Cần bổ sung “quyền được chết” vào trong BLDS năm 2015
Tác giả: ThS. Nguyễn Vinh Hưng
TÓM TẮT
“Quyền được chết” là một quyền rất mới và có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Mặc dù trước đây “quyền được chết” chưa từng được pháp luật thừa nhận, thế nhưng xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của xã hội nên hiện nay, khá nhiều quốc gia trên thế giới đã nhìn nhận lại vấn đề này và đã có một số quốc gia thừa nhận quyền này. Còn tại Việt Nam, hiện vẫn đang tồn tại khá nhiều tranh luận xung quanh vấn đề có nên thừa nhận “quyền được chết” hay không.
Xem thêm:
- Quyền xác định nguồn gốc của con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản – ThS. Ngô Thị Vân Anh
- Một số vấn đề pháp lý về quyền tình dục và quyền tình dục trong quan hệ hôn nhân gia đình – TS. Hoàng Thị Hải Yến
- Một số vấn đề pháp lý về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản – TS. Nguyễn Văn Hợi & TS. Hoàng Thị Loan
- Quyền trẻ em về giữ mối liên hệ với ông bà: Quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Hoàng Thảo Anh
- Quy định mới về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật hình sự năm 2015 – PGS. TS. Nguyễn Văn Cừ
NỘI DUNG BÀI VIẾT
“Quyền được chết” (euthanasia) là vấn đề đang gây nhiều tranh luận không chỉ tại Việt Nam mà còn tại khá nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, đây là một loại quyền đặc biệt và gần như đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người. Nhiều quan điểm ủng hộ cho rằng đây là cách thức văn minh, nhân đạo và hiệu quả để giúp đỡ con người trong các trường hợp không thể tiếp tục kéo dài cuộc sống. Ngược lại, nhiều quan điểm phản đối “quyền được chết” (hay còn được gọi là “quyền an tử”) và coi đây là một quyền đi ngược với lẽ sống tự nhiên của con người thậm chí còn là vô đạo đức. Tuy nhiên, trên thực tế “An tử là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu. Tuy còn nhiều tranh cãi nhưng nó đang dần được một số nước công nhận”.[1] Còn tại Việt Nam hiện nay, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa ghi nhận “quyền được chết” thế nhưng đã có khá nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại vấn đề “quyền được chết” để kịp thời bổ sung. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về “quyền được chết” là vấn đề rất cần thiết và quan trọng.
“Quyền được chết” là quyền rất mới và tác động, ảnh hưởng của nó tới con người, xã hội là rất lớn. Nếu như trước đây, người ta chỉ mong muốn tìm mọi cách duy trì cuộc sống thì nay lại xuất hiện những ý tưởng muốn chấm dứt cuộc đời một cách nhẹ nhàng, gọn gàng, đơn giản. Dưới góc độ của khoa học pháp lý, vốn dĩ chỉ nghe đến các quyền tự do hay quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc thì nay lại phát sinh một quyền mà có lẽ đi ngược lại với hầu hết các quyền nhân thân cơ bản của con người và đó chính là “quyền được chết”. Thoạt nhìn thì “quyền được chết” có sự mới lạ và cũng có vẻ như xung đột với các quyền năng cơ bản của con người trước đây. Tuy nhiên, suy cho cùng, đây cũng là xu hướng và là đòi hỏi tất yếu của con người trong từng hoàn cảnh lịch sử khác nhau.
Từ trước cho tới nay, Bộ luật Dân sự tại Việt Nam luôn được xây dựng để hướng đến các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân của con người. Trong đó, các quan hệ nhân thân là nội dung rất quan trọng vì nó gắn liền với con người kể từ khi sinh ra và kéo dài cho đến khi chết. Chính vì vậy, để điều chỉnh các quyền nhân thân đòi hỏi cần phải có một đạo luật quan trọng làm cơ sở cho việc thực hiện các quyền năng đặc biệt này. Hiện nay, kế thừa và phát triển từ các quy định trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn về các quyền nhân thân của con người như quyền khai sinh, khai tử; quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín…[2] Tuy nhiên, về “quyền được chết” thì đây mặc dù về bản chất cũng là một quyền nhân thân hay đó chính là quyền tự do cá nhân của con người, thế nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không ghi nhận. Hơn nữa, mở rộng phạm vi tìm hiểu thì trong lịch sử lập pháp của Việt Nam không chỉ Bộ luật Dân sự mà bất kỳ bộ luật khác cũng đều chưa từng quy định về “quyền được chết”.
Sở dĩ gần đây có thêm ý tưởng về “quyền được chết” là vì xã hội trong từng giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử khác nhau đều phát sinh những yêu cầu, đòi hỏi mới. Trong đó, sự sống mặc dù vô cùng quan trọng đối với bất cứ mỗi cá nhân thế nhưng, nếu như con người gặp phải hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo đến mức muốn sống không được mà muốn chết chưa xong thì suy nghĩ hay hành động khi đó sẽ có nhiều thay đổi. Mặt khác, trên thực tế, đây không chỉ là trường hợp cá biệt của một vài cá nhân mà có thể là hoàn cảnh chung của rất nhiều cá nhân đã và đang ngày đêm chống chọi với sự sống và cái chết. Như vậy, để phù hợp với tình hình, hoàn cảnh và yêu cầu từ xã hội thì việc xem xét “quyền được chết” là một vấn đề nghiêm túc, mang nhiều giá trị quan trọng và rất có ý nghĩa.
Trước hết, quan điểm ủng hộ cho việc thừa nhận “quyền được chết” là quan điểm có phần tiến bộ, hiện đại và nhân văn. Phần lớn quan điểm ủng hộ đều cho rằng, khi con người gặp đau đớn vì bệnh tật kéo dài mà y học cũng đành phải bó tay và người bệnh cùng thân nhân cũng đã cố gắng hết khả năng để tìm kiếm mọi cơ hội chữa bệnh nhưng không thể chữa được thì việc họ tồn tại từng giờ, từng ngày trong đau đớn, khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần thì có lẽ không nhẹ nhàng, êm ái bằng việc nhanh chóng chấm dứt tồn tại. Hơn nữa, nếu như con người cố gắng chống chọi một cách miễn cưỡng, vô vọng với sự sống từng ngày thì không chỉ bản thân người bệnh đó mà ngay cả những người thân thiết của họ cũng đều khổ sở, đau đớn theo từng ngày. Ngoài ra, trên thực tế, việc cứu chữa các bệnh hiểm nghèo còn mang lại sự tốn kém rất lớn không chỉ về mặt kinh tế của từng cá nhân, từng gia đình mà đó còn là sự tốn kém chung của cả xã hội mà suy đến cùng thì việc cứu chữa đó có thể biết trước sẽ không có kết quả. Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng đã có thêm trường hợp do cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa và với tuổi quá cao, sống phải lệ thuộc rất nhiều vào người khác nên mong muốn chấm dứt cuộc đời một cách thanh thản, nhẹ nhàng và ước nguyện của người này được đông đảo các con cháu ủng hộ.[3] Điều đáng nói ở đây, để thực hiện mong muốn này, người muốn chết đã phải đi sang một quốc gia khác (Thụy Sĩ) nơi cho phép con người có thể chết êm ái. Trước khi ra đi, người này mong muốn “các nước khác hãy theo gương Thụy Sĩ và cho mọi công dân quyền chết nếu họ đạt đủ tiêu chuẩn. Và tiêu chuẩn này không phải tuổi tác mà là năng lực tinh thần”.[4] Từ đó, các quốc gia phương Tây đã xem xét lại vấn đề “quyền được chết” và được đông đảo người dân tại các quốc gia này ủng hộ, tán thành. Chính vì vậy, hiện nay, khá nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận “quyền được chết” như: Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ, Argentina, Canada. Ngoài ra, năm bang của Hoa Kỳ là Washington, Oregon, Vermont, New Mexico và Montana cũng công nhận quyền này. Trong đó, những quốc gia đầu tiên ban hành luật về trợ tử là “Hà Lan (ban hành luật trợ tử năm 2001), Bỉ (năm 2002), Luxembourg (năm 2008). Riêng ở Mỹ, chỉ có tiểu bang Oregon không hợp pháp hóa trợ tử nhưng cho phép trợ giúp tự tử (assisted suicide), tức người bệnh tự dùng thuốc độc do bác sĩ cung cấp”.[5] Còn tại Pháp, “ngày 17/3/2015, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật “chết êm dịu” với 436 phiếu ủng hộ, 34 phiếu chống, 83 nghị sĩ bỏ phiếu trắng vì cho rằng điều luật chưa đủ sức thuyết phục. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Thượng viện Pháp xem xét. Và theo một cuộc thăm dò, 96% người dân Pháp được hỏi ủng hộ điều luật này”.[6]
Trái ngược với những quan điểm ủng hộ việc thừa nhận “quyền được chết” thì nhóm không ủng hộ cho rằng đây là quyền phi nhân tính và trái ngược với truyền thống đạo đức từ xa xưa. Từ trước tới nay, khi con người không may mắc bệnh thì vẫn với quan niệm “còn nước còn tát” để cố gắng cứu chữa tới cùng, thì nay pháp luật lại quy định “quyền được chết”, một thứ quyền xa lạ, thậm chí có thể coi là trái đạo đức xã hội. Bởi vậy, “quyền được chết” đã bị một bộ phận trong xã hội phản đối. Hiện nay, “nhiều quốc gia cũng phản đối gay gắt, lên án “cái chết êm ái” là vô đạo đức… Các quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, đặc biệt là khu vực châu Mỹ Latin, người dân tổ chức các cuộc biểu tình chống lại dự luật về cái chết nhân đạo”[7]. Ngoài ra, theo chúng tôi, nếu như pháp luật thừa nhận quyền được chết mà không có điều kiện sàng lọc kỹ lưỡng thì lại có thể vô tình tạo kẽ hở pháp lý cho những người đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ, trốn nợ hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng lợi dụng quyền hạn này. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra giả thuyết nếu như cho phép bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được quyền chết thì ai sẽ là người thực hiện công việc này bởi đây thật sự là một công việc nhạy cảm, áp lực thậm chí nguy cơ ám ảnh lâu dài đối với những người thực hiện. Vì thế, đây cũng là ý kiến quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thừa nhận “quyền được chết”.
Còn tại Việt Nam hiện nay, việc thừa nhận “quyền được chết” hay không đang vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại các bệnh viện hàng đầu Việt Nam nơi có các bệnh nhân đang ngày đêm chống chọi với các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy tim, xơ gan, suy thận giai đoạn cuối, AIDS… thì không ít người bệnh đang mong muốn được nhanh chóng chấm dứt sự sống của họ. Đặc biệt, đối với nhóm các bệnh nhân đã cao tuổi và mắc bệnh hiểm nghèo thì lại càng mong muốn “quyền được chết” được Quốc hội nhanh chóng thông qua. Thậm chí, khi thăm dò thì ngay cả với các y, bác sĩ đang trực tiếp điều trị hoặc người nhà bệnh nhân cũng có ý tưởng này. TS. Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế) đã từng phát biểu: “trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản”.[8] Hơn nữa, trên thực tế, cũng đã có người bệnh cao tuổi ngay từ khi được thông báo mắc bệnh hiểm nghèo đã từ chối điều trị bởi lẽ, việc điều trị quá tốn kém so với khả năng của họ hoặc của gia đình họ, mà kết quả tốt nhất sau điều trị cũng chỉ có thể duy trì thêm sự sống một khoảng thời gian rất ngắn.[9] Thậm chí, khá nhiều người đang điều trị hoặc sau khi điều trị đã khánh kiệt gia sản vì phải bán hết mọi tài sản. Điều này còn gây ra sự ám ảnh lương tâm của người chết vì họ để lại gánh nặng vật chất rất lớn cho những người còn sống. Bên cạnh đó, cũng có những người bệnh tật lâu năm mà không thể chữa khỏi phải sống trong hoàn cảnh đau đớn, bẩn thỉu và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân thích xung quanh. Họ cũng mong muốn được nhanh chóng giải thoát vì họ không muốn làm phiền hay làm khổ đến người khác. Vì thế, việc những người mắc bệnh hiểm nghèo mong muốn nhanh chóng được chết là việc có thể thông cảm, hợp tình và có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, còn có vấn đề rất cần phải bàn luận thêm vì nếu như pháp luật không thừa nhận “quyền được chết” mà sau đó có những bệnh nhân tuyệt vọng và họ vẫn muốn tự kết thúc cuộc sống bằng nhiều phương pháp khác nhau thì điều đó sẽ gây ra hậu quả pháp lý như thế nào? Kết quả có thể sau khi tự tử dưới các hình thức khác nhau thì bản thân những người bệnh hoặc người nhà của họ lại vướng vào sự điều tra, tìm hiểu nguyên nhân cái chết từ phía các cơ quan pháp luật. Khi đó, có thể cơ thể của người bệnh lại bị giám định pháp y mổ xẻ kiểm nghiệm nhiều lần nữa. Như vậy, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của những người thân thích còn sống và đối với người chết cũng là việc làm không hợp ý muốn của họ. Vì thế, thừa nhận “quyền được chết” để những người có nhu cầu được chết một cách hợp pháp trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam, suy cho cùng cũng đòi hỏi bức thiết của xã hội. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng, quyền được chết là quyền nhân thân và là một trong các quyền cơ bản của con người. Vì thế, con người phải được quyền tự do quyết định tất cả mọi vấn đề của bản thân và trong đó có cả vấn đề tồn tại hay chấm dứt tồn tại. Dĩ nhiên, để có được “quyền được chết” hợp pháp thì trong trường hợp những người đó phải hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người khác hoặc đang có nghĩa vụ với pháp luật.
Trên thực tế, ngay tại Việt Nam, từ năm 2005 “quyền được chết” đã được Bộ Y tế đề xuất với Quốc hội nhưng Quốc hội khi đó cân nhắc chưa biết đến thời điểm nào sẽ cho phép.[10] Trong giai đoạn Bộ luật Dân sự năm 2015 được xây dựng và chuẩn bị được Quốc hội thông qua vẫn có khá nhiều ý kiến góp ý về việc bổ sung “quyền được chết” đối với “những người đang sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng”.[11] Trong dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 trình Quốc hội cũng có đề cập đến vấn đề ghi nhận “quyền được chết”.[12] Như vậy, điều này cho thấy, không chỉ xã hội mà một bộ phận không nhỏ các nhà làm luật tại Việt Nam ít nhiều đã và đang suy nghĩ về vấn đề này.
Có thể khẳng định, việc thừa nhận “quyền được chết” là vấn đề có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt pháp lý mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Phân tích các điều kiện tại Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng, trong lần sửa đổi, bổ sung sắp tới của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên bổ sung “quyền được chết” vào trong Bộ luật quan trọng này. Sở dĩ như vậy vì, Bộ luật Dân sự là đạo luật quan trọng nhất quy định về các quyền nhân thân của con người tại Việt Nam. Nói cách khác, không một văn bản pháp luật nào có giá trị và hiệu lực thi hành các “quyền lợi tư” bằng Bộ luật Dân sự. Vì vậy, quy định quyền được chết vào trong Bộ luật Dân sự là hoàn toàn phù hợp và sẽ mang lại giá trị cao nhất khi thực hiện.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng cần phân loại kỹ lưỡng những trường hợp được quyền thực hiện “quyền được chết”. Bởi lẽ, không ngoại trừ trường hợp nếu như có người có ý lợi dụng quyền hạn này để trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ với chủ nợ hoặc với pháp luật thì đây là việc hoàn toàn vi phạm pháp luật và phải bị cấm. Như vậy, chúng tôi cho rằng, mặc dù quy định “quyền được chết” là một quyền nhân thân nhưng nên đặt ra các điều kiện để chỉ những người khi mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo mà các bệnh viện tuyến trung ương đều xác nhận không thể cứu chữa thì mới có thể thực hiện được quyền này. Đồng thời bản thân người bệnh đó còn phải đáp ứng yêu cầu không trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các nghĩa vụ tài chính với người thứ ba và không vi phạm pháp luật hoặc đang trong thời kỳ bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử hay đang chấp hành các loại hình phạt khác nhau. Ngoài ra, bản thân người có nguyện vọng được chết cũng phải đủ 18 tuổi trở lên, tức là họ đã đầy đủ năng lực hành vi dân sự và trong tình trạng còn minh mẫn, sáng suốt. Đối với các trường hợp người bệnh đã và đang sống thực vật thì quyền quyết định sẽ thuộc về cả gia đình. Có như vậy, mới thể hiện đúng tinh thần và ý nghĩa nhân văn cao đẹp của “quyền được chết” cũng như tránh những trường hợp lợi dụng quyền hạn đặc biệt này.
Ngoài ra, về vấn đề ai sẽ là người giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo chấm dứt cuộc sống thì cũng rất cần được chú ý. Bởi lẽ, đây là một công việc dù mang giá trị nhân văn, nhân đạo nhưng cũng khá đặc biệt mà có lẽ ít người muốn thực hiện. Vì thế, chúng ta cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các quốc gia đang triển khai quyền hạn này. Theo đó, một số quốc gia hiện đã sáng tạo ra các phương pháp để người bệnh có thể chấm dứt cuộc sống một cách rất đơn giản, nhẹ nhàng mà không cần phải có sự giúp đỡ của nhiều người. Ví dụ, tại “Australia đã có bác sĩ sáng tạo ra cỗ máy để giúp bệnh nhân được chết nhẹ nhàng”;[13] hay tại tiểu bang Oregon của Hoa Kỳ, “người bệnh tự dùng thuốc độc do bác sĩ cung cấp”;[14] ở Thụy Sĩ, người muốn chết “tự mở van cho dung dịch thuốc độc truyền vào cơ thể qua ống tiêm đặt nơi cánh tay”.[15] Đây cũng là những gợi ý quan trọng cho các nhà lập pháp tại Việt Nam và đội ngũ sẽ thực hiện quyền hạn đặc biệt này. Thiết nghĩ, có như vậy, nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay mới được giải quyết thỏa đáng, hợp tình, hợp lý và điều đó còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế..
CHÚ THÍCH
[1] Minh Trang, “Quyền được chết”, Forum Dân luật – Thư viện pháp luật, 2016, https://danluat.thuvienphapluat.vn/quyen-duoc-chet-143712.aspx, truy cập ngày 25/4/2018.
[2] Mục 2, Chương 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Minh Nguyên, “Tiến sĩ 104 tuổi đã ra đi bình yên trong tiếng nhạc Beethoven”, Báo điện tử Vnexpress, 2018, truy cập ngày 20/6/2018.
[4] Minh Nguyên, “Lời trăn trối của Tiến sĩ 104 tuổi ra đi bằng cái chết êm ái, 2018”, Báo điện tử Vnexpress, truy cập ngày 20/6/2018.
[5] Nguyễn Hữu Đức, “Nghĩ về quyền được chết”, Báo điện tử Người lao động, 2016, truy cập ngày 26/4/2018.
[6] Tú Anh, “Nhiều quốc gia trên thế giới công nhận “Quyền được chết””, Báo điện tử Dân trí, 2015,.truy cập ngày 26/4/2018.
[7] Tú Anh, tlđd.
[8] Nam Phương, “Đề xuất bổ sung quyền được chết”, Báo điện tử Vnexpress, 2015 , truy cập ngày 25/4/2018.
[9] Đã có bệnh nhân cao tuổi khi được thông báo mắc phải bệnh ung thư đã lập tức từ chối điều trị bởi việc điều trị phải mổ xẻ để cắt khối u, sau đó phải xạ trị, hóa trị nhưng thời gian sống sau đó được bác sĩ cho biết chỉ được thêm một vài năm.
[10] Tú Anh, tlđd.
[11] Nam Phương, tlđd.
[12] Bộ Tư pháp, “Nên hay không nên bổ sung “quyền được chết” trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi”, Cổng thông tin điện tử phía Nam của Bộ Tư pháp, 2015, http://ctpn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi-kinh-nghiem.aspx?ItemID=34, truy cập ngày 20/4/2018.
[13] Thu Thảo, “Cỗ máy giúp bệnh nhân ra đi êm ái của bác sĩ Australia”, Báo điện tử Vnexpress, 2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/co-may-giup-benh-nhan-ra-di-em-ai-cua-bac-si-australia-3676887.html , truy cập ngày 26/4/2018.
[14] Nguyễn Hữu Đức, tlđd.
[15] Minh Nguyên, tlđd.
Tác giả: Nguyễn Vinh Hưng
Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(121)/2018 – 2018, Trang 44-48
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời