Mục lục
Quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Tác giả: ThS. Ngô Thị Vân Anh
TÓM TẮT
Quyền xác định nguồn gốc đã được pháp luật chính thức thừa nhận trong mối quan hệ nhận nuôi con nuôi. Vấn đề được đặt ra là trong quan hệ giữa người hiến trứng hoặc tinh trùng với người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, quyền xác định nguồn gốc có được pháp luật công nhận hay không? Bài viết tập trung làm rõ vấn đề này trên cả hai phương diện: pháp luật Việt Nam và so sánh pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về quyền tình dục và quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân gia đình – TS. Hoàng Thị Hải Yến
- Một số vấn đề pháp lý về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản – TS. Nguyễn Văn Hợi & TS. Hoàng Thị Loan
- Quyền trẻ em về giữ mối liên hệ với ông bà: Quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Hoàng Thảo Anh
- Quy định mới về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật hình sự năm 2015 – PGS. TS. Nguyễn Văn Cừ
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Mỗi người trong chúng ta sinh ra luôn có một nguồn gốc nhất định. Hiểu theo nghĩa rộng, nguồn gốc của một con người là tất cả những thông tin liên quan đến xuất thân của người đó.[1] Đó có thể là quốc tịch, quê hương, dòng tộc và gần gũi hơn là những người có mối quan hệ huyết thống. Xác định nguồn gốc của một người vì thế được hiểu là xác định những thông tin về nhân thân liên quan đến xuất thân của một cá nhân cụ thể. Hầu hết chúng ta được xác định nguồn gốc một cách rõ ràng ngay từ khi sinh ra. Tuy vậy, cũng không ít người (vì những lý do nhất định) chưa thể biết được gốc tích quê hương, đất nước, ông bà tổ tiên hoặc cả những người sinh ra họ. Pháp luật của các quốc gia luôn tạo cơ chế thuận lợi để mỗi cá nhân được tìm hiểu và thừa nhận về cội nguồn, xuất thân của mình.
Trong các văn bản pháp lý quan trọng về quyền con người, quyền xác định nguồn gốc không được đề cập như là một quyền riêng biệt, độc lập. Tuy vậy, luôn có các quy định liên quan khẳng định quyền được xác định quốc tịch, quyền được bảo vệ quan hệ gia đình của một người.[2] Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (năm 1989) quy định tại Điều 8 như sau: “Các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng quyền của trẻ em được giữ gìn bản sắc của mình, kể cả quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận, mà không có sự can thiệp bất hợp pháp nào.Khi trẻ em bị tước đoạt một cách bất hợp pháp một số hoặc tất cả những yếu tố thuộc về bản sắc của các em, thì các quốc gia thành viên phải cung cấp sự trợ giúp và bảo vệ thích hợp, nhằm mục đích nhanh chóng khôi phục lại bản sắc đó”. Văn bản gốc sử dụng từ “identity”- điểm nhận biết, nhận dạng (“bản sắc”).[3] Điều này cho thấy rằng nguồn gốc của một người chính là yếu tố rất quan trọng cấu thành nên đặc điểm nhận biết, phân biệt chủ thể này với một chủ thể khác.
Trong khoa học pháp lý ngày nay, thuật ngữ “quyền xác định nguồn gốc” (right to know genetic origins) thường được biết đến là quyền xác định cha, mẹ về mặt huyết thống. Pháp luật dân sự Việt Nam ghi nhận quyền thay đổi họ, tên khi một người “bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình”.[4] Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đặt ra các nguyên tắc pháp lý và cơ sở cụ thể để xác định cha, mẹ cho con khi cha mẹ tồn tại hoặc không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp.[5] Cũng cần lưu ý rằng, nguyên tắc suy đoán pháp lý được thể hiện tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể mang đến kết quả không hoàn toàn trùng khớp với kết quả về mặt sinh học. Theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng… Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. Ngoài quy định này, việc xác định cha, mẹ cho con thường trùng khớp với kết quả về mặt huyết thống (vì trong trường hợp cha, mẹ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp, dù yêu cầu được giải quyết thông qua thủ tục hành chính hay thủ tục tư pháp thì quá trình chứng minh thường dựa trên kết quả giám định gen).
Mặt khác, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã chính thức thừa nhận về “quyền được biết nguồn gốc” của người được nhận làm con nuôi. Điều 11 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Con nuôi có quyền được biết nguồn gốc của mình. Không ai có quyền được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình”. Điều này có nghĩa rằng: bên cạnh các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ – con mà pháp luật ghi nhận giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, thì người được nhận làm con nuôi vẫn được tìm hiểu và thừa nhận nguồn gốc của mình. Mặc dù quy định không cho biết nội hàm của “nguồn gốc” được xác định (có thể bao gồm dòng họ, tổ tiên của một người), nhưng cách hiểu cơ bản và gần gũi nhất (đặt trong mối tương quan với quan hệ nhận nuôi con nuôi) thì “nguồn gốc” được hiểu là nguồn gốc huyết thống, hay nói cách khác chính là cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi.
Như vậy, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, quyền xác định nguồn gốc không phải là một khái niệm xa lạ. Tùy thuộc từng ngữ cảnh mà nội dung quyền lại được hiểu theo những cách khác nhau. Khởi nguồn (vào thập niên 50 của thế kỷ XX),[6] quyền xác định nguồn gốc (cha mẹ về mặt huyết thống) được biết đến trong mối quan hệ nhận nuôi con nuôi. Càng về sau, quyền xác định được mở rộng đối với tất cả những trường hợp con sinh ra không biết được nguồn gốc sinh học, đặc biệt là trường hợp việc sinh sản có sự hỗ trợ của các phương pháp khoa học.
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.[7] Pháp luật hiện hành thừa nhận hai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là: thụ tinh nhân tạo[8] và thụ tinh trong ống nghiệm.[9] Đúng như tên gọi của mình, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng với chủ thể không thể mang thai và sinh con bằng cách thức tự nhiên (cặp vợ chồng vô sinh)[10] hoặc không muốn có con bằng cách thức tự nhiên (người phụ nữ độc thân).[11] Việc hỗ trợ sinh sản không chỉ thể hiện ở góc độ giúp cho quá trình mang thai và sinh con được diễn ra dễ dàng và thuận lợi một cách đơn thuần. Trong nhiều trường hợp, chủ thể áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhận tinh trùng, noãn hoặc thậm chí là phôi từ nguồn hiến tặng.[12]
Nguyên tắc xác định cha, mẹ đốivới trường hợp con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó,trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này. Trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Quá trình sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, với người con được sinh ra.
Sự đặc biệt về bản chất hỗ trợ sinh sản đã kéo theo sự đặc biệt trong nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con. Cha, mẹ được xác định về mặt pháp lý có thể hoàn toàn không phải là cha mẹ về mặt huyết thống. Cùng với những quy định về đăng ký khai sinh (pháp luật hộ tịch), thì con được sinh ra sẽ không thể biết được quá trình sinh sản (áp dụng kỹ thuật hỗ trợ) và người hỗ trợ sinh sản (cha mẹ về mặt huyết thống của mình). Vấn đề đặt ra ở đây là nếu người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, không có cùng huyết thống với người được xác định là cha hoặc mẹ (hoặc cả hai) hoặc được sinh ra từ nguồn tinh trùng được hiến (trường hợp người phụ nữ độc thân áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản), muốn xác định nguồn gốc về mặt sinh học của mình, thì điều này có được pháp luật cho phép hay không? Hiện nay, đây vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ trong khoa học pháp lý Việt Nam.
Pháp luật hiện hành không có quy định cấm xác định nguồn gốc sinh học của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đồng thời, gần như không có cơ chế cụ thể nào tạo sự hỗ trợ để những người được sinh ra bằng phương pháp khoa học xác định cha mẹ về mặt huyết thống của mình. Cùng với đó, quyền xác định nguồn gốc trong trường hợp này lại càng khó được thực hiện khi một trong những nguyên tắc cơ bản hiện đang được pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bảo vệ là “quyền bảo mật thông tin” của người hiến trứng hoặc tinh trùng. Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định: việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc. Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, nghiêm cấm “tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật”. Thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng phải đảm bảo tính vô danh để không xác định được người hiến.[13] Với những quy định kể trên, việc xác định một cách cụ thể và chính xác cha, mẹ về mặt huyết thống của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là điều gần như không thể thực hiện trong bối cảnh pháp lý hiện nay.
Vì nguyên tắc vô danh và bảo mật thông tin được pháp luật bảo vệ, cùng với đó là Hệ cơ sở dữ liệu chung về hỗ trợ sinh sản, sử dụng trong toàn quốc chưa được hoàn thiện nên “tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học”.[14] Quy định này là cần thiết để tránh trường hợp những người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (có cùng nguồn gốc huyết thống) vì không được tiếp cận thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng, nên có thể xác lập quan hệ hôn nhân hoặc có con chung với nhau. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuẩn mực đạo đức cũng như chất lượng giống nòi của những thế hệ tiếp theo được sinh ra. Nguồn trứng hoặc tinh trùng được hiến chỉ được sử dụng cho một trường hợp duy nhất, có thể là một giải pháp để giảm thiểu nguy cơ kể trên. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, người được sinh ra từ trứng hoặc tinh trùng được hiến và người hiến trứng, hiến tinh trùng hoàn toàn không phát sinh quan hệ cha, mẹ – con (cũng như các mối quan hệ pháp lý khác). Vì vậy, cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng người được sinh ra thông qua kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (với trứng hoặc tinh trùng được hiến), kết hôn (hoặc có con) với người con được sinh ra một cách tự nhiên của người hiến trứng hoặc tinh trùng.[15] Nguyên tắc bảo mật thông tin một cách tuyệt đối như hiện nay vẫn có thể dẫn đến nguy cơ kết hôn hoặc sinh con giữa những người có mối quan hệ huyết thống rất gần gũi kể trên. Mặt khác, trong bối cảnh lượng trứng và tinh trùng được hiến vô cùng khan hiếm, nhiều cặp vợ chồng phải chờ đợi rất lâu mới có thể nhận trứng hoặc tinh trùng, để thực hiện mong muốn sinh con. Việc sử dụng nguồn hiến tặng, cho duy nhất một trường hợp, sau đó lượng trứng hoặc tinh trùng còn lại sẽ bị hủy bỏ là điều bất hợp lý.[16]
Một khi quyền bảo mật thông tin được bảo vệ (gần như) tuyệt đối như vậy, thì quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ không được thực hiện – trong khi việc có những hiểu biết nhất định về nguồn gốc sinh học được xem như một trong những nhu cầu rất đỗi bản năng và tự nhiên của mỗi con người. Nhu cầu xác định nguồn gốc huyết thống đã được pháp luật hiện hành ghi nhận đối với người được nhận làm con nuôi, vì vậy, không thể phủ nhận hoàn toàn mong muốn được biết cha mẹ về mặt huyết thống của những người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Cũng cần nói thêm rằng: quan hệ giữa cha, mẹ đẻ và con đẻ, với quan hệ giữa người hiến trứng hoặc tinh trùng và người con được sinh ra cũng có những khác biệt nhất định về mặt bản chất. Với cha mẹ đẻ, việc sinh con được thực hiện thông qua quá trình mang thai và sinh con theo quy luật tự nhiên, trong khi đó, việc hiến tặng tinh trùng hoặc trứng được người hiến tặng thực hiện hoàn toàn nhằm mục đích hỗ trợ sinh sản, mà không phải với mong muốn xác lập quan hệ cha, mẹ – con trên thực tế. Tuy vậy, đó là sự khác biệt về mặt ý chí giữa những chủ thể được xác định là cha mẹ (về mặt pháp lý hoặc về mặt sinh học), còn bản thân những người được sinh ra hoàn toàn không có quyền lựa chọn những điều này. Vì vậy, dù được sinh ra bằng hình thức nào, mỗi cá nhân đều có thể có nhu cầu xác định nguồn gốc huyết thống của mình. Việc xác định này chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu được cung cấp thông tin gắn liền với nguồn gốc bản thân, mà không nhằm xác lập bất cứ mối quan hệ nào về mặt pháp lý.
Mặt khác, nguồn gốc huyết thống (với những đặc tính di truyền sinh học) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định, chuẩn đoán hoặc phòng ngừa một số bệnh lý nhất định. Vì vậy, mặc dù tồn tại nguyên tắc bí mật thông tin, nhưng “trong trường hợp đặc biệt vì mục đích chữa bệnh theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng” thì cơ sở lưu giữ thông tin vẫn được phép cung cấp thông tin[17]. Điều này cho thấy, việc cung cấp thông tin liên quan đến người hiến trứng hoặc tinh trùng vẫn có thể được đặt ra trong một số hoàn cảnh nhất định. Pháp luật hiện hành chỉ ghi nhận hai trường hợp công khai thông tin mà chưa bao gồm trường hợp xuất phát từ nhu cầu được xác định nguồn gốc của người sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đồng thời nội dung những thông tin được công khai, mức độ công khai cũng chưa được quy định cụ thể. Những vấn đề này sẽ được tiếp tục bàn đến trong nội dung tiếp theo của bài viết.
Như đã trình bày trước đó, kể từ lần đầu tiên, quyền xác định nguồn gốc sinh học được đặt ra với người được nhận làm con nuôi, cho đến nay khoa học pháp lý trên thế giới đã phát triển, mở rộng và luận giải quyền này theo những hướng khác nhau. Vào tháng 12 năm 1984, Thụy Điển đã đặt những nền tảng đầu tiên cho vấn đề này, khi trao cho người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản quyền được biết những thông tin cơ bản của người hiến trứng hoặc tinh trùng.[18]
Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã khiến cho nhiều khái niệm pháp lý có sự thay đổi. Một số quốc gia có sự phân biệt giữa cha, mẹ (tự nhiên) và người có trách nhiệm cha, mẹ. Chẳng hạn như trong quan hệ mang thai hộ, người phụ nữ mang thai và sinh con sẽ được xác định là mẹ, nhưng người này không được xác định là người có trách nhiệm cha mẹ. Tương tự như vậy, người cha về mặt sinh học được xác định là cha (ngoại trừ trường hợp xác định cha theo nguyên tắc suy đoán pháp lý).[19] Thuật ngữ “cha, mẹ” giờ đây không chỉ được lý giải là cha mẹ về mặt pháp luật mà còn là cha, mẹ về mặt sinh học. Việc mở rộng cách hiểu như trên là cần thiết vì những văn bản có giá trị pháp lý cao với cộng đồng (như Công ước quốc tế về Quyền trẻ em năm 1989) ra đời khi khoa học về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chưa thực sự phát triển và có nhiều ứng dụng trong đời sống xã hội như ngày nay.
Vấn đề xác định nguồn gốc của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được nhìn nhận trên nhiều phương diện. Có quan điểm cho rằng đây là một quyền lợi pháp lý cần được thừa nhận, nhưng mặt khác, đây cũng là kết quả tất yếu gắn với sự phát triển của y học hiện đại.[20] Sự hiểu biết của một người về gia đình thường không chỉ giới hạn trong cha mẹ pháp lý, mà còn được mở rộng đối với cả cha mẹ về sinh học hoặc người trực tiếp sinh ra trẻ.[21] Trên thế giới hiện đang tồn tại ba xu hướng chính liên quan đến vấn đề xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Một là, nguyên tắc ẩn danh
Nguyên tắc này được đại diện bởi pháp luật Cộng hoà Pháp. Phán quyết Odièvre đã thể hiện quan điểm của Tòa án Pháp trong việc tôn trọng nguyên tắc ẩn danh (bất kể trong quan hệ nhận nuôi con nuôi hay quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản). Odièvre sinh ra vào năm 1965 và được một gia đình nhận nuôi. Mẹ đẻ của cô đã từ bỏ cô ngay khi cô được sinh ra thông qua một bức thư yêu cầu Ủy ban Y tế và an sinh xã hội bảo mật thông tin và tuyên bố từ bỏ các quyền liên quan đến việc làm mẹ của mình. Nguyên đơn cho rằng việc Ủy ban phúc lợi trẻ em bác bỏ quyền được tiếp cận thông tin về nguồn gốc của mình đã vi phạm Điều 8 Công ước châu Âu về quyền con người.[22] Sau đó, cô đã khởi kiện ra Tòa án Nhân quyền châu Âu (2003). Phán quyết cuối cùng đã chỉ ra rằng không có sự vi phạm quyền được biết các yếu tố nhận diện của trẻ (bao gồm có gia đình). Phán quyết này sau đó đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. “Tòa án có lẽ sẽ không còn quyết định như vậy trong những vụ việc tương tự vào ngày nay và có lẽ Pháp cũng sẽ cần những thay đổi khác hơn trong những vụ việc như vậy”.[23]
Với truyền thống tôn trọng cuộc sống của mỗi cá nhân, pháp luật Pháp đề cao nguyên tắc ẩn danh, đặc biệt là quyền ẩn danh trong sinh sản đối với người phụ nữ. Một người không có quyền tiếp cận các hồ sơ tiết lộ tên của người mẹ sinh học.[24] Điều này cũng đồng nghĩa với việc quyền xác định nguồn gốc sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Mặc dù vậy, ngày nay, việc khai sinh bí mật có thể bị gỡ bỏ khi có sự yêu cầu của người con và sự chấp thuận của người mẹ. Các thông tin xác định một người cũng dễ dàng tiếp cận hơn thông qua các nguồn độc lập khác.
Hai là, nguyên tắc cấm ẩn danh và cho phép con sinh ra xác định nguồn gốc
Anh và Thụy Điển là hai quốc gia điển hình ghi nhận nguyên tắc cấm người hiến tinh trùng ẩn danh. Vào năm 1984, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên xóa bỏ tình trạng ẩn danh của người hiến tinh trùng. Một người được sinh ra bằng kỹ thuật thụ tinh, nếu đã trưởng thành có quyền tiếp cận các thông tin của người hiến tinh trùng.[25] Hai thập kỷ sau khi điều luật được thông qua, các nghiên cứu đã chỉ ra những người cha, mẹ ở Thụy Điển đã cởi mở hơn khi công khai việc sinh con với sự hỗ trợ của các kỹ thuật khoa học và người hiến tặng. Vào thời điểm năm 2000, chỉ khoảng 11% người cha, mẹ Thụy Điển nói với con của họ về quá trình sinh sản. Thêm 41% cha mẹ dự định sẽ nói với con trong khoảng thời gian sau đó. Nghiên cứu tương tự vào năm 2006, 75% cha mẹ đã công khai hoặc có ý định công khai với con. Gần đây (năm 2011), khoảng 90% những người cha, mẹ sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã công khai và cởi mở với con về nguồn gốc tự nhiên. Độ tuổi trung bình của những người con được cha mẹ thông báo càng về sau càng thấp hơn trước đó (điều này một phần được lý giải bởi tâm lý lo lắng người con sẽ tình cờ biết được nguồn gốc sinh học của mình).[26]
Pháp luật Anh nhanh chóng đi đầu trong vấn đề thừa nhận quyền xác định nguồn gốc của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, cũng như tầm quan trọng của gia đình sinh học (có cùng dòng máu di truyền). Cha, mẹ nhận nuôi con nuôi được khuyến khích công khai thông tin về cha, mẹ đẻ cho người được nhận làm con nuôi biết. Xu hướng này cũng được thừa nhận và phát triển đối với trường hợp người con sinh ra nhờ nguồn trứng hoặc tinh trùng được hiến. Tòa án Anh và xứ Wales ngày nay thừa nhận quyền được xác định thông tin của những người được sinh ra nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phù hợp với Điều 8 Công ước châu Âu về Quyền con người. Án lệ Rose v Secretary of State for Health and Human Fertilisation and Embryology Authority[27] là một ví dụ rất rõ nét cho điều này. Nguyên đơn – trong đó một người đã trưởng thành, bị từ chối cung cấp thông tin liên quan đến người hiến tinh trùng được sử dụng trong quá trình hỗ trợ sinh sản để sinh ra họ. Tòa án cho rằng Điều 8 Công ước châu Âu về quyền con người được hiểu rằng cá nhân có quyền được biết về các thông tin giúp nhận diện chính bản thân mình (danh tính – “identity”) và bao gồm cả thông tin về cha mẹ sinh học của mình. Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn cần được chấp nhận.
Từ năm 2008, Luật về Thụ tinh và phôi thai ở người[28] quy định rất cụ thể về việc đăng ký thông tin người hiến trứng, tinh trùng, cũng như quá trình cung cấp thông tin cho con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Pháp luật Anh có sự phân biệt nhóm thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng tùy thuộc độ tuổi của người con có yêu cầu. Người đủ 16 tuổi có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp một số thông tin nhất định liên quan đến người hiến trứng hoặc tinh trùng. Chẳng hạn như: số người con của người hiến trứng hoặc tinh trùng, giới tính của những người này và năm sinh của họ. Những điều này rất quan trọng trong việc giúp người con được sinh ra nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản biết được ai là anh, chị về mặt sinh học của mình (tránh trường hợp phát sinh quan hệ tình cảm giữa những người có cùng huyết thống). Tuy vậy, phải đến khi một người 18 tuổi thì người này mới có thể được cung cấp những thông tin để xác định cha, mẹ về mặt huyết thống của mình.[29]
Ba là, không có quy định cụ thể từ pháp luật liên bang
Một phần nhỏ của những nguyên tắc hiện tại trong lĩnh vực hiến trứng, tinh trùng ở các bang và liên bang Hoa Kỳ được hiểu là kết quả của việc không có hướng dẫn ràng buộc và việc tự quyết định theo mong muốn cá nhân (đôi khi là sự thoả thuận của các bên).[30] Hầu hết các cơ sở điều trị về sinh sản có thể cung cấp những chi tiết nhất định, nhưng không phải là thông tin để định danh về đặc điểm hoặc hồ sơ y học của người hiến trứng hoặc tinh trùng.[31] Trong nhiều thỏa thuận, người hiến tặng có thể thỏa thuận với cơ sở chữa bệnh nhằm cho phép cơ sở này cung cấp những thông tin định danh trong trường hợp có yêu cầu của trẻ được sinh ra.
Thực tiễn xét xử ở Hoa Kỳ đã cho thấy, việc được cung cấp thông tin là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ đơn thuần là quyền nhân thân của một người, mà hơn thế nữa, thông tin về hồ sơ bệnh lý của người hiến tặng có ý nghĩa đặc biệt đối với người con được sinh ra. Vụ việc Johnson v. Superior Court of Los Angeles County[32] là một ví dụ điển hình. Trong vụ việc, Brittany (06 tuổi) là người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (từ nguồn tinh trùng được hiến). Mặc dù còn rất nhỏ nhưng Brittany đã mắc bệnh thận rất nặng (loại bệnh và tình trạng thường chỉ diễn ra ở những người từ 50 – 60 tuổi). Bác sĩ có một sự nghi ngờ rằng cô bé đã bị di truyền từ người cha sinh học của mình (người hiến tinh trùng). Cha mẹ (về mặt pháp lý) của Brittany yêu cầu trung tâm tinh trùng, cung cấp những thông tin về người hiến. Tuy nhiên, trung tâm đã từ chối vì cho rằng điều này sẽ phá vỡ thỏa thuận vô danh mà các bên đã ký kết. Cha mẹ của Brittany đã phản đối vì cho rằng những thông tin về người hiến tinh trùng rất có ý nghĩa trong quá trình điều trị bệnh của con gái mình. Phán quyết cuối cùng của Tòa án phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (cha mẹ của Brittany) yêu cầu phía trung tâm cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến hồ sơ bệnh lý của người hiến tinh trùng vì điều này phục vụ cho một nguyên do đúng đắn. Tòa án phúc thẩm đã nhấn mạnh rằng nguyên đơn chỉ được tiếp cận những thông tin của người hiến tinh trùng trong một chừng mực nhất định (phục vụ cho vấn đề chữa bệnh), danh tính của người hiến vẫn cần được bảo mật ở mức tối đa (trong khả năng có thể) và danh tính của các thành viên trong gia đình người này cũng phải tuyệt đối được giữ bí mật.
Có thể thấy, khá nhiều quan điểm pháp lý tồn tại quanh vấn đề xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Rất nhiều quốc gia thể hiện động thái tích cực trong việc cho phép chủ thể có liên quan được tiếp cận thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng. Quyền được xác định nguồn gốc vì thế được xem xét và giải quyết một cách linh động tùy thuộc từng trường hợp và mức độ thông tin được yêu cầu công khai. Có rất nhiều lý do khiến cho việc cung cấp thông tin của cha, mẹ sinh học gặp phải trở ngại (như: lo ngại việc cung cấp thông tin khiến cho người hiến cảm thấy e dè và không muốn gặp phải nhiều thủ tục hành chính hay pháp lý phức tạp sau này; hoặc bản thân cha, mẹ (pháp lý) lo ngại rằng việc cung cấp thông tin sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của gia đình và tâm lý của người con).[33] Mặc dù vậy, việc bảo đảm quyền được biết nguồn gốc của một người (trong trường hợp người này có nhu cầu), cũng như các nguyên nhân khác liên quan đến việc hạn chế hôn nhân cận huyết, hay yêu cầu điều trị, phòng ngừa bệnh trong y học cũng là những nguyên nhân không thể bỏ qua khi ghi nhận quyền được tiếp cận thông tin liên quan đến người hiến trứng, tinh trùng của người được sinh ra.
Quyền xác định nguồn gốc của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một vấn đề không còn mới mẻ trong khoa học pháp lý trên thế giới, nhưng vẫn còn là một nội dung khá xa lạ đối với pháp luật Việt Nam. Sau một khoảng thời gian được vận dụng, luận giải, nhìn nhận ở cả phương diện lý luận và thực tiễn, không thể phủ nhận ý nghĩa của việc ghi nhận quyền xác định nguồn gốc của cá nhân nói chung và người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nói riêng. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng cũng như quan điểm pháp lý khác nhau giữa các quốc gia đã mang đến một số vấn đề cần được xem xét.
Một là, nghĩa vụ thông báo việc con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cha mẹ
Việc thực hiện quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khởi đầu bằng nhận thức của một ngườivề quá trình mà người đó được sinh ra. Thông thường, cha, mẹ chính là những người thông tin về sự khác biệt trong huyết thống của một bên (hoặc cả hai) với con. Điều này được thực hiện một cách chủ động và tự nguyện mà không có sự can thiệp của bất cứ quy định pháp luật nào. Thông tin về việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản – đặc biệt là khi điều này liên quan đến vấn đề huyết thống giữa các thành viên trong gia đình, luôn là vấn đề nhạy cảm. Mỗi gia đình luôn có những cách thức riêng để tổ chức và giải quyết vấn đề của mình. Có những trường hợp cha mẹ lo lắng rằng thông tin về sự khác biệt về huyết thống sẽ tạo nên tâm lý không ổn định của người con. Nhưng ngược lại, rất nhiều gia đình lại chọn cách thông báo về sự thật trước khi con có thể tự mình khám phá ra điều này. Vì vậy, việc thông báo hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình. Hầu như các quốc gia đều không có quy định buộc cha mẹ (pháp lý) có nghĩa vụ thông báo với con về việc áp dụng biện pháp khoa học để hỗ trợ quá trình mang thai và sinh con. Mong muốn được biết về nguồn gốc sinh học cũng không mặc nhiên xuất hiện ở tất cả những người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (với nguồn trứng hoặc tinh trùng được hiến). Trong khi một số người mong muốn được biết về nguồn gốc huyết thống của mình thì một số khác lại không có ý định truy xuất về những thông tin này.
Hai là, các thông tin về nguồn gốc mà một người được phép tiếp cận
Trong điều kiện lý tưởng, khi quyền xác định nguồn gốc hoàn toàn được thừa nhận, vấn đề được đặt ra là con sẽ được tiếp cận những thông tin nào liên quan đến cha, mẹ về mặt sinh học của mình. Các quốc gia thừa nhận quyền này thường cho phép người con được cung cấp các thông tin để nhận diện (định danh) người hiến trứng hoặc tinh trùng. Theo Điều 8 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, thông tin định danh bao gồm: quốc tịch, tên, các mối quan hệ gia đình (nhưng không định danh cụ thể từng thành viên) của một người. Có thể nói đây là những thông tin cơ bản để hình dung hoặc tiếp cận một con người – những thông tin cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa chủ thể này với chủ thể khác. Các thông tin khác liên quan đến cha, mẹ sinh học được lưu giữ trong hồ sơ của cơ sở y tế (tiếp nhận trứng hoặc tinh trùng được hiến) cũng cần được cung cấp khi người con yêu cầu.
Xuất phát từ những thông tin kể trên, ở một mức độ khác, với những quốc gia không thừa nhận hoàn toàn quyền xác định nguồn gốc (hoặc trong những hoàn cảnh quốc gia không cho phép người chưa đủ tuổi tiếp cận toàn bộ danh tính của người hiến), việc cung cấp thông tin có thể chỉ dừng lại ở một số nội dung nhất định. Điều 24 Luật về sinh sản và phôi thai của Anh (2008), cũng như án lệ Johnson v. Superior Court of Los Angeles County đã nêu ở mục 2 là hai ví dụ điển hình cho trường hợp này. Việc cung cấp một phần thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng một mặt bảo vệ quyền được cung cấp những thông tin cụ thể của người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (đặc biệt là khi những thông tin này giúp loại trừ khả năng kết hôn cận huyết hoặc có ý nghĩa đặc biệt trong liệu trình phòng, chữa bệnh của một người); đồng thời, việc cân nhắc và chọn lọc những thông tin được phép tiếp cận (người được cung cấp có những thông tin cần thiết nhưng vẫn không thể xác định chính xác bên hiến trứng, hoặc tinh trùng), không phá vỡ nguyên tắc bảo mật thông tin – điều mà những người hiến trứng hoặc tinh trùng đặc biệt quan tâm.
Ở Việt Nam, quyền xác định người hiến trứng hoặc tinh trùng của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện chưa được chính thức thừa nhận. Tuy vậy, Điều 38 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 vẫn cho phép cung cấp thông tin của người hiến “vì mục đích chữa bệnh theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng”. Điều đáng nói ở đây là chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin không phải là những người có liên quan (đặc biệt là người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản). Việc yêu cầu cung cấp thông tin vì thế không phụ thuộc vào sự chủ động của người có quyền lợi mật thiết với những thông tin được cung cấp, mà lại được thực hiện gián tiếp thông qua một chủ thể khác. Mặt khác, Điều 38 cũng quy định: “Mọi thông tin về người hiến, người được ghép bộ phận cơ thể người phải được mã hóa thông tin và bảo mật. Trong trường hợp công bố thông tin quy định tại khoản 1 Điều này thì phải bảo đảm tính vô danh để không xác định được người hiến và người được ghép, trừ trường hợp người hiến và người được ghép là người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời”. Tuy vậy, quy định này còn khá chung chung khi chưa đề cập trường hợp được yêu cầu cung cấp cấp thông tin hay những thông tìn được cung cấp. Đồng thời, khi chưa được cung cấp thông tin các chủ thể cũng khó xác định được mình có quan hệ trực hệ hay người có họ trong phạm vi ba đời với bên còn lại hay không.Tác giả cho rằng, trong tương lai, quy định của pháp luật nên được mở rộng theo hướng cho phép người được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được cung cấp một số thông tin liên quan đến người hiến trứng hoặc tinh trùng khi những thông tin này có ý nghĩa trong việc chuẩn đoán hoặc điều trị bệnh hoặc vì những lý do chính đáng khác. Ngoại trừ những thông tin cần thiết, danh tính của người hiến vẫn có thể được bảo vệ theo yêu cầu của người này.
Ba là, mức độ công khai thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng
Việc công khai thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng chỉ nên được thực hiện trong một giới hạn nhất định. Thông tin chỉ được công khai với những người có quyền hoặc nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, danh tính của người hiến, cũng như người nhận và con được sinh ra không thể được truy xuất hoặc công bố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là quyền cơ bản của một người liên quan đến đời sống cá nhân, đời sống gia đình được pháp luật tôn trọng và ưu tiên bảo vệ. Trong một chừng mực, dù thông tin của người hiến trứng hoặc tinh trùng được công khai với một số chủ thể nhất định thì nguyên tắc ẩn danh về cơ bản vẫn được thực hiện. Về phần mình, người được cung cấp thông tin của bên hiến tặng cũng nên tôn trọng điều này và hạn chế tối đa việc tiếp tục công khai những thông tin đến các chủ thể khác.
Bốn là, quan hệ pháp lý giữa người hiến trứng, tinh trùng với người con
Cần khẳng định rằng giữa người hiến trứng hoặc tinh trùng với người con được sinh ra từ nguồn được hiến tặng không phát sinh bất cứ quan hệ pháp lý (đặc biệt là quan hệ cha, mẹ – con). Điều này xuất phát từ nguyên tắc pháp lý mà pháp luật mỗi quốc gia đặt ra ngay từ đầu. Việc người hiến trứng hoặc tinh trùng ẩn danh không phải là nguyên nhân dẫn đến hệ quả không xác lập quan hệ pháp luật giữa người này với con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ngay cả khi quyền xác định nguồn gốc được thừa nhận và danh tính của người hiến trứng hoặc tinh trùng được công khai thì giữa người hiến tặng và người được sinh ra không tồn tại quan hệ cha, mẹ – con. Nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra bằng phương pháp khoa học vẫn sẽ không có sự thay đổi. Hệ quả này cần được nhấn mạnh và khẳng định ngay từ đầu để giảm bớt gánh nặng về mặt tâm lý của người hỗ trợ sinh sản (hiến trứng hoặc tinh trùng).
Tóm lại, quyền xác định nguồn gốc của người sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một vấn đề thể hiện nhiều tính nhân văn và tiến bộ trong khoa học pháp lý. Tùy thuộc vào từng quan điểm lập pháp, quan điểm về đạo đức, xã hội mà mỗi quốc gia lại có những có những quy định cụ thể về việc thừa nhận quyền này theo từng mức độ nhất định. Ở Việt Nam, quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng phương pháp khoa học chưa được thừa nhận một cách rõ ràng . Tuy vậy, trong bối cảnh quyền này đã được quy định đối với người được nhận làm con nuôi, trong tương lai không xa, những người sinh ra bằng phương pháp khoa học không biết được cha, mẹ về mặt sinh học của mình sẽ có khả năng được tiếp cận một số thông tin nhất định để có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc huyết thống của bản thân.
CHÚ THÍCH
[1] Theo nghĩa thông thường, nguồn gốc được hiểu là “nguyên do, cội rễ” – Xem Kỳ Duyên, Đức Bốn, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Thanh niên, 2013, tr. 543.
[2] Chẳng hạn như Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (năm 1948): “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”; Điều 15 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (năm 1948): “Ai cũng có quyền có quốc tịch”.
[3] Nguyên văn của điều ước: “Article 8
- States Parties undertake to respect the right of the child to preserve his or her identity, including nationality, name and family relations as recognized by law without unlawful interference.
- Where a child is illegally deprived of some or all of the elements of his or her identity, States Parties shall provide appropriate assistance and protection, with a view to re-establishing speedily his or her identity.”
[4] Điều 27, Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5] Điều 88, Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[6] Richard Jonh Blauwhoff, “A comparative law study on children’s right to know their genetic origins” (Nghiên cứu quyền được biết về cha mẹ sinh học của trẻ em), Intersentia, 2009, tr. 5.
[7] Khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[8] “Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi” – khoản 2 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ – CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học.
[9] “Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi” – khoản 1 Điều 1 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
[10] “Vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai” – khoản 2 Điều 1 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.
[11] Việc thừa nhận chủ thể được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm pháp lý của từng quốc gia, có những quốc gia ghi nhận quyền áp dụng phương pháp khoa học trong sinh sản đối với cặp vợ chồng vô sinh, người phụ nữ độc thân, người đàn ông độc thân (nhờ mang thai hộ) hoặc các cặp đôi đồng tính. Xem Ngô Thị Anh Vân, “Xác định quan hệ cha mẹ con khi có sự vi phạm pháp luật về mang thai hộ và việc xử lý hậu quả”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13, 2017, tr. 47 – 55.
[12] Nghị định số 10/2015/NĐ-CP (Điều 5. Quy định về việc nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi).
[13] Điều 38 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
[14] Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.
[15] Về mặt pháp lý, những người này không tồn tại quan hệ anh, chị, em hay mối quan hệ gia đình khác.
[16] Minh Thùy – Lê Phương, “Khát con, chật vật tìm người hiến tinh trùng”, vnexpress.net, 2015, truy cập ngày 20/12/2017.
[17] Điều 38 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
[18] Richard Jonh Blauwhoff, “A comparative law study on children’s right to know their genetic origins” (Nghiên cứu quyền được biết về cha mẹ sinh học của trẻ em), Intersentia, 2009, p. 5; Swedish code of statutes, SFS 1984: 1140.
[19] Jonathan Hering, Family law, Pearson (4th), p. 80 – 81; Điều 33 Luật Sinh sản và phôi thai (Anh) năm 2008 (Section 33 of the Human Fertilisation and Embryology Act 2008)
[20] Brigitte Clark, “A balancing act? The rights of donor – conceived children to know their biological origins”, Georgia journal of international and comparative law, Vol. 40, 2012, tr. 626.
[21] Brigitte Clark, tlđd, tr. 627
[22] Điều 8 Công ước châu Âu về quyền con người: “Quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và đời sống gia đình
- Mọi người đều có quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và gia đình, nơi ở và thư từ.
- Sẽ không có sự can thiệp của cơ quan công quyền trong việc thực hiện quyền này, ngoại trừ điều đó phù hợp với pháp luật và cần thiết trong xã hội dân chủ vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc phúc lợi kinh tế của đất nước, để phòng ngừa rối loạn hoặc tội phạm, để bảo vệ của sức khỏe hoặc đạo đức, hoặc để bảo vệ quyền và tự do của người khác.”
[23] Brigitte Clark, tlđd, tr. 632.
[24] Bên nhờ đến biện pháp hỗ trợ sinh sản, với sự giúp đỡ của người thứ ba hiến tặng phải bảo đảm các điều kiện về bảo mật. Xem Điều 311 – 20, Bộ luật Dân sự Pháp.
[25] Luật (1984: 1140) về thụ tinh, Hiến pháp Thụy Điển, 1984: 1140 (4 §).
[26] Brigitte Clark, tlđd, tr. 635 – 636.
[27] Xem thêm án lệ: Rose v Secretary of State for Health and Human Fertilisation and Embryology Authority, https://high-court-justice.vlex.co.uk/vid/-52634981, truy cập ngày 30/05/2018.
[28] Human Fertilisation and Embryology Act 2008.
[29] Điều 24 (mục 31ZA) Luật về thụ tinh và phôi thai ở người (2008) – Anh.
[30] Brigitte Clark, tlđd, tr. 638.
[31] Michelle Dennison, “Revealing Your Sources: e Case for Non- Anonymous Gamete Donation”, Journal of Law and Health, 2008, tr. 10 – 11.
[32] Xem thêm Án lệ: Johnson v. Superior Court of Los Angeles County; Jenna H. Bauman, “Discovering Donors: Legal Rights to Access Information About Anonymous Sperm Donors Given to Children of Artifcial Insemination in Johnson v. Superior Court of Los Angeles County”, Issue 2 Forum on Law & Social Change , Vol. 31, 2001, tr. 193 – tr. 218.
[33] Brigitte Clark, tlđd, tr. 639 – tr. 644.
Tác giả: Ngô Thị Anh Vân
Tạp chí Khoa học pháp lý số 09(121)/2018 – 2018, Trang 49-58
Trả lời