thì mới có thể bị buộc tội trước Tòa án. Khi thực hiện quyền công tố, các công tố viên phải xây dựng được niềm tin rằng cá nhân bị cho là đã thực hiện hành vi sai trái đáp ứng đủ sự mô tả về hành vi trong pháp luật hình sự.[7] Niềm tin đó được xây dựng dựa trên cơ sở kiểm tra, so sánh và đối chiếu các chứng cứ cụ thể đã thu thập được có phù hợp với mô tả trừu tượng của luật. Chỉ khi và cho đến khi các chứng cứ có được đã đáp ứng sự mô tả về tội phạm trong luật, thì các công tố viên mới có thể buộc tội.
Trên thực tế, hẳn nhiên sẽ có những trường hợp đơn lẻ mà niềm tin nội tâm của công tố viên khẳng định rằng một cá nhân có tội, nhưng chứng cứ lại không đáp ứng được các yêu cầu của luật để chứng minh tội phạm. Khi đó, công tố viên phải đứng trước lựa chọn, hoặc vẫn tiếp tục truy tố với chứng cứ buộc tội yếu và mong chờ sự may rủi, hoặc quyết định đình chỉ vụ việc với lý do không đủ chứng cứ buộc tội.
Về vấn đề thứ hai, liệu rằng có những lợi ích công cộng nào cần được ưu tiên hơn chức năng của quyền công tố hay không? Câu trả lời là “có”. Về bản chất, quyền công tố là để buộc tội những cá nhân đã xâm phạm lợi ích công cộng thông qua hành vi phạm tội. Có nghĩa là, một khi công tố viên thực hiện quyền công tố đối với một hoặc một số cá nhân cụ thể, thì vị công tố đó cho rằng một hoặc một số lợi ích công cộng cụ thể đã bị xâm phạm.
Ví dụ: quyền tư hữu thường được ghi nhận là một trong những quyền con người hoặc quyền công dân cơ bản nhất ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.[8] Như vậy, quyền tư hữu là một loại lợi ích được hầu hết cộng đồng chính trị trên thế giới thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu có sự mâu thuẫn giữa quyền tư hữu và an ninh quốc gia, đặc biệt trong những thời điểm có xung đột quân sự, thì lợi ích của an ninh quốc gia có mức độ ưu tiên cao hơn quyền tư hữu. Từ đó, các quy định về quốc hữu hóa tài sản vì lý do an ninh quốc gia ra đời.
Như vậy, nếu ta đồng ý với hai tiền đề rằng (1) quyền công tố là nhằm buộc một cá nhân chịu trách nhiệm trước cộng đồng bởi vì anh ta đã xâm phạm đến một hoặc một số lợi ích công cộng cụ thể; (2) trong xã hội có nhiều lợi ích công cộng khác nhau với mức độ ưu tiên và quan trọng không tương đồng thì phải đi đến một kết luận rằng đôi khi quyết định truy tố một hành vi xâm phạm đến lợi ích công cộng có thể xung đột với một lợi ích công cộng khác. Trong mối tương quan đó, nếu “lợi ích công cộng khác” có mức độ ưu tiên cao hơn, quan trọng hơn thì quyết định truy tố đó đã có ảnh hưởng tiêu cực đến nền dân chủ và cộng đồng chính trị. Vì vậy, công tố viên phải có quyền quyết định truy tố hay không trong một vụ việc cụ thể dựa trên sự cân nhắc về những lợi ích công cộng được pháp luật hình sự bảo vệ.
Như vậy, quyền quyết định truy tố hay còn gọi là tùy nghi truy tố (prosecutorial discretion) dựa trên sự kiểm tra về chứng cứ cũng như cân nhắc về xung đột lợi ích công cộng là một phương tiện linh hoạt giúp quyền công tố thích ứng với từng vụ việc cụ thể và với từng lợi ích công cộng. Hai bài kiểm tra trên còn được gọi tên là kiểm tra về chứng cứ (evidentiary test hoặc evidential test) và kiểm tra về lợi ích công cộng (public interest test).[9] Từ đó, tùy nghi truy tố giúp công tố viên sử dụng quyền công tố một cách tích cực cho nền dân chủ. [10]
Mặt khác, quyền tùy nghi truy tố và nền dân chủ có mối quan hệ hai chiều, có nghĩa là quyền tùy nghi truy tố là một phương tiện giúp công tố viên tác động tích cực đến nền dân chủ trong lĩnh vực tố tụng hình sự, đồng thời, nó cũng đòi hỏi quyền lực này phải chịu trách nhiệm trước nền dân chủ để tránh sự độc tài quyền lực công tố. Ngoài ra, việc trao quyền tùy nghi truy tố cho các công tố viên rất dễ dẫn đến hiện tượng chính trị hóa quyền lực công tố, vốn xung đột với các nguyên tắc hoạt động của Viện công tố.[11] Điều này có nghĩa quyền tùy nghi truy tố có thể dẫn đến hiện tượng các công tố viên độc đoán trong việc truy tố, hoặc hiện tượng các chính trị gia, nhân danh lợi ích cộng đồng, tác động đến quyền công tố nhằm tranh thủ lợi ích chính trị cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Cả hai hiện tượng trên đều có những tác động tiêu cực đến nền dân chủ. Vì lẽ đó, song song với việc trao quyền tùy nghi cho quyền lực công tố, là chế độ chịu sự kiểm soát và chịu trách nhiệm của quyền lực công tố trước nền dân chủ. Trên thế giới có một số phương thức phổ biến như sau.
Thứ nhất, nhiều quốc gia buộc quyền lực công tố phải chịu trách nhiệm trước cá nhân công dân (account by individual citizen), có nghĩa là các cá nhân có thể yêu cầu xem xét lại quyết định không truy tố của công tố viên bởi một hội đồng độc lập với hệ thống công tố. Ở Anh, các nạn nhân có quyền yêu cầu Tòa án xem xét lại quyết định không truy tố. Việc xem xét này sẽ dựa trên hai bài kiểm tra là kiểm tra về chứng cứ và kiểm tra về lợi ích công cộng để quyết định xem việc không truy tố của công tố viên là đúng hay sai.[12] Tại Nhật Bản, trong những vụ án mà Viện công tố quyết định không truy tố, nạn nhân cũng có quyền yêu cầu Hội đồng rà soát công tố (Prosecution Review Commisson) xem xét lại các quyết định này. Hội đồng này được thành lập bởi 11 thành viên là công dân bình thường với nhiệm kỳ 6 tháng. Trước năm 2009, Hội đồng này chỉ có quyền kiến nghị với Viện công tố nếu họ nhận thấy quyết định không truy tố là không chính xác, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Viện công tố. Từ năm 2009, nếu Viện công tố vẫn tiếp tục từ chối truy tố theo kiến nghị của Hội đồng thì Hội đồng có quyền đề nghị Tòa án chỉ định một luật sư thực hành quyền công tố thay thế vị trí của Viện công tố trong vụ án đó.[13]
Thứ hai, thiết lập những quy chuẩn chung cho việc quyết định truy tố của công tố viên. Tại Cộng hòa Pháp, nơi quyền tùy nghi truy tố được thừa nhận, các công tố viên chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền ban hành các hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật, về các mục tiêu ưu tiên của quốc gia. Tuy nhiên, các hướng dẫn này chỉ mang tính quy chuẩn chung chứ không được chỉ dẫn đến cụ thể một vụ án nào.[14] Tại Hoa Kỳ, những hướng dẫn về tùy nghi truy tố được thể hiện ở nhiều quy định trong Hướng dẫn hành nghề luật tại Hoa Kỳ (The United States Attorneys’ Manual), tại tập thứ 9 về luật hình sự.[15]
Thứ ba, buộc quyền lực công tố phải chịu trách nhiệm trước nền dân chủ (democratic accountability) hay còn gọi là trách nhiệm chính trị (political accountability). Điều này có nghĩa là đặt quyền lực công tố dưới quyền lực nhân dân, có thể bằng bổ nhiệm hoặc bầu cử, nhằm bảo đảm quyền tùy nghi truy tố luôn gắn chặt với lợi ích và giá trị của nền dân chủ. Tại Hoa Kỳ, ở cấp độ liên bang, các trưởng công tố được bổ nhiệm và có thể bị sa thải bởi Tổng thống Hoa Kỳ, một chức vụ được bầu cử gián tiếp từ các đại cử tri. Mặt khác, ở cấp độ tiểu bang, có 47 tiểu bang áp dụng nguyên tắc bầu chọn các công tố viên trưởng. [16]
Tại Việt Nam, về cơ bản, quyền công tố thuộc về Viện kiểm sát[17] với nguyên tắc truy tố bắt buộc.[18] Nguyên tắc truy tố bắt buộc không được ghi nhận trực tiếp bằng ngôn từ, nhưng tinh thần của nguyên tắc này được thể hiện thông qua quy định tại Điều 243, về quyết định truy tố, và Điều 248, về quyết định đình chỉ vụ án của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015).
Điều 243 không có quy định cụ thể trường hợp nào sẽ quyết định truy tố, mà chỉ quy định về hình thức của việc truy tố sẽ được thể hiện bằng bản cáo trạng, cùng với những nội dung cần phải có của bản cáo trạng. Ngược lại, Điều 248 thì quy định rõ những trường hợp mà Viện kiểm sát có thể không truy tố vụ án, thay vào đó là ban hành quyết định đình chỉ. Những trường hợp đó bao gồm (1) tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; (2) được miễn trách nhiệm hình sự; (3) người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, gồm: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251, và 252, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 124, 141, 142, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251, và 252, người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án; (4) bị hại hoặc đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố trong các tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, và 226; (5) không có sự việc phạm tội; (6) hành vi không cấu thành tội phạm; (7) người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; (8) người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; (9) đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; (10) tội phạm đã được đại xá; và (11) người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.[19]
Như vậy, trừ khi rơi vào các trường hợp đình chỉ vụ việc, mọi vụ án sau khi được cơ quan điều tra chuyển sang Viện kiểm sát thì đều phải bắt buộc truy tố. Vấn đề ở đây là, các trường hợp đình chỉ đều được luật quy định một cách cụ thể với các tiêu chuẩn cứng và các tiêu chuẩn này không hoàn toàn phù hợp với các chức năng của quyền công tố trong nền dân chủ. Các quy định trên không cho phép Kiểm sát viên có quyền quyết định truy tố hay không dựa trên sự phù hợp của chứng cứ với các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Cụ thể, liên quan đến chứng cứ, Kiểm sát viên chỉ có thể đình chỉ vụ án nếu không có sự việc phạm tội, hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Thế nhưng việc xác định các trường hợp trên dựa vào căn cứ nào trong thực tiễn lại là một chuyện không đơn giản.
Ở đây, vấn đề quan trọng là cần phân biệt giữa (1) chứng cứ thu thập đủ để xác định có hay không tội phạm và (2) chứng cứ thu thập có đủ để buộc tội bị cáo trước tòa hay không. Trong nhiều trường hợp, một hành vi phạm tội đã thực sự xảy ra và hành vi đó đã cấu thành tội phạm, nhưng vấn đề là chứng cứ đã thu thập được thì chỉ thể hiện được có hành vi phạm tội ở một vài phương diện mà không thể bảo đảm được sự buộc tội vững chắc ở mọi khía cạnh của cấu thành tội phạm. Bên cạnh đó, ở lưng chừng trạng thái “không có tội phạm”/“không cấu thành tội phạm” và “có tội phạm”/“cấu thành tội phạm” là sự nghi ngờ, không chắc chắn về việc có hay không có tội phạm và có hay không có cấu thành tội phạm. Thế nhưng, nếu chiếu theo câu chữ của Điều 248 BLTTHS năm 2015 thì những trường hợp đó không thuộc trường hợp đình chỉ vụ án bởi Viện kiểm sát chỉ có thể đình chỉ nếu xác định rằng “không có tội phạm” và/hoặc “không cấu thành tội phạm”. Ngược lại, Viện kiểm sát phải ra quyết định truy tố dù các khả năng bảo vệ quyết định truy tố đó tại Tòa là không cao do nền tảng chứng cứ không đủ mạnh.
Tuy nhiên, nguyên tắc suy đoán vô tội đã giúp Viện kiểm sát có quyền không truy tố trong những trường hợp không chắc chắn về việc có hay không có phạm tội. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội được hiểu là không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án kết án có hiệu lực của Tòa án, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, và mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm phải được giải thích có lợi cho người bị buộc tội.[20] Như vậy, tuy các điều khoản về đình chỉ truy tố không quy định rõ ràng về vấn đề tùy nghi truy tố dựa trên sự kiểm tra về chứng cứ, nhưng nguyên tắc này được ngầm thừa nhận thông qua nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, những trường hợp mà Viện kiểm sát cảm thấy không chắc chắn về sự phù hợp của chứng cứ với các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì không được truy tố do mọi sự nghi ngờ phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.
Mặt khác, các quy định về đình chỉ việc truy tố không cho phép Kiểm sát viên được quyền đình chỉ vụ án dựa trên sự cân nhắc, so sánh giữa các lợi ích công cộng với nhau. Có nghĩa là, một quyết định truy tố dù có khả năng gây hại hoặc xung đột với một lợi ích công cộng khác lớn hơn, thì Viện kiểm sát cũng buộc phải truy tố do đây không thuộc trường hợp đình chỉ theo luật định. Có thể lấy ví dụ về hai trường hợp cụ thể mà Viện kiểm sát đã thực hiện truy tố, mặc dù có nhiều ý kiến nghi ngại về khả năng quyết định truy tố này gây hại đến lợi ích chung của cộng đồng.
Trường hợp thứ nhất: vụ án anh Nguyễn Văn Trình bị truy tố về tội “Giữ người trái pháp luật” bởi Viện kiểm sát huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào năm 2015. Theo đó, anh Trình cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập bắt quả tang Phạm Văn K. đang trộm lấy tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình vào khoảng hơn 2 giờ sáng. Anh đã ba lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên anh Trình đã trói và giữ tên trộm tại nhà. Đến 4 giờ 40 sáng, trưởng ấp mới nghe điện thoại và cùng công an ấp đến nhà anh giải quyết. Việc truy tố của Viện kiểm sát đối với hành vi giữ người của anh Trình dấy lên nhiều ý kiến nghi ngại về sự cần thiết quyết định truy tố bởi lẽ, việc truy tố tội “giữ người trái pháp luật” có thể dẫn đến khả năng gây ảnh hưởng đến tâm lý và cách ứng xử người dân trong công cuộc phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp trong chính ngôi nhà của mình.[21]
Trường hợp thứ hai: vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bởi cơ quan Viện kiểm sát tỉnh Hòa Bình vào năm 2018. Theo đó, ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 8 người tử vong. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chất florua trong các mẫu nước RO dành cho chạy thận được xét nghiệm cao gấp 245 – 260 lần cho phép, khiến cho các bệnh nhân bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Viện kiểm sát cho rằng bác sĩ Lương chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29/5/2017. Bác sĩ Hoàng Công Lương phải biết rõ nước sử dụng lọc máu phải bảo đảm chất lượng, hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước RO nhưng đã không kiểm tra mà vẫn ra y lệnh chạy thận nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ Lương có muốn kiểm tra thì cũng không kiểm tra được vì không được đào tạo, không có kiến thức kiểm tra. Cho dù có kiểm tra cũng không thể biết được nước đã bảo đảm đạt chất lượng hay chưa. Việc buộc bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm về một việc mà bác sĩ không được đào tạo để thực hiện có khả năng khiến nhân viên ngành y hoang mang, bất an trong quá trình công tác.[22]
Cả hai quyết định truy tố trên đều tiềm ẩn rủi ro tác động tiêu cực đến lợi ích chung của cộng đồng. Như vậy, xét về mặt chứng cứ, quyền công tố ở Việt Nam được thực hiện với nguyên tắc tùy nghi truy tố thông qua quy định của nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, xét về mặt lợi ích, có thể thấy rằng quyền công tố tại Việt Nam được thực hiện với nguyên tắc bắt buộc truy tố. Nguyên tắc này không ngăn chặn được sự xâm hại của quyết định truy tố tới các lợi ích công cộng khác lớn hơn lợi ích công cộng mà hành vi tội phạm đã gây xâm phạm.
Thể chế chính trị của Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, được tổ chức với mô hình dân chủ. Như vậy, tất yếu mọi thiết chế và thể chế quyền lực Nhà nước đều phải phục vụ cho nền dân chủ, bao gồm cả quyền công tố và cơ quan công tố. Sự vận dụng nguyên tắc bắt buộc truy tố trong thực hiện quyền công tố tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung của nền dân chủ cũng như của cộng đồng. Do đó, sự ghi nhận nguyên tắc tùy nghi truy tố là cần thiết để quyền công tố trở nên phù hợp với các giá trị của nền dân chủ. Tuy nhiên, kèm theo với nguyên tắc tùy nghi truy tố là những thiết chế hạn chế khả năng lạm quyền, tùy tiện của Kiểm sát viên trong quá trình tố tụng. Những thiết chế đó cụ thể như sau:
Thứ nhất, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nên thiết lập những căn cứ mà dựa vào đó Kiểm sát viên có thể đưa ra quyết định truy tố hay không truy tố. Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyền ban hành thông tư.[23] Do đó, việc ban hành các thông tư hướng dẫn cho quyết định tùy nghi truy tố dựa trên sự so sánh về lợi ích công cộng là hoàn toàn có thể.
Thứ hai, việc trao cho Viện kiểm sát quyền tùy nghi truy tố có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người bị hại trong vụ án hình sự. Do đó, nhất thiết phải thiết lập một cơ chế cho phép người bị hại có quyền yêu cầu xem xét, kiểm tra lại quyết định không truy tố của Viện kiểm sát nhằm tránh sự tùy tiện, lạm quyền. Hiện nay, BLTTHS năm 2015 quy định các quyết định đình chỉ truy tố của Viện kiểm sát có thể được xem xét lại thông qua thủ tục giải quyết khiếu nại do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên quyết định.[24] Thủ tục này cho phép người bị hại có thể khiếu nại các quyết định đình chỉ truy tố mà họ cho rằng có ảnh hưởng quyền và lợi ích của họ. Như vậy, các tác giả cho rằng thay vì giao việc kiểm tra, xem xét lại quyết định đình chỉ truy tố cho một cơ quan khác như một số mô hình trên thế giới thì nên cải tiến, sửa đổi thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định đình chỉ truy tố của Viện kiểm sát cho phù hợp với tình hình Việt Nam.
Thứ ba, hiện nay, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát luôn bị đặt dưới sự giám sát của hệ thống cơ quan dân cử. Ở cấp trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được bầu và bãi nhiệm bởi Quốc hội. Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chịu sự giám sát của Quốc hội thông qua các hình thức như chất vấn, xem xét báo cáo, bỏ phiếu tín nhiệm.[25] Ở địa phương, Viện trưởng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh cũng chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp.[26] Do đó, cụ thể hóa trách nhiệm của Viện kiểm sát trước cơ quan dân cử cũng góp phần hạn chế sự tùy tiện, lạm quyền của tùy nghi truy tố..
CHÚ THÍCH
[1] Nguyễn Minh Đức, “Quyền công tố và tổ chức thực hiện quyền công tố trong nhà nước pháp quyền,” Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1-2/2012, tr. 44 – 50; Jordan A. Sklansky, “The Nature and Function of Prosecutorial Power,” Journal of Criminal Law and Criminology, 2016, Vol. 106, tr. 483.
[2] Trần Văn Độ, “Một số vấn đề về quyền công tố,” Tạp chí Luật học, số 6/2001, tr. 8 – 12.
[3] Antony Duff, “Discretion and Accountability in a Democratic Criminal Law,” in Máximo Langer and David Alan Sklansy (ed.), Prosecutors and Democracy: A Cross-National Study, New York: Cambridge University Press, 2017, tr. 14.
[4] Ngô Huy Cương, Dân chủ và pháp luật dân chủ, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 10.
[5] Ronald Dworkin, A Matter of Principle, Oxford: Oxford University Press, 1986, tr. 190.
[6] Antony Duff, sđd, p. 16.
[7] Ở Việt Nam, khoa học pháp lý thường dùng cụm từ “cấu thành tội phạm” với bốn yếu tố mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể, khách thể. Ở một số nước khác, sự mô tả về tội phạm thường chỉ mang ba yếu tố: yếu tố hành vi (actus reus), yếu tố tâm lý (mens rea), và yếu tố liên hệ giữa hai yếu tố trên. Xem: Lê Cảm, “Lý luận cấu thành tội phạm trong khoa học luật hình sự,” Tạp chí Luật học, số 02/2004, tr. 17 – 23; Walter Harrison Hitchler, “The Physical Element of Crime”, 39 Dickinson Law Review 95 (1934/1935).
[8] Article 17, 1946 Universal Declaration of Human Rights.
[9] Đàm Quang Ngọc, “Sự cần thiết áp dụng truy tố tùy nghi trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 10/2015, tr. 31 – 39; Andrew J Ashworth and Mike Redmayne, Criminal The Process, 4th ed., Oxford: Oxford University Press, 2010, tr. 194 – 214.
[10] Stephanos Bibas, “The Need for Prosecutorial Discretion”, Temple Political and Civil Rights Law Review, Vol. 19:2, 2010, tr. 372 – 373.
[11] Sara Sun Beala, “Prosecutorial Discretion in Three Systems: Balancing Conflicting Goals and Providing Mechanism for Control” in Michele Caianiello and Jacqueline S. Hodgson (ed.), Discretionary Criminal Justice in a Comparative Context, Durham, North Coralina: Carolina Academic Press, 2015, tr. 27
[12] Victims’ Right to Review Scheme, July 2016, https://www.cps.gov.uk/legal-guidance/victims-right-review-scheme, truy cập ngày 02/8/2018.
[13] Carl F. Goodman, “Prosecution Review Commissions, The Public Interest, and the Right of the Accused: The Need for A ”Grow Up” in the Room”, 22 Pacific Rim Law& Policy Journal Association 1, 2013, tr. 11, 14.
[14] Sara Sun Beala, sđd, p.37 – 41.
[15] Office of the United States Attorneys, U.S Attorneys’ Manual – Tittle 9: Criminal, https://www.justice.gov/usam/title-9-criminal, truy cập ngày 02/8/2018.
[16] Sara Sun Beala, sđd, p. 30 – 31.
[17] Điều 107 Hiến pháp năm 2013.
[18] Lê Hữu Thể, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thị Thủy, Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tục tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 347.
[19] Điều 248 BLTTHS năm 2015 quy định “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự”.
[20] Đoàn Thị Ngọc Hải, “Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự, sự thể chế hóa cho phù hợp với Hiến pháp,” Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, 23/9/2015, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1849, truy cập ngày 03/8/2018.
[21] Đinh Văn Quế, “Vụ “bắt trói kẻ trộm, bị khởi tố”: Đáng gì đâu mà xử lý hình sự!”, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, đăng ngày 13/10/2014, truy cập ngày 31/7/2018; Hoàng Nam, “Vụ “Bắt trói kẻ trộm bị khởi tố”: Tòa: Bắt người là đúng, giữ người là sai?” Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, đăng ngày 11/9/2015, truy cập ngày ngày 31/7/2018.
[22] Đàm Quang, “Vụ 8 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình: Truy tố 3 bị can”, Báo điện tử Dân Trí, đăng ngày 17/3/2018, http://dantri.com.vn/phap-luat/vu-8-nguoi-chay-than-tu-vong-o-hoa-binh-truy-to-3-bi-can-20180317171357113.htm, truy cập ngày 01/8/2018; Hồng Hải, “Truy tố bác sĩ Lương ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ là chưa thỏa đáng,” Báo điện tử Dân Trí, đăng ngày 13/4/2018,.http://dantri.com.vn/suc-khoe/bac-si-hoang-cong-luong-co-the-phai-chiu-muc-an-8-nam-tu-20180413191832656.htm, truy cập ngày 01/8/2018.
[23] Khoản 8, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[24] Điều 476 BLTTHS năm 2015.
[25] Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Điều 11 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
[26] Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Tác giả: ThS. Võ Minh Kỳ – ThS. Võ Hồng Phượng
Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(121)/2018 – 2018, Trang 64-71
Like fapage Luật sư Online tại https://facebook.com/iluatsu/
Trả lời