Mục lục
Trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong Luật Tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam
TÓM TẮT
Quyền im lặng là một đảm bảo tố tụng của người bị buộc tội, được xây dựng trên cơ sở đặc quyền chống lại sự tự buộc tội. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành vẫn chưa ghi nhận trực tiếp quyền im lặng cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Thiếu sót này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức cung, nhục hình và gây khó khăn cho việc thực hiện quyền bào chữa trong thực tiễn. Bài viết trình bày cơ sở lý luận, đặc điểm và nội dung của quyền im lặng theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia; phân tích những quy định gián tiếp của pháp luật Việt Nam và những tranh luận liên quan đến quyền im lặng. Tác giả ủng hộ quan điểm nên trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới.
Xem thêm:
- Nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền được im lặng trong Tố tụng hình sự – Một số vấn đề đặt ra – ThS. Trịnh Tuấn Anh & ThS. Nguyễn Thị Thanh Nhã
- Quyền im lặng của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự – ThS. Võ Minh Kỳ & ThS. Nguyễn Phương Anh
- Nội luật hóa Công ước chống tra tấn về bảo đảm quyền của người bị buộc tội trong lĩnh vực tố tụng hình sự – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
TỪ KHÓA: Quyền im lặng, Người bị buộc tội, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Nguồn gốc lịch sử của quyền im lặng
Quyền im lặng đã được xây dựng dựa trên cơ sở “đặc quyền chống lại sự tự buộc tội” (privilege against self-incrimination) và những quan điểm mở rộng về nguyên tắc pháp luật (the rule of law) được tán thành bởi truyền thống tự do[1]. Theo đó, một người không bắt buộc phải trả lời những câu hỏi có khả năng dẫn đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quyền im lặng là một sự bảo vệ mang tính tố tụng trước sức mạnh của nhà nước, xuất hiện từ thời kỳ phát triển của tố tụng tranh tụng vào cuối thế kỷ 18[2].
Lịch sử tố tụng Anh – Mỹ chứng kiến sự thay đổi từ học thuyết “người bị buộc tội trình bày” (accused speaks theory) đến học thuyết “kiểm tra sự buộc tội” (testing the prosecution theory). Từ giữa thế kỷ 16 đến khoảng cuối thế kỷ 18, sự bảo đảm cơ bản cho bị cáo trong tố tụng hình sự của hệ thống án lệ không phải là quyền im lặng mà là cơ hội để được phát biểu[3]. Mục đích cốt lõi của việc xét xử hình sự là tạo điều kiện để bị cáo có cơ hội được tự trả lời nhằm chống lại sự buộc tội đối với anh ta. Điều này có nghĩa nếu bị cáo từ chối trả lời thì anh ta đã tự tước bỏ quyền bào chữa. Ngoài ra, người bào chữa trong giai đoạn này bị ngăn cấm không được tham gia tố tụng để bảo vệ cho những bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Vai trò của người bào chữa tại phiên tòa là rất hạn chế. Họ chỉ được quyền nói đến khía cạnh pháp lý của vụ án. Nếu việc bào chữa phát sinh từ những vấn đề thuộc về tình tiết, sự kiện, bị cáo phải tự trình bày trước thẩm phán và bồi thẩm đoàn[4].
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 18 và đặc biệt là thế kỷ 19, một cách nhìn mới về mục đích của việc xét xử hình sự đã xuất hiện và chiếm ưu thế. Dưới sự ảnh hưởng của những người bào chữa, việc xét xử hình sự được xem là một cơ hội cho luật sư của bị cáo kiểm tra, thử thách bên công tố. Đặc quyền chống lại sự tự buộc tội theo đó được hình thành trong tố tụng hình sự của các nước theo hệ thống án lệ (cùng với tiêu chuẩn chứng cứ vượt quá sự nghi ngờ hợp lý (beyond reasonable doubt) và luật hiện đại về chứng cứ hình sự) như là một phần của sự thiết kế lại toàn bộ trật tự phiên tòa[5]. Đây thật sự là một phiên tòa của các bên buộc tội và bào chữa, cho phép bị cáo có quyền từ chối trở thành một nhân chứng chống lại chính mình[6]. Chỉ khi học thuyết hiện đại “kiểm tra sự buộc tội” trong việc xét sử hình sự thay thế học thuyết “người bị buộc tội trình bày”, các bị cáo mới có được một quyền hữu hiệu để từ chối trả lời những buộc tội đối với mình[7]. Có thể nói những người bào chữa đã góp công lớn trong việc khai sinh ra đặc quyền chống lại sự tự buộc tội và quyền im lặng, cũng như tạo nên một cuộc cách mạng về tố tụng mà kết quả của nó vẫn còn tồn tại trong hệ thống tư pháp Anh – Mỹ cho đến ngày nay.
2. Đặc điểm, nội dung quyền im lặng của người bị buộc tội theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia
a. Cơ sở pháp lý
Một số văn bản pháp luật quốc tế chỉ ghi nhận hoặc là đặc quyền chống lại sự tự buộc tội hoặc là quyền im lặng, một số khác quy định cả hai. Công ước Liên hợp quốc về các Quyền dân sự và chính trị (điểm g khoản 3 Điều 14) và Công ước về các Quyền của trẻ em (điểm iv khoản 2 Điều 40) ghi nhận nguyên tắc: “Mọi người không bị bắt buộc phải khai báo để chống lại mình hoặc phải nhận tội”. Trong khi đó, Quy tắc Bắc Kinh (quy tắc 7.1) yêu cầu quyền im lặng của người chưa thành niên bị buộc tội phải được đảm bảo trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng. Quy chế Tòa án hình sự quốc tế (điểm g khoản 1 điều 67) quy định trong giai đoạn xét xử, bị cáo “không bị bắt buộc phải khai báo hoặc nhận tội và được quyền im lặng, việc im lặng này không là một căn cứ để xác định sự có tội hoặc vô tội”.
Ở cấp độ châu lục, Công ước về các Quyền con người của châu Mỹ[8] (điểm g khoản 2 Điều 8) cũng khẳng định bất kỳ người bị buộc tội nào đều không bắt buộc “phải làm nhân chứng chống lại chính mình hoặc phải nhận tội”. Năm 2012, Hội đồng và Nghị viện châu Âu đã ban hành Chỉ thị về Quyền được thông tin trong các vụ án hình sự (Directive on the Right to Information in Criminal Proceedings). Theo đó, các quốc gia thành viên phải bảo đảm người bị tình nghi, bị can được thông báo nhanh chóng về các quyền tố tụng, bao gồm quyền im lặng (điểm e khoản 1 Điều 3).
Ở cấp độ quốc gia, tất cả các nước theo hệ thống án lệ đều ghi nhận quyền im lặng khi bị thẩm vấn bởi cảnh sát[9] trong hiến pháp, pháp luật hình sự, tố tụng hình sự hoặc luật chứng cứ. Ví dụ: Luật về Tư pháp hình sự và trật tự công cộng năm 1994 (Criminal Justice and Public Order Act 1994) của Vương quốc Anh (Điều 34 – 39); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2010 của Singapore (Điều 23); các bang của Úc: Luật về các tội phạm năm 1958 (Victoria) (khoản 3, Điều 464A), Luật về Chứng cứ năm 1995 (New South Wales) (Điều 89). Ở Mỹ, đặc quyền chống lại sự tự buộc tội là một quyền hiến định (theo Bản sửa đổi thứ năm của Hiến pháp)[10]. Trong vụ án nổi tiếng “Miranda”[11], Tòa án tối cao Mỹ yêu cầu cảnh sát phải thông báo cho một người trước khi bắt đầu việc hỏi cung rằng anh ta có quyền im lặng (và cả việc có luật sư trong quá trình hỏi cung). Nếu như người này bày tỏ ý định muốn im lặng, buổi hỏi cung phải được tạm ngưng. Bất kỳ lời khai nào khi thu thập mà vi phạm quy tắc này sẽ không được viện dẫn trong quá trình xét xử để làm căn cứ buộc tội[12]. Các nước theo hệ phống pháp luật châu Âu lục địa cũng đã ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội. Ví dụ: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2000 của Pháp (Điều 116), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1987 của Đức (Điều 136), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1981 của Na Uy (Điều 90)…
b. Đặc điểm và nội dung của quyền im lặng
Quyền im lặng chỉ được áp dụng cho cá nhân. Như đã đề cập, quyền im lặng được xây dựng trên cơ sở đặc quyền chống lại sự tự buộc tội – một trong những quyền cơ bản của con người. Mục đích nguyên thủy của quyền im lặng là nhằm bảo vệ cá nhân bị nghi ngờ trước quyền lực nhà nước. Đây là một yếu tố không thể thiếu đối với việc bảo vệ con người pháp lý tự nhiên (natural legal person) trong hệ thống tư pháp hình sự[13]. Pháp nhân nói chung không phải là đối tượng được áp dụng quyền này.
Quyền im lặng trong các giai đoạn của quá trình tố tụng. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự các nước thường có sự phân biệt về quyền im lặng trước và trong giai đoạn xét xử dựa trên những cơ sở lý luận khác nhau. Quyền im lặng trước khi xét xử (khi được thẩm vấn bởi cảnh sát) dựa trên quan niệm về sự công bằng trong những biện pháp của nhà nước khi tiến hành điều tra và chứng minh tội phạm[14]. Cơ sở lý luận này không áp dụng cho quyền im lặng tại phiên tòa bởi vì tại đây bị cáo không bị bắt buộc khai báo để chống lại anh ta mà là để bào chữa cho mình. Một điều cần lưu ý là quyền im lặng không áp dụng cho việc thu giữ những tài liệu bởi lệnh khám xét (search warrant) hoặc các yêu cầu hợp pháp đối với việc trình bày những thứ được xác định là chứng cứ vật chất (real or physical evidence) của vụ án mẫu vật trên người của nghi phạm[15] (nước bọt, máu, tóc…).
Các cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người bị bắt về quyền im lặng. Pháp luật quốc tế và quốc gia cũng đã có những quy định nhất quán về vấn đề này. Trong văn bản Những nguyên tắc và hướng dẫn đối với việc trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự (United Nations Principles and Guidelines on Access to Legal Aid in Criminal Justice Systems) năm 2012, Liên hợp quốc đề nghị các quốc gia thành viên nên ban hành những biện pháp nhằm thông báo nhanh chóng cho người bị giam giữ, bị bắt, bị tình nghi hoặc bị buộc tội quyền được im lặng; quyền được tư vấn từ người bào chữa hoặc người trợ giúp pháp lý (nếu đủ điều kiện) tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, đặc biệt trước khi bị thẩm vấn[16]. Pháp luật các quốc gia thường yêu cầu cảnh sát phải giải thích cho người bị bắt, bị can (trước khi hỏi cung) rằng họ không có nghĩa vụ phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào nhưng những gì họ nói có thể được sử dụng làm chứng cứ chống lại họ khi xét xử. Trong trường hợp người bị bắt do không được thông báo về quyền này nên đã trình bày những thông tin gây bất lợi cho mình thì những thông tin đó sẽ không được coi là chứng cứ buộc tội.
Người bị buộc tội không bắt buộc phải đưa ra những lời khai chống lại mình. Họ có quyền im lặng khi bị thẩm vấn hoặc yêu cầu cung cấp những thông tin bởi bất kỳ người có thẩm quyền nào về diễn biến của tội phạm, danh tính của những người tham gia và vai trò của họ trong vụ án[17]. Những người có thẩm quyền không được sử dụng các biện pháp trái luật để ép buộc người bị bắt khai báo. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Quyền con người đã nhấn mạnh: “Nhằm bắt buộc bị can phải nhận tội hoặc khai báo chống lại anh ra, nhiều biện pháp thường xuyên được sử dụng vi phạm những quy định tại Điều 7 và khoản 1 Điều 10 Công ước về các Quyền dân sự và chính trị. Pháp luật nên quy định chứng cứ thu thập được bằng những biện pháp này hoàn toàn không được thừa nhận”[18]. Đây là những biện pháp vi phạm nguyên tắc: “Không ai là đối tượng của sự tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách thô lỗ, phi nhân đạo” và “Tất cả những người bị tước bỏ tự do phải được đối xử nhân đạo và được tôn trọng giá trị vốn có của con người”.
Các cơ quan có thẩm quyền không được xem sự im lặng của bị can, bị cáo là một căn cứ để kết án. Quyền im lặng trước đây tuyệt đối ngăn cấm các cơ quan có thẩm quyền suy luận im lặng đồng nghĩa với có tội hoặc sử dụng sự im lặng của bị can trong giai đoạn điều tra như một căn cứ nhằm làm giảm hiệu quả của việc bào chữa sau đó tại phiên tòa. Yêu cầu này của quyền im lặng hiện nay đã có sự thay đổi trong cả giai đoạn điều tra và xét xử. Các cơ quan có thẩm quyền, khi có căn cứ và thích hợp, được phép đưa ra những suy luận bất lợi (adverse inference) cho bị can không khai báo. Mặc dù một bị can sẽ không trực tiếp chịu hình phạt bởi sự im lặng, anh ta được khuyến khích trả lời những câu hỏi của cảnh sát và thẩm phán nhằm tránh nguy cơ bị suy luận bất lợi từ việc im lặng.
c. Một số vấn đề thay đổi về quyền im lặng của người bị buộc tội
Nội dung ban đầu của quyền im lặng đã được sửa đổi bởi một số quốc gia theo hệ thống án lệ bao gồm: Bắc Ireland, Vương quốc Anh, Singapore và Úc (bang New South Wales). Các nước này cho phép tòa án có “những suy luận bất lợi khi xét xử đối với bị cáo đã không cung cấp một số thông tin nhất định cho cảnh sát”[19]. Hiện nay có nhiều tranh luận xung quanh những trường hợp tòa án có thể đưa ra suy luận bất lợi cho bị cáo đã im lặng khi bị thẩm vấn trong giai đoạn điều tra. Để nhắc nhở người bị bắt về khả năng có thể bị suy luận bất lợi, cảnh sát ở Vương quốc Anh đã thay đổi lời cảnh báo như sau: “Anh không phải nói bất cứ điều gì. Nhưng nó có thể gây bất lợi cho sự bào chữa của anh nếu khi được thẩm vấn anh đã không đề cập đến những tình tiết mà anh sẽ dựa vào sau này tại tòa án. Tất cả những gì anh nói có thể trở thành chứng cứ”[20]. Pháp luật Vương quốc Anh quy định thẩm phán và công tố viên được quyền bình luận, giải thích cho bồi thẩm đoàn biết về những suy luận bất lợi có thể được đưa ra.
Cần phải lưu ý một bị cáo không thể bị kết án nếu chỉ đơn thuần dựa vào sự im lặng của anh ta[21]. Mặc dù vậy, trong trường hợp rõ ràng cần đến sự giải thích từ phía bị cáo, tòa án có thể xem xét sự im lặng khi đánh giá chứng cứ của cơ quan công tố. Đối với một vụ án có nhiều chứng cứ trực tiếp chống lại bị cáo (độc lập với những suy luận bất lợi đưa ra từ sự im lặng của bị cáo), bồi thẩm đoàn có thể kết hợp các chứng cứ này với những suy luận hợp pháp để tin chắc rằng bị cáo có tội[22].
Mặc dù quyền im lặng trong giai đoạn xét xử được thừa nhận bởi tất cả các nước theo hệ thống án lệ, pháp luật liên quan đến việc giải thích, bình luận về sự im lặng của bị cáo ở các quốc gia này là khác nhau. Một số nước ngăn cấm lời bình luận của cả thẩm phán và công tố viên. Những nước khác đặc biệt cho phép bồi thẩm đoàn được quyền đưa ra những suy luận rất bất lợi, và cũng cho phép thẩm phán, công tố viên được quyền bình luận[23].
3. Những quy định của luật tố tụng hình sự Việt Nam liên quan đến quyền im lặng
Hệ thống pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) của nước ta từ trước đến nay chưa có một quy định nào trực tiếp ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội. Tuy nhiên, quyền tố tụng này đã gián tiếp được phản ánh thông qua một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) như: nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; quyền trình bày lời khai của người bị tạm giữ, bị can; quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa của bị cáo.
a. Nguyên tắc xác định sự thật vụ án
Một trong những nội dung của nguyên tắc xác định sự thật vụ án (Điều 10 BLTTHS) là: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Quy định này trực tiếp khẳng định các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) là những chủ thể có nghĩa vụ tìm ra sự thật của vụ án, chứng minh sự có tội hoặc vô tội của bị can, bị cáo. Ngược lại, đối với bị can, bị cáo, pháp luật TTHS ghi nhận cho họ quyền chứng minh sự vô tội của mình. Để thực hiện điều này, họ thường đưa ra lời khai chứa đựng những thông tin làm vô hiệu các chứng cứ buộc tội của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tuy nhiên, vì đây là quyền nên bị can, bị cáo có thể sử dụng hoặc không sử dụng. Trong trường hợp họ không muốn khai báo vì bất kỳ lý do nào, họ được phép im lặng. Các CQTHTT không thể chuyển trách nhiệm chứng minh sự vô tội sang cho bị can, bị cáo; không được suy luận sự im lặng của bị can, bị cáo đồng nghĩa với việc họ đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình; cũng như không được xem đây là tình tiết làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của họ[24].
b. Quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, tranh luận
Nhằm đảm bảo quyền bào chữa, BLTTHS ghi nhận quyền trình bày lời khai cho người bị tạm giữ, bị can (điểm c khoản 2 Điều 48, 49); quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa cho bị cáo (điểm g khoản 2 Điều 50). Những điều luật này, khác với Điều 10 BLTTHS, trực tiếp khẳng định khai báo là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người bị buộc tội và gián tiếp thừa nhận quyền im lặng cho họ.
c. Hạn chế và hậu quả
Việc không trực tiếp quy định quyền im lặng cho người bị buộc tội là một thiếu sót nghiêm trọng của pháp luật TTHS nước ta. Đặc quyền chống lại sự tự buộc tội cũng như quyền im lặng không chỉ là một trong những đảm bảo tố tụng quan trọng mà còn là quyền con người đã được ghi nhận từ hơn hai thế kỷ trước. Hơn nữa, là một quốc gia thành viên của Công ước về các Quyền dân sự và chính trị, Việt Nam lại không hoàn thành nghĩa vụ chuyển hóa quy định “không ai bị bắt buộc phải khai báo để chống lại mình hoặc phải thú tội” vào hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia.
Chính sự thiếu sót này, cùng với nhiều hạn chế khác, có thể là nguyên nhân dẫn đến thực trạng rất nhiều vụ án hình sự bị xét xử oan, sai trong thời gian qua. Người bị buộc tội đã không có cơ hội để nhận biết và sử dụng quyền im lặng của mình khi cần thiết. Các CQTHTT không nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nguồn gốc và những yêu cầu của quyền này. Ngược lại, vì tâm lý “trọng cung hơn trọng chứng”, xem lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ quan trọng nhất, cộng với áp lực phải phá án nhanh chóng và do trình độ nghiệp vụ hạn chế, một số người tiến hành tố tụng (đặc biệt là điều tra viên) đã sử dụng các hình thức bức cung, nhục hình đối với những bị can không khai báo. Một số khác cố tình gây khó khăn cho người bào chữa trong quá trình tiếp xúc và tư vấn cho bị can, bị cáo vì lo sợ người bào chữa sẽ thông báo và giải thích cho thân chủ của họ về đặc điểm các quyền tố tụng trong đó có quyền trình bày lời khai.
4. Tranh luận về việc ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
Hiện nay có hai luồng quan điểm trái ngược nhau về vấn đề có nên trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội vào luật sửa đổi, bổ sung BLTTHS nước ta trong thời gian tới hay không. Phần lớn giới luật sư và giảng viên của các trường luật cho rằng đã đến lúc phải ghi nhận trực tiếp quyền này, trong khi một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Viện kiểm sát, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội, Học viện tư pháp lại không tán thành. Ngoài ra, nhận thức về đặc điểm, nội dung của quyền im lặng cũng chưa có sự thống nhất. Tác giả tán thành quan điểm nên ghi nhận trực tiếp quyền im lặng cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong quá trình TTHS dựa trên những lý do sau:
a. Quyền im lặng là quyền con người và là một trong những đảm bảo tố tụng quan trọng của người bị buộc tội
Có ý kiến cho rằng quyền im lặng không phải là quyền con người mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người bị buộc tội trong TTHS nhằm thực hiện chức năng gỡ tội[25]. Ngược lại, có ý kiến khẳng định quyền im lặng là một bộ phận cấu thành, một trong những quyền để thực hiện quyền bào chữa. Vì vậy quyền im lặng phải nằm trong nhóm quyền con người, quyền công dân[26]. Không đề cập đến quyền bào chữa nhưng luật sư Phan Trung Hoài cũng nhận xét quyền im lặng xuất phát từ quyền cơ bản của con người. Do đó, việc ghi nhận quyền này không phải chỉ là yêu cầu, mong mỏi của luật sư hay bản thân bị can, bị cáo mà đó chính là từ những điều Hiến pháp quy định[27].
Tác giả nhận thấy quyền im lặng có mối quan hệ mật thiết với quyền bào chữa nhưng không thuộc nội hàm của quyền bào chữa. Quyền bào chữa thường ám chỉ việc người bị buộc tội (hoặc người bào chữa) đưa ra những tài liệu, đồ vật, lời khai chứa đựng những thông tin chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình (hoặc của thân chủ). Rất khó thuyết phục khi cho rằng im lặng (hay nói chính xác hơn im lặng không đưa ra những lời khai gây bất lợi) là một trong những cách thức để tự bào chữa. Như đã trình bày ở phần trên, quyền im lặng được xây dựng trên cơ sở một quyền cơ bản của con người – đặc quyền chống lại sự tự buộc tội. Công ước Liên hợp quốc về các Quyền dân sự và chính trị quy định mọi người có quyền không bị bắt buộc phải khai báo để chống lại mình hoặc phải nhận tội. Bên cạnh đó, Công ước cũng ghi nhận quyền bào chữa cho người bị buộc tội[28]. Điều này gián tiếp cho thấy quyền im lặng và quyền bào chữa là khác nhau. Tuy vậy, tương tự như quyền được suy đoán vô tội, quyền bào chữa, quyền được xét xử công bằng… quyền im lặng là một trong những đảm bảo tố tụng rất cần thiết được pháp luật ghi nhận nhằm bảo vệ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trước sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Việc quy định trực tiếp quyền im lặng thể hiện sự tiến bộ, văn minh của pháp luật TTHS[29], góp phần thu ngắn khoảng cách giữa hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam và luật pháp quốc tế.
b. Gián tiếp nâng cao vị thế của người bào chữa
Do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, vai trò của người bào chữa hiện nay trong các vụ án hình sự chưa được thể hiện một cách đầy đủ, rõ nét. Để cải thiện điều này, hầu hết giới luật sư ở Việt Nam đều khẳng định cần phải trực tiếp ghi nhận và áp dụng quyền im lặng cho người bị buộc tội[30]. Mặc dù BLTTHS quy định người bào chữa có quyền tham gia ngay từ khi có quyết định tạm giữ, nhưng trong thực tế họ chỉ được thông báo để tham gia thẩm vấn thân chủ khi cơ quan điều tra “thích” (thông thường khi người bị tạm giữ, bị can đã nhận tội)[31]. Sự hiện diện của người bào chữa lúc này chỉ mang tính hình thức, giúp cơ quan điều tra “hợp pháp hóa” các bản hỏi cung trước đó. Chính vì vậy, khi người bị tạm giữ, bị can có quyền im lặng thì cơ quan điều tra bắt buộc phải tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa tham gia vào các buổi lấy lời khai, hỏi cung trong thời gian sớm nhất nếu muốn nhanh chóng thu thập được những thông tin về tội phạm. Có thể nói, việc quy định quyền im lặng cho người bị buộc tội một phần nào sẽ gián tiếp đòi hỏi các CQTHTT phải thay đổi nhận thức về vị thế và sự ảnh hưởng của người bào chữa đối với tiến trình giải quyết vụ án. Khi đó người bào chữa mới có cơ hội, điều kiện và khả năng bảo vệ những lợi ích hợp pháp của thân chủ.
c. Giảm thiểu nạn mớm cung, bức cung, dùng nhục hình và hạn chế oan, sai
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự rất đa dạng[32], trong đó phần lớn xuất phát từ việc người bị tạm giữ, bị can bị mớm cung, bức cung, nhục hình, buộc phải khai theo “kịch bản” và ý muốn chủ quan của điều tra viên, kiểm sát viên[33]. Họ có thể thực hiện những biện pháp trái luật này trong một số vụ án là do thiếu vắng sự có mặt của người bào chữa khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung. Do vậy, cần thiết phải quy định người bị buộc tội có quyền im lặng, không khai báo cho đến khi có người bào chữa tham dự ngay từ bản cung đầu tiên. Có một số ý kiến cho rằng với số lượng luật sư còn rất hạn chế như hiện nay ở nước ta thì việc ghi nhận quyền im lặng sẽ thiếu tính khả thi[34]. Ở đây cần phải xác định rõ mặc dù quyền im lặng gắn liền với sự hiện diện của người bào chữa nhưng không có nghĩa nếu người bào chữa không thể có mặt thì người bị buộc tội sẽ bị tước đoạt quyền tố tụng quan trọng này; hay bị can, bị cáo chỉ được quyền im lặng cho đến khi có người bào chữa chứ không được im lặng mãi. Ngay cả trong trường hợp không có sự hiện diện của người bào chữa, nếu biết được mình có quyền im lặng thì người bị tạm giữ, bị can vẫn có đủ thời gian để bình tĩnh suy nghĩ và trả lời những câu hỏi đặt ra trong các buổi lấy lời khai, hỏi cung sau đó của điều tra viên, kiểm sát viên. Ngoài ra, hiện nay mạng lưới trợ giúp pháp lý miễn phí đã được tổ chức đến khắp 63 tỉnh, thành của cả nước. Hội Luật gia Việt Nam có hàng trăm ngàn hội viên và cộng tác viên; Liên đoàn luật sư đang ban hành quy định mỗi luật sư bắt buộc phải tư vấn miễn phí mỗi năm một số giờ nhất định. Ở nhiều địa phương, nhiều cán bộ tư pháp về hưu có nhu cầu và điều kiện làm luật sư[35].
Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng cũng không thể phủ nhận việc ghi nhận trực tiếp quyền im lặng cho người bị buộc tội cùng với sự trợ giúp của người bào chữa là một trong số những giải pháp để hạn chế và loại trừ việc dùng nhục hình, bức cung, mớm cung. Sự hiện diện của người bào chữa vừa là chỗ dựa về tâm lý, tinh thần cho thân chủ vừa có tác dụng giám sát những hoạt động của người THTT, qua đó đảm bảo được tính hợp pháp của các chứng cứ trong vụ án. Khi không có mặt người bào chữa thì quyền im lặng trở thành một công cụ hữu hiệu giúp người bị buộc tội tự bảo vệ mình trước sức mạnh, uy quyền của các CQTHTT.
d. Gián tiếp yêu cầu người tiến hành tố tụng phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Khi vấn đề quyền im lặng được bàn luận trong thời gian gần đây, hầu hết các CQTHTT đều không tán thành việc ghi nhận quyền này trong BLTTHS dựa trên nhiều lý do. Họ cho rằng quyền này áp dụng có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhận thức, hiểu biết của người dân; nếu cứ cho im lặng thì có thể sẽ cản trở hoạt động điều tra[36]. Quyền im lặng không phù hợp với thực tiễn văn hóa nước ta vì đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều kêu oan, chứ không im lặng[37]. Đối với những tội phạm có tổ chức hoặc tội phạm nguy hiểm, việc khẩn trương lấy lời khai của người bị bắt sẽ giúp công tác phá án được nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội[38].
Không khó để lý giải tại sao đa số người bị bắt đều kêu oan chứ không im lặng. Bởi vì đây là cách thức nhanh nhất để tự bào chữa, chống lại sự cưỡng chế, buộc tội từ các cơ quan công quyền. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp họ không được thông báo và giải thích rằng khai báo là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Mặc dù chưa thể khẳng định khi quyền im lặng được trực tiếp ghi nhận có thể làm thay đổi “văn hóa kêu oan” hay không nhưng chắc chắn khi đó các CQTHTT phải thay đổi nhận thức và ứng xử đối với người bị nghi thực hiện tội phạm. Về phía người bị buộc tội, nếu biết được mình có quyền im lặng, trong trường hợp chưa nghĩ ra được phương án tự bào chữa hoặc đang chờ sự trợ giúp từ người bào chữa, có khả năng họ sẽ sử dụng quyền này.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là việc ghi nhận quyền im lặng có gây cản trở cho hoạt động điều tra nói riêng và các hoạt động TTHS nói chung hay không? Câu hỏi này xuất phát từ nguyên tắc dung hòa giữa lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân trong đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm. Nếu như quá chú trọng vào lợi ích xã hội thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quyền cá nhân một cách tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án. Lời giải cho câu hỏi trên là việc quy định trực tiếp quyền im lặng cho người bị buộc tội trong BLTTHS ở một mức độ nào đó sẽ là một thử thách cho những người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, đây là xu hướng, đòi hỏi tất yếu của một xã hội tiến bộ, công bằng và văn minh. Nếu muốn vượt qua được thử thách này, bản thân những người tiến hành tố tụng không còn cách nào khác là phải tự thay đổi nhận thức, trao dồi, nâng cao kiến thức pháp luật và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Không sử dụng các biện pháp trái luật như mớm cung, bức cung, nhục hình nhưng vẫn khai thác được những thông tin cần thiết cho việc giải quyết vụ án từ chính người bị tạm giữ, bị can mới chứng tỏ được bản lĩnh nghề nghiệp của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy có rất ít vụ án hình sự mà người bị buộc tội hoàn toàn im lặng trong suốt quá trình tố tụng. Hơn nữa, khai báo từ trước đến nay luôn được quy định là quyền của bị can, bị cáo; đồng thời khai báo thành khẩn còn là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy các CQTHTT không có lý do gì phải lo lắng nếu ghi nhận quyền im lặng sẽ gây cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Kết luận
Việt Nam đang tiến hành công cuộc cải cách nhằm xây dựng một nền tư pháp công bằng và văn minh. Việc trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS sắp tới là rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp với mục tiêu trên. Quyền im lặng khi được quy định và áp dụng có thể sẽ góp phần giảm thiểu nạn mớm cung, bức cung, dùng nhục hình; nâng cao vị thế người bào chữa và năng lực của những người tiến hành tố tụng; qua đó hạn chế các vụ án oan, sai. Để có thể vừa bảo vệ các quyền con người trong TTHS vừa đảm bảo yêu cầu phát hiện nhanh chóng, kịp thời và xử lý công minh mọi tội phạm, Việt Nam nên tìm hiểu và học tập những đổi mới trong các quy định về quyền im lặng của luật pháp các nước.
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
1Barbara Ann Hocking và Laura Leigh Manville, Quyền im lặng là gì: Vẫn tiếp tục trợ giúp nguyên tắc suy đoán vô tội hay chỉ là một sự hư cấu mang tính pháp lý đang được phát triển? [What of the Right to Silence: Still Supporting the Presumption of Innocence, or a Growing Legal Fiction?], Tạp chí luật Macquarie (2001) tập 1, số 1, tr. 65.
[2] John H. Langbein, Nguồn gốc lịch sử của đặc quyền chống lại sự tự buộc tội trong hệ thống án lệ (The Historial Origins of the Privilege against Seft-Incrimination at Common Law) (1994), Yale Law School, Faculty Scholarship Series, paper 550, tr.1047. <http://digitalcommons.law.yale.edu/fss_papers/550>. Có nhiều tranh cãi về lịch sử của đặc quyền chống lại sự tự buộc tội. Một số ý kiến cho rằng quyền này xuất hiện ở Anh vào khoảng giữa sau thế kỷ 17.
[3] John H. Langbein, chú thích số 2.
[4] Như trên, tr. 1048.
[5] Tiêu chuẩn chứng cứ vượt quá sự nghi ngờ hợp lý khuyến khích người bào chữa khuyên bị cáo im lặng và nhấn mạnh bên công tố phải sử dụng những chứng cứ khác để chứng minh sự buộc tội. Dựa trên luật về chứng cứ hình sự được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, khi bác bỏ một số loại chứng cứ nhất định chủ yếu thực hiện bởi việc kiểm tra chéo (cross-examination), người bào chữa thường cố gắng giới hạn những trường hợp mà thân chủ của họ phải trả lời. (Langbein, chú thích số 2, tr. 1070).
[6] Như trên, tr. 1048.
[7] Như trên, tr. 1067.
[8] Công ước này được ký kết và thông qua ngày 22/11/1969.
[9] Ủy ban cải cách pháp luật New South Wales (Úc), Báo cáo số 95: Quyền im lặng (2000), đoạn 2.2.
[10] Quyền này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp một số nước khác như: Ấn Độ (khoản 3 Điều 20); Papua New Guinea (khoản 1 Điều 37); New Zealand (khoản 4 Điều 23).
[11] Vụ án Mirinda và bang Arizona (1966), 384 U.S. 436.
[12] James J Tomkovicz, Sự loại trừ mang tính hiến định [Constitutional Exclusion] (Oxford University Press, 2011), Chương 3, trích dẫn bởi Ho Hock Lai, “Đặc quyền chống lại sự tự buộc tội và Quyền được tiếp cận với luật sư: Một sự đánh giá mang tính so sánh” (The Privilege Against Self-Incrimination and Right of Access to a Lawyer: A Comparative Assessment), Singapore Academy of Law Journal (2013) số 25, tr. 827.
[13] Hocking và Manville, chú thích số 1, tr. 66.
[14] Như trên, tr. 68-69.
[15] Như trên, tr. 67.
[16] Điểm a đoạn 43 nguyên tắc thứ 3.
[17] Vụ án Petty & Maiden v R (1991) 173 CLR 95, đoạn 90 trích dẫn bởi Hocking và Manville, chú thích số 1, tr. 63.
[18] Ủy ban quyền con người, Bình luận chung số 13, HRI/GEN/1/Rev. 9(I), tr. 184 – 88 [đoạn 14].
[19] Ủy ban cải cách pháp luật New South Wales (Úc), chú thích số 9, đoạn 2.30.
[20] Andrew Ligertwood, “Quyền im lặng”, Tạp chí cảnh sát (2006), đoạn 14.
[21] Chứng cứ hình sự (Bắc Ireland) Order 1988 (Eng) khoản 4 điều 2; Luật về Tư pháp hình sự và trật tự công cộng 1994 (Anh), khoản 4 điều 38.
[22] Vụ án Murray và Vương quốc Anh (1996) 22 EHRR 29, đoạn 62.
[23] Ủy ban cải cách pháp luật New South Wales (Úc), chú thích số 9, đoạn 4.2.
[24] Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định rất rõ việc người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm p khoản 1 Điều 46). Mặc dù vậy, trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được liệt kê tại khoản 1 Điều 48, không có tình tiết người phạm tội im lặng, không khai báo.
[25] Đỗ Văn Đương (Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội), “Quyền im lặng có phải là quyền con người”?, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online, (29/9/2014).
[26] Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa luật hình sự, Trường đại học luật thành phố Hồ Chí Minh), “Quyền im lặng là quyền con người”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online, (4/10/2014).
[27] Phan Trung Hoài, “Quyền im lặng có phải là quyền con người?“, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online, (29/9/2014).
[28] Điểm d khoản 3 Điều 14.
[29] Nguyễn Duy Hưng, “Luật hóa quyền im lặng để chống oan, sai”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online, (25/9/2014).
[30] Nguyễn Đức Hùng, “Năm lý do để áp dụng quyền im lặng”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online, (20/10/2014).
[31] Thu Hương, “Các luật sư nói về quyền im lặng”, Báo Người đưa tin Online.
[32] Ví dụ: do áp lực trước yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp; từ các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ, cấp trên giao cho; các thời hạn tố tụng buộc CQTHTT phải chạy đua với thời gian để phá án; áp lực của dư luận, của người bị hại về thời gian làm sáng tỏ những vụ án được xã hội quan tâm. Một số CQTHTT coi trọng việc lấy lời khai của bị can, bị cáo hơn là việc thu thập, đánh giá chứng cứ khác. Xem Lê Kiên, Chi Mai, “Quyền im lặng được thừa nhận, oan, sai sẽ giảm”, Báo Tuổi trẻ Online, (25/09/2014).
[33] Lê Kiên, Chi Mai, chú thích số 32.
[34] Nguyễn Ngọc Chí, “Quyền im lặng có được đưa vào luật?“, Báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam.
[35] Trương Trọng Nghĩa, “Không nên trì hoãn luật hóa quyền im lặng”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh Online, (26/9/2014).
[36] Nguyễn Dũng, “Quyền im lặng chưa phù hợp ở Việt Nam lúc này?”, Infonet, (27/10/2014).
[37] Thu Hương, chú thích số 31.
[38] Nguyễn Ngọc Lương, Thắng Quang, “Nghi can cần có quyền im lặng chờ luật sư?”, Báo điện tử Dân Việt, (05/03/2013) <http://danviet.vn/phap-luat/nghi-can-can-co-quyen-im-lang-cho-luat-su-105765.html>.
Tác giả: Lê Huỳnh Tấn Duy*
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2015 – 2015, Trang 48-56
nếu thế cần cụ thể rõ ràng hơn về việc xử lý nếu người phạm tội cản trở quá trình điều tra, từ chối khai báo. có những hình thức cụ thể, trực tiếp nếu quá trình tham gia bào chữa mà người bào chữa,luật sư có hành vi mớm cung, xúi giục phản cung, cản trở quá trình điều tra của cơ quan tố tụng, như vậy mới đảm bảo sự công bằng. bài viết nếu ra rất nhiều cái gọi là khách quan trong tố tụng, đề cập đến việc giảm oan sai, nhưng thực tế, tỉ lệ án oan, sai ở Việt Nam so với các nước mà tác giả viện dẫn những điều luật tôi cho rằng hàm ý nước đó văn minh hơn Việt Nam thì thực tế, tỉ lệ án oan sai, sự bất công ở chính nước này cao hơn Việt Nam 🙂 nên nếu thực sự vì giảm án oan, đòi quyền lợi cho người bào chữa thì cũng cần gắn trách nhiệm nếu người bào chữa cản trở quá trình điều tra bằng các hình thức xúi giục bị can từ chối khai báo, khai báo lươn lẹo, nhỏ giọt, khi tiến hành gặp bị can, thân chủ cần có sự giám sát của cơ quan tiến hành tố tụng 🙂
Gửi tác giả:
Tôi thấy rằng, bài viết sử dụng từ “thiếu sót” để chỉ việc VN chưa trực tiếp ghi nhận quyền im lặng là chưa chuẩn chỉnh. Nhà lập pháp VN (đa phần) biết rõ về quyền này, tuy nhiên có ghi nhận trong luật HS VN hay không còn phụ thuộc vào tính phù hợp với hoàn cảnh thực tế của VN. “Thiếu sót” nghĩa là sơ suất, sai sót, sai lầm… hoàn toàn không phù hợp với ngữ cảnh của bài viết.
Trân trọng!