Bình luận một số điểm mới về những quy định chung trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020
Tác giả: Nguyễn Văn Sinh [1]
TÓM TẮT
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 với nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 và đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập cũng như đường lối, chủ trương của nhà nước Việt Nam về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh và tình hình mới. Trong số 8 chương của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 thì chương 1. Những quy định chung là chương có nhiều nội dung mới có tính định hướng cho việc ban hành, thực thi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020. Bài viết trình bày, phân tích, bình luận một số điểm mới liên quan đến những quy định chung của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020. Qua đó đánh giá dự báo tác động của quy định pháp luật mới đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới đây.
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 với 8 chương, 74 Điều. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (sau đây gọi là Luật năm 2020) là sự kế thừa những điểm tích cực đã được thực tế kiểm nghiệm của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (sau đây gọi là Luật năm 2006) đồng thời bổ sung một số các quy định mới nhằm đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh mới cũng như khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.
Chương I. Những quy định chung bao gồm 7 Điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định những vấn đề chung của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong phạm vi bài tạp chí, bài viết trình bày và bình luận một số điểm mới của chương I Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và sự tác động của chúng trong việc điều chỉnh quan hệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Điều 1 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định: “Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
So với Luật năm 2006, bên cạnh việc kế thừa một số nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì trong Luật năm 2020 đã: i) Bổ sung và làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh so với luật năm 2006; ii) Đã bao quát hết các nội dung theo các nhóm quan hệ được quy định trong Luật năm 2020 như: Về quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, chính sách với người lao động, quản lý nhà nước…; iii) Phạm vi điều chỉnh của luật năm 2020 đã bao quát được toàn bộ hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (từ đưa đi, khi làm việc ở nước ngoài và đến lúc trở về).
Về đối tượng áp dụng, tương thích với Điều 1 tại Khoản 3 Điều 2 Luật năm 2020 đã bổ sung đối tượng: “Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp) được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Việc đưa thêm nhóm đối tượng này là phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay cũng như bối cảnh quốc tế (xem thêm mục 2 dưới đây).
2. Hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Điều 5 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã quy định các hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“1/ Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
2/ Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a/ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b/ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
c/ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài;
d/ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
3/ Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài”.
So với Luật năm 2006 thì Luật năm 2020 đã bổ sung thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Cụ thể, đây là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Có thể khẳng định, trong Luật năm 2006 các hình thức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã bao quát tương đối đầy đủ các hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, với xu thế phát triển chung của xã hội cũng như chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì hiện nay, việc di chuyển lao động của nước ta đã và đang theo hướng ngày càng đa dạng và hội nhập sâu với thế giới. Nhiều phương thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới phát sinh, là các phương thức mà khi xây dựng Luật năm 2006 vẫn chưa xuất hiện, nên khi xây dựng Luật năm 2006 vẫn chưa tính đến, dẫn đến tình trạng một số phương thức mới phát sinh sau này chưa có luật điều chỉnh. Cụ thể là2:
– Trong thời gian qua đã có hình thức lao động xuất cảnh hợp pháp theo các mục đích không phải lao động, sau đó ở lại và tìm được việc làm để cư trú và làm việc hợp pháp (Macao, Úc, Niudilan). Đây là những nước, khu vực pháp luật cho phép người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng có thể tìm việc làm hợp pháp sau khi nhập cảnh, thủ tục cấp thẻ lao động và cư trú tương đối thuận tiện cho người nước ngoài. Trong đó, khá nhiều nước lấy hình thức lao động kết hợp trong kỳ nghỉ như một phương thức để bổ sung nguồn nhân lực trong nước (chủ yếu là các nước phát triển ở Châu Âu, Châu Úc… ), ký kết thỏa thuận với các nước để tiếp nhận công dân nước ngoài vào làm việc theo hình thức này. Trong những năm gần đây, các nước Úc và Niudilan đã ký kết Thỏa thuận cấp Chính phủ với Việt Nam tiếp nhận có hạn ngạch công dân ta sang Úc, Niudilan theo phương thức lao động kết hợp kỳ nghỉ này… Tuy nhiên, trong Luật năm 2006 chỉ quy định về hình thức đi làm việc theo hợp đồng cá nhân đối với các đối tượng có giao kết hợp đồng lao động trước khi đi (Điều 6) mà không tính đến đối tượng có giao kết hợp đồng lao động sau khi đã xuất cảnh nên khi phát sinh hình thức này không áp dụng được các trường hợp này theo quy định.
– Đã phát sinh thêm các hình thức thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương nước nhận lao động (như huyện Hòa Vang của Đà Nẵng ký với quận Yeong Yang, tỉnh Kyeongsanbuk của Hàn Quốc, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn ký với thành phố Sùng Tả, Quảng Tây của Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh ký với thành phố Phòng Thành Cảng, khu Tự trị Dân tộc Choang, Trung Quốc,…). Đây là hình thức hợp tác mới, phát sinh trong quá trình các địa phương có hợp tác nhiều mặt với nhau, trong đó có thúc đẩy hợp tác lao động (với Hàn Quốc) hoặc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân thuận lợi trong đi lại, tìm việc qua biên giới (với Trung Quốc). Mặc dù đây cũng là thỏa thuận quốc tế nhưng trong Luật năm 2006 không quy định đối với Thỏa thuận do các Bộ ngành ký và giao cho Tổ chức sự nghiệp của Nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ thành lập triển khai. Hình thức này chưa được quy định trong luật nên khi phát sinh, các địa phương đã đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho ý kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương cho phép các địa phương thí điểm loại hình hợp tác này.
– Việc quy định hình thức “thực tập nâng cao tay nghề” như Luật hiện hành khiến một số doanh nghiệp không biết vận dụng như thế nào khi cử các đối tượng là nhân sự cấp cao sang công ty mẹ làm việc (do ngầm hiểu rằng thực tập nâng cao tay nghề chỉ áp dụng đối với người lao động có trình độ tay nghề chưa phù hợp).
Những hạn chế về hình thức đưa đi này trong Luật năm 2006 đã được Luật năm 2020 khắc phục bằng việc đưa thêm hình thức: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Ngoài ra, các hình thức khác về cơ bản được giữ nguyên nhưng được quy định nhằm phản ánh đầy đủ bản chất cũng như hình thức pháp lý được sử dụng trong hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Việc bổ sung thêm hình thức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể dẫn đến những tác động tốt về kinh tế, lao động, việc làm như3:
– Tăng số lượng người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, tăng doanh thu cho đơn vị sự nghiệp công lập tham gia đưa lao động theo loại hình mới này. Qua đó sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng ngoại tệ cho đất nước; thúc đẩy kinh tế phát triển. Qua rà soát, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức nêu trên phát sinh trong thực tế thời gian qua là 20.000 người. Do đó, việc mở rộng hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì số lượng lao động sẽ tăng lên là khoảng 20.000 người/năm.
– Tăng nguồn thu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội vì gắn với việc bổ sung, ghi nhận hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như đã nêu ở trên, thì những người lao động đi theo hình thức này sẽ có các quyền lợi nhất định. Tương ứng với quyền lợi này là các nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Nguồn thu này sẽ được tính toán trên cơ sở giả định số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này là 20.000 người/năm và mức đóng bảo hiểm xã hội trung bình của một người lao động.
– Tăng nguồn thu cho Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Nguồn thu này sẽ được tính toán trên cơ sở số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng ký với đơn vị sự nghiệp công lập phát sinh trong thực tế mức đóng của người lao động.
3. Chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Nội dung này được quy định tại Điều 4 Luật năm 2020. Cụ thể:
“1. Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
2/ Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3/ Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
4/ Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
5/ Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước”.
So với Luật năm 2006 thì đây là nội dung có nhiều điểm mới trong Luật năm 2020 (chỉ giữ nguyên Khoản 2). Việc bổ sung các quy định mới này là phù hợp với mục tiêu của hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và giải quyết một số tồn tại, hạn chế của hoạt động này trong thời gian qua ở nước ta.
Quan hệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa là quan hệ thuộc lĩnh vực luật tư, vừa là lĩnh vực thuộc quan hệ luật công và luật quốc tế. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của quan hệ này nên nhà nước không thể can thiệp trực tiếp, thô bạo vào quan hệ mà tạo ra các điều kiện, môi trường, thể chế để quan hệ vận hành và phát triển. Nhà nước chỉ can thiệp trực tiếp trong những trường hợp cần thiết. Do đó, Điều 4 của Luật năm 2020 chủ yếu là những tuyên bố về chính sách, quan điểm của nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nó không chỉ được ghi nhận, thể hiện trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 mà còn nhiều lĩnh vực pháp luật khác liên quan. So với Luật năm 2006 thì các chính sách này trong Luật năm 2020 đã ghi nhận và thể hiện cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của nhà nước đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ giai đoạn bắt đầu đưa đi (Tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động..), đến khi thực hiện quan hệ (Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…) và đến khi trở về (Phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về; Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước…) trên cơ sở của sự hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao và chính sách bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử.
4. Các hành vi bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
So với Luật năm 2006 thì Luật năm 2020 tại Điều 7 đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như:
– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động…;
– Phân biệt đối xử trong lao động, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh;
– Thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định;
– Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc tự ý chấm dứt hợp đồng không đúng quy định…
Bên cạnh các hành vi bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Khoản 13 Điều 7 Luật này đã quy định thêm danh mục các khu vực bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; Khu vực đang bị nhiễm xạ; Khu vực bị nhiễm độc; Khu vực đang có dịch bệnh nguy hiểm.
Các hành vi bị cấm được bổ sung theo hướng phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn: Công ước số 29 về lao động cưỡng bức năm 1930, Công ước số 111 về phân biệt đối xử năm 1958, Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957, Công ước số 181 về Tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân năm 1997, Công ước số 189 về việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình năm 1996, Công ước số 88 về Dịch vụ việc làm năm 1948… Công ước của Liên hợp quốc về Bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ (Việt Nam chưa phê chuẩn, gia nhập Công ước này). Đồng thời, việc bổ sung đó cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc gia như: Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019, Luật việc làm năm 2013; Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật đầu tư năm 2016; Luật doanh nghiệp năm 2014; Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2012; Luật phí và lệ phí năm 2015…/.
CHÚ THÍCH
- Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội.
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, (2020), Báo cáo số 43/BC-BLĐTBXH: “Tổng kết thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, ngày 01/4/2020, tr9,10.
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, (2020), Báo cáo số 45/BC-BLĐTBXH: “Đánh giá tác động của chính sách Dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)”, ngày 01/4/2020, tr11.
Trả lời