Mục lục
Một số vấn đề cần trao đổi về cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” trong BLHS năm 2015
TÓM TẮT
Bài viết khái quát tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói chung, tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nói riêng. Ngoài ra, tác giả còn phân tích những điểm mới trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về cấu thành tội phạm này so với quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những kiến nghị cụ thể ở góc độ hoàn thiện pháp luật hình sự, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tế, qua đó góp phần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống có hiệu quả loại tội phạm này.
Xem thêm:
- Một số vấn đề pháp lý về bên bảo đảm nghĩa vụ là người thứ ba trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại – ThS. Huỳnh Anh
- Đề thi môn Luật Ngân hàng – TUYỂN TẬP
- Tư cách pháp lý của chủ thể hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng – TS.LS. Lương Khải Ân
- Điều chỉnh giao dịch trong nhóm công ty lĩnh vực tài chính – ngân hàng – ThS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền
- Những bất cập của các quy định pháp luật về ví điện tử – ThS. Trần Thanh Bình
1. Thế nào là “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”
Trong thời gian qua, lĩnh vực ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ tốt đời sống nhân dân và ngày càng trở thành lĩnh vực có vai trò thiết yếu của nền kinh tế quốc dân. Hệ thống số lượng lớn các tổ chức tín dụng đang phát triển “nóng” thời gian qua cùng với những “lỗ hổng” trong quản lý dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều vi phạm pháp luật. Thực tiễn cũng đã chứng minh, tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, thủ đoạn phạm tội tinh vi… Ở góc độ pháp lý, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm những quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động ngân hàng và các quan hệ xã hội gắn liền hoặc có liên quan trực tiếp tới hoạt động ngân hàng.[1]
Theo thống kê của Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an (PC46), từ năm 2006 đến tháng 5-2017 lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện 1.161 vụ với 2.184 đối tượng vi phạm về kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó khởi tố, điều tra 646 vụ với 1.675 bị can[2] tập trung vào nhóm hành vi xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và tội phạm về chức vụ. Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, từ năm 2007 đến năm 2016, lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, điều tra, khởi tố 25 vụ án kinh tế trong các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố với tổng số 148 bị can, trong số đó nổi lên 04 loại hành vi phạm tội (chiếm tỷ trọng 79,2%) là: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 – viết tắt BLHS 1999), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 137 BLHS 1999), lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS 1999) và đặc biệt là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS 1999).[3]
Khảo sát thực trạng tội phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thời gian qua cho thấy sự gia tăng về tính chất, mức độ phức tạp, gây ảnh hướng xấu đến an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng ở nước ta. Cùng với những tội phạm khác trong lĩnh vực ngân hàng, hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, hay nói rộng hơn là vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đã dẫn đến sự thua lỗ, thất thoát tài sản trị giá lớn, gây đổ vỡ ở một số ngân hàng, đồng thời làm tăng khả năng đổ vỡ kéo theo đối với cả hệ thống tín dụng. Có thể nói, hậu quả của loại tội phạm này không dừng lại ở việc mất đi một lượng tài sản khổng lồ của xã hội, mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, làm giảm và mất hiệu lực vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng qua đó góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trong lĩnh vực hình sự, trên cơ sở kế thừa quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) tiếp tục quy định nhiều tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đấu tranh có hiệu quả đối với nhóm tội phạm này, trong đó có quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng (Điều 206) với những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng.
2. Quy định của BLHS về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng
Điều 206 BLHS năm 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;
i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;
k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.
2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
So với quy định tại Điều 179 BLHS năm 1999 về Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cấu thành Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng trong BLHS năm 2015 có những điểm mới đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, mở rộng nội hàm của tội phạm theo hướng sửa đổi, bổ sung các hành vi khách quan. Theo đó, hành vi khách quan của tội phạm không chỉ giới hạn ở các vi phạm quy định về cho vay (cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn quy định – điểm a, điểm b khoản 1 Điều 179 BLHS 1999) mà còn bao gồm các hành vi khác trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng (quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 206 BLHS năm 2015). Như vậy, theo quy định của BLHS hiện hành, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được chia làm 02 nhóm:
– Nhóm hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng,[4] gồm các hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ và điểm e;
– Nhóm hành vi vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng gồm các hành vi quy định tại điểm g, điểm h, điểm i[5] và điểm k.
Thứ hai, BLHS năm 2015 đã mở rộng chủ thể của tội phạm. BLHS năm 1999 quy định chủ thể của Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ người nào có quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực cho vay trong hoạt động tín dụng mới có thể phạm tội. Trong khi đó, cùng với việc mở rộng hành vi khách quan, BLHS năm 2015 đã mở rộng chủ thể của tội phạm bao gồm cả chủ thể thường (chẳng hạn, hành vi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp – điểm h, khoản 1, Điều 206 có thể được thực hiện bởi bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định).
Thứ ba, trong khi quy định của Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS năm 1999) còn chứa đựng những dấu hiệu mang tính chất định tính, rất khó áp dụng trên thực tế (như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”) thì cấu thành Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng (Điều 206 BLHS năm 2015) đã cụ thể hóa cũng như định lượng các thiệt hại cụ thể về tài sản làm tình tiết định tội và định khung hình phạt.
Thứ tư, về kỹ thuật lập pháp, so với quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã phân hóa cụ thể hơn trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo 04 khoản tương ứng với 4 khung hình phạt. Điều này tạo thuận lợi cũng như góp phần bảo đảm nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong công tác đấu tranh, xử lý.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Quy định của BLHS năm 2015 về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý góp phần phòng, chống hiệu quả tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cấu thành tội phạm này trên cơ sở đối chiếu, so sánh với quy định của pháp luật chuyên ngành cũng như thực tiễn tình hình tội phạm xảy ra trong thời gian qua, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị:Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng, bổ sung các hành vi khách quan trong cấu thành Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng để đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh, phòng chống các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính “dự báo” của pháp luật hình sự. Cụ thể, có thể nghiên cứu tội phạm hóa đối với một số hành vi vi phạm quy định về huy động vốn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Như vậy, tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ thông qua các hoạt động là nhận tiền gửi (huy động vốn), cấp tín dụng (cho vay), cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. So với BLHS năm 1999, quy định tại Điều 206 BLHS năm 2015 đã bổ sung nhiều hành vi bao gồm các hành vi về cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản và các hành vi có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, Điều 206 lại không quy định về hành vi nhận tiền gửi (huy động vốn). Đây là một sự thiếu sót bởi trên thực tế, có trường hợp các tổ chức tín dụng huy động vốn của khách hàng không đúng quy định dẫn đến rối loạn thị trường tiền tệ (vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn thông qua việc chi trả vượt trần lãi suất, hành vi hành vi chi trả lãi ngoài lãi suất huy động…).[6] Đáng chú ý là hoạt động huy động vốn bất hợp pháp cũng tiếp tay, tạo cơ hội cho các vi phạm pháp luật khác liên quan đền rửa tiền, tài trợ khủng bố…
Ngoài ra, pháp luật hình sự một số quốc gia cũng tội phạm hóa các hành vi vi phạm quy định về huy động vốn với tư cách là một tội danh độc lập mà chủ thể không chỉ là các cá nhân hay tổ chức tín dụng mà còn bao gồm các cá nhân, tổ chức khác. Đơn cử, Điều 172.2 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định về Tội tổ chức hoạt động huy động tiền và/ hoặc tài sản với hành vi của các cá nhân, tổ chức “huy động tiền và/hoặc tài sản với khối lượng lớn” và gây thiệt hại cho người khác (không phải nhằm mục đích lừa đảo hay sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp khác).[7]
Thứ hai, thực tiễn cũng cho thấy cần thiết phải quy định chế tài đối với hành vi mua bán, cho thuê trái pháp luật các phương tiện thanh toán, hoặc tội phạm hóa hành vi này khi cần thiết. BLHS hiện hành chỉ hình sự hóa hành vi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả. Trong khi đó, công tác đấu tranh đối với tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua cho thấy việc cung ứng dịch vụ thanh toán, nhất là hành vi mở thẻ ngân hàng (ATM) làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hiện nay, qua đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, các đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet… thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn lừa đảo để nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ATM mà các đối tượng mua được từ người khác. Qua công tác đấu tranh, cơ quan công an nhiều địa phương phát hiện nhiều trường hợp người dân đăng ký mở thẻ ATM, sau đó bán thông tin cho các đối tượng xấu, nhất là các đối tượng lừa đảo qua mạng, tội phạm rửa tiền… Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm. Pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài nghiêm khắc để xử lý hành vi của người dân mua bán, tiết lộ trái phép thông tin thẻ ngân hàng của chính mình.[8] Do vậy, cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung trong pháp luật hiện hành chế tài xử lý đối với hành vi này, kể cả hình sự hóa thông qua việc sửa đổi, bổ sung cấu thành Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, nghiên cứu bổ sung chủ thể là pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đối Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, bởi lẽ trên thực tế hành vi vi phạm có thể do các cá nhân thực hiện nhân danh pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân. Ngoài ra, để có cơ sở áp dụng pháp luật một cách thống nhất, đấu tranh phòng ngừa tội phạm có hiệu quả, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Tác giả kiến nghị các cơ quan liên quan, cụ thể là Ngân hàng nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp cần nhanh chóng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể cấu thành Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 BLHS năm 2015..
CHÚ THÍCH
[1] Lê Nguyễn Hạnh Nhi, Tội phạm kinh tế trong các ngân hàng thương mại cổ phần ở TP. Hồ Chí Minh – Thực trạng và giải pháp phòng ngừa, Đề tài khoa học cấp Bộ (Bộ Công an), TP. Hồ Chí Minh, 2018.
[2] Mai Thị Lệ Quyên, “Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=45879&print=true, truy cập ngày 9/4/2018.
[3] Công an TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết công tác công an hàng năm (từ năm 2007 đến năm 2016).
[4] Theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010, thì “hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a) Nhận tiền gửi; b) Cấp tín dụng; c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”.
[5] Khoản 17 Điều 4 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định Ngân hàng nhà nước có nhiệm vụ “quản lý Nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng”.
[6] Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 10/11/2017 của Ngân hàng nhà nước về tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
[7] Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (bản sửa đổi, bổ sung gần nhất), Xem (bản Tiếng Nga) tại http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_10699/f495e538cbd830549504e85df0c84f27001900de, truy cập ngày 29/7/2018.
[8] Điểm a, khoản 6 Điều 28 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng quy định hành vi “lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ, mua bán, tiết lộ, sử dụng trái phép thông tin thẻ ngân hàng của người khác, làm thẻ giả, thực hiện các giao dịch giả mạo”…