Những điểm mới về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020
Tác giả: Lê Ngọc Cẩm [1]
TÓM TẮT
Nội dung về lựa chọn nhà đầu tư đã được quy định trong khá nhiều văn bản pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở… Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy các quy định này còn thiếu tính nhất quán, chưa rõ ràng, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện, đặc biệt là những quy định liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong bối cảnh đó, Luật Đầu tư năm 2020 bước đầu đã có những giải pháp để làm rõ các nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư, góp phần tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích các điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 về lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời đánh giá về giải pháp được quy định trong Luật Đầu tư năm 2020 để giải quyết các bất cập liên quan đến nội dung này.
Các quy định về lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư không phải là nội dung mới trong pháp luật Việt Nam. Trước thời điểm Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (Luật Đầu tư năm 2020), một số văn bản pháp luật đã quy định về vấn đề này một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy các quy định này còn thiếu tính nhất quán, chưa rõ ràng, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư cũng như gây lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện3.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung một số quy định nhằm làm rõ các nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất. Trên cơ sở đó, Luật Đầu tư năm 2020 bước đầu đã phân định thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của pháp luật đất đai và pháp luật đấu thầu.
Dưới đây là một số phân tích về các quy định liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020:
1. Nội dung bổ sung mới về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020
Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung hai nội dung quan trọng, thể hiện quan điểm của các nhà lập pháp trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt đối với các dự án có sử dụng đất, cụ thể:
Thứ nhất, sử dụng và định nghĩa thuật ngữ “chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014 (Luật Đầu tư năm 2014) sử dụng cụm từ “quyết định chủ trương đầu tư” nhưng không định nghĩa về thuật ngữ này. Đến Luật Đầu tư năm 2020, các nhà lập pháp đã thay thế bằng cụm từ “chấp thuận chủ trương đầu tư” đồng thời định nghĩa cụm từ này tại Khoản 1 Điều 3 như sau: “chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư”4. Theo Báo cáo Thuyết minh chi tiết Luật Đầu tư (sửa đổi), mục tiêu của quy định này để làm rõ mục đích, bản chất của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án5. Có hai nội dung sau cần lưu ý trong khái niệm “chấp thuận chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020:
Một là, các nhà lập pháp nhìn nhận bản chất của hoạt động chấp thuận chủ trương đầu tư là hoạt động tập trung vào việc đánh giá và chấp thuận các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư như mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án…
Hai là, theo Luật Đầu tư năm 2014, vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư, thông tin về nhà đầu tư thực hiện dự án đã phải được xác định. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư năm 2020, việc chấp thuận, lựa chọn nhà đầu tư được nhận diện là một hoạt động không bắt buộc khi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án. Khi chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền có thể đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng cũng có thể chỉ cần quyết định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Nội dung này tiếp tục được cụ thể hóa trong Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 sẽ được phân tích dưới đây.
Thứ hai, bổ sung Điều 29 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
Với mục đích làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất6. nhất quán với cách tiếp cận về “chấp thuận nhà đầu tư” được đưa ra trong định nghĩa về “chấp thuận chủ trương đầu tư”, Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung Điều 29 quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
Khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 quy định ba hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án gồm:
(i) đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai;
(ii) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu; và (iii) chấp thuận nhà đầu tư. Theo đó, không phải với bất cứ hình thức lựa chọn nhà đầu tư nào, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng được thực hiện ở bước chấp thuận chủ trương đầu tư, cụ thể:
Trường hợp dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng cũng thuộc diện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu thì việc chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được thực hiện trước khi thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư7. Theo hướng dẫn hiện nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với nội dung liên quan đến nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chỉ cần đưa ra chấp thuận về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến cùng các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có)8.
Trong trường hợp sau đó tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan9.
Nếu dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trong các trường hợp sau10:
Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;
Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao; và
Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.
2. Đánh giá những điểm mới về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020
Qua phân tích về các điểm mới tại Mục 1 trên đây, có thể thấy rằng, theo Luật Đầu tư năm 2020, không phải trong mọi trường hợp việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải đi kèm với việc lựa chọn nhà đầu tư. Nếu thuộc trường hợp phải sử dụng các cơ chế đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền không cần phải quyết định nội dung về nhà đầu tư khi thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ đưa ra chấp thuận về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến cùng các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có). Điều này khác biệt với Luật Đầu tư năm 2014 bởi Luật này quy định vào thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư, thông tin về nhà đầu tư thực hiện dự án đã phải được xác định.
Để hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong cách tiếp cận của các nhà làm luật, cần đặt việc lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 trong tương quan với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Theo Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2013 (Luật đấu thầu năm 2013) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định số 30/2015/NĐ-CP), việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thường áp dụng cho khu đất thực hiện dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng11.
Theo quy định tại Luật nhà ở số 65/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2014, bên cạnh hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất và chỉ định chủ đầu tư thì đấu giá quyền sử dụng đất cũng được ghi nhận là một hình thức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013 (Luật đất đai năm 2013), hầu hết, các dự án đầu tư có sử dụng đất đều thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Luật đất đai năm 2013 không có bất cứ quy định nào về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Ngoài ra, trong quy định về các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá của Luật đất đai năm 2013 cũng không quy định bao gồm cả trường hợp “giao đất cho nhà đầu tư đã trúng đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất”.
Trong khi đó, theo Luật Đầu tư năm 2014, thông tin nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ được ghi nhận trong quyết định chủ trương đầu tư12. Điều này có thể giải thích là khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, thông tin về nhà đầu tư thực hiện dự án đã phải được xác định, tức đã lựa chọn được chủ đầu tư cho dự án. Luật Đầu tư năm 2014 không có bất cứ quy định nào khác về việc lựa chọn nhà đầu tư. Hệ quả là, đối với việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án có sử dụng đất, cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư gặp vướng mắc:
Thứ nhất, chưa có sự phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật đất đai năm 2013 và Luật đấu thầu năm 2013.
Như đã đề cập trên đây, Luật Đầu tư năm 2014 không làm rõ nội dung này. Mặc dù, Điều 22 Nghị định 118/2015/NĐ- CP do Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) về trình tự thực hiện dự án đầu tư đã quy định: “Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trúng đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại văn bản quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư”.
Tuy nhiên, bản chất của hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai là nhằm vào việc lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực, qua đó, thu được nguồn lợi lớn nhất cho Nhà nước. Hoạt động đấu thầu, đấu giá không hướng đến việc thẩm định, xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư. Do đó, giải pháp đưa ra tại quy định tại Điều 22 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP không thể hiện được bản chất của hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất cũng như bản chất của hoạt động chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư.
Thứ hai, chưa có sự nhất quán trong việc áp dụng các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trong pháp luật đất đai và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong pháp luật đấu thầu đối với các dự án có sử dụng đất.
Trước năm 2019, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), đối với trường hợp khu đất để thực hiện dự án bất động sản chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013, hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư sẽ được áp dụng cho dự án nếu căn cứ theo quy định tại Luật đấu thầu năm 2013 và quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Một số địa phương đã thực hiện thủ tục giao đất/cho thuê đất cho nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu thầu theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP13.
Ngày 28/12/2018, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đề nghị Chính phủ cho phép các dự án đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án theo pháp luật về đấu thầu và đầu tư, đồng thời nhà đầu tư đã ứng tiền giải phóng mặt bằng thì không phải đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất.
Tuy nhiên, ngày 10/4/2019, thực hiện nhiệm vụ do Văn phòng Chính phủ giao tại Công văn số 720/VPCP-QHĐP ngày 24/01/2019 và Công văn số 18799/VPCP-QHĐP ngày 07/3/3019, Bộ TN & MT đã trả lời đề nghị trên của các địa phương trong Công văn số 1647/BTNMT-PC như sau: “Tại Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá hoặc không đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay pháp luật về đất đai không quy định giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và nhà đầu tư đã ứng tiền giải phóng mặt bằng”14.
Trên cơ sở phúc đáp nêu trên, nhiều dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã tạm dừng xem xét việc giao đất/cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án. Thậm chí, một số địa phương còn dừng việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án có sử dụng đất đã được hội đồng nhân dân thông qua. Về phía nhà đầu tư, tại nhiều dự án trong diện “tạm dừng” để xem xét việc giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án mà mình đã trúng thầu. Điều này đẩy nhà đầu tư không chỉ đứng trước nguy cơ thiệt hại về chi phí đã đầu tư, mà còn có thể mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Mặt khác, nếu dừng đấu thầu thì địa phương cũng không thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất vì không bố trí được đủ nguồn vốn để thực hiện giải phóng trước toàn bộ mặt bằng, tạo quỹ đất sạch15.
Trong bối cảnh tồn tại những bất cập về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 và pháp luật liên quan như đã phân tích trên đây, các nhà lập pháp đã đưa ra giải pháp trong việc phân định thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư trong tương quan với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật đất đai năm 2013 và Luật đấu thầu năm 2013 theo nguyên tắc: Nếu thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì chắc chắn phải thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư; Trường hợp thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng phải lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá, đấu thấu thì sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư theo các hình thức này. Bên cạnh đó, khi lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì tuân thủ theo quy định của pháp luật về đất đai, nếu chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Chỉ một số trường hợp thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng (i) không thuộc diện phải thực hiện đấu giá, đấu thầu do pháp luật quy định; hoặc (ii) đấu giá không thành hoặc tổ chức đấu giá, đấu thầu nhưng chỉ có một người/nhà đầu tư tham gia thì mới thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua việc chấp thuận nhà đầu tư.
Như vậy, Luật Đầu tư năm 2020 không quy định về giải pháp lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, không thuộc diện phải thực hiện đấu giá, đấu thầu nhưng không nằm trong các trường hợp luật quy định được thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với việc chấp thuận nhà đầu tư. Việc không quy định về nội dung này có thể sẽ đặt ra vấn đề về sự tồn tại của một hình thức lựa chọn nhà đầu tư khác ngoài ba hình thức lựa chọn đầu tư đang được liệt kê tại Khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020 hoặc đặt ra vấn đề về việc áp dụng hình thức nào trong ba hình thức đó để giải quyết trường hợp này.
Giải pháp hiện nay trong Luật Đầu tư năm 2020 về lựa chọn nhà đầu tư được đánh giá là đã bước đầu góp phần tháo gỡ nút thắt lớn mà Báo cáo “Chồng chéo pháp luật về đầu tư, kinh doanh” của VCCI đã điểm danh đến16, đó là sự không rõ ràng trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất quy định tại Luật đất đai năm 2013 và Luật đấu thầu năm 201317. Đại diện Ban soạn thảo Luật Đầu tư năm 2020 cũng thẳng thắn nhìn nhận, Luật Đầu tư năm 2020 không thể quy định trường hợp nào thực hiện đấu giá, trường hợp nào thực hiện đấu thầu để giải quyết triệt để vấn đề chồng chéo đề cập trên đây, bởi đó là phạm vi của luật khác. Tuy nhiên, ít nhất Luật Đầu tư năm 2020 đã làm rõ nếu lựa chọn hình thức nào thì tuân thủ theo quy trình, thủ tục của hình thức đó18.
Cần lưu ý rằng, phương án trên đây không phải phương án ban đầu được đề xuất. Theo phương án được đề xuất tại Dự thảo Luật Đầu tư, cùng với đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu, chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải chấp thuận nhà đầu tư mới là một hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ được áp dụng trong trường hợp dự án không đáp ứng điều kiện tổ chức đấu giá, đấu thầu. Nếu dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và thuộc diện tổ chức đấu giá, đấu thầu, thì các tiêu chí về đánh giá dự án như mục tiêu, địa điểm, điều kiện thực hiện dự án… sẽ được trình lên cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư để xem xét trước khi đấu giá, đấu thầu hoặc được đưa vào tiêu chí đấu giá, đấu thầu tùy tính chất dự án. Ngoài ra, sau thời hạn dự án được công bố theo quy định của pháp luật về đấu giá, đầu thầu mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký hoặc đấu giá không thành thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phương án nêu trên cũng liệt kê các dự án không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài trường hợp Dự án mà nhà đầu tư được lựa chọn thông qua đấu giá hoặc đấu thầu, còn bao gồm cả (i) Dự án thuộc Danh mục dự án được phê duyệt theo Luật Quy hoạch, trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; và (ii) Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.
Theo giải pháp được đề xuất tại Dự thảo luật, việc đấu giá, đấu thầu – hướng đến việc đánh giá chủ đầu tư sẽ loại trừ việc chấp thuận chủ trương đầu tư – với bản chất là đánh giá dự án một cách toàn diện để phê duyệt việc thực hiện dự án. Quan điểm này tiếp cập hoạt động đấu giá, đấu thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư giống như quy định tại Điều 22 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP nên cũng gặp phải vấn đề tương tự như đã phân tích trên đây. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, so với giải pháp được đề xuất trong Dự thảo Luật Đầu tư, giải pháp quy định tại Luật Đầu tư 2020 rõ ràng hơn, hiệu quả hơn, phản ánh đúng bản chất của hoạt động chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hơn.
Trên đây là những phân tích và đánh giá về điểm mới trong Luật Đầu tư năm 2020 liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Những quy định mới này hiện đang được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong chọn lựa nhà đầu tư thực hiện dự án, giảm thiểu rủi ro, tạo ra môi trường pháp lý an toàn hơn cho các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư trong các dự án có sử dụng đất, qua đó phát huy tốt các nguồn lực và giúp thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam./.
CHÚ THÍCH
- Giảng viên Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.
- Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường, Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất: Thiếu thống nhất, link truy cập: https://baotainguyenmoitruong.vn/co-che-lua-chon-nha-dau-tu-du-an-co-su-dung-dat-thieu-thong-nhat- 231186.html , đăng ngày 09/05/2019, truy cập 28/3/2021.
- Khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020.
- Báo cáo Thuyết minh chi tiết Luật Đầu tư (sửa đổi) số 7869/BC-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 25/10/2019, tr.1;
- Báo cáo Thuyết minh chi tiết Luật Đầu tư (sửa đổi) số 7869/BC-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 25/10/2019, tr.26.
- Khoản 2 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
- Công văn số 324 /BKHĐT-PC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 20 tháng 01 năm 2021 v/v triển khai thi hành Luật Đầu tư.
- Khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
- Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.
- Báo điện tử Đấu thầu, Nguyệt Minh, Chưa rõ cơ chế giao đất, nhà đầu tư và Nhà nước cùng thiệt, đăng ngày 15/11/2019, truy cập ngày 28/3/2021, link truy cập: https://baodauthau.vn/chua-ro-co-che-giao-dat-nha-dau-tu-va- nha-nuoc-cung-thiet-post80763.html
- Khoản 8 Điều 33, Khoản 6 Điều 34 và Khoản 8 Điều 35 Luật Đầu tư năm 2014.
- Báo điện tử Đấu thầu, Nguyệt Minh, Chưa rõ cơ chế giao đất, nhà đầu tư và Nhà nước cùng thiệt, đăng ngày 15/11/2019, truy cập ngày 28/3/2021, link truy cập: https://baodauthau.vn/chua-ro-co-che-giao-dat-nha-dau-tu-va- nha-nuoc-cung-thiet-post80763.html.
- Công văn số 1647/BTNMT – PC ngày 10/4/2019 của Bộ TN&MT gửi Văn phòng chính phủ về việc trả lời kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ, truy cập ngày 31/3/2021 link truy cập: http://www.monre.gov.vn/VanBan/Lists/VanBanChiDao/Attachments/1955/1647-btnmt-pc_Signed.pdf.
- Báo điện tử Đấu thầu, Nguyệt Minh, Chưa rõ cơ chế giao đất, nhà đầu tư và Nhà nước cùng thiệt, đăng ngày 15/11/2019, truy cập ngày 28/3/2021, link truy cập: https://baodauthau.vn/chua-ro-co-che-giao-dat-nha-dau-tu-va- nha-nuoc-cung-thiet-post80763.html.
- Khánh An, “Vào cuộc gỡ nút thắt quy trình, thủ tục đầu tư”, Báo điện tử Đầu tư, đăng ngày 26/05/2020, link truy cập: https://baodautu.vn/vao-cuoc-go-nut-that-quy-trinh-thu-tuc-dau-tu-d122847.html, truy cập ngày 01/4/2021.
- VCCI, “Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh”, truy cập ngày 1/4/2021, link truy cập: http://vibonline.com.vn/wp-content/uploads/2020/02/VCCI-B%C3%A1o-c%C3%A1o- ch%E1%BB%93ng-ch%C3%A9o-PL-2019.12.26.pdf, tr.7 – 8.
- Khánh An, “Vào cuộc gỡ nút thắt quy trình, thủ tục đầu tư”, Báo điện tử Đầu tư, đăng ngày 26/05/2020, link truy cập: https://baodautu.vn/vao-cuoc-go-nut-that-quy-trinh-thu-tuc-dau-tu-d122847.html, truy cập ngày 01/4/2021.
- Báo cáo Thuyết minh chi tiết Luật Đầu tư (sửa đổi) số 7869/BC-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 25/10/2019, tr.26 – 28.
Trả lời