Thẩm quyền giải thích pháp luật
- Giải thích pháp luật là gì? Phân biệt giải thích pháp luật chính thức với giải thích pháp luật không chính thức?
- Một niềm tin, bốn triển vọng và năm thách thức trong tiến trình thừa nhận quyền giải thích pháp luật của Tòa án – TS. Cao Vũ Minh
- Bàn về phương pháp giải thích pháp luật – ThS. Phạm Thị Phương Thảo
- Một số vấn đề lý luận về giải thích pháp luật – TS. Tô Văn Hòa
TÓM TẮT
Bài viết làm rõ khái niệm thẩm quyền giải thích pháp luật và phân tích những vấn đề lý luận liên quan đến việc trao thẩm quyền này cho chủ thể nào trong bộ máy nhà nước. Trên cơ sở liên hệ thực tiễn việc trao thẩm quyền giải thích pháp luật ở một số nước trên thế giới, bài viết cho thấy sự cần thiết để chính thức trao thẩm quyền này cho Tòa án ở nước ta hiện nay.
TỪ KHÓA: Giải thích pháp luật
Trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, thẩm quyền giải thích pháp luật (GTPL) chỉ giới hạn ở giải thích các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bao gồm Hiến pháp, luật, pháp lệnh và chính thức trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tế cho thấy thẩm quyền này gần như bị bỏ quên không thực hiện. Trong khi đó, các phán quyết của Tòa án thiếu các lập luận giải thích mang tính thuyết phục. Hệ thống pháp luật thiếu các quy tắc làm cơ sở cho việc triển khai hoạt động GTPL trong quá trình áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm cho pháp luật không bị áp dụng tùy tiện. Bài viết phân tích những vấn đề lý luận về phân định thẩm quyền GTPL, xem xét việc trao thẩm quyền này ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó nêu lên thực trạng về thẩm quyền GTPL ở Việt Nam hiện nay và đề xuất việc phân định lại thẩm quyền này.
1. Thẩm quyền giải thích pháp luật
1.1. Khái niệm giải thích
Theo từ điển, giải thích là làm cho hiểu rõ.[1] Tuy nhiên, đây thật sự là khái niệm phức tạp, gây tranh cãi vì con người giải thích trong rất nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nhà triết học pháp luật nổi tiếng Donald Dworkin đã trình bày các ngữ cảnh khác nhau của giải thích bao gồm:[2]
– Giải thích khoa học là giải thích dữ liệu mà các nhà khoa học sưu tầm được để hiểu được các hiện tượng mà họ quan sát.
– Giải thích giao tiếp là giải thích diễn ra trong ngữ cảnh của sự giao tiếp để hiểu nghĩa của các thông điệp được truyền tải.
– Giải thích nghệ thuật: Có đối tượng được giải thích là các tác phẩm nghệ thuật (văn, thơ, tranh…) nhằm đưa ra ý nghĩa của tác phẩm.
– Giải thích các yếu tố thực tế xã hội như “lịch sự” hoặc “công bằng” được Dworkin cho rằng có mối quan hệ mật thiết với pháp luật.[3] Khi giải thích thực tế xã hội thì mục đích được quan tâm hơn là nguyên nhân để ngôn ngữ được hiểu sao cho phù hợp với các giá trị của xã hội hiện thời.[4] Giải thích thực tế xã hội và giải thích nghệ thuật được ông xem là giải thích sáng tạo vì trong quá trình giải thích, đối tượng giải thích được làm cho trở nên tốt nhất như có thể.[5]
Theo Jerzy Wroblewski,[6] thì giải thích là thuật ngữ rất chung chung và ông chia giải thích ra làm ba cấp độ khác nhau:[7]
Giải thích theo nghĩa rộng nhất là việc giải thích để đạt được tất cả các hiểu biết bao gồm cả hiểu biết văn hóa đối với đối tượng được giải thích. Ví dụ, giải thích hiện tượng hòn đá nhô lên từ mặt đất không chỉ là hiện tượng địa chất mà còn liên quan đến cả yếu tố tâm linh tôn giáo.
Giải thích theo nghĩa rộng là giải thích ngôn ngữ hoặc các phương tiện giao tiếp khác để hiểu thông điệp mà con người trao đổi với nhau. Ví dụ, nhìn thấy biển báo “Keep left” trên đường thì người lái xe hiểu là mình phải tiếp tục lái xe ở bên phía trái của đường.
Giải thích theo nghĩa hẹp là một nhánh nhỏ của giải thích trong giao tiếp, chỉ xuất hiện khi có nghi ngờ hoặc tranh chấp trong việc hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: người đề nghị giao kết hợp đồng giải thích làm rõ các điều khoản khó hiểu trong đề nghị. Giải thích theo nghĩa hẹp của Wroblewski phù hợp với câu châm ngôn “In claris non fit interpretation” nghĩa là“Cái gì đã rõ thì không cần giải thích”.[8]
1.2. Giải thích pháp luật
Từ khái niệm giải thích để xây dựng khái niệm GTPL cũng tồn tại nhiều quan điểm theo cách tiếp cận rộng hẹp khác nhau. Theo Jerzy Wroblewski thì GTPL là giải thích theo nghĩa hẹp chỉ diễn ra khi có sự mơ hồ, khó hiểu đối với quy định của pháp luật. GTPL được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó giải thích có hiệu lực phải do chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật tiến hành làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên.[9] Trong khi đó, Aharon Barak quan niệm rằng: “GTPL là hoạt động trí tuệ nhằm đem đến ngữ nghĩa cho các văn bản pháp lý”.[10] Văn bản pháp lý theo cách hiểu của Barak rất rộng bao gồm: hiến pháp, luật thành văn, án lệ, tập quán, hợp đồng và di chúc được thể hiện dưới hình thức miệng, văn bản hoặc thậm chí hành vi. Barak dựa trên quan điểm của giáo sư Wigmore cho rằng giải thích thông thường là những suy nghĩ không quan sát được, nó luôn luôn có mặt và luôn là thứ không thể thiếu để hiểu các quy định.[11] Với Aharon Barak thì mỗi văn bản pháp lý đều đòi hỏi sự giải thích và chúng chỉ có thể hiểu sau khi được giải thích.[12]
Về hình thức pháp luật được giải thích, có quan điểm cho rằng GTPL đầu tiên chính là giải thích tập quán pháp được thực hiện bởi các nhà triết gia và nhà chính trị học.[13] Bên cạnh đó, thực tế ở các nước thông luật giải thích án lệ là công việc quen thuộc của tòa án trong quá trình xét xử.[14] Tuy nhiên, bài viết chỉ giới hạn ở giải thích VBQPPL, một hình thức pháp luật có nhu cầu giải thích cao nhất, không bao gồm giải thích án lệ, tập quán pháp cũng như giải thích các văn bản có tính pháp lý khác như hợp đồng, di chúc. GTPL là hoạt động nhằm làm sáng rõ nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của một từ, một ngữ hoặc một quy định của VBQPPL khi chúng khó hiểu hoặc có thể được hiểu bằng nhiều cách khác nhau nhằm giúp cho quy định đó được hiểu và áp dụng thống nhất.
1.3. Thẩm quyền giải thích pháp luật
Xuất phát từ kết quả của việc phân định quyền lực nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, khái niệm thẩm quyền của các chủ thể trong bộ máy nhà nước được đặt ra. Nhiều VBQPPL của nước ta đặt tiêu đề là “nhiệm vụ và quyền hạn” hoặc “chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn” cho các quy định có nội dung trao thẩm quyền. Tuy nhiên, có lẽ vì tính chất phức tạp của khái niệm này nên “thẩm quyền” chưa có định nghĩa chính thức trong pháp luật. Theo tác giả Nguyễn Cửu Việt thì thẩm quyền là phương tiện để thực hiện chức năng và nhiệm vụ, hay hiểu một cách chung nhất thẩm quyền chính là tổng thể những quyền hạn.[15] Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, thẩm quyền được hiểu một cách đơn giản là“quyền xem xét, quyết định”.[16]Từ sự phân tích trên, thẩm quyền GTPL được hiểu là quyền hạn của chủ thể nhất định trong bộ máy nhà nước được phân giao để nhân danh nhà nước làm rõ nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của một từ, một ngữ hoặc một quy định trong VBQPPL để chúng được hiểu và áp dụng thống nhất.
2. Cơ sở lý luận về phân định thẩm quyền giải thích pháp luật trong bộ máy nhà nước
Về mặt lý thuyết, thẩm quyền GTPL đều có thể được phân giao cho một trong ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp) trong bộ máy nhà nước. Thẩm quyền này thuộc về chủ thể nào đều mang đến những ưu và nhược điểm nhất định.
Trao quyền GTPL cho nhánh lập pháp sẽ bảo đảm ý chí của cơ quan dân cử, khi đó chủ thể có quyền ban hành luật trở lại giải thích những quy tắc mà cơ quan này đã gửi gắm thông qua câu chữ. GTPL trong trường hợp này là hoạt động nối dài của hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, việc ban hành luật là quá trình lâu dài có cả tranh luận, thương lượng nên lập pháp GTPL sẽ tốn nhiều thời gian, công sức nhưng lại khó kịp thời đáp ứng nhu cầu. Nhu cầu GTPL chủ yếu phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật, vì vậy muốn một quy định nào đó được làm rõ bởi cơ quan lập pháp thì chủ thể áp dụng pháp luật phải đệ trình và chờ đợi.
Trao quyền GTPL cho nhánh hành pháp có lẽ sẽ đem lại nhiều nhược điểm hơn ưu điểm. Nguy cơ lớn nhất từ việc trao quyền GTPL cho nhánh hành pháp là sự lạm quyền. Hành pháp GTPL sẽ có nhiều cơ hội hơn để đạt được quyết định phù hợp với lợi ích của các chính trị gia. Tỷ trọng rất lớn các dự luật được soạn thảo bởi hành pháp, hành pháp có thể cài đặt lợi ích bằng cách dự thảo luật chung chung để sau khi luật được thông qua sẽ thao túng quyền lực bằng thẩm quyền giải thích. Hơn nữa, GTPL của cơ quan hành pháp sẽ khó khách quan vì hành pháp có thể là một bên đương sự trong các tranh chấp. Mô hình GTPL thuộc thẩm quyền của hành pháp ít được triển khai thực hiện trên thực tế.
GTPL luôn gắn liền với hoạt động áp dụng pháp luật. Do dó, có lẽ hợp lý hơn hết là thẩm quyền GTPL được trao về cho tòa án. Tòa án là cơ quan hoạt động theo nguyên tắc độc lập, ít chịu tác động của các nhánh quyền lực khác hay các nhà chính trị trong bộ máy nhà nước. Tòa án GTPL tiết kiệm được thời gian, công sức, bảo đảm tính kịp thời vì tòa án không thể bỏ qua hoạt động này trong quá trình áp dụng pháp luật. Các thẩm phán có kiến thức chuyên môn sâu, giải thích trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể giúp họ có cơ hội xem xét thấu đáo lợi ích của các bên liên quan một cách công bằng, dân chủ và hợp lý.
Có quan điểm cho rằng tính độc lập của tư pháp làm cho lập pháp ít có cơ hội để kiểm soát các quyết định giải thích của tòa án. Thẩm quyền GTPL thuộc về từng cá nhân thẩm phán cũng khó kiểm soát hơn khi nó thuộc về tập thể cơ quan lập pháp hay hành pháp. Hơn nữa, nếu trong quá trình GTPL, tòa án đi quá xa so với mục đích, tinh thần của cơ quan lập pháp thì trong trường hợp này các thẩm phán không do dân bầu lại thực hiện một quyền không khác gì quyền lập pháp, ranh giới về GTPL và làm luật trở nên rất lu mờ.[17] Ngược lại, có ý kiến cho rằng trao thẩm quyền GTPL cho nhánh tư pháp lại ít nguy cơ lạm quyền hơn trao quyền này cho hành pháp vì tòa án có nhiều thẩm phán khác nhau, các thẩm phán có hệ tư tưởng khác nhau trong khi nhánh hành pháp chịu sự quản lý rất lớn bởi cá nhân người đứng đầu.[18] Quyết định tư pháp thì được làm theo từng vụ việc có tầm ảnh hưởng ít hơn so với quyết định mang tính quy phạm từ nhánh hành pháp quốc gia.
Thông thường, thẩm quyền GTPL chịu ảnh hưởng bởi nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước xuất phát từ học thuyết pháp lý mà xã hội đó đề cao.[19] Tại các nước tổ chức bộ máy nhà nước theo học thuyết phân quyền, quyền GTPL thuộc về tòa án. Sự phân chia này dựa trên niềm tin rằng trách nhiệm làm chính sách mang tính chính trị và dân chủ thuộc về nhánh được bầu chọn, triển khai thi hành chính sách thuộc nhánh hành pháp, GTPL và bảo đảm công bằng thuộc về tòa án.[20] Trong khi lập pháp tự quản lý chương trình nghị sự của chính mình và không bị giới hạn phương pháp để giải quyết vấn đề, tòa án không có các ưu điểm đó. Tuy nhiên, tòa án có kỹ năng tư pháp và sự chuyên nghiệp trong giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp luật. Hơn nữa, vì khó để nhận biết mức độ đại diện của nhánh lập pháp nên việc trao quyền GTPL cho tòa án sẽ giúp đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân thông qua cơ chế kiểm chứng dân chủ. Chính trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể, thẩm phán có điều kiện và có nghĩa vụ quan tâm đến lợi ích của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi quyền lực mang tính cưỡng chế nhà nước.[21]Đối với các nước đề cao học thuyết tập trung quyền lực bắt nguồn từ lý thuyết pháp luật Xô Viết, thẩm quyền GTPL được giữ lại cho nhánh lập pháp. Các nhà lý luận Xô Viết cho rằng một cơ quan không chịu tác động của những bất ngờ chính trị như Tòa án thì không thể GTPL một cách cân bằng và mang tính xã hội.[22] Ở các nước này, pháp luật được hiểu là công cụ thể hiện ý chí của chủ thể cầm quyền và mục đích của GTPL là đảm bảo ý chí chính trị đó. Vì vậy, thẩm quyền GTPL phải thuộc về nhánh lập pháp.
3. Thực tiễn việc trao thẩm quyền giải thích pháp luật ở một số nước trên thế giới
Thực tiễn pháp lý ở nhiều nước cho thấy cả ba nhánh, lập pháp, hành pháp và tư pháp đều tham gia vào hoạt động GTPL. Cơ quan lập pháp GTPL trong quá trình xây dựng pháp luật, thông qua việc giải thích các thuật ngữ pháp lý cơ bản được sử dụng trong các VBQPPL. Hành pháp GTPL thông qua việc ban hành các quyết định hành chính để diễn giải các luật có liên quan cũng như ban hành các quyết định mang tính cá biệt trong quá trình quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quyền GTPL đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu thiết thực và có thể cho là thẩm quyền GTPL tối cao chính là GTPL của Tòa án thông qua hoạt động xét xử.[23] Với thẩm quyền giải thích hiến pháp, Tòa án có quyền tuyên bố luật của cơ quan lập pháp vi hiến. Qua kiểm tra hoạt động GTPL của nhánh hành pháp, Tòa án có quyền hủy bỏ hay tuyên bố vô hiệu một VBQPPL. Tòa án có quyền phán quyết tính đúng đắn của GTPL hành pháp trong quá trình ban hành các quyết định quản lý cá biệt. Ngược lại, cơ quan lập pháp và hành pháp không có quyền tuyên bố kết quả GTPL của tư pháp là vô hiệu.
3.1. Về thẩm quyền giải thích hiến pháp thành văn
Trong hệ thống VBQPPL của mỗi quốc gia, hiến pháp có vị trí đặc biệt, là đạo luật gốc và có giá trị pháp lý cao nhất. Do đó, thẩm quyền giải thích hiến pháp có thể tách biệt so với thẩm quyền giải thích các VBQPPL khác. Thẩm quyền giải thích hiến pháp được các nước trên thế giới tổ chức theo ba mô hình chủ yếu sau đây:
Mô hình thứ nhất là trao quyền giải thích hiến pháp cho cơ quan bảo hiến chuyên trách, có thể là tòa án hiến pháp hoặc hội đồng bảo hiến. Pháp, Đức là các quốc gia điển hình của mô hình này. Ở Pháp, tòa án không có quyền xem xét VBQPPL để làm vô hiệu chúng vì lý do vi hiến. Thẩm quyền cụ thể này thuộc về Hội đồng Hiến pháp (The Conseil Constitutionel).[24]
Mô hình thứ hai là trao quyền giải thích hiến pháp cho tòa án tối cao hoặc tòa án tất cả các cấp đều có quyền giải thích hiến pháp. Ở Úc, pháp luật ghi nhận Tòa án tối cao có thẩm quyền gốc liên quan đến giải thích hiến pháp.[25] Ở Mỹ các tòa án đều có quyền giải thích hiến pháp, Tòa án tối cao có thẩm quyền cao nhất trong việc diễn đạt nghĩa của hiến pháp đối với bất kỳ trường hợp cụ thể nào.[26]
Mô hình thứ ba, giải thích hiến pháp thuộc thẩm quyền của nhánh lập pháp, được áp dụng ở các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam và Trung Quốc. Hiến pháp Trung Quốc hiện hành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền giải thích và giám sát việc thi hành hiến pháp.[27] Tuy nhiên, sự lựa chọn theo mô hình thứ ba này hầu như rất ít tồn tại trên thế giới.[28]
3.2. Về thẩm quyền giải thích các văn bản quy phạm pháp luật khác
Thẩm quyền giải thích các VBQPPL (trừ hiến pháp) nhìn chung được các nước trên thế giới trao cho Tòa án. Tuy nhiên, pháp luật các nước không ghi nhận trực tiếp thẩm quyền GTPL của Tòa án mà thẩm quyền này thường được hiểu ngầm thông qua hoạt động giải thích hiến pháp hoặc thông qua tập quán.
Ở Mỹ, khoản 1 Điều 3 của Hiến pháp Mỹ trao quyền tư pháp cho tòa án tối cao và các tòa án bên dưới.[29] Tiếp nhận quy định trên theo hướng quyền tư pháp bao gồm quyền GTPL, hầu hết các nghiên cứu về GTPL ở Mỹ đều xuất phát từ mối quan hệ giữa lập pháp và tư pháp. Theo quan điểm truyền thống, thẩm phán là người “đại diện trung thành” của nghị viện, GTPL phải tôn trọng câu chữ đã được lập pháp thông qua,[30] hoặc phải dựa trên ý định của lập pháp đối với quy định được giải thích.[31] Tuy nhiên, quan điểm hiện đại cho rằng cần thay đổi vai trò của tòa án từ “người đại diện trung thành” sang “người hợp tác” của nghị viện để cập nhật quy định cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện đại, bổ sung các khoảng trống của pháp luật hoặc sửa lỗi kỹ thuật trong quá trình lập pháp.[32]
Ở Úc, trừ thẩm quyền giải thích hiến pháp của Tòa án tối cao, Hiến pháp Liên bang và các tiểu bang không ghi nhận trực tiếp thẩm quyền GTPL của tòa án, nhưng thẩm quyền này vẫn được quy ước thuộc về tòa án.[33] Ở quốc gia này, có những quy ước liên quan đến việc triển khai các quyền hiến định, nó được xem như tập quán về hoạt động thực tế của bộ máy nhà nước theo Hiến pháp. Ví dụ: Hiến pháp Úc không đề cập Thủ tướng Chính phủ, vẫn có sự đồng ý rằng Thủ tướng là người đứng đầu Nội các, trong khi quyền của Nhà toàn quyền Úc được ghi nhận trong Hiến pháp khá rộng, nhưng Nhà toàn quyền vẫn hành động dựa trên lời khuyên của Thủ tướng.[34] Điều này cho thấy Hiến pháp Úc không phải là công cụ cứng nhắc, nó được giải thích bởi Tòa án tối cao một cách rất linh hoạt.
Ở Đức, tương tự như ở Mỹ và Úc, GTPL thành văn ở Đức thuộc về thẩm quyền của Tòa án mặc dù không có văn bản nào ghi nhận rõ ràng và chính thức thẩm quyền này.[35] Căn cứ để xác định thẩm quyền này là tuyên bố của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức: “Trong giải thích và áp dụng pháp luật, đặc biệt đối với những điều khoản chung, Tòa án phải xem xét đến những chuẩn mực giá trị của luật cơ bản”. Theo đó, các Tòa án Đức đều có thẩm quyền GTPL trong quá trình xét xử, nhưng giá trị pháp lý của kết quả giải thích còn phụ thuộc vào sự công nhận của Tòa án cấp trên, cao nhất vẫn là Tòa án Hiến pháp Liên bang.[36]
Ở Pháp, quyền GTPL thuộc về cả hai hệ thống Tòa án (Tòa án tư pháp và Tòa án hành chính) nhưng GTPL được phân biệt với hoạt động làm luật bởi quan điểm:“Thẩm phán chỉ có thiên chức nói luật chứ không tạo ra luật”.[37] Mục đích GTPL ở Pháp là làm cho luật thành văn theo kịp với điều kiện kinh tế, xã hội nhưng việc lấp các khoảng trống pháp luật lại được hiểu là chức năng của lập pháp. Trong thời kỳ đầu sau cuộc cách mạng tư sản, có quan niệm rằng quyền giải thích tạo thành quyền làm luật nên cần được giữ lại trong tay của Nghị viện.[38] Theo đó, Điều 12 Luật ngày 16 và 24 tháng 8 năm 1790 về tổ chức tư pháp quy định: khi thẩm phán thấy rằng cần thiết để giải thích hoặc bổ sung quy định mới thì phải thỉnh thị Nghị viện để có được cách giải thích chính thống. Tuy nhiên, quy định này đã tỏ ra không hiệu quả và được dỡ bỏ để hoàn trả lại Tòa án quyền GTPL.[39] Trên thực tế, do không bị bắt buộc để trình bày lý do phán quyết trong các bản án nên các thẩm phán Pháp có xu hướng ngụy trang việc lấp các khoảng trống pháp lý bằng GTPL.[40]
Trung Quốc là quốc gia duy trì mô hình GTPL thuộc thẩm quyền của nhánh lập pháp. Thực tế, thẩm quyền GTPL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng từng được cho là vô dụng và từng được bàn luận để xóa bỏ vì sự vô ích của thể chế này.[41] Tuy nhiên, Quyết định năm 1981 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao cho Tòa án nhân dân tối cao thẩm quyền GTPL liên quan đến các câu hỏi về áp dụng luật và nghị định trong các phiên tòa. Đến năm 2015, Luật VBQPPL tại Điều 104 đã ghi nhận hoạt động GTPL của tư pháp ở quốc gia này. Tuy nhiên, theo Quy chế Tòa án nhân dân tối cao về GTPL năm 2007 thì GTPL của tư pháp Trung Quốc chỉ giới hạn ở giải thích của Tòa án nhân dân tối cao trong 4 loại sau: giải thích các quy định trong các lĩnh vực khác nhau nhưng không gắn với một vụ việc cụ thể; trả lời yêu cầu giải thích của Tòa án bên dưới; giải thích các quy tắc của chính Tòa án; sửa đổi hoặc bãi bỏ các giải thích tư pháp trước đó.[42]
4. Thẩm quyền giải thích pháp luật ở nước ta hiện nay
Là một nước xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ trao quyền GTPL nói chung (Hiến pháp năm 1959) và trao quyền giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh (Hiến pháp năm 1980, 1992 và năm 2013) cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua hơn nửa thế kỷ được trao quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dường như đã bỏ quên việc triển khai thẩm quyền GTPL được giao. Đây chính là một minh chứng cho thấy tính không phù hợp của việc trao thẩm quyền GTPL cho nhánh lập pháp. Tuy nhiên, thật không dễ dàng để trả lời câu hỏi “Quốc hội nước ta có trao quyền GTPL cho Tòa án hay không?”.
Hiến pháp hiện hành chỉ trao quyền giải thích có tính quy phạm đối với hiến pháp, luật và pháp lệnh cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn thẩm quyền GTPL mang tính vụ việc thì không được đề cập, cũng không có quy định nào khẳng định rằng Tòa án nước ta không có thẩm quyền GTPL. Cụm từ “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” được quy định tại khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 chưa từng được giải thích. Nếu nội hàm quyền tư pháp bao gồm quyền GTPL như cách hiểu của Hiến pháp Mỹ và Úc đã được đề cập thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền GTPL.
Với cơ chế bảo hiến không chuyên trách, thông qua Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Quốc hội trao cho rất nhiều chủ thể khác nhau từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân … quyền bãi bỏ một VBQPPL nhất định khi cho rằng văn bản đó trái với Hiến pháp hoặc VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.[43] Thật khó hình dung chủ thể nào đó có thể kết luận một VBQPPL trái với hiến pháp hoặc luật mà không giải thích hiến pháp hoặc luật đó. Tương tự, liệu Tòa án có quyền GTPL hay không nếu trong quá trình xét xử, Tòa án có quyền phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản pháp luật trái với hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?[44] Tuy nhiên, với quyền kiến nghị trên, giải pháp mà pháp luật đưa ra cho Tòa án không gì khác hơn chỉ có thể là đợi chờ sự không phản hồi của chủ thể được kiến nghị bỏ VBQPPL đó mà áp dụng VBQPPL có giá trị pháp lý cao hơn.[45]
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP đã thừa nhận án lệ theo hướng GTPL.[46] Theo Điều 2 khoản 1 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP thì: “Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau…” Phải chăng khi tòa án có quyền tạo lập án lệ có nghĩa là Tòa án đã gián tiếp được trao quyền GTPL?
Mặt khác, Tòa án không được phép từ chối thụ lý vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.[47]Tòa án được yêu cầu áp dụng lần lượt các nguồn theo thứ tự ưu tiên từ tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định.[48]Liệu rằng Tòa án có thể giải quyết các vụ việc bằng nguyên tắc chung của pháp luật hay tương tự pháp luật mà không GTPL? Đã có ý kiến cho rằng quy định trên làm tăng thẩm quyền GTPL của Tòa án và Thẩm phán.[49]
Dù kết quả của việc trả lời câu hỏi “Quốc hội nước ta có trao quyền GTPL cho Tòa án hay không” ra sao thì chính các thẩm phán vẫn là người GTPL thường xuyên nhất để xác định nội dung, ý nghĩa cụ thể cho từng quy định cũng như phạm vi áp dụng của nó. Chính vì vậy, đâu đó có quan điểm cho rằng GTPL thông qua áp dụng pháp luật mới là GTPL đúng nghĩa.
5. Kiến nghị phân định lại thẩm quyền giải thích pháp luật ở nước ta
Quyền GTPL bao gồm giải thích hiến pháp là một phần của quyền tư pháp. Do đó, trao quyền giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có sự nhầm lẫn giữa quyền lập pháp và tư pháp.[50] Bên cạnh đó, việc trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp lệnh của chính mình là không hợp lý vì khi cần giải thích làm rõ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có toàn quyền sửa đổi, bổ sung thậm chí ban hành pháp lệnh khác thay thế. Cơ sở lý thuyết để trao quyền GTPL cho nhánh lập pháp chính là đảm bảo ý chí của chủ thể nắm quyền lực nhà nước.Tuy nhiên, vì thiếu tính khả thi nên quy định sẽ bị mất đi giá trị, ý nghĩa của nó cũng như nhà làm luật sẽ không thể đạt được mục đích của mình.Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiếm khi thấy được “sự mắc mớ” từ các quy định pháp luật, do đó hoạt động GTPL bị cơ quan này quên lãng. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, hoạt động này được thực hiện bởi nhiều chủ thể không có thẩm quyền trong điều kiện không có sự điều chỉnh của pháp luật, rất khó kiểm soát.
Thực tiễn đã chứng minh một hoạt động mang tính pháp lý chỉ phát triển thực sự khi chủ thể thực hiện hoạt động đó có thẩm quyền và có cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai. Chắc chắn rằng, đối với hoạt động GTPL điều này cũng không ngoại lệ. Vì vậy, thẩm quyền GTPL của Tòa án nước tanên được chính thức ghi nhận theo hướng bất kỳ thẩm phán nào, thuộc Tòa án cấp nào cũng có quyền giải thích tất cả các VBQPPL bao gồm hiến pháp. GTPL của Tòa án cấp dưới sẽ được kiểm tra bởi Tòa án cấp trên cùng với quá trình tố tụng để giải quyết vụ án. Kết quả giải thích có tính chuẩn mực trong việc định hướng áp dụng pháp luật sẽ được chọn lọc và công bố thành các bản án lệ.
Mặt khác, cần duy trì quyền của Tòa án để trực tiếp khước từ việc áp dụng VBQPPL trái với hiến pháp, luật và VBQPPL khác có giá trị pháp lý cao hơn mà không nhất thiết phải trải qua giai đoạn đề nghị, kiến nghị và đợi chờ theo quy định của các luật tố tụng hiện hành. Nếu Nhà nước đã mở ra cơ chế kiến nghị của Tòa án đối với chủ thể ban hành VBQPPL thì điều cần phải làm tiếp theo là tạo ra cơ chế xử lý kết quả phản hồi của chủ thể ban hành. Thiết nghĩ, trên cơ sở thẩm quyền GTPL chính thức được ghi nhận, Tòa án cần có quyền xử lý các VBQPPL mà Tòa án cho là vi phạm hiến pháp, luật và các VBQPPL cấp trên. Thẩm quyền xử lý VBQPPL vi hiến hoặc trái với VBQPPL cấp trên này cần được nghiên cứu để phân giao hợp lý, trong đó đảm bảo quyền GTPL cao nhất thuộc về Tòa án Nhân dân tối cao.
Trong quá trình tổ chức quyền lực nhà nước, Tòa án nắm giữ thẩm quyền GTPL là đòi hỏi tất yếu khách quan vì GTPL là một phần không thể tách rời của quyền lực tư pháp. Khác với các nước, Việt Nam với truyền thống đề cao luật thành văn và với sự ghi nhận chính thức bởi Hiến pháp thẩm quyền giải thích có tính quy phạm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì việc ra VBQPPL để trao quyền GTPL chính thức cho Tòa án là cần thiết. Đây chính là cơ sở để yêu cầu Tòa án công khai tư duy của mình trong các bản án về cách hiểu các quy định. Với yêu cầu này, các bản án ngày càng trở nên minh bạch, rõ ràng và thuyết phục. Đây cũng là điều kiện cần thiết để tiếp tục ban hành các VBQPPL điều chỉnh hoạt động GTPL của Tòa án, góp phần nâng cao tính thống nhất và hiệu quả của pháp luật, đảm bảo công bằng, công lý.
CHÚ THÍCH
[1] Viện ngôn ngữ học (Hoàng Phê, chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr. 388.
[2] Donal Dworkin, Law’s Empire, Pub. The Belknap Press of Harvard University Press, England, 1986, tr. 49 – 54.
[3] Donal Dworkin, sđd, tr. 65.
[4] Dựa trên thực tế xã hội để giải thích Hiến pháp Mỹ, người giải thích đã đặt vào văn bản những gì con người muốn để hình phạt tử hình trở nên vi hiến mặc dù từ ngữ trong hiến pháp thì không thay đổi.
[5] Donal Dworkin, sđd, tr. 50.
[6] Giáo sư Đại học Łódź Ba Lan
[7] D Neil Mac Cormick and Robert S Summers, Interpreting statutes a comparative study, Pub. Routledge Taylor & Francis Group, London and Newyork, 1990, tr. 12 -13.
[8] Aharon Barak, Purposive Interpretation in Law, Pub. Princeton University Press, 2005, tr. 13.
[9] D Neil Mac Cormick and Robert S Summers, sđd, tr. 3.
[10] Aharon Barak, sđd, tr. 3.
[11] J.H. Wigmore, Evidence 2459, Chadbourn Rev, 1981 cited by Aharon Barak, p. 12.
[12]Aharon Barak, sđd, tr. 9.
[13] Hoàng Văn Tú, Kỷ yếu hội thảo quốc tế về GTPL:GTPL một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr. 106.
[14] Perry Herzfeld, Thomas prince and Stephen Tully, Interpretation and use of legal sourcesthe laws of Australia, Pub.Thomson Reuters, Sydney, 2013, tr. 619.
[15] Nguyễn Cửu Việt, Chuyên đề Phân định thẩm quyền – Công cụ pháp lý của phân cấp quản lý, Tài liệu giảng dạy nghiên cứu sinh ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 1.
[16] Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 727.
[17] Linda D. Jellum, Mastering statutory interpretation, Pub. Carolina Academic Press, USA, 2008, tr. 6.
[18] Frank. B Cross, The theory and practice of statutory interpretation, Pub. Stanford Law Books, California, 2009, tr. 3 – 4.
[19] Tô Văn Hòa, Kỷ yếu hội thảo quốc tế về GTPL: GTPL một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2008, tr. 45.
[20] Ruth Sullivan, Statutory interpretation, Pub. Irwin Laaw Inc, Toronto, 2007, tr. 35.
[21] Glen Staszwski, “The Dumbing Down of Statutory Interpretation”, Boston University Law Review, Vol. 95, No. 1, 2015, tr. 209 – 245.
[22] John Gillespie, Kỷ yếu hội thảo quốc tế về GTPL một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2008. tr.12.
[23] Nguyễn Thị Ánh Vân, “Bài học từ kinh nghiệm GTPL thành văn của một số nước Civil law và Common law”, Tạp chí Luật học, số 5/2016, tr. 79.
[24] D. Neil Mac Cormick and Robert S. Summers, sđd, tr. 172.
[25] Điều 76 Hiến pháp Liên bang Úc và Điều 30 Luật Tư pháp của Liên bang Úc.
[26] Nguyễn Văn Cương, “Vài nét về giải thích hiến pháp ở Hoa kỳ”, trang điện tử Thế giới Luật, https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/vai-net-ve-giai-thich-hien-phap-o-hoa-ky-260/, truy cập ngày 11/4/2018.
[27] Điều 67, khoản 1, Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 sửa đổi năm 1988, 1993, 1999 và 2004 và sửa đổi lần thứ năm vào tháng 3/2018.
[28] Nguyễn Thị Ánh Vân, tlđd, 2016, tr. 80.
[29] World Book, Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chú thích, Nxb. Hồng Đức, 2004 https://photos.state.gov/libraries/vietnam/8621/translations/us-constitution.pdf, truy cập ngày 26/5/2018.
[30] Antonin Scalia and Bryan A Garner, Reading law, Pub. Thomson/West, USA, 2012.
[31] Frank B Cross, sđd, tr.10.
[32] Frank B Cross, sđd, tr.15.
[33] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony, Connecting with law, Pub. Oxford, Australia, 2009, tr. 69
[34] Michelle Sanson, David Worswwick and Thalia Anthony, sđd, tr.75.
[35] Nguyễn Thị Ánh Vân, “Bài học kinh nghiệm từ giải thích pháp luật thành văn của Cộng hòa liên bang Đức”, Tạp chí Luật học, số 6, 2012, tr. 67.
[36] Nguyễn Thị Ánh Vân, tlđd, 2012, tr. 67.
[37] Điều 5 Bộ luật Dân sự Pháp cấm các thẩm phán không được tạo ra quy tắc chung trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể. Trong khi đó, Điều 4 Bộ luật này cấm thẩm phán từ chối giải quyết vụ việc vì lý do không có luật, luật không đầy đủ hoặc khó hiểu và có thể bị kết tội trì hoãn công lý. Tuy nhiên, bằng cách nào các thẩm phán giải quyết vụ việc khi luật không đầy đủ, hoặc khó hiểu thì không được đề cập.
[38] Morigiwa, Stolleis and Halperin, Interpretation of law in the age of enlightenment from the rule of the king to the rule of law, Pub. Springer, New York, 2011, tr. 141
[39] Eva Steiner, French Law: A Comparative Approach, Pub. Oxford University Press, 2012, tr. 80- 81 trích bởi Nguyễn Thị Ánh Vân, tlđd, 2016, tr. 86.
[40] D. Neil MacCormick and Robert S. Summers, sđd, tr. 177
[41] George G. Zheng, Kỷ yếu hội thảo quốc tế về GTPL: GTPL một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2008 tr.204.
[42] Supreme People’s Court Monitor, “The Supreme People’s Court and interpreting the law, revisited”, https://supremepeoplescourtmonitor.com/2015/07/10/the-supreme-peoples-court-and-interpreting-the-law-revisited-part-one/, truy cập ngày 16/6/2018.
[43] Xem chương XV Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.
[44] Khoản 7, Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[45] Điểm e, khoản 1, Điều 141 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[46] Khoản 2, Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[47] Khoản 2, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[48] Điều 5 và Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[49] Hoàng Thư, “Tăng thẩm quyền giải thích cho Tòa án?”, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, truy cập ngày15/5/2018.
[50] Nguyễn Đăng Dung, Quốc hội Việt Nam trong nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr. 227.
Tác giả: ThS. Huỳnh Thị Sinh Hiền
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(121)/2018 – 2018, Trang 21-29
Trả lời